ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẬP LUẬN
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 4
Phẩm 1 – 2: PHẨM ĐẾ TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN
Sao gọi là tập đế? Là các phiền não và phiền não tăng thượng sinh các nghiệp đều gọi chung là tập đế. Nhưng Bạc-già-phạm tùy nghĩa tối thắng mà nói nào ái, nào hậu hữu ái, nào hỷ tham câu hành ái, nào các hỷ lạc ái đều gọi là tập đế. Nói tối thắng là nghĩa của biến hành. Bởi ái có đủ 6 nghĩa của biến hành cho nên là tối thắng.
Những gì là 6? 1. Sự biến hành. 2. Vị biến hành. 3. Thế biến hành. 4. Giới biến hành. 5. Cầu biến hành. 6. Chủng biến hành.
Thế nào là phiền não? Là do số, tướng, duyên khởi, cảnh giới, tương ưng, sai biệt, tà hạnh, giới, chúng, đoạn quán các phiền não.
Những gì là số? Là 6 hoặc 16, tức là tham, sân, mạn, vô minh, nghi, kiến 10, nghĩa là 5 kiến trước lại chia 5, đó là Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.
Những gì là tướng? Là khi pháp sinh khởi thì tướng không tịch tĩnh, do sinh này nên thân tâm liên tục chuyển không tịch tĩnh. Đó là tướng của phiền não.
Những gì là duyên khởi? Là vì phiền não tùy miên chưa vĩnh đoạn nên thuận theo pháp phiền não hiện tiền, tư duy bất chính hiện tiền khởi, do đó mới sinh phiền não. Đó gọi là duyên khởi.
Những gì là cảnh giới? Là tất cả phiền não trở lại lấy tất cả phiền não làm cảnh sở duyên và duyên các việc phiền não. Lại nữa phiền não của Dục giới trừ vô minh, kiến, nghi, ngoài ra không thể duyên thượng địa làm cảnh. Các phiền não thượng địa không thể duyên hạ địa làm cảnh vì đã lìa cái dục của địa ấy rồi. Lại nữa các phiền não duyên diệt đạo đế, không thể tự thân duyên diệt đạo làm cảnh. Chỉ do dựa vào đó vọng khởi phân biệt nói là sở duyên. Lại nữa, phiền não có 2 thứ là duyên vô sự và duyên hữu sự. Duyên vô sự là kiến và pháp tương ưng với kiến, còn các phiền não khác gọi là duyên hữu sự.
Những gì là tương ưng? Là tham thì không tương ưng với sân. Giống như sân, nghi cũng vậy. Ngoài ra tất cả đều tương ưng được. Giống như tham, sân cũng vậy, nghĩa là sân không cùng tương ưng với tham, mạn, kiến. Mạn không cùng tương ưng với sân, nghi. Vô minh có 2 thứ một là vô minh tương ưng với tất cả phiền não, hai là vô minh không chung. Vô minh không chung là không có trí tuệ đối với đế lý. Kiến không cùng tương ưng với sân, nghi. Nghi không cùng tương ưng với tham, mạn. Phẫn v.v… các tùy phiền não không tương ưng lẫn nhau. Vô tàm, vô quý hằng cùng tương ưng trong tất cả phẩm bất thiện. Hôn trầm, trạo cử, bất tín, giải đãi, phóng dật hằng cùng tương ưng trong tất cả phẩm nhiễm ô.
Những gì là sai biệt? Là các phiền não dựa vào các nghĩa khác nhau lập ra các môn sai biệt khác nhau. Như kết, phược, tùy miên, tùy phiền não, triền, bạo lưu, ách, thủ, cái, chu ngột, cấu, thiêu hại, tiễn, sở hữu, ác hành, lậu, quỹ, nhiệt, não, tránh, xí nhiên, trù lâm, câu ngại v.v…
Kết có mấy thứ? Thế nào là kết? Kết ở đâu? Kết có 9 thứ là: ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, thủ kết, nghi kết, tật kết, xan kết.
Ái kết là, tham ái 3 cõi kết buộc nên không chán 3 cõi. Do không chán nên rộng làm điều bất thiện không làm các điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Sân kết là, đối với khổ và và pháp thuận với khổ có tâm làm tổn hại hữu tình. Do sân kết trói buộc nên đối với cảnh tướng của sân tâm không lìa bỏ. Vì không bỏ nên rộng làm các điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó có thể chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Mạn kết là 7 mạn, tức mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, hạ liệt mạn, tà mạn.
Mạn là đối với hạng hạ liệt chấp cho mình là hơn, hoặc với hạng không bằng chấp cho mình là bằng, tâm cao cử làm tính. Quá mạn là đối với hạng bằng mình thì chấp cho mình là hơn, hoặc với kẻ hơn mình thì cháp cho mình là bằng, tâm cao cử làm tính. Mạn quá mạn là với kẻ hơn mình thì chấp cho mình là hơn, tâm cao cử làm tính. Ngã mạn là trong 5 thủ uẩn quán ngã ngã sở, tâm cao cử làm tính. Tăng thượng mạn là chưa được chứng pháp thượng thắng cho là mình đã được chứng pháp thượng thắng, tâm cao cử làm tính. Hạ liệt mạn là mình được nhiều phần thắng cho là chỉ một ít phần thắng, tâm cử làm tính. Tà mạn là thật không có đức cho là mình có đức, tâm cử làm tính. Mạn kết trói buộc nên không thể hiểu rõ ngã ngã sở, không hiểu rõ nên chấp ngã ngã sở, rộng làm điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Vô minh kết là vô trí vô minh trói buộc trong 3 cõi nên không thể hiểu rõ khổ pháp tập pháp, không hiểu rõ nên rộng làm điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Kiến kết là 3 kiến, tức Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, tà kiến. Kiết kết trói buộc nên đối với sự xuất ly tà kiến thì vọng chấp tìm cầu hưng khởi chấp trước, đối với tà xuất ly mà vọng chấp rồi thì rộng làm điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Thủ kết là kiến thủ, giới cấm thủ. Thủ kết trói buộc nên mê vọng chấp trước đối với phương tiện tà xuất ly. Do mê vọng chấp trước phương tiện tà xuất ly nên rộng làm điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Nghi kết là do dự đối với đế lý. Nghi kết trói buộc nên đối với Phật pháp tăng bảo sinh nghi hoặc, do nghi hoặc nên đối với Tam Bảo không tu chính hạnh, do đối với Tam Bảo không tu chính hạnh nên rộng làm các điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Tật kết là đắm trước lợi dưỡng, không chịu được sự vinh hiển của người khác mà sinh tâm đố kỵ. Tật đố trói buộc nên ái trọng lợi dưỡng không tôn kính pháp, trọng lợi dưỡng nên rộng làm điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Xan kết là đắm trước lợi dưỡng, đối với những phương tiện sinh sống thì tâm keo kiệt. Xan kết trói buộc nên ái trọng chứa để không xa lìa sự chứa để nên rộng làm các điều bất thiện không làm điều thiện. Do đó chiêu cảm khổ đời vị lai và tương ưng với khổ.
Phược có 3 thứ là tham phược sân phược si phược. Do tham phược nên trói buộc các hữu tình khiến ở nơi hoại khổ. Do sân phược nên trói các hữu tình khiến ở nơi khổ khổ. Do si phược nên trói các hữu tình khiến ở nơi hành khổ. Lại dựa vào tham sân si nên nên đối với thiện gia hành không được tự tại nên gọi là phược.
Tùy miên có 7. Đó là dục ái tùy miên, sân nhuế tùy miên, hữu ái tùy miên, mạn tùy miên, vô minh tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên.
Dục ái tùy miên là tham phẩm thô trọng của Dục giới. Sân nhuế tùy miên là sân nhuế phẩm thô trọng. Hữu ái tùy miên là tham phẩm thô trọng của Sắc, Vô sắc giới. Mạn tùy miên là mạn phẩm thô trọng. Vô minh tùy miên là vô minh phẩm thô trọng. Kiến tùy miên là kiến phẩm thô trọng. Nghi tùy miên là nghi phẩm thô trọng. Người chư ly dục cầu thì do dục ái sân nhuế tùy miên tùy tăng. Người chưa ly hữu cầu thì do hữu ái tùy miên tùy tăng. Người chưa ly tà Phạm hạnh cầu thì do mạn, vô minh, kiến, nghi tùy miên tùy tăng. Do chúng sinh kia được một ít đối trị liền sinh kiêu mạn, ngu đối với Thánh đế hư vọng chấp trước tà giải thoát và phương tiện giải thoát của ngoại đạo, do dự nghi hoặc Tì-nại-da chính pháp Phật dạy.
Tùy phiền não là, tất cả phiền não đều là tùy phiền não. Có tùy phiền não chẳng phải phiền não, nghĩa là trừ phiền não, tất cả tâm sở pháp trong các hành uẩn nhiễm ô khác.
Đây là thế nào? Nghĩa là trừ tham v.v… 6 phiền não, ngoài ra là các tâm sở pháp như phẫn v.v… trong hành uẩn nhiễm ô.
Lại nữa tham sân si là tùy phiền não, tâm sở pháp do tùy phiền não này theo não loạn tâm khiến không lìa nhiễm, khiến không giải thoát, khiến không đoạn chướng nên gọi là tùy phiền não. Như Thế Tôn nói: Các ngươi đêm dài bị tham sân si theo não loạn tâm hằng nhiễm ô.
Triền có 8 thứ là hôn trầm, thùy miên, trạo cử, ố tác, tật, xan, vô tàm, vô quý. Vì thường xuyên tăng thịnh vây trói trong tâm nên gọi là triền. Nghĩa là tùy theo sự tu tập nó ngăn chận tướng cử xả, và khi dựa vào Phạm hạnh nhiếp trì tịnh Thi-la thì vây nhiễu trói buộc nơi tâm.
Bạo lưu có 4 là dục bạo lưu, hữu bạo lưu, kiến bạo lưu, vô minh bạo lưu. Theo dòng trôi dạt là nghĩa của bạo lưu vì tùy thuận theo tạp nhiễm. Đầu tiên là người cầu tập dục cầu, thứ hai là người tập hữu cầu. Hai cái sau là người tập tà Phạm hạnh vì đạo lý tương ưng năng y sở y.
Ách có 4 thứ là dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách. Chướng ngại ly hệ là nghĩa của ách, vì trái nghịch thanh tịnh. Đây cũng tùy theo thứ tự, người tập 3 cầu tương ưng hiện hành.
Thủ có 4 thứ là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Chấp thủ tránh căn, chấp thủ hậu hữu là nghĩa của thủ. Sở dĩ vì sao? Do tham đắm dục trói buộc đam nhiễm làm nhân. Những người tại gia còn đấu tranh nhau, căn nguyên của đấu tranh này vốn là cái thủ thứ nhất, do tham trước trói buộc đam nhiễm làm nhân. Những người xuất gia còn đấu tranh nhau, căn nguyên của đấu tranh này vốn là 3 cái thủ sau. Sáu mươi hai kiến là kiến thủ. Các giới cấm riêng biệt đa phần khổ hạnh là giới cấm thủ. Chúng dựa vào Tát-ca-da kiến, đó là ngã ngữ thủ. Do kiến thủ, giới cấm thủ, các ngoại đạo lại tranh luận nhau. Do ngã ngữ thủ, các ngoại đạo không tranh luận nhau mà có tranh luận với người theo chính pháp. Như vậy đó là căn bản của chấp trước tranh luận. Lại nữa có thể dẫn thủ, hậu hữu, khổ, dị thục nên gọi là thủ.
Hệ có 4 thứ là tham dục thân hệ, sân nhuế thân hệ, giới cấm thủ thân hệ, thử thật chấp thủ thân hệ. Bởi có thể chướng ngại định ý tính thân nên gọi là hệ. Sở dĩ vì sao? Vì có thể làm nhân cho 4 thứ loạn tâm. Nghĩa là do nhân tham ái tài vật v.v… khiến tâm tán loạn. Trong đấu tranh làm nhân cho những hành vi không chính đáng khiến tâm tán loạn. Trong các giới cấm khó thực hành làm nhân cho khổ não khiến tâm tán loạn, làm nhân cho sự theo đuổi tìm cầu cảnh giới không đúng chính lý khiến tâm tán loạn.
Cái có 5 thứ là tham dục cái, sân nhuế cái, hôn trầm thùy miên cái, trạo cử ố tác cái, nghi cái. Có thể làm cho thiện phẩm không được hiển lộ rõ là nghĩa của cái. Nghĩa là lạc xuất gia vị, giác tà hạnh vị, ngăn chận cử xả vị.
Chu ngột có 3 là tham chu ngột, sân chu ngột, si chu ngột. Do y chỉ tham sân si, trước tiên quán tập làm phương tiện nên thành tham v.v… các hành, tâm không điều thuận không kham năng việc gì, khó có thể giải thoát, khiến các hữu tình khó đoạn dứt hành này nên gọi là chu ngột.
Cấu có 3 thứ là tham cấu, sân cấu, si cấu. Do y chỉ tham sân si nên hủy phạm Thi-la học xứ như vậy. Vì thế những người có trí đồng tu phạm hạnh hoặc ờ nơi làng xóm, hoặc nơi vắng vẻ thấy đã làm như vậy nói rằng: Trưởng lão ấy làm những việc như vậy, những hạnh như vậy làm bất tịnh nhiễm ô làng xóm. Như vậy gọi là cấu.
Thiêu hại có 3 là tham thiêu hại, sân thiêu hại, si thiêu hại. Do y chỉ tham sân si nên thời gian lâu chịu sinh tử thiêu đốt não hại, nên gọi là thiêu hại.
Tiễn có 3 thứ là tham tiễn, sân tiễn, si tiễn. Do y chỉ tham sân si nên đối với hữu và hữu cụ khởi tâm truy cầu liên tục không dứt, đối với Phật pháp tăng khổ tập diệt đạo thường sinh nghi hoặc, nên gọi là tiễn.
Sở hữu có 3 thứ là tham sở hữu, sân sở hữu, si sở hữu. Do y chỉ tham sân si nên tích chứa tiền bạc của cải, có sợ, có oán phần nhiều ở trong tán loạn, nên gọi là sở hữu.
Ác hành có 3 thứ là tham ác hành, sân ác hành, si ác hành. Hằng làm các ác hành thân ngữ ý, nên gọi là ác hành. Lại nữa tức y nơi tham sân si môn này rộng sinh vô lượng ác bất thiện hạnh, nên thiết lập 3 bất thiện căn. Sở dĩ vì sao? Vì các hữu tình nhân yêu thích sở hữu thế gian mà làm các ác hạnh, nhân phân biệt oán tướng thế gian mà làm các ác hạnh, nhân chấp trước tà pháp thế gian mà làm các ác hạnh. Cho nên tham sân si này cũng gọi là ác hạnh, cũng gọi là bất thiện căn.
Lậu có 3 thứ là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu khiến tâm liên miên trôi chảy tứ tán không dứt, nên gọi là lậu. Thế là thế nào? Dựa vào ngoại môn trôi chảy nên lập ra dục lậu, dựa vào nội môn trôi chảy nên lập hữu lậu, dựa vào 2 môn kia trôi chảy nên lập vô minh lậu.
Quỹ có 3 thứ là tham quỹ, sân quỹ, si quỹ. Do y chỉ tham sân si nên đối với hữu và tư sinh cụ hắng khởi tâm theo đuổi tìm cầu không biết chán đủ, thường bị các khổ nghèo thiếu não loạn, nên gọi là quỹ.
Nhiệt có 3 thứ là tham nhiệt, sân nhiệt, si nhiệt. Do y chỉ tham sân si nên chấp trước các vtướng, chấp trước tùy hảo không đúng chính lý. Do chấp trước tướng và tùy hảo nên nung đốt não loạn thân tâm, nên gọi là nhiệt.
Não có 3 thứ là tham sở hữu, sân sở hữu, si sở hữu. Do y chỉ tham sân si nên tùy theo chỗ đắm trước yêu thích nơi kia nếu biến hoại thì thêm sầu buồn than thở, va chạm bao nhiêu thứ lo âu buồn khổ, nên gọi là não
Tranh có 3 thứ là tham tranh, sân tranh, si tranh. Do y chỉ tham sân si nên cầm dao gậy nổi lên đấu tranh gây sự, nên tham v.v… gọi là tranh.
Xí nhiên có 3 là tham xí nhiên, sân xí nhiên, si xí nhiên. Do y chỉ tham sân si nên bị ngọn lửa tham lam phi pháp quá lớn thiêu đốt, ngọn lửa tham lam không bình đẳng quá lớn thiêu đốt và bị ngọn lửa tà pháp quá lớn thiêu đốt, nên gọi là xí nhiên.
Trù lâm có 3 là tham trù lâm, sân trù lâm, si trù lâm. Do y chỉ tham sân si nên trong các hạnh sinh tử căn bản nổi lên nhiễm trước quá rộng khiến các hữu tình cảm nhiều thứ thân lưu chuyển trong ngũ thú, vì vậy nên tham v.v… gọi là trù lâm.
Câu ngại có 3 là tham câu ngại, sân câu ngại, si câu ngại. Do y chỉ tham sân si nên tham luyến thân mạng tài sản không hiểu rõ lạc xứ, hỗn loạn huyên náo, được chút thiện pháp đã cho là đủ. Do đó không thể tu các thiện pháp, nên gọi là câu ngại.
Những nghĩa môn phiền não như vậy có vô lượng sai biệt.
Những gì là tà hạnh? Là tham sân 2 phiền não. Mê cảnh giới và kiến khởi tà hạnh mạn. Mê hữu tình và kiến khởi tà hạnh Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, tà kiến. Mê cảnh sở tri khởi tà hạnh kiến thủ, giới cấm thủ. Mê các kiến khởi tà hạnh nghi. Mê đối trị khởi tà hạnh vô minh. Mê tất cả khởi tà hạnh. Lại nữa, 10 phiền não đều mê khổ tập khởi các tà hạnh là vì nhân duyên sở y xứ kia. Lại nữa 10 phiền não đều mê diệt đạo khởi các tà hạnh là vì do đây có thể sinh sự sợ hãi kia.
Những gì là giới? Là trừ sân còn lại tất cả thông cả tam giới hệ. Sân chỉ có Dục giới hệ.
Lại nữa, tham ở Dục giới tương ưng cùng với lạc, hỷ, xả. Giống như ở Dục giới, 2 tĩnh lự đầu cũng vậy. Ở tĩnh lự thứ 3 tương ưng với lạc xả. Trở lên chỉ tương ưng với xả. Sân tương ưng với khổ, ưu, xả. Mạn ở Dục giới, tương ưng với hỷ, xả, ở 2 tĩnh lự đầu tương ưng với lạc, hỷ, xả. Ở tĩnh lự thứ 3 tương ưng với lac, xả. Trở lên chỉ tương ưng với xả. Giống như mạn, Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, kiến thủ, giới cấm thủ cũng vậy. Tà kiến, ở Dục giới tương ưng với ưu, hỷ, xả. Ở Sắc, Vô sắc giới tùy chỗ có thụ thì đều cùng tương ưng. Nghi, ở Dục giới tương ưng với ưu, xả. Ở Sắc, Vô sắc giới tùy chỗ có thụ đều cùng tương ưng. Vô minh có 2 thứ là tương ưng và bất cộng. Tương ưng vô minh là vì tương ưng với tất cả phiền não. Nếu ở nơi nào tùy chỗ có thụ đều được tương ưng. Bất cộng vô minh là ở Dục giới thì tương ưng với ưu, xả. Ở thượng giới thì tùy chỗ có thụ đều được tương ưng.
Vì sao các phiền não đều tương ưng với xả? Vì tất cả phiền não rơi vào trung dung vị mới dứt hết. Lại nữa tham nơi Dục giới nó ở trong 6 thức thân. Giống như tham, sân vô minh cũng vậy. Tham nơi Sắc giới ở trong 4 thức thân, nơi Vô sắc giới ở trong ý thức thân. Giống như tham, vô minh cũng vậy. Mạn, kiến, nghi ở mọi nơi nó ở tại ý thức thân. Lại nữa, tham sân mạn ở Dục giới duyên một phần sự chuyển. Giống như ở Dục giới, ở Sắc, Vô sắc giới cũng vậy. Ngoài ra các phiền não khác ở mọi nơi nó duyên khắp tất cả mọi sự chuyển.
Những gì là chúng? Là 2 chúng phiền não: 1. Kiến sở đoạn chúng. 2. Tu sở đoạn chúng. Kiến sở đoạn chúng lại có 4 thứ: 1. Kiến khổ sở đoạn chúng. 2. Kiến tập sở đoạn chúng. 3. Kiến diệt sở đoạn chúng. 4. Kiến đạo sở đoạn chúng. Dục giới kiến khổ sở đoạn đủ 10 phiền não. Giống như kiến khổ sở đoạn, kiến tập diệt đạo sở đoạn cũng vậy. Sắc giới kiến khổ v.v…4 thứ sở đoạn mỗi thứ đều có 9 phiền não trừ sân. Giống như Sắc giới, Vô sắc giới cũng vậy. Như vậy kiến sở đoạn phiền não chúng tổng cộng có 112 phiền não. Dục giới tu sở đoạn có 6 phiền não là câu sinh Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến và tham, sân, mạn, vô minh. Sắc giới tu sở đoạn có 5 phiền não trừ sân. Giống như Sắc giới, Vô sắc giới cũng vậy. Như vậy tu sở đoạn phiền não chúng tổng cộng có 16 phiền não.
Những gì là đoạn? Là như sai biệt đoạn này, do tác ý đoạn này, từ đó mà được đoạn. Như sai biệt đoạn này tức là biến trí, là viễn ly, là được đối trị. Biến trí là nhân duyên sự biến trí, tự thể biến trí, quá hoạn biến trí. Viễn ly là tuy tạm sinh mà không kiên chấp. Được đối trị là chưa sinh thì khiến không sinh, đã sinh thì khiến đoạn nên được đối trị đạo. Do đây tác ý đoạn là những gì tác ý có thể đoạn ư? Tổng duyên tác ý, quán tất cả pháp đều vô ngã tính, có thể đoạn phiền não, vô thường v.v… các hạnh. Chỉ vì tu trị vô ngã hạnh, nên từ đó mà được đoạn là từ gì mà được đoạn? Không từ quá khứ đã diệt, không từ vị lai chưa sinh, không từ hiện tại đạo không đầy đủ, nhưng từ các phiền não thô trọng mà được đoạn là đoạn. Như vậy như vậy các thô trọng sinh, như vậy như vậy đối trị. Nếu sự đối trị các phẩm này sinh thì thô trọng các phẩm này diệt. Bình đẳng bình đẳng như thế gian sáng sinh thì tối diệt. Do phẩm này ly hệ khiến các phiền não vị lai trụ trong pháp không sinh, nên gọi là đoạn.
Thế nào là phiền não tăng thượng sinh các nghiệp? Là tư nghiệp, tư dĩ nghiệp, nói chung là nghiệp tướng. Lại nữa có 5 thứ nghiệp: 1. Thủ thụ nghiệp. 2. Tác dụng nghiệp. 3. Gia hành nghiệp. 4. Chuyển biến nghiệp. 5. Chứng đắc nghiệp. Nay trong nghĩa này, ý nhiều phân biệt gia hành nghiệp.
Những gì là tư nghiệp? Là phúc nghiệp, phi phúc nghiệp, bất động nghiệp.
Những gì là tư dĩ nghiệp? Là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp.
Lại nữa thân ngữ ý 3 nghiệp này, hoặc thiện hoặc bất thiện. Bất thiện tức 10 bất thiện nghiệp đạo. Nghĩa là sát sinh, không cho mà lấy, dục tà hạnh, nói lời lừa dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời tạp uế, tham dục, sân nhuế, tà kiến. Thiện tức 10 thiện nghiệp đạo. Nghĩa là lìa bỏ sát sinh, lìa bỏ việc không cho mà lấy, lìa bỏ dục tà hạnh, lìa bỏ lời lừa dối, lìa bỏ lời ly gián, lià bỏ lời thô ác, lìa bỏ lời tạp uế, không tham, không sân, chính kiến.
Lại nữa sát sinh v.v… nên dùng 5 môn phân biệt tướng của nó. Đó là sự, ý lạc, phương tiện, phiền não, cứu cánh.
Như khế kinh nói cố tư tạo nghiệp. Thế nào là cố tư tạo nghiệp? Nghĩa là người khác dạy bảo nên tư tạo nghiệp, người khác khuyên nên tư tạo nghiệp, không hiểu biết nên tư tạo nghiệp, căn bản chấp trước nê tư tạo nghiệp, điên đảo phân biệt nên tư tạo nghiệp. Trong đây căn bản chấp trước nên tư tạo nghiệp, điên đảo phân biệt nên tư tạo nghiệp, hoặc tạo tác hoặc tăng trưởng không gì là không thụ dị thục. Tác giả, là khởi tạo các nghiệp khiến chúng hiện hành. Tăng trưởng, là khiến tập khí tăng thêm.
Như khế kinh nói quyết định thụ nghiệp. Thế nào là quyết định thụ nghiệp? Là quyết định tác nghiệp, thụ dị thục quyết định, phần vị quyết định.
Quả dị thục của 10 bất thiện nghiệp đạo, là ở trong 3 ác thú tùy theo hạ trung thượng phẩm mà thụ dị thục của bàng sinh, ngạ quỷ, Na-lạc-ca. Quả đẳng lưu, là tùy theo tướng của nó mà ở trong cõi người cảm được quả tự thân, chúng cụ suy tổn. Quả tăng thượng, là tùy tướng của nó mà cảm được các việc sở hữu bên ngoài suy tổn, như kinh có nói rộng.
Quả dị thục của 10 thiện nghiệp đạo, là ở trong cõi nhân thiên thụ dị thục nhân thiên. Quả đẳng lưu, là ở nơi đó tùy theo tướng cảm được tự thân và chúng cụ hưng thịnh. Quả tăng thượng, là ở nơi đó tùy theo tướng cảm được sở hữu ngoại sự hưng thịnh.
Nghiệp thiện và bất thiện khi cảm sinh dị thục trong thiện thú ác thú có chiêu dẫn nghiệp và viên mãn nghiệp. Chiêu dẫn nghiệp, là do nghiệp này có thể chiêu cảm quả dị thục. Viên mãn nghiệp, là do nghiệp này sinh rồi lãnh thụ quả yêu thích không yêu thích. Có nghiệp do một nghiệp lực dẫn dắt được một thân, có nghiệp do một nghiệp lực dẫn dắt được nhiều thân, có nghiệp do nhiều nghiệp lực dẫn dắt được một thân, có nghiệp do nhiều nghiệp lực dẫn dắt được nhiều thân, nếu một hữu tình thành tựu nhiều nghiệp.
Thế nào là thứ tự thụ quả dị thục? Ở trong thân cái trọng sẽ thục trước, hoặc khi sắp chết nó hiện tiền, hoặc cái trước đã tập nhiều lần, hoặc cái đã làm trước tiên, chúng sẽ trở thành dị thục trước.
Như khế kinh nói có 3 thứ nghiệp là phúc nghiệp, phi phúc nghiệp và bất động nghiệp.
Những gì là phúc nghiệp? Là Dục giới hệ thiện nghiệp. Những gì là phi phúc nghiệp? Là bất thiện nghiệp. Những gì là bất động nghiệp? Là Sắc, Vô sắc giới hệ thiện nghiệp.
Như khế kinh nói vô minh duyên hành nếu là phúc phi phúc cùng với bất động. Thế nào là phúc và bất động hành duyên vô minh sinh? Có 2 thứ ngu: 1. Ngu quả dị thục. 2. Ngu nghĩa chân thật. Do ngu quả dị thục nên phát khởi các hành phi phúc. Do ngu nghĩa chân thật nên phát khởi các hành phúc và bất động.
Sát sinh nghiệp đạo, tham sân si làm phương tiện do sân cứu cánh. Như sát sinh, lời thô ác, sân nhuế nghiệp đạo cũng vậy. Bất dữ thủ nghiệp đạo, tham sân si làm phương tiện do tham cứu cánh. Như bất dữ thủ, dục tà hạnh, tham dục nghiệp đạo cũng vậy. Hư cuống ngữ nghiệp đạo, tham sân si làm phương tiện, trong 3 thứ tùy theo do một thứ làm cứu cánh. Như hư cuống ngữ, ly gián ngữ, tạp uế ngữ nghiệp đạo cũng vậy. Tà kiến nghiệp đạo tham sân si làm phương tiện do si cứu cánh.
Như kế kinh nói có cộng nghiệp có bất cộng nghiệp, có cường lực nghiệp, có liệt lực nghiệp.
Thế nào là cộng nghiệp? Là nghiệp có thể khiến các thứ sai biệt khí thế gian.
Thế nào là bất cộng nghiệp? Là nghiệp có thể khiến các sai biệt của hữu tình thế gian.
Lại có nghiệp khiến các hữu tình lần hồi tăng thượng. Do nghiệp lực này nói các hữu tình trông vọng vào nhau làm duyên tăng thượng, vì chúng có sức tăng thượng lẫn nhau nên cũng gọi là cộng nghiệp. Vì vậy cho nên kinh nói các hữu tình như vậy cùng các hữu tình khác trông thấy nhau mà không thụ dụng là chuyện không dễ.
Thế nào là cường lực nghiệp? Là sức đối trị Bổ-đặc-già-la mạnh nên các bất thiện nghiệp tư sở tạo do sức đối trị nhiếp phục nên khiến nghiệp Na-lạc-ca sẽ thụ chuyển thành hiện pháp thụ, nghiệp phải hiện pháp thụ chuyển khiến không thụ. Sở dĩ nghiệp này gọi là cường lực là do sức mạnh có thể đối trị nghiệp. Lại nữa tư sở tạo tất cả thiện nghỉệp đều gọi là cướng lực. Dựa vào nghiệp này nên Bạc-già-phạm nói: Các Thánh đệ tử của ta có thể dùng vô lượng nghiệp rộng lớn khéo huân tập vào tâm mình. Các nghiệp tạo tác hữu lượng không thể dẫn dắt, không thể lưu trú, cũng không thể khiến rơi vào trong số đó. Lại nữa sức đối trị Bổ-đặc-già-la yếu nên các bất thiện nghiệp tư sở tạo trông vọng các thiện nghiệp đều gọi là cường lực. Lại nữa cố tư tạo nghiệp dị thục quyết định khổ đoạn không biết, gọi là cường lực nghiệp. Trong đây ý nói rằng tất cả thiện bất thiện nghiệp dị thục quyết định, sức Thánh đạo không đoạn, đều gọi là cường lực nghiệp. Lại nữa Dục giới hệ, tính của các bất thiện nghiệp đều là cường lực. Lại nữa những gì trước đã quen tập đều gọi là cường lực nghiệp. Lại nữa y vào cường vị gọi là cường lực nghiệp. Lại nữa các nghiệp tạo ra không thể đối trị gọi là cường lực nghiệp, vì không có pháp Niếtbàn. Lại nữa do ruộng nên phát cường lực nghiệp. Lại nữa do tâm gia hành nên phát cường lực nghiệp. Lại nữa do 9 thứ nhân phát cường lực nghiệp. Nghĩa là do ruộng, sự, tự thể, sở y, tác ý, ý lạc, trợ bạn, tu tập nhiều, cùng nhiều chúng sinh thực hành.
Trái với đây là liệt lực nghiệp. Như Thế Tôn nói: Nếu có nói rằng các trượng phu Bổ-đặc-già-la kia tùy theo các nghiệp như vậy, hoặc tạo tác hoặc tăng trưởng trở lại thụ các dị thục như vậy, nếu có việc đó thì lại không nên tu Phạm hạnh thanh tịnh, cũng không thể biết chính xác hết các khổ và biên giới của tạo tác khổ. Nếu có nói rằng các trượng phu Bổ-đặc-già-la kia tùy thuận theo các chỗ thụ nghiệp như vậy, hoặc tạo tác hoặc tăng trưởng trở lại thụ thuận theo các chỗ thụ nghiệp như vậy, nếu có việc đó thì lại nên tu tập Phạm hạnh thanh tịnh, lại cũng có thể biết chính xác hết các khổ và biên giới của tạo tác khổ.
Kinh nói như vậy là có mật ý gì? Trong đây ý của Phật là muốn ngăn chận những tà thuyết ấy. Nghĩa là lạc câu hành nghiệp trở lại có thể cảm được lạc câu hành dị thục, khổ câu hành nghiệp trở lại có thể cảm được khổ câu hành dị thục, bất khổ bất lạc câu hành nghiệp trở lại có thể cảm được bất khổ bất lạc câu hành dị thục, cho nên nói như vậy. Lại nữa để chấp nhận chính thuyết như vậy, nghĩa là lạc câu hành nghiệp thuận lạc thụ thì trở lại thụ lạc dị thục, thuận khổ thụ thì trở lại thụ khổ dị thục, thuận bất khổ bất lạc thụ thì trở lại thụ bất kổ bất lạc dị thục. Bất khổ bất lạc câu hành nghiệp thuân lạc thụ thì trở lại thụ lạc dị thục, thuận khổ thụ thì trở lại thụ khổ dị thục, thuận bất khổ bất lạc thụ thì trở lại thụ bất khổ bất lạc dị thục. Như vậy là mật ý của kinh này.
Lại nữa nghiệp sai biệt có 3 thứ, đó là luật nghi nghiệp, bất luật nghi nghiệp và phi luật nghi phi bất luật nghi nghiệp.
Thế nào là luật nghi nghiệp? Là những nghiệp gồm trong biệt giải thoát luật nghi, những nghiệp gồm trong tĩnh lự luật nghi, những nghiệp gồm trong vô lậu luật nghi.
Những nghiệp gồm trong biệt giải thoát luật nghi tức là những luật nghi của 7 chúng thụ trì: đó là Bí-sô luật nghi, Bí-sô-ni luật nghi, Thức-xoa-ma-na luật nghi, Cần sách luật nghi, Cần sách nữ luật nghi, Ô-ba-sách-ca luật nghi, Ô-ba-tư-ca luật nghi và Cận trụ luật nghi.
Dựa vào những Bổ-đặc-già-la nào thiết lập xuất gia luật nghi? Dựa vào những Bổ-đặc-già-la có thể tu hành xa lìa ác hạnh, xa lìa dục hạnh.
Dựa vào những Bổ-đặc-già-la nào thiết lập Ô-ba-sách-ca luật nghi, Ô-ba-tư-ca luật nghi? Dựa vào những Bổ-đặc-già-la có thể tận thụ xa lìa ác hạnh, không xa lìa dục hạnh.
Dựa vào những Bổ-đặc-già-la nào thiết lập Cận trụ luật nghi? Dựa vào những Bổ-đặc-già-la không thể xa lìa ác hạnh, và không thể xa lìa dục hạnh.
Nếu chỉ tu học một phần học xứ của Ô-ba-sách-ca mà nói là thành tựu Ô-ba-sách-ca luật nghi hay nói là không thành tựu? Nên nói là thành tựu mà gọi là phạm giới. Phiến-sai-bán-trạch-ca v.v… là ngăn chúng thụ Ô-ba-sách-ca luật nghi chăng? Không ngăn chúng thụ Ô-ba-sách-ca luật nghi, nhưng ngăn chúng Ô-ba-sách-ca tính không được thân cận thừa sự 2 chúng xuất gia là Bí-sô, Bí-sô-ni. Lại nữa Bán-trạch-ca có 5 loại là sinh tiện Bán-trạch-ca, tật đố Bántrạch-ca, bán nguyệt Bán-trạch-ca, quán sái Bán-trạch-ca, trừ khử Bán-trạch-ca.
Các nghiệp gồm trong tĩnh lự luật nghi, là có thể tổn phục sự phát khởi chủng tử phiền não phạm giới, xa lìa sở hữu của người ly dục Dục giới, xa lìa sở hữu của người ly dục sơ tĩnh lự, xa lìa sở hữu của người ly dục đệ nhị tĩnh lự, xa lìa sở hữu của người ly dục đệ tam tĩnh lự. Đó gọi là thân ngữ nghiệp gồm trong tĩnh lự luật nghi.
Các nghiệp gồm trong vô lậu luật nghi, là người kiến đế do sức tác ý vô lậu, được vô lậu xa lìa giới tính. Đó gọi là các nghiệp gồm trong vô lậu luật nghi.
Thế nào là bất luật nghi nghiệp? Là những người không có luật nghi, hoặc do sinh vào trong chủng tính ấy, hoặc do nghề nghiệp, trong thời gian hành nghề ấy quyết định. Những ai là người không luật nghi? Đó là những người giết mổ súc vật, nuôi gà, nuôi heo, bắt chim, bắt cá, săn bắn, bẫy sập, đầu đảng giặc cướp, cầm giữ bò, trói buộc voi, lập đàn chú thuật, cai ngục, gièm siểm hóa tốt ra xấu làm tồn hại v.v…
Thế nào là phi luật nghi phi bất luật nghi nghiệp? Là nghiệp thiện bất thiện của những người trụ phi luật nghi phi bất luật nghi.
Lại nữa nghiệp sai biệt có 3 thứ, là thuận lạc thụ nghiệp, thuận khổ thụ nghiệp và thuận bất khổ bất lạc thụ nghiệp.
Thuận lạc thụ nghiệp là những nghiệp thiện từ Dục giới cho đến đệ tam tĩnh lự. Thuận khổ thụ nghiệp là nghiệp bất thiện. Thuận bất khổ bất lạc thụ nghiệp là những nghiệp thiện từ đệ tam tĩnh lự trở lên.
Lại nữa nghiệp sai biệt có 3 thứ, là thuận hiện pháp thụ nghiệp, thuận sinh thụ nghiệp và thuận hậu thụ nghiệp.
Thuận hiện pháp thụ nghiệp là nếu nghiệp thành thục dị thục trong hiện pháp. Nghĩa là từ từ định khởi rồi, nơi các tạo tác kia hoặc tổn hoặc ích đều được hiện dị thục. Giống như từ định khởi, từ vô tránh định khởi, từ diệt định khởi, từ dự lưu quả khởi, từ A-lahán quả khởi cũng vậy. Lại nữa đối với Phật là thượng thủ, trong tăng tạo thiện ác nghiệp quyết được hiện dị thục. Lại nữa có có các phương tiện ý lạc mạnh mẽ nhạy bén làm các nghiệp thiện bất thiện cũng được hiện dị thục. Thuận sinh thụ nghiệp là nếu nghiệp ở trong vô gián sinh thành thục dị thục. Tức là nghiệp 5 vô gián. Lại có các nghiệp thiện bất thiện khác trong vô gián sinh thục dị thục, tất cả đều gọi là thuận sinh thụ nghiệp. Thuận hậu thụ nghiệp là nếu nghiệp trong vô gián sinh, sau thành thục dị thục, đó gọi là thuận hậu thụ nghiệp.
Lại nữa nghiệp sai biệt có 4 thứ, là hắc hắc dị thục nghiệp, bạch bạch dị thục nghiệp, hắc bạch hắc bạch dị thục nghiệp, phi hắc bạch vô dị thục nghiệp, có thể hết các nghiệp.
Hắc hắc dị thục nghiệp là bất thiện nghiệp. Bạch bạch dị thục nghiệp là tam giới thiện nghiệp. Hắc bạch hắc bạch dị thục nghiệp là Dục giới hệ tạp nghiệp. Hoặc có nghiệp vì ý lạc nên hắc, vì phương tiện nên bạch. Hoặc có nghiệp vì phương tiện nên hắc, vì ý lạc nên bạch. Phi hắc bạch không dị thục nghiệp có thể hết các nghiệp, nghĩa là các nghiệp vô lậu trong gia hành vô gián đạo. Gồm chung tất cả nghiệp vô lậu, có các chướng ngại thì tùy thuận thể tính theo thứ tự của nó mà thiết lập tà, uế trược v.v… các nghiệp nhiễm ô, tịnh mâuni v.v… các nghiệp thanh tịnh.
Lại nữa có thí v.v… các nghiệp thanh tịnh. Thế nào là nghiệp thí? Nghĩa là nhân duyên, đẳng khởi, xứ sở, tự thể, phân biệt các nghiệp thí. Nhân duyên, là các thiện căn không tham, không sân, không si. Đẳng khởi, là cùng làm với kia. Tư xứ sở, là vật sở thí. Tự thể, là nghiệp thân ngữ ý khi hành thí. Thế nào là thí viên mãn? Là thường xuyên thí, thí không thiên lệch, tùy theo yêu cầu mà thí đầy đủ là thí được viên mãn. Lại nữa thí không sở y, thí rộng thanh tịnh, thí cực hoan hỷ, thí thường xuyên, thí điền khí, thí khéo phân bố mới cũ là thí được viên mãn. Thế nào là phải biết thí vật viên mãn? Là những tài vật sở thí không phải do lừa đảo mà được, tài vật sở thí không phải do xâm đoạt mà được, tài vật sở thí không ô uế, tài vật sở thí là thanh tịnh, tái vật sở thí là như pháp. Phải biết những thí vật như vậy là viên mãn.
Như khế kinh nói thành tựu Thi-la, khéo có thể phòng hộ biệt giải thoát luật nghi, mọi quỹ tắc hành trì đều viên mãn, thấy tội lỗi nhỏ phải sinh sợ hãi lớn, phải thụ học tốt các học xứ.
Thế nào là thành tựu Thi-la? Là khéo thụ trì khéo phòng hộ Thi-la. Thế nào là khéo phòng hộ biệt giải thoát luật nghi? Là khéo hộ trì xuất ly Thi-la. Thế nào là mọi quỹ tắc hành trì đều viên mãn? Là đầy đủ tịnh Thi-la khó bị hủy hoại. Thế nào là thấy tội lỗi nhỏ sinh sợ hãi lớn? Là dũng mãnh cung kính đối với Thi-la được học. Thế nào là thụ học tốt viên mãn các học xứ? Là thụ học các Thi-la được học nên từ đó về sau dựa vào Thi-la giải thích các nghĩa về hộ thân trong kinh Phật. Thế nào là phòng hộ thân ngữ? Là do hiểu đúng chổ nhiếp trì. Thế nào là thân ngữ cụ túc viên mãn? Là hoàn toàn không hủy phạm những gì hủy phạm.Thế nào là thân ngữ hiện hành thanh tịnh? Là do không hối hận v.v… lần lượt tu hành cho đến được định làm y chỉ. Thế nào là thân ngữ hiện hành cực thiện? Là nhiễm ô tầm tư không xen lẫn. Thế nào là thân ngữ hiện hành vô tội? Là xa lìa tà nguyện, tu Phạm hạnh. Thế nào là thân ngữ hiện hành vô hại? Là không khinh chê người khác, dễ dàng ở chung. Thế nào là thân ngữ hiện hành tùy thuận? Là do có thể tùy thuận được Niết-bàn. Thế nào là thân ngữ hiện hành tùy ẩn hiển? Là vì ẩn ác hiển thiện. Thế nào là thân ngữ hiện hành thân thiện? Là đồng với người Phạm hạnh nhiếp thụ Thi-la. Thế nào là thân ngữ hiện hành ứng nghi? Là vì lìa kiêu mạn đối với bậc đáng tôn trọng. Thế nào là thân ngữ hiện hành kính thuận? Là vì tùy thuận tiếp nhận giáo hối của các bậc tôn kính. Thế nào là thân ngữ hiện hành vô nhiệt? Là vì lìa khổ hạnh nhiệt não, dục giải thấp kém. Thế nào là thân ngữ hiện hành bất não? Là xả bỏ tài nghiệp không hối não. Thế nào là thân ngữ hiện hành vô hối? Là tuy được một phần ít không lấy đó làm vui mừng mà không hối hận. Như Thế Tôn nói: Như vậy hữu tình đều do nghiệp của chính mình, nghiệp sinh mâu thuẫn, từ nghiệp sinh, y nghiệp xuất ly, nghiệp có thể phân biệt tất cả hữu tình cao thấp hơn kém. Thế nào là hữu tình đều do nghiệp của chính mình? Là do tự tạo nghiệp mà thụ dị thục. Thế nào là nghiệp sinh mâu thuẫn? Là khi thụ tự nghiệp được dị thục, nghiệp thiện và bất thiện trái chống nhau. Thế nào là từ nghiệp sinh? Là các hữu tình xa lìa vô nhân, ác nhân mà chỉ từ nghiệp sinh ra. Thế nào là y nghiệp xuất ly? Là y vào nghiệp đối trị giải tỏa nghiệp trói buộc. Thế nào là do nghiệp mà hữu tình cao thấp? Là do nghiệp nên trong thiên ác thú được tự thể sai biệt. Thế nào là hơn kém? Là các hữu tình thành tựu sai biệt của công đức và lỗi lầm.
Như Thế Tôn nói nghiệp dị thục của hữu tình không thể nghĩ bàn. Thế nào là nghiệp dị thục có thể nghĩ bàn, thế nào là nghiệp dị thục không thể nghĩ bàn? Nghĩa là các thiện nghiệp, trong cõi nhân thiên được dị thục đáng ưa thích, đó là có thể nghĩ bàn. Các bất thiện nghiệp đọa 3 ác thú được dị thục không ưa thích, đó là có thể nghĩ bàn. Do nơi nghiệp này cảm các hữu tình tự thân dị thục v.v… các thứ sai biệt là không thể nghĩ bàn. Lại nữa tức thiện bất thiện nghiệp, xứ sai biệt, sự sai biệt, nhân sai biệt, dị thục sai biệt, phẩm loại sai biệt v.v… đều là không thể nghĩ bàn. Lại có các thứ ngoại sự sai biệt có thể cảm nghiệp dụng không thể nghĩ bàn. Lại nữa ngọc Mạt-ni, dược thảo, chú thuật tương ưng nghiệp dụng không thể nghĩ bàn. Lại nữa uy đức nghiệp dụng của hành giả tu quán không thể nghĩ bàn. Lại nữa nghiệp dụng tự tại của chư Bồ-tát không thể nghĩ bàn. Như là mạng tự tại, tâm tự tại, tài tự tại, nghiệp tự tại, sinh tự tại, thắng giải tự tại, nguyện tự tại, thần thông tự tại, trí tự tại, pháp tự tại. Chư Đại Bồ-tát do các sức tự tại như vậy nên các nghiệp dụng làm ra không thể nghĩ bàn. Lại nữa các sở tác các nghiệp dụng sở tác của tất cả chư Phật là không thể nghĩ bàn. Như vậy tập đế tổng quát có 4 thứ hành tướng sai biệt. Đó là nhân tướng, tập tướng, sinh tướng và duyên tướng.
Thế nào là nhân tướng? Là có thể dẫn phát, lại có nhân tập khí, gọi là nhân tướng. Thế nào là tập tướng? Là các hữu tình chứa nhóm tập khí, làm nhân đẳng khởi cho các loại hữu tình khác, gọi là tập tướng. Thế nào là sinh tướng? Là trong nội thân riêng biệt có vô lượng phẩm loại sinh nhân sai biệt, gọi là sinh tướng. Thế nào là duyên tướng? Là các hữu tình riêng biệt được xả nhân, gọi là duyên tướng.
HẾT QUYỂN 4