TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm mười: Lợi mình lợi người

[Giải]  Làm lợi người tức là trở thành tự lợi, thành tựu tự lợi mới có thể lợi người.

F2. Khuyến tu công hạnh Bồ tát
G1. Liệt cử công đức khuyến tu
H1. Liệt cử lợi mình lợi mình lợi người để khuyến khích
I1. Hỏi đáp Bồ đề và đạo

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Bồ đề là gì? Đạo bồ đề là gì?”

Đức Phật dạy: “Thiện nam tử! Xa lìa Bồ đề không có Đạo bồ đề, xa lìa Đạo Bồ đề không có Bồ đề. Đạo bồ đề tức là Bồ đề, Bồ đề tức là Đạo bồ đề. Vượt hơn tất cả quả vị của Thanh văn, Duyên giác gọi là Bồ đề, cũng gọi là Đạo bồ đề.”

[Giải]    Cần phải có sự phân biệt giữa hai tên: Bồ đề và đạo Bồ đề. Bồ đề trong Đại thừa, tức là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề; còn trong ba Thừa, thì Bồ đề được phân làm ba loại: Thanh văn, Duyên giác và chư Phật. Trong kinh này, tận trí và vô sinh trí, có thể chỉ chung cho Bồ đề của ba Thừa.

Đạo, chỉ cho pháp tu nhân để chứng Bồ đề, như đạo đế trong pháp Tứ đế, và Ba mươi bảy đạo phẩm. Chẳng qua theo ý nghĩa của đoạn văn này quán xét, đạo Bồ đề, cũng tức là quả được chứng đắc, được thành tựu, và Bồ đề lại tức là trí tuệ có thể chứng đắc, có thể thành tựu. Từ lập trường “lý trí như như bất nhị” của Đại thừa mà nói, đạo Bồ đề được chứng đắc và Bồ đề trí có thể chứng đắc, không một cũng không khác, cho nên nói Bồ đề tức là đạo Bồ đề.

Nếu lìa Bồ đề trí có thể chứng đắc, thì không có quả Bồ đề đạo, lìa quả Bồ đề đạo, thì cũng không có Bồ đề trí.

Nếu nhìn qua quan điểm “nhân quả bất tương ly” mà nói, đạo là nhân, Bồ đề là quả, Đại thừa đạo quả tức là Bồ đề;  còn quả Niết bàn mà Thanh văn, Duyên giác chứng đắc, thì không đồng nhất với Bồ đề trí.

Vô trụ Niết bàn của Đại thừa, mới là trí của Vô thượng Bồ đề. Bồ đề mà chúng ta thường đề cập tới, tức là muốn chỉ Vô thượng Bồ đề.

I2. Hỏi đáp sự tương đồng, khác biệt giữa ba Thừa

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Đạo quả của Thanh văn, Duyên giác tức là Bồ đề, tức là Đạo bồ đề. Tại sao gọi là vượt hơn?

– Thiện nam tử! Đạo của Thanh văn, Duyên giác không được rộng lớn, không phải là giác ngộ tất cả, bởi vậy Bồ đề, Đạo bồ đề được gọi là vượt hơn đạo của Thanh văn, Duyên giác. Giống như trong tất cả kinh sách thế gian, mười hai phần giáo của Đức Như Lai là cao hơn hết. Vì sao? Vì lời nói trong kinh không sai lầm, không điên đảo. Đạo của Nhị thừa so với Đạo bồ đề cũng giống như thế.

[Giải]    “Tại sao gọi là vượt hơn?”, nghĩa là “vì sao lại nói Đại thừa là vượt hơn?”

Thanh văn, Duyên giác không được rộng lớn, bởi vì không thể thấu triệt tất cả vạn hữu.

Kinh sách thế gian, tức là ngoài kinh sách Phật giáo ra, tất cả những kinh sách thế gian giảng nói về nhân quả đạo đức, v.v…

I3. Phân biệt học vị và quả vị của Bồ đề

Thiện nam tử! Đạo bồ đề tức là Học, cũng tức là Học quả. Vì sao gọi là Học? Tu học đạo Bồ đề chưa được đầy đủ tâm không thoái chuyển gọi là Học. Đã được quả vị không thoái chuyển gọi là Học quả. Lúc chưa chứng được Định hữu, gọi là Học; sau khi chứng được Định hữu, trong A tăng kỳ kiếp thứ ba, gọi là Học quả. Trong A tăng kỳ kiếp đầu tiên vẫn còn chưa có thể bố thí tất cả tài sản, bố thí trong tất cả thời gian, và bố thí đến tất cả chúng sinh. Trong A tăng kỳ kiếp thứ hai, đã có thể bố thí tất cả tài sản, song vẫn chưa thể bố thí trong tất cả thời gian, hoặc bố thí đến tất cả chúng sinh. Trong hai giai đoạn nầy gọi là Học. Đến A tăng kỳ kiếp thứ ba, có thể bố thí tất cả tài sản, bố thí trong tất cả thời gian, và bố thí đến tất cả chúng sinh, đây gọi là Học quả.

Thiện nam tử! Bồ tát lúc tu tập hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ gọi là Học. Đến lúc tất cả đều viên mãn gọi là Học quả.

Thiện nam tử! Có hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật, có hạnh Ba la mật mà không phải là Bố thí Ba la mật, có hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật, có hạnh không phải bố thí mà cũng không phải là Ba la mật. Thiện nam tử! Hạnh bố thí mà không phải là Ba la mật là hạnh bố thí của Thanh văn, Duyên Giác, tất cả phàm phu ngoại đạo, cùng các vị Bồ tát trong hai A tăng kỳ kiếp đầu. Hạnh Ba la mật mà không phải là Bố thí Ba la mật, như Trì giới Ba la mật cho đến Bát Nhã Ba la mật. Hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật, tức là hạnh bố thí của các vị Bồ tát trong A tăng kỳ kiếp thứ ba. Hạnh không phải bố thí mà cũng không phải Ba la mật, tức là hạnh trì giới, tu định, nhẫn nhục, từ bi của hàng Thanh văn, Duyên giác.

Thiện nam tử! Hạnh bố thí không phải ba la mật gọi là Học, hạnh bố thí mà cũng là Ba la mật gọi là Học quả.

Thiện nam tử! Bồ đề tức là Tận trí và Vô sinh trí. Vì muốn được hai trí nầy mà chuyên tâm tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo pháp, gọi là Học. Đã chứng Bồ đề, gọi là Học quả. Trước tiên, tự diều phục các căn của mình, sau đó điều phục kẻ khác, gọi là Học. Đã được giải thoát, lại độ chúng sinh được giải thoát, gọi là Học quả. Tu tập mười Lực, bốn Vô sở úy, Đại bi, ba Niệm, gọi là Học. Được đầy đủ mười tám Pháp bất cộng gọi là Học quả. Vì lợi mình lợi người mà tạo tác các nghiệp lành, gọi là Học. Làm lợi chúng sinh rồi, gọi là Học quả. Học tập pháp thế gian gọi là Học, học tập pháp xuất thế gian gọi là Học quả. Nếu vì chúng sinh mà không bỏn sẻn thân thể, tài sản, gọi là Học; còn nếu vì chúng sinh mà không bỏn sẻn thân thể, tài sản, thọ mệnh, gọi là Học quả. Có thể giáo hóa chúng sinh tạo nghiệp trời, người, gọi là Học. Giáo hóa chúng sinh tạo nghiệp vô lậu, gọi là Học quả. Có thể bố thí chúng sinh tất cả tài sản, gọi là Học. Bố thí chúng sinh Phật pháp, gọi là Học quả. Tự phá bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét, gọi là Học. Phá bỏn sẻn, tham lam, ganh ghét cho người khác, gọi là Học quả. Thọ trì năm thiện căn, tu tập chính niệm, gọi là Học. Dạy người khác tu tập thành tựu năm thiện căn và chính niệm, gọi là Học quả.

[Giải]    Đạo Bồ đề là nhân của sự tu tập Bồ đề, tức là học, mà cũng là học quả.

Định hữu, được phân làm: tam hữu (tức là tam giới), ngũ hữu, hai mươi lăm hữu và sáu mươi hai hữu. Định hữu, tức là định sinh vào cõi trời, người, không còn đọa vào ba ác đạo nữa. Thông thường, Bồ tát Sơ địa mới không còn đọa vào ác thú, tức là cần phải viên mãn a tăng kỳ kiếp đầu tiên.

A tăng kỳ kiếp thứ hai, tức là từ bậc Sơ địa lên đến Thất địn. A tăng kỳ kiếp thứ ba, tức là Bồ tát Bát địa trở lên.

Liên quan đến Bố thí ba la mật, phân biệt có bốn trường hợp. Bố thí cũng là ba la mật, đây là hạnh bố thí của chư Phật cùng các vị Bồ tát từ Bát địa trở lên, nghĩa là bố thí rốt ráo đến tận cùng pháp giới, hư không giới và tất cả chúng sinh giới.

“Tận trí”, khi chứng quả a la hán, trí tuệ biết sự sinh tử của mình đã chấm dứt.

“Vô sinh trí”, là trí tuệ biết rằng mình không còn thọ thân đời sau, Tiểu thừa cần phải đến quả A la hán, Đại thừa cần phải đến quả Phật mới chứng được trí này.

Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tức là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác phần và bát thánh đạo.

Tự tu trì giới, thiền định, gọi là tự điều phục các căn của mình.

Mười tám pháp bất cộng, chỉ riêng Phật mới có, gồm có: tam vô thất, tức là ba nghiệp thân khẩu ý đều không có lỗi lầm; tam tùy pháp hành, tức là vô dị tưởng, vô bất định tâm, vô bất tri dĩ xả; lục vô giảm, tức là dục vô giảm, tinh tiến vô giảm, giải thoát vô giảm, giải thoát tri kiến vô giảm; tam tùy trí tuệ hành, tức là ba nghiệp thân khẩu ý tùy trí tuệ hành; và tam vô ngại, tức là tri quá khứ, hiện tại, vị lai vô ngại. Đây là mười tám bất cộng.

Người tu hành bình thường, có chút ít thần thông, nhưng vẫn có rất nhiều sự việc vẫn không thể hiểu biết đến, nếu lạm dụng thần thông, sẽ trở nên điên đảo. Như ngài Xá Lợi Phất là bậc thượng thủ trong các đệ tử A la hán của Đức Phật, thế nhưng, khi quán sát tiền kiếp của con bồ câu, thấy từ tám vạn kiếp trước đến nay vẫn là bồ câu, nhưng vẫn không biết vì lý do nào mà nó bị đọa vào bồ câu, chỉ có công đức bất cộng của Đức Phật mới có thể biết rõ căn do mà thôi.

Năm thiện căn, tức là tín, tinh tiến, niệm, định và tuệ.

I4. Chính thức biện minh mình người đều lợi
J1. Nêu rõ tướng của việc mình người đều lợi

Thiện nam tử! Bồ tát có tín căn, làm lợi mình xong, lại làm lợi ích cho người. Nếu chỉ làm lợi cho mình, không phải là chân thực tự lợi. Làm lợi cho người mới là chân thực tự lợi. Vì sao? Bậc Đại Bồ tát vì lợi kẻ khác, đối với thân thể, thọ mệnh, tài sản, không sinh lòng bỏn sẻn, đó là tự lợi. Bồ tát biết rằng, nếu đem Bồ Đề của hàng Thanh văn, Duyên giác giáo hóa chúng sinh, chúng sinh không tiếp nhận, bèn đem sự an lạc của trời người giáo hóa bọn họ, đây là lợi người. Lợi ích kẻ khác, chính là lợi mình. Nếu Bồ tát không thể làm lợi ích cho mình, cho người, mà chỉ làm lợi mình, đây là bậc hạ. Vì sao? Vị Bồ tát đó, đối với giáo pháp, tài sản, sinh tâm tham luyến. Vì vậy không thể tự làm lợi mình. Hành giả nếu làm người khác chịu khổ não, riêng mình hưởng sự an vui, Bồ tát như vậy, không thể lợi người. Nếu Bồ tát không tu tập bố thí, trì giới, nghe nhiều, dù có dạy người khác cũng chỉ gọi là lợi người mà không lợi mình. Nếu đầy đủ năm thiện căn, sau đó đem dạy kẻ khác, đó là Bồ tát làm lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Lợi ích có hai loại: một là đời nầy, hai là đời sau. Bồ tát nếu làm lợi ích đời nầy, không gọi là thực sự lợi ích. Nếu làm lợi ích đời sau tức là có thể làm cho mình và người đều được lợi ích.

Thiện nam tử! Sự an lạc có hai loại: một là an lạc thế gian, hai là an lạc xuất thế gian. Phúc đức cũng thế. Bồ tát nếu đầy đủ hai sự an lạc và phúc đức để giáo hóa thế gian, thì gọi là lợi mình lợi người.

[Giải]    “Đem sự an lạc của trời, người, giáo hóa”, bởi vì khi quán sát căn cơ chúng sinh, thấy rằng nếu đem pháp Đại thừa giáo hóa, chúng sinh không thể tiếp thọ, kế đến, đem pháp Thanh văn, Duyên giác giáo hóa, cũng không thể tiếp thọ, cho nên đành phải đem sự an lạc của trời, người mà giáo hóa chúng sinh.

Nếu có thể tự mình tu tập đầy đủ hiện thế lạc, hậu thế lạc, xuất thế lạc, và phúc đức, sau đó đem giáo hóa chúng sinh, đây mới là chân chánh lợi ích.

J2. Hạnh có thể làm mình người đều lợi

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát đầy đủ một pháp thì có thể lợi mình lợi người, đó là sự không phóng dật. Lại có hai pháp có thể làm lợi mình lợi người: một là thường nghe Pháp, hai là suy tư Phật pháp. Lại có ba pháp có thể làm lợi mình lợi người: một là thương xót chúng sinh, hai là siêng năng tu hành, ba là đầy đủ chính niệm. Lại có bốn pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là bốn uy nghi. Lại có năm pháp có thể làm lợi mình lợi người: một là đức tin, hai là giữ giới, ba là thường nghe Phật Pháp, bốn là bố thí, năm là trí tuệ. Lại có sáu pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là sáu pháp niệm. Lại có bảy pháp có thể làm lợi mình lợi người, tức là phá hoại bảy loại kiêu mạn.

Thiện nam tử! Nếu Bồ tát thấy sa môn, bà la môn, trưởng giả, nam nữ, hoặc trong đại chúng có kẻ làm lỗi, trước nên tùy thuận ý của họ, rồi sau mới nói pháp làm họ được điều phục. Nếu Bồ tát không biết trước nên tùy thuận chúng sinh, rồi sau mới thuyết pháp, đây là Bồ tát bậc hạ.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là ưa gần gũi bạn lành, hai là không ưa gần gũi bạn lành. Kẻ ưa gần gũi bạn lành có thể làm lợi mình lợi người, còn kẻ không ưa gần gũi bạn lành, ắt không thể làm lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Có hai loại Bồ tát ưa gần bạn lành: một là ưa cúng dường, hai là không ưa cúng dường. Kẻ ưa cúng dường có thể lợi mình lợi người. Kẻ không ưa cúng dường, không thể lợi mình lợi người. Kẻ ưa cúng dường lại có hai hạng: một là có thể nghe Phật pháp, hai là không thể nghe Phật pháp. Kẻ chuyên tâm nghe pháp lại có hai hạng: một là hay hỏi nghĩa lý, hai là không hay hỏi nghĩa lý. Kẻ hay hỏi nghĩa lý, có thể lợi mình lợi người, kẻ không hay hỏi nghĩa lý không thể lợi mình lợi người. Kẻ hay hỏi nghĩa lý lại có hai hạng: một là chí tâm thọ trì, hai là không thọ trì. Kẻ chí tâm thọ trì, có thể lợi mình lợi người, kẻ không thọ trì, không thể lợi mình lợi người. Kẻ chí tâm thọ trì lại có hai hạng: một là hay suy tư nghĩa lý, hai là không suy tư nghĩa lý. Kẻ suy tư nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, kẻ không suy tư nghĩa lý không thể lợi mình lợi người. Kẻ suy tư nghĩa lý lại có hai hạng: một là hiểu rõ nghĩa lý, hai là không hiểu rõ nghĩa lý. Kẻ hiểu rõ nghĩa lý có thể lợi mình lợi người, kẻ không hiểu rõ nghĩa lý không thể lợi mình lợi người. Kẻ hiểu rõ nghĩa lý lại có hai hạng: một là sống đúng chính pháp, hai là không sống đúng chính pháp. Kẻ sống đúng chính pháp có thể làm lợi mình lợi người, kẻ không sống đúng chính pháp, không thể lợi mình lợi người. Kẻ sống đúng chính pháp lại có hai hạng: một là đầy đủ tám trí, hai là không đầy đủ tám trí. Tám trí là gì? Một là trí biết pháp, hai là trí biết nghĩa, ba là trí biết thời tiết nhân duyên, bốn là trí biết đủ, năm là trí biết mình và kẻ khác, sáu là trí biết tất cả sự vật, bảy là trí biết căn cơ chúng sinh, tám là trí biết sự cao thấp. Kẻ đầy đủ tám trí nói ra điều gì đều đầy đủ mười sáu việc: Một là nói đúng thời, hai là nói một cách thành tâm, ba là nói có thứ lớp, bốn là nói hòa hợp, năm là nói có nghĩa lý, sáu là nói vui vẻ, bảy là nói tùy theo ý người nghe, tám là nói mà không coi thường người nghe, chín là nói mà không trách mắng người nghe, mười là nói đúng như chánh pháp, mười một là nói lợi mình lợi người, mười hai là nói mà không tán loạn, mười ba là nói hợp với nghĩa lý, mười bốn là nói lời chân chánh, mười lăm là nói rồi không sinh lòng kiêu mạn, mười sáu là nói mà không cầu phúc báo thế gian. Những kẻ như vậy có thể nghe người khác nói pháp; lúc nghe người khác nói pháp có mười đủ sáu việc: Một là nghe đúng thời, hai là thích nghe pháp, ba là nghe một cách thành tâm, bốn là nghe một cách cung kính, năm là nghe mà không cầu lỗi của người nói, sáu là không vì biện luận mà nghe, bảy là không vì thắng kẻ khác mà nghe, tám là lúc nghe không coi thường người nói, chín là lúc nghe không khinh thường Phật pháp, mười là lúc nghe, không tự khinh mình, mười một là vì muốn xa lìa ngũ cái mà nghe, mười hai là vì muốn thọ trì, đọc tụng mà nghe, mười ba là vì muốn diệt trừ ngũ dục mà nghe, mười bốn là vì muốn đầy đủ lòng tin mà nghe, mười lăm là vì muốn điều phục chúng sinh mà nghe, mười sáu là vì muốn đoạn trừ văn căn mà nghe.

Thiện nam tử! Người có đủ tám trí, có thể nói pháp và nghe pháp. Những kẻ như vậy có thể lợi mình lợi người. Kẻ không đủ tám trí không được gọi là kẻ lợi mình lợi người.

[Giải]    Không phóng dật, nghĩa là “không nên cho việc thiện là nhỏ mà không làm, không nên cho việc ác là nhỏ mà làm”, đại khái là cần phải tinh tiến.

Sáu niệm, tức là niệm Phật, pháp, tăng, thí, giới và thiên.

Bảy sự kiêu mạn, tức là mạn, quá mạn, mạn quá mạn, tăng thượng mạn, ty liệt mạn, tà mạn và ngã mạn. Có thể trừ diệt bảy loại kiêu mạn này, tức là bảy pháp.

“Trước tiên phải tùy thuận ý họ, rồi sau mới nói pháp”, thấy lỗi lầm của chúng sinh, không thể sinh tâm phẫn nộ, rồi tùy ý giáo hóa, làm cho họ điều phục.

Phạm vi của bạn lành rất rộng lớn, từ Phật, Bồ tát, cho đến những bậc tu hành có đức hạnh, đều là bạn lành của hành giả.

Hay hỏi nghĩa lý, tức là có thể làm cho người nói giảng rộng vấn đề.

Suy tư, nghĩa là quán sát, khảo cứu.

Hiểu rõ nghĩa lý, tức là kết quả của sự thắng giải quyết định.

Sống đúng chính pháp, tức là ba nghiệp thân miệng ý đều có thể sống đúng như pháp. Kẻ sống đúng như pháp, có thể chứng đắc trí quả. Từ trước đến nay, từng bậc thăng tiến, đến “như pháp trụ”, ắt là có thể chứng được trí quả.

Trí biết đủ, tức là xa lìa lòng ham muốn, biết chừng mực.

Nói đúng chánh pháp, tức là khế lý.

Không coi thường người nghe, không trách mắng người nghe, tức là khế cơ.

Nói không tán loạn, tức là nói có đầu đuôi, trình tự.

Vừa rồi là nói công đức của sự nói pháp, dưới đây la nói công đức của sự nghe pháp.

Tự khinh mình, tức là tự cho mình không có khả năng học hỏi.

Ngũ cái, tức là tham dục, sân hận, ham ngủ nghỉ, hay tự trách, và nghi hoặc.

Ngũ dục, có năm sự ham muốn thô, tức là tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, và năm sự ham muốn vi tế, tức là sắc, thanh, hương, vị và xúc.

Đoạn trừ văn căn, từ trình độ “văn sở thành tuệ”, tiến lên đến trình độ “tư sở thành tuệ”, mà chứng đắc căn bổn trí, tức là đoạn trừ “những lời pháp đã được nghe” (nghĩa là không còn chấp trước vào ngữ ngôn văn tự, giống như thuật ngữ “quên lời (Hán: vong ngôn), trong quyển Trang Tử”.

J3. Biện minh về kẻ làm lợi mình lợi người
K1. Biện minh về phương diện nói pháp, nghe pháp

Thiện nam tử! Kẻ nói pháp cũng có hai hạng: Một là thanh tịnh, hai là không thanh tịnh. Kẻ không thanh tịnh cũng có năm việc: Một là vì lợi mà nói pháp, hai là vì muốn được báo ân mà nói pháp, ba là vì muốn hơn kẻ khác mà nói pháp, bốn là vì muốn được quả báo thế gian mà nói pháp, năm là còn nghi ngờ pháp mà nói pháp. Kẻ nói pháp thanh tịnh cũng có năm việc: Một là trước cho ăn rồi sau mới nói pháp, hai là vì muốn Tam bảo hưng long mà nói pháp, ba là vì muốn đoạn phiền não cho mình cho người mà nói pháp, bốn là vì muốn phân biệt tà chính mà nói pháp, năm là vì muốn người nghe được sự thù thắng nên thuyết pháp.

Thiện nam tử! Kẻ nói pháp không thanh tịnh gọi là kẻ bẩn thỉu, là kẻ bán pháp, là kẻ ô nhục, là kẻ lầm lạc, là kẻ đánh mất ý nghĩa của sự nói pháp. Kẻ nói pháp thanh tịnh gọi là kẻ nói lời chánh đáng, nói lời chân thực, và là nơi qui tụ của chánh pháp.

Thiện nam tử! Kẻ nào biết toàn bộ mười hai phần giáo, thanh minh luận, nhân minh luận, trong nhân minh lại biết nhân, biết dụ, biết chỗ chủ trương của mình và của người, kẻ đó là người biết pháp chánh đáng. Người nghe có bốn hạng: Một là nghe ít hiểu nhiều, hai là hiểu theo sự phân biệt của chính mình, ba là hiểu theo bổn ý của người nói, bốn là hiểu theo từng chữ, từng câu. Đức Như Lai vì ba loại người đầu mà mà thuyết pháp, không vì loại người thứ tư. Vì sao? Vì họ không phải là pháp khí. Bốn loại người trên được phân làm hai loại: Một là đã thuần thục, hai là còn non nớt. Kẻ đã thuần thục là kẻ đã được điều phục, kẻ còn non nớt là kẻ sẽ được điều phục.

Thiện nam tử! Giống như rừng cây có bốn loại: Một là dễ chặt mà khó nhổ gốc, hai là khó chặt mà dễ nhổ gốc, ba là dễ chặt lại dễ nhổ gốc, bốn là khó chặt lại khó nhổ gốc. Kẻ tại gia cũng có bốn hạng: Một là dễ điều phục mà khó giúp cho tiến bộ, hai là khó điều phục nhưng lại dễ giúp họ tiến bộ, ba là dễ điều phục lại dễ giúp họ tiến bộ, bốn là khó điều phục lại khó giúp họ tiến bộ. Bốn hạng người như vậy, được chia làm ba loại: Một là rầy trách rồi điều phục, hai là dùng lời nhỏ nhẹ điều phục, ba là dùng cả hai, rầy trách cùng nhỏ nhẹ, mà điều phục. Lại có hai loại: Một là dùng sự bố thí điều phục, hai là dùng chú thuật điều phục. Sự điều phục lại có hai loại: Một là lúc vui mừng, hai là lúc đau khổ. Lúc thuyết pháp, đối với bốn hạng người như thế, có hai phương pháp: Một là biết rành việc đời, hai là tìm cách giúp đỡ người.

Thiện nam tử! Bồ tát nếu biết hai phương tiện như thế, ắt có thể làm lợi mình lợi người. Nếu không biết, ắt không thể làm lợi mình lợi người.

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát, vì muốn lợi người, trước học kinh điển ngoại đạo, sau mới học mười hai phần giáo. Chúng sinh nếu nghe mười hai phần giáo, ắt sẽ nhờm chán kinh điển ngoại đạo. Lại vì chúng sinh nói sự lỗi lầm của phiền não, sự giải thoái khỏi phiền não, khen ngợi đức hạnh của bạn lành, trách mắng sự lỗi lầm của bạn ác, tán thán công đức của bố thí, hủy báng lỗi lầm của bỏn sẻn. Bồ tát thường nên ở chỗ tịch tĩnh tu hành, khen ngợi công đức của sự tịch tĩnh, thường tu tập Phật pháp, tán thán sự tu tập Phật pháp. Nếu được như vậy, gọi là lợi mình lợi người.

[Giải]    Mười hai phần giáo, tức là nội minh. Thanh minh, tức là ngôn ngữ học. Nhân minh, tức là luận lý học.

Rừng cây có bốn loại, ví dụ cho điều phục bốn hạng người tại gia.

Dùng chú thuật điều phục, tức là cầu nguyện, hồi hướng, v.v…

“Nghe mười hai phần giáo, ắt nhàm chán kinh điển ngoại đạo”, kẻ nào có thể chân thực nghe hiểu mười hai phần giáo, đối với kinh điển ngoại đạo ắt không còn thích nghe nữa.

K2. Biện minh từ phương diện tại gia, xuất gia

Bồ tát tại gia, trước phải tự điều phục mình. Nếu không tự điều phục, ắt không nên xuất gia. Bồ tát tại gia có thể độ được nhiều người, Bồ tát xuất gia không được như vậy. Vì sao? Nếu không có hàng tại gia, ắt không có hàng xuất gia trong ba Thừa. Người xuất gia trong ba Thừa tu tập đạo hạnh, giữ giới, tụng kinh, ngồi thiền, đều do kẻ tại gia hộ trì.

Thiện nam tử! Có Đạo và sự trang nghiêm cho Đạo. Đạo tức là sự tu tập Phật pháp, trang nghiêm cho Đạo tức là kẻ tại gia. Bồ tát xuất gia vì kẻ tại gia mà tu hành đạo nghiệp, kẻ tại gia từ bậc xuất gia mà tu học Phật pháp. Kẻ tại gia phần lớn tu tập hai pháp: Một là thọ trì, hai là bố thí. Bậc xuất gia cũng tu tập hai pháp: Một là đọc tụng, hai là giảng dạy.

[Giải]    Từ đoạn này trở xuống, nói hai hàng tại gia, xuất gia, hổ tương làm tăng thượng duyên cho nhau. Nếu không có người tu hành tại gia, thì cũng không có người xuất gia đầy đủ thiện căn. Người tại gia có thể tu tập Phật pháp bằng cách bố thí, cúng dường, hộ trì cho người xuất gia.

Thọ trì, tức là thọ trì Phật pháp; đọc tụng, tức là đọc tụng mười hai bộ kinh; giảng dạy, tức là đem Phật pháp giáo hóa chúng sinh.

K3. Biện minh từ phương diện tự hành, hóa tha

Thiện nam tử! Bậc Đại Bồ tát tu tập cả bốn pháp: thọ trì, bố thí, đọc tụng, giảng dạy. Như vậy gọi là lợi mình, lợi người. Bồ tát nếu muốn vì chúng sinh mà nói nghĩa thâm sâu của pháp giới, trước tiên nên nói pháp thế gian, sau đó nói pháp thâm sâu của pháp giới. Vì sao? Vì dễ giáo hoá. Bậc Đại Bồ tát nên chăm sóc cuộc sống tâm linh của chúng sinh. Nếu không chăm sóc, ắt không thể thâu phục tất cả chúng sinh. Bồ tát cũng phải chăm sóc thân mình. Nếu không chăm sóc, cũng không thể thâu phục chúng sinh. Bồ tát tuy không tham luyến thân mệnh, tài sản, mà lại chăm sóc thân mệnh, tài sản, đều là vì muốn thâu phục chúng sinh. Bậc Đại Bồ tát, trước nên tự trừ ác, sau đó dạy kẻ khác trừ ác. Nếu không tự trừ, ắt không thể dạy kẻ khác trừ. Bởi thế, Bồ tát trước tiên nên tu tập bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến tu hành, sau đó dạy người khác. Nếu Bồ tát không tự mình tu hành, không thể giảng dạy kẻ khác.

Thiện nam tử! Căn cơ của chúng sinh có ba loại, thượng, trung, hạ. Bồ tát hạ căn, chỉ có thể giáo hóa kẻ hạ căn, không thể giáo hóa kẻ trung căn cùng thượng căn. Bồ tát trung căn, có thể giáo hóa kẻ trung căn, hạ căn, mà không thể giáo hóa kẻ thượng căn. Bồ tát thượng căn có thể giáo hóa cả ba.

[Giải]    Giáo hóa chúng sinh cần phải thích ứng căn cơ mà thuyết pháp, những kẻ không khéo thuyết pháp, mỗi khi mở miệng là nói những nghĩa lý thâm sâu của pháp giới, dùng đây để tự cho mình là cao siêu, rốt cuộc không ích lợi gì trong sự độ sinh. Đức Phật ắt là tùy theo căn cơ cao thấp của chúng sinh mà thi thiết sự giáo hóa.

“Chăm sóc tự thân”, tức là tránh né không làm cho chúng sinh khởi tâm chê bai, hủy báng; hoặc nếu đã có sự chê bai, hủy báng, phải biện minh sự trong sạch của mình. Bồ tát tuy chứng “ngã không”, không còn ngã kiến, nhưng vì muốn lợi ích người khác, không thể không “chăm sóc tự thân”.

Chúng sinh hạ căn, thì nên dùng pháp nhân, thiên mà giáo hóa; kẻ trung căn, nên dùng pháp Nhị thừa; còn kẻ thượng căn, thì nên dùng pháp Đại thừa mà giáo hóa.

Ba căn của Bồ tát, là chỉ vào trình độ tu tập mà nói.

I5. Nêu rõ Bồ tát tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: Một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia làm lợi mình lợi người, điều này không khó. Bồ tát tại gia tu tập lợi mình lợi người, điều này mới khó. Vì sao? Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

[Giải]    Ở đây có ý khuyến khích sự tinh tiến, hy vọng các vị không phụ ân của Đức Phật.