SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

2. Cảm ơn Bồ-tát ung thư

Bệnh khổ là nghịch tăng thượng duyên để trợ giúp đạo tâm tăng trưởng, bệnh nặng lại có thể là nhân duyên ngộ đạo. Bởi vì, sau khi bản thân trải qua bệnh tật hành hạ thì chúng ta mới hiểu được tinh thần Bồ-tát cứu khổ, cứu nạn.

Ở Pháp Cổ Sơn có vị tín nữ, trong bao tử cô phát ra một khối u ác tính; sau đó, nó lan rộng đến một phần chân, một phần tay và đến toàn thân, nhưng sau khi chịu đau đớn hành hạ thì tâm cô mở rộng. Cô đến nói với tôi rất lạc quan: “Thưa Thầy! Nếu con không mắc căn bệnh này, làm cho con chịu nhiều đau đớn thì con vẫn không biết cơn đau đớn dữ dội như thế mà người ta vẫn phải chịu đựng. Hiện nay, con chẳng còn lo sợ điều gì mà con không chịu được.”

Cô hài hước gọi tế bào ung thư trong mình là ‘Bồ-tát ung thư.’ Cô nói: “Thưa Thầy! Con phải cảm ơn những Bồ-tát ung thư này, chúng nó là chuyên môn để giúp con thành tựu.”

Cổ đức nói: “Tỉ-khưu thường mang ba căn bệnh là nhân duyên trợ đạo.” Người tu hành thấy bệnh khổ là nghịch tăng thượng duyên để trợ giúp đạo tâm tăng trưởng, bệnh nặng lại có thể là nhân duyên ngộ đạo. Bởi vì, sau khi bản thân trải qua bệnh tật hành hạ thì mới hiểu được tinh thần Bồ-tát cứu khổ, cứu nạn. Người đang bệnh, nên quán chiếu thân này mỏng manh vô thường, chấp nhận bệnh tật hành hạ. Người bệnh chỉ dùng tâm bình thản để đối diện nhân duyên, quả báo.

Phần đông, người bình thường đều sợ bệnh, họ tìm đủ mọi cách để trốn tránh nó. Nhưng nhìn theo quan điểm của Phật giáo, khi người bệnh nặng các bác sĩ không chữa được, thuốc thang vô hiệu thì họ hoảng loạn, sợ hãi, chỉ có khổ càng thêm khổ, chẳng giúp được gì. Chi bằng bệnh nhân thanh thản đối diện nó, bằng lòng chấp nhận nó; một khi đối diện nó thì liền buông xả. Điều này giống như trong tay chúng ta cầm củ khoai lang nóng, muốn bỏ xuống mà bỏ không đành, vậy làm thế nào? Đành phải cắn răng tìm cách giữ lại nó; sau khi cầm nó mãi, tay bạn sẽ quen dần, cũng không còn cảm thấy khoai lang nóng nữa, cho nên bỏ xuống hay không bỏ cũng không sao cả.

Bình thường, bị bệnh ung thư chừng một năm là rất đau đớn, khi chữa bằng chạy xạ trị cũng đau đớn không chịu đựng nổi. Nhưng tôi cũng gặp rất nhiều tình cảnh giống cô cư sĩ này, họ dũng cảm tích cực đối diện bệnh ung thư. Trong lúc bệnh tật, là cơ hội họ học cách thản nhiên chấp nhận bệnh tật hành hạ; cũng là cơ hội học nắm vững thân mạng hữu hạn mà tích cực làm việc phục vụ và cống hiến cho xã hội, mãi đến hơi thở cuối cùng mới nghỉ. Họ nói với tôi: “Thưa Thầy! Con chịu đau đớn đến phút cuối cùng, chỉ cần trong tâm không oán, không giận, đau chỉ là đau mà thôi.” Không khổ, khổ và không khổ hoàn toàn là do ảnh hưởng tâm lí. Chúng ta hiểu được điều này thì cũng hiểu được thế nào là tinh thần Bồ-tát. Cho nên nói: “Bệnh khổ là trợ duyên ngộ đạo” chẳng sai tí nào.