ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẬP LUẬN
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 5

Phẩm 1 – 3: PHẨM ĐẾ TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN

Sao gọi là diệt đế? Là tướng, là thậm thâm, là thế tục, là thắng nghĩa, là không viên mãn, là viên mãn, là không trang nghiêm, là trang nghiêm, là hữu dư, là vô dư, là tối thắng, là sai biệt phân biệt diệt đế.

Những gì là tướng? Nghĩa là chân như Thánh đạo phiền não không sinh. Như diệt y, như năng diệt, như diệt tính là tướng của diệt đế. Như Thế Tôn nói: Nhãn nhĩ cùng với tỹ thiệt thân cùng với ý nơi đây danh sắc rốt ráo diệt không sót. Lại nói: Cho nên các ngươi nay phải quán sát nơi đó. Như nơi đây nhãn rốt ráo diệt, xa lìa sắc tưởng, cho đến ý rốt ráo diệt xa lìa pháp tưởng. Do đạo lý này hiển thị sở duyên. Trên cảnh chân như pháp hữu lậu diệt, đó là tướng của diệt đế.

Thế nào là thậm thâm? Nghĩa là các hành của nó rốt ráo tịch diệt. Tịch diệt như vậy mà trông vọng các hành của nó thì không thể nói là khác, không thể nói là không khác, không thể nói là cũng khác cũng không khác, không thể nói chẳng phải khác chẳng phải không khác. Sở dĩ vì sao? Vì không hý luận. Ở trong nghĩa này nếu sinh hý luận thì chẳng phải chính tư nghị, phi đạo, phi như, cũng chẳng phải phương tiện tư duy khéo léo. Như Thế Tôn nói: Sáu xúc xứ đây hoàn toàn lìa dục, diệt, vắng lặng, mất v.v… nếu bảo là có khác, nếu bảo là không khác, nếu bảo là chẳng phải có khác chẳng phải không khác, thì đều là ở nơi không hý luận lại sinh hý luận. Cho đến 6 xứ có thể có các hý luận. Sáu xứ đã tuyệt diệt các hý luận tức là Niết-bàn.

Những gì là thế tục? Nghĩa là dùng thế gian đạo xô dẹp chủng tử được diệt. Cho nên Thế Tôn đặc biệt gọi đó là phần Niết-bàn.

Những gì là thắng nghĩa? Nghĩa là dùng Thánh tuệ vĩnh viễn nhổ bỏ chủng tử được diệt.

Những gì là không viên mãn? Là các hữu học, hoặc những gì có diệt ở trong quả dự lưu, hoặc ở trong quả nhất lai, hoặc ở trong quả bất hoàn v.v…

Những gì là viên mãn? Là những gì có diệt gồm trong quả các vô học A-la-hán.

Những gì là không trang nghiêm? Là những gì có diệt trong tuệ giải thoát A-la-hán.

Những gì là có trang nghiêm? Là những gì có diệt trong câu phần giải thoát, 3 minh 6 thông A-la-hán v.v… Những gì là hữu dư? Là hữu dư y diệt.

Những gì là vô dư? Là vô dư y diệt.

Những gì là tối thắng? Là những gì có diệt trong vô trụ Niếtbàn của Chư Phật Bồ-tát để thường an trụ trong việc lợi lạc tất cả hữu tình.

Những gì là sai biệt? Là vĩnh viễn đoạn trừ không sót, vĩnh viễn ra khỏi, vĩnh viễn nhổ bỏ, hết, lìa dục, diệt, vắng lặng, mất v.v…

Vì sao gọi là vĩnh viễn đoạn trừ không sót? Là do các câu sau. Vì sao gọi là vĩnh viễn ra khỏi? Là vì vĩnh viễn ra khỏi các trói buộc. Vì sao gọi là vĩnh viễn nhổ bỏ? Là vĩnh viễn nhổ bỏ các tùy miên. Vì sao gọi là hết? Là vì kiến đạo đối trị được lìa sự trói buộc. Vì sao gọi là lìa dục? Vì tu đạo đối trị được lìa sự trói buộc. Vì sao gọi là diệt? Vì về sau quả khổ không sinh. Vì sao gọi là vắng lặng? Vì ở trong hiện pháp quả kia tâm khổ vĩnh viễn không hiện hành. Vì sao gọi là mất? Vì các việc khác vĩnh viễn diệt mất. Vì sao cái diệt này lại gọi là vô vi? Vì lìa 3 tướng. Vì sao cái diệt này lại gọi là khó thấy? Vì vượt quá cảnh của nhục nhãn, thiên nhãn. Vì sao cái diệt này lại gọi là không chuyển? Vì vĩnh viển lìa sự chuyển đổi sai biệt của các thú. Vì sao cái diệt này lại gọi là không thấp hèn khuất phục? Vì lìa 3 ái. Vì sao cái diệt này lại gọi là cam lồ? Vì lìa uẩn ma. Vì sao cái diệt này lại gọi là vô lậu? Vì vĩnh viễn lìa tất cả phiền não ma. Vì sao cái diệt này lại gọi là nhà cửa? Vì là nơi nương tựa của những vui mừng vô tội. Vì sao cái diệt này lại gọi là cồn bãi? Vì cách tuyệt 3 cõi. Vì sao cái diệt này lại gọi là rộng cứu giúp? Vì có thể ngăn chận tất cả tai hoạn lớn. Vì sao cái diệt này lại gọi là quy y? Vì là nơi nương tựa các phương tiện ý lạc không hư dối. Vì sao cái diệt này lại gọi là thắng quy thú? Vì có thể làm chỗ sở y cho sự quy hướng đến Thánh tính tối thắng. Vì sao cái diệt này lại gọi là bất tử? Vì vĩnh viễn lìa sự sinh. Vì sao cái diệt này lại gọi là không nhiệt não? Vì vĩnh viễn lìa tất cả phiền não nóng bức, vĩnh viễn lìa tất cả sầu buồn khổ não. Vì sao cái diệt này lại gọi là an ổn? Vì là nơi nương tựa của sự lìa sợ hãi. Vì sao cái diệt này lại gọi là mát mẻ? Vì là nơi sở y của các sự lợi ích. Vì sao cái diệt này lại gọi là việc vui? Vì là cái vui đệ nhất nghĩa. Vì sao cái diệt này lại gọi là hướng đến chỗ tốt lành? Vì là chỗ sở y của phương tiện dễ tu chứng đắc. Vì sao cái diệt này lại gọi là không bệnh? Vì vĩnh viễn lìa tất cả bệnh chướng ngại. Vì sao cái diệt này lại gọi là bất động? Vì vĩnh viễn lìa tất cả tán động. Vì sao cái diệt này lại gọi là Niết-bàn? Vì là chỗ sở y của đại an lạc trụ vô tướng tịch diệt. Vì sao cái diệt này lại gọi là vô sinh? Vì lìa sự tiếp tục sinh. Vì sao cái diệt này lại gọi là vô khởi? Vì vĩnh viễn lìa sự sinh khởi về sau. Vì sao cái diệt này lại gọi là vô tạo? Vì vĩnh viễn lìa các nghiệp đời trước do thế lực phiền não dắt dẫn. Vì sao cái diệt này lại gọi là vô tác? Vì chỗ sở y của phiền não không làm các nghiệp hiện tại. Vì sao cái diệt này lại gọi là bất sinh? Vì vĩnh viễn lìa sự tương tục sinh đời sau.

Như vậy diệt đế tổng quát có 4 thứ hành tướng sai biệt. Đó là diệt tướng, tĩnh tướng, diệu tướng, ly tướng.

Thế nào là diệt tướng? Vì phiền não ly hệ. Thế nào là tĩnh tướng? Vì khổ ly hệ. Thế nào là diệu tướng? Vi an lạc tịch tĩnh. Thế nào là ly tướng? Vì thường làm việc lợi ích.

Sao gọi là đạo đế? Nghĩa là do đạo này nên biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo. Đó là nói sơ lược tướng của đạo đế. Đạo có 5 thứ, là tư lương đạo, gia hành đạo, kiến đạo, tu đạo và cứu cánh đạo.

Những gì là tư lương đạo? Nghĩa là các dị sinh có Thi-la, giữ gìn căn môn, ăn uống biết lượng, đầu hôm cuối đêm thường không ngủ nghỉ, siêng tu chỉ quán, trụ ở chính tri. Lại nữa nếu còn có dư thì tiến tập các thiện. Văn thành tuệ, tư thành tuệ tu thành tuệ. Tu tập như thế nên được thành khí tính sở y của hiện quán giải thoát.

Những gì là gia hành đạo? Nghĩa là có tư lương đạo đều là gia hành đạo. Hoặc có gia hành đạo chẳng phải tư lương đạo. Nghĩa là người đã chứa nhóm tư lương đạo thì có được thiện căn thuận quyết trạch phần là noãn pháp, đỉnh pháp, thuận đế nhẫn pháp, thế đệ nhất pháp.

Thế nào là noãn pháp? Là các nội chứng riêng biệt ở trong các đế, sáng tỏ được Tam-ma-địa Bát-nhã và các pháp tương ưng với nó.

Thế nào là đỉnh pháp? Là các nội chứng riêng biệt ở trong các đế, sáng tỏ tăng Tam-ma-địa Bát-nhã và các pháp tương ưng với nó.

Thế nào là thuận đế nhẫn pháp? Là các nội chứng riêng biệt ở trong các đế, một phần đã nhập tùy thuận Tam-ma-địa Bát-nhã và các pháp tương ưng với nó.

Thế nào là thế đệ nhất pháp? Là các nội chứng riêng biệt ở trong các đế, tâm vô gián Tam-ma-địa Bát-nhã và các pháp tương ưng với nó.

Những gì là kiến đạo? Nếu nói tổng quát là thế đệ nhất pháp, vô gián, vô sở đắc Tam-ma-địa Bát-nhã và các pháp tương ưng với nó. Lại nữa sở duyên, năng duyên, bình đẳng, bình đẳng trí là tướng của nó. Lại nữa khiển trừ các hữu tình giả, pháp giả riêng biệt, khiển trừ khắp 2 giả sở duyên pháp trí làm tướng. Nếu nói riêng về kiến đạo sai biệt thì đó là vô gián khổ pháp trí, nhẫn khỏ pháp trí, khổ loại trí, nhẫn khổ loại trí, tập pháp trí, nhẫn tập pháp trí, tập loại trí, nhẫn tập loại trí, diệt pháp trí, nhẫn diệt pháp trí, diệt loại trí, nhẫn diệt loại trí, đạo pháp trí, nhẫn đạo pháp trí, đạo loại trí, nhẫn đạo loại trí của thế đệ nhất pháp. Như vậy 16 trí nhẫn là tướng sai biệt của kiến đạo.

Thế nào là khổ? Nghĩa là khổ đế. Thế nào là khổ pháp? Nghĩa là khổ đế tăng thượng khởi lên giáo pháp. Thế nào là pháp trí? Là pháp trí quán sát đế tăng thượng trong gia hành đạo. Thế nào là trí nhẫn? Nghĩa là trước quán sát sức tăng thượng nên trong các biệt khổ đế khởi hiện chứng tuệ vô lậu. Do tuệ này nên vĩnh viễn xả bỏ kiến khổ, đoạn tất cả phiền não, cho nên gọi là khổ pháp trí nhẫn. Thế nào là khổ pháp trí? Nghĩa là nhẫn vô gián là do trí này. Ở trước có nói giải thoát phiền não mà được tác chứng, nên gọi là khổ pháp trí. Thế nào là khổ loại trí nhẫn? Nghĩa là khổ pháp trí vô gián sinh tuệ vô lậu, trong khổ pháp trí nhẫn và khổ pháp trí các biệt nội chứng nói các Thánh pháp sau đều là chủng loại này, cho nên gọi là khổ loại trí nhẫn. Thế nào là khổ loại trí? Nghĩa là cái vô gián này sinh trí vô lậu, thẩm định ấn khả khổ loại trí nhẫn, cho nên gọi là khổ loại trí. Như vậy trong các đế khác tùy chỗ thích ứng phải biết hết các nhẫn các trí.

Ở trong vị này do pháp nhẫn pháp trí giác ngộ sở thủ, do loại nhẫn loại trí giác ngộ năng thủ. Lại nữa trong tất cả nhẫn trí vị gọi là an trụ vô tướng quán, tức như vậy 16 tâm sát-na gọi là kiến đạo, trong trí sở tri cảnh sinh cứu cánh gọi là một sát-na.

Tất cả đạo đế do 4 thứ tương ưng tùy giác liễu. Đó là an lập, tư duy, chứng thụ và viên mãn.

Thế nào là an lập? Nghĩa là Thanh Văn v.v…tùy tự sở chứng đã được cứu cánh, vì muốn khiến người khác cũng hiểu rõ nên do hậu đắc trí dùng vô lượng thứ danh cú văn thân an lập đạo đế.

Thế nào là tư duy? Nghĩa là chính tu tập phương tiện hiện quán, dùng thế gian trí, như chỗ an lập tư duy tu tập.

Thế nào là chứng thụ? Nghĩa là như vậy tu tập nhiều lần đã được tự nội chứng thụ trước tiên kiến đạo chính xuất thế gian vô hý luận vị.

Thế nào là viên mãn? Nghĩa là sau vị này chuyển y viên mãn cho đến chứng được cứu cánh. Đã chứng đắc cứu cánh vị rồi, lại do hậu đắc trí dùng danh cú văn thân an lập đạo đế.

Như khế kinh nói: Viễn trần ly cấu, trong các pháp sinh chính pháp nhãn. Đó là y theo kiến đạo mà nói các pháp nhẫn có thể xa trần, các pháp trí có thể lìa cấu, biết khắp tất cả, vĩnh viễn đoạn trừ nên đạo được thanh tịnh.

Như khế kinh nói: Kiến pháp, đắc pháp, cực thông đạt pháp, cứu cánh kiên pháp, vượt qua tất cả sự mong chờ, nghi hoặc, không nhờ duyên khác. Với những gì Đại sư dạy, ngoài ra không có gì có thể lôi kéo. Ở trong các pháp được không sợ hãi. Đây cũng y theo kiến đạo mà nói. Kiến pháp, là các pháp nhẫn. Đắc pháp, là các pháp trí. Cực thông đạt pháp, là các loại nhẫn. Cứu cánh kiên pháp, là các loại trí. Vượt qua tất cả sự mong chờ, là do các nhẫn trí đối với tự sở chứng không lo âu mong chờ. Vượt qua tất cả nghi hoặc, là ở trong vị này không có do dự đối với tha sở chứng. Không nhờ duyên khác, là trong chỗ tu đạo không ai lôi kéo, tự nhiên thiện xảo. Ở trong sự giáo hóa của Đại sư, không có ai khác có thể lôi kéo, nghĩa là với Thánh giáo của Phật thì không bị tà đạo lôi kéo. Ở trong các pháp được không sợ hãi, là y nơi sở chứng, trong vấn ký pháp hoàn toàn không có tâm hèn kém khiếp sợ.

Những gì là tu đạo? Nghĩa là trên kiến đạo có thế gian đạo, xuất thế gian đạo, nhuyến đạo, trung đạo, thượng đạo, gia hành đạo, vô gián đạo, giải thoát đạo, thắng tiến đạo v.v… đều gọi là tu đạo.

Thế nào là thế gian đạo? Là thế gian sơ tĩnh lự, đệ nhị tĩnh lự, đệ tam tĩnh lự, đệ tứ tĩnh lự, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy tĩnh lự vô sắc do 4 thứ tướng, phải rộng phân biệt. Đó là tạp nhiễm, thanh bạch, kiến lập, thanh tịnh.

Những gì là tạp nhiễm? Là 4 thứ vô ký căn: 1 . Ái. 2. kiến. 3. Mạn. 4. Vô minh. Do có ái nên trên mùi vị của nó tĩnh lự bị nhiễm tạp nhiễm. Do có kiến nên trên kiến, tĩnh lự bị nhiễm tạp nhiễm. Do có mạn nên trên mạn, tĩnh lự bị nhiễm tạp nhiễm. Do vô minh nên trên nghi, tĩnh lự bị nhiễm tạp nhiễm. Như vậy phiền não hằng nhiễm tâm ấy khiến phiền não, tùy phiền não của Sắc, Vô sắc giới liên tục lưu chuyển.

Những gì là thanh bạch? Là tịnh tĩnh lự vô sắc. Do tính nó thiện nên gọi là thanh bạch.

Những gì là kiến lập? Có 4 thứ kiến lập là chi phần kiến lập, đẳng chí kiến lập, phẩm loại kiến lập, và danh tưởng kiến lập.

Thế nào là chi phần kiến lập? Nghĩa là sơ tĩnh lự có 5 chi. Những gì là 5? 1. Tầm. 2. Tứ. 3. Hỷ. 4. Lạc. 5. Tâm nhất cảnh tính. Đệ nhị tĩnh lừ có 4 chi. Những gì là 4? 1. Nội đẳng tịnh. 2. Hỷ. 3. Lạc. 4. Tâm nhất cảnh tính. Đệ tam tĩnh lự có 5 chi. Những gì là 5? 1. Xả. 2. Niệm. 3. Chính tri. 4. Lạc. 5. Tâm nhất cảnh tính. Đệ tứ tĩnh lự có 4 chi. Những gì là 4? 1. Xả thanh tịnh. 2. Niệm thanh tịnh. 3.

Bất khổ bất lạc thụ. 4. Tâm nhất cảnh tính. Đối trị chi, lợi ích chi, 2 cái đó là sở y của tự tính chi cho nên trong các Vô sắc không lập chi phần, vì tính của Xa-ma-tha chỉ có một mùi vị.

Những gì là đẳng chí kiến lập? Nghĩa là do 7 thứ tác ý chứng nhập sơ tĩnh lự. Như vậy cho đến phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Những gì là 7 thứ tác ý? Là liễu tướng tác ý, thắng giải tác ý, viễn ly tác ý, nhiếp lạc tác ý, quán sát tác ý, gia hành cứu cánh tác ý, gia hành cứu cánh quả tác ý.

Thế nào là phẩm loại kiến lập? Nghĩa là sơ tĩnh lự đủ nhuyến trung thượng 3 phẩm huân tu. Giồng như sơ tĩnh lự, các tĩnh lự khác và 3 phẩm huân tu của Vô sắc cũng vậy. Do nhuyến trung thượng phẩm huân tu sơ tĩnh lự, cho nên trong sơ tĩnh lự lại sinh 3 thứ dị thục. Giống như sơ tĩnh lự, ở trong các tĩnh lự khác hoặc huân tu, hoặc sinh quả cũng đều có 3 phẩm như vậy. Ở trong Vô sắc giới, vì không có xứ sở riêng biệt nên không lập xứ sở sinh quả sai biệt. Nhưng do 3 phẩm huân tu Vô sắc định, cho nên khi dị thục kia sinh có cao có thấp có kém có hơn.

Thế nào là danh tưởng kiến lập? Nghĩa là gồm trong định của sơ tĩnh lự, chư Phật Thế Tôn và Bồ-tát Ma-ha-tát được đại oai đức cứu cánh nhập Tam-ma-địa. Tam-ma-địa ấy tất cả Thanh Văn và Độc Giác còn chưa biết được tên huống chi là biết số, huống chi là chứng nhập. Giống như gồm trong định ở sơ tĩnh lự, trong định ở các tĩnh lự khác và Vô sắc cũng vậy. Như vậy những gì đã nói đều y vào tĩnh lự Ba-la-mât-đa.

Những gì là thanh tịnh? Nghĩa là định cùng tột trong sơ tĩnh lự, cho đến định cùng tột trong phi tưởng phi phi tưởng xứ gọi là thanh tịnh.

Thế nào là xuất thế đạo? Nghĩa là trong tu đạo, pháp trí, loại trí phẩm bao gồm khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí và các Tam-mađịa tương ưng với chúng v.v… Hoặc gồm trong trạng thái chưa tới định, hoặc gồm trong sơ tĩnh lự cho đến vô sở hữu xứ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ chỉ là thế gian, cái tưởng không minh liễu hằng hiện tiền nên do đạo lý này gọi là vô tưởng. Như Thế Tôn nói: Cho đến hữu tưởng Tam-ma-bát-để mới có thể như thật chiếu liễu thông đạt. Diệt định cũng gồm trong xuất thế gian do chứng đắc sau Thánh đạo. Cho nên phải ở trong cõi người mới có thể dẫn phát. Hoặc ở cõi người hoặc ở Sắc giới có thể hiện tiền, còn sinh Vô sắc giới phần nhiều không hiện khởi. Bởi trụ ở tịch tĩnh giải thoát dị thục thì diệt định này phần nhiều không phát khởi vì cần là phương tiện.

Thế nào là nhuyến đạo? Là nhuyến nhuyến, nhuyến trung, nhuyến thượng phẩm đạo. Do đạo này nên có thể xả bỏ 3 phẩm phiền não là thượng thượng, thượng trung, thượng hạ trong mỗi địa, trói buộc trong 3 cõi.

Thế nào là trung đạo? Là trung nhuyến, trung trung, trung thượng phẩm đạo. Do đạo này nên có thể xả bỏ 3 phẩm phiền não trong mỗi địa là trung thượng, trung trung, trung nhuyến, trói buộc trong 3 cõi.

Thế nào là thượng đạo? Là thượng nhuyến, thượng trung, thượng thượng phẩm đạo. Do đạo này nên có thể xả bỏ 3 phẩm phiền não trong mỗi địa là nhuyến thượng, nhuyến trung, nhuyến nhuyến, trói buộc trong 3 cõi.

Thế nào là gia hành đạo? Nghĩa là do đạo này có thể xả phiền não. Đó gọi là gia hành đạo trong tu đạo.

Thế nào là vô gián đạo? Nghĩa là do đạo này vô gián vĩnh đoạn phiền não không sót.

Thế nào là giải thoát đạo? Nghĩa là do đạo này chứng, đoạn phiền não, được giải thoát.

Thế nào là thắng tiến đạo? Nghĩa là để đoạn trừ dư phẩm phiền não mà có các gia hành vô gián giải thoát đạo. Đó gọi là thắng tiến đạo. Lại nữa hoặc xả bỏ đoạn phiền não gia hành, hoặc siêng năng phương tiện tư duy các pháp, hoặc siêng năng phương tiện an trụ các pháp, hoặc tiến tu các Tam-ma-bát-để, các đạo, gọi là thắng tiến đạo. Lại nữa để dẫn phát thắng phẩm công đức, hoặc lại an trụ các đạo đã có, gọi là thắng tiến đạo.

Lại nữa thế nào là tu các đạo như vậy? Nghĩa là đắc tu, tập tu, trừ khử tu, đối trị tu. Đắc tu, là chưa sinh thiện pháp thì tu tập khiến sinh. Tập tu, là đã sinh thiện pháp thì tu khiến kiên trụ không quên lại thêm tăng thêm rộng. Trừ khử tu, là đã sinh ác bất thiện pháp thì tu khiến vĩnh đoạn. Đối trị tu, là chưa sinh ác bất thiện pháp thì tu khiến không sinh. Lại nữa khi đạo sinh có thể an lập tập khí của mình, gọi là đắc tu. Tức là đạo này hiện tiền tu tập, gọi là tập tu. Tức là khi đạo này hiện tại tiền có thể xả bỏ chướng của mình, gọi là trừ khử tu. Tức đạo này đã xả bỏ tự chướng khiến nó vị lai trụ nơi pháp không sinh, gọi là đối trị tu. Lại có 4 thứ đối trị gọi là đối trị tu. Đó là yếm hoại đối trị, đoạn đối trị, trì đối trị và viễn phần đối trị. Thế nào là yếm hoại đối trị? Là trong các hành hữu lậu thấy nhiều tội lỗi. Thế nào là đoạn đối trị? Là gia hành đạo và vô gián đạo. Thế nào là trì đối trị? Là giải thoát đạo. Thế nào là viễn phần đối trị? Là các đạo từ đó về sau.

Lại nữa đạo có 11 thứ sai biệt. Đó là quán sát sự đạo, cần công dụng đạo, tu trị định đạo, hiện quán phương tiện đạo, thân cận hiện quán đạo, hiện quán đạo, thanh tịnh xuất ly đạo, y căn sai biệt đạo, tịnh tu tam học đạo, phát các công đức đạo, gồm khắp các đạo. Như vậy các đạo tùy theo thứ tự gọi là 37 pháp Bồ-đề phần, 4 thứ chính hành, 4 thứ pháp tích, Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na, 3 vô lậu căn.

Trong đó tất cả pháp Bồ-đề phần đều do 5 môn mà được thành lập, là sở duyên, tự thể, trợ bạn, tu tập và tu quả.

Sở duyên của 4 niệm trụ là thân thụ tâm pháp. Lại có 4 sự là ngã sở y sự, ngã thụ dụng sự, ngã tự thể sự và ngã nhiễm tịnh sự. Tự thể, là tuệ và niệm. Trợ bạn, là các tâm tâm sở tương ưng với nó. Tu tập, là trong nội thân v.v… tu tuần thân các quán. Giống như ở trong, ở ngoài, trong ngoài cũng vậy. Nội thân, là các nội sắc xứ trong thân này. Ngoại thân, là các ngoại sắc xứ bên ngoài. Trong ngoài thân, là các căn ở ngoại xứ làm sở y cho các tương ưng trong nội xứ. Lại nữa có các nội sắc xứ trong tha thân.

Thế nào là tu tuần thân quán nơi thân? Nghĩa là đem cái thân ảnh tượng phân biệt, bình đẳng tùy quán với cái thân bản chất. Nội thụ, là nhân nội thân sinh thụ. Ngoại thụ, là nội ngoại thân sinh thụ. Nội ngoại thụ, là nhân nội ngoại thân sinh thụ. Giống như thụ, tâm và pháp cũng vậy. Giống như tu tuần thân quán đối với thân, tu tuần thụ v.v… các quán đối với thụ v.v… cũng vậy, theo thích ứng của nó. Lại nữa, tu tập là dục, cần, sách, lệ, dũng mãnh, không thôi nghỉ, chính niệm, chính tri và không phóng dật, các tu tập sai biệt. Dục tu tập, là để đối trị tùy phiền não bất tác ý. Cần tu tập, là để đối trị tùy phiền não giải đãi. Sách tu tập, là để đối trị tùy phiền não hôn trầm và trạo cử. Lệ tu tập, là để đối trị tùy phiền não tâm hạ liệt tính. Dũng mãnh tu tập, là để đối trị tùy phiền não sơ sót mệt mỏi. Tu tập không thôi nghỉ, là để đối trị tùy phiền não là được một ít thiện pháp thì sinh vui mừng cho là đủ. Tu tập chính niệm, là để đối trị tùy phiền não quên mất những giáo huấn tôn quý. Tu tập chính tri, là để đối trị tùy phiền não hủy phạm, truy hối. Tu tập không phóng dật, là để đối trị tùy phiền não xả bỏ các thiện coi như cái ách nặng. Tu quả, là đoạn dứt 4 điên đảo, nhập vào 4 đế thân đẳng ly hệ.

Sở duyên của 4 chính đoạn là pháp đã sinh, chưa sinh, sở trị và năng trị. Tự thể, là tinh tiến. Trợ bạn, là các tâm tâm sở tương ưng với nó. Tu tập, là như khế kinh nói: Sinh, dục, sách, lệ, phát khởi, chính cần, sách tâm, trì tâm. Trong đây các câu hiển thị tu chính cần và sở y chỉ. Sở y chỉ là dục. Chính cần là sách lệ v.v… Ở trong chỉ cử xả tướng tác ý, bị dục làm tổn giảm hôn trần trạo cử, phát khởi chính cần cho nên tiếp nói sách tâm trì tâm. Tu quả, là xả bỏ hết tất cả sở trị, với năng đối trị hoặc được hoặc tăng, gọi là tu quả.

Sở duyên của 4 thần túc, là đã thành tựu viên mãn những việc do định sở tác. Tự thể, là Tam-ma-địa. Trợ bạn, là quán dục, cần, tâm và tâm tâm sở tương ưng với chúng.

Thế nào là dục Tam-ma-địa? Là ân trọng phương tiện, xúc tâm một cảnh tính. Thế nào là cần Tam-ma-địa? Là do vô gián phương tiện, xúc tâm một cảnh tính. Thế nào là tâm Tam-ma-địa? Là do trước tu sức Tam-ma-địa, xúc tâm một cảnh tính. Thế nào là quán Tam-mađia? Là do nghe giáo pháp từ người khác, trong tự lựa chọn, xúc tâm một cảnh tính. Lại nữa dục Tam-ma-địa, là do sách lệ phát khởi chính cần, xúc tâm một cảnh tính. Tâm Tam-ma-địa, là do trì tâm, xúc tâm một cảnh tính. Tu tập, là nhiều lần thường xuyên tu tập 8 thứ đoạn hành. Những gì là 8? Là dục, tinh tiến, tín, an, chính niệm, chính tri, tư và xả. Như vậy 8 thứ lược lại có 4 là gia hành, nhiếp thụ, kế thuộc và đối trị.

Lại nữa, dục, cần, tâm, có 2 thứ tu quán. Đó là tu viễn ly cả hai nhân duyên tụ tán, và tu tùy thuận hai sở y bất liệt bất tán. Tu quả, là đã khéo tu trị Tam-ma-địa nên chứng tùy sở dục, phát được thông đạt liền có thể tùy tâm thông đạt mà biến hiện. Lại nữa, trong pháp chứng đắc ở các xứ sở riêng biệt có thể có tác dụng tự tại, tùy sở nguyện có thể làm các thứ thần thông, lại có thể dẫn phát thắng phẩm công đức.

Sở duyên của 5 căn là 4 Thánh đế. Tự thể, là tín, tinh tiến, niệm, định, và tuệ. Trợ bạn, là các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Tu tập tín căn là trong các đế có thể khởi nhẫn. Tu tập tinh tiến căn là trong các đế có thể khởi nhẫn rồi, để giác ngộ nên khởi hành tinh tiến. Tu tập niệm căn là trong các đế phát tinh tiến rồi, buộc niệm khởi hành không quên mất. Tu tập định căn là trong các đế đã buộc niệm rồi khởi tâm hành một cảnh tính. Tu tập tuệ căn là trong các đế tâm đã được định, khởi hành lựa chọn tu tập. Tu quả, là có khả năng mau phát đế hiện quán và có khả năng tu trị noãn đỉnh, dẫn phát thế đệ nhất pháp. Giống như 5 căn, 5 lực cũng vậy. Chỗ khác nhau là do đây có khả năng làm tổn giảm sở đối trị chướng. Không thể khuất phục nên gọi là lực.

Sở duyên của 7 giác chi là tính như thật của 4 Thánh đế. Tự thể, là niệm, trạch pháp, tinh tiến, hỷ, an, định, và xả. Niệm là sở y chi. Trạch pháp là tự thể chi. Tinh tiến là xuất ly chi. Hỷ là lợi ích chi. An, định, xả là bất nhiễm ô chi. Do đây không nhiễm ô, nên y chỉ không nhiễm ô, vì thể của nó là không nhiễm ô. Trợ bạn, là các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Tu tập, là y chỉ viễn ly, y chỉ vô dục, y chỉ tịch diệt, hồi hướng xả bỏ tu niệm giác chi. Giống như niệm giác chi, cho đến xả giác chi cũng vậy. Như vậy 4 câu lần lượt hiển thị sự duyên cảnh 4 đế tu tập giác chi. Tu quả, là vĩnh viễn đoạn trừ phiền não kiến sở đoạn.

Sở duyên của 8 Thánh đạo chi là tính như thật của 4 Thánh đạo ngay sau đó. Tự thể, là chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm, và chính định. Chính kiến là phân biệt chi. Chính tư duy là hối thị tha chi. Chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng là linh tha tín chi, vì tính của kiến, giới, mạng thanh tịnh. Chính tinh tiến là tịnh phiền não chướng chi. Chính niệm là tịnh tùy phiền não chướng chi. Chính định là có khả năng tịnh tối thắng công đức chướng chi. Trợ bạn, là các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Tu tập, là giống như đã nói trong giác chi. Tu quả, là phân biệt, giáo hối dạy bày người khác, khiến người khác tin, làm sạch các phiền não chướng, làm sạch các tùy phiền não chướng, làm sạch các chướng ngại của công đức tối thắng.

Bốn thứ chính hành là con đường khổ chậm, con đường khổ nhanh, con đường vui chậm, và con đường vui nhanh. Cái đầu tiên là độn căn chưa được căn bản tĩnh lự. Cái thứ hai là lợi căn chưa được căn bản tĩnh lự. Cái thứ ba là độn căn đã được căn bản tĩnh lự. Cái thứ tư là lợi căn đã được căn bản tĩnh lự.

Bốn thứ pháp tích là không tham, không sân, chính niệm và chính định. Không tham không sân có thể khiến tăng thượng giới học thanh tịnh. Chính niệm có thể khiến tăng thượng tâm học thanh tịnh. Chính định có thể khiến tuệ học thanh tịnh. Xa-ma-tha, là trong giữ nhiếp tâm khiến trụ đẳng trụ, an trụ, cận trụ, điều thuận tịch tĩnh, tối cực tịch tĩnh, chuyên chú gìn giữ một hướng bình đẳng. Tì-bát-xána, là chọn lựa các pháp. Lựa chọn triệt để, tìm kiếm suy tư khắp cả, quán sát chu đáo để đối trị tướng thô trọng phiền não, để chế phục các điên đảo, khiến tâm khéo an trụ không điên đảo.

Lại nữa y vào Xa-ma-tha, Tì-bát-xá-na lập 4 thứ đạo. Hoặc có một loại đã được Xa-ma-tha mà không phải Tì-bát-xá-na. Loại này dựa vào Xa-ma-tha tiến tu Tì-bát-xá-na. Hoặc có một loại đã được Tì-bát-xá-na mà không phải Xa-ma-tha. Loại này dựa vào Tì-bát-xána tiến tu Xa-ma-tha. Hoặc có một loại không được Xa-ma-tha cũng không phải Tì-bát-xá-na. Loại này chuyên tâm chế phục hôn trầm, trạo cử, tu song song cả 2 đạo. Hoặc có một loại đã được Xa-ma-tha và Tì-bát-xá-na. Loại này Xa-ma-tha và Tì-bát-xá-na 2 đạo hòa hợp bình đẳng chuyên tu song song nhau.

Ba căn, là vị tri đương tri căn, dĩ tri căn và cụ tri căn. Thế nào là vị tri đương tri căn? Là các căn nơi gia hành đạo và trong 15 tâm sát-na nơi kiến đạo. Thế nào là dĩ tri căn? Là từ tâm sát-na thứ 16 trở lên nơi kiến đạo. Đó là các căn trong tất cả hữu học đạo. Thế nào là cụ tri căn? Là căc căn trong vô học đạo.

Y vào sơ tĩnh lự địa, khi hiện tu đạo cũng tu các thiện căn Dục giới hệ, vì nơi đó được tự tại. Giống như y sơ tĩnh lự địa tu Dục giới thiện căn, cũng vậy y tất cả thượng địa khi hiện tu đạo đều có thể tu tập các thiện căn của hạ giới hạ địa, vì nơi đó được tự tại.

Những gì là cứu cánh đạo? Là dựa vào Kim cương dụ định, tất cả thô trọng vĩnh viễn đã dứt, tất cả hệ đắc đã vĩnh đoạn, vĩnh viễn chứng tất cả ly hệ đắc. Từ đây lần lượt vô gián chuyển y, chứng được tận trí và vô sinh trí, 10 pháp vô học v.v… Những gì là 10? Là vô học chính kiến, cho đến vô học chính định, vô học chính giải thoát, vô học chính trí. Tất cả các pháp đó gọi là cứu cánh đạo.

Thế nào là tất cả thô trọng? Nói sơ lược có 24 thứ. Đó là tất cả biến hành hý luận thô trọng, lãnh thụ thô trọng, phiền não thô trọng, nghiệp thô trọng, dị thục thô trọng, phiền não chướng thô trọng, nghiệp chướng thô trọng, dị thục chướng thô trọng, cái thô trọng, tầm tư thô trọng, ăn uống thô trọng, giao hợp thô trọng, chiêm bao thô trọng, bệnh thô trọng, già thô trọng, chết thô trọng, mệt nhọc thô trọng, cứng cỏi thô trọng, thô thô trọng, vừa thô trọng, nhỏ thô trọng, phiền não chướng thô trọng, định chướng thô trọng, và sở tri chướng thô trọng.

Thế nào là hệ đắc? Nghĩa là đối với sự tích tập thô trọng, giả lập tính hệ đắc.

Thế nào là ly hệ đắc? Nghĩa là đối với sự lìa tan các thô trọng, giả lập tính ly hệ đắc.

Thế nào là Kim cương dụ định? Là Tam-ma-địa ở tu đạo vị tối hậu đoạn kết đạo vị, hoặc gồm trong gia hành đạo, hoặc gồm trong vô gián đạo. Gồm trong gia hành đạo là từ đây trở đi không phải tất cả chướng có thể cản trở, có thể phá tất cả chướng. Gồm trong vô gián đạo là từ đây sinh vô gián tận trí, vô sinh trí. Lại nữa, Tam-mađịa này vô gián kiên cố, một mùi vị biến khắp. Để hiển thị nghĩa này Bạc-gìa-phạm có nói: Như một khối đá núi lớn không mẻ không nứt không có lỗ, hoàn toàn hoàn hảo, gió mạnh 10 phương không làm lay chuyển.

Thế nào là vô gián chuyển y? Là người đã chứng được vô học đạo có 3 thứ chuyển y. Những gì là 3? Là Tâm chuyển y, đạo chuyển y và thô trọng chuyển y.

Thế nào là tận trí? Là do nhân tận được trí. Hoặc duyên tận làm cảnh.

Thế nào là vô sinh trí? Là do quả đoạn được trí. Hoặc duyên quả không sinh làm cảnh.

Phải biết 10 vô học pháp là y chỉ vô học giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn mà nói.

Như vậy đạo đế nói chung có 4 thứ hành tướng sai biệt là đạo tướng, như tướng, hành tướng, và xuất tướng.

Thế nào là đạo tướng? Là nhân đây tìm cầu nghĩa chân thật. Thế nào là như tướng? Là vì có thể đối trị các phiền não. Thế nào là hành tướng? Là khéo thành tựu tâm khiến không điên đảo. Thế nào là xuất tướng? Là đến chỗ chân thường. Trong các đế 16 hành tướng đều thông thế gian và xuất thế gian. Thế gian và xuất thế gian có gì sai biệt? Sai biệt về tính không khéo ngộ nhập và khéo ngộ nhập cảnh sở tri. Sai biệt về tính có chướng và không chướng. sai biệt về tính có phân biệt và không phân biệt. Sở dĩ vì sao? Vì trong các đế vô thường, khổ v.v… 16 hành tướng thế gian không khéo thông đạt tính chân như, phiền não tùy miên, dựa vào danh ngôn môn khởi hý luận. Xuất thế hành tướng trái với đây. Xuất thế hành tướng khi hiện tiền, tuy là hiện chứng thấy nghĩa vô thường, nhưng không dựa vào danh ngôn hý luận môn thấy đây là nghĩa vô thường. Giống như hành tướng vô thường đối với nghĩa của vô thường, các hành tướng khác đối với các nghĩa khác tùy theo thích ứng cũng như vậy.

HẾT QUYỂN 5

Pages: 1 2 3 4 5 6 7