Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Pháp Chánh dịch

 

12. Phó Chúc Niệm Phật

Đức Thế Tôn không phó chúc ngài A Nan các hạnh định thiện và tán thiện, mà chỉ riêng phó chúc công hạnh Niệm Phật.

Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói:

Đức Phật bảo ngài A Nan: “Ông nên khéo hộ trì kinh này, hộ trì kinh này tức là trì niệm danh hiệu Vô Lượng Thọ Phật.”

Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ nói:

Từ câu “Đức Phật bảo ngài A Nan: Ông nên khéo hộ trì …”, chính thức nêu rõ sự phó chúc “danh hiệu Phật A Di Đà”, khiến lưu truyền dài lâu đời sau. Từ trước đến nay, tuy nói sự lợi ích của hai môn định thiện và tán thiện, xét kỹ bổn nguyện của Phật là muốn chúng sinh một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà.

Lời bàn: Đoạn văn trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ có hai phần: (a) công hạnh định thiện và tán thiện, (b) công hạnh Niệm Phật. Trong phần định thiện tán thiện lại chia làm hai phần: (i) định thiện, (ii) tán thiện.

i. Định thiện: có mười ba phần: (1) quán mặt trời, (2) quán nước, (3) quán đất, (4) quán cây báu, (5) quán ao báu, (6) quán đền đài báu, (7) quán tòa sen, (8) quán tượng, (9) quán thân Phật A Di Đà, (10) quán thân Đức Quán Thế Âm, (11) quán thân Đức Đại Thế Chí, (12) quán vãng sinh tổng quát, (13) quán tạp tưởng. Những pháp quán này, Quán Vô Lượng Thọ Kinh đều có nói đầy đủ. Dù không tu các công hạnh nào khác, mười ba pháp quán này, tùy theo sức mình, tu một hoặc tu nhiều pháp quán, đều được vãng sinh. Ý chỉ này trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh đã nói rõ, không nên nghi ngờ lưỡng lự.

ii. Tán thiện: có hai phần: (1) ba phước, (2) chín phẩm.

1. Ba phước. Quán Vô Lượng Thọ Kinh nói: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu mười nghiệp lành; hai là thọ trì Tam quy, đầy đủ giới hạnh, không phạm uy nghi; ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn hành giả.””

Hiếu dưỡng cha mẹ, có hai trường hợp, một là hiếu dưỡng thế gian, hai là hiếu dưỡng xuất thế gian. Hiếu dưỡng thế gian, như trong Hiếu Kinh, v.v.. đã nói; hiếu dưỡng xuất thế gian, như trong luật tạng đã nói.

Phụng sự sư trưởng, cũng có hai trường hợp:
một là sư trưởng thế gian, hai là sư trưởng xuất thế gian. Sư trưởng thế gian là những bậc thầy dạy dỗ về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, v.v.., sư trưởng xuất thế gian là những bậc thầy dạy dỗ về hai môn Thánh Đạo và Tịnh Độ. Dù không tu tập những công hạnh khác, có thể dùng sự tu tập hiếu dưỡng, phụng sự sư trưởng làm nghiệp vãng sinh.

Từ tâm không giết hại, tu mười nghiệp lành: ở đây có hai nghĩa: (1) “Từ tâm không giết hại”, tức là tâm từ vô lượng trong tứ vô lượng tâm. Đây là nêu riêng một tâm để nói chung bốn tâm. Dù không tu tập những công hạnh khác, có thể dùng sự tu tập tứ vô lượng tâm làm nghiệp vãng sinh. (2) “Tu mười nghiệp lành”, tức là (i) không sát hại, (ii) không trộm cắp, (iii) không tà dâm, (iv) không nói dối, (v) không nói lời vô nghĩa, (vi) không nói lời ác, (vii) không nói lời đâm thọc, (viii) không tham lam, (ix) không sân hận, (x) không tà kiến. Ở đây, hợp hai câu “từ tâm không giết hại” và “tu mười nghiệp lành” làm một câu, điều này có nghĩa “từ tâm không giết hại” không phải là tâm từ trong tứ vô lượng tâm, mà chỉ là điều thiện “không giết hại” trong pháp thập thiện. Dù không tu các công hạnh khác, có thể dùng sự tu mười nghiệp lành làm nghiệp vãng sinh.

Thọ trì Tam Quy y: tức là quy y Phật, Pháp, Tăng. Ở đây cũng có hai phần: Tam quy y Đại thừa và Tam quy y Tiểu thừa.
Đầy đủ giới luật: đây cũng có hai phần: giới luật Đại thừa và giới luật Tiểu thừa.

Không phạm uy nghi: đây cũng có hai phần: (a) Đại thừa có tám vạn uy nghi, (b) Tiểu thừa có ba ngàn uy nghi.

Phát Bồ đề tâm: ở đây, chủ trương của các nhà chú giải không giống nhau, chẳng hạn như Thiên Thai Tông chủ trương có bốn loại Bồ đề tâm của bốn giáo, tức là tạng giáo, thông giáo, biệt giáo và viên giáo. Điều này được nói rõ trong Ma Ha Chỉ Quán. Chân Ngôn Tông thì chủ trương có ba loại Bồ đề tâm, tức là hạnh nguyện, thắng nghĩa và tam ma địa. Điều này được nói đầy đủ trong Bồ Đề Tâm Luận. Hoa Nghiêm Tông cũng nói đến Bồ đề tâm, như trong phần giải thích ý nghĩa Bồ đề tâm của tông phái họ, hoặc trong quyển Du Tâm An Lạc Đạo của ngài Nguyên Hiểu, v.v… Những tông khác như Tam Luận, Pháp Tướng cũng đều đề cập đến Bồ đề tâm, như trong các chú sớ của tông phái họ có nói rõ. Hơn nữa, ngài Thiện Đạo trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ cũng có giải thích. Phát Bồ đề tâm, tên tuy giống nhau, tùy sự giải thích của các tông phái mà có ý nghĩa không đồng. Thế nhưng, câu “phát Bồ đề tâm” có thể thấy khắp trong các kinh luận Hiển thừa và Mật thừa, ý khí bao la, nghĩa lý thâm thúy. Nguyện các vị hành giả, không nên chấp trước vào một khía cạnh mà bài xích tất cả. Thỉnh cầu các vị tu hạnh vãng sinh, hãy phát Bồ đề tâm theo tông phái của mình. Dù không tu tập các công hạnh khác, có thể dùng sự phát Bồ đề tâm làm nghiệp vãng sinh.

Tin sâu nhân quả: đây cũng có hai phần: một là nhân quả thế gian, hai là nhân quả xuất thế gian. Nhân quả thế gian, tức là nhân quả của sáu nẻo, như Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh có nói. Nhân quả xuất thế gian, tức là nhân quả của bốn quả Thánh, như các kinh Đại, Tiểu thừa có nói.

Về việc dùng hai pháp nhân quả này để thâu nhiếp các kinh điển, lập trường của các tông phái cũng không hoàn toàn tương đồng. Thiên Thai Tông cho rằng Hoa Nghiêm Kinh nói về hai loại nhân quả của Phật và Bồ tát, A Hàm Kinh nói về nhân quả của Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác), các kinh Phương Đẳng nói về nhân quả của bốn Thừa (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật), các kinh Bát Nhã nói về nhân quả của ba giáo (thông giáo, biệt giáo, viên giáo), Pháp Hoa Kinh nói về nhân quả của Phật, kinh Niết Bàn lại nói về nhân quả của bốn Thừa. Như vậy, câu “tin sâu nhân quả” phổ biến, bao trùm tất cả giáo pháp của Đức Phật! Các hành giả nguyện cầu vãng sinh, dù không tu tập một công hạnh nào khác, có thể dùng sự tin sâu nhân quả làm nghiệp vãng sinh.

Đọc tụng kinh điển Đại thừa: đây cũng chia làm hai phần: một là đọc tụng, hai là Đại thừa.
a. Đọc tụng, tức là trong năm loại pháp sư, liệt kê hai loại pháp sư: đọc kinh và phúng tụng, để hiển lộ ba loại pháp sư: thọ trì, v.v.. Nếu nói về mười loại pháp hành, thì ở đây liệt kê hai loại pháp hành: chuyển đọc và phúng tụng, để hiển lộ tám loại pháp hành: biên chép, cúng dường, v.v..

b. Đại thừa: là để phân biệt với Tiểu thừa. Ở đây không chỉ riêng một bộ kinh nào mà chỉ chung cho tất cả các kinh Đại thừa. Bổn ý Đức Phật là chỉ chung cho tất cả các kinh điển Đại thừa mà Ngài đã giảng nói, thế nhưng trong các kinh điển này, có những kinh điển đã được kết tập và cũng có những kinh điển chưa được kết tập. Trong các kinh điển đã được kết tập, hoặc có những kinh điển còn ẩn tàng ở Long cung chưa được lưu bố tại nhân gian, hoặc có những kinh điển còn lưu tại Ấn Độ chưa được truyền đến Trung Quốc. Hiện nay, chúng ta chỉ bàn đến các kinh điển đã được phiên dịch. Trong Trinh Nguyên Nhập Tạng Lục, bắt đầu từ bộ Đại Bát Nhã Kinh sáu trăm quyển, cho đến phần cuối là các bộ Pháp Thường Trụ Kinh, Hiển Mật Đại Thừa Kinh, tổng cộng sáu trăm ba mươi bảy bộ (hai ngàn tám trăm tám mươi ba quyển), tất cả đều được bao hàm trong câu “đọc tụng kinh điển Đại thừa.” Xin nguyện các hành giả Tịnh Độ, mỗi người tùy theo ý thích của mình, hoặc đọc tụng Pháp Hoa Kinh làm nghiệp vãng sinh, hoặc đọc tụng Hoa Nghiêm Kinh làm nghiệp vãng sinh, hoặc đọc tụng Giá Na Giáo Vương Kinh, cùng dùng các giáo pháp khác làm nghiệp vãng sinh, hoặc là dùng sự thuyết giảng, biên chép các kinh Bát Nhã, Phương Đẳng, nhẫn đến kinh Niết Bàn làm nghiệp vãng sinh. Đây là bổn ý của Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

Hỏi: Ý chỉ của Hiển thừa và Mật thừa khác nhau, làm sao Hiển giáo lại bao hàm Mật giáo?

Đáp: Đây không có nghĩa là Hiển giáo bao hàm Mật giáo, mà muốn nói rằng cả hai loại kinh điển Hiển, Mật đều được ghi chép trong Trinh Nguyên Nhập Tạng Lục, đều được thâu vào trong tạng kinh Đại thừa, cho nên được bao hàm trong câu “ đọc tụng kinh điển Đại thừa” .

Hỏi: Nếu vậy, các kinh trước Quán Vô Lượng Thọ Kinh làm sao có thể bao hàm Pháp Hoa Kinh?

Đáp: Ở đây, nói “bao hàm”, không bàn luận đến các ý nghĩa quyền, thực, thiên, viên, v.v.. Câu đọc tụng Đại thừa là chỉ chung cho các kinh điển Đại thừa trước và sau. “Trước”, nghĩa là các kinh điển Đại thừa có trước Quán Vô Lượng Thọ Kinh, “sau”, nghĩa là các kinh điển Đại thừa có sau Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Ở đây chỉ nói Đại thừa mà không chọn lựa quyền, thực, cho nên bao hàm tất cả các kinh điển Đại thừa, như Hoa Nghiêm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, v.v..
Khuyến tấn hành giả: nghĩa là khuyến tấn các công hạnh: định thiện, tán thiện và Niệm Phật Tam Muội, v.v..

2. Chín phẩm: khai triển ba phước của phần trên thành nghiệp của chín phẩm:

a. Thượng phẩm thượng sinh: “từ tâm không giết hại”, tức là câu thứ ba trong phần “phước thế gian” ở trên; kế đến, “đầy đủ giới hạnh”, tức là câu thứ hai “đầy đủ giới hạnh” trong phần phước trì giới ở trên; kế đến, “đọc tụng Đại thừa”, tức là câu thứ ba “đọc tụng Đại thừa” trong phần “phước hành trì” ở trên; kế đến “tu hành lục niệm”, tức là ý nghĩa của phần thứ ba trong phần “Ba phước” ở trên.

b. Thượng phẩm trung sinh: “khéo giải nghĩa thú, v.v..”, tức là ý nghĩa thứ hai (tin sâu nhơn quả) và thứ ba (đọc tụng kinh điển Đại thừa) trong phước thứ ba (phước hành trì) ở trên.

c. Thượng phẩm hạ sinh: “tin sâu nhân quả, phát đạo tâm, v.v..”, tức là ý nghĩa thứ nhất (phát Bồ đề tâm) và thứ hai (tin sâu nhơn quả) trong phước thứ ba ở trên.

d. Trung phẩm thượng sinh: “thọ trì ngũ giới,
v.v..”, tức là ý nghĩa của câu thứ hai (đầy đủ giới hạnh) trong phước thứ hai (phước trì giới) ở trên.
e. Trung phẩm trung sinh: “hoặc một ngày một đêm, trì bát quan trai giới, v.v..”, ý nghĩa giống như phước thứ hai (phước trì giới) ở trên.

f. Trung phẩm hạ sinh:“ ”hiếu dưỡng cha mẹ, tu hạnh nhân từ thế gian, v.v..”, tức là ý nghĩa của câu thứ nhất (hiếu dưỡng cha mẹ) và thứ hai (từ tâm không giết hại) trong phước thứ nhất (phước thế gian) ở trên.

g. Hạ phẩm thượng sinh: đây là người tội làm mười điều ác, lúc lâm chung nhờ một niệm mà được vãng sinh.

h. Hạ phẩm trung sinh: đây là người phạm tội phá giới, lúc lâm chung nghe công đức của y báo và chánh báo của cõi Phật mà được vãng sinh.

i. Hạ phẩm hạ sinh: đây là người phạm tội ngũ nghịch, lúc lâm chung nhờ mười niệm mà được vãng sinh. Ba hạng người này, lúc bình thời, chỉ biết tạo nghiệp ác, tuy không cầu sinh, nhưng lúc lâm chung gặp thiện tri thức, liền được vãng sinh. Nếu căn cứ ba phước trên, phước thứ ba có ý nghĩa Đại thừa.

Định thiện, tán thiện, đại khái như đoạn văn trên, tức là câu “Từ trước đến nay, tuy nói sự lợi ích của hai môn định thiện và tán thiện.”
Kế đến, “ Niệm Phật” , tức là “ chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà” , ý nghĩa Niệm Phật ở đây, là theo ý nghĩa thông thường. Thế nhưng, hiện nay nói “chánh thức nêu rõ sự phó chúc danh hiệu Phật A Di Đà, lưu truyền lâu xa về sau”, nghĩa là trong kinh này, tuy nói rộng về các hạnh định thiện tán thiện, nhưng không phó chúc ngài A Nan lưu truyền các công hạnh đó, mà chỉ phó chúc ngài A Nan lưu truyền Niệm Phật Tam Muội đến đời lâu xa về sau.

Hỏi: Tại sao không phó chúc lưu truyền các hạnh định thiện, tán thiện? Nếu y vào sự tạo nghiệp dày mỏng, thì trong ba phước, có dày có mỏng, nghiệp mỏng tức là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, còn nghiệp dày tức là đầy đủ giới hạnh, phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa. Phải nên xả bỏ nghiệp mỏng mà phó chúc nghiệp dày. Nếu y vào pháp quán sâu cạn, thì trong mười ba pháp quán có sâu có cạn, pháp quán cạn tức là quán mặt trời và quán nước, còn pháp quán sâu tức là từ pháp quán đất, cho đến pháp quán tạp tưởng, tổng cộng có mười một pháp. Phải nên xả bỏ pháp quán cạn mà phó chúc pháp quán sâu. Trong đây, pháp quán thứ chín, quán thân Đức A Di Đà tức là Quán Phật Tam Muội, cần phải xả bỏ mười hai pháp quán kia, mà phó chúc Quán Phật Tam Muội. Lại nữa, điều này giống như trong phần Huyền Nghĩa của Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ nói: “Kinh này, dùng Quán Phật Tam Muội làm tông, đồng thời, dùng Niệm Phật Tam Muội làm tông.” Nếu đã dùng hai hạnh làm tông cho một bộ kinh, tại sao lại phế bỏ Quán Phật Tam Muội mà phó chúc Niệm Phật Tam Muội?

Đáp: Đã nói “xét bổn nguyện của Phật, ý muốn chúng sinh, một lòng chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà”, các công hạnh định thiện tán thiện không phải bổn nguyện cho nên không phó chúc. Quán Phật Tam Muội, tuy là công hạnh thù thắng, nhưng vẫn không phải là bổn nguyện của Phật, cho nên không phó chúc, còn Niệm Phật Tam Muội là bổn nguyện của Phật, cho nên phó chúc. Nói “xét bổn nguyện của Phật”, là chỉ cho nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện trong Vô Lượng Thọ Kinh, còn nói “một lòng chuyên xưng danh hiệu”, là chỉ cho câu “một lòng chuyên niệm” trong phần ba hạng người vãng sinh của Vô Lượng Thọ Kinh. Ý nghĩa của bổn nguyện, phần trên đã nói rõ.

Hỏi: Nếu vậy, tại sao không nói trực tiếp công hạnh bổn nguyện (Niệm Phật), mà lại nói vòng vo các công hạnh không phải bổn nguyện (như định thiện, tán thiện, v.v…)?

Đáp: Vô Lượng Thọ Kinh đã nói rõ về công hạnh bổn nguyện Niệm Phật, ở đây không cần lập lại. Vả lại, nói về định thiện, tán thiện, là muốn nêu rõ công hạnh Niệm Phật vượt hơn các công hạnh khác. Nếu như không nói về định thiện, tán thiện, thì làm sao nêu rõ Niệm Phật là đặc biệt ưu việt.
Chẳng hạn như trong Pháp Hoa Kinh, ngài Xá Lợi Phất ba lần khải thỉnh, nếu không có ba lần khải thỉnh này, làm sao hiển bày Pháp Hoa Kinh là đệ nhất. Bởi thế, hiện nay nêu ra các công hạnh định thiện, tán thiện, là để phế bỏ chúng, còn nêu ra Niệm Phật Tam Muội là để xác lập công hạnh này. Thế nhưng, các công hạnh định thiện, tán thiện, khó mà trắc lượng, chẳng hạn các công hạnh định thiện, như các pháp quán y báo, chánh báo, nếu như thành tựu, thệ nguyện vãng sinh dễ dàng như trở bàn tay. Hoặc là do uy lực của một pháp quán mà có thể tiêu trừ tội khiên nhiều kiếp, hoặc là do công đức của sự nhớ tưởng đến Phật mà chứng được Quán Phật Tam Muội. Như vậy, người tu Tịnh Độ, phải nên tu hành định quán, mà ở đây pháp quán thứ chín, quán chân thân của Phật, chính là pháp tu Quán Phật Tam Muội. Nếu công hạnh này thành tựu, hành giả sẽ thấy được chân thân của Đức A Di Đà. Thấy được Đức A Di Đà, thì sẽ thấy được chư Phật, và được chư Phật hiện tiền thọ ký, đây là sự lợi ích thâm sâu nhất của sự tu quán. Thế nhưng hiện nay đến phần lưu thông của Quán Vô Lượng Thọ Kinh, khi Đức Phật phó chúc ngài A Nan pháp tu trọng yếu để vãng sinh, Ngài không đem pháp Quán Phật, mà lại đem pháp Niệm Phật phó chúc. Ngay cả pháp Quán Phật Tam Muội còn không được phó chúc, huống là các pháp quán mặt trời, quán nước, v.v..! Như vậy, cả mười pháp định quán đều không được phó chúc. Nếu như có người ưa tu pháp Quán Phật, mà không tu Niệm Phật, đây không những đi ngược bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà, mà còn đi ngược với lời dặn dò của Đức Phật Thích Ca. Hành giả hãy nên tự thẩm xét.

Kế đến, trong phần tán thiện, có công hạnh “trì giới” Đại thừa, Tiểu thừa. Người đời đều cho rằng người trì giới là người nắm chìa khóa cho sự vãng sinh, còn kẻ phá giới thì không được vãng sinh.

Lại có công hạnh “phát Bồ đề tâm.” Mọi người đều cho rằng Bồ đề tâm là cương yếu của Tịnh Độ, nếu không có Bồ đề tâm thì không thể vãng sinh.

Lại có công hạnh “giải đệ nhất nghĩa.” Đây là lý quán. Mọi người đều cho rằng lý là căn nguyên của quả Phật, không thể bỏ “lý” mà mong cầu cõi Tịnh Độ, nếu không có lý quán thì không thể vãng sinh.

Lại có công hạnh “đọc tụng Đại thừa.” Mọi người đều cho rằng đọc tụng kinh điển Đại thừa ắt sẽ được vãng sinh, nếu không đọc tụng thì không được vãng sinh. Ở đây có hai trường hợp: (1) trì kinh, (2) trì chú. Trì kinh tức là thọ trì các kinh điển Đại thừa, như Bát Nhã, Pháp Hoa, v.v.., còn trì chú tức là thọ trì các thần chú như Tùy Cầu, Tôn Thắng, Quang Minh, A Di Đà, v.v..

Tuy mọi người đều ưa thích mười một loại công hạnh tán thiện, thế nhưng họ đều đặc biệt ưa thích hành trì bốn loại công hạnh vừa đề cập phía trên, và thường đem bốn loại công hạnh đó để chèn ép công hạnh Niệm Phật. Kính thỉnh hành giả thẩm xét, sẽ thấy bổn ý kinh này không phải là phó chúc các công hạnh khác, mà chỉ phó chúc công hạnh Niệm Phật lưu truyền đời sau. Chúng ta phải nên hiểu như vậy. Đức Thế Tôn sở dĩ không phó chúc các công hạnh khác, bởi vì chúng không phải là bổn nguyện của Đức A Di Đà, và Ngài sở dĩ phó chúc công hạnh Niệm Phật, vì đây là bổn nguyện của Đức A Di Đà. Hiện nay, Thiện Đạo Hòa Thượng bỏ các công hạnh khác mà quay về Niệm Phật, bởi vì đây không những là công hạnh bổn nguyện của Đức A Di Đà, mà còn là công hạnh mà Đức Thích Ca phó chúc. Nên biết, các công hạnh khác không thích ứng căn cơ, thời tiết, còn công hạnh Niệm Phật vãng sinh thì lại thích ứng căn cơ, thời tiết. Sự cảm ứng giữa Phật và chúng sinh lẽ nào lại để cho luống uổng!

Nên biết, lúc đầu Đức Phật tùy thuận căn cơ chúng sinh, tuy tạm thời mở ra những pháp môn định thiện tán thiện, thế nhưng, sau đó Ngài lại tùy thuận bổn hoài của mình, bèn đóng những pháp môn đó lại. Chỉ có một pháp môn duy nhất được mở ra mà không bao giờ bị đóng lại, đó là pháp môn Niệm Phật. Bổn nguyện của Đức A Di Đà, sự phó chúc của Đức Thích Ca, bổn ý là tại chỗ này. Hành giả phải nên biết như vậy!

Lại nữa, câu “đời lâu xa về sau”, căn cứ bổn ý kinh Vô Lượng Thọ, là muốn chỉ thời kỳ một trăm năm sau thời mạt pháp, đây là nêu cái xa để bao quát cái gần. Như vậy, sau thời mạt pháp còn được phó chúc, huống là thời mạt pháp! Thời mạt pháp còn vậy, huống là thời chánh pháp và tượng pháp. Nên biết, pháp Niệm Phật vãng sinh là chung cho cả ba thời (chánh, tượng và mạt pháp) và cả thời kỳ một trăm năm sau khi kinh đạo diệt tận!