Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Pháp Chánh dịch

 

11. Tán Thán Niệm Phật

Đối với các hạnh tạp thiện mà khen ngợi công hạnh Niệm Phật

Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói:

Nếu có người niệm Phật, nên biết người đó là hoa Phân đà lợi trong loài người, các vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí là bạn lành của người đó, người đó sẽ ngồi đạo tràng, sinh vào nhà Phật.

Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ nói:

Từ câu “Nếu có người niệm Phật”, cho đến câu “sinh vào nhà Phật”, chánh thức nói rõ công năng siêu tuyệt của Niệm Phật Tam Muội. Trên thực tế, không phải những công hạnh tạp thiện có thể so sánh được. Có năm phần:

a. Chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà.

b. Tán thán hành giả Niệm Phật.

c. Người nào có thể niệm Phật không gián đoạn, người đó rất là hiếm có, cho nên ví như hoa Phân Đà Lợi (sen trắng). Phân Đà Lợi, là hoa đẹp trong loài người, là hoa hiếm có, là hoa bậc thượng thượng, là hoa diệu hảo trong loài người. Nếu người nào niệm Phật, người đó là người tốt trong loài người, người diệu hảo, người bậc thượng thượng, người hiếm có, người thù thắng nhất trong loài người.

d. Người chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì các ngài Quán Âm, Thế Chí thường theo bảo hộ như bóng với hình, cũng giống như bạn thân, hoặc thiện tri thức.

e. Đời này được lợi ích như vậy, sau khi mệnh chung sẽ sinh vào nhà Phật, tức là vãng sinh Tịnh Độ, đến đó thường được nghe pháp, phụng sự chư Phật, nhân viên quả mãn, ngày ngồi đạo trường đâu còn xa xăm gì nữa?

Hỏi: Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Nếu có người niệm Phật, nên biết người đó, v.v..”, đây tuy là khen ngợi hành giả Niệm Phật, thế nhưng nhà chú giải lại nói: “Trên thực tế, không phải những hạnh tạp thiện có thể so sánh được”, đem Niệm Phật so sánh với tạp thiện để đặc biệt khen ngợi Niệm Phật là có ý gì?

Đáp: Lời Kinh tuy tàng ẩn, nhưng ý nghĩa lại rất rõ ràng. Lý do biết được là vì Kinh này đã nói đến các công hạnh định thiện, tán thiện, cùng công hạnh Niệm Phật, thế nhưng lại đặc biệt nêu lên pháp Niệm Phật để ví với hoa Phân Đà Lợi. Nếu như không so sánh với tạp thiện, làm sao có thể nêu lên công đức Niệm Phật vượt hơn các hạnh lành khác. Vả lại, nói “người Niệm Phật là người tốt trong loài người” là so với cái “xấu” mà nêu cái “tốt”, nói “người diệu hảo trong loài người” là so với cái “thô ác” mà nêu cái “diệu hảo”, nói “người bậc thượng thượng trong loài người” là so với cái “hạ hạ” mà nói cái “thượng thượng”, nói “người hiếm có trong loài người” là so với cái “thông thường” mà nói cái “hiếm có”, nói “người thù thắng trong loài người” là so với cái “hạ liệt nhất” mà khen cái “thù thắng nhất.”

Hỏi: Nếu đã cho rằng xưng danh hiệu Phật là bậc “thượng thượng”, tại sao trong phẩm thượng thượng lại không nói đến, mà phải đợi đến phẩm hạ hạ mới nói đến niệm Phật?

Đáp: Phần trên đã chẳng nói công hạnh Niệm Phật là chung cho chín phẩm hay sao? Như phần trên đã dẫn Vãng Sinh Yếu Tập nói: “Tùy theo sự thắng, liệt mà phân làm chín phẩm.” Vả lại, hạ phẩm hạ sinh là kẻ phạm tội nặng ngũ nghịch, các công hạnh khác không thể trừ diệt tội nghịch, chỉ có công lực Niệm Phật mới có thể trừ diệt những tội nặng đó, do đó, vì kẻ cực ác thấp hèn nhất mà nói pháp cực thiện cao quý nhất, ví như căn bệnh vô minh sâu dày, nếu không có liều thuốc Trung đạo, thì không thể trừ diệt được. Hiện nay, căn bệnh ngũ nghịch sâu nặng này, nếu không có liều thuốc Niệm Phật linh ứng, thì làm sao trị liệu được? Bởi thế, ngài Hoằng Pháp Đại Sư trong Nhị Giáo Luận đã dẫn Lục Ba La Mật Kinh nói:

Pháp bảo thứ ba, nghĩa là chánh pháp mà vô lượng chư Phật đời quá khứ đã nói, cũng như ta hiện nay đang nói, tức là tám vạn bốn ngàn diệu pháp, dùng để điều phục, thuần thục các chúng sinh có duyên, làm cho các đệ tử lớn của ta, như A Nan Đà, v.v.., nghe qua một lần, đều có thể ghi nhớ, hành trì. Các pháp có thể phân làm năm tạng: (1) tố đát lãm (kinh), (2) tỳ nại da (luật), (3) a tỳ đạt ma (luận), (4) bát nhã ba la mật, (5) đà la ni môn. Năm tạng này giáo hóa hữu tình, tùy theo căn cơ mà giảng nói. Nếu như chúng sinh đó ưa ở núi rừng, thích sống nhàn nhã tĩnh mịch, tu tập thiền định, thì nên vì họ mà giảng nói tạng tố đát lãm. Nếu chúng sinh đó ưa thích tu tập uy nghi, hộ trì chánh pháp, tu pháp lục hòa, làm cho chánh pháp trụ thế dài lâu, thì nên vì họ giảng nói tạng tỳ nại da. Nếu chúng sinh đó ưa thích giảng nói chính pháp, phân biệt tính tướng, nghiên cứu truy tầm cứu cánh thâm sâu, thì nên vì họ giảng nói a tỳ đạt ma. Nếu chúng sinh đó ưa thích học tập trí tuệ chân thực của Đại thừa, xa lìa sự chấp trước phân biệt về ngã và pháp, thì nên vì họ giảng nói tạng bát nhã ba la mật. Nếu chúng sinh đó không thể thọ trì khế kinh, điều phục (luật), đối pháp (luận), bát nhã, hoặc có chúng sinh tạo các nghiệp ác, phạm bốn giới trọng, tám giới trọng, năm tội vô gián, phỉ báng Đại thừa, hoặc là nhất xiển đề, v.v.., nếu muốn tiêu diệt tất cả tội nặng, mau được giải thoát, đốn ngộ Niết bàn, thì nên vì họ mà giảng nói tạng đà la ni. Năm pháp tạng này, ví như nhũ (sữa), lạc, sinh tô, thục tô và diệu đề hồ. Khế kinh như nhũ, điều phục như lạc, đối pháp như sinh tô, Đại thừa Bát nhã như thục tô, còn tổng trì (đà la ni) môn như đề hồ. Trong các mùi vị của nhũ, lạc, v.v.., mùi vị của đề hồ là vi diệu đệ nhất, có thể trừ diệt bệnh tật, làm cho thân tâm của hữu tình được an lạc. Trong các loại như khế kinh, v.v.., tổng trì môn là đệ nhất, có thể trừ diệt tội nặng, làm cho chúng sinh được giải thoát khỏi sinh tử, mau chứng Niết bàn, an lạc pháp thân.”

Trong đây, năm tội vô gián tức là năm tội nghịch, nếu như không có thuốc thần diệu đề hồ, thì năm bệnh vô gián này khó mà trị liệu. Niệm Phật cũng như thế, trong các giáo pháp vãng sinh, Niệm Phật Tam Muội, cũng giống như tổng trì, và cũng giống như đề hồ. Nên biết, nếu không có thuốc đề hồ Niệm Phật Tam Muội, thì năm bệnh nặng vô gián, khó lòng mà trị liệu.

Hỏi: Nếu vậy, hạ phẩm thượng sinh là người phạm mười tội ác nhẹ, tại sao lại nói Niệm Phật?

Đáp: Niệm Phật Tam Muội còn trừ diệt tội nặng, huống là tội nhẹ! Các công hạnh khác không được như thế, hoặc là diệt được tội nhẹ mà không diệt được tội nặng, hoặc là trừ diệt một tội mà không thể trừ diệt hai tội, Niệm Phật không giống như vậy, trừ diệt tội nặng lẫn tội nhẹ, đối trị tất cả, ví như thuốc a già đà có thể trị lành tất cả bệnh, cho nên Niệm Phật Tam Muội là vua trong các tam muội. Chín phẩm hợp lại, chỉ có một nghĩa. Nếu như kẻ phạm ngũ nghịch hồi tâm, có thể vãng sinh bậc thượng thượng. Công hạnh đọc tụng Đại thừa vẫn có thể chỉ vãng sinh hạ phẩm hạ sinh. Tội thập ác bậc hạ, tội phạm giới bậc trung, mỗi việc đều có thể vãng sinh phẩm thượng lẫn phẩm hạ. Các công hạnh Hiểu đệ nhất nghĩa, phát Bồ đề tâm, cũng đều có thể vãng sinh thượng phẩm lẫn hạ phẩm. Mỗi pháp đều có chín phẩm, tính ra tổng cộng có tám mươi mốt phẩm, hơn nữa, ngài Ca Tài nói: “Chúng sinh tu tập công hạnh, có ngàn loại khác nhau, đến lúc vãng sinh thấy cõi Cực Lạc, thì cũng có vạn sự sai khác.” Hành giả không nên chấp trước vào mặt chữ!

Trong đây, Niệm Phật là công hạnh thù thắng, cho nên ví với hoa Phân Đà Lợi; hơn nữa, các ngài Quán Âm, Thế Chí theo bên bảo hộ như bóng theo hình, không tạm xa lìa, các công hạnh khác không được như vậy, lại nữa, hành giả Niệm Phật, sau khi mạng chung, quyết định vãng sinh Cực Lạc thế giới.
Tu các công hạnh khác thì không nhất định.

Người tu tịnh độ được năm điều vinh hạnh, lại được hai vị Đại Bồ tát thường theo bên hộ trì, đây là lợi ích hiện đời, lại được vãng sinh Tịnh Độ, cho đến lúc thành Phật, đây là lợi ích tương lai.

Lại nữa, ngài Đạo Xước đối với công hạnh Niệm Phật, cũng đã thiết lập hai sự lợi ích hiện đời và lợi ích rốt ráo. An Lạc Tập nói: “Chúng sinh niệm Phật, được Phật nhiếp thọ, thủ hộ không gián đoạn, khi mệnh chung được vãng sinh, đây gọi là lợi ích hiện đời. Còn lợi ích rốt ráo là như Quán Âm Thọ Ký Kinh nói: “ Phật A Di Đà trụ thế lâu dài, hằng sa vô lượng kiếp, cũng có lúc diệt độ, lúc nhập Niết bàn, chỉ còn hai ngài Quán Âm, Thế Chí trụ trì cõi An Lạc, tiếp dẫn mười phương chúng sinh. Sau khi Đức Phật A Di Đà diệt độ, hoàn cảnh cũng giống như khi ngài trụ thế, thế nhưng, tất cả chúng sinh ở cõi Cực Lạc không ai thấy ngài, chỉ riêng những người chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà vãng sinh, thường thấy Đức A Di Đà, hiện trụ tại thế, không hề diệt độ.” Đây tức là lợi ích rốt ráo.

Như vậy, Niệm Phật có những sự lợi ích hiện tại, vị lai, cùng lợi ích hiện đời và lợi ích rốt ráo.