Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Pháp Chánh dịch

 

9. Tứ Tu

Hành giả Niệm Phật, nên thực hành pháp tứ tu.

Vãng Sinh Lễ Tán của ngài Thiện Đạo nói:

Lại khuyên thực hành pháp tứ tu. Tứ tu là gì?

Một là cung kính tu, nghĩa là cung kính lễ bái Đức Phật A Di Đà và chư thánh ở cõi Cực Lạc, nên gọi là cung kính tu; thệ nguyện suốt đời tu tập, quyết không bỏ cuộc giữa chừng, tức là trường thời tu.

Hai là vô dư tu, nghĩa là chuyên tâm xưng danh hiệu Phật A Di Đà, chuyên tâm ức niệm, chuyên tâm quán tưởng, chuyên tâm lễ bái, chuyên tâm tán thán Đức Phật A Di Đà và chư thánh ở cõi Cực Lạc, không tu hạnh nào khác, nên gọi là vô dư tu; thệ nguyện suốt đời tu tập, quyết không bỏ cuộc giữa chừng, tức là trường thời tu.

Ba là vô gián tu, nghĩa là cung kính, lễ bái, xưng danh, tán thán, tưởng nghĩ, quán sát, hồi hướng, phát nguyện, niệm niệm tương tục, không để các hành nghiệp khác làm cho gián đoạn, cho nên gọi là vô gián tu; hơn nữa, không để các phiền não tham sân làm gián đoạn, nếu vi phạm lời Phật dạy, liền phải sám hối, không nên trì hoãn, dù là một niệm, một khoảng thời gian ngắn, hoặc một ngày, thường giữ cho thanh tịnh, đây cũng gọi là vô gián tu; thệ nguyện suốt đời tu tập, quyết không bỏ cuộc giữa chừng, tức là trường thời tu.

Tây Phương Yếu Quyết nói:

Chuyên tu pháp Tứ tu, dùng đây làm chánh niệm.

Một là trường thời tu: từ lúc sơ phát tâm, cho đến lúc thành Phật, thường tu tịnh nghiệp, quyết định không thoái chuyển.

Hai là cung kính tu, có năm phần:

a. Cung kính bậc thánh có duyên với mình, nghĩa là bất cứ lúc nào, dù đi đứng nằm ngồi, đều không nên quay lưng về hướng tây, còn những lúc khạc nhổ, thì lại không được quay mặt về hướng tây.

b. Cung kính tôn tượng, giáo pháp có duyên với mình, nghĩa là tạo lập thánh tượng của Đức A Di Đà và cõi Cực Lạc; nếu không thể tạo nhiều, chỉ cần tạo lập tượng của Đức A Di Đà và hai vị Bồ tát cũng được; giáo pháp tức là kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, v.v.., nên dùng túi ngũ sắc bọc lại, tự mình đọc tụng, đồng thời chỉ bảo người khác; đặt để kinh, tượng trong phòng ốc trang nghiêm, sáu thời lễ bái, sám hối, dùng hương hoa cúng dường, đặc biệt sanh lòng tôn trọng.

c. Cung kính thiện tri thức có duyên với mình, nghĩa là đối với những bậc tuyên giảng giáo pháp Tịnh Độ, trong vòng ngàn do tuần, cho đến mười do tuần trở lại, đều phải kính trọng, tìm đến gần gũi, cúng dàng; đối với những vị thuộc về giáo phái khác, cũng phải giữ lòng kính trọng; đối với người không đồng pháp tu với mình, cũng phải kính trọng sâu xa, nếu như sinh lòng khinh mạn, sẽ bị tội vô cùng, cho nên cần phải cung kính để diệt trừ chướng ngại cho sự tu hành.

d. Cung kính bạn đồng tu có duyên với mình, nghĩa là tự mình tội chướng sâu nặng, đạo nghiệp chưa thành, cần phải nhờ vào bạn đạo mới có thể tu tập, cứu giúp nhau trong những lúc nguy khốn, hoạn nạn, trợ lực cho nhau trong sự nghiệp tu hành, do đây đồng bạn thiện duyên, phải nên lo lắng, chăm sóc cho nhau.

e. Cung kính Tam bảo, đối với Đồng thể Tam bảo và Biệt tướng Tam bảo, đều phải thâm tâm kính trọng, ở đây không nói nhiều. Các hành giả trình độ nông cạn, chưa thể y vào đây (Đồng thể, Biệt tướng) mà tu tập được, hiện nay chỉ có Trụ trì Tam bảo là có thể làm đại nhân duyên cho những hành giả sơ cơ mà thôi. Ở đây xin nói sơ lược: Phật bảo, tức là những hình tượng tạc bằng gỗ chiên đàn, hoặc thêu trên gấm, trên lụa, hoặc dũa ngọc, đúc vàng, hoặc mài đá, hoặc vẽ trên lụa, hoặc nặn bằng đất, v.v.. Những hình tượng này phải nên đặc biệt tôn kính, cúng dường! Tạm thời quán tưởng hình tượng sẽ diệt tội chướng, tăng phước báo, còn nếu sinh lòng khinh mạn sẽ tăng ác nghiệp, mất thiện căn. Chỉ cần quán tưởng hình tượng, ắt thường được thấy Phật thật. Pháp bảo, tức là giáo pháp tông chỉ của ba Thừa, lưu xuất từ pháp giới, những điều được giảng giải có thể sinh khởi nhân duyên giải thoát, bởi thế phải nên kính ngưỡng, cầu mong trở thành cơ sở phát sinh trí tuệ. Kinh điển được sao chép, phải nên an trí trong phòng ốc sạch sẽ, dùng hộp rương cất chứa, tôn trọng kính tin. Lúc đem ra đọc tụng, thân thể, y phục đều phải sạch sẽ, khiết tịnh. Tăng bảo, tức là từ các bậc Thánh tăng, Bồ tát, nhẫn đến những kẻ phá giới phạm trai, đều phải dùng tâm bình đẳng tôn kính, không nên sinh lòng kiêu mạn.

Ba là vô gián tu, nghĩa là thường niệm Phật, nghĩ đến sự vãng sinh, trong tất cả mọi thời, tâm thường tưởng niệm, ví như có người bị kẻ khác cướp đoạt hết tài sản, trở thành người bần hàn hạ tiện, chịu nhiều gian khổ, bỗng nhiên nhớ đến cha mẹ, lòng muốn trở về quê hương, tuy chưa chuẩn bị hành lý, thân còn ở xứ người, nhưng ngày đêm tưởng nhớ, sầu não muôn phần, không lúc nào mà không tưởng nghĩ đến cha mẹ, sau đó, khi thực hiện được nguyện vọng, trở về cố hương, gần gũi cha mẹ, vô cùng khoái lạc. Người tu Tịnh Độ cũng thế, bị nhân duyên phiền não đời quá khứ, phá hoại động loạn thân tâm, tài sản phước trí trân bảo thảy đều mất hết, trôi lăn dài lâu trong sinh tử, không được tự do, thường làm nô bộc cho ma vương (phiền não), bị xô dạt vào sáu nẻo, thống khổ thân tâm, nay gặp được thiện duyên, hốt nhiên được nghe đến Đức Từ Phụ A Di Đà không quên bổn nguyện cứu độ chúng sinh, bèn ngày đêm bàng hoàng, phát tâm cầu sinh Cực Lạc; bởi thế phải nên tinh tiến cần mẫn, quên cả mệt nhọc, thường nghĩ đến ơn của Phật, nguyện báo ơn sâu, tâm thường nghĩ nhớ.

Bốn là vô dư tu, nghĩa là chuyên tâm cầu sinh Cực Lạc, lễ bái, tưởng niệm Đức A Di Đà, không tu các tạp hạnh khác, nếu như đã tu, cũng nên hoãn lại, còn việc niệm Phật, tụng kinh, thì không nên xao lãng.

Lời bàn: Hỏi: Chúng ta đã thấy qua đoạn văn của ngài Thiện Đạo về Tứ tu, thế nhưng, tựa đề tuy nói tứ tu, đoạn văn chỉ giải thích tam tu, đây là do đoạn văn thiếu sót, hay là có thâm ý khác?

Đáp: Đây không phải do đoạn văn thiếu sót, mà thực sự có thâm ý. Vì sao biết được? Tứ tu, tức là (a) trường thời tu, (b) ân trọng tu (cung kính tu), (c) vô dư tu, và (d) vô gián tu, nhưng ở đây dùng pháp tu đầu (trường thời) làm hạnh chung cho ba pháp tu kia, ví như pháp ân trọng (cung kính) tu, nếu thoái hạnh ân trọng, ắt không thể thành tựu, pháp vô dư tu, nếu thoái hạnh vô dư, ắt không thể thành tựu, pháp vô gián tu, nếu thoái hạnh vô gián, ắt không thể thành tựu; vì muốn thành tựu ba hạnh này, cho nên đem trường thời tu thêm vào ba pháp tu trên, làm pháp tu chung, cho nên phần dưới của ba pháp tu đều có đoạn “thệ nguyện suốt đời tu tập, quyết không bỏ cuộc giữa chừng, tức là trường thời tu”, giống như tinh tiến ba la mật là chung cho các ba la mật kia vậy!