TỲ NẠI DA
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người Lương châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 4

PHÁP TĂNG TÀN

Phần thứ hai: Giới làm mai mối

Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ đà- Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo tên Ca-lưu Lộc Viên Tử (đặt tên theo tên mẹ) cư trú ở đó; có nhiều sự quen biết nơi: Quốc vương, đại thần, trưởng giả, Phạm chí, Tỳ-kheo ấy theo họ xin y phục, đồ ăn, ngọa cụ, thuốc trị bệnh.

Lúc ấy, có nhiều phụ nữ trưởng giả suy nghĩ: “Tỳ-kheo Ca-lưu quen biết rất nhiều với quốc vương, đại thần, trưởng giả, Phạm chí… Bất cứ ai vị ấy cũng đều quen và xin gì cũng đều được. Chúng ta hãy cùng đến thuyết phục Tỳ-kheo Ca-lưu vì chúng ta mà đến nhà người khác”.

Các phụ nữ này liền đến chỗ Tỳ-kheo Ca-lưu, nói với Tỳ-kheo ấy:

– Tôn giả có nhiều chỗ quen biết như: Quốc vương, đại thần… xin gì cũng đều được. Xin thầy hãy chịu khó đến nhà ấy làm mai giúp chúng tôi. Đến đó, thầy hãy thay tôi mà nói: “Nghe nói con gái ông xinh đẹp. Con trai tôi cũng tuấn tú. Hãy gả con gái của ông cho làm vợ con trai tôi. Như vậy dòng họ không bị suy giảm”. Xong việc, chúng tôi sẽ hậu tạ. Xin thầy hãy giúp chúng tôi.

Tỳ-kheo ấy liền nhận lời và lập tức đi đến nhà người nữ kia để làm mai mối.

Lại có một quả phụ nhờ Tỳ-kheo:

– Hãy đến nhà trưởng giả ấy nói: “Quả phụ nọ xinh đẹp không ai bằng. Ông có thể làm chồng bà ấy không? Nếu không thể làm vợ chồng thì hãy cùng nhau tư thông”.

Tỳ-kheo ấy liền đến đó để làm mai mối.

Lại có một trưởng giả bảo Tỳ-kheo:

– Tôn giả có nhiều chỗ quen biết như: Quốc vương, đại thần, trưởng giả, Phạm chí. Xin hãy giúp tôi đến nhà phụ nữ kia nói với cô ấy: “Cô không có chồng, tôi không có vợ. Tôi là đại trưởng giả, cô có thể làm vợ tôi không?”.

Các trưởng giả nhờ Tỳ-kheo ấy làm như vậy rất nhiều lần.

Tỳ-kheo Ca Lưu liền đến nhà các phụ nữ truyền đạt lại đầy đủ việc ấy. Các phụ nữ này có người đồng ý, có người không đồng ý. Người không đồng ý lần lượt nói lại với các người thân quen. Nghe nói việc ấy, các trưởng giả đều chê trách:

– Sa-môn Thích tử này tự xưng là tinh tấn, lại giống như lái buôn, làm mai mối mua bán nam nữ.

Các trưởng giả nghe lời đó, liền nói lại với các Tỳ-kheo thực hành mười hai pháp. Các Tỳ-kheo nghe xong buồn rầu không biết đối đáp làm sao, liền đến bạch Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Tỳkheo Ca-lưu:

– Việc ấy có thật không?

Đáp:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo:

– Ông đã làm trái với hạnh của Tỳ-kheo. Ông xuất gia học đạo mà đi làm mai mối cho nam nữ và lấy đó làm vui. Khi có đám tang ông cũng có mặt, khi họ vui đùa ông cũng có mặt. Ông chẳng hề thực hành hạnh Sa-môn. Ông là Sa-môn mà lại đi làm tôi tớ cho người khác.

Sau khi dùng nhiều cách để quở trách, dạy dỗ xong, Đức Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho Samôn:

– Tỳ-kheo nào cố tâm làm mai mối người nữ với người nam, mai mối người nam với người nữ, mai mối quả phụ với đàn ông góa vợ…, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ đà Cấp-cô-độc, thuộc nước Xá-vệ.

Tỳ-kheo Ca-lưu quen biết rộng rãi với các trưởng giả, hướng dẫn các trưởng giả làm việc phước. Vợ chồng các trưởng giả gây lộn với nhau, Tỳ-kheo ấy đến khuyên răn, hòa giải, lôi kéo lên giường cho ngủ chung. Các trưởng giả thân quen khác cười chê việc làm của Tỳ-kheo ấy và nói:

– Đáng lẽ chúng tôi làm việc hòa giải ấy, vậy mà Tỳ-kheo lại làm.

Các trưởng giả sanh tâm chán ghét, liền đến nói với các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo không biết trả lời ra sao, liền đến chỗ Phật, bạch đầy đủ với Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo:

– Các Tỳ-kheo không được đến nhà cư sĩ để hòa giải và tái hợp cho họ.

Do việc ấy, Đức Thế Tôn tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kiết giới cho các Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào cố tâm mai mối người nữ với người nam, mai mối người nam với người nữ, hoặc mai mối quả phụ với đàn ông góa vợ, cho đến hòa giải tái hợp, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Người nam có ba vợ: Một người do cướp được, người thứ hai do mua được, người thứ ba do kết duyên. Trong số ba người vợ ấy, nếu Tỳkheo nói với người chồng hãy gần gũi cùng với người vợ này, hoặc hòa giải khi vợ chồng họ gây lộn, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Tỳ-kheo nào thả súc sanh, cho con đực con cái hợp đôi, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc La-duyệt-kỳ.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Đạt-nị-ca – con của người thợ gốm – suy nghĩ: “Nghề gốm của ta không có ai sánh kịp. Ta lại mạnh khỏe. Trước đây ta làm nhà gỗ, vua A-xà-thế định bắt giết ta, ta sẽ làm nhà bằng đất nung và ở trong đó”.

Ông ta liền trộn bùn làm căn nhà lớn với các thứ như: cửa, khung cửa, xà ngang, cửa sổ, cột chống, giá phơi y… đều bằng đất nung. Tỳkheo ấy gom góp củi, cỏ, cành, lá, cỏ tranh, cỏ lau, nổi lửa nung căn nhà bằng đất. Ngọn lửa rất mạnh, người quanh vùng không ai không thấy.

Nung căn nhà đất nung xong, vị ấy đi du hành, khất thực trong sáu mươi ngày để có đồ đãi khi mời các Tỳ-kheo lúc vào nhà mới.

Thấy việc ấy, Phật biết nhưng vẫn bảo Tôn giả A-Nan:

– Ông hãy đem y đến đây. Ta muốn tới nơi ấy xem xét.

Đức Thế Tôn bèn dẫn A-Nan đến căn nhà đất nung của Tỳ-kheo Đạt-nị-ca. Trông thấy căn nhà có màu đỏ rực như lửa, Đức Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi A-Nan:

– Vật gì đỏ như đống lửa thế kia?

Tôn giả A-Nan liền bạch với Đức Thế Tôn đầy đủ việc ấy. Đức Thế Tôn bảo:

– A-Nan! Ông hãy đến phá căn nhà đất nung ấy. Vì sao? – Để người đời sau thấy ở trong pháp của Ta, lúc đầu không có ai làm nhà đất nung.

A-Nan liền đến phá căn nhà đất nung ấy.

Sau hai tháng du hành, Tỳ-kheo Đạt-nị trở về thành La-duyệt.

Trông thấy căn nhà đất nung bị phá, Đạt-nị liền nổi giận, hỏi Tỳ-kheo ở cạnh đó:

– Ai đến phá căn nhà đất nung này vậy?

Đáp:

– Đức Thế Tôn đến phá.

Đạt-nị nói:

– Nếu đúng là Đức Thế Tôn phá thì đành chịu.

Phật ở tại vườn Ni-câu-đà, thuộc thành Ca-duy-la-việt, nước Thích-ky-sấu.

Khi ấy, dòng họ Thích ở Ca-duy-la-việt vừa mới cất tòa nhà lớn. Tòa nhà ấy vừa cất xong không bao lâu, có kích thước không sai pháp, cửa hướng về phía Đông. Nghe tin Phật đã tới vườn Ni-câu-đà, những người dòng họ Thích ở Ca-duy-la-việt liền suy nghĩ: “Chúng ta vừa cất xong tòa nhà này cách đây không lâu, kích thước không sai pháp, cửa hướng về phía Đông, chưa có người ở. Sa-môn, Bà-la-môn và những người dòng họ Thích phải thỉnh Phật và chúng Tăng vào nhà ấy trước, cúng dường thức ăn uống rồi thỉnh Phật cùng Tăng nghỉ lại đó một đêm để được phước đức, lợi ích lớn”.

Lúc này, những người dòng họ Thích ra cửa phía Đông của thành Ca-tỳ-la-việt, đến vườn Ni-câu-đà. Khi đó, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho rất nhiều người đang vây quanh nghe. Thấy Đức Thế Tôn đang ngồi bên gốc cây, tướng hảo trang nghiêm không ai sánh bằng, thân như núi vàng, là vị thầy đứng đầu trời người, đủ ba mươi hai tướng trang nghiêm thân, những người dòng họ Thích đều xuống xe, xuống ngựa, tiến đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía.

Đức Thế Tôn thuyết pháp cho những người dòng họ Thích, khiến họ rất hoan hỷ. Sau khi thuyết pháp xong, Đức Thế Tôn im lặng. Những người dòng họ Thích đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Đức Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn! Chúng con đã xây một tòa nhà lớn ở Ca-duy-laviệt. Tòa nhà ấy vừa xây xong không bao lâu, có kích thước hợp pháp, cửa hướng về phương Đông nhưng chưa có người ở. Chúng Sa-môn, Bà-la-môn và những người dòng họ Thích cúi xin Đức Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến đó xem để chúng con được lợi ích lớn.

Đức Thế Tôn im lặng chấp nhận.

Thấy Đức Thế Tôn đã im lặng chấp nhận, những người họ Thích liền rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ sát đất, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đến tòa nhà mới cất, quét dọn, trải tọa cụ, dùng các thứ như đệm dệt bằng lông, thảm lông, vải bông – được trang trí bằng lông chim – trải lên đất, múc nước trong đổ đầy bình, lấy vải bông tẩm dầu sạch và tốt làm đuốc, đốt đèn rất sáng… Những việc cúng dường như vậy không thể kể hết.

Họ lại đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ, chấp tay bạch:

– Đồ cúng dường được sắp đặt xong, đã đến giờ, xin Đức Thế Tôn thọ nhận.

Sau khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn đắp y mang bát cùng chúng Tăng đến tòa nhà mới cất, rửa chân ở bên ngoài rồi vào bên trong, quan sát khắp giảng đường và đến ngồi trên tòa cao với dáng vẻ rất vui tươi.

Chúng Tăng cũng rửa chân rồi vào trong giảng đường, tuần tự ngồi ở vách phía Tây và xoay mặt về phía Đông.

Bấy giờ, những người dòng họ Thích cũng rửa chân ở bên ngoài, vào giảng đường, ngồi ở vách tường phía Đông và xoay mặt về phía Tây.

Ngay đêm ấy, khi thấy hội chúng đã ổn định, đức Đức Thế Tôn liền nói pháp cho những người dòng họ Thích. Sau khi dùng nhiều cách để nói pháp, Đức Thế Tôn bảo:

– Đã quá nửa đêm, các vị hãy nghỉ ngơi.

Những người họ Thích liền rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ đức Phật rồi đi ra.

Những người họ Thích đi được một lát, Đức Thế Tôn quán sát tâm các Tỳ-kheo và thấy cần phải bảo họ hãy giữ yên tĩnh, để nhập vào các Tam muội sâu xa vi diệu.

Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Mục-kiền-liên:

– Hãy bảo các Tỳ-kheo giữ yên tĩnh để Ta nhập vào các Tam muội sâu xa vi diệu. Thầy hãy nói pháp cho các Tỳ-kheo. Ta đang bị đau lưng, không thể nói pháp.

Vâng lời Phật dạy, Mục-kiền-liên nói với các Tỳ-kheo:

– Hãy giữ yên lặng để tĩnh tâm.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn xếp y thượng làm bốn lớp, trải lên giường, gối đầu trên Tăng-già-lê, nằm nghiêng qua hông phải như sư tử, hai đầu gối giáp nhau, chân duỗi thẳng, chú tâm nghĩ đến ánh sáng cho đến khi nào trời sáng.

Tôn giả Mục-kiền-liên bảo các Tỳ-kheo:

– Tôi sẽ giảng lại cho các thầy nghe pháp trước đây tôi đã từng được nghe Đức Thế Tôn giảng dạy. Đó là pháp không nghe và nghe, như là việc thực hành của Tỳ-kheo không nghe pháp, hoặc việc có thể thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.

Tỳ-kheo không nghe pháp thực hành như thế nào?

– Tỳ-kheo nào nếu mắt thấy sắc, suy nghĩ về sắc thì liền lệ thuộc vào sắc, không nghĩ cách giải thoát khỏi sắc, ý không chuyên chú, không chứng được trí tuệ giải thoát và như thật giải thoát, không hiểu rõ nơi phát sanh của các pháp ác nên chúng tồn tại không bị diệt, không thể đắc đươc quả Niết bàn Hữu-dư và Vô-dư. Đó là việc niệm về sắc, lệ thuộc sắc của Tỳ-kheo không nghe pháp.

Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, tâm xúc chạm pháp, hoặc nghĩ về các sắc pháp… thì bị lệ thuộc vào pháp, không nghĩ cách thoát khỏi sắc pháp, ý không chuyên nhất, không chứng được như thật giải thoát và trí tuệ giải thoát, không hiểu như thật về nơi phát sanh của các pháp ác, nên chúng không được diệt trừ, không đạt được Niết-bàn Hữu-dư và Vô-dư. Đó là việc sự lệ thuộc vào các pháp của Tỳ-kheo không nghe pháp.

Tỳ-kheo không nghe pháp thực hành như vậy sẽ bị ma tìm được chỗ sơ hở và làm hư hoại tâm ý. Nếu mắt thấy ma thì ma liền thấy được lỗi của mắt. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý thấy ma thì liền bị ma làm hại.

Này các Tỳ-kheo! Giống như có rừng tre, cỏ lau khô, nếu đập nát ra, dồn đống lại, rồi lấy lửa đốt bốn phía thì có thể cháy được không? – Cũng vậy, Tỳ-kheo ấy nếu mắt thấy ma thì liền bị ma phát hiện ra lỗi của mắt và làm hư hoại tâm ý. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng bị ma làm hại như vậy.

Tỳ-kheo này bị sắc điều khiển, không thể điều phục sắc, âm thanh, hương thơm, vị, sự tiếp xúc và pháp. Tỳ-kheo ấy bị pháp ấy điều khiển, không thể điều khiển pháp. Do bị sắc chế ngự, bị pháp chế ngự nên không thể điều khiển pháp ác. Do không thể điều khiển pháp ác nên làm cho các kiết sử sanh khởi và lớn mạnh, phải chịu khổ sanh – già – bệnh – chết ở đời sau.

Đó là sự thực hành của Tỳ-kheo không nghe pháp.

Sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp xảy ra thế nào?

– Tỳ-kheo này mắt thấy sắc, nghĩ về sắc, nhưng không chấp thủ sắc. Không nghĩ đến sắc thì sắc lìa khỏi tâm, ý được chuyên chú, được ý giải thoát (chỉ) và trí tuệ giải thoát (quán), biết như thật về nơi phát sanh của các pháp ác nên chúng bị diệt mất, không phát sanh, đạt được Niếtbàn Hữu-dư và Vô-dư. Đó là sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.

Mắt thấy sắc nhưng không bị đắm nhiễm, không bị lệ thuộc vào âm thanh, hương thơm, vị ngon, sự tiếp xúc và pháp; nghĩ về sắc pháp nhưng không bị lệ thuộc; không nghĩ về sắc pháp thì lìa sắc pháp, tâm được chuyên chú, đạt được ý giải thoát, trí tuệ giải thoát, biết như thật về nơi pháp ác sanh khởi nên chúng liền diệt mất, không phát sanh, đạt được Niết-bàn Hữu-dư và Vô dư. Đó là sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.

Tỳ-kheo nào thực hành như vậy thì ở bất cứ nơi đâu cũng không bị ma khống chế và không bị phá hoại.

Giống như có người cất nhà bằng đá, lại lấy bùn trét khắp bốn phía, nếu cầm ngọn đuốc để thiêu đốt thì không thể thiêu đốt được. Cũng vậy, Tỳ-kheo này ở bất cứ nơi nào, khi mắt thấy ma, ma không thể làm hại. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với ma cũng không bị ma làm hại. Tỳ-kheo này có thể điều khiển sắc, không bị sắc điều khiển. Cũng vậy, đối với âm thanh, hương thơm, vị ngon, sự tiếp xúc và pháp, Tỳ-kheo này có thể điều khiển pháp, không bị pháp điều khiển, không tạo ra pháp ác ở đời sau, các kiết sử bị tan rã, sanh lão bệnh tử bị dứt trừ. Đó là sự thực hành của Tỳ-kheo có nghe pháp.

Lúc ấy, từ trạng thái nằm, Đức Thế Tôn ngồi dậy, ngồi kiết-già, lưng đã bớt đau. Đức Thế Tôn bảo tôn giả Mục-kiền-liên:

– Vừa rồi ông đã nói cho các Tỳ-kheo nghe “pháp không nghe và nghe”, phải không?

Đáp:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn.

Đức Thế Tôn khen Mục-kiền-liên:

– Lành thay! Lành thay, Mục-liên! Ông phải thường thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, đừng để gián đoạn.

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

– Hãy thực hành và tụng đọc pháp “không nghe và nghe” này, và phải diễn giảng cho chư thiên và người đời nghe ý nghĩa của pháp ấy.

Vì Tỳ-kheo Đạt-nị, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các trưởng giả họ Thích còn cất giảng đường có kích thước hợp pháp, cửa chính quay về hướng Đông. Người đời còn vậy, huống là Đạtnị, ở trong pháp của Ta, không được phép mà lại xây cất nhà bằng đất nung.

Do việc ấy và muốn có đầy đủ mười công đức, Đức Thế Tôn liền kết giới cho các Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào tự ý làm nhà bằng đất nung như Đạt-nị, phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Tự làm, nhà do mình làm chủ thì phải đúng lượng.

Hạn lượng của nhà ấy là: Dài mười hai khuỷu tay (một khuỷu tay bằng một gang tay của Như Lai). Rộng bảy khuỷu tay. Khi làm, cần phải mời Tỳ-kheo biết pháp đến. Tỳ-kheo biết pháp cần phải dùng pháp để đo lường, không được đo lường với tâm dâm, nộ, si. Nếu đo lường với tâm dâm, nộ, si thì không được làm nhà.

Tỳ-kheo nào tự tìm xin tiền, vật liệu… để cất thất; tự làm nhà do mình, tự làm chủ, không mời Tỳ-kheo biết pháp đến, lại làm quá hạn lượng, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

(Phần trên là tự làm, phần dưới là lời ngăn chặn những việc phi kinh luật).

Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc La-duyệt-kỳ.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo Ma Ha La (không hiểu biết) chặt cây bạch dương lớn ở ngả tư đường để làm giảng đường. Vị thần sống ở cây ấy cõng con trai, con gái cả thảy ba người đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ sát đất, đứng qua một phía, bạch Đức Thế Tôn:

– Ở chỗ Đức Thế Tôn có Tỳ-kheo Ma Ha La đã chặt cây lớn ở ngả tư đường. Cây ấy là nhà của chúng con. Bây giờ sắp đến mùa lạnh, lá cây trong vườn Trúc rụng hết, những đứa con này sẽ sống ở đâu?

Đức Thế Tôn dùng tâm từ bi bảo một vị trời dẫn gia đình vị thần cây ấy đến nơi an ổn thích hợp để họ sống qua mùa lạnh. Người dân nước ấy không ai là không biết và đều truyền miệng với nhau là Tỳkheo Ma Ha La đã chặt cây lớn ở ngả tư đường để làm nhà lớn. Nghe vậy, các trưởng giả đều chê trách việc làm của Tỳ-kheo ấy:

– Các Tỳ-kheo Thích tử đều tự nói là tinh tấn, không quấy nhiễu người. Vậy mà đã chặt cây bạch dương lớn đó để làm giảng đường, chẳng khác gì người thế tục chúng ta.

Nghe lời nói không hay ấy, các Sa-môn đầu-đà đến bạch với Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết nhưng vẫn hỏi Tỳ-kheo Ma Ha La:

– Có thật ông đã chặt cây ấy không?

Tỳ-kheo này bên trong thì hổ thẹn, bên ngoài thì ngượng ngùng, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Thế Tôn:

– Đúng vậy, thưa Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo:

– Ông là Tỳ-kheo, phải luôn luôn có lòng từ. Vậy vì sao lại chặt cây lớn có thần sống ở ngả tư đường để làm giảng đường?

Đức Thế Tôn dùng nhiều cách để quở trách, dạy dỗ Tỳ-kheo ấy rồi tập hợp chúng Tăng, vì muốn đủ mười công đức nên kết giới cho các Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào không biết gì mà xây cất giảng đường lớn, phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Nếu muốn xây cất giảng đường thì phải mời Tỳkheo biết pháp và mời đàn-việt đến. Tỳ-kheo biết pháp phải tới nói rõ kích thước, đừng cho tăng giảm. Nếu Tỳ-kheo không biết gì mà làm nhà lớn, không mời Tỳ-kheo biết pháp và đàn-việt mà tự ý làm, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

(Kích thước tùy theo đàn-việt)

Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt-kì.

Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la bảo người đánh xe:

– Khanh hãy chuẩn bị xe ngựa báu. Ta muốn đến chỗ Đức Thế Tôn để đảnh lễ Ngài.

Người đánh xe liền chuẩn bị xe ngựa rồi đến tâu vua:

– Xe đã được chuẩn bị xong.

Vua Tần-bà-sa-la liền đi xe báu ra khỏi thành La-duyệt, đến núi Kỳ-xà-quật. Khi tới chỗ đức Thế Tôn, nhà vua xuống xe và đi lên núi, tháo bỏ năm việc tiêu biểu của vua Sát-lợi: Tháo kiếm, hạ lọng, cởi mũ ngọc châu, bỏ phất trần có chuôi bằng ngọc, cởi đôi giày nạm vàng, bỏ tùy tùng lại, chỉ dẫn theo vài người đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Đức Phật rồi ngồi qua một phía.

Những người đi theo vua, có người lạy Phật, có người vái chào, có người chấp tay cung kính, có người đứng chiêm ngưỡng Phật.

Khi đó, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho vua nghe. Mọi người im lặng không có một tiếng động. Nghe Phật thuyết pháp xong, vua Tầnbà-sa-la liền đứng dậy, quỳ gối phải sát đất, bày vai phải, chấp tay bạch Phật:

– Ngày mai con sẽ chuẩn bị ít thức ăn thanh tịnh, cúi xin Đức Thế Tôn và chúng Tăng đến thọ nhận.

Đức Thế Tôn im lặng trong giây lát để nhận lời thỉnh của vua Tần-bà-sa-la.

Thấy Đức Thế Tôn im lặng chấp nhận, vua liền đứng dậy, đảnh lễ sát đất, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi đi ra.

Về đến cung, ngay đêm ấy, vua cho chuẩn bị đầy đủ thức ăn uống, tọa cụ tốt rồi bảo cận thần:

– Khanh hãy tới chỗ Thế Tôn, nhân danh ta thăm hỏi Đức Thế Tôn rồi thưa: “Thức ăn uống đã được chuẩn bị xong. Xin thỉnh Đức Thế Tôn và đại chúng đến”.

Vâng lệnh vua, vị quan ấy liền tới chỗ Phật, đảnh lễ sát đất, bạch Thế Tôn:

– Thức ăn uống đã được chuẩn bị xong. Xin thỉnh Đức Thế Tôn đến thọ nhận.

Đức Thế Tôn liền đắp y mang bát, cùng chúng Tăng đến cung vua, ngồi theo thứ lớp. Thấy Phật và chúng Tăng đã ngồi yên, vua Tầnbà-sa-la tự đi rót nước, kế đó dâng các thức ăn uống và tự tay sớt đồ ăn, không chút mệt nhọc.

Sau khi đại chúng thọ thực xong, vua ngồi qua một bên trong chốc lát rồi đứng dậy chấp tay bạch Thế Tôn:

– Xin Phật và chúng Tăng nhận sự cúng dường của con trong cả kỳ kết-hạ này. Ở thành La-duyệt-kỳ chúng con sẽ cất cho Đức Thế Tôn một giảng đường có kích thước đúng pháp, cửa xoay về hướng Đông, vách phía Tây có cánh cửa lớn, kín đáo, ngay thẳng. Lại cất năm trăm phòng cho chúng Tăng, cung cấp năm trăm giường, năm trăm chiếu, năm trăm gối đầu… Các vật được dâng cúng đều là loại tốt, như lúa gạo thơm, thuốc trị bệnh trong kho của vua. Tất cả đều được dâng cúng cho Phật và Tăng.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói lời chúc phúc cho nhà vua:

– Phạm chí thờ lửa (Suốt cả cuộc đời không tìm cầu nơi người khác)

Không để cho tắt (Lửa là cửa cổng là phương hướng, là mặt trước, là đầu)

Bốn bộ sách Phạm
Đứng đầu các sách
Trong các người dân
Vua là đứng đầu.
Trong các sông suối
Biển là rộng nhất
Sao trên hư không
Mặt trăng đứng đầu.
Trong các sức nóng
Mặt trời hơn hết
Bốn phương trên dưới
Cùng khắp mọi phương
Tất cả Trời, người
Phật là đứng đầu.

Sau khi chúc phúc xong, Đức Thế Tôn trở về. Nhân việc ấy, Đức Thế Tôn tập hợp chúng Tăng hòa hợp dạy:

– Này các Tỳ-kheo! Vua là người đứng đầu tất cả, cai trị một vùng rộng lớn, lo làm việc nước, có thế lực lớn, còn không dám chặt cây có thần cư ngụ ở ngả tư đường để làm giảng đường, chỉ làm giảng đường không quá lượng, đúng kích thước, cửa nằm ở hướng Đông, vách chắn ở phía Tây, có cửa sổ và cửa chính ngay ngắn. Vậy, vì sao Tỳ-kheo lại làm nhà không đúng lượng?

Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc La-duyệt-kỳ.

Lúc ấy, tôn giả Đà-phiêu-mạt-lộ-tử coi việc phân chia nơi chốn thọ thực ở thành Vương-xá, coi việc phân chia giường nằm, phân phát thức ăn cho các Tỳ-kheo, không phân biệt thân quen hay xa lạ, không chọn tốt xấu, không lo sợ, không nghi ngờ, không trái thứ lớp, trên dưới, trước sau.

Có một Tỳ-kheo tên Mật-đố-lộ-địa, theo thứ lớp được phân đến nhà nghèo thọ thực. Tỳ-kheo ấy phải ăn thức ăn dở nên suy nghĩ: “Ta bị khổ sở, bị tai nạn, bị khốn đốn vì bị Mạt-lộ-tử phân cho ta đi nhận thức ăn dở. Ta phải làm gì để trả oán này? Ta phải tìm cách hủy báng ông ta bằng pháp Ba-la-di không có căn cứ”.

Tỳ-kheo đó có người em là Tỳ-kheo ni Mật-đố-lộ (họ). Khi Tỳkheo ni đến chỗ Tỳ-kheo ấy đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía. Tỳ-kheo ấy không thèm nói chuyện, không mời ngồi. Tỳ-kheo ni liền suy nghĩ: “Ta không xâm phạm thầy ấy, không gây sự, không có lỗi gì. Vậy mà hôm nay thầy ấy không nói chuyện với ta, không mời ta ngồi”.

Tỳ-kheo Mật-đố-lộ-địa nói:

– Này cô! Cô không biết sao? Tôi đã bị Mạt-lộ-tử bắt nhận thức ăn dở để xúc phạm. Vậy mà cô không giúp đỡ, thế nên, tôi không nói chuyện với cô, không mời cô ngồi.

Tỳ-kheo ni đáp:

– Tôi phải làm sao?

Tỳ-kheo ấy nói:

– Cô phải đến chỗ Đức Thế Tôn nói: “Thưa đức Thế Tôn! Ở đây có gì là bình đẳng, có gì là đáng quý? Đà-phiêu-mạt-lộ-tử đã cùng con làm hạnh bất tịnh, phạm Ba-la-di”.

Tỳ-kheo ni đáp:

– Làm sao tôi phải hủy báng vị Tỳ-kheo thật sự thanh tịnh bằng pháp Ba-la-di không có căn cứ?

Tỳ-kheo đáp:

– Nếu cô không đến bạch với Phật, tôi sẽ không ngồi nói chuyện với cô.

Tỳ-kheo ni đáp:

– Có thể nói lời ấy nhưng thật khó có cơ hội.

Tỳ-kheo đáp:

– Cô từ từ đến sau, để chúng tôi tới chỗ Đức Phật trước, sau đó cô mới đến.

Tỳ-kheo Mật-đố-lộ-địa bèn đến chỗ Phật đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Được một lát thì Tỳ-kheo ni đến đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một phía, bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn! Ở đây có gì bình đẳng, có gì đáng quý! Tỳ-kheo Đà-phiêu đã cùng con làm việc bất tịnh, phạm Ba-la-di.

Tỳ-kheo kia đồng tình bạch Thế Tôn:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Đúng như lời Tỳ-kheo ni nói, chúng con đều biết hết.

Lúc này, tôn giả Đà-phiêu đang cầm phất trần phất qua phất lại sau lưng Thế Tôn. Đức Thế Tôn quay lại hỏi Tỳ-kheo Đà-phiêu:

– Ông có gì để nói không? Tỳ-kheo ni Mật-đố-lộ đã nói: “Có gì bình đẳng, có gì đáng quý! Tỳ-kheo Đà-phiêu đã cùng con làm việc bất tịnh, phạm Ba-la-di”.

Tỳ-kheo Đà-phiêu bạch:

– Việc ấy chỉ có Như Lai biết, chỉ có Đức Thế Tôn biết.

Đức Thế Tôn bảo:

– Này Đà-phiêu! Ông không nên lấy ta làm chứng. Không nên nói chỉ có Như Lai biết, chỉ có Đức Thế Tôn biết. Nếu ông nhớ là có làm thì nói là đã làm, nếu nhớ không có làm thì nói là không có làm.

Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

– Con không nhớ, thưa Thế Tôn. Con không nhớ, thưa Như Lai.

Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo:

– Theo lời bạch của Tỳ-kheo Đà-phiêu và theo lời thưa của Tỳkheo ni Mật-đố-lộ, nếu đúng như vậy, phạm Ba-la-di.

Nói xong, Đức Thế Tôn đứng dậy, trở vào tĩnh thất.

Đức Thế Tôn vừa đi được một lát, các Tỳ-kheo liền gạn hỏi Tỳkheo ni Mật-đố-lộ, gạn hỏi luôn Tỳ-kheo đồng tình:

– Các vị có thấy lỗi của Tỳ-kheo Đà-phiêu không? Thấy lúc nào? Thấy làm sao? Nghe theo ai mà nói thấy?

Các Tỳ-kheo liên tục quở trách và hỏi rõ sự thật. Tỳ-kheo đã đồng tình đáp:

– Do giận dữ, ngu si nên chúng tôi nói vậy. Thật sự phạm hạnh của

Tỳ-kheo Đà-phiêu hoàn toàn thanh tịnh.

Các Tỳ-kheo nói:

– Vì sao các ông đem ý giận dữ, ngu si phỉ báng vị ấy, rồi bây giờ lại nói Tỳ-kheo ấy thanh tịnh?

Họ trách Tỳ-kheo đồng tình bằng lời như vậy đến ba lần.

(Các Tỳ-kheo kia liền thuật lại sự việc như sau:)

Nghe như vầy: Một thời Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt-kỳ.

Bấy giờ, tôn giả Đà-phiêu giữ nhiệm vụ phân chia cơm và ghế ngồi, giường chiếu cho các Tỳ-kheo. Vị ấy không có ý riêng tư, không giận dữ, không ngu si, phân chia theo thứ lớp từ trên xuống dưới, hoặc từ dưới lên trên không trái oai nghi.

Lúc ấy, có Tỳ-kheo được phân trúng nhà nghèo khổ, phải nhận thức ăn dở, liền nghĩ: “Ta thật khổ sở, thật nguy ách. Tỳ-kheo Đà-phiêu đã gây cho ta nỗi khổ này. Ta phải cho ông ấy phạm tội Ba-la-di không có căn cứ”.

Thưa các thầy, vì lý do đó, vì giận dữ, si mê nên chúng tôi đã nói lời như vậy. Thật ra, phạm hạnh của Tỳ-kheo Đà-phiêu hoàn toàn thanh tịnh.

Khi đó, Đức Thế Tôn từ tĩnh thất trở lại giảng đường, ngồi trước các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo chấp tay bạch Phật:

– Lúc nãy, khi Như Lai vào trong thất được một lát, chúng con gạn hỏi Tỳ-kheo Mật-đố-lộ-địa: “Các ông thấy làm sao? Thấy lúc nào? Nghe theo ai mà nói là thấy?” thì Mật-đố-lộ-địa nói là do giận dữ ngu si nên nói lời ấy.

Đức Thế Tôn bảo:

– Vì sao vậy, các Tỳ-kheo? Chẳng phải Ta đã từng nói nghĩa này sao? Lời bạch của Tỳ-kheo Đà-phiêu và lời Tỳ-kheo ni Mật-đố-lộ tự nói, nếu đúng như vậy, phạm Ba-la-di.

Nhơn việc này và để đầy đủ mười công đức, Đức Phật liền kết giới cho các Sa-môn:

– Tỳ-kheo nào vì giận dữ, ganh ghét nên đối với Tỳ-kheo thanh tịnh không phạm Ba-la-di lại phỉ báng bằng pháp Ba-la-di không căn cứ để hủy hoại phạm hạnh của vị ấy. Về sau, khi bị gạn hỏi nhiều lần, việc ấy được biết là không có căn cứ, Tỳ-kheo đã hủy báng không chịu hối cải phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, tôn giả Đà-phiêu cư trú trong thất bằng đá. Các Tỳ-kheo thay nhau theo thứ lớp giáo huấn Tỳ-kheo ni. Lúc đó đến lượt Tỳ-kheo Đà-phiêu phải giáo huấn Tỳ-kheo ni. Các Tỳ-kheo ni đến chỗ Tỳ-kheo Đà-phiêu. Do việc thù oán về thức ăn uống trước đây, các Tỳ-kheo đồng tình của Tỳ-kheo Mật-đố-lộ-địa thường rình tìm lỗi lầm của Tỳkheo Đà-phiêu. Họ ngồi rình ở hốc đá trong tịnh thất. Trông thấy các Tỳ-kheo ni ra vào căn thất bằng đá, các Tỳ-kheo ấy nghĩ: “Các Tỳkheo ni này chợt ra chợt vào, chắc chắn là Tỳ-kheo Đà-phiêu đã níu kéo và nói chuyện riêng tư với các cô ấy”.

Họ cùng nói với nhau: “Chắc chắn như vậy, không còn nghi ngờ”, và lập tức thông báo với các Tỳ-kheo về việc kia. Nghe lời này, các Tỳkheo khờ khạo liền tin ngay. Các Tỳ-kheo đầu-đà nghe việc ấy xong đều không vui, liền đến bạch đầy đủ với Thế Tôn. Do việc ấy, Đức Thế Tôn liền tập hợp chúng Tăng hòa hợp đủ mười công đức để kiết giới cho các Tỳ-kheo:

Tỳ-kheo nào vì giận hờn, ganh ghét đối với Tỳ-kheo thanh tịnh, lại vu khống đã phạm hạnh bất tịnh, rình tìm từng lỗi nhỏ, không phạm Ba-la-di lại nói là phạm Ba-la-di. Về sau, khi bị gạn hỏi nhiều lần mà hối hận lại thì tốt, nếu không hối hận lại cố rình tìm những lỗi nhỏ khác để diễn thành lỗi lớn, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành La-duyệt.

Vào sáng sớm, tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên đắp y mang bát đi từ núi Kỳ-xà-quật vào thành La-duyệt để khất thực. Trên đường chợt gặp mưa lớn, họ liền vào hang đá tránh mưa. Có một cô gái chăn bò đã vào trong ấy tránh mưa từ trước, nằm mộng xuất tinh. Thấy vậy, Tôn giả liền đi ra.

Thấy hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi ra, Tỳ-kheo Cù-bà-ly – đệ tử của Điều-đạt – liền vào hang đá và thấy người nữ, liền suy nghĩ: “Chắc chắn Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã làm việc bất tịnh với cô gái này”.

Cù-bà-ly liền vào thành nói với các Tỳ-kheo:

– Các thầy thường nói hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là thanh tịnh, nay họ đã làm nhơ hạnh thanh tịnh ấy. Vừa rồi, tôi đã thấy rõ việc này.

Các Tỳ-kheo không biết trả lời thế nào liền đến bạch Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo:

– Kẻ ngu si này phạm tội rất nặng, đã vu khống Tỳ-kheo thanh tịnh bằng pháp Ba-la-di không có căn cứ. Kẻ ngu si này sẽ phải đọa địa ngục, chịu khổ trong thời gian lâu dài.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Cù-ba-ly đến chỗ Phật, đảnh lễ sát đất rồi ngồi qua một phía. Đức Thế Tôn bảo Cù-bà-ly:

– Này Tỳ-kheo Cù-bà-ly! Ông phải lập tức sám hối với hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao? Vì các thầy ấy đầy đủ phạm hạnh.

Cù-bà-ly bạch Phật:

– Con biết Như Lai tin người ấy thanh tịnh, nhưng chính mắt con thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm việc xấu.

Đức Thế Tôn lại bảo Cù-bà-ly:

– Này Cù-bà-ly! Ông phải lập tức sám hối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao? Vì các thầy ấy đầy đủ phạm hạnh.

Cù-bà-ly bạch Phật:

– Con biết Như Lai tin Xá-lợi-phất…. nhưng chính mắt con thấy hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm việc xấu.

Phật lại nói với Cù-bà-ly lần thứ ba:

– Ông phải sám hối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Vì sao?

– Vì các thầy ấy hoàn toàn đầy đủ phạm hạnh.

Tỳ-kheo Cù-bà-ly lại bạch Phật:

– Con biết Như Lai tin các thầy ấy trong sạch, nhưng chính mắt con đã thấy hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên làm ác.

Phật nói ba lần, Tỳ-kheo Cù-bà-ly vẫn không nghe và lập tức đứng dậy bỏ đi.

Sau khi đi không được bao lâu, khắp thân thể ông ta liền sanh mụt ghẻ giống như hạt cải. Mụt ấy lớn dần lên như hạt đậu ve, như hạt đậu nành, rồi lớn như hạt đậu thư (giống hạt táo), rồi lớn như quả A-ma-lặc, rồi như quả Lặc-lộ, rồi thối rữa, vỡ tung, máu mủ tuôn tràn khắp thân thể.

Ngay đêm ấy, Tỳ-kheo Cù-bà-ly qua đời, bị đọa vào địa ngục Bàđàm-mộ. Cũng vào đêm ấy, có một vị trời đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát đất rồi đứng qua một phía, bạch Thế Tôn:

– Tỳ-kheo Cù-bà-ly khởi ý ác, vu khống hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vi phạm hạnh thanh tịnh nên bị đọa vào địa ngục Bàđàm-mộ.

Sau khi bạch xong, vị trời ấy đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi trở về cõi trời.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Đêm qua có một vị trời đến chỗ Ta, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía, bạch với Ta: “Tỳ-kheo Cù-bà-ly khởi ý ác, phỉ báng hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vi phạm hạnh thanh tịnh nên chết bị đọa vào địa ngục Bà-đàm-mộ. Tỳ-kheo ấy chỉ nhân việc nhỏ mà phỉ báng các Tỳ-kheo có phạm hạnh thanh tịnh. Tỳ-kheo nào phỉ báng như vậy, phạm Tăng-già-bà-thi-sa.

Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

– Các vị có muốn nghe tuổi thọ của chúng sanh ở địa ngục lớn Bàđàm-mộ dài ngắn thế nào không?

Các Tỳ-kheo đáp:

– Xin Đức Thế Tôn hãy nói về địa ngục lớn Bà-đàm-mộ, ngay lúc này là đúng thời. Nghe xong, các Tỳ-kheo sẽ ghi nhớ phụng hành.

Đức Thế Tôn nói:

– Này các Tỳ-kheo! Ví như cái đấu rất lớn có sức chứa mười hai hộc, được đựng đầy hạt mè đến nỗi vun thành ngọn. Có người cứ một trăm năm đến lấy một hạt mè, này các Tỳ-kheo, thời gian mà người ấy lấy hết số hạt mè trong đấu ấy còn có thể tính biết được, tuổi thọ của người ở trong địa ngục A-phù thì không thể tính được. Như hai mươi lần tuổi thọ ở địa ngục Vô-thật không bằng một tuổi thọ của địa ngục Không-vô-thật. Hai mươi địa ngục Không-vô-thật không bằng một địa ngục Kêu gào. Hai mươi địa ngục Kêu gào không bằng một địa ngục Sử-hà. Hai mươi địa ngục Sử-hà không bằng một địa ngục Tu-càn-đề. Hai mươi địa ngục Tu-càn-đề không bằng một địa ngục Ma-đầu. Hai mươi địa ngục Ma-đầu không bằng một địa ngục Ưu-ba-la. Hai mươi địa ngục Ưu-ba-la không bằng một địa ngục Câu-vật-đầu. Hai mươi địa ngục Câu-vật-đầu không bằng một địa ngục Phân-đà-ly. Hai mươi địa ngục Phân-đà-ly không bằng một địa ngục Bà-đàm-mộ.

Tỳ-kheo Cù-bà-ly – đệ tử của Điều-đạt – sanh vào địa ngục này vì tội phỉ báng hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10