LUẬN KINH DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 8

* Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu sự khéo nhận biết phương tiện?

Hỏi: Do nghĩa gì nên nói về vô lượng, sau đấy mới nói về thành tựu sự khéo nhận biết phương tiện?

Đáp: Vì nhằm chỉ rõ do lực của phương tiện nên thâu giữ việc tu tập, hành trì bốn vô lượng, thuận theo tâm mình thọ nhận quả báo, như nói thuận theo bốn đại. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Lược nói, Bồtát có hai thứ phương tiện thiện xảo tạo lợi ích. Vì hết thảy các ngoại đạo đều không có phương tiện thiện xảo của đệ nhất nghĩa đế, nên tu hành vô lượng đã bị tâm ái tưới thấm chỉ đạt được quả ở cõi Sắc.

Lại, các người Thanh văn, Phật-bích-chi, vì tâm giữ lấy Niếtbàn, cho là cứu cánh, nên từ bỏ căn thiện tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh. Từ bỏ Thế đế hành tạo các nghiệp, tâm chuyên vì lợi ích tự thân, nên không thể tu tập đúng như thật về bốn vô lượng, không có khả năng đoạn trừ rốt ráo các thứ phiền não, chỉ có thể điều phục chúng. Các Đại Bồ-tát tức có khả năng nhận biết đúng như thật về hai pháp hữu vi và vô vi. Quan sát chúng sinh nên không bỏ hữu vi, tuy nhận biết đúng như thật về vô vi tịch tĩnh. Do thành tựu tất cả pháp Phật nên không rơi vào nẻo hữu vi. Do mọi việc tu tập hành trì đều vì tạo lợi ích cho chúng sinh. Do nhận biết đúng như thật về tự tướng và đồng tướng. Do không thể thuận theo tâm tự ý quyết định đạt quả báo thanh tịnh nơi cõi Sắc, nên Bồ-tát hành bốn vô lượng, tâm ái không thể tưới thấm, nhưng tâm tùy thuận thành tựu quả báo, như tùy thuận vào bốn đại. Việc này nêu rõ về nghĩa gì? Như tướng của bốn đại không phải là thành tựu từ đệ nhất nghĩa đế. Như người thiền định thuận theo tâm lực mà có thể lìa bỏ tự tướng của bốn đại. Đây cũng như thế. Tuy lại thành tựu tướng của pháp hữu vi, nhưng vì các Bồ-tát đã làm thanh tịnh các thứ công đức giữ giới, tu tập bốn vô lượng, thuận theo tâm lực, thành tựu quả báo, nhưng không tùy thuận bốn tâm vô lượng. Do từ nghĩa này, nên trong Kinh Thánh Giả Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn, Đức Như Lai đã nói: Nếu các Đại Bồtát v.v… thành tựu bốn pháp, tu hành bốn thiền, sinh trong cõi Dục. Bốn pháp đó là: (1) Được tâm tự tại. (2) Đầy đủ các căn lực thiện. (3) Quan sát tất cả chúng sinh. (4) Tu hành phương tiện Bát-nhã. Thế nên chỉ rõ phương tiện thâu giữ tu hành vô lượng theo tâm nhận quả. Do đó, nên Đức Như Lai nói về bốn vô lượng, sau đấy mới nói đến phương tiện.

Hỏi: Nên nói về nghĩa của phương tiện. Thế nào là nghĩa của phương tiện?

Đáp: Tiếp theo là nói về nghĩa của phương tiện, có hai thứ: (1) Nghĩa cầu điều khác biệt. (2) Nghĩa không xả bỏ hai. Tâm tu tập các hành, trí tuệ quan sát gọi là phương tiện. Câu này là nêu bày về nghĩa gì?

Nghĩa cầu điều khác biệt: Là các Bồ-tát v.v… không phải vì cầu chứng đắc quả hiện tiền của Thánh đạo, cũng không phải vì tâm chán các thứ khổ não của thế gian, nên muốn từ bỏ thế gian, chỉ vì nhằm đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, còn tự thân thì chứng Đại Bồ-đề. Phương tiện là vì giáo hóa chúng sinh, là phương tiện chứng đắc Bồ-đề, cùng nhằm làm thanh tịnh các hành như đại bi v.v… chứng đắc pháp Bồ-đề, vượt quá quả vị tu chứng của hàng Thanh văn, Phật-bích-chi. Các pháp được đối trị là đạo công đức v.v… Bồ-tát đã chứng đắc quả vị hiện tiền của đạo Thánh, gọi là nghĩa cầu điều khác biệt.

Nghĩa không xả bỏ hai: Là tâm của Bồ-tát không bỏ Thế đế và Đệ nhất nghĩa đế. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Do các Bồ-tát đã thấy rõ tất cả pháp hữu vi đều là vô thường, nên quan sát chúng sinh không bỏ các pháp hữu vi, không xa lìa pháp hữu vi, cũng không bỏ pháp vô vi. Như vậy, Đại Bồ-tát hành trì Bát-nhã, tức là tạo nhân không thoái chuyển, nên nói là phương tiện. Như Thánh giả Văn-thù-sư-lợi đã nói trong kinh: Này Thiên tử! Trí Bát-nhã của Đại Bồ-tát nhận biết các Đại Bồ-tát không hành với trí hữu vi, không rơi vào trí vô vi. Đại Bồ-tát như thế được gọi là Bồ-tát không sợ hãi. Lại nữa, này Thiên tử! Nếu các Bồ-tát quan sát chúng sinh, không bỏ hành hữu vi, quan sát các pháp của chư Phật, không rơi vào hành vô vi, Đại Bồ-tát như thế gọi là Bồ-tát không sợ hãi.

Lại, nghĩa thuận theo sự mong cầu của tâm, xứng hợp với đối tượng cầu đạt của tâm, có thể thành tựu các hành tác, gọi là phương tiện.

Lại, do trí đầy đủ rốt ráo nên gọi là phương tiện.

Hỏi: Khéo nhận biết về Thế đế, những câu như thế nói về những nghĩa gì?

Đáp: Khéo nhận biết về Thế đế là khéo nhận biết tự tướng. Khéo nhận biết về Đệ nhất nghĩa đế là khéo nhận biết đồng tướng. Khéo nhận biết cả hai nghĩa là khéo nhận biết tự tướng và đồng tướng

Hỏi: Chỉ nói khéo nhận biết về Thế đế, khéo nhận biết về Đệ nhất nghĩa đế là đủ, sao còn nói là khéo nhận biết cả hai nghĩa?

Đáp: Vì nhằm chỉ rõ về nghĩa thù thắng nơi sự nhận biết phương tiện của Bồ-tát, nên lại nói là khéo nhận biết cả hai nghĩa. Đây là làm rõ về nghĩa gì? Ngoại đạo thì xa lìa trí Bát-nhã như thật, chỉ có trí thế gian, không có trí xuất thế gian. Hàng Thanh văn và Phật-bích-chi đều xả bỏ trí thế gian, chỉ có trí Niết-bàn, không có trí thế gian. Đại Bồ-tát vì muốn tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên cầu pháp diệu, ở trong Thế đế và Đệ nhất nghĩa đế tu hành trí phương tiện. Đức Như Lai vì muốn chỉ rõ trí phương tiện thù thắng của Bồ-tát, nên lại nói là khéo nhận biết cả hai nghĩa.

* Thế nào là các Đại Bồ-tát thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật?

Hỏi: Vì sao Đức Như Lai giảng nói về phương tiện, sau đó mới nói đến thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật?

Đáp: Vì Đức Như Lai muốn chỉ rõ phương tiện thâu giữ Bátnhã. Lại, Đức Như Lai muốn chỉ rõ về nghĩa nơi quả vị của các Bồtát đã chứng đắc, thế nên Đức Như Lai nói về nghĩa phương tiện, sau đó mới nói đến việc thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật. Việc này nêu rõ về nghĩa gì? Vì quán biết các Bồ-tát có thể thành tựu căn thiện thanh tịnh của pháp phần Bồ-đề, thấy được thể của pháp chân như, nhưng chưa có thể thấy thật trí chân như, nên trước phải quan sát pháp được đối trị để vượt quá quả vị của hàng Nhị thừa, đại từ bi v.v…, thành tựu đại từ bi căn bản, sau đấy mới thấy được pháp chân như kia. Do nghĩa này nên khi Bồ-tát đã thấy pháp chân như thì không rơi vào địa Thanh văn, Phật-bích-chi. Vì vậy, Đức Như Lai chỉ rõ về nghĩa tu hành theo thứ lớp, nên trước nói về phương tiện, sau mới nói thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật.

Hỏi: Thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật, nên nói về nghĩa của Bátnhã. Tri kiến như thật, gọi là Bát-nhã. Chủ thể quán về cảnh giới của đối tượng được quán gọi là Bát-nhã. Nhận biết đúng như thật về chỗ sâu, cạn, số lượng, gọi là Bát-nhã, là những nghĩa nên nói?

Đáp: Đến nơi bờ kia, nên gọi là nghĩa Ba-la-mật.

Chư Phật, Như Lai đều đã đến bờ kia, nên gọi là Ba-la-mật.

Bồ-tát nơi Địa thứ nhất do đã rốt ráo đến bờ kia, nên gọi là Ba-lamật. Do các Bồ-tát đã hành trì trọn vẹn đến được bờ kia, nên gọi là Ba-la-mật. Thế nên trong kinh, Như Lai nói: “Tùy thuận nơi hành kia gọi là Ba-la-mật”.

Do xứ đó chưa quyết định về nghĩa của bờ kia, nên trong Kinh Vô Tận Ý Sở Vấn, Đức Như Lai có nói: “Hành đầy đủ các hạnh của Bồ-tát gọi là nghĩa Ba-la-mật. Đầy đủ trí sâu xa gọi là nghĩa Ba-lamật v.v…”.

Hỏi: Nên nói về nghĩa của Bát-nhã là Ba-la-mật. Thế nào là nghĩa của Bát-nhã Ba-la-mật?

Đáp: Tâm đại từ bi cầu Bồ-đề Phật, thâu giữ trí tuệ phương tiện đã dấy khởi, có thể nhận biết đúng như thật về nghĩa thù thắng của đồng tướng và biệt tướng nơi tất cả các pháp, gọi là nghĩa của Bátnhã Ba-la-mật.

Hỏi: Nên nói về nghĩa thành tựu. Thế nào là nghĩa thành tựu?

Đáp: Nghĩa rốt ráo là nghĩa thành tựu. Xa lìa hết thảy hàng phàm phu gọi là nghĩa rốt ráo của Bát-nhã Ba-la-mật. Dựa vào Bátnhã Ba-la-mật xa lìa thế gian đạt được nghĩa rốt cùng, gọi là thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Dựa nơi Bát-nhã Ba-la-mật là tới được xứ hoàn toàn không sợ hãi.

Hỏi: Nếu như thế thì khi Bồ-tát chứng được Địa thứ nhất, tức được gọi là thành tựu rốt ráo Bát-nhã Ba-la-mật?

Đáp: Bồ-tát kia dựa vào phần thứ lớp, nên biết. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Bồ-tát từ Địa thứ nhất trở đi đến lúc chứng được Bồ-đề Phật, do đạt được pháp đối trị hiện tiền, tức có được pháp đối trị.

Lại, phương tiện của Địa thứ nhất đã thâu giữ phương tiện Bátnhã, khiến lìa các nẻo ác cùng địa Thanh văn, Phật-bích-chi.

Như vậy, các Địa còn lại theo phần tương ưng phân xử, nên biết.

Bồ-tát nếu có thể nhận biết như vậy, nên tùy thuận trí Bát-nhã như thật, quán hành hữu vi, biết chúng cùng dựa nơi tha lực, không có tự thể.

Hỏi: Dựa vào pháp này nên có pháp này, dựa vào pháp này nên sinh pháp này, nhưng nói lặp lại như vậy là có nghĩa thù thắng gì?

Đáp: Vì muốn chỉ rõ về nghĩa của hai thứ nhân nên nói hai thứ. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Nhân sinh hành hữu vi có hai thứ: (1) Nhân sinh trước. (2) Nhân sinh cùng.

Nhân sinh trước: Là như nhãn thức v.v… khi sắp sinh, trước là sinh ý thức, tương tợ như tùy thuận tâm trước không diệt thì không thọ nhận tâm sau. Nên tâm trước diệt tâm sau mới được sinh. Ở đây, tâm trước tuy diệt, nhưng làm nhân cho tâm sau, nên gọi là nhân sinh trước.

Nhân sinh cùng: Là các thức tương ưng. Nghĩa là các pháp như thọ v.v… và tâm pháp không tương ưng cùng pháp kia sinh, thì các pháp như nhãn v.v… có thể làm nhân duyên. Nương dựa vào pháp kia có thể sinh pháp kia, khi pháp kia sinh lại có thể làm nhân, nên gọi là nhân sinh cùng.

Lại, dựa vào pháp này nên nói là nhân sinh trước. Pháp này sinh nên nói là nhân sinh cùng.

Hỏi: Nói dựa vào pháp này sinh ra pháp này, nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì pháp cùng sinh không có nhân cố định, không có nhân quả sai biệt. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Pháp cùng sinh thì pháp này là nhân, pháp này là quả. Không có sự sai biệt về nhân cố định như thế, do không thể nói pháp này là nhân, pháp này là quả nên không có nhân cố định, không có nhân quả sai biệt?

Đáp: Do thấy nên nói. Câu này nêu rõ về nghĩa gì? Cũng thấy nơi thế gian pháp cùng sinh, một pháp là nhân, một pháp không phải là nhân. Cũng như ngọn đèn, tim đèn, cùng chiếu sáng cùng sinh.

Nhưng ngọn đèn, tim đèn có thể làm nhân cho chiếu sáng, còn sự chiếu sáng thì không thể làm nhân cho ngọn đèn, tim đèn. Vì sao? Vì pháp chiếu sáng này thuận theo ngọn đèn và tim đèn. Câu này nêu rõ về nghĩa gì? Vì nhận thấy pháp chiếu sáng thuận theo ngọn đèn, tim đèn, không phải ngọn đèn, tim đèn thuận theo sự chiếu sáng. Do thấy ngọn đèn, tim đèn có tăng có giảm, sự chiếu sáng cũng có tăng có giảm như thế, nên ngọn đèn, tim đèn tắt thì sự chiếu sáng cũng tắt theo.

Lại, khi dời ngọn đèn, tim đèn đi chỗ khác, thì sự chiếu sáng cũng đi theo. Như thế, các pháp cùng sinh như nhãn thức v.v… đều dựa vào mắt, thân v.v… nhân nơi thân, mắt v.v… mà nhãn thức sinh, không phải nhân nơi nhãn thức v.v… sinh ra mắt, thân v.v…

Lại, dựa vào pháp này: Các Bồ-tát v.v… quan sát như vầy: Lúc trước, pháp sinh không có người tạo ra, chỉ là các nhân duyên cùng hòa hợp mà sinh, tức do có pháp này nên sinh ra pháp này.

Lại, các Bồ-tát sinh tâm như vầy: “Nhân đã vô thường, làm sao sinh ra được pháp này”. Thế nên Bồ-tát sinh tâm như vầy: Dựa vào pháp này nên sinh ra pháp này, không phải trước có pháp rồi, thời gian sau mới sinh ra pháp. Nếu trước đã có, lúc sau này mới sinh, tức là pháp thường còn. Do nghĩa này, nên ngay khi pháp sinh là đã có nhân duyên hòa hợp. Không có một pháp nào là thật cố định, là không có các pháp như thật sự cố định chiếu sáng cảnh giới của nhãn thức. Vì nghĩa ấy, nên khi pháp này sinh, quyết định không từ xứ kia đến, lại do tức cùng nhân duyên mà diệt. Nếu pháp tức cùng nhân duyên diệt, thì khi lìa các nhân duyên thì niệm niệm không trụ. Do từ nghĩa ấy, nên khi pháp này diệt, nó không lìa xứ này để đến xứ khác.

Lại, dựa nơi pháp này sinh pháp này: Nghĩa là dựa vào các thứ nhân duyên hòa hợp kia sinh ra các thứ pháp kia thấy rõ các thứ pháp kia, chỉ rõ pháp kia là do nhân duyên sinh, chẳng phải là không có nhân duyên.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là nhân nơi quán, niệm.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là chỉ rõ phần vô minh và hành ở quá khứ. Đây là biện minh về nghĩa gì? Là do dựa vào hai thứ như vô minh v.v… trong quá khứ nên có được tám phần như thức v.v… trong hiện tại, chỉ rõ phần hữu của hiện tại.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là chỉ rõ phần hữu của hiện tại. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Là dựa vào phần hữu của hiện tại, chỉ rõ phần mau chóng có sinh, già và chết.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là lấy vô minh, ái, thủ, để chỉ rõ nẻo phiền não. Dựa vào nẻo phiền não này sinh ra nghiệp đạo hành, hữu.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là dựa nơi nghiệp đạo sinh ra chi hữu khác, nghĩa là nẻo khổ v.v…

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là dựa vào vô minh, hành và ái, thủ, hữu làm nhân cho tập đế, sinh ra bảy phần khác gọi là khổ đế.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là dựa vào bảy phần pháp khổ đế sinh ra năm phần tập đế như vô minh v.v…

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Là như trong kinh Đức Như lai đã nói: “Dựa vào vô minh, hành sinh ra thức v.v…”. Lại trong kinh khác cũng nói: “Dựa vào nhân duyên của hành sinh ra vô minh”. Đây là làm rõ về nghĩa gì? Do khi sinh các tướng, các pháp như vô minh v.v… cùng tương ưng với tâm và tâm pháp không tương ưng, nghiệp của thân miệng thảy đều cùng sinh, không phải đến thời gian sau mới sinh.

Lại, dựa vào pháp này sinh ra pháp này: Tức là lúc vừa sinh niệm, thì vô minh che mờ trí, cùng thời sinh, không phải sinh trước.

Hỏi: Nói nhân duyên của vô minh cho là nhân duyên ban đầu, nếu như thế thì mười hai nhân duyên tức có khởi đầu. Vì sao? Vì trước vô minh không thấy nói có nhân duyên nào khác. Vậy ở trong các pháp hữu vi của thế gian, cho vô minh đó là đầu tiên chăng?

Đáp: Vì sinh nghiệp, phiền não lần lượt cùng làm nhân duyên lẫn nhau. Nghĩa này là thế nào? Từ sinh sinh ra phiền não, từ phiền não sinh ra nghiệp, từ nghiệp lại sinh ra sinh. Như vậy là bánh xe sinh không có khởi đầu. Do nghĩa ấy nên thế gian là vô thỉ.

Hỏi: Sự tạo tác như trời Tự Tại v.v… Đây là biện minh về nghĩa gì? Từ trời Tự Tại và vi trần sinh ra thế gian. Vì nghĩa này nên thế gian có khởi đầu?

Đáp: Nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì pháp thường không thể sinh ra thế gian. Không thấy một pháp nào từ nơi trời Tự Tại và vi trần sinh ra, chỉ thấy các pháp đều từ trong nhân duyên vô thường sinh ra. Do không thấy từ trong pháp thường sinh ra, chỉ thấy các pháp đều từ trong nhân duyên vô thường sinh ra. Nhưng trong pháp của ông, thì trời Tự Tại v.v… thảy đều là thường. Do nghĩa này, nên trời Tự Tại v.v… không thể sinh ra pháp.

Lại, vì hiện thấy trong các thứ nhân khác nhau sinh ra đủ các thứ quả. Vì sao? Vì thấy các loài voi, ngựa, bò, dê, lừa, lạc đà cho đến người, trời v.v… đều có sự khác biệt. Vì thế, nên các pháp không phải do Tự tại v.v… tạo ra.

Hỏi: Không phải từ nhân duyên sinh ra tất cả pháp. Vì sao? Vì nhận thấy các thứ như gai gốc, con công v.v… đều có nhiều sự không đồng, nên biết không phải từ nhân duyên của vô minh mới có thế gian sinh ra. Đây là làm rõ về nghĩa gì? Do không có nhân duyên mà có thế gian sinh ra. Vì sao? Vì tôi thấy những thứ gai gốc cùng con công v.v… không phải từ nhân duyên mà có khác biệt. Như thế thì thế gian không phải do vô minh sinh ra.

Đáp: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì tôi hiện thấy quả từ nhân sinh ra, không phải là không có nhân sinh ra. Cũng như hạt giống, do đất, nước, thời tiết, sức nóng hòa hợp sinh ra mầm, không phải là lìa các thứ nhân duyên ấy mà có mầm sinh.

Nếu lìa nơi nhân, không nhân, mà có vạn vật sinh ra thì nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì thấy có sự dị biệt trong pháp khác, đối với sự dị biệt của pháp khác, là do trí so sánh nên biết thế gian cũng như thế. Tôi chưa từng thấy có trường hợp nào lìa nhân, không nhân mà có pháp sinh ra. Do nghĩa này, nên biết từ nhân sinh ra quả. Thế nên, tất cả các pháp trong thế gian đều chẳng phải không nhân mà sinh.

Lại, có nhiều lỗi. Vì nếu như thế thì không nên sinh ra các thứ quả. Nhưng đã từ các thứ nhân sinh ra các thứ quả, không lìa các thứ nhân, sinh ra các thứ quả. Nhưng ông nói quả không nhân mà có. Nếu như thế thì vạn vật nên đồng với thế gian, không nên sinh ra các thứ quả. Vì tôi hiện thấy từ các thứ nhân sinh ra các thứ quả. Do nghĩa này, nên không phải không nhân sinh ra.

Lại có cách trả lời: Nếu hết thảy vật không nhân mà sinh ra, thì trong một vật sẽ có tất cả pháp sinh ra. Không như thế thì trong tất cả vật, mỗi mỗi vật đều có tất cả vật sinh ra, nhưng nghĩa này thì không đúng. Vì nghĩa này nên chẳng phải là không có nhân quả.

Lại có cách trả lời khác: Tức nên không có sự đổi khác. Nghĩa này là thế nào? Nếu tất cả vật không từ nhân sinh ra, thì không có đổi khác, cũng như hư không, nhưng nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì do có biến đổi khác biệt. Sự đổi khác ấy như thế nào? Trước không sau có, đã có rồi lại không, khác sinh, khác diệt. Trong pháp không nhân không thấy quả như thế, vì pháp luôn chuyển biến. Thế nên các pháp từ nhân sinh ra, không phải là không nhân.

Lại còn có lỗi: Vì tất cả các nghiệp đã gây tạo sẽ là không. Việc này biện minh về nghĩa gì? Nếu không nhân mà tất cả vật sinh ra, thì mọi nghiệp đã tạo đều không, không có lợi ích, nhưng sự thật không thấy có sự việc như thế. Do đấy nên không phải không có nhân mà có quả.

Hỏi: Tôi thấy từ trí sinh ra trí. Việc này nêu bày về nghĩa gì? Hiện thấy vật bên ngoài, chủng tử trong pháp hữu vi là nhân, không phải là nhân quá khứ. Như thế, hiện thấy pháp hữu vi bên trong, do các nhân đỏ trắng v.v… hòa hợp mà sinh ra, không phải là nhân quá khứ?

Đáp: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì trí hiện tại được sinh từ nơi trí quá khứ. Sự việc này làm rõ về nghĩa gì? Vì thấy trí sinh từ nơi nhân của trí quá khứ mà có, không phải từ không có trí sinh. Nếu trí không từ nơi trí trước sinh, thì phải từ nơi đất, đá, cây v.v… sinh ra, cũng không phải từ cái khác nối tiếp nhau mà sinh. Vì sao? Vì nếu từ cái khác nối tiếp sinh nơi trí, thì cha mẹ tức nên cũng có thể sinh ra trí của con. Vì thế, nên tôi nhận biết trí của các chúng sinh như trong bào thai kia, đều sinh ra từ sự nối tiếp. Sự việc này làm rõ về nghĩa gì? Vì trí như trong bào thai v.v… trước lại có trí nữa. Trí như trong thai kia không lìa sự nối tiếp của trí trước mà sinh. Thế nên trí có nhân của đời quá khứ.

Hỏi: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Từ những duyên như cọ xát vào cây, công sức của người, phân bò hòa hợp lại để lấy lửa. Trước không có lửa nhưng có thể sinh ra lửa. Trí cũng như thế, trước không có nhân duyên hòa hợp của trí mà có thể sinh ra trí?

Đáp: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì thấy pháp khác là do trí so sánh mới biết. Đây là nêu bày về nghĩa gì? Vì nhận thấy pháp sinh ra và pháp tương tợ kia, trong các pháp nào có thể sinh ra pháp, chẳng phải không có tương tự mà thấy được trong sự sinh khác, như thấy từ lúa sinh ra lúa. Tuy không thấy lúa nhưng thấy từ lúa lại sinh ra lúa, thế nên là do giống lúa. Lửa cũng như thế, vì trông thấy từ sự cọ xát cây, phân trâu v.v… sinh ra lửa. Tuy không thấy lửa ở đâu nhưng từ việc cọ xát ấy lại có lửa như thế. Như vậy, do thấy từ trí sinh trí, dù không thấy trí ở đâu nhưng vẫn nhận biết trí là từ trí trong quá khứ phát sinh. Do đấy như trước ông nói: Không lửa mà có thể sinh ra lửa, trước không có trí mà có thể sinh ra trí. Ông lại nói: Tất cả vật chỉ từ nhân hiện tại sinh ra, không sinh từ nhân quá khứ, nghĩa này là không đúng. Do nghĩa ấy nên từ nghiệp, phiền não sinh ra pháp thế gian. Điều này làm sao nhận biết? Do luận của Thánh nhân và người thế gian đều nói. Nghĩa này là thế nào? Vì tất cả Thánh nhân, chư Phật, Như Lai và các người Thanh văn v.v… đệ tử của Phật đều xa lìa phiền não. Những vị đó nói như vầy: “Từ nhân của nghiệp, phiền não sinh ra thế gian”. Tức nói như vầy: Nếu người tham đắm thân tạo hành ác, miệng tạo hành ác, ý tạo hành ác, kẻ ấy dựa nơi nhân duyên của hành ác, nên sau khi thân này tan hoại sẽ sinh trong đường ác. Tất cả các luận cũng nói: Từ nghiệp mà có sự sinh. Thế nên trong kinh nói: “Từ ánh sáng đi vào ánh sáng, từ bóng tối đi vào bóng tối”. Người thế gian cũng đều nói: Từ nghiệp nên có sinh, tức nói như vầy: Vì sợ tất cả xứ sinh không an vui nên xa lìa các hành ác. Do cầu được sinh vào tất cả xứ có thể an vui nên tu tập các hành thiện. Do nghĩa này, nên dựa vào các Thánh nhân, dựa vào tất cả luận, dựa vào người thế gian nên ta nhận biết như thế: Từ nhân của nghiệp mà thế gian được sinh ra, không phải không nhân mà sinh.

Hỏi: Nhân nơi niệm không dừng trụ thì sao có thể sinh quả? Việc này nêu rõ về nghĩa gì? Nghiệp của các phiền não trong từng sát-na không trụ. Do nghiệp của phiền não này diệt trong từng niệm. Thế nên, không phải từ các nghiệp, phiền não sinh ra thế gian.

Đáp: Tôi nhận thấy nhân nơi diệt mà có thể sinh ra quả. Điều ấy có nghĩa gì? Do thấy nhân diệt, dựa nơi nhân diệt đó, có thể sinh ra quả. Như trong trái Ma-đa-long già có vị chua, nhưng nơi hạt mầm sinh ra cộng nhánh lá hoa v.v… thảy đều không thấy có vị kia, mãi về sau mới thấy vị đó ở trong quả. Vị chua hiện có trong quả Ma-đalong già ấy, không phải ở nơi nhân kia, cũng không phải ở nơi nhân khác. Như vậy, thấy nhân và quả từ bên ngoài hòa hợp sinh ra. Pháp như thế, trí so sánh như thế nên nhận biết nhân diệt rồi, dựa nơi nhân diệt đó mà có thế gian sinh ra, không phải không có nhân mà sinh, cũng không phải là nhân khác sinh.

Hỏi: Nếu chẳng phải không nhân, chẳng phải nhân điên đảo sinh ra thế gian, mà dựa nơi nghiệp, phiền não nên có thế gian, việc này làm sao nhận biết được?

Đáp: Không nhận biết lỗi lầm của sinh là do các hành tạo nghiệp. Đây là biện minh về nghĩa gì? Do không nhận biết lỗi lầm của sinh, nên người ở thế gian tham đắm nơi cảnh giới của năm dục, tạo vô số những sự việc không lợi ích. Vì nơi thế gian sinh vô số sự việc không lợi ích, thế nên sự tu tập đều để đạt được quả báo của thế gian, các hành nghiệp không phải là nhằm đoạn trừ phiền não. Đây nêu rõ về nghĩa gì? Hết thảy hàng phàm phu ngu tối nơi thế gian không có trí tuệ nên không thể quan sát. Vì vô minh che lấp trí tuệ, nên ở trong vô lượng trăm ngàn thứ khổ não, thấy có công đức sinh, dốc cầu được thọ nhận quả an vui nơi đời vị lai, do đó mới tạo tác hành trì các công đức như giới, thí v.v…

Lại có người, vì tâm điên đảo, tham chấp nơi cảnh giới của năm dục trong đời hiện tại, cho nơi đời vị lai không có phước đức, nên làm các việc không phước đức, tạo các nghiệp như giết hại chúng sinh v.v…

Lại có người tham vướng nơi Tam-muội, quá yêu thích thiền, chấp giữ thiền, kiêu mạn về thiền, nghi ngờ nơi thiền, tăng thượng về thiền, tu tập tất cả các thứ thần thông v.v…

Như thế, ở trong ba cõi sinh khởi không đoạn không dứt. Từ sinh lại khởi tất cả phiền não. Từ phiền não nên khởi hết thảy nghiệp. Như vậy thế gian từ vô thỉ đến nay, không đoạn không dứt.

Hỏi: Nếu từ tất cả phiền não sinh ra các hành của thế gian, thì vì sao trong kinh này Đức Như Lai chỉ nói từ vô minh sinh ra thế gian?

Đáp: Tuy nói vô minh, nhưng là gồm thâu tất cả phiền não như tham v.v… Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Tuy nói vô minh, nhưng bao gồm tất cả các thứ lỗi lầm như tham v.v… Điều này làm sao nhận biết? Do người ngu si nên khởi các thứ tham. Do không trí nên sinh khởi tất cả phiền não như tham v.v… chẳng phải không nhân mà sinh. Như trong kinh nói: Nhân duyên của vô minh dấy khởi những lỗi lầm của tham, dấy khởi những lỗi lầm của giận, dấy khởi những lỗi lầm của si. Thế nên, nói vô minh kia là căn bản gồm thâu hết thảy lỗi lầm của các phiền não khác. Cũng như ở thế gian, vua đến vua đi, thì các quan và quân binh cũng đến cũng đi theo vua.

Hỏi: Do nghĩa gì trong phần quá khứ chỉ nói vô minh, không nói ái? Còn trong phần vị lai chỉ nói ái, không nói minh?

Đáp: Vì cảnh giới lớn. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Do vô minh hiện có khắp tất cả cảnh giới, còn ái thì không như thế. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Vì vô minh kia hiện bày khắp tất cả xứ, còn ái thì không hiện bày khắp.

Lại, do duyên nơi hữu vi, vô vi. Nghĩa này là thế nào? Nghĩa là do vô minh duyên nơi pháp hữu vi và pháp vô vi. Ái thì không như thế, chỉ duyên nơi pháp hữu vi.

Lại, do duyên nơi địa đồng và không đồng. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Là do vô minh duyên nơi địa đồng, không đồng. Ái thì không như thế, chỉ duyên nơi địa đồng.

Lại, vì tương ưng với tất cả phiền não. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Là do vô minh và tất cả phiền não đều cùng tương ưng. Ái thì không như thế, chỉ có kẻ ngu mới dấy khởi, không phải người trí sinh khởi.

Lại, là nhân không đoạn dứt của tất cả khổ. Đây là nói về nghĩa gì? Là do vô minh đối với các thứ khổ tụ đều lấy đó làm căn bản. Do từ nghĩa này, nên trong phần đầu chỉ nói vô minh, dựa vào đó, trong môn phiền não thứ hai, mới chỉ rõ về ái. Do đó, trong phần vị lai kia chỉ nói đến ái, không nói vô minh.

Hỏi: Do nghĩa gì các nghiệp thuộc về đời quá khứ còn tùy theo những phiền não nào để có thể cùng làm nhân? Các phiền não kia đều lấy tên vô minh để nói? Các nghiệp thuộc về đời hiện tại, tùy theo các phiền não nào để có thể cùng làm nhân? Các phiền não kia dùng tên gọi của ái và thủ để nêu bày chăng?

Đáp: Do hiện thấy, do không phải hiện thấy. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Các phiền não hiện có trong đời quá khứ, vì là xa nên không thể hiện thấy. Thế nên trong ấy, phiền não có sai biệt đều không thể chỉ rõ, vì tướng mờ tối của chúng không thể nêu bày được, vì vậy đều lấy tên vô minh để gọi. Các phiền não sinh khởi thuộc đời hiện tại thì có thể hiện thấy, nên sự sai biệt của chúng có thể nêu bày, có thể chỉ rõ: Đây là ái thủ, đây là dục thủ, đây là kiến thủ v.v… Thế nên các phiền não hiện có trong hiện tại đều lấy tên ái, thủ để gọi.

Hỏi: Ở đây là nói về điều vi diệu. Do nhân nơi nghiệp, phiền não mới có sinh tử ở thế gian, không phải do trời Tự Tại và vi trần v.v… Nhưng mười hai hữu chi như vô minh v.v… về nghĩa là thế nào?

Đáp: Không nhận biết đúng như thật về sự việc trong ba đời, gọi là vô minh. Vô minh chuyển khởi, giữ lấy nhân cho thân sau. Các nghiệp phước, nghiệp tội và nghiệp bất động v.v… đó gọi là Hành. Dựa vào nhân của Hành này, có phần sinh nhiễm ý, đó gọi là Thức. Thức ấy trụ lại gọi là Danh sắc. Chỗ nương dựa của Thức thanh tịnh kia gọi là sáu Nhập. Ba sự: Căn, Thức và Cảnh giới hòa hợp, đối lại với pháp của ý địa, gọi là Xúc. Nương nơi Xúc, sinh Ái hay không Ái. Nhận lấy hai niệm điên đảo, đó gọi là Thọ. Tham chấp nơi các tích tập vui thích để thọ nhận, gọi là Ái. Dựa nơi Ái cầu Hữu đoạn Hữu, chấp lấy ngã, dựa vào các phiền não được ưa thích thuận theo chúng, đó gọi là Thủ. Thủ có khả năng chuyển khởi giữ lấy nghiệp thân miệng ý, là nhân của đời sau, đó gọi là Hữu. Nương vào hành có sự nhận lấy thân đời sau, đó gọi là Sinh. Dựa nơi Sinh nên thân tăng trưởng, đổi thay, thành thục, đó gọi là Già. Thân được trước đây, bây giờ hoại gọi là chết. Xa lìa không xa lìa sự việc Ái, chẳng Ái, cầu được cung cấp nuôi dưỡng, đều từ ý địa sinh. Thiêu đốt tự tâm, đó gọi là Ưu. Nương nơi tâm ưu kể về công đức yêu thích, nội tâm sầu buộc, nên nói vô số lời buồn, đó là than khóc. Dựa nơi sắc, thức, thân tương ưng với ý, không phải nhận lấy vui thích, đó gọi là khổ. Chỉ có ý địa, thân, ý thức tương ưng, đó gọi là sầu. đối với hai thứ cảnh giới ái, không ái, hoặc có cầu hữu, hoặc không cầu hữu, cầu của cải, nên nhận lấy vô số thứ khổ. Tâm bị bức não, đó gọi là cùng cực.

Hỏi: Vô minh duyên Hành. Thế nào gọi là Hành?

Đáp: Dựa nơi sự dung nạp, quán xét bạn bè, khởi sự tùy thuận cùng sinh, là nghĩa của Hành.

Hỏi: Nên giải thích về tên gọi nhân duyên. Thế nào gọi là nhân duyên?

Đáp: Có thể thành tựu quả, đó gọi là nhân. Dựa vào pháp này nên có thể hiển bày pháp kia. Nhân nơi pháp này nên có thể sinh ra pháp kia, đó gọi là duyên.

Hỏi: Do đâu chỉ nói vô minh duyên hành, không nói vô minh nhân hành?

Đáp: Vì gồm thâu tất cả các nhân duyên. Nếu nói vô minh nhân hành thì chỉ gồm thâu nhân nơi nhân duyên, không bao gồm cả nhân duyên. Thế nên, không nói vô minh nhân hành. Do bốn nhân duyên nên vô minh v.v… cùng có thể làm nhân duyên hành. Do đó chỉ dựa nơi tên nhân duyên mà nói, do có thể thâu giữ bốn nhân duyên.

Hỏi: Hành cũng có khả năng làm nhân duyên cho vô minh. Nếu như thế, vì sao chỉ nói vô minh duyên hành, không nói hành duyên vô minh?

Đáp: Do có hai nghĩa định và không định. Ở đây là nói về nghĩa gì? Do nhân của vô minh quyết định duyên nơi Hành không phải nghiệp Hành quyết định duyên nơi vô minh. Do đâu nhận biết được? Do các A-la-hán tuy còn có nghiệp, nhưng không có vô minh, thế nên không phải nghiệp quyết định duyên nơi vô minh, vì vậy không nói hành duyên vô minh.

Lại, dựa vào nhân duyên của vô minh nên có nghiệp. Do nghĩa ấy, nên có nghiệp là do dựa nơi vô minh. Nếu như thế thì chỉ dựa vào nhân duyên của vô minh nên có nghiệp, không nên xa lìa vô minh mà có nghiệp. Nhưng thật sự thì xa lìa vô minh vẫn có nghiệp. Thế nên nói dựa nơi vô minh duyên hành, không nói là dựa nơi hành duyên vô minh.

Hỏi: Do nghĩa gì đã thọ nhận quả nơi nghiệp thì dùng tên hành để nói? Còn chưa nhận quả nơi nghiệp thì dùng tên Hữu để gọi?

Đáp: Chưa thọ nhận quả nơi nghiệp, chỉ có phần hữu vi, thế nên nói là Hữu, vì hoàn toàn là Hữu, vì đời vị lai sẽ được quả trọn vẹn. Thể của nghiệp tuy diệt nhưng toàn là Hữu, vì nhất định có thể cho quả trong đời vị lai, thế nên gọi là Hữu, lấy tên Hữu mà gọi. Đã thọ nhận quả nơi nghiệp, là đã nhận phần hữu vi thế nên nói là Hành, do đã nhận được quả nên gọi là Hành, lấy tên Hành để gọi.

Lại nữa, nghĩa của Hữu. Vì sao gọi là Hữu? Vì dựa vào pháp này có thể sinh khởi nên gọi là Hữu. Đây là nói về nghĩa gì? Tùy vào những nghiệp nào để có thể hoàn toàn sinh quả nơi đời vị lai, nên lấy tên Hữu để gọi. Tùy ở các nghiệp nào không phải hoàn toàn có quả nơi đời vị lai, như các nghiệp của Ương-cù-ly-ma-la v.v… vì chưa từng có, nên dùng tên hành để gọi. Vì thế nên trong kinh nói: Hành duyên nơi quả của nghiệp, thì lấy tên thức để gọi chẳng phải dùng tên sinh để gọi. Vì sao? Vì nghiệp của Hành kia không phải là hoàn toàn sinh chi Hữu. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Do trong hiện thân thọ nhận quả báo nơi nghiệp thì duyên của hành nghiệp có khả năng sinh ra chi Thức, không có khả năng sinh ra chi Sinh.

Lại, do thấy có lực, không lực. Nghĩa này là thế nào? Do đâu gọi là hành? Vì có thể hoàn tất sự việc. Sinh trong đời quá khứ, đã tạo ra các nghiệp, thấy chúng có lực, vì có thể thành quả, nên nghiệp đó dùng tên hành để gọi. Sinh trong đời hiện tại, các nghiệp đã tạo, chưa thấy sức mạnh của chúng do chưa thành quả, vì quả báo của nghiệp đó là ở đời vị lai, thế nên nghiệp ấy không được gọi là Hành, mà lấy tên Hữu để gọi.

Hỏi: Vì nghĩa nào nên gọi là Bất động?

Đáp: Vì địa khác không thể cho quả báo, nên gọi là Bất động.

Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Như nghiệp của cõi Dục, ở trong địa khác có thể cho quả báo. Tùy những căn thiện nơi nghiệp đạo nào nên sinh vào cõi người. Tức nghiệp thiện kia dựa nơi tâm nguyện cầu, cho đến sinh lên cõi trời Tha-hóa-tự-tại. Như dựa vào công đức sinh nên trong kinh Đức Như Lai có nói: Lại tùy thuộc vào những nghiệp ác, bất thiện nào nên sinh vào địa ngục? Kẻ nhận quả báo là dựa nơi nghiệp đã tạo, sẽ phải thọ khổ trong cõi người. Như Đức Như Lai dựa nơi Kinh Diêm Dụ có nói: Nghiệp của cõi Sắc, Vô sắc không được như vậy. Nghĩa này là thế nào? Nghiệp ở địa thiền thứ nhất không sinh nơi thiền thứ hai, nghiệp của địa thiền thứ hai không sinh nơi thiền thứ nhất. Như thế, đối với các địa khác đều cũng như vậy, nên biết. Thế nên Đức Phật nói: Nghiệp của cõi Sắc, Vô sắc gọi là Bất động.

Lại, các thứ che lấp và chướng ngại đều không thể làm động, nên gọi là Bất động, như ngọn đèn được đặt trong căn phòng kín đáo.

HẾT – QUYỂN 8

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9