KINH ĐẠI VÂN VÔ TƯỞNG
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương Châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Bấy giờ, trong chúng hội có một Phạm chí tên Trực Đạo, từ tòa ngồi đứng dậy, lấy làm kinh ngạc, giơ tay nói:

–Đại chúng đã biết tất cả, Sa-môn Cù-đàm là người đại vọng ngữ. Trước đây Ông ta thường nói: “Gây ra tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp, hủy phá Thánh nhân, lạm dụng vật của pháp Phật cùng Chiêu-đề-tăng, phạm bốn trọng cấm, làm ô uế Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, tà kiến mười hạng người ấy là mầm của địa ngục, hiện tại không thể đoạn dứt sự ràng buộc ở cõi Dục, chứng quả Sa-môn, không thể làm tăng trưởng chánh pháp vô thượng”. Thế mà nay lại nói là: “Họ có tâm chánh tín, sám hối những lỗi lầm trước đã gây ra, tội được diệt trừ, lại có khả năng làm tăng trưởng chánh pháp của Như Lai”. Người không tin gọi là người của địa ngục, người có chánh tín gọi là như pháp trụ.

Vì sao Cù-đàm nói hai thứ như thế?: “Ai tin pháp Ta, gọi là chánh kiến. Ai không tin pháp Ta, gọi là tà kiến?”.

Sa-môn Cù-đàm không chịu xét những lời trước đã nói lại nói những lời như vậy, sao gọi là Nhất thiết trí được? Sa-môn Cù-đàm chẳng phải là Nhất thiết trí, chẳng phải là Nhất thiết kiến. Nói Nhất thiết kiến, các ngoại đạo cũng nói như vầy: “Ta là Nhất thiết trí, ta là Nhất thiết kiến. Tin đạo ta gọi là chánh kiến, tin theo Cù-đàm gọi là tà kiến”.

Hai cách nói như vậy có gì khác đâu? Nếu không khác sao lại phân biệt có chánh có tà?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng:

–Này thiện nam! Ông hãy lắng nghe. Tất cả chúng sinh bị bốn thứ điên đảo trói buộc, lại có bốn pháp không đầy đủ, đó là: giới, kiến, oai nghi, chánh mạng. Nhân nơi tám pháp này nên có thể khiến cho chúng sinh đi vào nơi chốn tối tăm u ám, không thể phân biệt được tà với chánh, pháp với phi pháp.

Này thiện nam! Phạm chí Trực Đạo này ở giữa đại chúng, lấy làm kinh ngạc, giơ tay nói: “Sa-môn Cù-đàm nói lời hư vọng”. Lời nói này là hư giả. Này thiện nam! Tất cả pháp đều hư giả, Như Lai đã có thể nêu bày, vì thế Như Lai không là vọng ngữ. Tất cả các pháp là không tánh, không định, không thể, không duyên, không thể nói một cách quyết định, trống rỗng, không xuất, không diệt, không gọi là vật, không có tịnh cùng bất tịnh, như mộng như huyễn, như bóng trăng dưới nước, như sóng nắng, như âm hưởng của tiếng kêu, như thành Cànthát-bà, như lông rùa, sừng thỏ, như thể của tham sân si, không có chân thật, do nhân giác quán sai lầm mà phát sinh ra, xưa không nay có, từ có trở về không.

Này thiện nam! Tất cả chúng sinh không nhận biết tướng ấy nên mới nói: “Sa-môn Cù-đàm nói hai cách, hư vọng mà nói”.

Như Lai tuy nói mười loại chúng sinh, người có lòng tin thì có khả năng trừ diệt các tội, kẻ không sinh lòng tin thì nhập vào địa ngục.

Này thiện nam! Nếu người nào có tội, có khả năng quán pháp tướng như vậy thì họ được gọi là người có lòng tin, có khả năng trừ diệt các tội. Nếu ai không thể quán như vậy thì gọi là người không có lòng tin, là người của địa ngục.

Này thiện nam! Có pháp môn Đà-la-ni Sư tử hống nơi bậc trí vô thượng hồi phục nhẫn Vô sinh, vô biên thần túc, nếu có Đại Bồ-tát thành tựu đầy đủ Đà-la-ni nầy, ở giữa chúng hội tuyên nói một kệ thì có khả năng diệt trừ tất cả tà kiến, phá tâm và tâm số pháp điên đảo, lìa tất cả nghi, có thể diệt trừ tham, sân, si.

Này thiện nam! Nếu có người tạo đủ vô lượng tội, nghe pháp môn tổng trì này, trong vòng bảy ngày, chí tâm niệm Phật, không niệm tất cả việc của thế gian, các kiết sử phiền não, thì người ấy liền thấy tất cả ấm, giới, nhập nơi ba đời trong ba cõi, giống như gió lớn. Người đó khi ấy tâm như gió quán tất cả pháp ấm, giới, nhập nơi ba đời trong ba cõi đều không có chỗ nào vướng mắc, không thể tuyên nói. Đây gọi là người không vướng mắc nơi các ấm, giới, nhập của ba cõi. Khi quán như vậy, ở trong ba cõi, không gọi là thanh tịnh, không gọi là bất tịnh, không gọi là giải thoát, không gọi là trói buộc, không gọi là đây, không gọi là kia, không gọi là phàm phu, không gọi là Thánh nhân, không gọi là đi, không gọi là trụ. Người này không bị rối loạn mê hoặc do pháp của hàng phàm phu, dứt mọi tưởng chấp, mọi điên đảo nơi tâm, nơi nhận thức, thấy năm dục lạc như gió, như hư không. Tuy theo pháp thế gian nói có năm dục nhưng trong tâm đều không bị nhiễm vướng, không sinh, không diệt lại có khả năng đoạn trừ tất cả pháp ác.

Như trước Ta đã nói, đây là mười loại chúng sinh.

Này thiện nam! Do không hiểu nên Phạm chí này nói: “Sa-môn Cù-đàm nói hai loại, nói những lời hư vọng”.

Này thiện nam! Nếu ai có khả năng quán pháp tướng này thì người ấy liền chứng đắc pháp nhẫn Vô sinh. Nếu ai đạt được nhẫn này thì nên biết người ấy chắc chắn thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Nếu có thiện nam, thiện nữ nào đạt được pháp môn Đà-la-ni này, tâm vui mừng tán thán, nhớ ơn Tam bảo, hết lòng cúng dường thì người ấy sẽ được tất cả hàng trời, người cúng dường, cũng được hàng trời, người, bốn đại Thiên vương ủng hộ. Mặc dù chưa được giải thoát, nhưng cũng có khả năng trừ diệt tất cả trọng tội, nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng, pháp chướng, thậm chí ngay trong giấc mộng cũng không đánh mất tâm Bồ-đề, đạt được đầy đủ bốn trí vô ngại, không bị cấu nhiễm theo pháp thế gian, giống như hoa sen, lìa mọi sợ hãi, đại oán, bốn ma không thể tạo ác, có khả năng làm tăng trưởng pháp thiện. Hễ người ấy nói gì, mọi người đều ưa thích nghe nhận, ai thấy liền sinh lòng thương mến, được thương mến thì có thể được cứu giúp, xa lìa tà thư, không thân với bạn ác, thân không mang bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh, có khả năng cứu giúp mọi khổ hoạn của chúng sinh, thường ban phát cho họ mọi sự an lạc, tùy ý thọ sinh, các căn hoàn bị, đủ bốn tâm vô lượng, không gì có thể lay chuyển. Thấy những người sợ hãi, tâm khởi thương xót nghĩ đến như cha mẹ, thường được muôn loài ưa nhìn thương mến, tuy không tham lợi nhưng được mọi người cúng dường, xa lìa năm thứ che ngăn, luôn thuận theo pháp thiện. Nếu theo nhân duyên bất thường tạm thời ngủ nghỉ, thì ngay trong giấc mộng tức thấy Như Lai cùng chư Bồ-tát trong mười phương.

Bồ-tát như vậy ban đầu chưa nghe pháp, thảy đều được nghe, phân biệt pháp mười thiện với pháp mười ác, chỉ bày mọi khổ não của sinh tử, mở ra phương tiện lớn, nói giới Bồ-tát. Khi nghe pháp rồi, sinh tâm mừng vui, tin tưởng. Do nhân duyên này nên khi chết, tâm không thoái chuyển, không sinh sợ hãi, được thấy chư Phật trong mười phương, nói lời không sai lầm, xả bỏ thân mạng liền được sinh vào cõi tịnh diệu, thấy Phật, nghe pháp, thường thân gần Phật, tu năm thần thông, sự tu tập tự nhiên sinh khởi, không do người khác mà đạt được, thường được hóa sinh, không do ba ác, luôn được thấy Phật, ưa nghe chánh pháp, cúng dường chúng Tăng. Vì sao? Này thiện nam! Vì pháp môn Đà-la-ni này là do tất cả chư Phật ở quá khứ, vì muốn diệt trừ tội chướng của chúng sinh trong đời xấu ác nên đã nói ra. Chư Phật quá khứ đều thấu rõ một cách rõ ràng các chúng sinh ác ở đời vị lai không hay thân gần các tri thức thiện, xa lìa chánh đạo, đi trong tối tăm, tu tập tà kiến, thường bám giữ trong trọng bệnh phiền não, bỏ đạo Bồ-đề. Do nhân duyên ấy, chư Phật quá khứ đều cùng diễn nói Đà-la-ni này.

Này thiện nam! Hoặc có mười phương chư Phật nơi hiện tại cũng cùng nhau diễn nói Đà-la-ni này. Hoặc mười phương chư Phật nơi vị lai cũng cùng tuyên nói Đà-la-ni này. Tất cả đều vì muốn diệt trừ tội nghịch của Phạm chí Trực Đạo.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Phạm chí Trực Đạo:

–Này thiện nam! Ông nói thân năm đại của chúng sinh, dó là năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới. Từ trong năm ấm này cho đến mười tám giới, chúng sinh điên đảo sinh khởi ngã tưởng. Do nơi ngã tưởng mà lưu chuyển trong sinh tử, giống như bánh xe. Vì nhân duyên bốn điên đảo ấy, chúng sinh sinh ra tối tăm, chết cũng tối tăm, chịu vô lượng khổ, xa lìa sự an lạc nơi hàng trời, người, cùng cái vui vô thượng, tâm không hổ thẹn, không trí tuệ chan h tín, vì thế nên nói bốn đại, năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, là ngã, ngã sở.

Này thiện nam! Nay Ta hỏi ông, tùy ý ông trả lời: Pháp đại địa của ông tức là ngã, ngã sở phải không?

–Không phải, bạch Thế Tôn! Nhân nơi địa đại thì liền có ngã.

–Này thiện nam! Nếu theo địa đại mà có ngã, thì ngã tức địa, địa là ngã. Thế nên địa cũng gọi là địa, mà cũng gọi là ngã, cũng gọi là chúng sinh, cũng gọi là thọ mạng, cũng gọi là dục khí, cũng gọi là tăng trưởng, cũng gọi là sĩ phu, cũng gọi là ma nạp, cũng gọi là tạo tác, cũng gọi là khiến tạo tác, cũng gọi là khởi, cũng gọi là khiến dấy khởi, cũng gọi là nói, cũng gọi là khiến nói, cũng gọi là thọ nhận, cũng gọi là khiến thọ nhận, cũng gọi là biết, cũng gọi là khiến biết. Các đại còn lại cùng pháp giới nhập cũng như vậy.

Này thiện nam! Tất cả các đại – ấm, giới, nhập đều không gọi là ngã, cho đến khiến biết cũng đều không gọi là ngã.

Này thiện nam! Tất cả các đại – ấm, giới, nhập quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng phải là ngã, ngã sở. Thế nên, các đại – ấm, giới, nhập là không thể nắm bắt, không sinh, không diệt, không tạo tác, không thể thấy nghe.

Này thiện nam! Nhãn không, sắc không, nhãn thức không, nhân duyên của ba pháp xúc chạm nhau cũng không, nhân duyên của bốn pháp thọ nhận cũng không. Vì vậy, tất cả các pháp không có chủ, không được tự tại, không bỉ không thử.

Này thiện nam! Như vậy, các đại – ấm, giới, nhập chẳng phải nam, chẳng phải nữ. Tâm, tâm số pháp không gọi là nam, không gọi là nữ. Do nhân duyên đó, tất cả các pháp đều như hư không, sinh diệt ngay trong từng niệm, không có tự tánh, giống như ánh sáng của làn chớp không thể nói được. Nếu ai giết người, mắc vào tội sát sinh, thì người ấy ngay hiện tại thân tâm đều mắc tội, thân tâm quá khứ mắc tội, thân tâm vị lai cũng mắc tội.

Phạm chí nói:

–Bạch Thế Tôn! Quá khứ đã diệt, vị lai chưa sinh, hiện tại không trụ.

Phật nói:

–Vì lý do ấy nên mới không có tội giết. Nếu nói có tội giết thì sao gọi là giết? Địa không giết địa. Tất cả các đại – ấm, giới, nhập còn lại cũng như vậy.

Phạm chí nói:

–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên tâm ác nên mới gọi là giết?

Phật nói:

–Này thiện nam! Tại sao ông lại nói là do tâm ác nên mới gọi là tội giết? Tâm ác này trụ ở đâu? Ở cõi Dục, cõi Sắc hay cõi Vô sắc? Ở hư không, cõi ý, cõi hữu vi, cõi vô tưởng, cõi hữu lậu, cõi vô lậu hay ở cõi hữu, cõi vô?

Này thiện nam! Nếu ai khởi lên tâm ác, tạo nên năm tội nghịch, vậy thì ai là người khởi lên tâm ác ấy? Tâm ấy, lấy gì làm tánh? Ai chuyển động tâm ấy tạo thiện và bất thiện? Trụ ở đâu mà tạo ra sự chuyển động này? Nếu không người tạo tác cùng không người lãnh nhận thì tại sao ông lại nói có ngã cùng ngã sở?

Lúc đó, Phạm chí im lặng không nói.

–Này thiện nam! Vì sao ông không đáp?

Phạm chí nói:

–Bạch Thế Tôn! Nay con đã nhập được vào pháp môn này, thấy tất cả pháp là không tạo tác, không thủ, không trụ, không tánh, không thể, không thể nêu bày, giống như hư không, như dợn nắng, như mộng, như huyễn, như bóng trăng dưới nước. Bạch Thế Tôn! Tất cả các pháp không có nơi trụ, không bỉ không thử. Vì vậy, nay con im lặng không đáp.

Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Đây chính là pháp môn Đà-la-ni Sư tử hống bậc trí vô thượng, hồi phục nhẫn Vô sinh, vô biên thần túc, đoạn tất cả khổ, nhập vào môn đại trí, là hạnh đầu tiên của đạo Bồ-đề, đoạn hai loại sinh, xa lìa phiền não trần cấu. Pháp này không cùng chung với tất cả các hàng Thanh văn, Phật-bích-chi.

Này thiện nam! Nay ông được nhập vào pháp môn ấy, sinh tín tâm lớn, dần dần sẽ được tiêu trừ hết. Mặc dù ông giết cha giết mẹ nhưng chỉ mắc nghiệp nặng, chứ không mắc tội nghịch.

Phạm chí nghe rồi, tâm hết sức vui mừng, liền tới trước Phật đảnh lễ, quỳ dài chấp tay, bạch:

–Bạch Thế Tôn! Do con ương bướng, tối tăm, chê bai lời Phật nói, nay mắc phải tội nghịch cùng lỗi hủy báng Phật. Đứng trước Như Lai, con thành tâm xin sám hối.

–Này thiện nam! Ông muốn giữ lại phần dư tội này phải không?

–Bạch Thế Tôn! Sao gọi là phần dư?

–Này thiện nam! Mặc dù sinh hổ thẹn, phát lồ sám hối nhưng nếu ông không phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng thì gọi là phần dư. Còn nếu có khả năng thương xót tất cả chúng sinh, phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng thì gọi là vô dư. Người ấy cũng có khả năng đoạn dứt bốn điên đảo, cũng đạt Thánh trí, thân gần phạm trụ, tăng trưởng pháp thiện, căn lành kiên cố, mặc dù duyên tan nhưng không thể khiến cho lui mất, đạt trí vô ngại.

Khi ấy, Phạm chí Trực Đạo cùng vô lượng na-do-tha chúng sinh bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ngày nay chúng con hết lòng thương xót mọi loài, vì tất cả chúng sinh phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng, sám hối những việc làm trước. Cúi mong Như Lai đại từ thương xót mà chấp nhận lời sám hối, lời phát nguyện chân thành của chúng con.

Như Lai đã vì chúng con giảng nói pháp môn Đà-la-ni Sư tử hống bậc trí vô thượng, hồi phục nhẫn Vô sinh, vô biên thần túc. Pháp môn Đà-la-ni này chẳng cùng chung với các hàng Thanh văn, Phật-bích-chi. Mặc dù có cùng chung đi nữa, con cũng không cầu.

Nay con chỉ cầu Như Lai về pháp môn Đà-la-ni vô thượng trí đệ nhất nghĩa để có khả năng trang nghiêm tất cả pháp thiện, tất cả pháp thế gian, trí vô thượng của Phật, ban bố sự không sợ hãi, các Đà-la-ni, vì đại chúng mà tăng trưởng pháp thiện, không để quên mất sự thọ trì, có khả năng phá trừ bốn điên đảo, thành đạo Bồ-đề, hủy hoại mọi kiết sử cùng các nghiệp ác.

Đà-la-ni này chính là khối báu lớn Tam-muội vô thượng của các vị Bồ-tát. Chính vì điều này, nên có thể khiến cho tâm Bồ-tát không thoái chuyển, hướng đi rõ ràng, cả ngay trong giấc ngủ. Nếu có ai trong các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Sát-lợi, tâm không sợ hãi, thường thích ban ơn, siêng hành trì tinh tấn, xa lìa tất cả nghiệp ác, nghiệp bất thiện thì có khả năng khiến kẻ oán địch sinh lòng vui vẻ, lìa mọi phóng dật, tà thư, tà kiến cùng tri thức ác, và cũng có khả năng điều phục những người ấy; thường có thể diễn nói pháp môn vô ngại, khiến người giảng nói không có bệnh khổ cùng các việc ác, không bị các ma có cơ hội quấy phá, thường biết đời trước, được thân hóa sinh, lìa các bạn xấu ác, luôn được thân gần chư Phật trong mười phương, nghe nhận chánh pháp, cúng dường chúng Tăng.

Bạch Thế Tôn! Pháp môn Đà-la-ni này gọi là kho tàng bí mật của tất cả các vị Đại Bồ-tát. Cúi xin Như Lai sinh lòng thương xót mà phân biệt giảng nói.

Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Đà-la-ni này đều có khả năng thành tựu vô lượng pháp thiện. Ta sẽ như pháp giảng nói. Ông hãy lắng nghe.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói: Ba lỵ, ca lỵ, ba ca lỵ, da ca lỵ, đà la tỳ phiệt đề, ba la bán giá na nục khư, ba la chu ma nê, ba la nê, tỳ nhã phiệt đề, phiến ba la na nhân đề lê, xa lìa sắc hương vị, xa lìa điên đảo, có thể thiêu đốt tất cả độc, có thể xa lìa tất cả ác quỷ, các bệnh đường dữ, pháp môn vô ngại, pháp môn cụ túc, pháp môn chân thật trí, tâm vô ngại, thí đại pháp, thí pháp đầy đủ có thể phá trừ năm thứ ngăn che, táha.

Này thiện nam! Nếu các hàng đệ tử Phật: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thọ trì chú Đà-la-ni này, đọc tụng, biên chép, hoặc tám ngày trong tháng tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới, tâm tư thanh tịnh, ở trước Phật, trước tượng, trước tháp, trước xá-lợi đọc tụng ngàn biến, dùng lụa gút một trăm lẻ tám gút, quấn trên đầu, thì người này nếu đi cùng những kẻ ác, có khả năng khiến cho tất cả chúng ác không thấy hình mình, ngủ không có mộng ác. Đó là một câu Đà-la ni.

Này thiện nam! Lại có một câu, đó là: Tuy nê, ưu mâu nê, phả lam mâu nê, ưu ba xà nghê, câu tê, phiệt xà, không mất ý, tâm kiên cố, điện tâm như pháp trụ, thứ đẳng trụ, có thể sinh Như Lai trí quang, vị tỳ đầu mạt, tẩu bát, vô ngại, tịch tĩnh, niệm tâm tăng trưởng, tá-ha”.

Nếu có thiện nam, thiện nữ nào thọ trì câu Đà-la ni này, đọc tụng, biên chép, ở trước Phật, trước tượng, trước tháp, trước xá-lợi đọc tụng ngàn biến, uống nước mật đen trên chóp sen, trong một ngày có khả năng đọc tụng một ngàn câu, tất đạt được trí biết tâm tư người khác.

Này thiện nam! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào, Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nào ở nơi yên vắng, như pháp thành tâm thực hành Đà-la-ni này, thì người ấy không quá bảy ngày sẽ đạt được Tứ thiền, phá tan sự ràng buộc của dục giới, thấy được mười phương Phật, đắc Tam-muội Như chứng ý, có khả năng giáo hóa chúng sinh, diệt trừ tất cả chướng: nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng; có thể khiến các căn chúng sinh thanh tịnh, có khả năng thiêu đốt tất cả mọi ràng buộc, phiền não, điên đảo của chúng sinh, thân gần, trụ nơi đạo Hiền thánh, không thể khiến thoái chuyển Bồ-đề, thân gần Nhất thiết trí, không theo tha nhân, sinh khởi trí tuệ, đạt được pháp môn vô ngại, vô úy của tất cả chư Phật trong ba đời.

Do diệu lực nơi nhân duyên của Tam-muội này được phát khởi, nên có khả năng làm thanh tịnh tất cả chúng sinh ác, chóng đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Khi Phật giảng nói Đà-la-ni này xong, trong chúng hội có tám vạn bốn ngàn na-do-tha chúng sinh đạt được Đà-la-ni ấy, tám na-dotha chúng sinh trừ được nhân duyên tạo trọng nghiệp, đắc nhẫn như pháp. Vô lượng chúng sinh chưa phát tâm Thanh văn thì khiến được phát tâm, chưa phát tâm Duyên giác thì khiến được phát. Vô lượng chúng sinh chưa phát tâm Bồ-đề Vô thượng thì khiến được phát. Vô lượng chúng sinh đạt được sự không thoái chuyển nơi tâm Bồ-đề.

Bấy giờ, Đại Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vào đời vị lai, nếu có các hàng Tỳ-kheo thọ trì, đọc tụng kinh Đại Vân này, họ sẽ được công đức như thế nào? Lại có thể trừ diệt các phiền não như thế nào? Có khả năng xa lìa quả báo như thế nào? Lại đạt được diệu lực của trí tuệ như thế nào? Và khi nào sẽ đạt trí tuệ Đại thừa, có khả năng vượt qua biển cả của sự sống chết vô biên? Khi nào sẽ chuyển bánh xe chánh pháp vô thượng, ban bố khắp chúng sinh pháp nhãn thanh tịnh?

Phật nói:

–Này thiện nam! Với nghĩa như vầy, Ta không cần trả lời.

Bồ-tát Đại Vân Mật Tạng thưa thỉnh ba lần, Phật vẫn không trả lời.

Lúc này, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Kinh điển này nên giao phó cho ai để điều phục những chúng sinh xấu ác nơi đời sau? Bạch Thế Tôn! Vào đời vị lai, nếu có những hàng Sát-lợi Chiên-đà-la, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ đà Chiên-đà-la cùng với bốn bộ chúng hoặc có người khi chưa nghe kinh này, hoặc đã từng làm việc ác, do nghiệp duyên ấy phải chịu quả báo nơi ba nẻo ác trong suốt vô lượng năm. Cúi mong Như Lai hãy vì những hàng như: Chiên-đà-la v.v… ấy mà diệt trừ quả báo của nghiệp ác. Do nơi quả ấy, kinh điển xin giao phó cho thị giả.

Phật nói:

–Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Sau khi Ta Niết-bàn, tại thế giới của Phật này, dòng dõi vua chân chánh đoạn diệt không còn, khi đó kẻ xấu ác sẽ lên làm vua. Kẻ ác này đoạn diệt pháp vương chân chánh, kiêu mạn, ganh ghét, tâm không hổ thẹn, nhiều thói buông lung, chẳng phải nơi nương tựa làm nơi nương tựa. Những đại thần, trưởng giả, Bàla-môn, Sa-môn trong nước này cũng như vậy: phá giới, tham lam keo kiệt, tâm không hổ thẹn, đủ mười pháp ác, không tin Tam bảo, không tâm cúng dường, không chịu thỉnh cầu lại thường ưa nói là không nhân không quả.

Đại Bồ-tát thấy những chúng sinh trong nước này quen làm việc ác như vậy, bèn dời đến cõi tịnh ở một phương khác. Khi các vị Bồ-tát đã dời đi rồi, tại thế giới này đời ác thời ác nổi lên dữ dội, chúng sinh nhiều bệnh tật, gạo lúa khan hiếm, chiến tranh xảy ra vô cùng tàn khốc. Đây chính đều do chúng sinh không biết sự vừa đủ.

Này thiện nam! Ta sẽ giao phó kinh điển này cho ai? Và ai có khả năng phân biệt giảng nói cho những chúng sinh xấu ác ấy?

Này thiện nam! Nếu ai có khả năng không tiếc thân mạng, chịu đựng sự đói khát, mọi sự khổ não, mắng chửi, đánh đập thì người ấy vào đời vị lai mới có khả năng lưu hành kinh này rộng khắp. Nếu có người như thế, Ta sẽ đem chánh điển vô thượng giao phó cho họ.

Khi ấy, trong chúng hội có một Bồ-tát tên Vô Úy Công Đức Tật Hành, từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt đảnh lễ, quỳ dài rồi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con có khả năng chịu đựng vô lượng khổ: hoặc chặt tay chân, hoặc đập đầu chảy máu, hoặc đói khát, lạnh nóng, đánh, mắng, cả đến những thống khổ ở ba đường ác trong vô lượng kiếp để làm công việc truyền bá rộng khắp kinh điển này của Như Lai. Con có thể đi qua mọi đại thành, thôn ấp, xom làng trong thế giới của Như Lai, hoặc thế giới rồng, hoặc thế giới quỷ để truyền bá kinh này. Vì muốn đoạn trừ bốn điên đảo cho chúng sinh, con sẽ khiến họ trì giới, siêng năng tinh tấn, đầy đủ chánh kiến, thành tựu Sáu pháp Ba-la-mật, đạt Bồ-đề Vô thượng.

Phật nói:

–Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Như lời nguyện của ông, ông đều có khả năng làm được, có thể khiến cho vô lượng chúng sinh làm các Phật sự.

Này thiện nam! Sự thệ nguyện của ông có thể đạt đầy đủ Sáu pháp Ba-la-mật, chóng thành đạo quả Bồ-đề Vô thượng.

Này thiện nam! Mặc dù có vô lượng đại chúng ở đây, nhưng thật khó có ai được như ông và cũng khó có được những ai ở đời vị lai thọ nhận những lời của ông. Những ai khó thọ nhận ấy, mà lại sinh lòng tin sâu xa, trì đọc, tụng nói, phân biệt chỉ dạy, cũng khó có được. Nếu vào đời vị lai, ai có khả năng thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép, ưa thích chỉ dạy thì người ấy đạt được mười thứ công đức. Đó là:

-Thân thường không bệnh.

  • Không cầu cúng dường y phục, đồ ăn, thức uống, tọa cụ, thuốc men mà tự nhiên được có.
  • Không cầu thiện hữu mà được thân gần.
  • Được chư Phật trong mười phương thương yêu, nhớ nghĩ.
  • Khi nói pháp, mọi người ưa nghe nhận.
  • Đạt được các pháp chỉ, quán.
  • Đầy đủ nghĩa của thế gian và xuất thế gian.
  • Thân tâm vắng lặng.
  • Tăng trưởng lòng tin Tam bảo.
  • Đạt được Đà-la-ni vô thượng.

Này thiện nam! Mặc dù Ta nói mười thứ công đức ấy, nhưng nếu ai có khả năng dạy người sám hối, trừ diệt vô lượng tội ác thì cũng đạt được phước đức vô lượng.

Lại nữa, này thiện nam! Người này nếu vào đời vị lai có khả

năng hết lòng thọ trì, đọc tụng, rộng nói cho người khác thì đạt được phước đức vô lượng. Sau khi chết, người này được thấy một cách rõ ràng chư Phật trong mười phương, được nghe mỗi vị nói: “Này thiện nam! Hãy sinh vào thế giới của Ta, nghe chánh pháp của Ta, đoạn dứt bốn điên đảo, diệt trừ các pháp ác, thành tựu Thánh trí, trụ nơi phạm trụ. Khi nhận lãnh giáo pháp của Ta rồi, thường được hóa sinh, đoạn ba đường ác, chóng đạt đạo quả Bồ-đề Vô thượng, cho đến được nhập vào Đại Bát-niết-bàn”.

Người ấy nghe rồi, sinh lòng vui mừng, liền được sinh vào các cõi Phật thanh tịnh.

Này thiện nam! Khi thọ trì pháp này, người ấy lúc sinh ra, các căn đầy đủ, sắc thân thù thắng, tất cả chúng sinh đều ưa thích nhìn, có lòng tin nơi Tam bảo, có khả năng thiết lễ cúng dường. Nếu nghe chánh pháp liền được giải thoát, phá trừ tất cả nghiệp, thọ trì chánh pháp, kiên trì không để mất, đạt được tất cả pháp môn Đà-la-ni, các Tam-muội của hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, có khả năng vượt qua đạo quả Thanh văn, Phật-bích-chi. Lại có thể giáo hóa vô lượng chúng sinh trụ nơi phạm trụ. Nếu ở đời vị lai có người thọ trì lời nói này sẽ được thành tựu công đức như vậy.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Vị Bồ-tát ấy có khả năng phát tâm khó đạt như vậy, thật đáng được đem giao phó kinh điển này.

Khi đó, Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Vô Úy Công Đức Tật Hành:

–Hôm nay Ta đem kinh này giao phó cho ông.

Bấy giờ, Bồ-tát Vô Úy Công Đức Tật Hành cùng vô lượng Bồ-tát kính vâng lời Phật dạy, nhận lãnh kinh điển này. Vô lượng Phạm thiên như Phạm Trụ v.v…, vô lượng Đế thích như Cám Mục v.v…, vô lượng quỷ thần như Tứ Thiên vương v.v…, vô lượng Long vương như Nan-đà Bà-nan-đà v.v… cũng đều cùng thọ trì. Vô lượng chúng sinh phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng.