SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

3. Đời người lang thang

Quá trình nhân sinh là sự thật lang thang; nếu như chúng ta trực tiếp đón nhận nó, thì không còn cảm thấy sợ hãi có sống còn.

Con người từ khi sinh ra đến nay, khi bắt đầu đi học, làm việc, kết hôn; suốt trong thời gian đó chẳng phải là đang lang thang sao? Đặc biệt là xã hội ngày nay, tính không cố định mạnh mẽ như thế, mọi người đều đang lang thang. Cho nên lang thang là bản chất của con người, chẳng có gì để lo lắng, sợ hãi.

Từ khi xuất gia đến nay, tôi cứ mãi lang thang, từ Lang Sơn, Bắc Ngạn, Trường An cho đến Thượng Hải; lại lang thang đến Đài Loan. Trước đây, khi tôi sống ở nước ngoài, thời gian khoảng nửa năm, cuộc sống của kẻ lang thang ở không cố định, vai mang túi xách đi khắp nơi ngủ nhờ; nếu ngủ nhờ không được thì ngủ ngoài đường phố. Nhưng cuộc sống như thế là lang thang chủ động, tôi có mục tiêu và phương hướng rất rõ ràng. Bản thân sống rất đầy đủ, không cho lang thang là khổ.

Xưa kia, Khổng Tử đi chu du các nước, nhưng luôn lo lắng, bận bịu, ngồi chưa ấm chỗ liền đi, chẳng phải là lang thang sao? Người làm nghề kinh doanh đi khắp mọi nơi, cũng là lang thang khắp chốn. Người xuất gia là ra khỏi nhà, sống không có nhà, lại lấy lang thang làm cuộc sống.

Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni rời khỏi hoàng cung, bắt đầu trải qua cuộc sống lang thang; Ngài thường xuyên không có chỗ ở cố định, không có việc làm cố định, cũng không có đối tượng phục vụ cố định, nhưng lại hết lòng phục vụ cho mọi người. Như thế là không phải cho riêng mình, vì tinh thần của người lang thang không cất giữ tiền cải riêng.

Nhưng hiện nay có rất nhiều đi lang thang vì bị hoàn cảnh bức bách, tìm việc làm không được, không có chỗ ở, chính mình cảm thấy không có tương lai, đành phải lang bạt khắp nơi, sống cho qua ngày; thậm chí, có người vướng vào ma túy, nghiện rượu. Thực ra, con người sống ở đời có rất nhiều việc thay đổi bất ngờ. Nếu thật gặp hoàn cảnh gian truân, trở thành kẻ lưu lạc, cũng không phải là lâm vào bước đường cùng.

Lúc tôi ở Mỹ, có một vị đệ tử tại gia là kẻ lưu lạc. Anh ta lấy bốn phương làm nhà; ăn, ngủ, ở khắp mọi nơi; cuộc sống không nhà, không lo âu, trời cao biển rộng, đời sống rất phong phú, đó là nhà triết học đường phố. Chủ yếu là vì anh ta có phương hướng rõ ràng. Anh kể: nhu cầu cuộc sống của anh rất thấp. Lúc bị bệnh, anh vào bệnh viện để khám bệnh, đành phải nói thật với bác sĩ là anh không có bảo hiểm, nên bệnh viện không nỡ bỏ lơ. Nếu như cuộc sống hàng ngày cần tiền thì anh dựa vào sức khỏe làm việc, cũng có thể kiếm được tiền. Thời gian còn lại, phần nhiều, anh đi hoằng pháp khắp nơi.

Nhưng người bình thường vẫn cần có gia đình, việc làm và cuộc sống như thường. Vì thế, tôi cũng không khích lệ mọi người đều làm kẻ lang thang. Chỉ là xã hội đa dạng, nên có rất nhiều được học hành rất tốt, năng lực cũng rất khá, nhưng làm việc lại không gặp thuận lợi. Đặc biệt kinh tế hiện nay đang suy thoái, người trung niên thất nghiệp dường như càng ngày càng đông, mọi người lờ mờ cảm thấy bất an.

Kì thực, nhân sinh vô thường, xưa nay không có vật gì là tồn tại vĩnh viễn. Tự mình không thể giữ được khi sự việc xảy ra, nhưng có thể dùng thái độ tích cực để đối diện nó, cảm thấy bất an thì buông xả hoàn toàn, và nói với mình, quá trình nhân sinh là sự thật lang thang. Nếu như chúng ta trực tiếp đón nhận nó, thì không còn cảm thấy sợ hãi có sống còn.