Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Pháp Chánh dịch
4. Ba Hạng Người
Ba hạng người niệm Phật vãng sanh.
Vô Lượng Thọ Kinh, quyển hạ nói: “ Đức Phật bảo ngài A Nan: Các hàng trời người trong mười phương, có tâm chí thành muốn sinh cõi ấy, phân làm ba bậc.
a. Bậc thượng là hạng bỏ nhà lìa dục, tu hạnh sa môn, phát Bồ đề tâm, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật, tu các công đức nguyện sanh Cực Lạc. Những chúng sinh ấy, đến lúc lâm chung, Đức Phật A Di Đà cùng các thánh chúng hiện ra trước mặt, trong khoảng sát na liền theo Đức Phật vãng sanh Cực Lạc, tự nhiên hóa sanh trong ao bảy báu, đắc bất thoái chuyển, trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại. Bởi thế, này A Nan! Nếu có chúng sinh, muốn trong hiện đời, thấy được Đức Phật A Di Đà, phải nên phát tâm vô thượng Bồ đề, tu hành công đức, nguyện sinh Cực Lạc.
b. Bậc trung là những chúng sanh trong mười phương thế giới, hết lòng muốn sinh về cõi Cực Lạc, tuy không thể tu hạnh sa môn, nhưng tu tập nhiều công đức lớn, phải nên phát Bồ đề tâm, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật, tùy sức mình mà tu các hạnh lành, phụng trì trai giới, xây chùa lập tháp, cúng dường chư tăng, treo phướn, thắp đèn, rải hoa, đem những công đức này hồi hướng, nguyện sinh Cực Lạc. Người ấy lúc lâm chung, Hóa thân của Đức A Di Đà, đầy đủ quang minh tướng hảo như Đức Phật thật, cùng các thánh chúng hiện ra ở trước, người ấy trong khoảng sát na liền theo Hóa Phật vãng sanh Cực Lạc, đắc bất thoái chuyển, công đức trí tuệ kém hơn bậc thượng.
c. Bậc hạ là những chúng sinh mười phương, có lòng chí thành, muốn sinh Cực Lạc. Giả sử không thể tu tập các công đức, cũng phải nên phát tâm Vô thượng Bồ đề, một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà, dù chỉ mười niệm, nguyện sinh Cực Lạc. Nếu nghe Phật pháp thâm sâu, hoan hỷ tin ưa, tâm không nghi ngờ, dù chỉ một niệm, niệm Phật A Di Đà, nguyện sinh Cực Lạc, người ấy lúc lâm chung, mộng thấy Đức A Di Đà, liền được vãng sinh, công đức trí tuệ kém hơn bậc trung.
Hỏi: Bậc thượng, ngoài sự niệm Phật, còn phải làm các công hạnh như bỏ nhà, lìa dục, v.v…; bậc trung phải làm các công hạnh như xây chùa, đúc tượng, v.v…; bậc hạ cũng phải có các công hạnh như phát Bồ đề tâm, v.v.. , vì sao ở đây chỉ nói Niệm Phật vãng sinh?
Đáp: Quán Niệm Pháp Môn của Hòa Thượng Thiện Đạo nói: ‘Vô Lượng Thọ Kinh, quyển hạ có dạy: Phật nói căn tính của tất cả chúng sinh đều khác nhau, có ba bậc thượng, trung, hạ. Đức Phật tùy theo căn tính của họ, đều khuyên chuyên tâm xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Những người ấy, đến lúc lâm chung, Đức A Di Đà và thánh chúng đồng đến tiếp dẫn, đều được vãng sinh.’ Y vào ý nghĩa này, có thể nói ba bậc thượng trung hạ đều Niệm Phật vãng sinh.
Hỏi: Trả lời như vậy vẫn chưa thỏa đáng. Tại sao bỏ tất cả công hạnh, chỉ riêng nói Niệm Phật?
Đáp: Ở đây có ba ý nghĩa, (1) vì muốn phế bỏ các công hạnh để quy hướng Niệm Phật cho nên nói đến các công hạnh, (2) vì muốn trợ thành công hạnh Niệm Phật cho nên nói đến các công hạnh, (3) vì hai môn (a) Niệm Phật và (b) Tu các công hạnh, mỗi môn đều có ba phẩm, nên nói đến sự tu tập các công hạnh.
(1) Vì muốn phế bỏ các công hạnh để quy hướng Niệm Phật: Ở đây chúng ta y theo Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của ngài Thiện Đạo: “Phần trên tuy nói sự lợi ích của hai môn, Tán môn và Định môn, nếu như xét bổn nguyện của Phật A Di Đà, nghĩa là muốn chúng sinh một lòng chuyên xưng danh hiệu của Ngài”, mà giải thích. Trong phần bậc thượng, tuy nói đến các công hạnh khác như phát Bồ đề tâm, v.v…, nếu xét thâm ý của bổn nguyện, chỉ là muốn chúng sinh chuyên xưng danh hiệu của Đức A Di Đà, mà trong bổn nguyện cũng không nói đến hạnh nào khác. Ba bậc đều y vào bổn nguyện trên, cho nên nói: Một lòng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ. Ví như bên Thiên Trúc có ba loại chùa, một là chùa chuyên tu Đại thừa, trong đó không có người tu học Tiểu thừa, hai là chùa chuyên tu Tiểu thừa, trong đó không có người tu học Đại thừa, ba là chùa kiêm tu Đại thừa và Tiểu thừa. Nên biết, các chùa chuyên tu Đại thừa hoặc Tiểu thừa, có thể gọi là một lòng (Hán: nhất hướng), còn chùa kiêm tu thì không thể gọi là một lòng. Nếu y theo ví dụ về chùa ở Ấn Độ vừa nói, những hành giả tu các công hạnh khác, có thể gọi là kiêm tu. Nếu đã nói một lòng, thì không tu các hạnh khác, điều này quả thật rõ ràng. Tuy trước đó nói đến các công hạnh, nhưng sau lại nói một lòng chuyên niệm, điều này rõ ràng là muốn hành giả bỏ các công hạnh khác để Niệm Phật, cho nên mới nói một lòng, nếu không, chữ một lòng làm sao có thể giải thích cho thông!
(2) Vì muốn trợ thành công hạnh Niệm Phật: Ở đây cũng có hai nghĩa, (a) một là dùng thiện căn cùng loại trợ thành công hạnh Niệm Phật, (b) hai là dùng thiện căn khác loại trợ thành công hạnh Niệm Phật.
a. Dùng thiện căn cùng loại trợ thành: Thiện Đạo Hòa Thượng trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ đưa ra năm loại công hạnh trợ thành công hạnh Niệm Phật. Trong phần hai hạnh chánh tạp ở trên đã nói đầy đủ.
b. Dùng thiện căn khác loại trợ thành: Trước tiên, đối với bậc thượng bàn luận công hạnh chánh, phụ. Một lòng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ tức là hạnh chánh, còn các công hạnh khác như bỏ nhà, lìa dục, tu hạnh sa môn, phát Bồ đề tâm, v.v.., là hạnh phụ. Đây có nghĩa rằng Niệm Phật là căn bổn cho hành nghiệp vãng sinh, cho nên vì muốn một lòng Niệm Phật, cho nên mới bỏ nhà, lìa dục, tu hạnh sa môn, phát Bồ đề tâm, v.v… Trong đây, những việc xuất gia, phát tâm, v.v.., là chỉ lúc mới xuất gia, hoặc mới phát tâm, còn Niệm Phật là công hạnh lâu dài không thoái thất, chẳng lẽ, các công hạnh khác lại chướng ngại công hạnh Niệm Phật! Đối với bậc trung, các công hạnh như xây chùa, đúc tượng, treo phướn, thắp đèn, rải hoa, đốt hương, v.v.., cũng đều là để trợ thành công hạnh Niệm Phật. Ý chỉ này có thể tìm thấy trong Vãng Sanh Yếu Tập, nghĩa là các công hạnh cúng dường, xây chùa, đúc tượng, v.v.., đều là những phương tiện trợ thành công hạnh Niệm Phật. Đối với hành giả bậc hạ, cũng có sự phát tâm, niệm Phật, chiếu theo phần trên sẽ rõ.
(3) Vì hai môn Niệm Phật và tu tập các công hạnh, mỗi môn đều có ba phẩm: Trước tiên, nói đến ba phẩm của môn Niệm Phật. Trong kinh, đối với ba bậc hành giả đều nói một lòng chuyên niệm Phật Vô Lượng Thọ, đây tức là môn Niệm Phật thiết lập ba phẩm, bởi thế, phẩm Niệm Phật Chứng Cứ Môn của Vãng Sanh Yếu Tập có nói: “Trong kinh Vô Lượng Thọ, hành nghiệp của ba bậc tuy có sự sâu cạn khác nhau, nhưng tựu trung phải một lòng chuyên niệm Vô Lượng Thọ Phật.” Kế đến, nói ba phẩm của môn Tu tập các công hạnh, nghĩa là ba bậc đều có các công hạnh như phát Bồ đề tâm, v.v.., đây là từ sự tu tập các công hạnh mà lập ba phẩm. Phẩm Chư Hành Vãng Sinh Môn của Vãng Sinh Yếu Tập có nói: “Ba bậc của kinh Vô Lượng Thọ không ra ngoài phạm vi của những công hạnh này.””
Ba ý nghĩa vừa nêu trên, tuy có sự khác biệt, thế nhưng mục đích đều là vì Một lòng Niệm Phật mà thiết lập. Ý nghĩa đầu tức là vì phế bỏ, xác lập, nghĩa là nói các công hạnh để phế bỏ các công hạnh, nói Niệm Phật để xác lập Niệm Phật. Ý nghĩa kế là vì muốn trợ thành, nghĩa là vì muốn trợ thành chánh nghiệp Niệm Phật, cho nên nói đến các nghiệp phụ là sự tu tập các công hạnh. Ý nghĩa cuối là vì nghĩa chánh, phụ, nghĩa là tuy nói hai môn Niệm Phật và Tu các công hạnh, nhưng Niệm Phật là chánh, còn Tu các công hạnh là phụ. Bởi thế nên nói: “Ba bậc đều phải niệm Phật.”
Trong ba ý nghĩa vừa nói, nghĩa cuối (Niệm Phật là chánh, các hạnh khác là phụ) rất khó quyết đoán, kính thỉnh chư vị học giả tùy ý quyết định. Hiện nay, theo ngài Thiện Đạo, ý nghĩa đầu Vì muốn phế bỏ các công hạnh để quy hướng Niệm Phật là chính xác.
Hỏi: Hành nghiệp của ba bậc đều nói Niệm Phật, ý nghĩa này đã rõ ràng. Chín phẩm trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh và ba bậc của Vô Lượng Thọ Kinh vốn chỉ là sự khai hợp khác nhau, nếu vậy, tại sao ba bậc trong Vô Lượng Thọ Kinh đều nói đến Niệm Phật, còn trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh, hai phẩm thượng, trung không nói đến Niệm Phật, mà chỉ có hạ phẩm mới nói đến?
Đáp: Điều này có hai nghĩa.
a. Phần đầu của câu hỏi nói “Ba bậc của Vô Lượng Thọ Kinh và chín phẩm của Quán Vô Lượng Thọ Kinh chỉ là sự khai hợp khác nhau”, do đây mà biết chín phẩm của Quán Vô Lượng Thọ Kinh có thể cũng có sự Niệm Phật. Vì sao mà biết? Nếu ba bậc đều có sự Niệm Phật, thì chín phẩm tại sao lại không có? Vãng Sinh Yếu Tập nói: “Hỏi: Công hạnh Niệm Phật được nhiếp vào phẩm nào của Quán Vô Lượng Thọ Kinh? Đáp: Nói về công hạnh, đúng lý, Niệm Phật phải được nhiếp vào phẩm thượng thượng, thế nhưng, tùy vào sự Niệm Phật thắng hay liệt mà chia làm chín phẩm. Thế nhưng, Quán Vô Lượng Thọ Kinh khi nói về hành nghiệp của chín phẩm, chỉ là đề cập đến một phần nhỏ, đúng lý, hành nghiệp (công hạnh) là vô lượng.”” Cho nên biết rằng Niệm Phật là chung cho cả chín phẩm.
b. Bổn ý của Quán Vô Lượng Thọ Kinh là trước tiên nói rộng về các công hạnh định tán, để thích ứng với căn cơ của tất cả chúng sinh, sau đó phế bỏ các công hạnh này, để quy hướng về hạnh Niệm Phật, chẳng hạn như Kinh nói: “Ông phải khéo thọ trì Kinh này, v.v…”… Ý nghĩa này, phần dưới sẽ nói đầy đủ, bởi thế, biết rằng công hạnh của chín phẩm, chỉ là Niệm Phật.