KINH TRUNG ẤM
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương Châu
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: NĂM THỆ NGUYỆN RỘNG LỚN CỦA NHƯ LAI NHẬP THÂN TRUNG ẤM ĐỂ GIÁO HÓA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật trú tại vườn cây Song thọ, thuộc thành Ca-tỳla-bà-đâu, cách bốn mươi chín bộ về phía Bắc, là chỗ thiêu xác.

Vào ngày mồng tám, lúc nửa đêm đầy sao sáng, bấy giờ Như Lai – theo như năm pháp hoằng thệ của chư Phật – bỗng nhiên phân tán thân xá-lợi. Khi ấy, trời đất sáu phen chấn động, mười phương chư Phật đều đến phò trợ. Đó là pháp hoằng thệ thứ nhất.

Sáu phen chấn động là những gì?

  1. Thân Như Lai xuất hiện ở phương Đông, biến mất ở phương Tây.
  2. Thân Như Lai xuất hiện ở phương Tây, biến mất ở phương Đông.
  3. Thân Như Lai xuất hiện ở phương Bắc, biến mất ở Phương Nam.
  4. Thân Như Lai xuất hiện ở phương Nam, biến mất ở phương Bắc.
  5. Thân Như Lai xuất hiện ở bốn phía, biến mất ở trung ương. 6. Thân Như Lai xuất hiện ở trung ương, biến mất ở bốn phía.

Khi Đức Như Lai vừa mới cất chân đi bảy bước, trời đất đều chuyển động mạnh, mười phương chư Phật đều đến phò trợ. Đó là pháp hoằng thệ thứ hai.

Đức Như Lai đi đến cội Bồ-đề ngồi kiết già, phát thệ nguyện: “Ta không thành Phật, thề không đứng dậy!”. Bấy giờ trời đất chấn động mạnh, mười phương chư Phật đều đến phò trợ. Đó là pháp hoằng thệ thứ ba.

Như Lai tuy nghe tên ma Ba-tuần mà tâm không khiếp sợ, sức thệ nguyện mạnh mẽ khiến trời đất biến động lớn, mười phương chư Phật đều đến phò trợ. Đó là pháp hoằng thệ thứ tư.

Như Lai xả bỏ thọ mạng, hiện tướng diệt độ, nhập thân trung ấm để giáo hóa chúng sinh, bấy giờ trời đất chấn động mạnh, mười phương chư Phật đều đến khen ngợi. Đó là pháp hoằng thệ thứ năm.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhập Tam-muội Hỏa viêm mà phân tán thân xá-lợi. Ngài ngự trên đài sen báu, cách mặt đất bảy nhẫn, khiến vô lượng vô hạn na-do-tha chúng sinh, trời, rồng, quỷ thần, A-tu-la, Chiên-đà-la, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, Cưu-bàn-trà, Phú-đan-na, nhân và phi nhân… đều thấy Đức Như Lai ngồi trên hoa sen báu. Lúc này, Đức Thế Tôn hướng về xá-lợi nói tụng:

Ở trong vô số kiếp
Các địa chủng nuôi ngươi
Ta nay được lìa ngươi
Vui như rắn thoát vỏ.
Trong năm đường sinh tử
Xứ nào cũng có ngươi
Chỉ lìa nhau tạm thời
Tịch diệt không còn nữa.
Oai thần tiếp địa chủng
Nhờ ngươi Ta vượt qua
Hỡi ôi, biệt ly khổ!
Sống chết kéo theo nhau.
Oai thần của chư Phật
Tiếp nhận nhiều vô số.

Đức Thế Tôn nói tụng này rồi, từ chân lên tim, đến nhục kế phóng ra tám vạn bốn ngàn ức ánh sáng, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, trên đến các cõi hư không. Chúng sinh trong các cõi ấy đều thấy ánh sáng này, hoặc có chúng sinh tìm theo ánh sáng mà đến, hoặc có các Đức Phật sai khiến các Bồ-tát đi tới cõi Ta-bà.

Đức Thế Tôn tự nghĩ: “Hình thể thân trung ấm này rất vi tế, chỉ có các Đức Phật Thế Tôn mới có thể nhìn thấy được, nhưng các chúng sinh ở đây có các bậc hữu học, vô học, nhất trụ, nhị trụ cho đến cửu trụ không phải là cảnh giới của họ có thể nhìn thấy được. Ta nay dùng oai thần của Phật vào Tam-muội Chiếu minh, khiến cho bốn bộ chúng: Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nhìn thấy được hình thể vi tế này”.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nhập định vô ngại, quán cảnh giới hư không, thấy chúng sinh kẻ sinh kẻ diệt, còn những người hành theo giới cấm của Như Lai thì vắng lặng tịch mặc, quán tưởng bất tịnh, một trăm bảy mươi hành là nhân duyên của gốc khổ, cho đến mười hai dây xiềng xích của sinh tử.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói tụng:
Nay vào cảnh vi diệu
Hình trung ấm cực tế
Giáo hóa chúng sinh kia
Gấp nhiều lần Diêm-phù.
Không chấp trước tướng thường
Tướng vui, không, vô định
Kiến lập cội đạo đức
Xả thọ, không chỗ nhiễm.
Vốn từ a-tăng-kỳ
Tế độ kẻ khó độ
Huống hình vi diệu này
Không lỗi, thật khó thay!
Tâm Ta nay hoằng thệ
Không tạp, không còn nhiễm
Gốc đạo đức Bồ-đề
Phạm hạnh: pháp cứu cánh.

Đức Thế Tôn nói tụng xong, lại phóng ra tướng ánh sáng trắng giữa chặng mày, chiếu khắp phương Đông vô lượng vô hạn thế giới; phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng như thế. Đức Thế Tôn lại thu giữ các hào quang kia khiến chúng nhiễu quanh chỗ Phật bảy vòng, từ trên đỉnh mà vào.

Khi đó, Bồ-tát Di-lặc từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo vai phải, gối phải quỳ xuống, chấp tay bạch Phật:

–Vui thay, bạch Thế Tôn! Xưa nay chưa từng nghe, xưa nay chưa từng thấy. Hình chất cực tế của chúng sinh trung ấm, thọ mạng dài ngắn, ăn uống ngon dở là những loại thế nào, con mong muốn được nghe.

Đức Thế Tôn dạy:

–Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ điều này, Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông rõ. Như thế nào, này Di-lặc! Ở cõi Diêm-phù-đề, trẻ con sinh ra cho đến ba tuổi, sự nuôi nấng của người mẹ đã cho uống bao nhiêu sữa?

Bồ-tát Di-lặc đáp:

–Uống một trăm tám mươi hộc, chưa kể phần uống máu khi ở trong bụng mẹ.

Ở cõi Đông Phất-vu-đãi, trẻ con sinh ra cho đến ba tuổi uống một ngàn tám trăm hộc.

Ở cõi Tây Câu-da-ni, trẻ con sinh ra cho đến ba tuổi uống tám trăm tám mươi hộc.

Ở cõi Bắc Uất-đan-việt, trẻ con sinh ra thì ngồi được, người đi đường cho mút tay, bảy ngày thì thành nhân, cõi đó không có sữa.

Chúng sinh trung ấm thì uống hơi gió.

Chúng sinh cõi Diêm-phù-đề thọ mạng một trăm tuổi, ở cõi Đông Phất-vu-đãi thọ mạng năm trăm tuổi, ở cõi Tây Câu-da-ni thọ mạng hai trăm năm mươi tuổi, ở cõi Bắc Uất-đan-việt thọ mạng một ngàn tuổi.

Chúng sinh trung ấm thọ mạng bảy ngày.

Khuôn mặt người ở cõi Diêm-phù-đề thì trên rộng dưới hẹp.

Khuôn mặt người ở cõi Phất-vu-đãi thì thẳng tròn.

Khuôn mặt người ở cõi Câu-da-ni thì trên hẹp dưới rộng.

Khuôn mặt người ở cõi Uất-đan-việt thì vuông thẳng.

Diện trạng của chúng sinh trung ấm như người ở cõi trời Hóa Tự Tại.

Từ đây trở về sau, khi danh hiệu của Đức Thích Ca Mâu Ni đã diệt, Như Lai Diệu Giác xuất hiện ở đời. Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn ở nơi không trung, ngồi trên hoa sen báu, phóng ra ánh sáng từ tướng lưỡi, chiếu tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi ở phương Đông, có quốc độ ở đó tên là Hóa, tên của Phật là Kiên Cố, đầy đủ mười tôn hiệu, giáo hóa bằng Nhất thừa. Đức Phật kia thấy ánh quang minh này liền bảo các Bồ-tát, các Tộc tánh tử:

–Các ông có thấy ánh quang minh này không?

Các Bồ-tát đáp:

–Vâng, chúng con có thấy. Bạch Thế Tôn! Không rõ ánh quang minh ấy là do Đức Phật nào chiếu đến thế giới này?

Đức Phật đó bảo:

–Ở phương Tây, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số thế giới, có thế giới tên là Sa-ha, Đức Phật ở cõi ấy hiệu Thích Ca Mâu Ni, nay đang diệt độ, xả thân xá-lợi, muốn vào trung ấm để giáo hóa chúng sinh. Đó là quang minh của Đức Như Lai Diệu Giác. Các ông muốn đến cõi ấy, nay chính là đúng lúc.

Bấy giờ, một trăm ba mươi ức Bồ-tát ở quốc độ kia vâng thọ lời Phật chỉ dạy đi đến thế giới Ta-bà.

Phật bảo các Bồ-tát:

–Các ông đến quốc độ kia lễ bái, phụng sự, cúng dường, chớ mang tâm biếng trễ, khinh mạn. Hãy nhân danh của Ta mà thăm hỏi Đức Như Lai Diệu Giác: Ngài có hứng khởi, khinh an, đi lại mạnh khỏe chăng?

Các Bồ-tát vâng lời dạy bảo, đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu bên phải bảy vòng rồi bỗng nhiên biến mất ở đất và hiện đến cõi Sa-ha.

Về phương Nam, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Giải Thoát, Đức Phật ở đấy hiệu là Như Lai Chân Tịnh, đầy đủ mười tôn hiệu. Đức Phật đó bảo các Bồ-tát:

–Các ông có trông thấy ánh quang minh kia không?

Các Bồ-tát đáp:

–Chúng con có trông thấy. Bạch Thế Tôn! Không hiểu ánh quang minh ấy là của Đức Phật nào chiếu đến thế giới này?

Đức Phật ấy bảo:

–Ở phương Bắc, cách đây bảy mươi tám ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Sa-ha, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Thích Ca Mâu Ni, hiện nay đang diệt độ, xả thân xá-lợi, muốn vào thân trung ấm để giáo hóa chúng sinh. Đó là ánh sáng của Đức Như Lai Diệu Giác. Các ông muốn đến cõi ấy, nay chính là đúng lúc.

Bấy giờ, một trăm ba mươi ức Bồ-tát ở quốc độ kia thọ lãnh lời chỉ dạy của Phật để đi đến cõi Sa-ha.

Đức Phật ấy bảo:

–Các ông đến quốc độ ấy thân cận, phụng sự, cúng dường, chớ mang lòng biếng trễ và khinh mạn. Hãy nhân danh Ta mà thăm hỏi Đức Như Lai Diệu Giác: Ngài có hứng khởi, khinh an, đi lại khỏe mạnh chăng?

Các Bồ-tát vâng thọ lời dạy bảo, đảnh lễ sát nơi chân Phật, nhiễu bên phải bảy vòng rồi bỗng nhiên biến mất, liền đến cõi Sa-ha.

Về phương Bắc, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Lưu Ly, Phật ở cõi đó hiệu là Như Lai Lôi Âm, mười tôn hiệu gồm đủ. Đức Phật bảo các Bồ-tát:

–Các ông có thấy quang minh kia chăng?

Các Bồ-tát đáp:

–Vâng, chúng con có thấy. Bạch Thế Tôn! Không hiểu ánh quang minh của Đức Phật nào đã chiếu đến thế giới này?

Đức Phật kia bảo:

–Ở phương Nam, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Sa-ha, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Thích Ca Mâu Ni, nay nhập diệt, xả thân xá-lợi, muốn vào trung ấm để giáo hóa chúng sinh. Đó là ánh quang minh của Đức Như Lai Diệu Giác. Các ông nếu muốn đến cõi ấy, nay chính là phải thời.

Bấy giờ, một trăm ba mươi ức Bồ-tát của quốc độ kia thọ lãnh lời chỉ dạy của Phật để đi đến cõi Kham Nhẫn.

Đức Phật kia bảo:

–Các ông đến quốc độ kia lễ bái, phụng sự, cúng dường, chớ mang lòng biếng trễ và khinh mạn. Hãy nhân danh Ta mà thăm hỏi Đức Như Lai Diệu Giác: Ngài có hứng khởi, khinh an, đi lại khỏe mạnh chăng?

Các Bồ-tát vâng lời dạy bảo, đảnh lễ sát nơi chân Phật, nhiễu bên phải bảy vòng rồi bỗng nhiên biến mất, liền đến thế giới Sa-ha.

Về phía Đông bắc, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Không Tịnh, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Hư Không Tạng, mười tôn hiệu trọn đầy, có một trăm ba mươi ức Bồ-tát.

Về phía Đông nam, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Xí Nhiên, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Như Lai Quảng Hiển, mười tôn hiệu trọn đầy, Bồ-tát có một trăm ba mươi ức.

Về phía Tây nam, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Tinh Tú, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Như Lai Nguyệt Quang, mười tôn hiệu gồm đủ, Bồ-tát có một trăm ba mươi ức.

Về phía Tây bắc, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Hoại Ma, Đức Phật nơi cõi đó hiệu là Như Lai Dũng Mãnh Phục, mười tôn hiệu trọn đầy, Bồ-tát có một trăm ba mươi ức.

Về phương Trên, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Hải Tích, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Như Lai Thượng Diệu, mười tôn hiệu trọn đầy, Bồ-tát có một trăm ba mươi ức.

Về phương Dưới, cách đây tám mươi bảy ức Hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Thông Đạt, Đức Phật nơi cõi ấy hiệu là Như Lai Vô Úy, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật đó bảo các Bồ-tát:

–Các ông có thấy ánh quang minh kia không?

Các Bồ-tát đáp:

–Vâng, chúng con có nhìn thấy. Bạch Thế Tôn! Không rõ ánh sáng ấy là quang minh của Đức Phật nào chiếu đến thế giới này?

Đức Phật kia bảo:

–Về phương Trên, cách đây tám mươi bảy ức hằng hà sa số cõi, có thế giới tên là Sa-ha, Đức Phật nơi cõi đó hiệu là Thích Ca Mâu Ni, hiện nay đang diệt độ, xả thân xá-lợi, muốn vào trung ấm để giáo hóa chúng sinh. Đó là quang minh của Đức Như Lai Diệu Giác. Các ông nếu muốn đến cõi ấy, nay chính là phải lúc.

Quốc độ của Đức Phật kia có một trăm ba mươi ức Bồ-tát, thọ lãnh lời chỉ dạy của Phật để đến thế giới Kham Nhẫn. Đức Phật kia dạy bảo các Bồ-tát:

–Các ông đến quốc độ kia lễ bái, phụng sự, cúng dường, chớ mang lòng biếng trễ và khinh mạn. Hãy nhân danh Ta mà thăm hỏi Đức Như Lai Diệu Giác: Ngài có hứng khởi, khinh an, đi lại khỏe mạnh chăng?

Các Bồ-tát vâng thọ lời dạy bảo, đảnh lễ sát nơi chân Phật, nhiễu bên phải bảy vòng rồi bỗng nhiên biến mất, liền đến cõi Sa-ha, lễ bái, phụng sự, cúng dường Đức Như Lai Diệu Giác, đầu diện lễ dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Đức Như Lai Diệu Giác xuất hiện tướng lưỡi rộng dài, hai bên vượt quá tai, như sắc hoa Ưu-bát, như sắc hoa sen đỏ, nói:

–Ta từ vô số a-tăng-kỳ kiếp, hành các pháp thanh tịnh, không có hư vọng. Nhân duyên hóa độ chúng sinh của Ta đã xong, như vứt bỏ thi hài nơi đồng trống vắng, nay lại tạo duyên để bắt đầu lập hạnh. Chư vị Bồ-tát ở đây có người lập căn đạt được lực, có vị mới phát tâm, lại có bốn chúng chưa bước vào đạo tích (quả Tu-đà-hoàn), phải nhờ oai thần tiếp dẫn và sức của Phật, khiến đại chúng kia mới nhận biết được pháp khó có và không thể nghĩ bàn của chư Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói tụng:

Đời lắm kẻ ngu mê
Không vào pháp vô lậu
Trở lại trong năm đường
Hành nhiễm ô bất tịnh.
Ta dù ở Ta-bà
Cứu độ năm dục khổ
Lành thay sở nguyện xưa
Ngày nay đã trọn thành.
Như khạc nhổ nơi đất
Kẻ trí ai uống lại?
Ta từ vô số kiếp
Tu hạnh Phật thanh tịnh.
Xả thân lại thọ thân
Không phải đôi ba kiếp
Như có người sáng trí
Giữ đất vạch xá-lợi.
Huống lại gặp mình Ta
Có kẻ không giải thoát
Sinh tử ngày đêm dài
Tối tăm trong năm cõi.
Đoạn diệt không đường dài
Cầu Niết-bàn Phật dài
Vốn hiệu Thích Ca Văn
Lưu xá-lợi hóa độ
Nay Ta nhập không giới
Trung ấm độ chúng mê.

Đức Thế Tôn nói tụng xong, tám vạn bốn ngàn na-do-tha chúng sinh chán lìa sinh tử, đều phát ý đạo Chánh chân vô thượng (Phát tâm Bồ-đề, cầu đạo quả Chánh giác vô thượng). Lại có bảy mươi ức chúng sinh dứt hết các trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh. Bồ-tát trong ma giới gồm bảy ngàn vạn chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, thâu giữ y phục, hoan hỷ mà lui ra.

 

Phẩm 2: ĐỨC NHƯ LAI DIỆU GIÁC ĐƯA CÁC BỒ-TÁT VÀO TRUNG ẤM ĐỂ GIÁO HÓA

Bấy giờ, Đức Như Lai Diệu Giác Chí Chân Đẳng Chánh Giác quan sát chúng tọa định, tâm đều thuần nhất không xen tạp, những người muốn nhập trung ấm để thọ pháp giới cấm, tạo nhiều lợi ích, có thể độ thoát vô lượng chúng sinh, kiến lập các thệ nguyện rộng lớn để thi hành Phật sự.

Khi ấy, Đức Như Lai Diệu Giác bèn nhập Tam-muội Vô kiến đảnh, khiến các đại chúng gồm vô số ức ngàn na-do-tha Hằng hà sa số các chúng Bồ-tát đều đồng một sắc thân giống như Đức Như Lai Diệu Giác không khác. Tôn giả Đại Ca-diếp của cõi Diêm-phù-đề cùng các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các chúng Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Phúđan-na, nhân và phi nhân, tám quốc vương, tám ức một trăm ngàn chúng sinh đều nhờ diệu lạc của thần túc mà được đưa vào trung ấm. Lúc ấy, Đức Thế Tôn ở trong đó nói tụng:

Trung ấm bị mê hoặc
Lầm mê, không Tam tôn
Thân chuyển theo năm đường
Tùy hành theo trói buộc.
Hoặc rơi hai cõi thiên
Hoặc vào ba đường ác
Lành thay, khá xót thương!
Hôm nay Như Lai đến.
Chủng loại này được độ
Ta nguyện đều trọn thành
Vô hình thọ hình giáo
Gốc đoạn tưởng, đoạn diệt.
Ba đời các Đức Phật
Đều thực hành pháp này
Sắc pháp tự sáng chói
Diệt bằng đạo định ý.
Như Lai tướng chân thật
Không sinh, không khởi diệt
Quán thân khắp đều không
Thấu tỏ pháp chẳng thường.
Hành do gốc si ái
Như tro phủ trên lửa
Kẻ ngu bảo rằng diệt
Gốc lửa vẫn thường còn.
Tâm là gốc các độc
Thiện ác tùy loại hình
Làm thiện, sinh cõi thiện
Làm ác, sinh cõi ác.
Nếu ai làm việc ác
Tự cho không hậu báo
Đến khi quả báo đến
Người thân không thể thay.
Phạm giới, không pháp hành
Tự xưng đời vô song
Lõa lồ, ăn rau cỏ
Tôn thờ thần nhật, nguyệt.
Tự đọa ba đường ác
Không biết bao nhiêu kiếp
Họ không phải Phật tử
Tuy gần mà xa Ta.

Đức Như Lai Diệu Giác nói tụng này rồi, liền dùng thần lực nhập vào trung ấm, biến thành giảng đường bằng bảy báu, tòa cao cũng bằng bảy báu, treo cờ phướn, lọng báu bằng lụa, thang bậc bằng vàng, bạc, đất bằng lưu ly, vườn ao đều do bảy báu tạo thành. Chim nhạn, chim le le, uyên ương và các giống chim lạ đều hòa nhau cất tiếng kêu thương.

Đức Thế Tôn lại dùng thần lực khiến các loài chúng sinh kia, như loài có mạng sống bảy ngày, sáu ngày, năm ngày, bốn ngày, ba ngày, hai ngày, một ngày đều được thọ mạng lâu dài.

Đức Thế Tôn lại quán xét về chỗ hướng đến theo tâm của các chúng sinh, khiến có thể phân biệt, mỗi loại đều ở một phía. Các bậc đạt bốn hướng và bốn quả đều ở một phía. Các Bồ-tát mới phát tâm cho đến chín trụ đều ở một phía. Các bậc đạt hướng Phật-bích-chi, đắc quả Phật-bích-chi đều trụ một phía.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biến hóa ra bảy trăm ức na-do-tha tòa cao bằng bảy báu, mỗi mỗi tòa cao đều có hóa Phật, mỗi mỗi hóa Phật đều nói tụng vô thường:

Tất cả hành vô thường
Thức là pháp ngoại trần
Có khởi ắt có diệt
Diệt là vui tối thượng.
Không sinh, già, bệnh, chết
Cũng không ở ba cõi
Vĩnh trụ cõi hư không
Ấy là nhà chư Phật.
Vô úy, không cấu nhiễm
Không bị dục ái nhiễm
Hương xông và năm dục
Dứt hết không còn sót.
Một trăm lẻ tám ái
Và pháp tập đều dứt
Trước diệt, sau không sinh
Ngay hiện đời chứng quả.
Tổng yếu của pháp Phật
Là ba bảy đạo phẩm
Vô nguyện, vô tướng, không
Là đường thẳng của Phật.
Các chúng sinh lợi căn
Một lần nghe thấu ngộ
Dứt bằng kiếm trí tuệ
Như lửa đốt núi đồng.
Loại chúng sinh độn căn
Gốc tội sâu kiên cố
Trăm ngàn Phật ra đời
Dẫu thương mà khó độ.
Các thọ thân trung ấm
Tùy ngôn giáo dẫn dắt
Tuy vốn không phát tâm
Nghe pháp tất được độ.

Hóa Phật nói kệ tụng xong, bảy mươi tám ức trăm ngàn na-do-tha chúng sinh trung ấm đều khởi ý đạo Chánh chân vô thượng, phát tâm Bồ-đề.

Lúc này, Đức Như Lai Diệu Giác thăng tòa vô úy cùng tột ở nơi chính giữa. Mười phương các Bồ-tát đạt thần thông ở bên trái Phật tòa.

Ở cõi Diêm-phù-đề, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp cùng bốn bộ chúng: Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều ngồi bên phải Phật tòa. Các chúng trời, rồng, quỷ thần và đại quốc vương thì ngồi ở phía sau Phật tòa. Từ Tứ Thiên vương, Thiên vương Đao-lợi, Diệm-ma Thiên, Đâu-suất Thiên, Hạp Thiên, Ba-lợi-đà Thiên, Hạp-ba-ma-na Thiên, Ahội-đậu-tu Thiên, Thủ-ha Thiên, Ba-lợi-đà-thủ-ha Thiên, Tu-trệ Thiên, Tu-trệ-kỳ-nậu Thiên, cho đến A-ca-nị-trá Thiên đều ở trên không trung rải hoa cúng dường và trỗi nhạc trời. Chúng sinh trung ấm ở trước Như Lai lắng nghe và lãnh thọ giáo pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng oai thần của Phật, khiến tâm của chúng sinh đều tự nghĩ: “Phật chỉ vì ta mà thuyết pháp, không thuyết pháp cho người khác”.

Đức Thế Tôn bèn nói tụng:

Như Lai giác vô lượng
Thần biến không thể lường
Ra vào núi đá, vách
Như chim dạo hư không.
Ta vốn a-tăng-kỳ
Tích vô biên công đức
Độ kẻ chẳng tự làm
Khiến phát tâm Bồ-đề.
Niết-bàn không đến đi
Cũng không thấy kẻ thọ
Ta vốn tại Song thọ
Chuyển thân tới chốn này.
Ta từ mới phát tâm
Thề độ khắp các loài
Một người còn chưa độ
Ta cũng trọn không bỏ.
Quan sát chúng trung ấm
Đều có thượng, trung, hạ
Chỉ dùng ba cú nghĩa
Tứ đế, pháp chân diệu.
Phải nên tu thiền định
Ắt trừ dâm, giận, si
Tám trăm bệnh ung nhọt
Tám vạn bốn ngàn cấu.
Bố thí, trì giới, nhẫn
Tinh tấn, thiền định, tuệ
Khéo phương tiện quyền xảo
Đoạn trừ ba căn độc.
Sắc không phải thân
Ta Ai tạo ra sắc này?
Thấu rõ sắc vô hình
Xứng đáng hạnh Phạm chí.
Khi Ta chưa thành Phật
Vốn bị sắc mê hoặc
Đọa vào bốn điên đảo
Đắm chìm biển sinh tử.
Nay hiểu rõ mầm sắc
Thấy sắc vốn không thật
Thọ, tưởng, hành và thức
Cấu nhiễm không đạo chân.
Ấm nhập mười tám giới
Hai mươi hai pháp căn
Mỗi mỗi phải phân biệt
Tịch nhiên, không chỗ chấp.
Trung ấm người dục giới
Trần cấu đều vi tế
Giống như áo mới may
Khó thấy chỗ dơ bẩn.
Người có mắt trí tuệ
Dốc trừ diệt cấu trần
Các chúng sinh trung ấm
Ví chúng sinh như vậy.
Dâm, giận, si vi tế
Nghe pháp liền thấu ngộ
Toàn bộ tâm không đổi
Chẳng được Tu-đà-hoàn.
Ba chuyển, mười hai pháp
Lại chứng Tư-đà-hàm
Thượng, hạ phẩm phần diệt
Chứng được đạo Bất hoàn.
Khổ hết, si ái diệt
Đắc thành A-la-hán
Đạo tích: tám mươi ức
Người được quả Tần lai:
–Tám vạn bốn ngàn ức
Người đắc đạo Bất hoàn
Trăm vạn hai ngàn ức
La-hán hai hằng sa.
Thân sáu thông thấu triệt
Đều hướng đến quả Phật
Tám vạn bốn ngàn ức
Hướng đến tâm Bồ-đề.
Số ấy như vi trần
Ta ở cõi Diêm-phù
Khổ hạnh không kể hết
Thí quốc, tài, thê, tử.
Đầu, mắt, máu, tủy, xương
Vững ý như kim cương
Không bị ma khuấy động
Vui thay đại phước báo.
Nguyện nào tu chẳng thành?

Lúc ấy, chúng sinh ngồi nơi tòa suy nghĩ: “Phật chỉ vì ta thuyết pháp, không vì ai khác. Người hướng quả Thanh văn thì đắc quả Thanh văn, người hướng đạo quả Phật-bích-chi thì đắc quả Phật-bích-chi, người hướng đạo Bồ-đề thì đắc đạo Bồ-đề”.

 

Phẩm 3: ĐỨC NHƯ LAI DIỆU GIÁC NHẬP TRUNG ẤM PHẦN THÂN

Bấy giờ, ở trên tòa có vị Bồ-tát tên là Định Hóa Vương, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo vai phải, gối bên phải quỳ sát đất, chấp tay trước Phật, bạch:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói một cách rõ ràng về ý nghĩa này để khiến cho chúng sinh hiểu rõ. Âm hưởng của pháp này khiến cho người có chí hướng nghe dễ được hóa độ, nhưng lại có người khó hóa độ. Con xét thấy chúng sinh kẻ có tham dục, sân hận, si mê giảm dần; kẻ không có tham dục, sân hận, si mê giảm dần. Hoặc ở nơi pháp hữu đối, hoặc ở nơi pháp không đối. Hoặc ở nơi pháp hữu kiến, hoặc ở nơi pháp vô kiến. Hoặc ở nơi pháp hữu lậu, hoặc ở nơi pháp vô lậu. Hoặc ở nơi pháp hữu vi, hoặc ở nơi pháp vô vi. Hoặc ở nơi pháp có thể ghi nhận, hoặc ở nơi pháp không thể ghi nhận. Hoặc ở nơi pháp dục giới. Hoặc ở nơi pháp không thể hiểu được. Hoặc ở nơi pháp sắc giới. Hoặc ở nơi pháp vô sắc giới. Hoặc ở nơi pháp trung ấm có hình tướng vi tế. Hoặc ở nơi pháp trung ấm không có hình tướng vi tế. Hoặc ở nơi pháp năm sắc có thức. Hoặc ở nơi pháp năm sắc không thức. Hoặc ở nơi pháp phi tưởng phi bất tưởng thức. Hoặc không ở nơi pháp phi tưởng phi bất tưởng thức. Hoặc ở nơi trụ thứ nhất cho đến trụ thứ chín. Có trụ thứ nhất không phải trụ thứ nhất. Có trụ thứ chín không phải là trụ thứ chín. Kính mong Thế Tôn mỗi mỗi diễn bày khiến cho các Bồtát vĩnh viễn không còn do dự, các loại chúng sinh nghe pháp đều được giải thoát.

Đức Thế Tôn dùng Phạm âm thanh tịnh hòa dịu tán thán Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Lành thay! Lành thay! Này Tộc tánh tử! Ông đã có thể ở trước Như Lai gầm lên tiếng gầm sư tử. Ta nay sẽ vì ông phân biệt nói rõ. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Những điều ông hỏi về pháp có thể thấy hoặc pháp không thể thấy, đó là mắt thấy sắc, là sắc đi vào mắt.

Bồ-tát Định Hóa Vương thưa:

–Không phải mắt thấy sắc, cũng không lìa mắt; không phải là sắc đi vào mắt, cũng không lìa sắc.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Này Tộc tánh tử! Mắt không phải là sắc, sắc không phải là mắt, vậy điều gì là quan sát?

Bồ-tát Định Hóa Vương bạch:

–Bạch Thế Tôn! Pháp thức thật ở nơi pháp quán mà sinh khởi.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Này Tộc tánh tử! Thế nào thức là có pháp hay thức là không pháp?

Bồ-tát Định Hóa Vương bạch:

–Bạch Thế Tôn! Thức không phải là hữu vi, không lìa hữu vi.

Thức không phải là vô vi, không lìa vô vi.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Thế nào gọi là hữu vi, thế nào gọi là vô vi?

Bồ-tát Định Hóa Vương bạch Phật:

–Pháp nào sinh khởi là hữu vi, pháp nào an trụ là vô vi.

Đối với pháp Đệ nhất nghĩa thì không thấy có khởi, cũng không thấy có trụ, vì pháp tánh thanh tịnh, không sắc, không thức.

Đối với pháp Niết-bàn thì không có nhiễm chấp. Mắt không phải là sắc, sắc không phải là mắt nên không thể thấy pháp, cũng không thể không thấy pháp.

Mắt quá khứ, sắc quá khứ, thức quá khứ; mắt vị lai, sắc vị lai, thức vị lai; mắt hiện tại, sắc hiện tại, thức hiện tại. Không có mắt, sắc và thức; không phải là không có mắt, sắc và thức. Đó là pháp Niết-bàn thanh tịnh.

Bấy giờ, Bồ-tát Định Hóa Vương bạch Phật:

–Nay con muốn nghe Như Lai giảng nói về pháp hữu đối và pháp vô đối.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Này Tộc tánh tử! Âm thanh là hữu đối hay vô đối?

Bồ-tát Định Hóa Vương bạch Phật:

–Âm thanh cũng là hữu đối mà cũng là vô đối.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Âm thanh cũng không hữu đối cũng không vô đối. Này Tộc tánh tử! Thế nào, âm thanh này là có, là không, là hư, là thực? Này Tộc tánh tử! Thế nào, hư không có thể vẽ thành chữ chăng?

Bồ-tát Định Hóa Vương thưa:

–Vâng, bạch Thế Tôn! Không thể vẽ được. Vì sao? Vì Như Lai tu

tập công hạnh trong a-tăng-kỳ kiếp, cũng không thấy có, cũng không thấy không, cũng không thấy có ba đời, cũng không thấy không có ba đời, cho đến phi tưởng phi bất tưởng cũng như vậy.

Bồ-tát Định Hóa Vương bạch Phật:

–Các pháp quan sát như trên đều được nhận biết rõ. Kính mong Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn nói về ba pháp vi diệu. Thế nào là tối vi diệu? Hình tướng của trung ấm chăng? Hình tướng của năm sắc thức chăng? Phi tưởng phi bất tưởng thức chăng?

Khi ấy, Đức Thế Tôn nhận biết tâm của chúng hội đều có sự nghi ngờ liền ở trên tòa nói tụng:

Ta thọ khổ ba cõi
Tâm ngu lầm, si ái
Trải qua a-tăng-kỳ
Nơi có cũng nơi không.
Phá trừ kiếp sinh tử
Nay mới được thành Phật
Dùng bản nguyện thệ lớn
Độ kẻ không được độ.
Phật lực đấng tột cùng
Ba cõi không ai bằng
Toàn bộ không hai tâm
Tự thệ nguyện thành Phật.
Ta từ Phật Chánh Chú
Mới phát tâm vô đẳng
Ở trong dục vây buộc
Kiên cố khó nhổ trừ.
Không định, nguyện, vô tướng
Phân biệt ba Tam-muội
Trước, niệm thở ra vào
Phân biệt đường thiện ác.
Giữ tâm như bưng dầu
Hành bộ chẳng thất nghi
Như người thấy kiếp thiêu
Đốt thiêu kẻ trọng tội.
Phước sinh trời Quang Âm
Nhẹ nhàng ở phương kia
Ba phẩm loại chúng sinh
Kẻ thọ hình trung ấm.
Nhận biến hóa không lường
Ngoài Ta, ai nói được?
Năm sắc thức chúng sinh
Bất đồng trong ba cõi.
Như Lai bậc tối thắng
Vào thức kia giáo hóa
Mỗi mỗi phân biệt nói
Không vướng trăm tám ái.
Ưng thành Tu-đà-hoàn
Nói pháp Tu-đà-hoàn
Ưng thành Tư-đà-hàm
Nói pháp Tư-đà-hàm.
Ưng thành A-na-hàm
Nói pháp A-na-hàm
Ưng thành A-la-hán
Nói pháp A-la-hán.
Ưng thành Phật-bích-chi
Nói pháp Phật-bích-chi
Người ưng đạo Bồ-tát
Nói pháp đạo Bồ-tát.
Chứng đắc Tu-đà-hoàn
Ba mươi hai ức người
Chứng đắc Tư-đà-hàm
Bốn mươi hai ức người.
Chứng đắc A-na-hàm
Năm mươi hai ức người
Chứng đắc A-la-hán
Sáu mươi hai ức người.
Chứng đắc Phật-bích-chi
Bảy mươi hai ức người
Chứng đắc đạo Bồ-tát
Tám mươi hai ức người.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói tụng:

Ta vốn không tâm pháp
Hiện vì giáo hóa chúng
Thấy khói biết có lửa
Thấy mây biết có mưa.
Hành bộ biết quân tử
Thấy sao biết có trăng
Tâm ngã, Ta tận dứt
Không có ngã, vô ngã.
Trải qua vô số kiếp
Không biết số tháng ngày
Phật quả do tư duy
Phàm phu không đạt tới.
Lành thay, đại Thánh Tôn!
Chiếu khắp mười phương cõi
Xa lìa pháp dục giới
Ở trung ấm giáo hóa.
Giáo pháp chư Phật này
Nơi ấm không thấy ấm
Các loại chúng sinh ấy
Phát nguyện đều sai khác.
Chấp ngã tự trói buộc
Ta vốn cũng như thế
Phật nhờ chánh tư duy
Suy xét mọi nguồn gốc.
Trong mỗi ý, mỗi niệm
Dứt trần cấu không khó
Trần cấu khi thắng Ta
Ta đọa ba cõi ác.
Ta nay thắng trần cấu
Dứt cấu, nhập Niết-bàn
Lành thay, đại Thánh Tôn!
Bước riêng không hai vết.
Thấy đạo tích của Ta
Người Diêm-phù được độ
Thân hành có ba việc
Khẩu hành có bốn việc.
Ý hành có ba việc
Biển sinh tử trần cấu
Chúng sinh ở chín cõi
Thức là chốn trải qua.
Phân biệt ngã, vô ngã
Không ngã cũng không bỉ
Các Đức Phật, Thế Tôn
Tâm rộng không biên giới.
Một lòng nghĩ chúng sinh
Chốn thọ không giới hạn
Thân tịnh không làm ác
Miệng nói luôn thanh tịnh.
Tâm tịnh như tâm Phật
Đó là pháp chư Phật
Thân là đồ chứa khổ
Đây chẳng có ba đời.
Ngoài ta không ai biết
Ai biết miễn khổ này
Công đức của Như Lai
Các tướng như mi, vế.
Tướng ngực của sư tử
Mỗi sợi lông đều sáng
Bàn tay thiên bức lý
Chỉ rõ nẻo thiện ác.
Lưỡi, răng, tiếng sáng trong
Tế độ hằng sa kiếp
Mắt, tai, mũi và tóc
Đỉnh vô kiến – nhục kế
Hư không có thể cùng
Tướng Phật thật vô lượng.

Đức Thế Tôn nói tụng này rồi, có tám mươi ức chúng sinh trung ấm đối với cảnh giới Niết-bàn Vô dư đều phát tâm kiên cố, mỗi mỗi đều thành Phật và có cùng một hiệu với Đức Như Lai Diệu Giác.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Những điều ông hỏi về hữu lậu, vô lậu; có đối, không đối; có thể thấy pháp quá khứ, hiện tại, vị lai hay không thể thấy pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, nay Như Lai sẽ nói với ông.

Bồ-tát Định Hóa Vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con mong muốn được nghe Phật dạy.

Phật bảo Bồ-tát Định Hóa Vương:

–Nên lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì ông phân biệt nói rõ.

Này Định Hóa Vương! Như thế nào là duyên tận? Cái gì là không phải duyên tận? Đó là sáu nhập trần cấu, các pháp nhiễm, ngã si, ngã ái. Quan sát pháp hơi thở ra vào, bên trong bên ngoài, tám vạn bốn ngàn độ vô cực đời đời không thể diệt, niệm niệm tạo thành hình tướng của chúng. Pháp hữu lậu có tám vạn bốn ngàn, pháp vô lậu có ba mươi bảy, là các pháp hữu vi và vô vi. Đây không phải là đạo Niết-bàn. Thân thanh tịnh không phạm các điều ác, miệng không nói lời quấy, tâm tịnh với định hợp bốn tâm vô lượng biến mãn rộng khắp. Đó gọi là hạnh của Bồ-tát.

 

Phẩm 4: BỒ TÁT HIỀN HỘ HỎI VIỆC

Bấy giờ, Bồ-tát Hiền Hộ từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo vai phải, gối phải chấm đất, quỳ chấp tay trước mặt, bạch Phật:

–Lành thay, Thế Tôn! Ba phần chúng sinh: Đục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, thức của chúng khó lường. Thế nào là lượng hữu lậu, thế nào là lượng vô lậu? Thế nào là lượng hữu vi, thế nào là lượng vô vi? Thế nào là lượng hữu sắc, thế nào là lượng vô sắc? Thế nào là lượng hữu dục, thế nào là lượng vô dục? Thế nào là lượng hữu ký, thế nào là lượng vô ký?

Khi ấy, Đức Thế Tôn nghe những điều Bồ-tát Hiền Hộ hỏi, liền nói tụng:

Ở tại trong bào thai
Thọ hình nhiều chủng loại
Trước diệt, sau đã sinh
Số nhiều như hằng sa.
Ba phần thức chúng sinh
Trần cấu nhiều chủng loại
Hoặc nghe tiếng được độ
Hoặc thấy hình đắc quả.
Nay Ta, Phật Diệu Giác
Giáng thần vào trung ấm
Mỗi mỗi đều thấu rõ
Pháp hữu lậu, vô lậu.
Đắc đạo thành quả chứng
Năm sắc thức dễ độ
Loại kia một bộ giới
Chẳng ở hữu vô lậu.
Chúng sinh tại trung ấm
Như thân Ta không khác
Năm ấm hình thống khổ
Bánh xe chuyển không ngừng.
Tôi ta vốn không định
Thinh, hưởng cũng không tên
Quán thân ba mươi sáu
Dục giới pháp có lượng.
Ba phần còn hai phần
Chúng sinh trung ấm ấy
Chúng sinh năm sắc thức
Không nhiễm khổ ba cõi.
Vô minh, si ái, hoặc
Tướng ẩn chẳng phải không
Hữu lậu gốc khổ đế
Dứt kết chẳng cùng sắc.
Tập đế: hai mươi tám
Tịch diệt trần cấu trừ
Ba mươi bảy phẩm đạo
Đạo đế quả chân thật.
Hiền Hộ, nay ông biết
Pháp hữu lậu, vô lậu
Pháp ký, pháp vô ký
Nay Ta nói cho ông.
Hành thiện ác hữu ký
Pháp vô ký si ám
Đọa lạc trong sinh tử
Ngoài Ta, ai độ được?

Khi Đức Phật Thế Tôn giảng nói những lời này, có chín mươi mốt ức chúng sinh đều phát tâm cầu đạt đạo Vô thượng, bốn mươi bảy ức na-do-tha chúng sinh đều đắc đạo quả A-la-hán.

 

Phẩm 5: ĐẠO THỌ

Bấy giờ, trên tòa có vị Bồ-tát tên là Thọ Vương, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo vai phải, gối phải chấm đất, quỳ chấp tay, bạch Phật:

–Lành thay! Bạch Thế Tôn! Những điều Như Lai dạy thật là kỳ lạ. Chẳng hay Như Lai muốn nói hữu lậu chăng? Vô lậu chăng? Kính mong Thế Tôn từng câu nói rõ. Cái gì là hữu lậu? Cái gì là vô lậu?

Phật bảo Bồ-tát Thọ Vương:

–Có sinh có diệt gọi là hữu lậu. Không sinh không diệt gọi là vô lậu.

Có ngã có thân gọi là hữu lậu. Không ngã không thân gọi là vô lậu.

Nhãn là đối của sắc gọi là hữu lậu. Không nhãn, không sắc gọi là vô lậu.

Có thức, có tưởng, có hình gọi là hữu lậu. Không thức, không tưởng, không hình gọi là vô lậu.

Chỗ trú của ba thức xứ có thân gọi là hữu lậu. Mỗi thức mỗi xứ có một hình gọi là vô lậu.

Có hình, phi tưởng phi phi tưởng là pháp lượng có dụng. Chỗ bất dụng trong cảnh giới của thiền thứ ba thì chán sợ sinh tử, nên gọi là bất dụng.

Có nguyện, không nguyện, hoặc mới phát sơ thiền thì vui thích với hỷ lạc ấy, tâm không dao động, niệm tịnh hỷ an, tự giữ lấy năm hạnh, thành tựu có tưởng có diệt, theo pháp quán hơi thở ra vào ấy mà hỷ hành, một trăm lẻ tám ái nơi một niệm, ở trong một ức hành, tưởng, tưởng không cùng tận.

Huống chi thân hiện tại của hành giả kia không có tưởng ta và người: Ta từ vô số kiếp bỏ cái này, theo cái này. Chỗ trải qua của ba thức xứ không có hiện hữu, cũng không có ngã. Ba cõi thật khổ thay! Thân chịu nạn sinh tử, thí như phép ảo thuật, dùng nắm tay lừa dối trẻ con. Pháp thức thần vô hình, định sinh diệt vô thường. Ta còn không có thân của ta, huống gì là những pháp có thức hình. Tưởng cũng là pháp vô tưởng, cũng không thấy có thức, bốn ấm kia (sắc, thọ, tưởng, hành) còn tồn tại chỗ nào? Do thức mà có phân biệt. Khổ ám có năm hành tướng. Không phải ta có ngã, không phải ông có ngã. Ta từ vô số kiếp, trải qua ba thức xứ, trừ trời, rồng, quỷ thần, nơi đâu mà không có Diệu giác? Ta thực hành các pháp thiện, thề độ vô số chúng sinh, tùy theo loại hình mà giáo hóa, chúng sinh được hóa độ nhiều vô lượng. Hạnh của Như Lai thanh tịnh, rộng độ vô biên cõi, thần thông chiếu khắp nơi, quan sát trong ba đời, từ chúng sinh có hình đến chúng sinh vô hình. Ta tư duy mười tưởng kết, không lo sợ trần cấu, hư không không biên vực, không còn thấy vãng lai, tâm bên trong không niệm, nhờ công đức nhẫn nhục mà thành tựu, một lòng tinh tấn cầu thành Phật, vui tịch diệt Niết-bàn, khởi cũng không thấy khởi, sinh cũng không thấy sinh, huống gì là có sinh diệt.

Chư Thiên và thế nhân có thể đoạn các thứ trói buộc, chấp trước, nhiễm ô trong ba cõi để đến bờ giác. Trải qua biển sinh tử, chúng sinh tự trói mình trong đó, bị sắc dục làm mê hoặc, trôi lăn mãi trong ba hữu. Phật không còn sự sợ hãi, dùng oai thần để tiếp nhận chúng sinh, chỉ vì chúng sinh mà quên mình, công đức ấy thật không thể tính kể được. Phật thường dùng bốn ý chỉ, năm căn, năm lực, bảy giác chi, ba mươi bảy pháp trợ đạo; thường hành ba Tam-muội: không, vô tướng, vô nguyện; khéo dùng các phương tiện thiện xảo để giáo hóa cõi sinh tử. Phật thực hành sáu pháp Ba-la-mật, trải qua không biết bao nhiêu kiếp, quay vòng khắp các cõi trong hư không, độ chúng sinh giải thoát đắc đạo số nhiều như vi trần không còn vọng tưởng điên đảo. Phật chỉ dùng một âm mà diễn bày giáo pháp vi diệu, khiến chúng sinh thọ giáo hóa rộng khắp không bờ bến. Với đạo tâm quan sát các pháp, không còn thấy có khởi có diệt, hiểu rõ nội ngoại thân, luôn hệ niệm đối với pháp An ban tức: hơi thở dài biết dài, hơi thở ngắn biết ngắn, loạn tưởng biết loạn tưởng, định tưởng biết định tưởng, giữ tâm hoàn toàn không loạn tưởng mà thực hành chánh pháp thanh tịnh. Đức Thế Tôn liền nói tụng:

Nẻo hành của Phật lực
Thấm nhuần khắp trời, người
Chúng sinh học, vô học
Cho đến kẻ phàm phu.
Tâm dứt lìa chúng tưởng
Đều đến nơi vô úy
Phân biệt: không, vô tướng
Tu đạo tràng thanh tịnh.
Trang nghiêm cội Phật đạo
Đều đồng một sắc thân
Chuyển pháp luân vô thượng
Xiển dương tiếng trống pháp.
Không phải các chúng ma
Có khả năng chuyển được
Mở pháp tạng cam lồ
Rưới khắp tất cả chúng.
Vô số kiếp cứu độ
Vô lượng các chủng loại
Đấng tối thắng cứu đời
Độ người không kể xiết.
Lành thay, chẳng nghĩ bàn!
Nẻo độ không thể lường
Ta từ xưa lập hạnh
Chỉ có Phật xưng lường.
Chẳng thấy pháp tôi – ta
Pháp ích lợi trời, người
Công đức vượt ba cõi
Được vào cảnh Niết-bàn
Trong sạch không trần uế
Nói pháp ánh trăng trong sao.

Đức Thế Tôn nói tụng này xong, có tám mươi bốn ức na-do-tha trăm ngàn ức chúng sinh trung ấm đều dứt sạch các trần cấu, chứng đắc pháp nhãn thanh tịnh. Lại có mười ngàn ức chúng sinh năm sắc thức đều phát tâm hướng tới đạo Bồ-đề không thoái chuyển.

Pages: 1 2