TỤNG BẠCH Y THẦN CHÚ
BỒ TÁT CẢM ỨNG
Hạnh Đoan Tuyển dịch
Lúc tôi ở Bắc Bình, trong lúc xem sách, thấy có tặng kèm Bạch y thần chú Quan Thế Âm. Tâm sinh kính ngưỡng, liền học thuộc trì tụng thường xuyên.
Sau đó tôi nhậm chức tại Giang Tô, huyện Câu Dung, mỗi ngày công tác đều đi ngang Am Quan Âm, thường vào đó trì chú lễ bái và chiêm ngưỡng thánh tượng, hiếm khi gián đoạn.
Mùa đông 1937 quân Nhật xâm nhập, huyện Câu Dung tình hình khẩn trương. Nam Kinh, Hàng Châu giao thông đứt đoạn.
Để an toàn, tôi mượn xe đưa thân quyến đến Trấn Giang trước, rồi từ Trấn Giang đi đến Hoài Âm cho họ tạm lánh nạn tại đây, dự tính là sau đó sẽ đồng đến Vũ Hán.
Quyến thuộc đi rồi, khoảng 8 giờ sáng hôm sau thì vợ tôi đột ngột gọi điện từ Trấn Giang tới, báo tin rằng hôm qua họ vừa qua sông Bắc Giang đến Miếu Tiên Nữ thì giao thông bị chặn đứng, nên ngay trong đêm bắt buộc phải về lại Trấn Giang, hiện giờ không thể đến Hoài An, mà có muốn về Câu Dung thì không nghĩ ra cách. Trước mắt nàng tạm ngụ tại bến đò gần khách sạn, đợi tôi đến rồi mới quyết định.
Tôi nghe xong chẳng biết xử trí làm sao. Thứ nhất, hiện thời không có xe đi Trấn Giang. Thứ hai, nếu đến Trấn Giang thì tôi an trí cho quyến thuộc thế nào đây? Thứ ba, nếu đi đến đó, bản thân tôi cũng vô phương về lại Câu Dung. Mà tôi đang phải thi hành nhiệm vụ theo lệnh thượng cấp, không được quyền tự ý rời bỏ cương vị công tác, nhất là vào thời điểm này.
Trong lúc bối rối, tôi chỉ còn biết cầu nguyện Bồ-tát gia hộ, vì chẳng còn cách nào khác.
Buông điện thoại xuống, tâm trí hoang mang, tôi cứ đi ra ngoài công sảnh, bỗng thấy trước sảnh có một chiếc xe đậu lại, tôi vội tiến tới hỏi thăm xe đi đâu? Thật may và trùng hợp là xe đi Trấn Giang. Lòng tôi khấp khởi mừng vì được quá mơ ước.
Tôi lên xe ngồi rồi, mới hỏi thăm xe từ đâu tới? Thì tài xế cho biết là anh được phái đến đây chở văn kiện trọng yếu. Tôi bèn hỏi:
– Vì sao xe vẫn chưa xuất phát?
Anh đáp:
-Do có người bỏ quên đồ, đang về lấy hiện vẫn chưa trở lại nên xe chưa đi.
Tôi nghĩ thầm: “Chiếc xe con này đậu ở đây giống như là để chờ tôi lên vậy. Vì sao nó có thể xuất hiện vừa vặn đúng lúc, ngay giây phút tôi sốt ruột đang rất cần xe, thì lại có xe. Và xe còn đi Trấn Giang nữa chứ? Nếu không nhờ ai đó bỏ quên đồ, thì xe đã sớm xuất phát và tôi làm sao có được cơ hội để quá giang? Tất cả điều trùng hợp này nếu không phải do Bồ-tát ban phúc, thì sao việc có thể xảy ra đúng thời, khít khao như vậy?”…
Đến Trấn Giang rồi, tôi quyết định đưa thân nhân đi Vũ Hán trước, mà thực ra hiện thời chẳng còn đường nào khác để đi.
Lúc này ở Trấn Giang lòng người cực kỳ hoảng loạn, ai cũng muốn sơ tán.
Hiện có con tàu buôn Anh Quốc đang đậu ở bến Giang Tâm, đây là chiếc cuối cùng đi Vũ Hán, nửa đêm mới khởi hành nhưng vé thuyền sớm đã bán hết.
Khách muốn lên tàu, trước phải đi thuyền nhỏ ra, tay giơ cao đưa chiếc vé lên trình, nếu không sẽ bị thủy thủ Anh Quốc dùng súng nước bắn, ngăn cản không cho lên thuyền.
Nghe nói là trọng tải thuyền đã đầy, không thể chứa quá hạn.
Từ trên bờ tôi vọng ngó xuống mạn thuyền, chỉ thấy hành lý chất đống, lữ khách ngủ tại chỗ trống trên sàn.
Còn trên bến, người đi giành nhau chen chúc, có rất nhiều người nôn đi, sẵn sàng chấp nhận mua vé với giá cắt cổ, nhưng mà không có ai chịu bán.
Bản thân tôi là người lạ đến đây, tiếng bản địa không rành, nên càng chẳng dám ôm hi vọng mình có thể đưa được vợ con lên tàu. Dù vậy, tôi vẫn tiếc nuối, buồn bã nấn ná tại bến cảng rất lâu, rồi thất vọng lủi thủi quay về khách sạn.
Trong lúc bó tay không nghĩ ra cách gì để thu xếp cho thân quyến, vợ chồng chỉ biết nhìn nhau thở dài. Tình hình khi đó gấp rút, bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thấy sợ.
Lâm vào bước đường cùng như thế này, tôi chỉ còn biết cầu Bồ-tát gia hộ cho mà thôi.
Đang âm thầm khấn nguyện thì bỗng có một người xông thẳng vào quán trọ, tay cầm lăm lăm chiếc vé, nằng nặc đòi bán cho tôi.
Ông ta kể mình bận chuyện nên không thể lên tàu, giờ xin tình nguyện nhường vé cho tôi với giá như cũ. Ông còn nói trong lúc “binh hoang mã loạn”, lòng tuyệt chẳng muốn làm giàu bằng tiền bất nghĩa nên chẳng muốn lấy giá cắt cổ…
Tôi như chết đuối gặp phao, tâm tư ngàn vạn lần tri ân ông khách lạ đã nhường vé để vợ con tôi có thể đi lánh nạn. Nhân viên khách sạn chứng kiến cảnh này vô cùng ngạc nhiên, không hiểu vì sao trong thời điểm nước sôi lửa bỏng mà tôi vẫn có thể mua được vé tàu? Mà còn mua với giá tốt nữa.
Anh ta cứ thắc mắc vì sao người lạ lại tìm đến tận nơi, trực tiếp đòi bán cho tôi mà không là ai khác? Vì sao cam lòng bán nguyên giá đã mua, nhất quyết không lấy lời?
Điều này tất nhiên tôi hiểu rõ, đây chính là oai thần uy lực của Bồ-tát ngầm trợ giúp, linh diệu khó thể tưởng. Nhưng tôi không nói gì, chỉ cuống quýt đưa vợ con đi cho kịp.
Tôi do đang mang nhiệm vụ nên chỉ có thể nhìn vợ bế con lên tàu, cùng rơi nước mắt tạm biệt nhau. Biết ngày sau tôi có thể đến Vũ Hán đoàn tụ gia đình hay không? Chuyện này vô phương đoán trước.
Giây phút này ai cũng lâm vào cảnh quốc thảm gia sầu, thì giấc mơ trùng phùng kiaq bỗng hóa thành cao xa vời vợi. Vì vậy mà mọi người cùng có chung một tâm tư u buồn bi ai trĩu nặng như nhau.
Do vậy mà từ biệt vợ con xong, tôi đi như một kẻ mất hồn, không biết là mình đang đi trên phố nào, đường nào? Bỗng tôi sực tỉnh khi nhớ đến cương vị chức vụ của mình, lòng canh cánh nỗi lo: Bây giờ làm sao về được Câu Dung đây?
Càng nghĩ ruột gan càng rối. Cứ thế, tôi đứng lại giữa đường như ngây ngốc. Đang buồn bã thì bỗng nghe trước con hẻm nọ có hai người đang to tiếng cãi lẫy. Hóa ra là xe hàng họ đỗ bến ở đây, thấy chủ xe và tài xế mãi gây nhau, tôi vội hỏi xe họ đi đâu? Họ nói: Về Nam Kinh (ngang qua Câu Dung).
Tôi nghe xong vô cùng mừng rỡ, liền năn nỉ xin cho đi cùng. Thế là tôi về đến Câu Dung.
Vừa xuống xe, tôi lập tức đến miếu Quan Âm lễ bái, tiện thể rút một thẻ xăm thỉnh ý là mình nên hay không nên đến Vũ Hán đoàn tụ gia đình? Trên thẻ ghi thế này:
Muốn vin nhành quế đến cung hằng,
Lo gì đường mình đi chẳng an?
Thong thả đợi chờ tin tức tốt
Cao nhân đưa tiễn đến vẹn toàn
Sau này, quả nhiên tôi kết bạn với Quận trưởng Câu Dung và được ông đưa đi Vũ Hán, đoàn tụ cùng gia đình.
Trải qua kinh nghiệm linh diệu này, tôi trì tụng Bạch y thần chú càng chí thành. Nếu như mắc việc chưa tụng thì sau đó luôn dốc sức tụng bù.
Năm 1941 tôi nhậm chức tại Hà Nam, trong cơ quan có cây súng trường, tôi ưa cầm đùa nghịch và cất nơi phòng ngủ. Bình thường tôi luôn rút đạn ra, chỉ để súng chưng chơi.
Lúc này vợ tôi đang mang thai đứa thứ hai. Nàng ngồi trên giường đối diện với khẩu súng (tôi vô ý dựng ở trước nàng). Vì khi đó tôi cứ yên chí là súng không có đạn, tay quen nghịch đùa, vô tình chạm đến chốt súng và lẫy cò.
Tôi cảm giác như có vật gì ngăn đạn trong nòng súng bắn ra, lòng bồn chồn không yên, quá thắc mắc nên vội mở súng kiểm tra, thì thấy có một viên đạn đang nằm tại họng súng.
Lúc đó phải nói là tôi sợ đến tay chân bủn rủn, mặt tái nhợt. Vợ tôi thấy vậy, hoảng kinh trách tôi:
– Bình thường em luôn nhắc anh chớ nên nghịch súng để tránh nguy hiểm rủi ro mà anh không chịu nghe. Hôm nay nếu chẳng phải nhờ đạn lép, thì xem như xảy ra thảm họa rồi!
Tôi lúc ấy tất nhiên chẳng còn dũng khí để động tới súng nữa, bèn gọi Kiều đội trưởng tới, nhờ ông lấy đạn ra dùm và kể lại cho ông nghe mọi chuyện.
Ông thấy đạn đã nằm ở họng súng, bèn nói:
– May mà đạn hư, chứ nếu không thì nguy to rồi!
Khi ông lấy đạn ra xong, do hiếu kỳ, nên lắp đạn vào lại và đi ra ngoài chỉa súng nhắm không trung bắn thử. Chỉ nghe “đoành” một tiếng lớn, đạn bay vút lên.
Các đồng sự nhốn nháo chạy ra hỏi thăm, thấy rõ súng nháng lửa và đạn vẫn nổ bình thường. Lúc này chúng tôi chỉ biết nhìn nhau… điếng hồn.
Điều khiến người ta khó giải thích là, tại sao trước đó viên đạn này bắn không nổ, nhưng bây giờ khi hướng lên không bắn, nó lại nổ? Mọi người đều nói: – Kỳ lạ quá!
Kiều đội trưởng luôn mồm khen tôi có phúc sâu dày, tôi tự biết phúc đó là nhờ đâu mà không gặp họa lớn. Chuyện này đúng ra phải lễ bái cảm tạ đức Quan Âm.
Sau khi sang Đài Loan rồi, trong nhà tôi luôn thờ Bồ-tát Quan Thế Âm. Mùa thu năm 1950, đứa con thứ của tôi nhức đầu sốt cao, còn phát co giật. Thân cứng đơ, hai mắt nhấp nháy, rung giật không ngừng.
Đưa vào y viện Đài Trung thì bác sĩ chẩn đoán cháu viêm não. Nhập viện cả tuần rồi mà cháu vẫn hôn mê bất tỉnh, một giọt nước cũng không thể uống, suốt ngày co giật.
Thấy tình hình như thế, lòng tôi rất đau đớn. Thầm nghĩ thuở mình lênh đênh trôi giạt, nuôi nấng cháu đã không dễ dàng gì, đến nay cháu tám tuổi thì không ngờ lại vướng chứng bịnh này. Tôi không cầm được nước mắt, nguyện sẽ luôn trì chú của Bồ-tát, cầu Ngài ban ân gia hộ.
Tôi trì chưa được ba biến, thì cháu nhắm mắt ngủ thiếp đi. Nửa đêm nghe tiếng cháu gọi đòi uống nước, tôi mừng quá vội đem nước tới.
Nhưng cháu không uống, chỉ lấy tay cầm chén đẩy qua một bên, làm mền chăn trên giường đều bị ướt.
Rồi cháu lại thiếp đi. Nhưng hiện tượng co giật không còn nữa.
Lần sau tỉnh dậy, cháu uống được mấy ngụm nước thì đưa tay quơ loạn xạ, giống như là tìm vật gì. Tôi hỏi:
– Con kiếm gì?
Cháu đáp:
-Tìm cái nón.
Nhưng mà hiện thời cháu đâu có đội nón? Tôi nghĩ con mình ngủ mê nói mớ nên không để ý.
Sáng ra, cháu đã có thể mở mắt nhìn chung quanh, coi bộ tỉnh táo hơn. Tôi hỏi:
– Con biết mình đang nằm ở đâu không? Cháu đáp:
– Không biết.
Tôi lại hỏi:
– Hôm qua uống nước, con có tìm vật gì, nhớ không?
Cháu trả lời:
– Hồi đầu con đẩy nước mời một bạn nhỏ đến uống, lần sau thì mới tự mình uống. Nhưng cái mũ bị bạn nhỏ ấy cầm đi rồi.
Tôi hỏi: – Đứa bé ấy từ đâu tới?
Đáp:
– Con đang xem chơi đùa ở khu vực này thì bạn nhỏ đó muốn đưa con về nhà. Lúc nó đi cũng cầm cái mũ của con theo luôn.
Tôi mới đầu vẫn không biết là do Bồ-tát gia hộ, sau đó tôi hiểu được câu “Muốn đưa con về nhà, cầm mũ đi”…
Đây không phải là Bồ-tát bạt trừ khổ não bịnh tật, khiến thần thức cháu về lại bản thể hay sao?
Hiểu ra, tôi không ngăn được niệm danh Ngài mãi không thôi.
Từ đó, hôm sau cháu dần mạnh khỏe, chưa đến hai tuần thì xuất viện. Hơn nữa bịnh không lưu di chứng gì, thật là hay và lạ hết sức.
Bồ-tát Quan Thế Âm lái thuyền từ, hỗ trợ Phật A Di Đà, hóa độ chúng sinh thoát ly khổ hải, qua đến bờ bình an.
Chúng ta sao chẳng cung kính nhất tâm lễ bái Bồ-tát Quan Thế Âm, chí thành trì niệm hồng danh Ngài?
Huệ Tịnh – 8/10/1961
Bồ Đề Thọ Nguyệt San 107
GIẢI THÍCH CHÚ BẠCH Y ĐẠI SĨ
(Thần Chú Bạch Y)
Ngài Thánh Nghiêm giảng
Bài chú này ra đời và lưu truyền rất muộn. Không biết xuất phát từ kinh nào, do ai dịch! Nhưng đại khái, chú này cũng có nguồn gốc từ sự hóa hiện của Đại sĩ và trở thành một pháp môn được người thọ trì, nhưng không phải được truyền dịch từ Ấn Độ.
Câu chú này nói về các vị thần như là:
Thiên la thần, địa la thần, nhân ly nạn, nạn ly thân, nhất thiết tai ương hóa vi trần.
Câu chú này tương đương với văn hóa bình dân và gần gũi, dung hợp với tín ngưỡng dân gian Phật giáo.
Tóm lại, chú này cũng là một sự quy kính Tam Bảo, quy kính Bồ-tát Quán Thế Âm, là nội dung mà tín đồ Phật giáo từ xưa đến nay thường ngày hay hành trì. Cho nên, chú này cũng linh nghiệm phi thường và được truyền tụng phổ biến trong dân gian.
Cách thức trì tụng thần chú này là cứ trì tụng đủ một vạn hai nghìn (12.000) biến thì nguyện một lần.
Nếu nguyện lần thứ nhất không thành thì phải trì tụng tiếp một vạn hai nghìn và nguyện lần hai.
Cứ thế mà trì và nguyện nhiều lần, thì nhất định sẽ thành tựu.
Sau khi mãn nguyện nên in bài chú này một nghìn hai trăm bản để cúng dường.
Nội dung bài chú này là:
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN QUẢNG ĐẠI LINH CẢM QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT (3 LẦN).
NAM MÔ PHẬT
NAM MÔ PHÁP
NAM MÔ TĂNG
NAM MÔ CỨU KHỔ CỨU NẠN QUÁN THẾ ÂM BỒ-TÁT
ĐÁT-ĐIỆT-ĐA.ÁN-GIÀ-LA-PHẠT-ĐA,GIÀ-LA-PHẠT-ĐA, GIÀ-LA-PHẠT-ĐA, LA-GIÀ-PHẠT-ĐA, LA-GIÀ-PHẠT-ĐA, SA-BÀ-HA.
THIÊN LA THẦN
THIÊN ĐỊA THẦN
NHÂN LY NẠN
NẠN LY THÂN
NHẤT THIẾT TAI ƯƠNG HÓA VI TRẦN
NAM MÔ MA-HA-BÁT-NHÃ-BA-LA-MẬT.
Chánh văn của bài chú này được chép vỏn vẹn trong một tờ giấy. Trong đó lại có in hình Bạch Y Đại Sĩ, văn chú và sáu trăm cái vòng tròn nhỏ.
Để biết số biến đã trì tụng, người ta quy định cứ tụng hai mươi mốt biến là chấm một vòng tròn nhỏ rồi theo đó mà tính số biến đã tụng.
Ngày nay có người đã tham khảo qua nghi thức trì tụng chú Đại Bi, rồi ghi thêm phương pháp trì tụng vào bài thần chú này, và cho rằng người nào muốn trì chú này trước tiên phải đến trước tượng Đại sĩ, rửa tay, đốt hương, cung kính cúng dường, chí thành đảnh lễ.
Sau khi tụng xong phải phát nguyện, hồi hướng. Nếu nguyện với tâm chân thành, dù là cầu khỏi bịnh, cầu chức, cầu con, cầu sống lâu v.v… đều có sự ứng nghiệm như nguyện.
Giảng sơ các pháp môn, các chú này đều là phương tiện cứu khổ của Bồ-tát Quán Thế Âm, có sâu có cạn, có trước có sau. Như pháp môn nhĩ căn viên thông của kinh Lăng nghiêm là dùng phương pháp thiền định quán chiếu mà đạt đến sự đạt ngộ rốt ráo.
Đối với pháp môn quán tính chất không thật của năm uẩn thuộc Tâm kinh, chính là dùng phương pháp quán chiếu vô thường, vô ngã, để chứng nhập thật tướng Bát-nhã.
Hai bộ kinh này chủ yếu làm cho chúng sinh quay về với pháp tính và đại được một thể, như thể của Phật; đồng thời trừ tất cả phiền não để thấy được bản lai diện mục.
Phương pháp trì danh của phẩm Phổ môn thì chú trọng đến sự cứu tế của Bồ-tát Quán Thế Âm, đặt vấn đề giải quyết những khổ đau, nạn tai hiện tại của con người lên hàng đầu ở trần gian này.
Phương pháp trì tụng chú Đại bi, tuy chú trọng đến việc giải trừ khổ hiện thực, nhưng cũng nói chính nhờ nhân trì tụng chú Đại bi đó mà được hóa sinh trong hoa sen, thường ở trước Phật.”
CÔNG NĂNG TRÌ TỤNG BẠCH Y THẦN CHÚ HẦU NHƯ CHỈ VÌ MỤC ĐÍCH ĐẠT ĐƯỢC LỢI ÍCH NGAY ĐỜI NÀY, cho nên pháp môn này bị dân gian hóa và phổ cập hóa.
Tóm lại, dù là pháp môn nào, không luận cấp bậc cao thấp, điều quan trọng vận là không hủy báng Tam Bảo, không trái lí nhân quả, đều nên thọ trì, phát triển.
Đối với người tin Phật, học Phật bình dân, thông thường phần đông trước tiên là cầu cho đời này được lợi lạc, hạnh phúc; kế đến là gieo trồng thiện căn và dần dần nghe hiểu Phật pháp, từ từ thăng tiến và có thể tu tập theo các pháp môn đã trình bày như kinh Tâm kinh, Lăng nghiêm .v.v…
Do đó, Bạch Y thần chú tuy gần giống với tín ngưỡng dân gian nhưng cuối cùng cũng chính là một cấp bậc, giai đoạn tu tập trong Phật pháp.
Quán Thế Âm Bồ-tát là một vị Bồ-tát có nhân cách vĩ đại và pháp môn tự độ, bi nguyện độ người của Ngài cũng vô cùng vĩ đại. Bồ-tát thị hiện trong thế giới này với chí nguyện đến để xây dựng tình thương cho mọi người. NGÀI ĐẾN ĐỂ XÂY DỰNG NHỮNG TÌNH THƯƠNG, HẠNH PHÚC CHỨ KHÔNG PHẢI ĐẾN ĐỂ PHÁ HOẠI HẠNH PHÚC.
Cho nên, nếu chúng ta có thể vận dụng lòng tin và nguyện lực của mình thực hành theo Quán Thế Âm Bồ-tát, rất có thể dễ dàng tương ứng với nguyện lực của Bồ-tát Quán Thế Âm và càng dễ dàng được cảm ứng.
Vì thế, nếu có ai đang gặp phải khổ nạn, ngay lúc đó nghĩ nhớ đến Bồ-tát cầu Quán Thế Âm cứu độ, Bồ-tát chắc chắn sẽ hiện đến cứu giúp người đó. Nhưng NẾU NGƯỜI NÀO THƯỜNG NGÀY KHÔNG HỀ NIỆM THÁNH HIỆU QUÁN ÂM, ĐẾN KHI GẶP NẠN KHỔ, E RẰNG LÚC ĐÓ HỌ KHÔNG THỂ NÀO NHỚ NIỆM DANH HIỆU NGÀI.
Do vậy, tuy nói hạnh nguyện của Bồ-tát là “hữu cầu tất ứng” nhưng nếu không người cầu thì nhất định ngài cũng không ứng hiện.
Vì thế, SỰ CẢM ỨNG CỦA BỒ-TÁT CHÍNH LÀ BẮT NGUỒN TỪ LÒNG TIN VÀ SỰ THÀNH KÍNH.
Điều quan trọng khi chúng ta niệm thánh hiệu Quán Thế Âm chớ có ý cầu danh lợi dưỡng. Vì Bồ-tát sẽ không bao giờ giúp cho ta việc đó. Vì sao? Bởi vì, Bồ-tát phát nguyện cao quý nhằm mục đích ngăn ngừa không cho chúng ta làm hại người để đem lợi về cho mình.
Cho nên, khi cúng dường Tam Bảo cầu phước, còn phải phát tâm thanh tịnh.
NẾU AI THƯỜNG NIỆM THÁNH HIỆU QUÁN THẾ ÂM THÌ NHẤT ĐỊNH BỒ-TÁT LUÔN LUÔN CÓ MẶT QUANH NGƯỜI ĐÓ, TÙY THỜI MÀ CHE CHỞ CHO HỌ.
Nếu người nào muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói mà cầu nguyện ngài thì trước tiên Bồ-tát ban phát cho vật thực, y phục để họ được đầy đủ, rồi sau mới đem giáo pháp dạy cho khiến họ tu tập tăng trưởng đạo tâm.
Phẩm Phổ môn có ghi: “Nếu chúng sinh nào lòng nhiều dâm dục, thường niệm và kính lễ Bồ-tát Quan Thế Âm, ngài sẽ giúp cho người đó trừ bỏ lòng dâm dục. Nếu người nào nhiều sân giận thường niệm danh hiệu và cung kính Bồ-tát thì sân tâm sẽ tiêu. Người nhiều ngu si chuyên niệm danh hiệu và lễ bái Bồ-tát Quán Thế Âm thì liền được thông minh trí tuệ”.
Ngài Thánh Nghiêm giảng tại Chùa Thiện Đạo – 17/3/1968