LUẬN KINH DI LẶC BỒ TÁT SỞ VẤN
Hán dịch: Đời Hậu Ngụy, Đại sư Bồ Đề Lưu Chi
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 5

Xa lìa trộm cắp: Trộm cắp có chín thứ. Những gì là chín thứ? Đó là:

  1. Vật của người khác đang giữ.
  2. Nghĩ đến vật kia.
  3. Tâm nghi.
  4. Nhận biết không theo.
  5. Muốn cướp đoạt.
  6. Biết vật của người khác khởi tâm cho là của ta.
  7. Tạo tác.
  8. Tướng không tạo tác.
  9. Tướng vô tác.

Những thứ này gọi là nghiệp thân trộm cắp.

Vật của người khác đang giữ: Đây là nêu rõ việc nhận lấy vật của người khác đang giữ.

Nghĩ đến vật kia: Là nếu không sinh tưởng của mình, không nói là vật của tôi, gọi là nghĩ đến vật kia.

Tâm nghi: Như tâm có nghi đây là vật của mình hay của người khác, nhưng vật kia là của người khác.

Nhận biết không theo: Là nhận biết vật của người khác, sinh tâm theo người khác với tưởng đó là vật của mình.

Muốn cướp đoạt: Là khởi tâm gây tổn hại.

Biết vật của người khác khởi tâm cho là của ta: Là hoặc không trông thấy người, hoặc lấy vật ở chỗ tối, hoặc lấy vội, hoặc lấy vật khác, hoặc đã lấy vật của người, lấy rồi tưởng là vật của mình.

Về tạo tác, tướng không tạo tác và tướng vô tác: Như trước đã nói trong phần sát sinh. Nghiệp đạo thành hay không thành, tùy nơi nghĩa tương ưng để giải thích, nên biết.

Xa lìa tà dâm: Tà dâm có tám thứ. Những gì là tám thứ? Đó là:

  1. Người nữ được bảo hộ.
  2. Tưởng nghĩ về người kia.
  3. Tâm nghi.
  4. Đạo, phi đạo.
  5. Không hộ.
  6. Phi đạo, phi thời.
  7. Tạo tác.
  8. Tướng vô tác.

Những thứ này gọi là nghiệp thân tà dâm.

Người nữ được bảo hộ: Là người nữ được cha gìn giữ, mẹ gìn giữ v.v…

Tưởng nghĩ về người kia: Là như biết người nữ kia đã được cha mẹ v.v… bảo hộ, nghĩ tưởng về người nữ ấy hoặc được bảo hộ, hoặc không bảo hộ.

Tâm nghi: Như sinh tâm nghi: Người nữ này hay người nữ khác, được cha mẹ gìn giữ hay không gìn giữ. Người nữ của ta hay là của người khác. Nhưng người nữ kia đã được cha mẹ bảo hộ. Đối với những người nữ đã được cha mẹ bảo hộ, thì mỗi mỗi nghi ngờ đều là tà dâm.

Đạo, phi đạo: Đạo là hiện có đạo. Phi đạo tức không phải là đạo.

Không hộ: Là người kia không bảo hộ người nữ.

Phi đạo, phi thời: Cũng gọi là tà dâm.

Lại, không hộ: Là người nữ tự giữ hay người nữ không tự giữ, hành dâm trái chỗ cũng là tà dâm.

Lại, người nữ không được bảo hộ: Nghĩa là tất cả người nữ không được bảo hộ v.v… đều gọi là tà dâm.

Tạo tác, tướng vô tác: Như trước đã nói trong phần sát sinh, nên biết.

Tướng không tạo tác: Là trong tà dâm không có pháp không tạo tác như thế. Do chính là tự tạo nên, như người bệnh uống thuốc. Nhân uống thuốc nên xa lìa nơi bệnh, sinh không bệnh. Người bệnh được khỏi, nhưng bệnh của thầy thuốc có khi không khỏi. (?) Xa lìa nói dối: Nói dối có bảy thứ. Những gì là bảy thứ? Đó là:

  1. Sự việc trông thấy v.v…
  2. Sự việc điên đảo, không điên đảo.
  3. Tâm nghi.
  4. Khởi tưởng che giấu.
  5. Tạo tác.
  6. Tướng không tạo tác.
  7. Tướng vô tác.

Những thứ này gọi là nghiệp miệng nói dối.

Sự việc trông thấy v.v…: Là thấy, nghe, hiểu biết, đối với những sự việc điên đảo hay không điên đảo.

Sự việc điên đảo: Là như nghe, như sự việc kia. Không điên đảo: Là y như sự việc kia.

Tâm nghi: Là sinh nghi ngờ: Là như thế, là không như thế, là hoàn toàn như thế, là hoàn toàn không như thế

Khởi tưởng che giấu: Là che giấu sự thật. Trong sự tướng khác, trụ nơi tướng khác để nói.

Tạo tác, tướng không tạo tác, tướng vô tác: Như trước đã nói trong phần sát sinh.

Có người nói: Tướng của thân cùng trong bố-tát im lặng mà đứng đều có tướng không tạo tác của nói dối thành nghiệp của thân ý, vì cho là nói dối. Tuy có nói những lời ấy, nhưng về nghĩa thì không như thế. Vì sao? Vì nghiệp khác với tướng.

Khác với tướng: Là do nghiệp của thân, miệng, ý khác với tướng. Thế nên nghiệp của miệng không phải là Thể của nghiệp thân, ý, nhưng vẫn dựa vào gốc là nghiệp của miệng, là sự việc thế gian thường dùng. Nhưng khi sự việc của nghiệp miệng và nghiệp thân đã hiện rõ, gọi là nghiệp miệng không tạo tác, nhưng nghiệp miệng vẫn mang tên. Hoặc trong Bố-tát, Tỳ-kheo không nói mà thành nghiệp của miệng. Vì sao? Vì do dựa nơi nghiệp miệng mà lập pháp điều phục. Do trước đã thọ nhận lời này: “Ta ở trong pháp Phật, không tạo pháp như thế, tạo nên pháp như thế. Nhưng người kia trước có tâm mong cầu nhưng về sau lại không nói, chỉ đứng yên lặng. Vậy là người kia đã thoái chuyển tâm mong cầu gốc đã thọ nhận. Thế nên đã tạo thành nghiệp miệng nói dối”.

Xa lìa nói hai lưỡi: Nói hai lưỡi có bảy thứ. Những gì là bảy thứ? Đó là:

  1. Khởi ý bất thiện.
  2. Thật sự hư vọng.
  3. Tâm phá hoại.
  4. Trước cố ý phá hoại, không cho hòa hợp.
  5. Tạo tác.
  6. Tướng không tạo tác.
  7. Tướng vô tác.

Những thứ này gọi là nghiệp miệng nói hai lưỡi.

Khởi ý bất thiện: Là nghiệp bất thiện tương ưng với tâm phiền não.

Thật sự hư vọng: Là biết người khác, biết rõ tâm người khác. Do hủy hoại nên nói thật, hoặc nói dối.

Tâm phá hoại: Là hủy hoại tâm kẻ khác, phá bỏ tâm người khác.

Trước cố ý phá hoại, không cho hòa hợp: Là do khởi ý ác, tự thân khởi bất thiện. Đó gọi là là nói hai lưỡi.

Tạo tác, tướng không tạo tác, tướng vô tác: Như trước đã nói trong phần sát sinh.

Có người nói: Phá hoại trong nghiệp vô tác nói hai lưỡi không gì nặng hơn là nói hai lưỡi phá hoại Tăng. Nhưng nói ở bên Đức Như Lai thì không thể phá hoại, tức là không thành nghiệp ác phá hoại Tăng.

Như vậy, nghiệp không phá hoại là không nói hai lưỡi.

Xa lìa lời nói thô ác: Lời nói thô ác có bảy thứ. Những gì là bảy thứ? Đó là:

  1. Dựa vào ý bất thiện.
  2. Khởi tâm não loạn.
  3. Dựa nơi tâm loạn.
  4. Nói lời thô ác với người khác.
  5. Tạo tác.
  6. Tướng không tạo tác.
  7. Tướng vô tác.

Những thứ này gọi là nghiệp miệng nói lời thô ác.

Dựa vào ý bất thiện: Là miệng nói lời ác, khiến người khác nghe có thể sinh khổ não.

Khởi tâm não loạn: Là chỉ khởi tâm não loạn, không khởi tâm yên ổn. Nếu là tâm yên ổn thì tuy nói lời thô ác cũng không có tội gây não loạn.

Dựa nơi tâm loạn: Là khởi tâm như thế, tùy lúc khiến người nghe rối loạn. Do không loạn thì tạo tâm ác để nói.

Tạo tác, tướng không tạo tác, tướng vô tác: Như trước đã nói trong phần sát sinh.

Xa lìa lời nói thêu dệt: Nói thêu dệt có bảy thứ. Những gì là bảy thứ? Đó là:

  1. Dựa vào ý bất thiện.
  2. Lời nói vô nghĩa.
  3. Phi thời.
  4. Tương ưng với pháp ác.
  5. Tạo tác.
  6. Tướng không tạo tác.
  7. Tướng vô tác.

Những điều này hiện bày khắp tất cả lời nói thô ác. Đó gọi là nói thêu dệt thuộc nghiệp của miệng.

Dựa vào ý bất thiện: Là dựa nơi tâm tương ưng với phiền não cõi Dục do tu đạo đoạn, nên gọi là nói thêu dệt.

Lời nói vô nghĩa: Là lìa nghĩa thật.

Phi thời: Là lời nói tuy có nghĩa, nhưng nói không phải lúc, cũng thành nói thêu dệt. Lại nói có lúc, như ở trong đại chúng, cho là người tự tại nói, cũng thành nói thêu dệt.

Tương ưng với pháp ác: Là mọi lời nói đùa cợt, phi pháp, ca múa v.v… tất cả đều không tương ưng với pháp thiện, đều là nói thêu dệt.

Tạo tác, tướng không tạo tác, tướng vô tác: Như trước đã nói trong phần sát sinh.

Tham: Là tâm ái bị ràng buộc. Muốn có được tiền bạc, tài sản của người khác. Vì tâm ái tâm tham ràng buộc chặt, nên cầu kẻ khác để được tự tại. Đó gọi là tướng của tham, nên biết.

Giận: Là khởi tâm ác đối với chúng sinh khác, muốn đánh đập, giết hại v.v… trái ngược với tâm đại từ bi. Đó gọi là giận.

Chúng sinh: Là lìa sự việc chẳng phải là chúng sinh. Người khác là lìa sự việc của tự thân. Nói giận chúng sinh khác là khởi tâm ác với các chúng sinh khác.

Hại: Là không có tâm từ. Đánh là không có tâm bi, do muốn đoạn mạng kẻ đó. Lại đánh là dùng roi, gậy, đất đá v.v… có thể gây khổ não, đều gọi là đánh.

Trái ngược với từ bi: Muốn giết chết người khác là trái với tâm từ. Đánh đập là trái với tâm bi. Những hành như thế là tướng của giận, nên biết.

Tà kiến: Là ở trong các pháp như bố thí v.v… thấy không có các pháp ấy. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Là trong pháp bố thí thấy không có bố thí. Trong sự ban cho thấy không có ban cho. Ở trong xả thấy không có xả. Những kiến giải như vậy v.v… gọi là tà kiến.

Hỏi: Vì sao như thế gọi là tà kiến? Lại, ba câu bố thí, ban cho, xả có khác biệt gì?

Đáp: Bố thí: Là tâm đang thí cho bậc phước điền hay không phải phước điền. Ban cho: Cũng là tâm đang thí cho bậc phước điền hay không phải phước điền. Xả: Là chỉ tâm đang thí cho bậc phước điền.

Lại nói: Thấy không có bố thí, là thấy sự bố thí không thanh tịnh. Lại nói: Thấy không có ban cho, là hủy báng thí chủ không có công đức. Lại nói: Thấy không có xả, là hủy báng người thọ nhận không có công đức.

Những thứ không chánh kiến như thế đều là tướng của người keo kiệt.

Do thấy người giàu có hay keo kiệt, tham tiếc, người nghèo thì hay xả, người này đã khởi tâm như vầy: Nếu thật có bố thí, thì người keo kiệt không nên giàu có. Vì sao? Vì đời trước họ đã quen hành keo kiệt từ lâu.

Lại sinh tâm nghi: Người có thể làm thí chủ này không nên nghèo nàn. Vì sao? Vì đời trước họ đã quen bố thí trong thời gian lâu. Người kia tuy sinh tà kiến như thế, nhưng nghĩa thì không như vậy.

Hỏi: Nếu như thế thì nghĩa này là thế nào?

Đáp: Người kia tuy trong quá khứ đã quen hành keo kiệt, nhưng bỗng nhiên gặp được phước điền thanh tịnh. Ở trong phước điền đó đã hành bố thí chút ít, thế nên đạt được quả báo giàu có trong đời này, nhưng do thói quen đã thành, tánh keo kiệt vẫn không bỏ.

Người nghèo có thể bố thí: Sự việc này lại là thế nào? Người nghèo kia trong đời quá khứ, vì không có tâm tin đối với không phải phước điền, vì không chí tâm, nhưng vì muốn được tiếng khen, vì cầu quả báo, vì cầu được tôn trọng, nên người kia có thể bố thí. Do nghĩa đó, nên không nhận được quả báo giàu có. Vì đã từng quen bố thí từ trước, nên đời này cũng có thể xả thí.

Không có hành thiện, hành ác: Đây là dựa vào tự thân thấy là thường, vô thường, nên khởi tướng lỗi lầm.

Không có quả báo của hành nghiệp thiện ác: Nghĩa là người kia thấy có người hành thiện mà thọ khổ, kẻ hành ác mà thọ lạc, nên sinh tâm niệm như vầy: Quả báo khổ vui tự nhiên mà có, không phải từ nhân duyên.

Không có đời này, đời khác: Nghĩa là người kia với tâm niệm thấy đời này tức hoại diệt, do không thấy lại sinh, nên người kia khởi tâm nói không có đời sau. Người kia lại sinh tâm niệm này: Thật không có ngã, nếu có ngã thì thế gian tức không có chúng sinh hóa sinh. Do không quan sát mười hai nhân duyên.

Lại sinh tâm nghi cho là tất cả nam nữ vì tự vui thích nên hành dâm dục, không vì sinh ngã, vì ngã dựa vào tự nghiệp và sinh trưởng trong đó. Như chúng sinh thấp sinh nương dựa vào đất ẩm ướt mà sinh. Đất ẩm ướt không phải là cha mẹ của chúng sinh đó, ngã cũng như thế.

Họ lại thấy: A-la-hán cầu lạnh, cầu nóng, cầu thức ăn, thức uống v.v… nên cho là thế gian không có A-la-hán. Vì sao? Vì A-lahán còn có tâm ái. Người kia tự mình không có lực như tu hành v.v… thế nên không thể đoạn trừ các phiền não, bèn cho thế gian không có A-la-hán.

Hỏi: Nên nói về nghĩa lìa sát sinh. Vì do nghĩa nào nên được gọi là lìa? Vì có sự việc có thể giết hại nên được gọi là lìa, hay là không có sự việc có thể giết hại nên được gọi là lìa?

Nếu có sự có thể giết hại nên gọi là lìa, thì nghĩa lìa không thành. Vì sao? Vì đã tạo thành quả của thói quen, sao lại nói là lìa nơi sát sinh.

Nếu không có sự việc có thể giết hại nên gọi là lìa, thì không lìa sát sinh mà được phước. Như không có sừng thỏ để có thể cắt bỏ, tức cũng không có nghĩa lìa cắt bỏ. Lại nói lìa sát sinh gọi là sự việc không sát sinh, không xả bỏ việc gồm thâu chúng sinh!

Đáp: Do thọ pháp không sát sinh tức dựa vào gốc nơi tâm thọ nhận mà có lực, nên không tạo ra việc ác tức là sát sinh kia, do đã thọ pháp lìa sát sinh, do khởi pháp thiện như thế, thế nên lìa sát sinh, nhưng không lìa bỏ việc gồm thâu chúng sinh.

Hỏi: Vì ở nơi biên có thể giết hại chúng sinh nên lìa sát sinh, hay là ở nơi biên không thể giết hại chúng sinh nên lìa sát sinh? Hay là ở nơi biên có thể giết hại – không thể giết hại nên lìa sát sinh?

Đáp: Ở nơi biên có thể giết hại – không thể giết hại chúng sinh, nên lìa sát sinh. Vì sao? Vì do khởi tâm ác không ngừng nghỉ, thế nên gọi là lìa sát sinh. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Nếu ở nơi biên có thể giết hại chúng sinh, nên lìa sát sinh, ở nơi biên kia không lìa sát sinh, thì nghĩa lìa không thành. Đây lại có nghĩa gì? Do lìa biên tội có thể giết hại chúng sinh, thành biên phước không thể giết hại chúng sinh. Do nghĩa ấy, nên ở nơi biên có thể giết hại chúng sinh, ở nơi biên không thể giết hại chúng sinh, trở thành phước do lìa sát sinh. Nếu không như thế thì không được nói là sự việc lìa sát sinh, không thành sự việc xả bỏ sát sinh, do không nhận sự việc sát sinh, nên được lìa sự việc sát sinh. Nếu không như thế, thì không thọ nhận nên là lìa, thọ nhận là không lìa.

Hỏi: Chính là dựa nơi biên ấm, giới, nhập hiện tại nên được lìa sát sinh, không phải là nơi quá khứ, vị lai?

Đáp: Nếu đáp theo như câu hỏi vừa nêu thì không thành nghĩa lìa sát sinh.

Hỏi: Nếu nói về lìa sát sinh v.v… có bao nhiêu thứ lìa?

Đáp: Có ba thứ lìa. Những gì là ba? (1) Thành. (2) Dựa. (3) Khởi.

Dựa và Thành: Sát sinh là dựa nơi lời nói ác của chúng sinh, do tâm giận dữ thành. Trộm cắp, tà dâm là dựa nơi tiền của, vật dụng, do tâm tham thành. Nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thêu dệt đều dựa vào danh tự, do tâm tham thành. Tà kiến là dựa vào sắc, do tâm si mê thành.

Khởi: Là mười nghiệp đạo bất thiện, tất cả đều từ tham, sân, si khởi.

Dựa nơi tâm tham nên khởi sát sinh: Là do tâm tham nên sát sinh, hoặc do tham về da, thịt, gân, xương, răng, sừng, tiền bạc, tài sản v.v… nên đoạn mạng của chúng sinh. Hoặc là vì tự thân với những thứ yêu thích, mỗi mỗi đều đầy đủ ba việc.

Dựa nơi tâm sân nên khởi sát sinh: Là do tâm sân nên giết hại kẻ oán cùng sát hại những người được kẻ oán yêu mến. Đó gọi là do tâm sân nên khởi sát sinh.

Dựa nơi tâm si nên khởi sát sinh: Như có người nói: “Giết rắn rít v.v… thì tuy là sát sinh nhưng không có tội”. Vì sao? Vì các loài vật đó gây khổ não cho mọi người.

Lại có người nói: “Nếu giết nai, dê, trâu v.v… đều không có tội báo”. Vì sao? Vì chúng sinh đó bị sự chiêu cảm của nghiệp như vậy.

Lại như người Ba-la-tư v.v… nói: “Giết cha mẹ già yếu và người bệnh nặng thì không có tội báo”. Tất cả những việc như thế gọi là dựa nơi tâm si nên khởi sát sinh.

Dựa nơi tâm tham nên khởi trộm cắp: Là do cần những vật như thế, nên lấy những vật dụng như thế. Hoặc lấy cho mình, hoặc vì người khác, hoặc vì sự ăn uống. Đó gọi là dựa nơi tâm tham nên khởi trộm cắp.

Dựa nơi tâm sân nên khởi trộm cắp: Nghĩa là ở bên người khiến mình sân giận, cùng các vật dụng của người đó ưa thích, đã trộm cắp các vật ấy. Đó gọi là dựa nơi tâm sân nên khởi trộm cắp.

Dựa nơi tâm si nên khởi trộm cắp: Như Bà-la-môn nói: Hết thảy các vật hiện có nơi đại địa này chỉ là của ta có. Vì sao? Vì do quốc vương kia trước đã thí cho ta, vì ta không lực nên đã bị dòng họ khác đoạt mọi thọ dụng của ta. Thế nên nay ta lấy tức là lấy lại vật của mình, không gọi là trộm cắp. Người si kia vì sinh tâm niệm như thế, nên có sự trộm cắp này. Đó gọi là dựa nơi tâm si nên khởi trộm cắp.

Dựa nơi tâm tham nên khởi tà dâm: Nghĩa là đối với các chúng sinh khởi tâm tham nhiễm ô, không tu hành như thật. Đó gọi là dựa nơi tâm tham nên khởi tà dâm.

Dựa nơi tâm sân nên khởi tà dâm: Nghĩa là đối với người nữ, hoặc được người khác bảo hộ, hoặc tự bảo hộ, hoặc do người khác gìn giữ tiền của vật dụng. Dựa nơi tâm giận dữ nên khởi sự tu hành không như thật. Như nơi bên người vợ của kẻ oán và nơi bên người vợ của người được kẻ oán yêu mến. Đó gọi là dựa nơi tâm sân nên khởi tà dâm.

Dựa nơi tâm si nên khởi tà dâm: Nghĩa là như có người nói: Ví như cối giã gạo, hoa chín, quả chín, ăn uống, nước sông, cùng những người nữ đi nơi đường, tà dâm như thế đều không tội. Lại như ở Bala-tư có người tà dâm với mẹ v.v… Đó gọi là dựa nơi tâm si nên khởi tà dâm.

Nói dối do tâm tham sinh. Dựa nơi tâm tham khởi tâm sân sinh. Dựa nơi tâm sân khởi tâm si sinh. Dựa nơi tâm si khởi, như thế nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói thêu dệt đều cũng như thế. Nên biết, tham dựa nơi tâm tham khởi, là dựa vào kiết tham thứ lớp sinh hai thứ tâm hiện tiền. Như thế gọi là dựa nơi tâm tham khởi sinh. Dựa nơi kiết sân sinh, gọi là dựa nơi tâm sân khởi. Dựa nơi kiết si sinh, gọi là dựa nơi tâm si khởi. Như tham, sân cùng tà kiến, đều cũng như thế, nên biết.

Hỏi: Vì sao không nói tướng tạo tác, không tạo tác, tướng vô tác, quyết định trong nghiệp nào có, trong nghiệp nào không?

Đáp: Chỉ trừ tà dâm, trong sáu nghiệp đạo còn lại thảy đều thuộc về bất định. Nghĩa này là thế nào? Nếu tự tạo tác, thành tựu nghiệp tạo tác và nghiệp không tạo tác. Nếu sai người khác làm thì chỉ có không tạo tác, không được có tạo tác. Ở trong tà dâm quyết định có tạo tác, không được có không tạo tác. Vì sao? Do hành tà dâm này là hoàn toàn tự tạo tác, không khiến người khác tạo tác. Thế nên kinh nói: Từng có không phải thân tạo nghiệp mà thành tội sát sinh chăng? Đáp: Có. Miệng sai người khác tạo là thành tội sát sinh.

Lại hỏi: Từng có không phải nghiệp miệng tạo mà thành tội nói dối chăng? Đáp: Có. Do thân tạo nghiệp mà thành tội nói dối của nghiệp miệng.

Lại hỏi: Từng có không phải nghiệp thân tạo, không phải nghiệp miệng tạo, mà vẫn thành tựu nghiệp của thân, miệng chăng? Đáp: Có. Do dựa nơi tâm giận dữ của Tiên nhân. Do chỉ có sắc thân ở cõi Dục, trong nghiệp đạo thiện là hoàn toàn có tạo tác cùng do không tạo tác, nên thiền, giới vô lậu, không có giới không tạo tác. Vì sao? Vì dựa nơi tâm, thiền trung gian, bất định. Nếu tâm sâu dày, tâm hoàn toàn cung kính, tạo nghiệp của thân, miệng, thì thành tựu nghiệp tạo tác và nghiệp không tạo tác. Nếu kiết sâu dày khiến tâm phát sinh nghiệp của thân miệng, thì cũng thành nghiệp tạo tác và nghiệp không tạo tác. Nếu không phải tâm sâu dày, không phải tâm hoàn toàn cung kính tạo ra nghiệp thân, miệng, thì chỉ có nghiệp tạo tác, không có nghiệp vô tác. Nếu không phải kiết sâu dày khiến tâm phát khởi nghiệp thân, miệng, thì cũng chỉ có nghiệp tạo tác, không có nghiệp vô tác. Nhưng phương tiện tạo nghiệp tâm trở lại hối hận thì chỉ có nghiệp tạo tác, không có nghiệp vô tác.

Hỏi: Trong nghiệp đạo, cái gì là quyến thuộc trước? Cái gì là quyến thuộc sau?

Đáp: Nếu khởi phương tiện sát sinh, như người đồ tể bắt dê, hoặc đem vật đã mua dẫn đến chỗ đồ tể, ông ta mới hạ một nhát đao, hoặc hai, ba nhát đao, mạng của dê chưa chết nhưng nghiệp ác hiện có. Đó gọi là quyến thuộc trước. Tùy thuộc vào nhát đao nào chém xuống chấm dứt mạng sống của dê, tức lúc ấy nên nhớ nghĩ là hiện có nghiệp tạo tác và nghiệp không tạo tác. Những hành động ấy đều gọi là nghiệp đạo căn bản. Tiếp sau, các hành của thân gây tạo là nghiệp tạo tác. Đó gọi là nghiệp quyến thuộc sau của sát sinh. Cho đến nói lời thêu dệt đều cũng như thế, nên biết.

Ngoài ra, trong tham, sân, tà kiến, không có quyến thuộc trước, do khi tâm mới khởi tức đã thành nghiệp đạo căn bản.

Lại, thân miệng ý nơi mười nghiệp đạo bất thiện, tất cả đều có quyến thuộc trước sau. Nghĩa này là thế nào? Như người khởi tâm muốn giết hại chúng sinh này, nhân đó lại đoạn mạng chúng sinh khác. Như người muốn sát hại chúng sinh để tế trời, liền cướp đoạt vật dụng của người mà ông ta định giết chết kia, lại còn hành dâm vợ của người ấy. Sinh tâm niệm như thế, trở lại xúi giục vợ của người đó giết chồng mình. Lại dùng vô số ngôn thuyết gây rối loạn, phá hoại thân thuộc của người kia. Không lúc nào tỏ ra chân thật. Ở trong các thứ vật dụng kia sinh khởi tâm tham. Tức đối với người kia lại sinh tâm sân, vì muốn giết hại người kia nên sinh tà kiến như thế. Do đoạn mạng người kia nên tà kiến càng tăng trưởng. Lại muốn giết hại cả vợ con của người kia.

Theo thứ lớp như thế là gồm đủ mười nghiệp đạo bất thiện. Những nghiệp như vậy gọi là quyến thuộc trước. Tất cả mười nghiệp đạo bất thiện đều cũng như thế, nên biết.

Lại, lìa nghiệp đạo thiện, chẳng phải là phương tiện tu hành nghiệp đạo thiện. Vì phương tiện này là xa lìa căn bản cùng xa lìa phương tiện.

Nói phương tiện tức như Sa-di kia muốn thọ đại giới, phải đi đến giới tràng lễ bái nơi chân chúng Tăng, xin Hòa thượng cho nhận giữ ba y, bắt đầu tác bạch lần thứ nhất, rồi tác bạch lần thứ hai. Những hành như thế đều gọi là quyến thuộc trước.

Từ lần tác bạch thứ ba cho đến khi tác pháp Yết-ma xong là đã khởi nghiệp tạo tác và lúc Sa-di kia nhớ nghĩ là khởi nghiệp chướng vô tác. Những hành này đều gọi là nghiệp đạo căn bản.

Tiếp theo, nói đến bốn thứ nương dựa, cho đến không bỏ hành thiện đã thọ nhận. Nghiệp tạo tác của thân miệng và nghiệp vô tác như thế, đều gọi là quyến thuộc sau.

Hỏi: Nên nói về nghiệp đạo bất thiện. Ở trong năm nẻo, nẻo nào đầy đủ, nẻo nào không đầy đủ, trong nẻo nào nhiều trong nẻo nào ít?

Đáp: Địa ngục có năm nghiệp đạo bất thiện. Đó là nói hai lưỡi, nói thêu dệt, tham, sân và tà kiến. Nghĩa này là thế nào? Vì không giết hại người khác nên không sát sinh. Không có tâm đối với vật của người khác giữ thế nên không trộm cắp. Không khởi tâm đối với người nữ được bảo hộ nên không tà dâm. Do không phải làm cho tâm ngay thẳng, nên không nói dối. Do luôn không phải làm cho tướng niệm chân chánh, không có tâm phá hoại, nên không nói lời thô ác. Vì thường phá hoại dựa nơi khổ não bức bách nên có nói hai lưỡi, có nói phi thời, nên có lời nói thêu dệt. Do tham, sân, tà kiến đều hoàn toàn có, nên gọi là có, nhưng không phải là hiện có. Vì nghĩa này, nên có xứ nói là có, có xứ nói là không. Như châu Bắc Uất-đơn-việt không có sáu thứ trước, chỉ có bốn thứ sau. Vì mạng sống đã định nên không có sát sinh. Do không có giữ gìn, nên không có trộm cắp. Do người nữ khỏi phải bảo hộ, nên không có tà dâm. Người ở châu kia muốn hành dâm, thì dẫn người nữ đến nơi cội cây. Nếu nhánh cây sà xuống che người ấy tức là được hành dâm. Trường hợp nhánh cây không sà xuống che, thì người kia cảm thấy hổ thẹn nên vội bỏ đi.

Vì không lừa dối tâm người khác, nên không nói dối. Do tâm thường định nên không nói hai lưỡi. Do thường nói lời mềm dịu, nên không nói lời thô ác. Vì có ca vũ nên có lời nói thêu dệt. Nghiệp của ý còn lại, do đã hoàn toàn có, nên không phải là hiện có.

Lại, trừ châu Uất-đơn-việt, cả ba châu thiên hạ còn lại đều nhận mười nghiệp đạo. Châu Bắc Uất-đơn-việt cũng lìa nghiệp đạo bất thiện.

Trong các nẻo súc sinh, ngạ quỷ và các trời ở cõi Dục, cũng lìa việc thọ nhận mười nghiệp đạo. Các trời trong cõi Dục lìa và không thọ giới nghiệp đạo bất thiện. Tuy chư Thiên không giết hại chư Thiên, nhưng chư Thiên cũng giết hại chúng sinh thuộc nẻo khác.

Lại có người nói: “Trong cõi trời cũng có cảnh chặt tay, chân v.v… nhưng tức thời đều sinh trở lại. Nhưng nếu chặt đầu, hoặc khoảng giữa thân mình thì không sống lại”. Cũng có nghiệp đạo bất thiện như giết hại, trộm cắp vật dụng của người khác. Trong các cõi trời thuộc Sắc, Vô sắc giới, không có nghiệp đạo bất thiện.

Hỏi: Nghiệp đạo bất thiện ở trong các nẻo đều có bao nhiêu thứ?

Đáp: Địa ngục, châu Bắc Uất-đơn-việt không có tham, giận, cũng không có tà kiến. Do hoàn toàn có, không phải là hiện có. Ba châu thiện hạ còn lại và các trời ở cõi Dục, lìa thọ pháp và có thọ pháp. Lại, các trời ở cõi Dục đều có thọ pháp thiện vô lậu, nên biết.

Súc sinh, ngạ quỷ cũng không có thọ pháp. Các trời trong cõi Sắc đều có thọ pháp. Hiện tiền thọ nhận là thâu giữ pháp thiện.

Lại, xứ kia hiện có Thánh nhân sinh ra, là có dựa nơi nghiệp đạo thiện vô lậu. Trong cõi Vô sắc, chỉ có nghiệp đạo của tâm, vì thành tựu nghiệp không phải là hiện có. Các trời trong cõi Sắc, tuy lại thành tựu không phải là hiện có, nhưng xứ kia có Thánh nhân sinh ra, tất cả đều hiện có, do nương vào sức trì giới vô lậu.

Hỏi: Nên nói về quả của mười nghiệp đạo bất thiện cùng nhân tùy thuận.

Đáp: Có ba thứ quả: (1) Quả của quả báo. (2) Quả của tập khí. (3) Quả tăng thượng.

Mỗi mỗi nghiệp đạo đều có ba thứ. Nghĩa này là thế nào? Tạo đủ mười nghiệp đạo bất thiện bậc thấp, trung bình và bậc cao, đều sinh trong địa ngục. Đó gọi là Quả của quả báo.

Quả của tập khí: Là từ địa ngục thoái chuyển, sinh vào cõi người. Vì dựa nơi hành sát sinh nên có quả là bị đoạn mạng. Dựa nơi trộm cắp nên có quả là không tiền bạc, của cải. Dựa nơi tà dâm nên không thể gìn giữ vợ mình. Dựa nơi nói dối nên có quả là bị người khác hủy báng. Dựa nơi nói hai lưỡi nên có quả là quyến thuộc bị phá hoại. Dựa nơi nói thô ác nên không nghe được âm thanh êm đẹp. Dựa nơi nói thêu dệt nên bị người không tin. Dựa nơi tham gốc nên tâm tham tăng thượng. Dựa nơi giận gốc nên tâm sân tăng thượng. Dựa nơi tà kiến nên tâm si tăng thượng. Tất cả như thế gọi là quả của tập khí.

Quả tăng thượng: Là dựa nơi mười thứ nghiệp đạo bất thiện kia, nên tất cả sự vật bên ngoài đều không có khí thế. Đó là như nơi đất liền thì chỗ cao, chỗ thấp, chim chóc, chuột, mưa đá, gai gốc, bụi bặm, mặt đất đầy mùi hôi thối, có nhiều rắn rít, lúa ít, hạt nhỏ, quả ít, nhỏ và nhiều trái đắng. Tất cả hiện tượng như thế đều gọi là quả tăng thượng.

Lại có quả tương tợ. Kẻ giết hại, nên cùng với việc chúng sinh bị hại là vô số các thứ khổ. Do nơi khổ đó nên sinh trong địa ngục chịu mọi nỗi khổ bức. Vì giết người, nên đời sau sinh trong loài người phải bị chết yểu. Vì dứt bỏ sự êm ấm của người khác, nên tất cả vật dụng, tiền của bên ngoài giúp cho sự sống đều không có khí lực.

Như vậy, trong tất cả mười nghiệp đạo này, tùy theo nghĩa tương ưng mà giải thích, nên biết.

Cướp đoạt vật dụng của người, tà dâm vợ người, tuy không gây các nỗi khổ bức bách trầm trọng cho người khác, nhưng vì tâm phá hoại, nên phải nhận tội báo. Tuy không phá hoại, không giận dữ, không nói lời thô ác, nhưng do tâm niệm xấu ác nên phải mắc tội.

Hỏi: Người cố tâm khởi tạo tất cả hành ác, là đã quyết định thành nghiệp ác, bất thiện, quyết định thọ nhận quả khổ trong nẻo ác kia? Hay là không quyết định thành nghiệp ác, không quyết định thọ nhận quả khổ trong nẻo ác?

Nếu các nghiệp ác quyết định thọ nhận, thì nghiệp tội trong nẻo ác đều không thể vượt qua được. Điều này nói rõ về nghĩa gì? Vì hoàn toàn gây tạo nghiệp tội của nẻo ác thì phải đọa vào nẻo ác v.v…

Trừ nghiệp ngũ nghịch, từ đời vô thỉ đến nay do đã quen gây tạo các nghiệp nên phải nhận lấy tội báo trong nẻo ác. Do định tất cánh nghĩa là tất cả nẻo ác đều không thể vượt qua được.

Lại không do tu tập phạm hạnh, lại cùng trái ngược với Tu-đala. Như trong kinh, Đức Như Lai nói: “Có người tu tập nghiệp đạo bất thiện, mắc phải tội báo nên bị đọa vào địa ngục. Người kia tức ở trong thân hiện tại thọ báo. Nếu quả báo của năm tội nghịch kia đều nhất định phải nhận trong địa ngục, thì sao lại nói nghiệp tội trong nẻo ác có thể xoay chuyển được? Vì sao lại nói các tội trong nẻo ác được thọ nhận trong thân hiện tại? Nếu như thế thì đạo nhân quả sẽ thành tạp loạn. Vì sao? Vì quả báo khi thọ nhận có lúc nhẹ lúc nặng, không nhất định”.

Đáp: Có người nói, nhận tội báo nơi địa ngục ngay trong thân hiện tại: Là do người này thấy được thật đế, nên trong thân hiện tại nhận một ít tội báo. Nhưng nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì nghiệp không tự tại. Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Do tất cả nghiệp tội, nghiệp phước đã gây tạo đều không có lực tự tại, mà tùy thuộc vào các nhân duyên nào đó đã hòa hợp. Dựa nơi nhân duyên đó nên trong thân hiện tại thọ quả, trong thân sau thọ nghiệp tội. Hoặc thân đời sau thọ quả báo, thân hiện tại thọ nghiệp tội. Nhưng có thắng nghĩa. Nếu nghiệp nên thọ quả báo vui tức được nhận quả vui. Nên thọ quả khổ tức nhận lấy quả khổ. Là do dựa nơi nghiệp không cố định, nên nói như thế. Lại dựa nơi nghiệp tương tợ không cố định, nên nói như thế. Cũng không phải dựa vào quả cố định. Vì sao? Vì sẽ không được quả giải thoát. Do hành nghiệp của A-la-hán thọ nhận giới Ba-la-đề-mộc-xoa, giới thiền định và giới vô lậu, cho đến khi thọ mạng chưa dứt, thì vẫn giữ giới Ba-la-đề-mộc-xoa v.v… Nếu có quả báo thì không được giải thoát. Thế nên, hiện nhận quả báo của nghiệp là không nhất định.

Hỏi: Nếu như thế, các nghiệp đều không cố định, thì cũng trái với Tu-đa-la. Vì sao? Vì trong Tu-đa-la, Đức Như Lai đã nói “Hành tập nghiệp mà không nhận quả báo thì không có điều ấy”. Nhưng các nghiệp đã hành tập kia, hoặc trong thân hiện tại, hoặc trong thân đời sau tất phải nhận lấy quả báo trọn vẹn?

Đáp: Nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Do các nhân duyên chưa hòa hợp, nên chưa nhận quả báo. Nghĩa này là thế nào? Vì hành tập tạo các nghiệp, tuy thật sự có thể nhận quả báo trong thân hiện tại, nhưng hiện không nhận. Vì sao? Vì các nhân duyên chưa hòa hợp, nên cũng như hạt giống. Việc này là nêu rõ về nghĩa gì? Cũng như hạt giống, nhờ dựa vào các nhân duyên hòa hợp như đất v.v…, mới có thể nảy mầm. Sự việc này cũng như thế. Nghiệp dựa nơi nhân duyên hòa hợp của thức trụ, chủng tử của thức bất tịnh có thể sinh khởi mầm danh sắc v.v… Đây là nêu rõ về nghĩa gì? Nếu dựa sự tu hành như thật, tùy thuận Bát-nhã như thật, nhận biết đúng như thật về hành của hữu vi, khi đoạn trừ các thứ phiền não, dựa vào diệu lực của đạo Thánh nên tu tập các công đức, có khả năng sinh mầm căn thiện. Lúc đó, tuy có thọ nhận nghiệp của đời sau, nhưng do người đó không có bè bạn là phiền não, thế nên không thể nhận quả của đời sau. Do đoạn trừ các phiền não, nên tuy không phải nhận quả báo nơi thân sau, nhưng vẫn còn dựa vào nghiệp đạo bất thiện kia, nên ở trong thân hiện tại chỉ nhận một ít quả báo của tập khí, không hoàn toàn thọ nhận nơi nẻo ác. Như trong Tu-đa-la, Đức Như Lai đã nói, nên thọ nhận như thế.

Nên thọ nhận như thế. Đây là nhằm nêu rõ về nghĩa gì? Nghĩa là tuy có nhận một ít hỷ lạc, tuy có nhận một ít ưu não, nhưng nghiệp thiện, bất thiện thì tức thời đều nhận hết, cho đến phải chịu một chút bệnh khổ như đau đầu v.v… Đây là nhận ít tội nơi quả tương tợ.

Vừa nói là trái với Tu-đa-la: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Vì dựa nơi quả báo không cố định, dựa nơi nghiệp cần đối trị nhưng chưa đối trị, nên trong kinh Đức Như Lai mới nói như thế. Nếu tâm hoàn toàn định tạo nghiệp, nhưng không nhận quả báo, thì không có điều đó. Đây là nói rõ về nghĩa gì? Hành nghiệp của người A-la-hán là đoạn dứt nghiệp quả của đời sống, kể cả quả báo tội phước của thân sau, nhưng trong thân hiện tại thọ nhận quả báo thì nhân duyên không còn hòa hợp. Nếu như thế, A-la-hán kia dựa vào nghiệp đạo này nên có thể không nhập Niết-bàn. Do nghĩa ấy, nên biết ông đã không hiểu ý của Đức Như Lai đã nói trong Tu-đa-la.

Hỏi: Nên nói giới thanh tịnh và không thanh tịnh. Thế nào là giới thanh tịnh, thế nào là giới không thanh tịnh?

Đáp: Có giới đồng thanh tịnh. Các hàng Thanh văn, Phật-bíchchi và Bồ-tát đều đồng tu tập năm thứ giới pháp thanh tịnh, nên biết. Những gì là năm thứ giới pháp? Đó là:

  1. Căn bản thanh tịnh.
  2. Quyến thuộc thanh tịnh.
  3. Giác quán (Tầm tứ) không loạn.
  4. Thâu giữ niệm.
  5. Hồi hướng Niết-bàn.

Căn bản thanh tịnh: Là xa lìa tội của nghiệp đạo căn bản.

Quyến thuộc thanh tịnh: Là xa lìa phương tiện dẫn đến hành như sát sinh v.v…

Giác quán không loạn: Là xa lìa các hành ác hiện có của giác, quán như dục, hại, sân hận v.v…

Thâu giữ niệm: Là thâu giữ các niệm: Niệm Phật, Pháp, Tăng v.v…

Hồi hướng Niết-bàn: Là do Niết-bàn mà giữ gìn giới, không vì tiền của ở thế gian. Đây là phần ít nơi giới đồng.

Giới thù thắng của các Đại Bồ-tát, là ban đầu dựa vào phát tâm Bồ-đề, không gây tổn hại, tụ giới được khởi tác cho đến tám địa, vô lượng thời gian đều tu tập tất cả tụ giới. Vì muốn đem lại lợi ích cho tâm người khác nên hồi hướng về trí Nhất thiết trí, lìa các tập khí chứng đắc Đại Niết-bàn. Các Đại Bồ-tát này đều khéo làm thanh tịnh tất cả giới, nên biết. Tự mình dựa vào sự chỉ dạy của thầy khác mà trì giới v.v…, đều không thanh tịnh.

Hỏi: Giữ giới có bao nhiêu thứ?

Đáp: Lược nói thì có một thứ giữ giới: Là nương dựa nơi tâm không gây tổn hại, tâm không điên đảo phát khởi nghiệp của thân miệng.

Lại có hai thứ: (1) Thọ giới. (2) Giới pháp.

Lại có ba thứ: (1) Học. (2) Vô học. (3) Phi học phi vô học.

Lại có bốn thứ: (1) Thọ giới Ba-la-đề-mộc-xoa. (2) Giới thiền định. (3) Giới vô lậu. (4) Giới xa lìa phiền não.

Giới Ba-la-đề-mộc-xoa: Là thọ giới để giáo hóa thế gian, như bảy chúng đã lãnh nhận giới. Giới thiền định: Là giới hữu lậu đã chuyển biến và giới vô lậu đã chuyển biến.

Giới vô lậu: Là giới học, vô học. Giới xa lìa phiền não: Là dựa vào sự nhàm chán dục, nẻo trung gian đã được chuyển biến. Sự giữ giới, phá giới của người kia cùng nhân duyên có thể dấy khởi sự phá giới của người ấy, giới này đối trị phiền não.

Lại, nói hữu lậu: Là dựa vào giới thiền định mà nói. Nói vô lậu: Là dựa vào sự thọ giới vô lậu mà nói.

Lại có năm thứ: (1) Giới tạo tác của cõi Dục. (2) Giới tạo tác của cõi Sắc. (3) Giới tạo tác của cõi Vô sắc. (4) Giới không tạo tác. (5) Giới vô lậu không tạo tác.

Lại có sáu thứ như không tham v.v…: Giới tạo tác có ba thứ khác nhau, giới không tạo tác cũng có ba thứ khác nhau.

Lại có bảy thứ: Nghĩa là lìa sát sinh cho đến lìa lời nói thêu dệt. Bảy thứ này dựa vào sự sai biệt của tạo tác và không tạo tác, thành mười bốn thứ. Tức bảy thứ này dựa vào không tham v.v… mà khởi, thành ra hai mươi mốt thứ. Tức bảy thứ này dựa vào sự sai biệt của tạo tác và không tạo tác nên có bốn mươi thứ (?). Dựa vào sự sai biệt lần lượt trong từng sát-na nên có đến vô lượng thứ.

Hỏi: Thế nào là quả của giới?

Đáp: Quả của giới là giới hữu lậu định và giới vô lậu định. Chúng thuộc nơi cõi, dựa vào cõi hệ thuộc, tức là quả tương ưng, nên biết.

Giới vô lậu, do xa lìa phiền não, nên có hai thứ quả. Các Đại Bồ-tát vì cầu đạt Nhất thiết trí nên giữ giới, nhận lấy quả Bồ-đề của Phật. Hành mười nghiệp đạo thiện như lìa sát sinh v.v…, được quả tốt đẹp, Đức Như Lai đã giảng nói rộng trong các kinh, nên biết.

Như trong Kinh Sa Già La Long Vương Sở Vấn, Đức Như Lai đã nói: Này Long vương! Thiện nam, thiện nữ nào lìa bỏ sát sinh sẽ được mười thứ pháp mát mẻ xa lìa phiền não nóng bức. Những gì là mười pháp? Đó là:

  1. Thí cho tất cả chúng sinh sự không sợ hãi.
  2. An trụ trong niệm đại từ.
  3. Đoạn trừ các thứ tập khí lỗi lầm của những phiền não.
  4. Nhận lấy quả không bệnh tật.
  5. Gieo trồng hạt giống sống lâu.
  6. Được các phi nhân luôn theo bảo hộ.
  7. Ngủ thức đều yên ổn.
  8. Không thấy mộng dữ, lìa tâm oán hận.
  9. Không sợ tất cả ngoại đạo.
  10. Mạng chung sẽ được sinh lên cõi trời.

Đó gọi là mười thứ pháp mát mẻ xa lìa phiền não nóng bức. Này Long vương! Nếu người nào đem căn thiện không sát sinh hồi hướng về quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, thì người đó khi chứng đắc Bồ-đề, tâm sẽ được tự tại. Thế nên, thọ mạng vô lượng, cho đến trong đạo chánh kiến, đều có nói rộng nơi tất cả các kinh, nên biết.

HẾT – QUYỂN 5

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9