LUẬN KINH DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

Hỏi: Hành do hai nhân của Danh sắc duyên nơi Thức nên được nói lại có gì thù thắng?

Đáp: Ban đầu thác vào thai thì Thức và Hành làm nhân duyên, vì Hành và Thức có thể tạo ra nghĩa chủng tử. Chủng tử đã được gieo trồng thì Danh sắc làm nhân duyên vì có thể hòa hợp thành tựu các việc. Do hai nhân duyên nên nắm giữ tạo thành tựu, nương dựa để có thể nhận lấy việc quán cảnh giới.

Lại, nhân duyên của Hành mà nghiệp được mang tên. Thế nên trong kinh nói: Nhân của các nghiệp là nhân có thể sinh. Nhân duyên của Danh sắc mà Ái được mang tên. Vì thế trong kinh nêu: Duyên của Ái kia là duyên có thể sinh. Do hai nhân duyên, nên ở trong cảnh giới, dựa vào cảnh giới mà trụ.

Lại, nhân duyên của Hành mới sinh, tâm được mang tên, là nhân duyên của Danh sắc đã sinh. Sáu Nhập chưa thành tựu, sáu Nhập được mang tên.

Lại, nhân duyên của Hành dựa vào một môn hành. Nghĩa này là thế nào? Nhân duyên của hành kia chỉ dựa vào môn hành. Nhân duyên của Danh sắc dựa vào hai môn hành. Đây là nói về nghĩa gì? Danh sắc dựa nơi hai môn là thân căn và ý căn mà hành, do hai nhân duyên dựa nơi sáu môn hành.

Lại, nhân duyên của Hành chỉ ở trong đường ác, do dựa nơi nghiệp tội có thể gồm thâu, giữ lấy. Như trong kinh nói: Các chúng sinh kia ở trong đường ác, cho đến khi nghiệp ác chưa hết thì không chết, nghiệp hết mới chết v.v… Nhân duyên của Danh sắc nơi cõi người, trời trong cõi Dục và cõi Sắc do xứ đó có hai sự việc danh, sắc. Trong cõi Vô sắc không có hai nhân duyên.

Hỏi: Như trong Kinh Thành Dụ kia và trong Kinh Đại Nhân Duyên, Đức Như Lai đã nói: Dựa nơi nhân của Danh sắc duyên nơi Thức, vì sao trong kinh này lại nói: Dựa nơi nhân của Thức duyên nơi Danh sắc?

Đáp: Nhân duyên của Danh sắc dựa vào Thức mà có. Đây là nói về nghĩa gì? Vì thật có Thức nên Danh sắc và Thức lần lượt làm nhân cho nhau. Nhưng dựa vào Thức hiện hữu mới có Danh sắc hiện hữu, như dựa vào chỗ dựa, thế nên có dựa. Đây là nói về nghĩa gì? Như vua và quan cùng lần lượt nương dựa lẫn nhau, nhưng vua là hơn, vì lúc vua đi, quan cũng đi theo. Đây cũng như thế. Thức và Danh sắc cùng thay nhau nương dựa, nhưng Thức thì hơn. Vì thế dựa vào Thức mà có Danh sắc. Nếu nhân duyên của Thức không gá vào thai mẹ thì các tâm số pháp không hiện hữu được. Vì Thức đã gá vào thai, nên các tâm số pháp đều cũng tùy tùng. Lại nhân nơi tâm căn bản thành Ca-la-la, do các sắc đỏ trắng v.v… hòa hợp, tức có thể thành Ca-la-la, là thành chúng sinh. Tâm thức của xứ kia là nhân căn bản, như trong pháp môn Đại Nhân Duyên có nói: Phật bảo Tôn giả A-nan! Nếu tâm thức kia không nhân vào thai mẹ, thì Ca-la-la và Danh sắc nọ cũng không thành tựu. Vì vậy, Thức là hạt giống của các khổ. Vì nhằm chỉ rõ về nghĩa căn bản, nên Đức Như Lai chỉ nói Thức duyên nơi Danh sắc không nói nhân duyên của Danh sắc nơi Thức.

Hỏi: Có người nói mười hai nhân duyên đều có quan hệ đến hoàn cảnh. Người kia dựa vào nhân duyên của Thức nơi Danh sắc nhưng nghĩa không thành. Vì sao? Vì không có nhân duyên. Đây là nói về nghĩa gì? Vì Thức diệt rồi, sau mới có thể tạo ra nhân duyên của Danh sắc, hay là Thức không diệt mà có thể tạo ra nhân duyên của Danh sắc? Nếu Thức diệt rồi mới tạo ra nhân duyên của Danh sắc, thì nghĩa này không thành. Vì sao? Vì hạt giống đã tiêu mất, tất nhiên không thể sinh mầm, tạo nhân duyên của sinh. Lại còn có lỗi là vì thể của chúng sinh bị đoạn dứt giữa chừng. Còn nếu Thức không diệt, có thể làm nhân duyên với Danh sắc, thì một thân chúng sinh, ở trong một niệm cùng có hai thức. Do nghĩa này nên Thức không thể làm nhân duyên cho Danh sắc.

Đáp: Nhân duyên nối tiếp không đoạn không dứt, như thể của ngọn đèn cháy nối tiếp không gián đoạn. Việc này nêu rõ về nghĩa gì? Ánh sáng của ngọn lửa nối tiếp không dứt mà có tác dụng. Không phải ngọn lửa trước tắt mất, ngọn lửa sau mới sinh. Nếu ngọn lửa trước đã tắt, rồi từ ngọn lửa đó sinh, tức là diệt rồi thời gian sau lại sinh.

Lại còn có lỗi: Ngọn lửa sau lúc sinh không nhân mà sinh.

Lại còn có lỗi: Nếu không có nhân sinh, tức nên là thường sinh. Lại, cũng không phải ngọn lửa trước sinh rồi trụ, sau đó ngọn lửa khác mới sinh. Nếu ngọn lửa trước trụ lại, ngọn lửa sau mới sinh, thì ngọn lửa trước phải nên trụ nơi niệm thứ hai, nhưng trong pháp Phật không có nghĩa như vậy.

Lại còn có lỗi: Là ngọn lửa trước đã sinh, không nhân mà sinh.

Lại còn có lỗi: Là ngọn lửa nên tăng trưởng.

Lại còn có lỗi: Là nên có nhiều ngọn lửa cùng sinh. Lại, cũng không phải do ngọn lửa trước dừng lại, ngọn lửa khác lại sinh. Vì sao? Vì không có sự dung nạp. Đây lại có nghĩa gì? Tùy thuộc vào ngọn lửa trước sinh, do những nơi chốn nào, những nhân duyên nào, tức nơi xứ sinh kia, tức nơi nhân duyên kia, tức ngọn lửa sinh trước, tức thời cùng diệt, chấm dứt. Thế nên được dung nạp ngọn lửa khác và nhân duyên khác.

Lại còn có lỗi: Là ngọn đèn trước diệt, ngọn đèn sau sinh, không từ nơi nhân duyên không có lửa mà sinh. Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì ngọn đèn, tim đèn, ánh lửa theo thứ lớp trước, sau nối tiếp không đoạn không dứt. Thức, Danh sắc v.v… cũng như thế, theo thứ lớp sinh, diệt, có thể thành nhân quả, nên biết. Do nghĩa này nên dựa nơi nhân duyên của Thức có thể sinh ra Danh sắc và nghĩa nhân quả được thành.

Hỏi: Nhân duyên của Danh sắc có sáu Nhập là do những nhân nào?

Đáp: Do nhân của Danh sắc kia. Vì sao? Vì do nhân duyên của sắc thanh tịnh là năm nhập. Do nhân duyên của danh thanh tịnh là ý nhập. Vì thế nơi nhân duyên của Danh sắc là sáu Nhập.

Hỏi: Nếu do Danh sắc duyên nơi sáu Nhập, thì nghĩa này không thành. Vì sao? Vì tuy có Danh sắc nhưng như không có Danh sắc. Điều này có nghĩa gì? Khi là Ca-la-la, tuy có Danh sắc, nhưng không có sáu Nhập v.v… Do vì nghĩa này, nên nghĩa Danh sắc duyên nơi sáu Nhập. Lại nữa, sở dĩ nghĩa ấy không thành là do chúng sinh có người mù, điếc v.v… Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Nếu Danh sắc có thể làm nhân của sáu Nhập, thì không nên có các chúng sinh điếc và mù, tất cả đều nên có các căn đầy đủ.

Đáp: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì không lìa Danh sắc mà thành sáu Nhập, cũng như mây và mưa. Đây là nói về nghĩa gì? Ví như ông nói trời mưa. Nếu trước đó đã có mây rồi, sau đó mới mưa, thì không phải lìa mây cũng có mưa. Vì có mây nhưng không có mưa. Sáu Nhập cũng vậy. Nếu có Danh sắc là có sáu Nhập, chẳng phải lìa Danh sắc lại có Danh sắc mà không có sáu Nhập.

Hỏi: Do nghĩa gì có Danh sắc mà không có sáu Nhập?

Đáp: Do các nhân duyên không đầy đủ. Câu này nói về nghĩa gì? Cũng như nhãn thức, có mắt như thật, nhưng vì các nhân duyên không đầy đủ, nên không thành nhãn thức. Lại nữa, cũng như thật có hạt giống, nhưng do các nhân duyên không hòa hợp nên không thể thành mầm. Ở đây cũng như vậy. Vì nhân duyên trong thời kỳ Ca-la-la v.v… không gồm đủ, nên các nhập như mắt v.v… cũng không đầy đủ.

Hỏi: Các nhân duyên kia gồm đủ như thế nào?

Đáp: Vì nghiệp, phiền não, Danh sắc hòa hợp thuần thục nên thành.

Hỏi: Làm sao biết được phiền não cũng là nhân duyên của sáu Nhập?

Đáp: Do A-la-hán không còn sinh trở lại. Đây là nói về nghĩa gì? Vì tuy còn có nghiệp, nhưng A-la-hán không có phiền não nên không sinh, vì không sinh nên không có sáu Nhập, thế nên biết được phiền não cũng là nhân xa của sáu Nhập. Nghiệp cũng là nhân duyên của sáu Nhập kia. Vì sao? Vì do thành mù lòa v.v… Thế nên, tuy lại thật có phiền não, nhưng tùy theo chủng loại sinh, gồm đủ sáu thứ nghiệp có mù, điếc v.v… Do đấy biết nghiệp cũng là nhân của sáu Nhập.

Lại, do mười hai nhập có nhiều thứ. Điều này có nghĩa gì? Vì nhập có những thứ cùng lần lượt thay nhau bất đồng, chỉ mỗi một chúng sinh trong một thân thể đã có những thứ bất đồng, huống chi là trong thân của vô số chúng sinh có các nghiệp không đồng. Thế lực của gia đình, sắc đẹp, mạng sống thảy đều bất đồng. Đây đều dựa nơi nghiệp. Do từ nghĩa này nên nghiệp kia cũng là nhân duyên của sáu Nhập.

Danh sắc cũng là nhân duyên của sáu Nhập, do sáu Nhập kia đều dựa nơi chủng tử. Việc này có nghĩa gì? Vì tuy đã có nghiệp, phiền não v.v… nhưng chủng tử của Danh sắc sinh nơi sáu nghiệp, không lìa Danh sắc mà có thể sinh sáu nghiệp, như không lìa hạt giống mà có thể sinh mầm. Thế nên biết được nhân gần là Danh sắc sinh nơi sáu Nhập. Cũng nương dựa nơi nghiệp kia sinh ra sáu Nhập. Vì sao? Vì tuy có pháp kia mà không có pháp kia. Điều này có nghĩa gì? Vì tuy vẫn có nghiệp, phiền não v.v… nhưng Danh sắc kia không thành tựu đầy đủ. Như trong thời kỳ Ca-la-la v.v… không có các nhập như nhãn v.v…, nhưng dựa vào Danh sắc mà sáu Nhập được thành tựu. Ví như mới bắt đầu kết hạt, thì chung cuộc có thể thành quả. Vì thế biết được nghiệp, phiền não cùng Danh sắc v.v… đã được thuần thục thì có thể tạo ra nhân duyên của sáu Nhập.

Hỏi: Ông nói nhân duyên cũng không đầy đủ. Vì sao? Vì ở đây không nói đến nhân duyên bên ngoài. Đây là nói về nghĩa gì? Chỉ trừ thanh nhập, Danh sắc v.v… cùng duyên nơi sáu Nhập sinh. Nếu như thế thì chỉ nói nhân duyên của sáu Nhập, không nói đầy đủ nhân duyên của Danh sắc. Đây là lỗi lầm.

Đáp: Việc ấy không cần nói. Vì sao? Vì do thấy hai xứ. Đây là nói về nghĩa gì? Do thấy hai xứ của ngoại nhập kia, vì dựa nơi chúng sinh để gồm thâu hay dựa vào không phải chúng sinh để gồm thâu. Đây lại có nghĩa gì? Ở đây chỉ dựa vào chúng sinh theo thứ lớp để nói mười hai nhân duyên, không dựa vào không phải chúng sinh để nói mười hai nhân duyên. Thế nên, chỉ dựa vào những gì thuộc về chúng sinh để nói về nhập, không dựa vào những gì không phải là chúng sinh để nói. Do nghĩa này, nên ở đây chỉ dựa vào nhân duyên bên trong, thuộc về chúng sinh để nói, không dựa vào nhân duyên bên ngoài để nói.

Hỏi: Như vậy thì không nên nói về Danh sắc. Điều này có nghĩa gì? Nếu như thế thì Danh sắc trong chi Hữu không nên nói là Danh sắc, vì do sắc được thấy ở hai xứ.

Đáp: Thật như ông đã vấn nạn. Tuy nhiên, nếu ở xứ kia không nói Danh sắc, chỉ nói là danh duyên nơi sáu Nhập. Như thế, không nói năm thứ sắc nhập, vì trong sáu Nhập kia sắc cũng thanh tịnh, không phải chỉ có nhập của Danh sắc thanh tịnh. Điều này có nghĩa gì? Nên nói có thể thấy duyên của nhập như sắc v.v… Thế nên, xứ kia cũng nói tên sắc. Do đấy nên nói nhân duyên của thức là Danh sắc duyên nơi ý nhập như thế v.v… Ba thời như vậy là không có phân biệt. Thế nên, Đức Như Lai ở đây nói gọi là chánh thuyết.

Hỏi: Vì sao không nói nhân duyên của ngoại nhập?

Đáp: Nói mắt v.v… tức là đã nói đầy đủ. Đây là nói về nghĩa gì? Tức trong kinh này đã nói đầy đủ sự thành tựu về thể của chúng sinh. Điều này lại có nghĩa gì? Nghĩa là tùy vào những xứ nào, các nhập như mắt v.v… nói xứ kia tất có ngoại nhập như sắc v.v… Vì sao? Vì không xa lìa cảnh giới như sắc v.v… mà có nhãn thức v.v… Vì nghĩa này, nên nói các nhập như mắt v.v… tức đã gồm thâu các ngoại nhập như sắc v.v… Vì vậy, không nói riêng các ngoại nhập. Lại do dựa nơi nội nhập mà được tên gọi. Đây lại có nghĩa gì? Vì dựa vào nội nhập nên được gọi là chúng sinh, không phải là dựa vào ngoại nhập. Do từ nghĩa này nên chỉ nói nội nhập, không nói ngoại nhập.

Hỏi: Vì sao gọi là Xúc?

Đáp: Đối nơi điều đang đến, nên gọi là Xúc.

Hỏi: Nghĩa này là thế nào?

Đáp: Nơi cảnh giới của niệm, thức cùng đối nơi pháp. Do nhãn thức v.v… ở trong các cảnh giới như sắc kia v.v…, đây kia cùng đối. Đó gọi là Xúc. Xúc lại có nghĩa là đối gần, hòa hợp đến một xứ tên khác, nghĩa là một. Lại, vì pháp hòa hợp, sinh ý địa, nên gọi là Xúc.

Hỏi: Nói về nhân duyên của xúc như thế cũng không đầy đủ. Do ba pháp làm nhân duyên hòa hợp nên sinh ra xúc. Đây là nói về nghĩa gì? Do có ba pháp hòa hợp nên sinh xúc. Đức Phật đã nói như thế. Ở đây chỉ nói nhân duyên của sáu nhập sinh ra xúc như thế là nói không đầy đủ về nhân duyên sinh xúc. Đó là lỗi.

Đáp: Do nói nhân duyên bên trong gồm thâu được duyên bên ngoài, ví như tiếng trống. Đây là nêu về nghĩa gì? Như người cầm dùi đánh trống hòa hợp phát ra tiếng, nhưng chỉ nói đó là tiếng trống. Ba pháp như thế hòa hợp sinh xúc. Tuy dựa nơi bên trong mà nói, nhưng đã gồm thâu được bên ngoài, thế nên không có lỗi.

Lại, xúc này không đồng nghĩa như hạt giống sinh mầm. Nghĩa này là thế nào? Như tuy có thời tiết cùng đất, nước v.v… hòa hợp, có thể tạo ra nhân duyên cho việc sinh mầm nhưng vẫn nói hạt giống gọi là nhân chính, hạt giống có thể sinh mầm, là nhân tốt nhất của mầm. Đây là mầm lúa nước, đây là mầm lúa mì, không nói là nhân chung. Xúc cũng như thế, có nghĩa bất đồng, tuy có ba pháp hòa hợp nên sinh, nhưng chỉ nói nội nhập, không nói nhân chung.

Lại, do nhân thù thắng. Nghĩa này là thế nào? Tuy có ba sự việc hòa hợp nên sinh xúc, nhưng vì dựa vào gốc có thể sinh nên nói là nhân bên trong. Do nhân ấy là thù thắng, do dựa vào gốc, nên các thức có thể sinh. do những kẻ mù, điếc v.v… không nhận biết v.v… Do các pháp như sắc v.v… là cảnh giới của thức. Thế nên dựa vào căn, ba pháp hòa hợp tức có thể sinh pháp kia. Tuy từ nơi ba pháp sinh, nhưng căn là thù thắng, nên Đức Như Lai chỉ nói pháp thù thắng, như nói sáu Nhập.

Lại, tuy nói sáu Nhập, nhưng gồm thâu được ba pháp hòa hợp thành các xúc. Do nói tên nhập, tức là nói sáu thức. Do chúng cùng tùy thuận, nên nói nhập như mắt v.v… tức gồm thâu các nhập như mắt v.v… Vì sao? Vì không lìa các nhập như sắc v.v… nên có các nhập như mắt v.v… Do nghĩa ấy nên nói sáu Nhập. Ở đây cũng như vậy.

Hỏi: Sáu Nhập duyên nơi Xúc, đó là nhân gì?

Đáp: Do người mù v.v… không có các xúc như mắt v.v… Những người khác thì có. Đây là nói về nghĩa gì? Vì có các căn như mắt v.v… nên có các xúc như mắt v.v… Lìa các căn như mắt v.v… thì không có các xúc như mắt v.v… Như người mù v.v… chỉ có ý thức. Sáu nhập duyên nơi Xúc ở đây cũng như thế.

Hỏi: Dựa vào Xúc duyên Thọ, đây là nhân gì?

Đáp: Do lạc thọ cùng cảnh giới hòa hợp nên có các thọ như lạc thọ v.v… Nghĩa này là thế nào? Như người bị bệnh phong nhiệt, bị nóng bức não nên tìm những thứ gây lạnh như tuyết, ngọc báu ma-ni cùng bóng mát v.v… Lại như người bị lạnh bức não, nên cầu tìm những tiếp xúc tạo ấm nóng như tìm lửa, tìm áo, tìm nước ấm v.v…

Hỏi: Xúc duyên nơi Thọ, nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì cùng sinh với xúc. Nghĩa này là thế nào? Tức xúc cùng sinh với thọ. Do vì nghĩa này, nên xúc duyên nơi thọ, nghĩa ấy không thành. Như hai chiếc sừng cùng sinh, sừng bên phải không tạo nhân duyên cho sừng bên trái, sừng bên trái cũng không làm nhân duyên cho sừng bên phải. Đây cũng như thế. Vậy phải dựa nơi nhân duyên khác mà sinh, không phải nhân duyên của xúc. Lại, nếu cùng sinh mà xúc có thể làm nhân duyên cho thọ, thì do nghĩa nào, nên thọ không thể cùng xúc là nhân duyên? Do thọ xúc sinh khởi nhân tương ưng.

Đáp: Tuy lại cùng sinh, nhưng môt pháp là nhân, một pháp không phải là nhân. Nghĩa này là thế nào? Có hai thứ pháp, tuy lại cùng sinh, nhưng có một pháp có thể làm nhân cho pháp kia, không phải pháp thứ hai làm nhân cho pháp kia. Như ánh sáng cùng với ngọn lửa tuy lại cùng sinh, nhưng ngọn lửa là nhân của ánh sáng, còn ánh sáng không phải là nhân của ngọn lửa.

Lại, như mặt trời và ánh sáng là hai pháp cùng sinh, nhưng mặt trời có thể làm nhân cho ánh sáng, còn ánh sáng không thể làm nhân cho mặt trời.

Lại, như thân cùng sinh với bóng của thân, thân là nhân của bóng, bóng không làm nhân cho thân.

Xúc cũng như thế. Tuy cùng sinh với thọ, nhưng xúc làm nhân cho thọ, thọ không làm nhân cho xúc.

Nghi này đã đoạn dứt.

Lại có nghĩa khác. Tức trong pháp này, tôi cho không phải xúc cùng sinh mà là thứ lớp làm nhân duyên. Nghĩa này là thế nào? Trong pháp này không phải thọ cùng xúc một thời cùng sinh. vậy chúng sinh khởi như thế nào? Tức dựa nơi thời quá khứ, cùng với thời gian sau nhận pháp làm nhân, thứ lớp duyên sinh. Điều ấy làm sao nhận biết? Do nói một nhân. Đây có nghĩa gì? Do nói dựa vào nhân duyên của xúc sinh thọ, không nói dựa vào nhân duyên của thọ sinh xúc. Đây lại có nghĩa gì? Nếu hai pháp này đều cùng phát sinh thì nên nói là chúng làm nhân lẫn nhau. Do vì nghĩa ấy nên nói là thứ lớp làm duyên, không nói là một thời.

Hỏi: Dựa vào Thọ duyên nơi Ái, đây là nhân gì?

Đáp: Do thọ làm nhân cho dục giữ lấy vui thích nên sinh ra ái.

Hỏi: Nếu như thế thì khổ không nên sinh?

Đáp: Do cầu xuất ly.

Hỏi: Người cầu lạc thọ thấy lạc nên cầu, không nên cầu khổ, do không thọ dụng?

Đáp: Tuy không cầu khổ nhưng cũng có ái, vì không muốn nhận lấy khổ thọ kia. Cầu muốn lìa khổ, đấy tức là ái. Thế nên khổ thọ cũng là nhân duyên của ái.

Lại, lạc thọ là nhân duyên của dục ái. Khổ thọ xa lìa là nhân duyên của hữu ái. Đây là nói về nghĩa gì? Như người có khổ, bị khổ bức não, không nhận biết, không có lực, nên sát hại thân. Do không cầu khổ, do không cầu lạc, nhưng vẫn có nhân duyên của ái.

Lại, dựa nơi vô minh che lấp nên nhận lấy khổ. Như người khát nước, trong đêm tối uống phải nước lẫn phân. Đây cũng như thế.

Hỏi: Cảnh giới như sắc v.v… đều là duyên của ái. Vì sao chỉ nói Thọ là duyên của Ái?

Đáp: Vì lạc thọ cầu các sắc kia v.v… Đây có nghĩa như thế nào? Lạc thọ sinh khởi tất có bạn bè. Do vì nghĩa này, nên đối với các pháp như sắc v.v… đều sinh tâm ái. Thọ là nhân hơn hẳn không phải sắc, hương v.v… Thế nên chỉ nói thọ làm nhân cho ái, không nói sắc v.v…

Hỏi: Thủ có nghĩa gì?

Đáp: Nhận lấy, gần gũi, nhiễm, chấp, đều gọi là Thủ. Cầu nơi chi Hữu cùng tất cả những nhiễm chấp như tài sản v.v… Do bị nhiễm đắm không cùng lìa bỏ, nên gọi là Thủ. Thủ này có bốn thứ: Dục thủ, kiến thủ, giới thủ và ngã thủ.

Lại, dục thủ là tham các công dụng nơi cảnh giới của năm dục. Giới thủ là lấy việc trì giới để giữ lấy ba thứ kiến chấp. Kiến thủ là thân kiến và ngã kiến. Lại, chấp trước nơi ngã, gọi là ngã thủ.

Người kia chấp giữ nơi ngã vì ngã cầu lạc. Thế nên cầu cảnh giới của năm dục kia, cầu dục lạc của chư Thiên. Hoặc do muốn được thấy các trời, các pháp tạo ra để hành như thế, gọi là kiến thủ. Nếu đã cầu được cảnh giới của năm dục, tham đắm vào pháp ấy, gọi là dục thủ. Do có nhân tham đắm nơi cảnh giới dục của đời vị lai, không thể xa lìa cảnh giới của năm dục, vì như thế nên trì giới gọi là giới thủ.

Lại, tham chấp nơi thân, tùy thuận cả hai biên thường đoạn gọi là kiến thủ. Nghĩa này là thế nào? Nếu rơi vào biên đoạn, tức là chấp chặt vào cảnh giới của năm dục, đó gọi là dục thủ. Nếu rơi vào biên thường, tham đắm năm dục, cho đó là xứ sinh hơn hết. Vì thế nên giữ giới gọi là giới thủ.

Hỏi: Ái duyên nơi Thủ, đây là nhân gì?

Đáp: Vì ái không đầy đủ, nên lại cầu tăng trưởng, như uống nước mặn lại càng khát thêm.

Lại dựa vào ái nên có bốn thứ thủ. Nghĩa này là thế nào? Vì dựa vào duyên của ái, nên cầu cảnh giới của năm dục trong hiện tại. Như trong kinh nói: Dựa vào nhân duyên của ái để cầu các dục, đó gọi là dục thủ.

Lại, dựa nơi ái nên cầu cảnh giới của năm dục trong đời vị lai. Vì ái ấy nên khởi sự giữ giới, đó gọi là giới thủ. Do người đó chỉ cầu cảnh giới của năm dục, nếu cầu được chúng, không muốn lìa bỏ để cầu chư Thiên, ngày tốt, việc cúng tế, là điều mong muốn của ngã, chấp trước nơi ngã như thế gọi là ngã thủ. Đó gọi là dựa vào nhân duyên của Ái đối với Thủ.

Hỏi: Do những Ái nào duyên nơi những Thủ nào?

Đáp: Dục ái duyên nơi dục thủ. Hữu ái có thể chấp giữ giới thủ, ngã thủ. Lìa chi hữu, ái có thể chấp giữ kiến thủ. Lại, ngã của chúng sinh ái kiến thủ, sinh ái giới thủ, thọ ái dục thủ. Nơi tất cả thủ đều tham đắm kiến thủ. Lại, hai thủ là dục thủ và giới thủ trong bốn thủ, là hai thứ ái khác, được xem là căn bản của vô minh.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của Hữu?

Đáp: Đây là chủ thể sinh, dựa nơi chủ thể sinh ấy, nên ở đây có thể siêng năng tu tập. Dựa nơi pháp này nên có thể sinh ra pháp khác, do đó gọi là Hữu.

Hỏi: Dựa nơi duyên sinh của Hữu, đây là nhân gì?

Đáp: Dựa nơi nghiệp nên có sinh, như trước đã nói: Dựa nơi hành có thức, ở đây cũng thế, nên nói đầy đủ.

Hỏi: Phiền não cũng là nhân duyên của chi sinh. Như trong kinh nói: Nhân của ái nên có khả năng phát sinh. Vì sao chỉ nói Hữu là nhân duyên nơi sinh không nói nhân duyên thủ?

Đáp: Vì dựa vào nhân phát sinh thù thắng nên nói như vậy. Nghĩa này là thế nào? Trong đây chỉ nói nhân thù thắng của pháp sinh. Thế nào là thù thắng? Đây là địa ngục, đây là con người, đây là chư Thiên. Vô số những thân nghiệp như thế v.v… là nhân gần, không phải là phiền não. Vô số những nhân kia lại có nhân đã sinh, sinh trong đồng loại, đều có sai biệt. Nghĩa là tất cả những sai biệt về sắc, lực, nhà cửa, sống lâu, chết yểu, có bệnh, không bệnh, thọ dụng, của cải. Các nghiệp ở đây cũng thế, nên biết ấy là nhân gần, không phải là phiền não. Do đó nói nhân duyên của hữu có sinh, không phải là nhân duyên của thủ.

Hỏi: Nếu Hữu có thể làm nhân duyên cho Sinh, thì vì sao nói nhân duyên của Hữu nơi Sinh, không nói nhân duyên của Sinh nơi Hữu?

Đáp: Do có định, không định. Nghĩa này là thế nào? Vì có chi Hữu, tất có chi Sinh, nhưng có chi Sinh không cần có chi Hữu. Cũng như là dựa vào Đế thứ hai kia, nên tất có Đế thứ nhất, nhưng tất phải nhân có Đế thứ nhất mới có Đế thứ hai. Nếu không như vậy sẽ hoàn toàn không có nhân duyên của giải thoát. Thế nên nói dựa vào nhân duyên của chi Hữu, tất có chi Sinh, không phải Sinh duyên Hữu.

Hỏi: Già có nghĩa gì?

Đáp: Da nhăn, lực giảm, gọi là già. Có người nói: Gọi là già vì có sự đổi khác. Nghĩa này không thành. Vì sao? Vì do không trụ, vì hành hữu vi, sát-na không dừng trụ. Nếu hành của hữu vi niệm niệm không trụ, thì vì sao nói đổi khác gọi là già?

Lại còn có lỗi: Nếu pháp có biến đổi tức nên nó phải trụ trong sát-na thứ hai. Nếu pháp có trụ trong sát-na thứ hai thì không phải là nghĩa của pháp Phật.

Lại còn có lỗi: Nói đổi khác là bỏ nơi thật thể. Nếu tức pháp trước có sự đổi khác thì pháp kia phải nên bỏ bản thể. Lại nếu pháp kia không đổi khác, thì không được nói là có đổi thay, có khác biệt. Nếu pháp không bỏ bản thể của nó, cũng không được nói có sự đổi khác, để gọi là già. Thế nên, không được nói có chuyển biến gọi là già. Trước nói tướng già, đó là nghĩa của già.

Hỏi: Tâm, tâm số pháp, làm sao biết được là già?

Đáp: Do thấy tâm pháp dựa vào pháp đổi khác. Nghĩa là các căn, bốn đại tổn giảm, sự nhớ nghĩ yếu kém, quên mất. Các pháp môn hiện có, nghe nhận, không hiểu rõ, thấy cảnh giới khó thấy. Như thế v.v… tức biết là tâm có già.

Hỏi: Chết có nghĩa gì?

Đáp: Chết là xả bỏ mạng sống hoàn toàn mất, lùi diệt, đi đến thế giới khác v.v… Đó gọi là Chết. Như thế chết ở đây cùng với già vừa nói, kết hợp cả hai nên gọi là chi Lão tử.

Lại có người nói: Các căn, bốn đại v.v… thời gian sau tổn giảm, vi tế khó phân biệt, đó gọi là già, bị hủy hoại gọi là chết, như cây khô héo dần.

Lại, bốn đại bị suy hoại gọi là già, tan hết gọi là chết. Như chiếc xe cũ, hư gãy đổ tan nát hết.

Lại, đối với năm ấm thuận theo diệt hoại, đó gọi là già, diệt mất gọi là chết, như ngôi nhà cũ đã tan hoại.

Hỏi: Sinh duyên Lão tử đây có nghĩa gì?

Đáp: Pháp kia tan hoại nên có được pháp này. Nếu không có pháp kia thì cũng không có pháp này. Nghĩa ấy là thế nào? Như mới đầu, tạo chiếc bình, thời gian sau bình cũ, hư. Lại, trước tạo chiếc bình, thời gian sau bình bị vỡ nát. Đây cũng như vậy. Có chúng sinh sinh, sau có già chết, không phải là chẳng sinh. Thế nên nói dựa vào sinh duyên nơi lão tử.

Hỏi: Nếu sinh trong một niệm tức thời chết, trong đó làm sao sinh duyên nơi lão tử?

Đáp: Là mạng diệt. Nghĩa này là thế nào? Xứ kia có mạng tổn giảm, năm ấm của mạng hiền tiền diệt, nên gọi là chết. Cũng như cơn mưa có mây nên mưa, không mây thì không mưa, nhưng đôi lúc có mây mà không có mưa. Xứ này cũng thế.

Hỏi: Vì sao trong ba tướng của pháp hữu vi, một xứ chỉ nói sinh là chi sinh, một xứ lại nói lão và cho là chi lão?

Đáp: Do nghĩa tùy thuận. Lúc pháp sắp sinh, thì sinh có thể tùy thuận. Lúc pháp sắp diệt thì chi lão tùy thuận.

Lại, chi lão tử tùy thuận pháp hoại. Chi sinh cùng với lão tử kia trái nhau. Hai pháp lão, tử cùng thay nhau tùy thuận.

Nói tùy thuận, tùy thuận nơi sự suy hoại nên gọi là lão, tử cũng như thế. Thế nên lão, tử hợp thành một chi, sinh là chi riêng.

Hỏi: Vì sao không nói Ưu lo v.v… là chi?

Đáp: Vì không hiện hữu khắp trong tất cả chúng sinh. Nghĩa này là thế nào? Các pháp như ưu v.v… không phổ biến trong ba cõi, vì nghĩa này nên không nói là chi.

Hỏi: Vô minh diệt thì Hành diệt có theo thứ lớp nào?

Đáp: Đức Như Lai nói theo thứ lớp: Mười hai nhân duyên như Vô minh v.v… có thể sinh ra Hữu. Do các chúng sinh không thể nhận biết được mười hai nhân duyên, nên rơi vào đoạn kiến. Đức Như Lai đã nói theo thứ lớp là vô minh diệt, những chi khác đều diệt. Do các chúng sinh không thể thấy biết nhân duyên của vô minh, nên rơi vào thường kiến.

Lại, như trước đã nói, thế nào là thế gian có do không thấy biết mười hai nhân duyên, nên rơi vào biên không? Vì nghĩa này, nên Đức Như Lai nói: Thế nào là thế gian diệt? Do không thấy biết những pháp nào nên rơi vào biên có. Vì nghĩa này, nên Đức Như Lai nói tiếp. Như trong Kinh Ca Chiên Diên, Đức Như Lai đã nói. Lại, đã nói đến thân kiến nơi tập đế, đạo đế, chưa nói đến thân kiến nơi khổ đế, diệt đế, thế nên sắp nói.

Lại, đã nói đến đế nhiễm, chưa nói đến đế tịnh. Lại, đã nói đến đế trói buộc, chưa nói đến đế giải thoát. Nay sắp nói, thế nên nói vô minh diệt hành cũng diệt.

Hỏi: Các nhân duyên này có bao nhiêu thứ?

Đáp: Nói gọn có bốn thứ. Đó là:

  1. Có thời gian nơi mười hai nhân duyên.
  2. Sát-na.
  3. Thứ lớp.
  4. Không đoạn dứt.

Thời gian: Là thời gian đến, gọi là thời gian của nhân duyên. Nghĩa này là thế nào? Thời gian của vô minh là thời quá khứ. Phiền não sinh là thời gian của Vô minh.

Nói thời gian của hành là nghiệp của thời quá khứ. Đó gọi là thời gian của Hành.

Nói thời gian của thức là tâm thác sinh, cùng sinh với quyến thuộc. Đó gọi là thời gian của Thức.

Thời gian của danh sắc là khi tinh huyết chưa hòa hợp thành, tức Ca-la-la, An-phù-đà, Tỳ-ni-kiên-chi v.v… Trong thời gian như thế, là chưa sinh ra năm tình, các căn như mắt v.v… sáu nhập chưa đủ, lúc này, sinh thể. Đó gọi là thời gian của Danh sắc.

Thời gian của sáu nhập là do sinh các căn như mắt đầy đủ v.v…

các căn của sáu nhập chưa thể có sức để tạo ra chỗ nương dựa cho tâm, tâm số pháp. Đó gọi là thời gian của sáu Nhập.

Nói thời gian của xúc là tùy vào những thời gian nào các căn có thể làm chỗ nương dựa cho tâm, tâm số pháp kia, nhưng không thể tạo phân biệt khổ, vui, cũng không thể tạo ra các sự việc tốt, xấu, chưa có hành vượt hơn. Đó gọi là thời gian của Xúc.

Nói thời gian của thọ là thọ nhận khổ, lạc, phân biệt khổ, vui, gồm thâu những việc tốt xấu, yêu thích ăn uống, không yêu thích dục, chưa có sức để giữ lấy tiền của. Đó gọi là thời gian của Thọ.

Nói thời gian của ái là hành yêu thích, ham muốn về tiền của, chẳng phân biệt có không. Đó gọi là thời gian của Ái.

Nói thời gian của thủ là biết phân biệt có, không, khởi sự mong cầu như thế. Đó gọi là thời gian của Thủ.

Nói thời gian của hữu là cầu cảnh giới của năm dục nơi đời này, cả trong đời vị lai, nên ra sức tìm kiếm, vì đời vị lai nên dấy khởi các thứ nghiệp. Đó gọi là thời gian của Hữu.

Nói thời gian của sinh là đời này đã lùi, tức tiếp đến đời sau, gá vào xứ sinh. Đó gọi là thời gian của Sinh.

Nói thời gian của lão tử là từ đấy về sau, các căn bị suy hoại dần. Đó gọi là thời gian của Lão tử.

Sát-na: Nghĩa là các chi như Danh sắc v.v… gọi là sát-na. do trong một niệm đã có đủ tất cả mười hai chi. Nghĩa này là thế nào? Như một người dựa vào tâm tham nên sát sinh. Xứ dựa kia hiện có mê lầm, ngu tối v.v… gọi là vô minh. Xứ kia hiện có chỗ tương ưng với tâm tư duy, gọi là hành. Xứ kia hiện có ý pháp tương ưng, gọi là thức. Xứ kia hiện có tưởng pháp cùng sinh với thức. Các pháp như bốn đại và bốn trần do dựa nơi bốn đại sinh ra, đó gọi là danh sắc. Xứ kia hiện có dựa nơi nhập tạo nghiệp, chẳng phải là lìa nơi nhập, gọi là sáu nhập. Xứ kia hiện có các pháp đối xứng tương ưng, đó gọi là xúc. Xứ kia hiện có chỗ tương ưng với giác, đó gọi là thọ. Xứ kia hiện có sự tương ưng với tâm tham, đó gọi là ái. Xứ kia hiện có tâm không xả bỏ ái, đó gọi là thủ. Xứ kia hiện có nghiệp thân, miệng, ý, đó gọi là hữu. Xứ kia hiện có các pháp như thế đã khởi lên các pháp, đó gọi là sinh. xứ kia hiện có các pháp đã đổi khác, đó gọi là lão. Xứ kia hiện có các pháp tan diệt, đó gọi là tử.

Thứ lớp: Là nghĩa vô thỉ. Nghĩa này là thế nào? Do nhân quả kia không đoạn dứt. Chính do nghĩa này nên không biết chỗ khởi đầu của nhân quả đó.

Không đoạn dứt: Là do nơi mỗi nhân của nhân kia không đoạn dứt. Nghĩa này là thế nào? Là nghĩa từ xa đến.

Lại nữa, không phải chỉ mười hai chi là có khả năng sinh ra nhân duyên, mà tất cả các pháp hữu vi kia đều gọi là nhân duyên.

* Các pháp như tâm sâu xa v.v… có thứ lớp như thế nào?

Đáp: Do đã thành tựu tất cả công đức thù thắng. Do trong tất cả pháp không mất tâm Bồ-đề, dùng làm căn bản. Nghĩa này là thế nào? Ở trong công đức tu hành của các Đại Bồ-tát, nói tâm sâu xa dùng làm căn bản. Do các Bồ-tát đã thành tựu tâm sâu xa, dùng làm nhân không mất tâm Bồ-đề.

Như tâm sâu xa, các hành cũng thế. Tự nhiên chỉ vì nhằm đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh nên tu hành. Do đấy Đức Như Lai vì muốn chỉ rõ về nghĩa thứ lớp tu hành như thật, nên nói về tâm sâu xa, kế đến nói về tâm hành.

Lại, do Bồ-tát thành tựu tâm sâu xa và tâm hành, sau đó là tu tập đem lại lợi ích cho người khác. Vì muốn chỉ rõ về nghĩa thù thắng như thế, nên Đức Như Lai nói về sự tu hành, sau đấy nói đến thành tựu tâm xả.

Lại, do Bồ-tát tu hành đúng như thật về giữ giới, bố thí v.v… cùng hồi hướng với thắng pháp. Dựa vào nghĩa như thế để chỉ rõ sự tu hành hỗ trợ đạo Bồ-tát, thế nên tiếp sau là nói về thành tựu hồi hướng.

Lại, từ giữ giới cho đến hồi hướng, đều không phải là căn thiện tất định, nên tiếp theo là nhằm chỉ rõ pháp Tam-muội thù thắng, là muốn khiến chúng sinh trụ trong những căn thiện như từ bi v.v… Do nơi nghĩa này nên Đức Như Lai nói về hồi hướng, sau đấy nói đến thành tựu đại từ bi v.v… Do đã đặt yên vững pháp an lạc vi diệu nơi Bồ-đề, vì nhằm xa lìa tâm tham chấp kia, nên nói về từ bi, sau đó nói đến phương tiện. Do có phương tiện, nên có trí tuệ, nhận thấy rõ các pháp. Vì nghĩa này, nên Bồ-tát không rơi vào địa Thanh văn, Phậtbích-chi, mà nhập nơi quả vị Bồ-tát. Thế nên, Đức Như Lai nói về phương tiện, tiếp sau là nói về thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại nữa, lược nói thành tựu tâm sâu xa cho đến phương tiện: Là chỉ rõ sự thành tựu công đức trợ đạo. Thành tựu trọn vẹn về Bát-nhã Ba-la-mật: Là chỉ rõ thành tựu trí tuệ trợ đạo.

Lại, từ thành tựu tâm sâu xa cho đến phương tiện: Tức chỉ rõ thành tựu về nẻo công đức của Bồ-đề. Thành tựu trọn vẹn Bát-nhã Ba-la-mật: Tức chỉ rõ thành tựu về nẻo trí tuệ của Bồ-đề.

Lại, thành tựu tâm sâu xa cho đến hồi hướng: Là chỉ rõ thành tựu về thân giới. Thành tựu hai pháp Từ, Bi: Là chỉ rõ thành tựu về thân định. Phương tiện, Bát-nhã: Là chỉ rõ thành tựu về thân tuệ.

Lại, thành tựu tâm sâu xa: Tức là chỉ rõ thành tựu về tâm ngay thẳng. Từ bảy câu còn lại: Tức là chỉ rõ thành tựu về sự tu hành.

Lại, thành tựu tâm sâu xa, thành tựu tâm hành: Là chỉ rõ về nhà giới. Thành tựu tâm xả, thành tựu hồi hướng: Là chỉ rõ về nhà thí. Thành tựu đại từ, thành tựu đại bi: Là chỉ rõ về nhà tịch diệt. Thành tựu phương tiện, thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật: Là chỉ rõ về ngôi nhà trí.

Như thế, tất cả các pháp có chướng ngại, không chướng ngại, tức trong tất cả kinh khác đã nói rộng, nên biết.

Kinh này là dựa vào nghĩa của giới học nơi các Đại Bồ-tát mà nói. Như thế, tám vạn bốn ngàn vô lượng vô biên các pháp môn v.v… của các Đại Bồ-tát đều nên so sánh để nhận biết.

HẾT – QUYỂN 9

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9