Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Pháp Chánh dịch

 

3. Bổn Nguyện

Đức A Di Đà Như Lai không dùng các hạnh khác làm bổn nguyện vãng sinh, mà chỉ dùng Niệm Phật làm bổn nguyện vãng sinh!

Vô Lượng Thọ Kinh, quyển thượng nói: “

Giả sử tôi thành Phật, nếu như mười phương chúng sinh, hết lòng tin ưa, muốn sinh cõi nước tôi, nhẫn đến mười niệm mà không được vãng sinh, thì tôi sẽ không giữ ngôi Chánh Giác.

Quán Niệm Pháp Môn dẫn đoạn kinh trên như sau: “

Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sinh, nguyện sinh cõi nước tôi, xưng danh hiệu tôi, ít nhất là mười niệm, nhờ nguyện lực của tôi, nếu như không vãng sinh, tôi sẽ không giữ ngôi Chánh Giác.”

Vãng Sinh Lễ Tán cũng dẫn đoạn kinh trên như sau:

Nếu tôi thành Phật, mười phương chúng sinh, xưng danh hiệu tôi, ít nhất là mười niệm, nếu như không vãng sinh, tôi sẽ không giữ ngôi Chánh Giác.”

Đức Phật ấy, hiện nay đã thành Phật, ắt là lời thệ nguyện sâu nặng ấy, chân thực không hư dối; chúng sinh xưng niệm danh hiệu Ngài, ắt được vãng sinh.

Lời bàn: Mỗi Đức Phật đều có hai loại nguyện là nguyện chung và nguyện riêng. Nguyện chung là bốn hoằng thệ nguyện, còn nguyện riêng, chẳng hạn như Đức Thích Ca có năm trăm nguyện, Đức Dược Sư có mười hai nguyện, v.v… Hiện nay, bốn mươi tám nguyện, tức là nguyện riêng của Đức A Di Đà.

Hỏi: Đức A Di Đà Như Lai, vào thời nào, ở nơi Đức Phật nào, phát những nguyện riêng này?

Đáp: Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Đức Phật bảo ngài A Nan: ‘Trong đời quá khứ lâu xa vô lượng không thể nghĩ bàn kiếp về trước, có Đức Định Quang Như Lai, giáo hóa, độ thoát vô lượng chúng sinh, đều khiến cho đắc đạo, sau đó mới diệt độ. Kế đến, có Đức Quang Viễn Như Lai, nhẫn đến có Đức Xử Thế Như Lai, tổng cộng năm mươi ba vị, đều đã diệt độ. Sau đó, đến đời Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai, có một vị vua nghe Đức Phật thuyết pháp, lòng rất vui mừng, phát tâm A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, bỏ nước thoái ngôi, tu hạnh sa môn, hiệu là Pháp Tạng, tài cao, dũng mãnh, trí tuệ hơn đời, đến chỗ của Phật, v.v… Đức Phật Thế Tự Tại Vương bèn vì Pháp Tạng giảng rộng về sự thiện ác cõi trời người, cùng sự đẹp xấu của hai trăm mười ức cõi Phật, ứng theo tâm nguyện đều hiện cho thấy. Lúc ấy, Tỳ kheo Pháp Tạng, nghe lời Phật dạy, thấy rõ sự nghiêm tịnh của các cõi Phật, bèn phát nguyện thù thắng vô thượng, tâm ý tịch tĩnh, chí hướng quảng đại, tất cả thế gian không ai sánh kịp, trải qua năm kiếp, tư duy tu tập công hạnh trang nghiêm cõi Phật.’” Ngài A Nan bạch Phật: ‘Cõi Đức Phật Thế Tự Tại Vương, thọ mạng bao lâu?’” Phật nói: ‘Đức Phật ấy thọ bốn mươi hai kiếp. Khi đó Tỳ kheo Pháp Tạng tu tập công hạnh thanh tịnh của tất cả hai trăm mười ức cõi Phật.’”

Lại như, Đại A Di Đà Kinh nói: “

Đức Phật Thế Tự Tại Vương tuyển chọn sự thiện ác của cõi trời người, cùng sự đẹp xấu của hai trăm mười ức cõi Phật. Sau khi Đức Phật Phật nói pháp xong, ngài Pháp Tạng nhất tâm chuyên chú, liền đắc thiên nhãn, tự thấy rõ sự thiện ác của cõi trời người, cùng sự đẹp xấu của hai trăm mười ức cõi Phật, ngài bèn chọn lựa theo ý nguyện của mình, kết thành Hai mươi bốn lời nguyện.

Ở đây, tuyển chọn, nghĩa là trong hai trăm mười ức cõi Phật, bỏ cái ác, giữ cái thiện của cõi trời người. Ý nghĩa của sự tuyển chọn trong Đại A Di Đà Kinh như vậy, mà trong Vô Lượng Thọ Kinh cũng giống như vậy. Đây gọi là công hạnh thanh tịnh nhiếp thủ hai trăm mười ức cõi Phật vi diệu. Tuyển chọn và nhiếp thủ, tên gọi tuy khác, nhưng ý nghĩa giống nhau. Như vậy, xả hạnh không thanh tịnh, giữ hạnh thanh tịnh. Những ý nghĩa về sự thiện ác của cõi trời người, về sự đẹp xấu của cõi nước đã đề cập ở phần trên, cũng tương tự như vậy.

Bây giờ chúng ta sẽ thảo luận về sự tuyển chọn, thủ xả của từng lời nguyện trong bốn mươi tám nguyện.

Nguyện thứ nhất, không có ba đường ác: tức là hai trăm mười ức cõi Phật mà ngài Pháp Tạng đã nhìn thấy, hoặc có những cõi có ba đường ác, hoặc có những cõi không có ba đường ác, ngài bèn bỏ những cõi có ba đường ác, mà chọn những cõi không có ba đường ác, nên gọi là tuyển chọn.

Nguyện thứ hai, không còn đọa vào ba đường ác: trong những cõi Phật nêu trên, hoặc có cõi tuy không có ba đường ác, nhưng những hàng trời người ở cõi đó, sau khi mạng chung, tái sinh vào các ác đạo ở những cõi khác, hoặc có những cõi Phật, hàng trời, người không còn tái sinh vào ba đường ác, thì bỏ những cõi thô ác (còn tái sanh vào ba đường ác) mà chọn những cõi thiện diệu (không còn tái sanh vào ba đường ác), nên gọi là tuyển chọn.

Nguyện thứ ba, tất cả đều có thân kim sắc: hoặc có những cõi Phật, hàng trời người, có kẻ có thân hoàng kim, có kẻ có thân bạch kim, hoặc có những cõi Phật, hàng trời người đều có thân hoàng kim, thì bỏ những cõi Phật, hàng trời người có thân sắc khác nhau, mà chọn cõi Phật, hàng trời người có thuần thân hoàng kim sắc, nên gọi là tuyển chọn.

Nguyện thứ tư, không có sự đẹp xấu khác nhau: trong các cõi Phật nói trên, hoặc có cõi Phật hình sắc của hàng trời người đẹp xấu khác nhau, hoặc có cõi Phật hình sắc của hàng trời người không có sự đẹp xấu khác nhau, thì bỏ những cõi Phật, trong đó hàng trời người có sự đẹp xấu khác nhau, mà chọn lấy những cõi Phật, trong đó hàng trời người không có sự đẹp xấu khác nhau, nên gọi là tuyển chọn.

Nhẫn đến nguyện thứ mười tám, niệm Phật vãng sinh: trong các cõi Phật nói trên, hoặc có cõi Phật lấy bố thí làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy trì giới làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy nhẫn nhục làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy tinh tiến làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy thiền định làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy bát nhã làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy bồ đề tâm làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy lục niệm làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy tụng kinh làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy trì chú làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc lấy sự xây cất chùa tháp, cúng dường sa môn, hoặc lấy sự hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, v.v…, làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc có cõi Phật lấy sự chuyên tâm xưng niệm danh hiệu Đức Phật của cõi đó làm công hạnh chính cho sự vãng sinh. Như vậy, lấy một hạnh phối hợp một cõi Phật, đây là ý nghĩa một hạnh; lại nữa, nếu tiếp tục thảo luận về vấn đề này, ý nghĩa công hạnh của sự vãng sinh sẽ không nhất định, hoặc có một cõi Phật lấy nhiều công hạnh khác nhau làm công hạnh chính cho sự vãng sinh, hoặc có nhiều cõi Phật, dùng một công hạnh chung nào đó làm công hạnh chính cho sự vãng sinh về các cõi đó. Như vậy, công hạnh vãng sinh có nhiều loại khác nhau, không thể nói hết. Hiện nay, chúng ta lược bớt những công hạnh khác như bố thí, trì giới, nhẫn đến hiếu dưỡng cha mẹ, mà chỉ giữ lại công hạnh “chuyên xưng danh hiệu”, nên gọi là tuyển chọn.

Phần trên nêu ra năm nguyện để thảo luận sơ lược về ý nghĩa của sự tuyển chọn, còn những nguyện khác, ý nghĩa cũng tương tự như vậy.

Hỏi: Nói chung về các nguyện, bỏ sự thô ác, chọn sự thiện diệu, đây là lý đương nhiên. Vì sao trong nguyện thứ mười tám, bỏ tất cả các hạnh khác, chỉ giữ một hạnh “ niệm Phật” làm bổn nguyện vãng sinh?

Đáp: Ý Thánh khó dò, khó mà hiểu thấu, thế nhưng hiện nay dùng hai ý nghĩa để thử giải thích, một là “thắng, liệt”, hai là “khó, dễ”.

Trước tiên, “thắng, liệt.” Niệm Phật là thắng (hơn), các công hạnh khác là liệt (kém). Vì sao? Danh hiệu là chỗ quy tụ của muôn vạn công đức, ví như Đức Phật A Di Đà đầy đủ tất cả công đức bên trong, như bốn trí, ba thân, mười lực, bốn vô sở úy, v.v…, và đồng thời cũng đầy đủ các công đức bên ngoài, như tướng hảo, quang minh, thuyết pháp, lợi sanh, v.v…, tất cả công đức này được bao quát trong danh hiệu A Di Đà Phật, cho nên công đức của danh hiệu là thù thắng, còn các công hạnh khác thì không như thế, mỗi công hạnh chỉ có một phần công đức, cho nên gọi là hạ liệt (kém cỏi). Ví như trên thế gian, tên gọi nhà là chỉ chung cho tất cả vật dụng như xà nhà, cột nhà, kèo nhà, mái nhà, v.v…, còn những tên gọi: xà, cột, kèo, mái, v.v…, không thể chỉ chung cho tất cả những vật dụng trong nhà. Do vì công đức của danh hiệu Phật vượt hơn tất cả công đức khác, cho nên bỏ liệt lấy thắng, nghĩa là lấy chuyên xưng danh hiệu Phật làm bổn nguyện cho sự vãng sinh.

Kế đến, “khó, dễ.” Niệm Phật dễ tu tập, còn các công hạnh khác khó tu tập, bởi thế Vãng Sinh Lễ Tán nói:

Hỏi: Tại sao không dạy tu quán mà chỉ dạy chuyên xưng danh hiệu, đây là có ý gì?

Đáp: Đây là vì nghiệp chướng của chúng sinh quá sâu nặng, cảnh quán quá vi tế, mà tâm quán lại thô thiển, vọng tưởng phù động, cho nên tu quán khó thành. Bởi thế Đức Như Lai thương xót, chỉ khuyên chúng sinh chuyên xưng danh hiệu, chính vì xưng danh dễ dàng, cho nên niệm Phật tương tục, ắt được vãng sinh!”

Lại nữa, Vãng Sinh Yếu Tập nói: “

Hỏi: Tất cả nghiệp lành đều có lợi ích, đều được vãng sinh, vì sao chỉ khuyên xưng danh hiệu Phật?

Đáp: Hiện nay, khuyến khích Niệm Phật, không phải là bài xích các công hạnh khác, mà chỉ là pháp tu niệm Phật, bất luận nam, nữ, sang, hèn, bất luận lúc đi, đứng, nằm, ngồi, bất luận thời gian, nơi chốn, cảnh duyên, tu tập đều dễ dàng; nhẫn đến khi lâm chung, nguyện cầu vãng sinh, không có pháp tu nào tiện lợi hơn pháp Niệm Phật!

Nên biết, công hạnh Niệm Phật dễ dàng, cho nên ai cũng có thể tu tập, còn các công hạnh khác không dễ dàng, không chắc ai cũng tu tập được. Phải chăng Đức Phật A Di Đà muốn cho tất cả chúng sinh được bình đẳng vãng sinh, cho nên mới dùng bỏ khó lấy dễ làm bổn nguyện?

Nếu dùng đúc tượng lập chùa làm bổn nguyện, thì những người bần cùng khốn khổ ắt sẽ tuyệt phận, vả lại, người giàu thì ít mà kẻ nghèo lại rất nhiều.

Nếu dùng trí tuệ tài cao làm bổn nguyện, thì những người ngu độn, thiếu trí tuệ ắt sẽ tuyệt phận, vả lại, người trí thì ít mà kẻ ngu lại rất nhiều.

Nếu dùng học rộng nghe nhiều làm bổn nguyện, thì những người ít học ít nghe sẽ tuyệt phận, vả lại, người học rộng thì ít mà kẻ ít học lại rất nhiều.

Nếu dùng nghiêm trì giới luật làm bổn nguyện, thì những người phá giới hoặc không có giới sẽ tuyệt phận, vả lại, người trì giới thì ít mà kẻ phá giới lại rất nhiều.

Còn những công hạnh khác, chuẩn theo đây sẽ rõ. Nên biết, nếu dùng những công hạnh trên làm bổn nguyện, thì sẽ rất ít người được vãng sinh.

Thế nhưng, tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân của Đức A Di Đà) do lòng từ bi bình đẳng, vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh, quyết chắc sẽ không dùng các công hạnh như xây chùa lập tháp, v.v…, làm bổn nguyện, mà chỉ dùng một hạnh xưng danh niệm Phật làm công hạnh vãng sinh. Điều này, ngài Pháp Chiếu trong Ngũ Hội Pháp Sự Tán có nói:

Phật ấy, đời trước lập thệ lớn,
Nghe tên, tưởng nhớ, đều đến rước,
Không phân nghèo khó, hoặc giàu sang,
Không phân kẻ ngu, người trí tuệ,
Không phân học rộng, hoặc trì giới,
Không phân phá giới, tội chướng sâu,        
Chỉ cần hồi tâm, siêng niệm Phật,             
Có thể làm đá hóa ra vàng!  

Hỏi: Tất cả Bồ tát lập thệ nguyện, hoặc có người đã thành tựu, hoặc có người chưa thành tựu, không rõ bốn mươi tám nguyện của ngài Bồ tát Pháp Tạng đã thành tựu hay chưa?

Đáp: Mỗi nguyện của Bồ tát Pháp Tạng đều đã thành tựu. Vì sao? Cõi nước Cực Lạc không có ba đường ác, như vậy lời nguyện Cõi nước không có ba đường ác đã được thành tựu. Vì sao biết được? Bởi vì lời nguyện của Đức A Di Đà có nói: “Không có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.” Lại nữa, trời người ở cõi Cực Lạc, sau khi mạng chung, không còn đọa vào ba đường ác, như vậy lời nguyện Không còn đọa vào ba đường ác đã được thành tựu. Vì sao biết được? Bởi vì lời nguyện của Đức A Di Đà có nói: “Các Bồ tát ở cõi Cực Lạc, nhẫn đến lúc thành Phật, không còn bị đọa vào ba đường ác.” Lại nữa, trời người ở cõi Cực Lạc, không một ai không đầy đủ ba mươi hai tướng, như vậy lời nguyện Đầy đủ ba mươi hai tướng đã được thành tựu. Vì sao biết được? Bởi vì lời nguyện của Đức A Di Đà có nói: “Chúng sanh sanh về cõi ấy đều được đầy đủ ba mươi hai tướng.” Như vậy, từ lời nguyện đầu Không có ba đường ác, cho đến lời nguyện cuối Được ba pháp nhẫn, tất cả đều đã thành tựu, chẳng lẽ chỉ riêng lời nguyện thứ mười tám Niệm Phật vãng sinh lại không thành tựu hay sao? Bởi thế, người tu niệm Phật đều được vãng sinh. Vì sao biết được? Bởi vì, như lời nguyện Niệm Phật vãng sinh đã nói: “Nếu có chúng sinh nghe danh hiệu ta, tin tưởng vui mừng, nhẫn đến một niệm, chí tâm hồi hướng, nguyện sinh Cực Lạc, đều được vãng sinh, đắc bất thoái chuyển.” Bốn mươi tám nguyện trang nghiêm tịnh độ, ao sen lầu ngọc, không gì không phải là nguyện lực, tại sao lại chỉ riêng nghi ngờ lời nguyện Niệm Phật vãng sinh? Hơn nữa, mỗi cuối lời nguyện đều có thêm câu Nếu không được như vậy, thề sẽ không giữ ngôi chánh giác, thế nhưng, Đức A Di Đà thành Phật đã hơn mười kiếp. Nếu đã thành Phật, thì mỗi điều thệ nguyện ắt không phải là hư dối! Ngài Thiện Đạo nói: “Đức A Di Đà, hiện tại thành Phật, cho nên biết bổn nguyện của Ngài nhất định không hư dối, chúng sinh xưng niệm danh hiệu, ắt được vãng sinh.”

Hỏi: Kinh nói “mười niệm”, Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói “mười tiếng (Hán: thập thanh)”, ý nghĩa của niệm và tiếng khác nhau thế nào?

Đáp: Niệm và tiếng cùng một ý nghĩa. Tại sao biết được? Phần Hạ phẩm hạ sinh trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Âm thanh không dứt, đầy đủ mười niệm, xưng Nam mô A Di Đà Phật, do vì xưng danh hiệu Phật, trong mỗi niệm đều trừ diệt tám mươi ức kiếp nghiệp tội sinh tử.”” Y vào đoạn kinh này, tiếng tức là niệm, niệm tức là tiếng, ý nghĩa rõ ràng như thế! Hơn nữa, Đại Tập Nguyệt Tạng Kinh cũng nói: ”Niệm lớn thấy Phật lớn, niệm nhỏ thấy Phật nhỏ”, cho nên biết rằng niệm tức là xướng lên âm thanh.

Hỏi: Kinh nói “cho đến (Hán: nãi chí)”, Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận nói “ít nhất (Hán: hạ chí)”, ý nghĩa ra sao?

Đáp: Cho đến và ít nhất, ý nghĩa giống nhau. Kinh nói cho đến, là từ nhiều đến ít, nhiều là cho đến trọn đời, ít là ít nhất là mười niệm, còn Thích Tịnh Độ Quần Nghi nói ít nhất, là từ dưới lên trên, dưới là ít nhất là mười niệm, trên là cho đến trọn đời. Những trường hợp “trên dưới tương đối” không phải là ít, như lời nguyện Túc mạng thông nói: “Nếu tôi thành Phật, người trời trong nước, nếu như không có túc mạng thông, ít nhất, nếu không biết sự việc của trăm ngàn ức na do tha kiếp quá khứ, tôi nguyện không giữ ngôi Chánh giác”, tương tự, các lời nguyện Năm thần thông, cho đến những lời nguyện về quang minh, thọ mạng, đều có chữ ít nhất, tức là đều có nghĩa từ nhiều đến ít, từ dưới lên trên cả. Tương tự như tám lời nguyện vừa đề cập ở trên, nay trong lời nguyện thứ mười tám này, cho đến cũng tức là ít nhất, bởi thế, ngài Thiện Đạo giải thích chữ ít nhất, ý nghĩa không có sự trái nghịch. Thế nhưng, sự giải thích của ngài Thiện Đạo và các nhà chú giải khác có sự bất đồng. Các nhà chú giải gọi lời nguyện thứ mười tám là Nguyện mười niệm vãng sinh, chỉ có ngài Thiện Đạo gọi là Nguyện Niệm Phật vãng sinh. Các nhà chú giải gọi là Nguyện mười niệm vãng sinh, ý nghĩa không được châu toàn, bởi vì, trên thì bỏ đi điều kiện cho đến trọn đời, dưới thì bỏ đi điều kiện ít nhất là một niệm; còn như ngài Thiện Đạo gọi là Nguyện Niệm Phật vãng sinh, ý nghĩa này mới châu toàn, vì trên bao gồm cho đến trọn đời, dưới thì trọn cả ít nhất là một niệm.