TỲ NẠI DA
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

PHÁP TĂNG TÀN

Phần thứ ba: Nói về giới phá Tăng

Đức Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Điều-đạt nhận sự cúng dường y áo, thức ăn, giường nằm, thuốc chữa bệnh, được thái-tử A-xà-thế quý trọng, tùy thời cung cấp, mỗi ngày cung cấp năm trăm vạc cơm, sai năm trăm cỗ xe nối nhau chở đồ đạc đến chỗ Điều-đạt suốt ngày.

Lúc đầu có một trăm người đi theo Điều-đạt, dần dần lên đến hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm người làm mê hoặc nhà vua. Vì muốn phá hoại, gây rối loạn chúng Tăng, dụ dỗ các Tỳ-kheo, khi ngồi ăn, Điều-đạt cho họ y bát, ống khóa, ống đựng kim, giày da, bát sắt loại lớn, nhỏ và mười vật khác.

Điều-đạt bảo các Tỳ-kheo:

– Phật là Thích chủng Cù-Đàm. Ta cũng là Thích chủng Cù-Đàm. Dòng tộc của mẹ Phật hoàn hảo, dòng tộc của mẹ ta cũng hoàn hảo. Phật sanh trong nhà họ Thích, ta cũng sanh trong nhà họ Thích. Dòng họ của Phật với ta không khác.

Bấy giờ, trong nước đói kém, khất thực khó được, nhiều Tỳ-kheo đắp y mang bát vào thành La-duyệt-kỳ khất thực. Khi khất thực, họ nghe tin Điều-đạt muốn phá hoại, gây rối loạn chúng Tăng, dụ dỗ các Tỳ-kheo bằng cách cho họ y, bát, khóa cửa, ống đựng kim, giày da, bát loại lớn, bát loại nhỏ và mười vật khác. Vì tham y áo và các thứ ấy, các đệ tử của Điều-đạt liền đi theo trợ giúp cho ông ta.

Sau khi khất thực xong, các Tỳ-kheo ra khỏi thành La-duyệt, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, bạch Thế Tôn:

– Vừa rồi, khi vào thành khất thực, chúng con nghe nói Điều-đạt muốn phá hoại, gây rối loạn chúng Tăng. Các Tỳ-kheo tham y bát, ổ khóa, ống đựng kim, giày da, bát loại lớn, bát loại nhỏ và mười vật khác nên đi theo ông ta.

Đức Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo các ông không được nhận sự cúng dường của Điều-đạt. Vì sao? – Vì các Tỳ-kheo thà tự uống thuốc độc mà chết, chứ không nên nhận sự cúng dường của Điều-đạt. Điều-đạt đã tự uống thuốc độc, lại đưa cho người khác uống.

Này các Tỳ-kheo! Giống như có người dùng gậy đập gãy mũi con chó dữ, con chó dữ đó có bớt dữ không?

– Vẫn còn hung dữ, thưa Thế Tôn!

– Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Kẻ dữ ấy sẽ chịu khổ vô cùng trong thời gian rất dài. Ta cũng biết Điều-đạt sẽ chính thức phá hoại chúng Tăng và phá hoại sự hòa hợp Tăng vào lúc thọ thực.

Thường pháp của chư Phật là sự hòa hợp Tăng bị phá hỏng vào buổi sáng thì đến chiều sẽ hòa hợp lại.

Trong thời gian ấy, không được hành đạo, không được truyền giới Tỳ-kheo, không được thuyết giới Tỳ-kheo, không được thuyết giới Tỳkheo ni, không được thuyết giới Thức-xoa-ma-ni, không được truyền giới Sa-di, không được truyền giới Sa-di ni, không được thực hành tám quan trai, không được truyền giới Ưu-bà-tắc, không được truyền giới Ưu-bà-di, không ai đắc đạo quả, không ai phát tâm quy y Tam bảo. Lúc ấy, trời đất tối tăm, trời người mù mịt. Đến chiều tối, trong pháp của Như Lai, Tăng sẽ được hòa hợp lại, nếu không hòa hợp, trời đất sẽ nghiêng ngửa.

Nghe tin Điều-đạt phá hoại hòa hợp Tăng, hai Tôn giả Xá-lợiphất và Mục-kiền-liên liền đến gặp đức Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, bạch Đức Thế Tôn:

– Điều-đạt đã phá hòa hợp Tăng, chúng con muốn đến chỗ Điềuđạt để làm Tăng hòa hợp trở lại.

Đức Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên:

– Hãy đi mau đi, đúng thời.

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên liền đứng dậy, đảnh lễ sát đất, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đến chỗ Điều-đạt.

Trông thấy Điều-đạt đang ngồi trên tòa cao thuyết pháp giống như Như Lai, có các Tỳ-kheo xung quanh, bên phải có Khiên-đà, Đàbà; bên trái có Ca-lưu-la, Đề-thi (bốn người này là đệ tử thân cận của Điều-đạt). Hải Nghĩa cầm phất trần đứng phía sau Điều-đạt.

Thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đến, Điều-đạt hết sức vui mừng, không thể tự kìêm chế, suy nghĩ: “Đệ tử đứng đầu của Sa-môn Cù-đàm đang đến chỗ ta”.

Như Đức Thế Tôn thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thì nói:

“Thiện lai Tỳ-kheo!”, Điều-đạt cũng nói:

– Thiện lai Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên!

Ông ta bảo Khiên-đà đứng dậy và mời Xá-lợi-phất ngồi thế vào bên phải, bảo Ca-lưu-đà đứng dậy và mời Mục-kiền-liên ngồi thế vào ở bên trái.

Như Đức Thế Tôn bảo: “Tôn giả Xá-lợi-phất hãy nói pháp cho các Tỳ-kheo, Ta bị đau lưng, muốn nghỉ ngơi chốc lát.”, Điều-đạt cũng bảo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên:

– Hãy nói pháp cho các Tỳ-kheo. Ta đang đau lưng, muốn nghỉ ngơi chốc lát.

Như Đức Thế Tôn xếp y thượng thành bốn lớp trải trên giường, nằm nghiêng về hông phải, gối đầu lên Tăng-già-lê, chân duỗi thẳng giống như sư tử, chú tâm niệm ánh sáng cho đến sáng, Điều-đạt cũng bắt chước như vậy.

Lúc Điều-đạt ngủ, vị trời Thủ-đà-hội hiện đến đè lên thân, làm cho Điều-đạt rất muốn dậy, nhưng cố hết sức vẫn không dậy được, hơi thở hào hển, nói mớ nói sảng, vung tay múa chân, quơ quào bốn phía, làm đủ các động tác vẫn không thể dậy được.

Khi ấy, tôn giả Xá-lợi-phất khen ngợi Phật pháp và chúng Tăng. Mục-kiền-liên thì biến hóa đủ cách như: biến mất ở phía Đông, xuất hiện ở phía Tây; biến mất ở phía Nam, xuất hiện ở phía Bắc; ngồi, nằm trên hư không, hoặc ngồi thiền định, ở trong thiền định phóng ra các loại ánh sáng hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc đen, hoặc màu lưu ly; dưới thân phát ra lửa, trên thân phun ra nước; trên thân phát ra lửa, dưới thân phun ra nước, biến hóa đủ cách ở các phương Tây, Nam, trên, dưới, không bị ngăn ngại, lại phóng ánh sáng chiếu khắp mọi nơi.

Thấy Mục-kiền-liên hiện các biến hóa, năm trăm Tỳ-kheo đều cùng nhau nói:

– Phải chăng chúng ta bị rơi vào tà kiến nên đã bỏ Như Lai nương theo Điều-đạt?”.

Họ lại nghĩ: “Việc ấy hiển nhiên rồi, không còn gì nghi ngờ nữa.”.

Sau khi nghe tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên thuyết pháp xong, họ liền được tâm khai ý mở, phát sanh lòng từ, hướng về Như Lai sám hối việc làm trước đây.

Lúc đó, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên và năm trăm Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn. Ở chỗ Điều-đạt không còn một ai, chỉ còn có Điều-đạt và bốn đệ tử Tỳ-kheo. Khiên-trà, Đà-bà dùng chân trái đạp Điều-đạt để đánh thức dậy và nói:

– Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn năm trăm người đi hết rồi.

Điều-đạt tỉnh dậy, thấy trên tòa trống rỗng, không còn một người, liền ngã lăn từ trên tòa xuống đất. Đệ tử lấy nước vẩy lên mặt rồi dìu cho ngồi lên ghế trở lại.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn rời tịnh thất, ra giảng đường bên ngoài, trải tọa cụ trên sàn và ngồi kiết-già. Trông thấy Như Lai đang ngồi kiết-già nơi giảng đường, năm trăm Tỳ-kheo trong lòng hổ thẹn, bên ngoài thì ngượng ngùng, liền tiến đến chỗ Như Lai. Như Lai cũng thấy năm trăm Tỳ-kheo đến nên quay lại nói với Tôn giả A-Nan:

– Nếu ta không nói thì miệng họ sẽ trào máu nóng.

Do tâm đại bi muốn cứu độ những người ấy, Như Lai liền nói:

– Thiện lai Tỳ-kheo! Như Lai rất khó được gặp, nhiều đời mới có. Tuy đã xuất hiện ở đời, nhưng nghe pháp của Như lai cũng rất khó, muốn cầu diệt độ thì càng khó hơn. Muốn vào Niết-bàn phải thực hành pháp này:

Do Si (vô minh), Hành sanh.
Do Hành, Thức sanh.
Do Thức, Danh Sắc sanh.
Do Danh sắc, Lục nhập sanh.
Do Lục nhập, Xúc sanh.
Do Xúc, Thọ sanh.
Do Thọ, Ái sanh.
Do Ái, Thủ sanh.
Do Thủ, Hữu sanh.
Do Hữu, Sanh sanh.
Do Sanh, Già, Bịnh,
Chết phát sanh.
Do Già, Bịnh, Chết,
Sầu Bi – Khổ não sanh.
Như vậy liền thành nỗi khổ năm Ấm.
Si diệt thì Hành diệt.
Hành diệt thì Thức diệt.
Thức diệt thì Danh sắc diệt.
Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt.
Lục nhập diệt thì Xúc diệt.
Xúc diệt thì Thọ diệt.
Thọ diệt thì Ái diệt.
Ái diệt thì Thủ diệt.
Thủ diệt thì Hữu diệt.
Hữu diệt thì Sanh diệt.
Sanh diệt thì Già, Bịnh, Chết diệt.

Già, bệnh, chết diệt thì Sầu Bi, Khổ não và nỗi khổ năm Ấm cũng không còn.

Khi Phật giảng nói pháp mười hai nhân duyên xong, năm trăm Tỳ-kheo đều đắc đạo A-la-hán, tám triệu thiên nữ được pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc này, vì muốn đầy đủ mười công đức, Đức Thế Tôn liền kết giới cho Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào gây rối, phá hoại sự hòa hợp Tăng, phạm Tănggià-bà-thi-sa.

Điều-đạt vi phạm việc đó, bị đọa vào địa ngục, không ai cứu được.

* Đức Phật ở tại hang đá lớn – nơi Dược-xoa Kim-tỳ-la cư trú – tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá.

Bấy giờ, Điều-đạt muốn hại Thế Tôn, dùng bốn ngàn lượng vàng thuê bốn lực sĩ và cùng bốn người đó lên núi Kỳ-xà-quật, ôm tảng đá lớn, đứng bên trên hang đá, đợi Như Lai đi ra.

Khi Phật ra khỏi hang đá để kinh hành, Điều-đạt cùng bốn người kia liền thả đá từ trên núi xuống để đè Như Lai. Lúc ấy, Dược-xoa Kimtỳ-la đang đứng phía sau Như Lai. Trông thấy tảng đá đang rơi xuống, Dược-xoa liền đưa hai tay đỡ và quăng qua núi phía Nam. Tảng đá đó vỡ tan. Có một mảnh nhỏ – kích thước khoảng bảy mươi bộ – văng về phía Thế Tôn.

Vì muốn cho chúng sanh thấy nghiệp báo đời trước nên Như Lai liền ngồi thiền bay lên hư không. Hòn đá liền đuổi theo sau, mọi người đều thấy rõ.

Như Lai bay qua các phương Tây, Nam, Bắc, hòn đá đều đuổi theo sau.

Như Lai đi vào lòng đại dương, hòn đá cũng đuổi theo sau.

Như Lai bay lên đỉnh núi Tu-di, hòn đá cũng theo sau.

Như Lai vào cung trời trên núi Tứ-vương-ny-da, hòn đá cũng đuổi theo.

Như Lai lên các cõi trời Tam-thập-tam, Diệm-ma, Đâu-suất, Niếtma-la, Na-đề-ba-la, Ni-mật-bà-xá, Bạt-đề-phạm, Già-di-phạm, Phướclâu-hê-đà, Ba-lật-đa, Bà-a-bà, Tối-la-a-nam, Tề-phất-như, Bát-tu-đa, Tỳ-pha-la, Túc-ha-túc-ha, A-thi-na-túc-ha, Ngật-túc-na, A-ca-ny-trá… hòn đá cũng đều đuổi theo sau.

Đức Thế Tôn dùng lực thần túc trở vào trong hang đá, tảng đá đè lên bàn chân phải của Đức Thế Tôn làm chân bị thương, chảy máu.

Điều-đạt và bốn lực sĩ bị phạm tội, không ai cứu được.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bị đau nơi chân, Ngài liền nói kệ:

Dù trốn trong hư không
Giữa biển sâu, núi đá
Không nơi nào thoát được
Tội báo ở đời trước.

Khi đó, nhiều Tỳ-kheo thoạt ngồi, thoạt đi ở hai bên hang đá vì sợ Điều-đạt hại Như Lai. Thấy vậy, Như Lai biết mà vẫn hỏi Tôn giả

A-Nan:

– Các Tỳ-kheo ấy đang làm gì ngoài hang đá mà thoạt đi, thoạt ngồi vậy?

A-Nan bạch Phật:

– Trông chừng Như Lai, vì sợ Điều-đạt làm hại Như Lai nên họ thoạt đi, thoạt ngồi.

Đức Thế Tôn bảo A-Nan:

– Điều-đạt không thể nào hại được Như Lai Thế Tôn. Ông có từng nghe Như Lai bị người khác làm hại không?

– Không, thưa Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn ngước mặt nhìn lên. Thấy Như Lai nhìn, bốn lực sĩ sợ hãi dựng tóc gáy, định chạy nhưng không nhấc chân lên được.

Các Sa-môn liền bắt từng người đem đến chỗ Phật.

Như Lai bảo bốn lực sĩ:

– Xin chào các vị. Ta sẽ nói pháp cho các vị nghe.

Bốn lực sĩ đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một phía.

Đức Thế Tôn bèn nói pháp ngữ khiến họ hoan hỷ. Sau khi nói pháp, Như Lai dạy:

– Các vị hãy trở về nhà, đừng đi theo hướng đã đi.

Thấy bốn người đó đi lâu quá không trở lại, Điều-đạt dùng tám ngàn lượng vàng, thuê tám lực sĩ đi giết bốn người kia. Trông thấy tám lực sĩ đến, Đức Thế Tôn bảo:

– Lành thay, xin chào các vị, Ta sẽ nói pháp cho các vị.

Tám lực sĩ liền đảnh lễ sát đất và ngồi qua một phía. Đức Thế Tôn liền nói pháp, tất cả họ đều được hoan hỷ, Đức Phật dạy:

– Các vị hãy trở về nhà, đừng đi theo con đường lúc nãy đã đi.

Thấy tám người này đi quá lâu không trở lại, Điều-đạt lại dùng mười sáu ngàn lượng vàng, thuê mười sáu lực sĩ đi giết tám người kia.

Trông thấy mười sáu người đến, Đức Thế Tôn bảo:

– Xin chào các vị, Ta sẽ nói pháp cho các vị nghe.

Mười sáu người ấy đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía. Đức Thế Tôn nói pháp làm cho họ đều hoan hỷ rồi bảo:

– Các ông hãy trở về nhà, chớ có đi theo hướng lúc nãy đã đến.

Thấy mười sáu người ấy không trở về đúng hẹn, Điều-đạt lại thuê ba mươi hai lực sĩ đi giết mười sáu người kia.

Trông thấy ba mươi hai người tới, Đức Thế Tôn bảo:

– Xin chào các vị, Ta sẽ nói pháp cho các vị nghe.

Ba mươi hai người ấy đảnh lễ Đức Thế Tôn và ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn thuyết pháp làm họ đều hoan hỷ và bảo:

– Các vị hãy trở về nhà mình, theo lối đi thích hợp.

Vâng lời Thế Tôn, ba mươi hai người ấy đứng dậy, đảnh lễ sát đất rồi đi.

Thấy ba mươi hai người ấy đi được một lát, Đức Thế Tôn quay lại bảo Tôn giả A-Nan:

– Ông hãy vào thành La-duyệt, đến các ngả tư đường và các chợ lớn thông báo: “Tất cả lời nói, ý nghĩ, hành động của Điều-đạt đều không phải là do Phật, Pháp, Tăng dạy” cho đệ tử thân tín của ông ta biết.

A-Nan bạch Phật:

– Trước đây, khen ngợi Điều-đạt, nay lại nói điều xấu ác của ông ta. Nếu có ai chê trách thì phải nói làm sao?

Đức Thế Tôn bảo A-Nan:

– Hãy nói như vầy: “Tuy trước đây làm tốt nhưng nay lại làm ác, có gì là lạ?”

A-Nan liền dẫn theo một Tỳ-kheo đến thành La-duyệt, đứng ở các chợ lớn, các ngả tư đường thông báo: “Tất cả lời nói, ý nghĩ, hành động của Điều-đạt đều không phải là do Phật, Pháp, Tăng dạy” cho đệ tử thân tín của Điều-đạt biết.

Nghe nói về điều xấu của Điều-đạt, thái tử A-xà-thế và cận thần của vua, những người đang theo Điều-đạt trở về, nói với nhau:

– Sa-môn Cù-đàm vì ganh ghét nên phỉ báng Điều-đạt hiền lương. Điều-đạt có lỗi gì nơi thân, miệng đâu!

Điều-đạt nghe tin Sa-môn Cù-đàm sai người thân tín vào thành La-duyệt, đứng ở các chợ lớn, các ngả tư đường thông báo: “Tất cả lời nói, ý nghĩ, hành động của Điều-đạt đều không phải là do Phật, Pháp, Tăng dạy” cho đệ tử thân tín của ông ta biết. Nghe tin ấy, Điều-đạt càng thêm tức giận, liền đến chỗ thái tử A-xà-thế bảo:

– Anh hãy giết cha, còn tôi giết Sa-môn Cù-đàm. Anh làm vua xứ Ma-kiệt, còn tôi làm Phật. Ở nước Ma-kiệt này sẽ có vua mới và Phật mới, chẳng phải vui sao?!

Nghe lời ấy, thái-tử rất vui mừng.

Lúc đó, vua Tần-bà-sa-la đi xe lọng báu đến vườn ngự uyển để tham quan. Thái-tử A-xà-thế đeo kiếm bén ở thắt lưng, ẩn mình gần cổng để đợi vua cha.

Sau một ngày vui chơi, vua lên xe tứ mã để về cung. Khi vua vừa vào cổng, thái-tử rút kiếm bén phóng tới, làm con ngựa sợ hãi nhưng không trúng vua. Thái tử liền bỏ chạy, các cận thần đuổi theo bắt được.

Cận thần đó hỏi:

– Thái tử định làm gì?

Thái tử đáp:

– Ta muốn giết vua.

Cận thần lại hỏi:

– Có ai là phe nhóm không?

– Đó là thầy Điều-đạt và bốn đệ tử.

Bốn người ấy bàn:

– Nếu thật vậy thì phải bắt giết hết Sa-môn Thích tử.

Có người lại bàn:

– Hãy để yên cho Sa-môn Thích tử. chỉ bắt Điều-đạt và đồng nhóm đem giết thôi.

Lại có người bàn:

– Không nên giết Sa-môn Thích tử. Cũng không nên giết Điều-đạt và đồng nhóm. Vì sao? – Vì vua Tần-bà-sa-la rất hiền lành, thường tha thứ cho những người phạm tội tử hình đang bị nhốt trong ngục, huống là Sa-môn Thích tử, Điều-đạt cùng đồng bọn. Chúng ta chỉ nên đến tâu vua, vua sẽ tự phán xử. Việc gì mà chúng ta phải tự gây thù oán.

Họ liền đến tâu vua.

Sáng hôm sau, vua ra khỏi cung điện, lên trên tòa, sai người thân tín đi gọi thái tử A-xà-thế. Thái tử đến, vua liền hỏi:

– Con định làm gì vậy?

– Tôi muốn giết vua.

– Vì sao con muốn giết ta?

Thái tử nói:

– Vua có trống đưa đón, tôi không có trống đưa đón. Vua có lọng che, tôi không có lọng che. Vua có nghi vệ, tôi không có nghi vệ.

Vua bảo thái tử:

– Con hãy thay ta sử dụng trống, lọng, nghi vệ, những thứ ấy đều thuộc về con hết. như vậy là trống đưa đón, lọng, nghi vệ đều theo sau thái tử.

Những cận thần dua nịnh của thái tử nói:

– Nếu thật vậy thì thái tử đã lên ngôi. Đã lên ngôi thì hãy bắt vua đem giết đi để được tự do.

Thái tử liền chấp thuận lời ấy, sai Chiên-đà-la đến bắt vua cha nhốt trong ngục. Chiên-đà-la liền bắt vua nhốt vào ngục.

Vì vua vốn nhân từ với dân nên hàng vạn người dân thường đem thức ăn đến nuôi vua.

A-xà-thế hỏi cận thần:

– Vua cha còn sống không?

Đáp:

– Còn sống.

– Vì sao vậy?

Đáp:

– Dân chúng mang thức ăn đến cung cấp nên vua còn sống.

Thái tử bảo:

– Không cho người dân đến.

Các phu nhân lại đem thức ăn đến cho vua.

A-xà-thế hỏi:

– Vua cha vẫn còn sống chứ?

Đáp:

– Còn sống.

Thái tử lại ra lệnh:

– Đừng cho các phu nhân vào thăm vua.

Lúc ấy hoàng hậu lấy thức ăn bôi lên thân rồi mặc áo che bên ngoài, không cho phát hiện, rồi vào thăm vua để vua dùng thức ăn trên thân ấy.

Thái tử lại hỏi:

– Vua cha còn sống không?

Đáp:

– Còn sống.

Thái tử ra lệnh:

– Nhốt luôn hoàng hậu vào ngục.

Vua cha hướng về núi Kỳ-xà-quật, trông thấy Đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, A-na-luân-đà, Nan-đề, Kim-tỳ-la lên núi, xuống núi…

Vốn đã đắc Sơ quả nên khi thấy chúng Tăng, vua liền hoan hỷ, không còn ý tưởng đói khát.

A-xà-thế lại hỏi cận thần:

– Vua cha còn sống không?

Đáp:

– Vẫn còn sống.

Thái tử hỏi:

– Vì sao còn sống?

Cận thần ganh ghét đáp:

– Hằng ngày vua hướng về Như Lai mà lễ bái nên vẫn còn sống.

Thái tử bảo:

– Ông hãy đốc thúc đắp vách tường cao che trước ngục, đừng cho thấy núi Kỳ-xà-quật.

Họ liền đắp tường ngăn không cho vua nhìn thấy Phật.

Thường pháp của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại là: Khi muốn vào thành thì có các điềm lành ứng hiện như voi ngước mặt cất vòi lên rống, ngựa hý, bò rống; chim le, nhạn, uyên ương, công, anh vũ (bồ-câu trắng), ngỗng trắng, thiên thu, chim… đều hót vang. Đàn không hầu, đàn tranh, trống, đàn tỳ-bà, đàn, ống sáo,… không đánh mà tự phát ra âm nhạc. Vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não trong kho của các trưởng giả không ai đụng chạm mà tự phát ra tiếng. Người mù được sáng mắt, người điếc được nghe. Các nỗi đau khổ, bệnh tật như: mù lòa, què, khoèo chân, bướu cổ đều chấm dứt. Những kho tàng ẩn kín đều tự hiện ra.

Đức Thế Tôn vào thành thì có những điềm lành như vậy xuất hiện.

Biết Phật vào thành, vua Tần-bà-sa-la hết sức vui mừng, dòm qua khe hở ở trong ngục để chiêm ngưỡng Phật và chúng Tăng. Vốn đã đắc Sơ quả nên khi thấy Đức Thế Tôn vua liền hết ý tưởng đói khát.

A-xà-thế hỏi các cận thần:

– Vua cha còn sống không?

Đáp:

– Còn sống.

Hỏi:

– Vì sao còn sống?

Các bề tôi ganh ghét tâu:

– Vua cha dòm qua khe hở ở trong ngục để chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn khi Đức Thế Tôn vào thành nên vẫn còn sống.

Thái tử nói:

– Khanh hãy đến đó lấy kiếm bén cắt lòng bàn chân để ông ấy không còn đi được, rồi cùm chân lại.

Cận thần liền đến cắt lòng bàn chân vua và cùm lại làm vua ngày càng gầy ốm.

Khi ấy, A-xà-thế vào cung ăn cơm với phu nhân. A-xà-thế có một đứa con nhỏ đang chơi đá gà ở bên ngoài. A-xà-thế hỏi phu nhân:

– Con đang ở đâu?

Đáp:

– Đang chơi đá gà ở bên ngoài.

Vua bảo phu nhân:

– Hãy gọi vào đây cùng ăn.

Cậu con liền ôm gà vào mà không chịu ăn.

Vua hỏi:

– Vì sao không ăn?

Đáp:

– Nếu con gà này không ăn thì con quyết không ăn.

A-xà-thế bảo phu nhân:

– Làm sao chịu được đứa bé này, dám bắt đại vương như ta ăn cơm chung với gà.

Phu nhân đáp:

– Có gì mà vua hiềm trách vậy? Có người vì con mà ăn cả máu mủ thì sao. Vua có nghe thái hậu kể lại sự khổ nhọc của phụ vương thuở khi xưa hay chưa?

Vua hỏi phu nhân:

– Có gì là khổ?

Phu nhân đáp:

– Lúc vua còn nhỏ, ngón cái ở tay trái bị nhọt, đau đớn suốt đêm không thể ngủ được. Lúc ấy vua cha ẵm vua đặt lên đùi, ngậm ngón tay đau của vua trong miệng, ngón tay bớt đau và vua chợp mắt. Lúc đó, các mụt nhọt ở ngón tay vỡ ra, tuôn mủ trong miệng vua cha. Vua cha suy nghĩ: “Nếu ta rút ngón tay để nhổ mủ thì sợ con ta sẽ bị đau”. Thế là vua cha liền nuốt mủ mà không rút ngón tay ra. Cha của vua có sự khổ nhọc như vậy, nhưng không hề nói cho ai biết. Xin vua hãy suy xét, đừng giết vua cha.

Nghe lời ấy xong, vua im lặng không nói. Lúc ấy phu nhân cho là vua đã tha vua cha, liền ra ngoài nói:

– Vua cha được tha rồi!

Lời ấy được lan truyền từ trong thành cho tới nhà giam, làm hàng vạn người đều hoan hỷ kêu lên:

– Lành thay! Lành thay!

Và đều chạy đến nhà giam, vừa chạy vừa nói:

– Vua đã được tha! Vua đã được tha!

Vua cha nghe lời ấy liền suy nghĩ: “Con ta hung ác, bất hiếu, chẳng biết còn định gây thêm cho ta nỗi khổ gì nữa đây?

Nghĩ xong, vua cha liền lao mình từ trên giường xuống đất chết lập tức.

Như vậy là vua A-xà-thế giết cha, phạm tội không ai cứu được.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Trước đây Ta đã sai Tôn giả A-Nan nói rõ hành vi thân khẩu ý của Điều-đạt ở chợ chính là vì sự cố ngày nay. Người giết cha không thể đắc đạo, không được mặc pháp phục làm Tỳ-kheo, không được làm Tỳkheo ni, không được làm Ưu-bà-tắc, không được làm Ưu-bà-di, không được thọ Bát Quan Trai. Vì sao? – Vì người ấy không thể đắc quả Dựlưu, không thể chứng quả.

Không chỉ giết cha, mà giết mẹ cũng vậy.

Tỳ-kheo nào biết mà cho họ vào đạo thì cũng giống như phá hoại Tăng.

Đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá.

Lúc ấy, Điều-đạt muốn phá hoại, gây rối loạn chúng Tăng, Xálợi-phất, Mục-kiền-liên đến thuyết phục Điều-đạt:

– Không nên phá hoại chúng Tăng. Vì sao? – Vì Tăng phải hòa hợp như nước với sữa và học cùng một thầy.

Đệ tử của Điều-đạt là Khiên-đà, Đà-bà, Ca-lưu-la, Đề-thi, Tammôn-đà, La-hệ-đầu nói với Xá-lợi-phất:

– Các thầy không nên nói với Điều-đạt những lời như vậy. Vì sao? – Vì Điều-đạt hướng về sự chơn chánh, đúng như pháp. Lời Điều-đạt nói, chúng tôi đều phụng hành.

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Khiên-đà, Đà-bà….:

– Không nên nói: “Điều-đạt đúng pháp, đúng luật”. Các thầy đừng theo lời của Điều-đạt mà gây rối loạn chúng Tăng. Không nên trợ giúp việc gây rối loạn ấy. Vì sao? – Vì Tăng phải hòa hợp như nước hòa với sữa và cùng học một thầy. Vì vậy đừng nên phá hoại, gây rối loạn chúng Tăng, không nên trợ giúp người làm việc ấy.

Tuy được khuyên can như vậy, nhưng các Tỳ-kheo ấy không nghe và vẫn làm theo sự chỉ dạy của Điều-đạt. Tôn giả Xá-lợi-phất không biết làm sao, liền đến bạch đức Thế Tôn. Nhân việc đó, Đức Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đầy đủ mười công đức, nên kiết gới cho các Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào trợ giúp cho người phá hoại, gây rối loạn chúng Tăng, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đắp y mang bát đi từ núi Kỳ-xà-quật vào thành Vương-xá để khất thực. Khất thực xong, Ngài trở về núi Kỳ-xàquật, ngồi kiết-già trong hang đá suốt bảy ngày, nhập vào các Chánh định.

Qua bảy ngày, Ngài đắp y mang bát từ núi Kỳ-xà-quật vào thành Vương-xá để khất thực. Điều-đạt nghe tin Sa-môn Cù-đàm đang ở núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá. Vào giờ ăn, Sa-môn Cù-đàm cùng năm trăm đệ tử đắp y mang bát từ núi Kỳ-xà-quật vào thành Vương-xá để khất thực. Khất thực xong lại trở về hang đá ngồi kiết-già, bảy ngày mới đứng dậy.Vua A-xà-thế có một con voi tên Vọng-già-bà mạnh bạo, hung dữ, vua các nước xung quanh không có con voi nào hung dữ như voi Vọng-già-bà của vua A-xà-thế.

Lúc ấy, Điều-đạt mang năm trăm lượng vàng đến gặp người dạy voi Vọng-già-bà, bảo với ông ta:

– Ông có biết ta rất có uy tín đối với vua A-xà-thế không?

Đáp:

– Biết.

– Ông có tin ta có thể làm ông giàu có hay không?

– Có thể.

Điều-đạt liền đưa năm trăm lượng vàng và nói:

– Số tiền này ta dùng để thuê ông giúp ta làm việc ấy. Ta cũng sẽ nói vua cho ông ruộng vườn, chức tước.

– Việc gì vậy?

Điều-đạt nói:

– Sa-môn Cù-đàm cùng năm trăm đệ tử đang ở núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá. Đến giờ ăn, họ đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực. Khất thực xong, họ trở về núi Kỳ-xà-quật ngồi kết-già bảy ngày mới đứng dậy. Khi họ vào thành La-duyệt-kỳ, ông hãy cho voi Vọng-già-bà này uống rượu mạnh, cởi cùm bằng thép, thả cho nó đến giết Sa-môn Cù-đàm.

Người dạy voi nói:

– Đó là việc nhỏ, không cần phải bận tâm. Khi việc ấy hoàn tất, xin đừng thất hứa.

Hàng ngày, người dạy voi đưa ngón tay đếm cho đến bảy ngày.

Ngày thứ bảy đã đến, ông ta đem rượu trắng mạnh cho voi Vọnggià-bà uống, dùng cùm sắt cùm cho nó đứng yên, núp trong cửa thành để đợi Như Lai.

Thường pháp của chư Phật khi sắp vào thành thì có các điềm lành xuất hiện, như: voi cất vòi lên rống, ngựa hý, bò rống, chim le, chim nhạn, uyên ương, chim công, vẹt, ngỗng trắng, thiên thu, chim hạc… đều hót. Đàn không hầu, đàn tranh, trống, đàn tỳ-bà, đàn, sáo,… không đánh mà tự phát ra âm nhạc. Trong kho của các trưởng giả, các thứ như vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xà-cừ, mã não… không đụng chạm mà tự phát ra âm thanh. Người mù được mắt sáng, người điếc được nghe, mù lòa, què quặt, khoèo chân, bướu cổ và đủ các loại bệnh khổ khác dều chấm dứt. Kho tàng đang ẩn tự xuất hiện.

Khi Đức Thế Tôn vào thành có những điềm lành như vậy.

Biết Phật sắp vào cửa thành, người dạy voi liền cởi cùm sắt thả voi ra. Hàng ngàn vạn người đều bỏ chạy để tìm chỗ yên ổn. Dân chúng sợ hãi, hoặc chạy vào nhà, hoặc leo lên lầu.

Voi chạy đến chỗ Như Lai, dân chúng nhìn theo kinh ngạc. Những người không tin Phật thì nói:

– Hãy giết Sa-môn ấy đi!

Người tin Phật thì nói:

– Con voi nhỏ này làm gì được Phật!

Có một trưởng giả trông thấy voi chạy, liền cỡi con voi khác, đến chỗ Phật trước, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía, bạch Thế Tôn:

– Voi Vọng-già-bà được cho uống rượu trắng say mèm và được cởi cùm sắt để hại Thế Tôn. Xin Đức Thế Tôn hãy vào nhà này để tránh.

Nếu ra khỏi thành, con voi say đó sẽ làm hại Như Lai.

Đức Thế Tôn bảo:

– Con voi này không thể hại ta. Không ai có thể hại được Thế Tôn.

Thấy Như Lai và các Tỳ-kheo, con voi giận dữ dậm đất, gầm rống, giương ngà, căng rộng hai tai, cất cao vòi, cụp đuôi, chạy gấp đến chỗ Như Lai.

Các Tỳ-kheo thấy voi chạy đến đều dựng tóc gáy, chạy tránh xa Như Lai, chỉ còn một mình Tôn giả A-Nan không chạy. Lúc ấy, voi đến trước Như Lai, Đức Thế Tôn dùng tâm từ hướng đến voi làm cho voi hết say và không còn giận dữ nữa, nó quỳ hai chân xuống đất, dùng vòi liếm chân Như Lai. Đức Thế Tôn đưa cánh tay màu vàng ròng xoa đầu voi nói kệ như cha nói với con:

Con chớ sanh giận dữ
Muốn làm hại Như Lai
Ai nổi sân với Phật
Không được sanh đường lành.
Voi Y-la-bát-na
Ở trong hai cung trời
Bên ngọn núi Tu-di
Nơi các voi chúa ở.
Trên đỉnh núi Linh-sơn
Voi chúa A-nậu-đạt
Đều đảnh lễ Chánh giác
Còn con định hại Phật.
Các voi tu hạnh lành
Nên được ở nơi đó
Con say rượu hại Phật
Sao sanh nơi ấy được!

Lúc ấy, voi Vọng-già-bà buồn rầu rơi lệ, đảnh lễ sát đất rồi đi, suốt bảy ngày không ăn cỏ rồi chết, sanh lên cõi trời Tứ thiên vương.

Hàng ngàn vạn người thấy sự biến hóa này của Như Lai đều đến chỗ Phật. Đức Thế Tôn quay lại bảo Tôn giả A-Nan:

– Ông hãy đi chuẩn bị giường và nước, Ta muốn rửa chân.

Vâng lời Phật, Tôn giả A-Nan liền đi trải giường, múc nước. Kế đó, A-Nan quỳ chân phải sát đất, bạch Thế Tôn:

– Giường và nước đã được chuẩn bị xong, xin Đức Thế Tôn hãy đi rửa chân.

Rửa chân xong, Đức Thế Tôn ngồi thiền định hiện các loại biến hóa: Biến mất ở phương Đông, xuất hiện ở phương Tây. Biến mất ở phương Bắc, hiện ra ở phương Nam. Ngồi, nằm trên hư không. Thân phóng ra ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, hoặc màu lưu ly. Dưới thân phát ra lửa, trên thân phun ra nước. Trên thân phát ra lửa, dưới thân phun ra nước…

Sau khi biến hóa đủ cách, Ngài trở về chỗ cũ ngồi kiết-già.

Thấy Đức Thế Tôn biến hóa, dân chúng liền được khai mở tâm ý.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn quán sát tâm ý của chúng sanh và thuyết đủ các pháp để thỏa ý nguyện của họ. Trong số những người ấy, có người phát sanh ý thần túc, có người phát tín căn, có người phát sanh pháp nhẫn, có người đắc quả Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, hoặc phát tâm cầu đạo quả Chánh chơn Vô thượng, tâm Thanh văn, Phật Bích Chi, cả trăm vạn người đều được độ thoát.

Khi đó, Đức Thế Tôn sợ không kịp giờ ăn nên dùng cánh tay phảị xốc nách Tôn giả A-Nan bay về núi Kỳ-xà-quật.

Lúc này, năm trăm Tỳ-kheo đều đã chạy đến các hang núi, xin thức ăn của những người địa phương. Khất thực xong, họ trở về tinh xá, cất y và đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, ngồi qua một phía. Các Tỳkheo bạch Thế Tôn:

– Thật là kỳ lạ! Thấy voi lớn đến, Tôn giả A-Nan vẫn không rời bỏ Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo:

– Không chỉ ngày nay mà trước kia cũng vậy. Hãy chú ý, Ta sẽ kể cho nghe.

Ngày xưa, cách đây lâu lắm, có một con nai chúa tên là Thất-lợimạt cùng năm trăm con nai sinh sống ở núi Tuyết.

Có một người thợ săn, giăng bẫy dây lớn dưới lớp cỏ. Nai chúa đi trước bị vướng chân trái vào bẫy. Nai chúa nghĩ: “Nếu nói với các nai là ta mắc bẫy thì các nai sẽ không ăn được”.

Khi các nai đã ăn no, nai chúa liền nói:

– Ta đã bị mắc bẫy.

Nghe nói vậy, các con nai đều bỏ chạy, chỉ có một con nai là không bỏ nai chúa Thất-lợi-mạt. Con nai ấy thưa với nai chúa: – Hãy cố gắng thoát thân. Thợ săn đang đến.

Đáp:

– Ta đã kiệt sức, sợi dây siết chặt vào thịt, không thể thoát được, chẳng biết làm sao đây.

Lúc thợ săn đến, con nai nọ nói:

– Hãy cầm dao giết tôi trước rồi mới giết nai chúa.

Thợ săn suy nghĩ: “Lời này thật kỳ lạ! Cầm thú mà lại biết chết thay cho kẻ khác”.

Thợ săn nói với nai:

– Ta không giết ngươi, cũng không giết chúa của ngươi. Ta sẽ tháo bẫy thả chúa ngươi đi.

Nói xong, thợ săn liền tháo bẫy thả nai chúa.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nai chúa thời ấy chính là Ta. Năm trăm con nai nay là năm trăm Tỳ-kheo. Lúc đó, chúng bỏ ta, nay lại bỏ ta. Thợ săn ngày ấy nay là voi Vọng-già-bà, xưa kia không đụng đến Ta và nay cũng vậy. Con nai ở lại thời ấy nay là Tôn giả A-Nan, xưa không bỏ Ta, nay cũng không bỏ Ta.

Nhân việc đó, Đức Thế Tôn lại kể chuyện thuở xưa khác:

– Cách thành Ba-la-nại-tư không xa, có ao nước tên Kiết-vũ, đầy ắp nước, có nhiều cá, ba-ba, nhiều nhạn, uyên ương… Có con nhạn chúa tên Đề-đề-lại-trá, dẫn theo năm trăm con nhạn đến vui đùa ở ao ấy. Lúc này, có thợ săn giăng lưới bắt nhạn. Nhạn chúa bị mắc lưới, liền nghĩ: “Nếu ta nói mình mắc lưới thì các con nhạn không ăn được”. Khi các con nhạn ăn xong, nhạn chúa liền nói:

– Ta bị mắc lưới.

Nghe vậy, các con nhạn đều kinh hoảng bay mất, chỉ có một con nhạn tên Tu-mặc ở lại không đi.

Nhạn chúa bảo Tu-mặc:

– Ta đã bị mắc lưới, khanh hãy thay ta làm vua.

Tu-mặc đáp:

– Thần không thể thay vua.

Nhạn chúa hỏi:

– Vì sao không thể thay thế?

Tu-mặc nói kệ đáp:

Thà cùng chết với vua
Hơn sống không có vua
Sống chết phải có nhau
Không dám thoát một mình.

Nhạn chúa tìm cách thoát thân nhưng không được. Thợ săn đã đến. Tu-mặc nói với thợ săn bằng kệ:

Máu thịt nhạn chúa
Chẳng khác gì tôi
Hãy giết tôi trước
Tha cho nhạn chúa.

Thợ săn liền suy nghĩ: “Chim nhạn này thật là kỳ lạ mới có ý muốn chết thay kẻ khác”. Ông ta nói kệ đáp:

Ngươi mang hình chim thú
Dám chết thay cho chủ
Nay ta không giết ngươi
Cũng không hại chủ ngươi
Ta sẽ mở lưới thả
Cho ngươi bay tự do.

Thợ săn liền mở lưới thả chim. Lúc ấy, nhạn chúa lùi lại bàn với nhạn tùy tùng:

– Người này rất nhân từ, đã cứu ta khỏi chỗ chết. Nếu người ấy giết thì ai sẽ đến cứu ta?

Thợ săn đến hỏi:

– Các ngươi nói gì? Ta đã thả sao các ngươi không mau bay đi?Đáp:

– Chúng tôi không thể đi. Chúng tôi đang bàn cách báo ơn ông.

Thợ săn hỏi:

– Ngươi là chim thú, làm sao báo ân?

Nhạn chúa đáp:

– Hãy mang chúng tôi đến chỗ vua Phạm-ma-đạt ở thành Ba-lanại. Đến nơi ấy chúng tôi sẽ báo ơn.

Thợ săn hỏi:

– Đến đó, nếu bị họ làm tổn thương, các ngươi sẽ ứng phó cách nào?

Nhạn đáp:

– Việc đó không đáng lo. Cứ việc mang chúng tôi đi đi.

Thợ săn liền bế các con nhạn vào thành, đi từ chợ đến cửa cung vua. Trên đường đi, các thương nhơn thấy con nhạn đáng yêu, liền đem năm tiền, mười tiền, hoặc hai mươi tiền biếu cho thợ săn. Khi gần đến cửa cung vua thì thợ săn đã nhận được hàng ngàn tiền.

Lúc đó, thợ săn ẳm con nhạn thả ở cửa cung vua. Nhạn chúa bảo người giữ cổng:

– Nhạn chúa Đề-đề-lại-trá đang ở cổng, xin cầu kiến.

Người gác cổng vào tâu vua. Vua bảo:

– Cho vào.

Lúc ấy, vua Phạm-ma-đạt bày giường vàng cho nhạn chúa ngồi. Tu-mặc theo hầu phía sau. Nhạn chúa nói kệ hỏi thăm vua có được yên ổn không, có mạnh khỏe không, binh mã trong nước có hùng mạnh không, dân chúng có dễ cai trị không?

Vua Phạm-ma-đạt nói kệ đáp:

– Khanh từ xa đến đây, vượt biển, vượt núi, trải qua một hành trình dài có mệt mỏi không?

Bấy giờ, hai vua cùng nhau nói năm trăm bài kệ, còn nhạn Tumặc thì im lặng không nói.

Vua Phạm-ma-đạt hỏi:

– Vì sao khanh im lặng vậy?

Tu-mặc đáp:

– Một là vua loài người, một là vua loài nhạn. Hai vua cùng nói chuyện nên thần không dám xen vào.

Vua Phạm-ma-đạt bảo nhạn chúa:

– Xin hãy nhận lời ta. Hãy cư trú trong vườn cây, ao nước ở nơi này. Ta sẽ cung cấp thức ăn uống.

Nhạn chúa không dám nhận lời.

Phạm-ma-đạt hỏi:

– Vì sao không nhận?

Nhạn chúa đáp:

– Vua uống rượu say, sai đầu bếp giết nhạn. Nếu không có con vật nào khác thì họ sẽ bắt chúng tôi giết. Vì vậy chúng tôi không dám ở lại.

Nghe tin nhạn chúa ở chỗ vua Phạm-ma-đạt, năm trăm con nhạn liền dẫn nhau đến bay liệng trên cung. Vua hỏi:

– Đó là nhạn gì?

Nhạn chúa đáp:

– Đó là tùy tùng của tôi.

Vua hỏi:

– Khanh thật sự muốn đi phải không?

Đáp:

– Thật sự.

– Khanh có cần gì không?

Nhạn chúa nói:

– Tôi không cần gì. Chỉ có người kia đã ôm tôi đến đây. Xin vua hãy ban cho anh ta vàng bạc, thức ăn uống, châu báu và các thứ cần dùng.

Nói xong, nhạn liền bay lên cao.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Thời ấy, nhạn chúa Đề-đề-lại-trá chính là Ta. Năm trăm con nhạn bỏ ta mà đi, nay là năm trăm Tỳ-kheo đã bỏ chạy. Vua Phạm-ma-đạt thời ấy, nay là Du-đầu-đàn-thích, khi ấy đã thả Ta đi, nay lại cho Ta xuất gia. Thợ săn ngày ấy, nay là voi Vọng-già-bà, lúc ấy đã không hại Ta, nay cũng không động đến Ta. Nhạn Tu-mặc theo hầu Ta thời ấy, nay chính là Tôn giả A-Nan, xưa đã không bỏ Ta, nay cũng không rời Ta.

Các Tỳ-kheo hãy nghe tiếp:

– Cách đây rất lâu, có sư tử chúa dẫn theo năm trăm sư tử sinh sống trên núi Tuyết, sư tử chúa đã già, các căn rã rời, mắt lòa không thấy đường.

Lúc đó, sư tử chúa đi trước bầy sư tử và bị rơi xuống một cái giếng trống rỗng. Năm trăm con sư tử đều bỏ đi.

Cách giếng không xa có một con cáo, thấy sư tử rơi xuống giếng liền suy nghĩ: “Lúc có vị vua này, ta thường được no đủ. Ta phải nghĩ cách giúp ông ấy ra khỏi giếng”.

Gần nơi giếng có một con sông lớn. Cáo liền đào hang dẫn nước vào giếng. Nước mỗi lúc một nhiều và nâng sư tử lên. Cuối cùng sư tử cũng được ra khỏi giếng. Thần núi liền nói kệ khen:

Người nào có bạn bè
Không cần chọn mạnh yếu
Như con cáo bé nhỏ
Cứu sư tử khỏi giếng.

Nói kệ này xong, vị thần biến mất.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Sư tử lúc ấy nay chính là Ta. Năm trăm sư tử bỏ đi lúc ấy, nay là năm trăm Tỳ-kheo. Con cáo lúc ấy nay là Tôn giả A-Nan. Đó là người bố thí, tinh tấn, không làm việc ác. Người nào phát tâm hướng đạo thì sanh ở đâu cũng không gặp việc ác.

Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ đà Cấp-cô-độc, thuộc nước Xávệ.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Mã-sư, Phất-na-bạt du hành ở vườn Ca-la, thuộc nước Na-kiệt-đề và cư trú trong nhà bạch y, làm các việc xấu. Những người ở các làng gần đấy không ai là không biết.

Bấy giờ, Đức Phật sai tôn giả A-Nan đến nước Kế-thi để khất thực, du hóa trong sáu mươi ngày. Sau khi A-Nan đi, Phật bay lên cõi trời thuyết pháp cho mẹ suốt bốn tháng.

Tôn giả A-Nan đi du hóa, khất thực trong sáu mươi ngày, dần dần đến nước Na-kiệt-đề. Vào sáng sớm, Tôn giả đắp y mang bát vào thành khất thực nhưng không được gì, phải trở về với chiếc bát không.

Có Ưu-bà-tắc tên là Kiếp-phủ vào trong thành, trông thấy tôn giả A-Nan ra khỏi thành, vị ấy liền đảnh lễ sát chân A-Nan, chấp tay bạch Tôn giả:

– Lâu lắm mới gặp lại Thánh giả! Thánh giả du hành giáo hóa có mệt nhọc không? Đến đây khi nào vậy?

Tôn giả A-Nan đáp lời Ưu-bà-tắc Kiếp-phủ:

– Hiền giả biết không? Buổi sáng, tôi đắp y mang bát vào đây khất thực, nhưng không được gì. Hay là ở đây có Thích tử nào đã làm mất lòng tin của Ưu-bà-tắc, làm việc chẳng phải của Sa-môn, vi phạm các nghiệp thân, miệng, ý?

Ưu-bà-tắc đáp:

– Trong vườn Ca-la, ở đây có hai Tỳ-kheo là Mã-sư và Phất-nabạt, thường đến ngủ ở nhà bạch y, làm các việc xấu. Những người ở các làng gần đây không ai là không nghe thấy. Họ cùng với phụ nữ ngồi chung một giường chiếu, ăn chung một bát, uống chung một ly, xếp Tăng-già-lê cất trên giá, rồi cùng phụ nữ ca, múa, chơi đàn cầm, khảy đàn tỳ-bà, tát má, vuốt miệng, đeo vòng hoa, cắm hoa trên tóc mai, hoặc đeo chuỗi ngọc thơm, đắp y lụa năm sắc, cùng nhau đến nhà dâm nữ, mai mối nam nữ, hoặc mặc áo quần thế tục, chơi đùa với năm loại binh, hoặc chơi bắn cung tên, quăng ném, níu kéo, xốc nhau ném lên bàn, hoặc cùng nhau chạy, hoặc cưỡi voi, ngựa ra vào vườn, chẳng lúc nào ngưng… Giờ ăn đã đến, xin thỉnh đại đức đến nhà con thọ thực.

Tôn giả A-Nan im lặng nhận thỉnh.

Khi tôn giả A-Nan đã đến nhà, ngồi vào bàn, Ưu-bà-tắc ấy tự tay dâng nước rửa tay, dọn thức ăn uống.

Ăn xong, Tôn giả A-Nan rửa tay, rửa mặt rồi thuyết pháp cho Kiếp-phủ nghe. Sau đó, Tôn giả A-Nan rời khỏi chỗ ngồi, đi du hành dần dần đến vườn Kỳ-đà, Cấp-cô-độc ở nước Xá-vệ, đem việc ấy bạch đầy đủ với Thế Tôn.

Do việc ấy, Đức Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào ở nhà bạch y, làm các việc xấu như trên… phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ đà Cấp-cô-độc, thuộc nước Xávệ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Xiển-nộ chấp chặt, ngoan cố, rất khó giáo hóa. Vị ấy nói với các Tỳ-kheo:

– Các thầy chớ có nói với tôi điều gì tốt hoặc xấu. Tôi cũng không nói với các thầy điều gì tốt hoặc xấu.

Các Tỳ-kheo bảo Xiển-nộ:

– Tuy thầy không nói việc tốt việc xấu của tôi., tôi cũng không nói việc tốt việc xấu của thầy. Nhưng thầy phải nói pháp lành và Luật thầy biết cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo cũng nói pháp và Luật cho thầy nghe. Có như vậy thì hạt giống Phật mới được tăng trưởng.

Các Tỳ-kheo thay nhau dạy dỗ, khuyên răn:

– Thầy là người làm việc xấu, chớ nên chấp chặt theo ý thầy, đừng giữ tâm ấy.

Nhưng Tỳ-kheo Xiển-nộ không nghe theo. Các Tỳ-kheo nói:

– Xiển-nộ này thật khó giáo hóa!

Các Tỳ-kheo không biết làm sao, liền đến bạch Thế Tôn.

Nhân việc ấy, Đức Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đầy đủ mười công đức nên kiết giới cho các Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào ương bướng không nhận lời can ngăn, dạy dỗ như Tỳ-kheo Xiển-nộ, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Sau khi Ta Niết-bàn thì Tỳ-kheo Xiển-nộ sẽ nhận sự giáo hóa.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi đức Thế Tôn:

– Thế nào là Tăng-già-bà-thi-sa?

– Tăng-già-bà-thi-sa là có lo sợ đối với chúng Tăng, có lo sợ đối với Thánh đạo, có ước mong chứng quả, có lo sợ về sự hối lỗi. Khi hối lỗi phải tập hợp hai mươi vị Tăng, phải tự hối lỗi sáu đêm, lễ lạy năm vóc sát đất, không được che giấu việc đã phạm, để Tăng quyết đoán. Do như vậy nên gọi là Tăng-già-bà-thi-sa.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10