SỐ 1525/9
LUẬN KINH DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ
QUYỂN 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Bà-già-bà trụ tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá, cùng với chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và một vạn vị Đại Bồ-tát hội đủ.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Di-lặc từ tòa ngồi đứng dậy, để hở vai áo bên phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch:
–Bạch Đức Thế Tôn! Con nay muốn dùng một ít pháp để xin được thưa hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, không biết Đức Thế Tôn có chấp thuận không?
Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Tùy ý ông hỏi, Như Lai sẽ phân biệt giảng nói để tâm ông được hoan hỷ.
Đại Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy là con rất vui thích muốn được nghe Đức Thế Tôn giảng nói. Bạch Đức Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát phải thành tựu rốt ráo bao nhiêu pháp để không thoái chuyển nơi quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng? Ở trong pháp thắng tấn không thoái, không chuyển. Lúc hành trì hạnh Bồ-tát, hàng phục được tất cả các ma oán đối. Nhận biết như thật về tướng tự thể của tất cả pháp. Đối với các thế gian tâm không mệt mỏi. Do tâm không mệt mỏi nên không dựa vào trí của người khác, tức nhanh chóng thành tựu được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:
–Lành thay! Lành thay! Này Bồ-tát Di-lặc! Ông nay mới có thể thưa hỏi Như Lai về nghĩa sâu xa như vậy.
Đức Phật lại bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:
–Hôm nay, ông nên nhất tâm lắng nghe, Ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói về nghĩa sâu xa như thế.
Đại Bồ-tát Di-lặc bạch Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn! Con rất muốn được lãnh hội.
Đức Phật lại bảo Đại Bồ-tát Di-lặc:
–Này Bồ-tát Di-lặc! Nếu các Đại Bồ-tát đều thành tựu trọn vẹn tám pháp, thì không thoái chuyển nơi quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Ở trong pháp thắng tấn không thoái, không chuyển. Lúc hành trì hạnh Bồ-tát hàng phục được tất cả các ma oán đối. Nhận biết như thật về tướng tự thể của tất cả pháp. Đối với các thế gian tâm không mệt mỏi. Do tâm không mệt mỏi nên không dựa vào trí của người khác, tức nhanh chóng thành tựu được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Những gì là tám pháp? Này Di-lặc! Đó là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm sâu xa. Thành tựu tâm hành. Thành tựu tâm xả. Thành tựu tâm khéo nhận biết phương tiện hồi hướng. Thành tựu tâm đại từ. Thành tựu tâm đại bi. Thành tựu sự khéo nhận biết phương tiện.
Thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm sâu xa? Nếu các Đại Bồ-tát nghe những lời tán thán hay hủy báng Phật, tâm luôn kiên cố, không động đối với đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Nghe những lời tán thán hay hủy báng Pháp, nghe những lời ca ngợi hay chê bai Tăng, tâm luôn kiên cố, không động đối với đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ tâm sâu xa.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm hành? Nếu các Đại Bồ-tát xa lìa sát sinh, xa lìa trộm cắp, xa lìa tà dâm, xa lìa nói dối, xa lìa lời nói hai lưỡi, xa lìa lời nói thô ác, xa lìa lời nói thêu dệt. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ tâm hành.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm xả? Nếu các Đại Bồ-tát là những người chủ có thể xả bỏ, là các ông chủ có thể bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, người nghèo khổ, người ăn xin, người thấp kém những thứ vật cần dùng như y phục, thức ăn, giường nằm, tùy theo bệnh tật để cho thuốc điều trị. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ tâm xả.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm khéo nhận biết phương tiện hồi hướng? Nếu các Đại Bồ-tát đã tu tập các căn thiện, tức là nghiệp thân, miệng, ý, tất cả đều hồi hướng về quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ tâm khéo nhận biết phương tiện hồi hướng.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm đại từ? Nếu các Đại Bồ-tát đã hoàn toàn thành tựu nghiệp thân đại từ, hoàn toàn thành tựu nghiệp miệng đại từ, hoàn toàn thành tựu nghiệp ý đại từ. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ tâm đại từ.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu tâm đại bi? Nếu các Đại Bồ-tát đã hoàn toàn thành tựu nghiệp thân không thể chê trách, hoàn toàn thành tựu nghiệp miệng không thể chê trách, hoàn toàn thàng tựu nghiệp ý không thể chê trách. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ tâm đại bi.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu sự khéo nhận biết phương tiện? Nếu các Đại Bồ-tát khéo nhận biết về Thế đế, khéo nhận biết về Đệ nhất nghĩa đế, khéo nhận biết về hai đế. Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ sự khéo nhận biết phương tiện.
Này Di-lặc! Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu Bát-nhã Bala-mật? Nếu các Đại Bồ-tát có sự hiểu biết như vầy: Dựa vào pháp này nên có pháp này. Dựa vào pháp này nên sinh pháp này. Đó là Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên sáu Nhập, sáu Nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Già chết ưu bi khổ não. Như vậy là chỉ có khổ lớn tụ tập.
Này Di-lặc! Pháp này không nên pháp này không. Pháp này diệt nên pháp này diệt. Đó là Vô minh diệt nên Hành diệt, Hành diệt nên Thức diệt, Thức diệt nên Danh sắc diệt, Danh sắc diệt nên sáu Nhập diệt, sáu Nhập diệt nên Xúc diệt, Xúc diệt nên Thọ diệt, Thọ diệt nên Ái diệt, Ái diệt nên Thủ diệt, Thủ diệt nên Hữu diệt, Hữu diệt nên Sinh diệt, Sinh diệt nên Già chết ưu bi khổ não diệt. Như vậy là chỉ có khổ lớn tụ tập diệt.
Này Di-lặc! Như thế là các Đại Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ Bátnhã Ba-la-mật.
Đó gọi là các Đại Bồ-tát đã thành tựu trọn vẹn tám pháp, nên không thoái chuyển nơi quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Ở trong pháp thắng tấn không thoái, không chuyển. Lúc hành trì hạnh Bồtát hàng phục được tất cả các ma oán đối. Nhận biết như thật về tướng tự thể của tất cả pháp. Đối với các thế gian tâm không mệt mỏi. Do tâm không mệt mỏi nên không dựa vào trí của người khác, tức nhanh chóng thành tựu được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Đức Phật thuyết giảng Kinh này xong, Đại Bồ-tát Di-lặc và các Đại Bồ-tát khác, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các chúng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-nala, Ma-hầu-la-già, người, phi nhân v.v… tất cả đại chúng nghe Phật giảng nói đều hết sức hoan hỷ, tin nhận phụng hành.
********
Quy mạng Đức Thế Tôn Di Lặc.
Hỏi: Vì sao Đức Như Lai giảng nói Kinh này?
Đáp: Bốn câu nói về xả v.v… là chỉ rõ tướng tu hành bố thí, giữ giới, có ba thứ công đức, là pháp chung cho Bồ-tát, ngoại đạo, Thanh văn và Phật-bích-chi.
Bốn câu nói về tâm sâu xa v.v… là chỉ rõ bốn pháp kia, chỉ là hành của Bồ-tát, không chung cho các ngoại đạo, Thanh văn và Phậtbích-chi. Vì thế Đức Như Lai giảng nói Kinh này.
Bố thí chỉ rõ công đức của thí. Xa lìa sát sinh v.v… chỉ rõ công đức của giới. Hai câu nói về từ bi v.v… chỉ rõ công đức của tu hành.
Nghĩa này là gì? Vì có các ngoại đạo, phàm phu xa lìa tri thức thiện, không nghe chánh pháp, không khéo tư duy, không hành như lời Phật đã giảng nói, vọng chấp là thường có v.v… có thể tích tập nhân của nghiệp, tướng của các thứ kiết sử v.v… dựa vào sức của hữu phát triển thành nhân của thế gian.
Chấp chặt theo vọng chấp là quyết định thành tựu nhân của thế gian. Do lìa kiến văn về Thật đế nên không có tâm đem lợi ích cho người khác. Do tham đắm dục lạc thế gian, nên các ngoại đạo kia tuy có hạt giống của căn thiện như bố thí v.v…, nhưng do nghi, hối nên nước ái tưới thấm thức, trụ nơi địa năm thủ uẩn, bị đất vô minh phủ lấp, hợp với thời tiết có thể sinh mầm thức, theo thứ lớp tăng trưởng, thành quả thế gian.
Lại, hàng Thanh văn, Phật-bích-chi, đã thân cận tri thức thiện, từ việc tự mình vượt qua biển sinh tử, muốn độ người khác vượt qua biển sinh tử, nhưng khi nghe nói đến những lỗi lầm, tai họa của thế gian, lại do kiến văn của mình ít ỏi, nên chán lìa khổ nơi thế gian, vui thích Bát Niết-bàn, muốn xả bỏ thế gian, tìm cầu đạo xuất thế gian, nên tuy không thọ nhận các công đức như bố thí v.v… nhưng cũng không lìa các công đức như bố thí v.v… Có thể điều phục phiền não, đạt được pháp thù thắng bậc thượng.
Do nghĩa này, nên dù còn tu tập các pháp thiện như bố thí v.v… nhưng do không đủ bốn pháp nên không chứng đắc Đại Bồđề. Còn các Bồ-tát đã thành tựu đầy đủ rốt ráo tám pháp, tạo lập việc lớn, gánh vác trách nhiệm nặng nề, thân cận tri thức thiện chân thật, nhận thấy sâu xa những lỗi lầm tai họa của thế gian, biết rõ Niết-bàn vắng lặng, nhưng vì chúng sinh nên không chán lìa khổ nơi thế gian. Người mới phát tâm Bồ-đề, không mất nhân này, nên thành tựu được tâm sâu xa, xả bỏ an lạc của tự thân, vì tạo lợi ích cho chúng sinh, đem các công đức của tu hành bố thí v.v… hồi hướng về Đại Bồ-đề, dựa vào sức phương tiện, làm tăng trưởng các công đức vi diệu như bố thí v.v… như vậy là có thể giữ gìn tự thân, không rơi vào địa Thanh văn, Phật-bích-chi. Do thành tựu rốt ráo Bát-nhã Ba-la-mật, nên có thể làm thanh tịnh các công đức như bố thí v.v… khiến an trụ nơi đạo Bồ-tát.
Bốn câu chỉ rõ về tâm sâu xa có thể thâu giữ bốn câu nói về thí. Đó là pháp không chung của Bồ-tát để có thể chứng được Nhất thiết chủng trí. Thế nên Đức Như Lai giảng nói Kinh này.
Hỏi: Lại do nghĩa nào khiến Đức Như Lai giảng nói Kinh này?
Đáp: Vì nhằm ngăn chận những kẻ cho là không có nhân, hoặc là nhân điên đảo, thuận theo nhân quả chân chánh. Thế nên Đức Như Lai giảng nói Kinh này.
Nghĩa ấy là thế nào? Nói: Không thoái chuyển nơi đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng: Là do thành tựu tâm sâu xa. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Do các Đại Bồ-tát khi nhận thấy pháp giới, tức là đã vĩnh viễn lìa chướng ngại của tâm Bồ-đề, tức là tất cả phiền não như thân kiến v.v… vượt qua địa Thanh văn, Phật-bích-chi, chứng nhập phần vị Bồ-tát, phát tâm Bồ-đề nơi Địa thứ nhất không mất nhân. Vì chứng đắc tâm sâu xa, nên gọi là không thoái chuyển đối với quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Lại nói: Không chuyển đổi: Là do chứng được pháp thù thắng. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Là thành tựu hành bố thí (Tâm hành, Tâm xả). Đây lại có nghĩa nào? Do khởi tâm không tổn hại, là nghiệp đạo căn bản, gồm thâu các hành thù thắng tăng thượng, thế nên không chuyển đổi, không lìa bỏ nghiệp đạo căn bản, tu hành bố thí v.v… hành nơi tất cả xứ đều không thoái chuyển. Vì nghĩa này nên gọi là không chuyển đổi.
Lại nói: Lúc hành trì hạnh Bồ-tát hàng phục được tất cả các ma oán đối: Là do đã thành tựu tâm khéo nhận biết phương tiện hồi hướng. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Lược nói có bốn loại ma: Ma phiền não, ma ấm, ma chết và ma trời. Chỉ ma phiền não là gốc rễ, nương vào ma phiền não nên có ba loại ma kia. Vì sao? Vì tâm của các phàm phu đều bị trói buộc nơi phiền não và dựa nơi tâm bị phiền não trói buôc này, vui thích nơi thế gian, mong cầu an vui ở xứ kia, mới đem các pháp như bố thí v.v… hồi hướng về đạo trời. Do nghĩa đó nên chỗ trói buộc của ma ấm, ma chết đều hệ thuộc ma trời. Do đó, Bồ-tát đã đoạn trừ tất cả phiền não như thân kiến v.v… Lại có thể xa lìa sự lo sợ không thể sống v.v… xả bỏ an lạc của tự thân vì nhằm đem lại lợi ích cho chúng sinh. Tu tập các hành từ bi, bố thí, đạt công đức của căn thiện, thảy đều hồi hướng về Nhất thiết trí, xa lìa mọi nẻo ma ác. Vì vậy gọi là lúc hành trì hạnh Bồ-tát hàng phục được tất cả các ma oán đối.
Lại nói: Đối với các thế gian tâm không mệt mỏi: Là do đã thành tựu tâm đại từ, tâm đại bi. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Do các Đại Bồ-tát luôn vì tất cả chúng sinh nơi thế gian đều bị mũi tên ngu bắn vào tâm, chịu bao khổ não, nên đem tâm đại từ, đại bi cứu giúp. Vì thành tựu tâm đại từ đại bi, nên thấy lợi ích chúng sinh tức là lợi ích của mình. Do đó, Bồ-tát sinh khởi tâm đại từ, đại bi, tức có khả năng đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Vì vậy gọi là đối với các thế gian tâm không mệt mỏi.
Lại nói: Nhận biết như thật về tướng tự thể của tất cả pháp: Là do đã thành tựu sự khéo nhận biết phương tiện. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Là do nhận biết tự tướng và đồng tướng của các pháp. Đây lại có nghĩa thế nào? Là do các Đại Bồ-tát khéo nhận biết về phương tiện của Thế đế cùng Đệ nhất nghĩa đế, không chấp trước nơi hai biên có không. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Bồ-tát tuy thấy rõ các sự nơi cảnh giới của thức, nhưng trước đó Bồ-tát đã quan sát cảnh giới của thức. Vì sao? Vì sức của tâm sâu xa thường không bỏ đệ nhất nghĩa đế, nên Bồ-tát không rơi vào biên chấp có. Tuy thường không bỏ đệ nhất nghĩa đế, nhưng Bồ-tát luôn khéo nhận biết các sự việc của thế đế. Vì sao? Vì luôn thấy rõ các hành hữu vi, nên không bỏ tâm niệm, ngôn thuyết của thế gian, thế nên không rơi vào biên chấp không. Do có khả năng khéo nhận biết hai loại nghĩa đó, nên gọi là nhận biết như thật về tướng tự thể của tất cả pháp.
Lại nói: Do tâm không mệt mỏi nên không dựa vào trí của người khác, tức nhanh chóng thành tựu được đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng: Là do đã thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Là các Đại Bồ-tát đã dùng Bát-nhã quan sát pháp hữu vi. Đây lại có nghĩa thế nào? Bồ-tát quan sát các hành của hữu vi, thấy không người, không chúng sinh, không chủ, không tự tại, lần lượt cùng làm nhân có sức tăng trưởng. Dựa nơi nghiệp gốc tạo ra tất cả nghiệp, cũng như nhà huyễn thuật tạo ra người huyễn, khiến họ qua lại, múa nhảy hiện bày vô số động tác không biết mệt mỏi. Thế nên gọi là do tâm không mệt mỏi.
Lại, tâm không mệt mỏi là do đã lìa tướng chúng sinh. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Các hành của hữu vi hết thảy đều không thật, chỉ có vô số các thứ nghiệp sai khiến, nương dựa lẫn nhau, theo lực của chúng, nên có thể thành tựu các hành của hữu vi. Bồ-tát nhận biết rõ pháp hữu vi thật sự không có thần ngã, nên không dựa vào trí của người khác, mà tùy theo chỗ tu hành, đều dùng Tinh tấn Ba-la-mật tăng trưởng thành tựu, mau chóng chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Do các Đại Bồ-tát luôn cầu Nhất thiết trí, tức chỉ rõ việc xa lìa các thứ không nhân, nhân điên đảo, tùy thuận nhân quả chân chánh, nên Đức Như Lai giảng nói Kinh này.
Hỏi: Lại do nghĩa nào khiến Đức Như Lai giảng nói Tu-đa-la ấy?
Đáp: Dựa vào tụ bất định, Bồ-tát cầu tụ định, thành tựu những hành gì để được nhập tụ chánh định? Đây là chỉ rõ Bồ-tát nhập tụ chánh định tu tập nhân chánh, thế nên Đức Như Lai giảng nói Tu-đa-la này.
Nghĩa ấy là thế nào? Là Bồ-tát khi chưa chứng chánh vị của Địa thứ nhất, tuy đã tích tập các căn thiện trong vô lượng kiếp, nhưng chưa có thể đạt tới vị không thoái chuyển, chưa tới được xứ hoàn toàn không sợ hãi, tâm chưa yên ổn, thường bị khổ não của thế gian bức bách, chưa được diệu lực của tâm từ bi là gốc rễ của tâm Bồ-đề, chưa được sức tăng thượng.
Dùng trí của đạo thế gian quán xét mười hai nhân duyên, quán xét như thật về các hành của hữu vi, dựa vào đạo thế gian quán xét pháp giới tịch tĩnh, cầu Đại Niết-bàn, nhưng vì không có trí phương tiện, nên rơi vào địa Thanh văn, Phật-bích-chi. Nếu Bồ-tát rơi vào địa Thanh văn, Phật-bích-chi, thì có ba điều thoái mất. Những gì là ba? Đó là: (1) Thoái mất tất cả hạt giống căn thiện của Đại thừa. (2) Thoái mất nhân có khả năng đem lại an lạc cho chúng sinh. (3) Thoái mất trí Nhất thiết trí.
Do nghĩa ấy, nên Đức Như Lai trong kinh đã nói: Này Ca-diếp! Ví như hết thảy các trời người nơi thế gian, tuy đã nhiều lần mài giũa làm đẹp viên ngọc lưu ly giả, nhưng viên ngọc lưu ly giả đó không thể trở thành ngọc báu lưu ly thật được.
Như vậy, này Ca-diếp! Tất cả công đức của hàng Thanh văn tu giới, định, tuệ và hành hạnh Đầu-đà v.v… nhưng rốt cuộc không thể được an tọa nơi đạo tràng thành tựu quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Này Ca-diếp! Ví như mài giũa trau giồi viên ngọc tỳ lưu ly lớn, tùy ý có thể nhận được vô lượng trăm ngàn vạn ức châu báu. Cũng vậy, này Ca-diếp! Do tu hạnh Bồ-tát nên có thể xuất sinh tất cả hàng Thanh văn, Phật-bích-chi v.v… và cả hàng trời người.
Dựa vào nghĩa này, nên Đức Như Lai trong Kinh Bảo Tích đã nói: Bồ-tát có bốn thứ không phải là tri thức thiện. Những gì là bốn? Đó là: (1) Người cầu Thanh văn, chỉ muốn tự độ. (2) Người cầu Duyên giác, chỉ vui thích viêc nhỏ. (3) Người đọc tụng những kinh sách của ngoại đạo như Lộ-già-da v.v… (4) Người hành tập chỉ chú trọng vào tính chất văn vẻ, bóng bẩy của văn tự. Những thân cận hiện có với bốn hạng người ấy, chỉ thêm lợi ích của thế gian, không thêm lợi ích cho pháp.
Lại có một đoạn trong kinh, Đại đức Ca-diếp bạch Bồ-tát Vănthù-sư-lợi: Hạng người tạo tội ngũ nghịch có thể phát tâm cầu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, tu tập các công đức, chứng đắc Đại Bồ-đề, nhưng A-la-hán thì không thể. Ví như một người, các căn đều suy hoại, nên đối với cảnh giới của năm dục, không thể hành tác, tăng trưởng. Cũng như thế, hàng Thanh văn, Phật-bích-chi đã lìa bỏ kiết sử, nhưng đối với tất cả pháp Phật, đều không thể hành tác làm cho tăng trưởng. Do không quan sát diệu lực của pháp Phật như vậy, thế nên, thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Tất cả hàng phàm phu báo đáp ơn của Như Lai không phải là hàng Thanh văn? Vì sao? Vì hàng phàm phu được nghe nói đến công đức của Phật là đã không đoạn trừ chủng tánh của Tam bảo, có khả năng phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Còn hàng Thanh văn tuy suốt đời có nghe pháp của chư Phật như mười lực, bốn pháp không sợ hãi v.v… nhưng không có khả năng phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Lại, trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật nói: Này các Thiên tử! Người chưa phát tâm Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, người đó có thể phát tâm Đại Bồ-đề. Còn người nào đã nhập vào phần vị Thanh văn, Phật-bích-chi thì không thể phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Vì sao? Vì tất cả hàng Thanh văn, Phật-bích-chi đều đã đoạn dứt dòng chảy sinh tử, nên không thể thường xuyên thọ sinh trong thế gian để phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng.
Các Đại Bồ-tát trong Địa thứ nhất đã thấy được thật đế, nên phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, do không mất nhân nên gồm thâu được tâm sâu xa. Do Bát-nhã Ba-lamật nên thâu giữ như thật hành tu giới. Không chấp trước nơi thân mạng, chỉ vì tạo lợi ích cho chúng sinh, nên khi tu hành như vậy gọi là Bồ-tát không thoái chuyển, nên biết. Vì thế trong Kinh Thập Địa Đức Như Lai đã nói: Bồ-tát sinh tâm như thế, tức thì đã vượt quá địa phàm phu, nhập nơi phần vị Bồ-tát, sinh tại nhà Phật, là tộc họ tôn quý không thể chê trách, vượt hơn hết thảy đạo thế gian, vào đạo xuất thế gian, khéo trụ trong pháp Bồ-tát, khéo trụ nơi chánh xứ của Bồ-tát, nhập trong pháp chân như ba đời bình đẳng, gọi là trong chủng tánh của Như Lai tất định hoàn toàn chứng đắc đạo quả Bồđề vô thượng.
Bồ-tát trụ trong pháp như thế, gọi là Bồ-tát trụ nơi Địa Hoan Hỷ. Do pháp không động, nên Bồ-tát vượt qua năm thứ sợ hãi. Đó là sợ sống không nổi, sợ tiếng xấu, sợ chết, sợ bị đọa vào đường dữ và sợ oai đức của đại chúng. Bồ-tát đều lìa khỏi những thứ sợ hãi ấy. Vì sao? Vì các Bồ-tát này đã lìa các tướng như ngã v.v…
Đã vượt quá địa phàm phu: Sự vượt quá ấy có 9 thứ, nên biết:
1. Nhập nơi phần vị Bồ-tát: Là vượt quá về Vị. Như vậy, từ buổi đầu đã thành tựu tâm xuất thế gian, như khi còn ở trong thai, là đã có pháp tương tợ.
2. Sinh tại nhà Phật: Là vượt quá về Nhà. Do dựa vào phương tiện Bát-nhã nên sinh nhà, sinh pháp tương tợ.
3. Tộc họ tôn quý không thể chê trách: Là vượt quá về Tộc họ. Do hành Đại thừa sinh con là pháp tương tợ.
4. Vượt hơn hết thảy đạo thế gian: Là vượt quá về Xuất. Do đạo thế gian không thể gồm thâu đạo xuất thế gian, sinh pháp tương tợ.
5. Vào đạo xuất thế gian: Là vượt quá về Nhập. Do đạo xuất thế gian thâu giữ nhập đạo, sinh pháp tương tợ.
6. Khéo trụ trong pháp Bồ-tát: Là vượt quá về Thân. Dùng đại bi làm thể, xem việc làm của người khác như việc làm của mình. Vì thể của tự thân là pháp tương tợ.
7. Khéo trụ nơi chánh xứ của Bồ-tát: Là vượt quá về Xứ. Không bỏ phương tiện của thế gian, không nhiễm nơi phương tiện thiện xảo, chánh trụ sinh trụ xứ là pháp tương tợ.
8. Nhập trong pháp chân như ba đời bình đẳng: Là vượt quá về Nghiệp. Do đã thuận theo Thánh trí không, sinh khởi mạng là pháp tương tợ.
9. Trong chủng tánh của Như Lai tất định hoàn toàn chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng: Là vượt quá về Cứu cánh. Phật chủng không đoạn dứt, cứu cánh là đạo Niết-bàn, là pháp tương tợ thành tựu.
Như thế là đã chỉ rõ việc phàm phu sinh với việc Bồ-tát nhập xuất thai là không giống nhau, do có nhiễm và không nhiễm.
Như thế, theo thứ lớp: Nhà không tương tợ, Tộc họ không tương tợ, Xuất không tương tợ, Nhập không tương tợ, Thân không tương tợ, Xứ không tương tợ, Nghiệp sinh không tương tợ, Thành tựu không tương tợ. Tôn giả Bà-tẩu-bàn-đậu nói là tâm rốt ráo thành tựu. Có Luận sư khác lại đưa ra cách giải thích khác. Kệ nói:
Bồ-tát Ma-ha-tát
Do sinh những tâm gì?
Thấy thế gian hư vọng
Phật nói là tâm đầu.
Ở đây nói rõ về nghĩa gì? Thấy thế gian hư vọng: Là do hết thảy thế gian chỉ là nhân duyên sinh, không có thật Thể. Như Bồ-tát Long Thọ nói kệ:
Nhân duyên hòa hợp sinh
Pháp kia không thật Thể
Nếu không có thật Thể
Làm sao gọi có pháp?
Thánh giả Đại Bồ-tát Vô Tận Ý trong Kinh Vô Tận đã nói: Trí phương tiện quan sát về nhân duyên, nhận biết tất cả pháp đều dựa vào nhân, dựa vào duyên hòa hợp mà sinh. Nếu đều do nhân duyên hòa hợp sinh ra, thì hết thảy các pháp không dựa vào ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng. Nếu pháp không phải là ngã, không phải là nhân, không phải là thọ mạng, thì pháp đó không thể cho là quá khứ, hiện tại, hay vị lai. Bồ-tát nếu có khả năng quan sát như thế, đó gọi là Đại Bồ-tát có trí phương tiện quan sát nhân duyên hòa hợp.
Không dựa vào ngã, nghĩa này là thế nào? Vì pháp đều dựa vào các thứ nhân duyên mới sinh, nên không dựa vào ngã sinh, vì Thể của ngã là không thật. Như các duyên sinh ra lửa, Thể của lửa là có sức nóng, nhưng sức nóng đó không có thật Thể. Vì nhân duyên hòa hợp, nên gọi là lửa có sức nóng. Như vậy, không lìa thân căn để nhận biết bên ngoài lại có ngã thật. Do không có thật Thể.
Không thật thể: Là đồng với hư không, là đồng với hữu vi. Nếu đồng với hư không tức là không có vật. Nếu đồng với hữu vi tức là vô thường.
Ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng v.v…: Là những thứ vì để giáo hóa chúng sinh nên nêu ra nhiều thứ tên gọi, không phải là có ngã thật.
Lại như trong kinh, Bồ-tát Đại Hải Tuệ vì Thánh giả Đại Bi Tư Phạm đã nói về sự thành tựu tất cả pháp Phật. Trong phẩm Vấn Đáp, kệ nêu:
Các pháp nhân duyên sinh
Pháp đó không thật Thể
Pháp nếu thật không Thể
Pháp ấy thật không sinh.
Bồ-tát biết chúng sinh
Không thật tế như thế
Dựa trí thật tế kia
Biết các pháp hư, thật.
Chính vì nghĩa này, nên Bồ-tát nhận biết tất cả pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh. Chúng sinh không có thật Thể. Nếu như thế, thì tất cả tâm thức của thế gian đều là sự phân biệt hư vọng.
Tâm của Bồ-tát kia đối với thật tế bình đẳng của tất cả pháp, trí vô ngại hành hóa tức là tâm ban đầu. Thế nên gọi là mới phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Như kệ nói:
Họ không thấy địa phàm
Do Thể kia là không
Thế nên chư Phật nói
Vượt quá địa phàm phu.
Xa lìa pháp Thánh nhân
Nhiễm chấp nơi thân kiến
Trụ năm dục, tài sản
Nên gọi người phàm phu.
Kệ này nêu rõ về nghĩa gì? Địa là xứ sinh của các phàm phu. Đó gọi là địa phàm phu. Đấy là xứ bị phiền não trói buộc trong ba cõi, nương dựa vào phiền não sinh, nên gọi là địa phàm phu. Thế nên tâm ban đầu của Bồ-tát thấy ba cõi đều không, không khởi tướng của một pháp nào. Do không khởi tướng của một pháp nào, nên Bồ-tát không nguyện vui thích sinh nơi tất cả xứ, ngoại trừ do tâm từ bi, nhằm giáo hóa chúng sinh, nhưng luôn quán xét Thể của pháp vắng lặng. Do nghĩa này nên nói Bồ-tát đã vượt quá địa phàm phu. Vì thế kệ nêu:
Thể pháp không, nên không
Không nên không tạo tác
Vì lìa tất cả tướng
Người trí không chốn cầu.
Nhập nơi phần vị Bồ-tát: Kệ nói:
Tức Không gọi Bồ-đề
Phật nói bệnh phiền não
Rơi địa Phật-bích chi
Cùng giữ vị Thanh văn.
Tức Không gọi Bồ-đề: Là hiểu biết đúng như thật về chúng sinh hư vọng, gọi là Bồ-đề. Thế nên Thánh giả Bồ-tát Vô Tận Ý, trong bốn niệm xứ, đã nói: Khi tu tập pháp quán, nếu các Đại Bồ-tát thấy tất cả pháp đều lìa không, vô tướng, vô nguyện, vô hành, vô sinh, vô khởi cùng lìa mười hai nhân duyên, thì đó không gọi là nhận biết đúng như thật. Nếu không thấy một chút pháp nào rời không, vô tướng, vô nguyện, vô hành, vô sinh, vô khởi cùng lìa mười hai nhân duyên, Bồ-tát nếu có thể hiểu biết về tất cả chúng sinh là không có thật Thể như thế, thì đó gọi là nhận biết đúng như thật. Thế nên kệ nói: Tức Không gọi Bồ-đề.
Nếu Bồ-tát ở Địa thứ nhất hiểu biết rõ về tất cả chúng sinh là không, từ bỏ việc tạo lợi ích cho họ để nhận lấy quả vị Thanh văn, Phật-bích-chi, thì gọi là Bồ-tát Địa thứ nhất còn phiền não cần đối trị. Thế nên kệ nói:
Phật nói bệnh phiền não,
Rơi địa Phật-bích-chi,
Cùng giữ vị Thanh văn.
Lại, kệ viết:
Biết không, lìa hai biên
Không hai, nhiễm Niết-bàn
Do không nhiễm Niết-bàn
Phật nói Bồ-tát vị.
Biết không, lìa hai biên: Nghĩa này là thế nào? Như trong Kinh Pháp Ấn, Đức Như Lai nói: Này Xá-lợi-phất! Pháp không sai biệt tức gọi là không.
Tôn giả Xá-lợi-phất thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Nói là không thì lời ấy có nghĩa gì?
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: Nói là không, tức chẳng phải là có thể nói, chẳng phải là không thể nói. Nếu chẳng phải có thể nói, chẳng phải không thể nói, thì điều đó không thể biểu hiện được. Nếu đã không thể biểu hiện được thì điều đó chẳng phải là thế gian, chẳng phải là xuất thế gian. Do chẳng phải là thế gian, chẳng phải là xuất thế gian nên gọi là không. Nếu có thể hiểu rõ về không như thế, gọi là lìa hai biên. Bồ-tát nếu lìa được hai biên đó, thì không rơi vào phiền não, không giữ lấy hai thứ Niết-bàn của hàng Thanh văn, Phật-bích-chi.
Phật nói bệnh phiền não: Là do giữ lấy tướng của địa khác.
Giữ lấy tướng của địa khác: Nghĩa là giữ lấy tướng của địa Thanh văn, Phật-bích-chi, cũng gọi là lìa bỏ việc tạo lợi ích cho chúng sinh, do giữ lấy an lạc nơi Niết-bàn vô vi, nên gây trở ngại cho Bồ-đề Phật.
Lại có nghĩa khác. Không có bệnh phiền não: Là đã lìa bệnh phiền não, vì Bồ-tát không giữ lấy Niết-bàn của Nhị thừa. Vì dựa vào lực của bản nguyện, nên Bồ-tát không xả bỏ việc tạo lợi ích cho chúng sinh. Nếu như thế là không có bệnh của Nhị thừa, không có bệnh của phiền não, tu hành như thật về tất cả pháp không. Đó gọi là các Đại Bồ-tát nhập nơi phần vị Bồ-tát, do có thể xa lìa tất cả phiền não, xa lìa hết thảy các pháp đối trị.
Như thế, Bồ-tát do hành không hai, dựa vào sức mạnh của bản nguyện để không xả bỏ việc đem lại lợi ích cho chúng sinh, không rơi vào địa Thanh văn, Phật-bích-chi, không bị nhiễm vì phiền não của thế gian. Đây là sự việc hết sức thù thắng và rất khó hành trì của Đại Bồ-tát, là do tuy không thấy tất cả chúng sinh mà vẫn vì chúng sinh tu tập các hành. Sự việc như thế là không thể nghĩ bàn, tất cả thế gian không thể hiểu biết. Là việc làm hy hữu bậc nhất mà tất cả Thanh văn, Phật-bích-chi không thể nhận thấy. Do nghĩa này, nên Đại Bồ-tát Long Thọ trong Luận Tập Bồ Đề Công Đức đã nói kệ:
Đây là việc hy hữu
Bậc nhất không nghĩ bàn
Bồ-tát tu các hành
Mà không thấy chúng sinh.
Đức Như Lai cũng nói, vì nhằm tán thán công đức hy hữu như thật của Đại Bồ-tát, như trong kinh đã nói: Đại Bồ-tát có bốn thứ công đức chân thật. Những gì là bốn?
1. Có khả năng tin hiểu về không, cũng tin nhân quả.
2. Nhận biết tất cả pháp đều không có ngã, ngã sở, nhưng đối với các chúng sinh khởi tâm đại bi.
3. Ưa thích sâu xa về Niết-bàn, nhưng vẫn du hóa trong sinh tử.
4. Mọi thứ hành tác đều vì chúng sinh, không cầu quả báo.
Nếu được như vậy, tức Bồ-tát được sinh tại nhà Phật, nên kệ nói:
Bồ-tát Ma-ha-tát
Do lìa các phiền não
Tức chứng vị Bồ-tát
Thế nên sinh nhà Phật.
Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Lại, nhà Phật là phải hành các pháp nào để được sinh vào nhà Như Lai? Là xa lìa phiền não, hiểu biết về hành không, biết rõ phần vị của mình, hành tác lợi ích cho chúng sinh, hành không lầm lỗi. Đạt được các pháp như thế được gọi là Đại Bồ-tát sinh tại nhà Phật. Điều ấy nói rõ về nghĩa gì? Kệ nói:
Phật nói nhà Như Lai
Là Phương tiện, Bát-nhã
Bồ-tát sinh nhà ấy
Thế nên không hiềm nghi.
Nghĩa này là thế nào? Nói Phương tiện: Tức lược nói không lìa bỏ tất cả chúng sinh. Nói Bát-nhã: Là không chấp giữ vào hết thảy các pháp. Hai thứ pháp này là nhà của chư Phật. Vì thế, Đại Bồ-tát dựa vào Phương tiện, Bát-nhã để sinh, dùng hai thứ pháp ấy để gồm thâu.
Đại Bồ-tát vì muốn đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sinh, nên sinh tại thế gian, nhưng thật sự là không dựa nơi nghiệp, phiền não để sinh.
Nếu được như thế, Đại Bồ-tát không thể bị hiềm nghi, thảy đều xa lìa các pháp có thể chê trách của tất cả chư Thiên v.v… Sinh nơi nhà thù thắng của Phật, do nghĩa ấy nên thuộc tộc họ tôn quý không thể chê trách. Thế nên trong Tu-đa-la, Đức Như Lai đã vì các Bà-lamôn, nói kệ:
Trời, người, Càn-thát-bà
Rồng, Dạ-xoa, các chim
Các thứ nghiệp như thế
Thảy đều đã diệt hết.
Lậu kia tan, diệt tận
Như hoa sen không nhiễm
Nếu khéo biết như thế
Không nhiễm vướng các dục.
Đại Bồ-tát như thế được gọi là Phật tử chân chánh, không phải là đứa con dị biệt như trời v.v… Thế nên kệ nói:
Bồ-tát biết thật tế
Cùng tu Ba-la-mật
Do được đạo vô lậu
Nên vượt quá thế gian.
Bồ-tát biết thật tế: Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Là làm rõ tất cả pháp thảy đều vắng lặng, thế nên Như Lai nói kệ:
Tất cả pháp vô Thể
Do thật không các sự
Vì không sinh, không diệt
Nên gọi là thật tế.
Như thế, Bát-nhã Ba-la-mật nhận biết tất cả các pháp đều không Thể, là thật tế chân thật. Do Bát-nhã Ba-la-mật nhận biết về hành của đạo đoạn trừ. Năm Ba-la-mật kia nhận biết về đạo Phương tiện công đức.
Như thế, do công đức, trí tuệ này, nên Đại Bồ-tát có thể thành tựu Bồ-đề Phật, có thể diệt trừ hết các phiền não, có thể đem lại lợi ích cho chúng sinh.
Lại nữa, tu tập các pháp Ba-la-mật, cũng nhận biết như thật tế. Nhận biết như thế nào? Là không thấy có ba thứ pháp nơi bố thí: người cho, người nhận, của cải vật dụng cho. Tu hành các Ba-la-mật thanh tịnh, Bồ-tát tu hành thật tế như thế, nên là vô lậu, do vô lậu nên vượt hơn hết thảy đạo thế gian. Kệ nói:
Phân biệt hành thế gian
Trong rừng rậm phiền não
Giữ vị xuất thế gian
Là nhập đạo xuất thế.
Phân biệt hành thế gian: Lược có hai thứ phân biệt: (1) Phân biệt thật: Nghĩa là sắc là tướng có thể thấy v.v… (2) Phân biệt thắng: Tức là trong sắc kia có các màu xanh vàng đỏ trắng v.v…
Thế gian: Là năm ấm phiền não. Rừng rậm: Là sâu hiểm, đen tối, đáng sợ, không thể quan sát, khó thấy, khó biết.
Như thế là Đại Bồ-tát đã quan sát, phân biệt tự Thể, phân biệt thắng, phân biệt năm ấm, như trước đã nói là không vướng mắc trong sự việc, khởi suy nghĩ như vầy: Ta nên làm thế nào khiến chúng sinh hiểu? Thế nên kệ nói:
Biết như thật các pháp
Thật, thắng, ấm một hai
Không thấy việc chúng sinh
Làm sao hóa chúng sinh?
Bồ-tát Ma-ha-tát
Tu hành trí vô lậu
Cùng do hành công đức
Hướng tới đạo xuất thế.
Thế nên Bồ-tát vào đạo xuất thế gian.
Hỏi: Thế nào là khéo trụ trong pháp Bồ-tát?
Đáp: Kệ nói:
Vào các địa Bồ-tát
An trụ trong pháp mình
Nương thông cùng tự tại
Độ tất cả chúng sinh.
Vào các địa Bồ-tát: Như phần sau của kinh nói: “Khéo nhận biết địa thì hành của địa chuyển”.
Độ tất cả chúng sinh: Như phần cuối kinh nói: “Được một trăm Tam-muội, cho đến vô lượng trăm ngàn vạn ức na-do-tha kiếp không thể tính biết được”.
Được tư tại: Là như nói vô số công đức. Những gì là thời? Những gì là pháp? Những gì là tự tại? Những gì là sự việc thành tựu? Những gì là hành? Được những thứ tự tại thì nghĩa hạt giống của hết thảy pháp Phật không thoái chuyển, là thành tựu tất cả pháp Phật. Nên nói là khéo trụ trong pháp của Bồ-tát.
Hỏi: Thế nào là khéo trụ nơi chánh xứ của Bồ-tát?
Đáp: Kệ nói:
Nhất thời bên chư Phật
Văn trì, tư tu nói
Nghĩa hành, giải thành tựu
Cúng dường ngôi Chánh giác.
Bồ-tát Ma-ha-tát
Tu hành pháp như thế
Đó gọi là an trụ
Trong chánh xứ Bồ-tát.
Vì thế kinh nói: “Khéo trụ nơi chánh xứ của Bồ-tát”.
Hỏi: Thế nào là nhập trong pháp chân như ba đời bình đẳng?
Đáp: Kệ nói:
Biết Bồ-đề, chư Phật
Cùng hành Bồ-tát, Phật
Biết Phật, ba đời không
Gọi là ý khéo nhập.
Nghĩa này là thế nào? Là biết tất cả Pháp thân của chư Phật trong ba đời đều bình đẳng. Lại có thể nhận biết tất cả chư Phật đều dựa vào sắc thân, tu tập theo hành của tất cả chư Phật, Bồ-tát, cùng nhận biết tất cả các pháp trong quá khứ, hiện tại, vị lai, đều từ nhân duyên hòa hợp mà sinh, không có thật Thể.
Ý khéo nhập: Là như vừa nói, các pháp trong ba đời đều bình đẳng, không hai. Biết như thật chúng có một vị bình đẳng, không phá hoại nhập. Thế nên kinh nói: “Nhập trong pháp chân như ba đời bình đẳng”.
Hỏi: Thế nào gọi là trong chủng tánh của Như Lai, tất định hoàn toàn chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng?
Đáp: Kệ nói:
Bồ-tát phiền não tịnh
Cùng tâm chúng sinh tịnh
Đầy đủ đại từ bi
Tất định thành Bồ-đề.
Bồ-tát phiền não tịnh: Nghĩa này là thế nào? Là do ở Địa thứ nhất, Bồ-tát đã đối trị các phiền não như thân kiến v.v…, khi ở trong kiến đạo, thảy đều xa lìa, tức trong kiến đạo kia đã xa lìa phiền não. Như vừa nói là thấy tất cả pháp trong ba đời đều bình đẳng, là nói trong như thật.
Cùng tâm chúng sinh tịnh: Như đoạn kinh sau nói: “Trong khoảng một niệm, giáo hóa hàng trăm chúng sinh, cho đến nếu dùng nguyện lực tự tại thắng thượng v.v…”.
Vì dựa vào lực giáo hóa và làm thanh tịnh các phiền não mà chứng đắc, như đoạn kinh sau nói: “Thế nên, trước hết ta nên trụ trong pháp thiện, cũng khiến người khác trụ nơi pháp thiện”. Vì sao? Vì nếu chính mình không hành thiện, không có đủ hành thiện, vì người khác nói pháp khiến trụ nơi pháp thiện, điều ấy là không thể có. Do đã được tâm đại từ, đại bi, thế nên trong đoạn kinh trước đã nói: “Tâm này lấy đại bi làm đầu”. Vì vậy, Bồ-tát đã tự làm tịnh phiền não, làm tịnh tâm chúng sinh, có đủ tâm đại từ bi, gọi là hoàn toàn chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, nên tất định đi đến Đại Bồ-đề. Kệ nói:
Phật tử Kim Cang Tạng
Nói mười pháp tâm đầu
Tức gọi Bồ-đề Phật
Tất thành tựu Phật đạo.
Nghĩa này là thế nào? Do Thánh giả Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng nói mười thứ pháp này là tâm Bồ-đề vô lậu của Bồ-tát ở Địa thứ nhất. Tức mười thứ tâm này gọi là Bồ-đề Phật, nên nói là hoàn toàn chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Lại, kệ nói:
Ví như hạt giống tốt
Hay sinh ra cộng, lá v.v…
Tâm Bồ-đề như thế
Không khác pháp chư Phật.
Nghĩa này là thế nào? Là do tâm ban đầu chứng pháp, đối với tất cả pháp Phật đều cho là hạt giống, dùng pháp của Địa thứ nhất cùng tất cả pháp Phật làm nhân.
Lại, kệ nói:
Tâm Địa một tăng trưởng.
Phật nói là các Địa
Bồ-tát thắng diệu tột
Dụ như trăng đầu tháng.
Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Như trong Kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn Bồ Đề nói kệ:
Ví như trăng mới mọc
Tăng trưởng tức trăng đầy
Như vậy Địa Hoan hỷ
Tăng trưởng tức là Phật.
Nghĩa của mười câu như thế, Luận sư khác có giải thích khác, nên biết. Vì thế Đức Như Lai vì các Bồ-tát thuộc tụ bất định cầu tụ định nên giảng nói Kinh này.
HẾT – QUYỂN 1