TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Sa-môn Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lại.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

BÀI TỰA VỀ TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Ngày mười lăm tháng ba niên hiệu Thùy Củng thứ bốn Sa-môn Thích Ngạn Tông biên soạn.

Đức Thích-ca đến cõi Ta-bà đầu tiên giảng nói pháp Bát chánh đạo, lập ra Tam bảo, bác bỏ kinh điển của các tà giáo. Do đó mà Phật giáo được thạnh hành. Các kinh điển Phương đẳng, Nhất thừa, viên tông Thập địa, đều gọi là Đại pháp, đều gọi là chân thuyên. Hóa thành và y phục nhơ bẩn, cứu giúp bằng xe dê, xe nai. Đó gọi là tiểu học, là quyền chỉ. Cho đến đem thiền học, giới luật, chú thuật soi sáng cho muôn loài, để dứt bỏ hoặc nghiệp, làm lợi ích cho chúng sanh, cùng quay về bờ giác đạo.

Thế nên, trải qua các triều đại, các bậc anh quân Thánh đức ra đời, đều hết lòng tôn kính bảo trợ. Kinh điển trong tám hội, đều là ý nghĩa căn bản của Phật giáo. Ba lần chuyển pháp luân mang ý nghĩa mạt chi của đạo. Trên trời rải mưa hoa bốn phía. Mặt đất rung chuyển khắp sáu cách. Giải thích hạt châu trên búi tóc, chỉ bày hạt châu trong chéo áo. Mượn một để phá ba nhiếp, gom ngọn trở về gốc.

Trong Phó Pháp Tạng Truyện chép:

Thánh giả A-nan có khả năng tụng trì tất cả pháp tạng của Như Lai. Cũng như các loại khoáng chất đều nặn ra bình tích được, tức có nghĩa là một đời Đức Thích Tôn truyền pháp bốn mươi chín năm đều tùy căn cơ của chúng sanh mà thuyết giáo. Khắp cả bờ sông Đề Hà đều được thấm nhuần soi sáng, làm cho các học thuật sâu sa khác đều dứt mất. Như Lai nhập diệt, ngài Ca-diếp nối tiếp truyền thừa. Mắt sáng của trời, người đã nhắm. Nỗi trầm luân của chúng sanh không người cứu vớt. Cho nên Tôn giả bèn triệu tập các bậc Thánh để kết tập lại kinh điển. Đem giấy mực để lập ra các pháp môn, tức là xâu hóa lại mà mở ra luật bộ. Y cứ vào Ưu-ba-đề-xá để làm luận, giải thích rõ các pháp hữu không, phân biệt các pháp đoạn thường, chỉ bày nhân tu, soi sáng để làm quả chứng. Lấy đó để làm khuôn phép cho đương thời và lời dạy cho đời sau. Người học Phật quy hướng về, đều nương theo nghĩa này. Các bậc vương thần đều vâng giữ, khiến tìm ánh quang minh và tìm cầu học Phật. Ngài Ma-đằng, Trúc Pháp Lan theo lời cầu thỉnh mà diển giải kinh điển khắp nơi. Và phiên dịch ra kinh pháp phàm những điều dễ thì đặt ở phía sau, những điều mới thì để vào giữa và đầu. Truyền bá cái đẹp thì để ở bên ngoài. Trình bày những nghĩa sâu xa trên lá triện. Dịch những gì tinh túy đều để bên trong. Nhưng tất cả đều đến chỗ xuất thần. Những người tư lự, hoặc mê theo tánh tướng thì duy chỉ biết lờ mờ, người đàm luận thì mê muội ở nơi phải trái, huống chi đời nay cách bậc Thánh đã xa, giáo điển phần nhiều đều thiếu sót. Môn đồ các tông phái cạnh tranh đâu phải chỉ bấy nhiêu thôi sao? Thế nên Pháp sư mới ra đời, ứng với không sinh trong cửa đạo, thắp lại ngọn đèn sắp diệt. Tâm phù hợp với sự chí thành của diệu đức, lòng từ bi không bờ bến, nơi đất giác định thần trú lại. Cho nên, Ngài xuất gia học Phật để mong nhóm họp nhị không. Mong đem ngựa ngàn dặm vượt lên núi cao, thường than rằng, sách sử tiên hiền để lại có nhiều sai sót, khiến người nghe vẫn còn nhiều nghi ngờ mê hoặc chưa rõ ràng.

Trộm nghĩ, âm nhạc dưới cây ắt là do âm hưởng của vàng đá. Trong ngủ Thiên Trúc ý nghĩa của cả trăm thiên.

Do đó, Pháp sư phát tâm mạnh mẽ, xem nhẹ cái chết một mình vượt qua bao núi sông hiểm trở, đến tận ngọn Thứu Sơn, vào vườn nai, chiêm ngưỡng các thánh tích nhiệm mầu nơi đất Phật.

Trải qua mười bảy năm trời, đi qua một trăm ba mươi nước. Đến đâu cũng nói lên sự hưng thịnh của Đại Quốc Hoàng Đế đương triều, thống lãnh cả quyền hào. Xét những điều cao thấp của dị học, nêu cao sự học với đồng sư.

Các vị vua nổi tiếng đều sùng bái, đồng học đều tôn vinh, cho rằng xưa nay chỉ có vị này mà thôi. Pháp sư đi qua các nước đều thỉnh được Tam tạng kinh điển Đại Tiểu thừa bằng bản Phạm, gồm có sáu trăm năm sáu bộ. Tất cả chuyên chở bằng voi ngựa vượt qua bao trạm gác để về nước. Trải qua bao sương gió nắng mưa, nhờ uy đức của Hoàng Đế mà được yên ổn trở về.

Đến niên hiệu Trinh Quán thứ mười chín Pháp sư về đến Thượng kinh, tăng ni, dân chúng khắp kinh thành đều ra đón nước, tiếng chuông khánh rền vang khắp nẻo, Ngài vào ra mắt nhà vua, vua cũng thiết tha thăm hỏi bao sự nhọc nhằn của Pháp sư.

Rồi sai quan Hữu ty sắp xếp chỗ cho Ngài phiên dịch. Mọi người cung kính cúng dường khó mà nói hết được.

Ngài thuộc dòng họ trâm anh, còn xa lìa thân tộc mà đi xuất gia, du hóa khắp xa gần, trong ngoài đều khen ngợi. Chỉ bày khuyến hóa để trở về chân, cũng như củi hết thì lửa tắt.

Sách này biên soạn có năm quyển, vào thời nhà Ngụy ở chùa Quốc Tây do Sa-môn Tuệ Lập thuật lại.

Ngài Tuệ Lập vốn họ Triệu, là người ở Công Lưu, tỉnh Thiểm Tây, con của Lang Tư Lệ Tùng Sự Nghị đời nhà Tùy.

Là người hiểu sâu cả Nho học và Phật giáo, khéo luận biện lại thêm lời nói ngay thẳng, sắc diện nghiêm trang không sợ uy quyền thế lực, dù có giẫm vào lửa, đi trong nước vẫn không khuất phục.

Ngài rất kính ngưỡng sự học vấn và đức hạnh của Pháp sư Huyền Trang. Do đó mà biên chép lại để khen ngợi công đức của Ngài. Nhưng bản cảo đã viết xong, ngài Tuệ Lập vẫn lo còn thiếu sót, những điều tốt đẹp, cho nên đem cất không phổ biến ra. Đến khi sắp thị tịch ngài mới đưa cho môn đồ xem. Sách này về sau bị phân tán thất lạc đi. Tôi phải nhiều năm tra cứu suy tầm, sắp xếp, chú thích hiệu đính mà hoàn thành lại bộ sách này gần đầy đủ. Do đó mà tôi viết lời tựa này để trình bày lần lượt các việc sau đây:

Nhân có người lại nói với tôi rằng: Việc ở trong Phật Phật pháp, há cho thế sự xen vào, huống chi phơi bày các việc khổ cực của bậc Thánh.

Tôi nghe xong trầm ngâm hồi lâu ý muốn lui sụt. Tay cầm quyển kinh mà sụt sùi rơi lệ, nào đâu dám lẫn lộn giữa gạch đá mà cho là ngọc báu, cho nên mượn bản văn này soạn thành mười quyển.

Trình bày lần lượt trước sau. Mọi người xem qua xin chớ chê cười.

 

QUYỂN 1

BẮT ĐẦU TỪ KHI SINH RA Ở CÂU THỊ CHO ĐẾN LÚC ĐI VỀ CAO XƯƠNG

Pháp sư húy là Huyền Trang, Họ Trần, là người ở Trần Lưu. Vốn là con cháu của Thái Khâu Trương Trọng Cung đời nhà Hán. Tăng Tổ là quan Thái thú ở Thượng Đảng đời Hậu Ngụy. Tổ phụ là bậc học sĩ, làm chức Quốc tử bác sĩ. Thực ấp ở phía Nam, con cháu nhân đây mà lập cơ nghiệp gọi là đất Câu Thị. Cha Ngài là bậc trí tuệ anh minh, lại tiết tháo nho nhã, sớm thông kinh thuật, thân cao tám thước ra dáng một nho sĩ đương thời, nhưng ông tánh tình điềm đạm giản dị, cũng không mưu cầu vinh tiến, gặp lúc nhà Tùy suy vi, bèn ẩn tích mai danh, xem kinh viết sách. Người trong châu quận đều tiến cử ông giữ chức Hiểu Lâm và Tư Lệ. Nhưng ông đều viện cớ bệnh mà không nhận. Người hiểu biết thì khen ngợi.

Ông có bốn người con trai, Pháp sư là con thứ bốn. Khi còn nhỏ đã nổi tiếng là thống minh đạt ngô. Năm lên tám, khi ấy cha đang ngồi trên ghế để dạy cho Pháp sư bài văn nói về sự hiếu thảo, đến chỗ Tăng Tử rời khỏi chiếu. Ngài cũng đứng dậy, sửa áo ngay thẳng đứng dậy mà thưa với cha: Tăng Tử nghe thầy dạy liền rời khỏi chiếu thì Huyền Trang cũng y theo lời cha dạy đâu dám ngồi yên.

Người cha nghe con nói hết sức vui lòng. Bởi ông nghĩ ngày sau con tất sẽ nên người. Ông đem điều này nói với các vị danh sĩ thì ai nấy đều khen rằng:

Con của ông ngày sau sẽ nổi tiếng, nên mới sớm phát tuệ như thế.

Từ đó về sau, sư thông hiểu đầy đủ nghĩa sâu của các kinh, lại ưa chuộng các vị Hiền thánh thuở xưa. Còn sách nào mà không tao nhã chân chánh thì không xem, phong tục nào chẳng phải là Thánh triết thì không học tập, không dao du với bọn trẻ con, không lui tới chốn phường chợ. Tuy đủ các trò ồn náo trên đường phố, trăm thú vui ca hát trong xóm làng. Các nơi kỹ nữ tụ tập thì chưa một lần đến. Lại cũng ít biết về sắc dục, tánh tình ôn hòa cẩn thận. Người anh thứ hai đã đi xuất gia trước. Đều ở tại chùa Tịnh Độ ở Đông Đô. Thường giảng dạy truyền pháp cho Pháp sư. Do đó mà đến đạo tràng để tu tập kinh nghiệp. Chẳng bao lâu lại có sắc chỉ, ở Lạc Dương thế độ cho mười bốn vị tăng. Người có nghiệp tốt có đến mấy trăm. Pháp sư vì nhỏ tuổi nên không được xếp hạng dự phần, bèn đứng ở bên ngoài cửa.

Bấy giờ, có người sứ nước Đại Lý là Trịnh Thiện Quả rất biết trọng kẻ sĩ. Nhìn thấy Pháp sư thì lấy làm lạ hỏi: Ngươi là con nhà ai?

Đáp: Là con nhà họ ấy.

Lại hỏi: Ngươi muốn xuất gia chăng?

Đáp: Vâng, nhưng vì tuổi nhỏ sức kém nên không mong được dự vào.

Lại hỏi: Ngươi muốn xuất gia để làm gì?

Đáp: Ý tôi muốn xa là nối tiếp hạt giống Phật của Như Lai. Gần là muốn làm sáng tỏ Đạo pháp.

Bởi chí ý sâu sa tốt đẹp, lại con nhà hiền sĩ khí mạo khác người, cho nên Ngài đặc biệt được nhận vào. Nhân đó quan mới nói với các quan đồng liêu rằng:

Thông nghiệp thì dễ, mà thành được phong cốt mới thật là khó. Nếu độ người này thì chắc chắn là pháp khí vĩ đại của nhà Phật. Chỉ sợ rằng các vị không thấy, người này bay xa lên được khoảng trời xanh thì sẽ rưới dòng cam lộ, mà danh giá gia môn không thể mất.

Ngày nay quán xét lại việc kia, thì lời của Trịnh Khanh nói quả là không luống dối. Sau khi Pháp sư được xuất gia thì ở chung với anh. Bấy giờ ở trong chùa có Pháp sư Cảnh giảng Kinh Niết-bàn. Ngài lúc nào cũng ôm kinh bên mình quên cả ăn ngủ. Lại học luận Nhiếp Đại thừa với Pháp sư Nghiêm, lòng yêu thích nên chỉ nghe qua một lần liền thông thuộc hết. Sau xem lại một lần nữa thì nghĩa lý không còn thiếu sót. Đại chúng đều lấy làm lạ, bèn mời Ngài lên tòa giảng lại. Những lời Ngài giảng lại đều phù hợp kinh sách của các vị Tôn sư, thế là tên tuổi vang lừng từ ấy.

Đó là năm Ngài mười ba tuổi. Về sau, khi nhà Tùy mất, dân chúng khắp nơi nổi dậy. Chốn Đế kinh là nơi hùng cứ của đạo tặc, khắp sông ngòi là hang ổ của sói lang, quan binh không còn thì pháp chúng cũng mất, xương trắng đầy đường, khói lửa mới dứt.

Vương Đổng dấy binh soán ngôi, Lưu Thạch làm loạn gây đồ thán cho sinh linh. Pháp sư lúc ấy tuy còn nhỏ tuổi mà thấu đạt mọi tình lý, bèn nói với anh rằng: Đây tuy là ấp của cha mẹ để lại, nhưng khi loạn lạc nổi lên thì chẳng lẽ giữ mà chịu chết? Tôi nghe nói nhà Đường khởi nghiệp, cùng dân chúng Tấn Dương nổi lên ở đất Trường An, thiên hạ nương tựa như gặp cha mẹ. Vậy xin anh hãy đến đó.

Người anh nghe lời, liền cùng em đến đó, bấy giờ là niên hiệu Vũ Đức năm đầu. Bấy giờ, nước nhà mới sáng lập, binh giáp các nơi vẫn còn khởi lên, đối với pháp thuật Tôn Ngô thì đây là mục đích chính phải giải quyết gấp, còn đạo Phật và đạo Khổng vẫn chưa được đề xướng, cho nên đất kinh thành chưa có nơi thuyết giảng, Pháp sư rất bùi ngùi. Vào năm đầu tiên đời vua Dạng Đế (nhà Tùy) ở Đông Đô có lập ra bốn đạo tràng, cho mời danh tăng khắp trong nước đến, các vị ở đó đều là bậc tài giỏi. Cho nên đạo pháp phát triển như rừng, Người người đều tìm đến.

Vào năm cuối đời vua Dạng Đế thì nước nhà ly loạn nên mọi việc chấm dứt, tăng chúng phần nhiều đều sang đất Thục. Biết rằng Phật pháp rồi sẽ hưng thạnh tại đây, nên Pháp sư nói với người anh rằng: “Ở đây không có pháp sự, không thể để luống qua, nguyện đến đất Thục thọ học”. Người anh nghe theo. Lại cùng với Kinh Tử Ngọ Cốc đến Hán Xuyên, gặp hai Pháp sư Không và Cảnh đều là những bậc Đại đức chốn đạo tràng, các vị gặp nhau vừa buồn vừa vui, bèn dừng lại đó hơn một tháng để thọ học. Sau đó cùng nhau đến thành đô. Các Đại đức đã về đây, cùng kiến tạo đạo tràng, thế là Pháp sư ở đây tạo nền móng học nhiếp luận Tỳ-đàm và chấn hưng cùng với các Pháp sư khác.

Lúc này, trong nước dân chúng đói khổ ly loạn, chỉ có đất Thục là bình yên sung túc, cho nên tăng chúng khắp nơi đều trở về đây rất đông. Hằng ngày người đến nghe pháp thường có đến mấy trăm. Tài trí của Pháp sư sâu rộng, mỗi lời nói ra đều có lợi ích, lâu nay ở đất Kinh sở, Ngô Thục này chưa hề nghe biết Phật pháp nên lòng luôn ngưỡng vọng mong cầu.

Anh của Pháp sư nhân đó đến trụ trì chùa Không Tuệ ở thành đô, cũng làm cho Phật pháp hưng thạnh thêm lên. Ngài cũng là bậc tài giỏi đương thời giống như cha mình. Thích học thông cả nội, ngoại điển. Thường giảng Kinh Niết-bàn và luận Nhiếp Đại thừa cùng A-tỳđàm, càng thông với các sách sử và khéo phù hợp với lão Trang, nên được người dân Thục kính mến. Quan tổng quản là Toản Công rất kính trọng. Đến như một lời nói ra đều ẩn nét phong lưu, tiếp vật độ người, thật không hổ thẹn với em. Còn Pháp sư thì rộng lớn anh tú riêng mình mà không xen một chút bụi trần, dạo chơi cả tám cõi đạt hết mọi lý lẽ nhiệm mầu. Muốn chu du khắp cả hoàn vũ để nói lên ý chí, tâm nối gót bậc Thánh đạt, gìn giữ giềng mối, khác tục. Dù gặp phong ba ý vẫn không nản. Đối với muôn lý Đại thừa đều thể hiện khí tiết của bậc cao sĩ, ngay cả người anh cũng không thể bì được. Nhưng cả hai anh em ý nghiệp đều cao cả thanh quy, danh tiếng nhã chất đều tỏ sáng khắp nơi. Tuy rằng ở chốn núi non sơn dã, mà đâu đâu cũng biết tiếng, khi Pháp sư vừa tròn hai mươi tuổi, đó là vào niên hiệu Vũ Đức thứ năm, ở nơi thành đô thọ giới cụ túc và nhập hạ học luật. Các tông yếu về năm thiên bảy tụ đều thông suốt, nhiều bộ kinh luận đều nghiên cứu tường tận. Sư lại muốn đến kinh đô để học thêm yếu chỉ, nhưng đường xá xa xôi trở ngại, lại vì người anh cứ lưu lại nên chưa được toại chí. Sau bèn kết bạn với những người đi buôn, cùng đóng ba chiếc tàu, men theo dòng sông trốn đi. Khi đến Kinh Châu thì vào chùa Thiên Hoàng, chẳng bao lâu hàng đạo tục nghe tiếng đều kéo đến, đều cung thỉnh Ngài lên tòa nói pháp.

Pháp sư liền giảng nhiếp luận và Tỳ-đàm, từ mùa hạ cho đến mùa đông mỗi kinh đều giảng qua ba lần. Bấy giờ, có Hán Dương Vương là người có uy đức đang trấn nhậm tại đây. Khi nghe có Pháp sư đến thì rất vui mừng. Tự tìm đến bái yết làm lễ, rồi trong ngày bắt đầu khai giảng, vua và các đồng liêu cùng hàng đạo tục, các bậc học sĩ đương thời đều nhóm họp ở chỗ Pháp sư để hỏi đạo nghe pháp, Pháp sư trả lời, giải thích mọi ý kinh không có chỗ nào mà không sáng tỏ. Ngài đều thể hiện lòng từ bi vô lượng nói hết những lý mầu sâu sa, khi ấy vua cũng khen ngợi vô cùng. Đại chúng đem tài vật đến cúng dường như núi, nhưng Ngài đều không nhận. Sau đó, Ngài từ giã để đến phương Bắc cầu học các bậc tiên đức, đến Tương Châu gặp Pháp sư Tào Hưu thưa hỏi các điều còn nghi ngờ, sư lại đi dến Triệu Châu tham yết Pháp sư Thâm học luận Thành thật. Kế tiếp đi dến Trường An dừng chân tại chùa Đại Giác. Học luận Câu-xá với Pháp sư Nhạc, chỉ nghe qua một lần đều thấu triệt hết ý chỉ. Tất cả các kinh mục đều ghi nhớ ở trong tâm. Nhưng tuy tu học đã nhiều năm mà lý kinh vẫn không giảng giải ra được. còn những lời lẽ sâu sa, mở ra mọi lý nhiệm mầu, cũng chỉ riêng ngộ ở nơi chỗ sâu xa, cho nên đó chẳng phải là một nghĩa. Bấy giờ, ở Trường An có hai vị Đại đức tu học nghiên cứu pháp Nhị thừa, tu trì theo ba học, đây cũng là pháp tượng ở chốn kinh kỳ, hàng tăng tục đều theo về, đạo vang khắp cả Thần Châu, tiếng vang ra khỏi nước, nên được bạn lữ theo về đông đảo. Tuy thông suốt các kinh mà chỉ riêng giảng luận Nhiếp Đại thừa. Pháp sư cũng có công đức ở Ngô Thục, nay tự đến Trường An, lại tùy theo đại chúng mà giảng nói các ý kinh. Nhưng những chỗ sâu xa nhất lại thâu thập hết mọi ý nghĩa. Hai vị Đại đức đều hết sức khen ngợi nói với Pháp sư rằng: Thầy đáng được gọi là con ngựa câu ngàn dặm trong hàng thích môn lại soi sáng mặt trời trí tuệ khắp nơi. Nay nên lưu lại đây để độ chúng, hận là chúng ta tuổi đã già, e rằng không được nhìn thấy.

Từ đó tăng đồ theo học khắp cả kinh thành, Pháp sư yết kiến hết các vị Đại sư, nghe đầy đủ các kinh pháp, thấu triệt hết mọi ý nghĩa sâu sa, rồi đem các thánh điển của các môn phái mà chứng nghiệm lại thì thấy ẩn hiện có nhiều sai khác mà không biết theo ai. Ngài liền phát nguyện đến Tây Vực học đạo để tìm hiểu những chỗ còn nghi ngờ, nên dùng luận Thập thất địa để giải thích những điều còn nghi. Nay chính là luận Du-già-sư-địa.

Lại nói về thuở xưa ngài Pháp Hiển, Trí Nghiêm cũng là bậc học giả một thời, đều đi cầu pháp, dắt dẫn làm lợi ích cho chúng sanh. Lẽ nào bây giờ lại không noi theo dấu vết của ngày xưa, mà để cho ngọn gió mát phải ngừng thổi. Đại trương phu phải nối gót theo người trước, thế là Ngài liền kết bạn để đi và dâng biểu lên trình tấu tâm nguyện, nhưng sắc chỉ không cho phép. Mọi người đều thối chí, riêng Pháp sư thì cương quyết không nản lòng, bèn một mình đơn độc ra đi, lại nương theo con đường hiểm trở phía Tây. Ngài tự hỏi tâm mình có vì đạo mà kham chịu các khổ nạn hay không? Và đều nhất trí với sự điều phục chịu đựng không lui sụt. Rồi vào trong tháp Phật nói rõ ý nguyện, cầu xin Thánh chúng thầm gia bị, khiến cho đi về đều được bình an. Khi Pháp sư vùa mới sinh ra, người mẹ nằm mộng thấy sư mặc áo đi về hướng Tây, người mẹ hỏi: Ngươi là con ta giờ đây định đi đâu?

Đáp rằng: Vì cầu pháp cho nên phải đi. Đây là điềm báo trước cho sự ra đi này. Niên hiệu Trinh Quán thứ ba, tháng tám mùa Thu sư lại định ra đi, lại cầu được điềm lành. Đêm ấy, nằm mộng thấy giữa một bờ biển lớn có ngọn núi Tô-mê-lư, bốn phía đều do châu báu tạo thành rất tráng lệ rực rỡ, ý muốn bước lên núi, nhưng vì sóng đập quá mạnh, lại không có tàu bè. Dù vậy Ngài vẫn không lấy làm sợ, bèn quyết tâm đi vào.

Bỗng nhiên thấy có đài hoa sen bằng đá nổi lên trên sóng, theo mỗi bước chân ngài bước mà sinh ra. Khi bước qua thì các bông sen đó đều biến mất. Trong khoảnh khắc thì đến dưới chân núi, nhưng núi thì cao chót vót không thể lên được, Ngài bèn thử đặt chân lên thì tự nhiên bay vọt lên đỉnh núi, nhìn khắp bốn phương đều bao la rộng lớn không trở ngại gì!

Khi ấy, lòng Ngài rất vui mừng rồi chợt thức giấc. Bèn quyết chí ra đi! Bấy giờ Ngài đã hai mươi sáu tuổi.

Lúc này, ở Tần Châu có vị tăng tên Hiếu Đạt. Đi đến kinh đô để học Kinh Niết-bàn, học xong trở về quê hương. Nên Ngài cùng đi theo, khi đến Tần Châu thì dừng lại một đêm, gặp người bạn ở Lan Châu lại cùng đi theo đến Lạn Châu, nghỉ lại một đêm. Lại gặp người ở Kinh Châu đang hộ tống xe ngựa cho quan trởvề. Ngài lại theo đến đó, lưu lại hơn một tháng, các đạo tục lại thỉnh giảng Kinh Niết-bàn, nhiếp luận và Bát-nhã. Pháp sư đều giải thích cho họ nghe. Kinh Châu là nơi đô hội của Hà Tây. Nơi đây là chốn thông hành buôn bán vải lụa giữa các nước, các thương buôn qua lại nơi đây không ngớt. Pháp sư khai giảng đạo pháp ngày một đông. Có người đem trân báo vải lụa đến cúng dường Sư, ai nấy đều khen ngợi Sư và cùng quy hướng về. Họ lại đến các nơi khen ngợi Sư không ngớt và nói Sư muốn đi về Tây Vực để cầu pháp. Thế là bên xứ Tây Vực và các xứ gần đó nghe nói rất vui mừng, đều lo trang hoàng các nơi và chờ đợi Ngài đến.

Đến ngày chia tay, mọi người đem châu báu đến cúng dường thật nhiều, lại còn tiền vàng, tiền bạc, ngựa xe vô số, Pháp sư thọ nhận một phân nửa để đốt đèn, còn bao nhiêu thì cúng cho các chùa. Lúc này, việc chính trị trong nước còn mới, biên giới vẫn chưa ổn. Nên nghiêm cấm dân chúng không cho ra khỏi lãnh thổ. Quan Đô đốc Kinh Châu là Lý Đại Lượng, tuân theo sắc chỉ nên việc phòng vệ, nghiêm cấm rất ngặt. Có người đến báo với Lượng rằng: Có vị tăng từ Trường An đến muốn đi đến Tây Vực, không biết để làm gì?

Lượng sợ nên cho bắt Pháp sư đến tra hỏi nguyên do, Pháp sư đáp rằng:

“Muốn sang Tây Vực để cầu pháp”. Lượng nghe rồi thì bắt buộc trở về kinh. Ở đây có Pháp sư Tuệ Uy, là lãnh tụ ở đất Hà Tây, là người thông minh thần ngộ, đã trọng Pháp sư về ngôn từ đạo lý, lại nghe nói chí cầu pháp của người nên càng sinh tâm vui theo, bèn thầm sai hai người đệ tử, một người tên là Tuệ Lâm, một người tên Đạo Chỉnh, lén đưa người về hướng Tây, nhưng không dám đưa đi công khai, ban ngày thì ẩn trốn, đợi khi đêm đến mới đưa đi, rồi đến được Trảo Châu. Bấy giờ, quan Thứ sử là Độc Cô Đạt nghe Pháp sư đến rất vui mừng, mọi việc cúng dường thừa sự rất tha thiết hậu đãi. Pháp sư nhân đó bèn hỏi đường đi Tây Vực, có người bảo rằng: Từ đây đi lên hướng Bắc hơn năm mươi dặm. Có Sông Hồ Lô ở dưới rộng mà trên hẹp, nước chảy rất mạnh còn độ sâu không thể đo dược. Ở phía trên có đặt Ngọc Môn Quan, con đường chính là từ đây. Đây chính là yết hầu của Tây Vực. Phía Tây bắc ngoài cửa ải lại có năm ngọn đèn hiệu, đều đặt người canh gác, mỗi tháp canh cách nhau một trăm dặm, trong đó không có nước và cây cỏ. Ngoài năm tháp canh đó ra thì toàn là sa mạc, không có ngựa xe nào để nương theo mà vào nước ta được.

Pháp sư nghe xong rất lo lắng, con ngựa kéo xe lại bị chết không biết tính kế nào để đi. Lặng lẽ qua hơn một tháng, thì ở Kinh Châu đưa văn thư đến nói là có vị tăng Tên Huyền Trang, muốn đến Tây Vực, bảo các châu huyện ở tại đó phải nghiêm ngặt truy bắt. Quan Châu sử là Lý Xương Sùng là người có lòng kính tin, tâm ông có nghi là Pháp sư, bèn lén đem chiếu văn đến trình cho Ngài và nói: Thầy có phải là người này không?

Pháp sư còn đang nghi ngại chưa trả lời, thì Xương liền nói: Thầy nên nói thật để đệ tử lo liệu cho.

Pháp sư bèn trình bày ý định của mình. Xương nghe xong thầm cảm phục cho là chưa từng có, nói thầy đã nói thật ra hết, thì xin vì thầy mà hủy văn thư này.

Ông liền ở trước mặt Pháp sư mà xé văn thư rồi nói rằng: “Thầy nên sớm ra đi”. Từ đó càng tăng thêm sự chán nản lo lắng cho hai vị tiểu tăng đi theo, ngài Đạo Chỉnh trước đã đi về Đôn Hoàng rồi, chỉ có ngài Tuệ Lâm ở lại. Biết người này cũng không thể kham được đường xa cực khổ, nên Sư cũng trả cho về, Ngài liền tìm mua một con ngựa, nhưng khổ nỗi không có người dẫn đường. Ngài dừng lại trước một ngôi chùa, đến trước tượng Di-lặc mà cầu thỉnh: “Nguyện cho một người dẫn đường để vượt qua cửa ải”. Trong đêm đó, ở chùa có một vị tăng người Ấn Độ là Đạt-ma nằm mộng thấy Pháp sư ngồi trên một đài hoa sen, đi về phía Tây. Đạt-ma lấy làm lạ, sáng ra liền thưa lại. tâm Pháp sư rất vui mừng cho là việc ra đi của mình đã có chứng nghiệm. Nhưng nói với ngài Đạt-ma rằng mộng chỉ là luống dối, đâu đáng nói, Ngài lại đến đạo tràng để lạy cầu thỉnh, trong phút chốc có một người Ấn Độ đi vào lễ Phật, đi nhiễu Pháp sư hai ba vòng. Pháp sư hỏi họ tên thì nói họ Thạch tên Bàn-đà. Người này xin thọ giới, Ngài liền cho thọ năm giới. Người này rất vui vẻ từ biệt ra về. Lát sau lại mang thức ăn hoa quả đến cúng dường. Pháp sư thấy người này diện mạo sáng sủa mạnh khoẻ lại hết sức cung kính, bèn nói ý định ra đi của mình. Người này hứa sẽ dẫn đường, đưa thầy vượt qua năm tháp canh. Pháp sư rất vui mừng, bèn đổi y phục và tiền của để lấy ngựa mà đi. Sáng hôm sau vừa muốn đi vào đồng cỏ. Một lát sau người kia đến dẫn theo một lão người Ấn Độ, cưỡi con ngựa già màu đỏ cùng đến. Thấy Pháp sư tỏ vẻ không vui, người ấy liền nói:

Ông lão này rất am tường đường đến Tây Vực. Đã từng qua lại nơi đó hơn ba mươi lần, cho nên con mới dẫn đến. Ông lão nhân đó cũng nói: Đường đến Tây Vực rất hiểm trở, toàn là sa mạc nóng cháy. Lại có yêu mị gió dữ khó mà vượt qua được, cả một đòan người đi mà còn bị lạc đường, huống chi thầy đơn thân độc mã làm sao đến được, xin lượng xét chớ khinh thân mạng. Pháp sư đáp rằng: Bần đạo vì cầu Đại pháp nên phát nguyện đến Tây Vực. Nếu không đến được nước Bà-la-môn thì quyết không trở về Trung Quốc. Cho dù phải chết ở dọc đường cũng không hối hận.

Ông lão nói: Thầy nhất định đi thì lấy con ngựa của tôi mà đi. Con ngựa này đã qua lại bên đó mười lăm lần, nó rất khỏe mà lại thuộc đường, con ngựa của thầy nhỏ lại không kham nổi đường xa.

Pháp sư liền suy nghĩ: Lúc còn ở Trường An khi phát chí nguyện đi Tây Vực, có vị thuật nhân tên Hà-tư-đạt, tụng chú bói xem các việc. Pháp sư cũng bói xem việc hành sự của mình ra sao.

Hà-tư-đạt nói: Thầy sẽ đi được. Khi thầy đi thì cỡi con ngựa xấu màu đỏ, yên ngựa bằng sắt sơn. Nay lại thấy người Ấn Độ này cỡi con ngựa y như đã bói, cùng rất phù hợp với lời nói. Tâm bèn cho là phải, bèn đổi ngựa. Ông lão rất vui vẻ lễ lạy rồi từ biệt. Thế là Pháp sư bèn sửa soạn cùng với người Ấn Độ trẻ trong đêm ấy lên đường. Canh ba thì đi đến một bờ sông, từ xa đã trông thấy Ngọc Môn Quan. Cửa ải này cách thượng lưu khoảng mười dặm, hai bên bờ rộng khoảng hơn một trượng. Một bên có khu rừng hồ tiêu, người Ấn Độ chặt cây làm cầu, trải cỏ lấp cát, rồi cưỡi ngựa đi qua. Pháp sư qua được rồi rất vui. Nhân đó tháo yên ngựa ra để ngựa nghỉ ngơi. Rồi đi cách người Ấn Độ năm mươi bước tìm chỗ trải đệm nằm ngủ. Được một chút thì người Ấn Độ ngồi dậy cầm dao tiến tới chỗ Pháp sư. Chưa được mười bước thì trở lại, không biết với ý định gì. Pháp sư nghi là có ý xấu, liền ngồi dậy tụng kinh, niệm Bồ-tát Quán Âm. Người Ấn Độ thấy vậy liền trở lại nằm ngủ. Trời vừa sáng Pháp sư đã gọi dậy, lấy nước rửa mặt và bày thức ăn ra ăn xong lại muốn lên đường. Người Ấn Độ nói: Đệ tử thấy phía trước đường đi xa xôi hiểm trở, lại không có cây cỏ, nước uống, vậy phải đợi đến tối lội qua nước mà đi, chỉ một chỗ phát giác thì cũng đủ chết, không bằng quay trở lại thì được an ổn, dĩ nhiên Pháp sư không chịu quay lại. Pháp sư vẫn tiến bước. Kẻ kia bèn giơ dao, giương cung ngăn cản Pháp sư tiến bước, Pháp sư không chịu khuất phục. Người Ấn Độ cũng theo đến vài dặm quay trở lại nói: “Đệ tử không thể đi tiếp”, việc gia lụy đã nhiều mà vương pháp không thể dung tha.

Pháp sư biết ý người này bèn cho hắn quay trở lại, người Ấn Độ nói:

Chắc chắn thầy sẽ không đi được. Nếu bị truy bắt thì làm sao? Pháp sư nói: Giả như thân này có bị nát thành tro bụi, cũng nhất định không quay trở lại. Người Ấn Độ thấy ý thầy như vậy, bèn cùng với một con ngựa từ biệt cáo lui. Từ đó, Pháp sư một mình đơn chiếc đi trên bãi sa mạc mênh mông, chỉ biết nhìn theo hướng có xương cốt và phân ngựa mà dò đường đi. Không bao lâu bỗng nhiên có quân binh đi tới, số đến vài trăm người, đầy khắp sa mạc. Họ thoắt đi, rồi thoắt dừng, tất cả đều mặc áo lông cừu cỡi ngựa, lại mang cờ xí và gươm dài, bỗng chốc họ thay hình đổi dạng cả ngàn lần. Từ xa thì thấy rất lớn, đến gần thì lại nhỏ. Lúc đầu Pháp sư tưởng là giặc cướp, sau đến gần thì biến mất nên biết là yêu quái. Lại nghe trên không trung có tiếng nói:

“Chớ sợ! Chớ sợ!”, nhờ đó mà được an ổn. Đi được tám mươi dặm thì thấy tháp canh thứ nhất, sợ lính canh trông thấy nên Pháp sư ẩn vào một hố cát, đợi đêm xuống mới đi ra. Đến phía Tây của chòi canh thì thấy có giòng nước ở dưới, bèn lấy túi da muốn lấy nước thì có một mũi tên bay tới trúng vào đầu gối, giây lát lại có mũi tên bay đến nữa thì biết là có người thấy, Pháp sư liền nói lớn: Tôi là vị tăng từ kinh đô đến, các ông đừng bắn.

Pháp sư liền dẫn ngựa đi về tháp canh, người trên tháp cũng mở cửa cho vào, khi gặp mặt mới biết là tăng, bèn đưa vào ra mắt quan Hiệu úy Vương Tường, Tường bảo quân đem lửa đến để xem mặt và nói: Đây chẳng phải là vị tăng Hà Tây, thật giống như ở kinh đô đến.

Rồi hỏi Pháp sư đi đến đây có việc gì? Pháp sư đáp: Quan Hiệu úy nghe người ở Kinh Châu nói có vị tăng tên Huyền Trang muốn đến nước Bà-la-môn để cầu pháp không?.

Đáp: Nghe là đã đưa sư trở lại phía Đông rồi. Làm sao lại đến đây được? Pháp sư liền đưa người kia xem văn sớ và tên họ, quan mới tin, bèn nói:

Đường qua Tây Vực rất gian nan xa xôi, thầy không bao giờ đến được đâu. Nay cũng không thể để cho thầy chịu tội, đệ tử là người Đôn Hoàng, nên muốn đưa thầy trở về Đôn Hoàng, ở đó có Pháp sư Trương Kiểu, cũng là bậc Hiền thiện đức độ, nếu gặp thầy ắt chắc chắn vui mừng. Xin thầy nên đến đó.

Pháp sư đáp: Trang này vốn quê ở Lạc Dương, thuở nhỏ đã mến đạo. Nhị kinh đều biết là bậc tài giỏi của Phật pháp. Xứng danh là vị tăng đất Ngô Thục, không ai không tin tưởng quy hướng về. Nay nếu chỉ biết đàm luận suông há không làm nhục tổ tông, và xem thường đànviệt ở Đôn Hoàng sao? Chỉ hận là kinh Phật lưu truyền chưa trùm khắp, nghĩa lại thiếu sót cho nên không màng đến tánh mạng, không nệ gian nguy, nguyện đến được Tây phương, để tìm cầu di pháp, đàn-việt đã không giúp đỡ khuyến khích lại còn bảo quay về, há gọi là đồng chán cảnh trần lao mà cùng gieo trồng nhân Niết-bàn sao? Nếu muốn giữ lại để trị tội, thì Trang này quyết không trở về hướng Đông một bước mà phụ tâm ban đầu. Vương Tường nghe nói thế bèn than thở rằng: Đệ tử thật có duyên may mới gặp được Pháp sư, dám đâu không tùy hỷ, nay Sư đã mệt mỏi nên nghỉ lại qua đêm, đến sáng tôi sẽ đích thân đưa Sư lên đường.

Bèn sai người quét dọn, trải chiếu cho Sư nằm nghỉ đến sáng. Sau khi Pháp sư tiểu thực xong. Vương Tường lại bảo người lấy đầy nước và thức ăn cho Sư, rồi đưa đi hơn mười dặm. Từ đây, Pháp sư đi đường tắt hướng về tháp canh thứ tư, người coi ở đây cũng có tâm lành, lại là đệ tử cốt nhục, họ Vương tên Bá Lủng, đến đây thì có thể nói là đệ tử đưa thầy đi, lễ bái rơi lệ mà từ biệt nhau. Trong đêm đó Pháp sư đi tới tháp canh thứ tư, lại sợ bị lưu nạn, nên chỉ lặng lẽ lấy nước mà đi, đến chỗ dòng nước chưa kịp lấy thì có mũi tên bay đến, rồi cũng cỡi ngựa lại báo như trước, quân lính cấp báo lên, và cũng được đưa vào trong tháp canh, quan giữ tháp cũng tra hỏi thì Pháp sư đáp rằng:

“Tôi muốn đến Thiên Trúc đi ngang qua đây. Quan Hiệu úy Vương Tường ở tháp đầu tiên đã cho qua”. Người kia nghe nói rất vui vẻ, liền lưu lại một đêm. Lại cúng dường túi da lớn và ngựa, thức ăn khô. Lúc đưa tiễn, vị quan nói rằng: Thầy không cần phải đến tháp canh thứ năm. Người coi ở đây rất sơ suất sợ sinh ý khác. Sau đó, Pháp sư đi khoảng một trăm dặm có suối Dã Mã, liền xuống lấy thêm nước rồi đi tiếp. Rồi đi thêm hơn tám trăm dặm nữa, đến một nơi gọi là Sa Hà, nơi đây, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, lại không có cây cối, cỏ nước. Lúc này, Pháp sư chỉ lặng lẽ bước đi và niệm thầm Bồ-tát Quán Âm và Bát-nhã Tâm Kinh. Ngày trước, ở tại nước Thục có gặp môt người bệnh, thân thể lở lói hôi thúi, y phục lại rách nát. Ngài động lòng thương mới đem về chùa cho thức ăn và y phục. Người bệnh hổ thẹn mới trao cho Pháp sư quyển kinh này, do đó nên Pháp sư vẫn thường tụng cho đến khi tới sông Sa Hà này, gặp lúc có ác quỷ hiện ra muôn hình trạng đi nhiễu theo người trước sau. Tuy Ngài có niệm Quán Âm nhưng ác quỷ kia vẫn không biến mất. Đến khi tụng kinh nàẩ tiếng thì chúng đều tan mất. Khi gặp nguy ách mà được cứu giúp thì mới thấy được sự chứng nghiệm này. Khi Pháp sư đi thêm một trăm dặm thì bị lạc đường, tìm suối Dã Mã mà không được. Khi tìm thấy suối, vừa muốn lấy nước thì tay đãi bị rơi mất. Thức ăn cả ngàn dặm bỗng chốc lại hết sạch, lại lạc đường nên bàng hoàng mờ mịt không biết phương hướng, định trở lại tháp thứ tư. Vừa đi hơn mười dặm thì Pháp sư tự nghĩ trước ta đã phát nguyện, nếu không đến được Thiên Trúc thì không trở về hướng Đông dù một bước, nay sao ta lại trở lại, thà đi về hướng Tây mà chết chứ nhất định không trở lại hướng Đông mà sống. Thế là Ngài lại lặng lẽ chuyên niệm Quán Âm theo hướng Tây bắc mà đi tới. Lúc này, bốn phía đều vắng vẻ, chẳng có một bóng người bóng chim, ban đêm thì yêu mị nổi lửa lập lòe như sao trời. Ban ngày thì gió mạnh thổi cát bay như mưa. Tuy thường gặp như vậy mà tâm Pháp sư vẫn không chút sợ hãi. Chỉ khổ là nước hết, khát quá không thể đi được. Thế là trải qua bốn đêm năm ngày không có một giọt nước vào cổ họng, bụng và miệng đều khô khốc, tưởng chừng như ngã quỵ không tiến về phía trước được. Ngài bèn ngồi xuống bãi cát, niệm thầm Quán Âm, tuy gặp nguy khốn mà ý vẫn không dứt bỏ. Ngài cầu khẩn Bồ-tát rằng: Huyền Trang này đi không vì cầu tài lợi, không mong tiếng tăm, chỉ vì Chánh pháp Vô thượng mà ra đi. Cúi mong Bồ-tát từ bi, nhớ nghĩ chúng sanh, lấy việc cứu khổ làm mục đích thì nỗi khổ của con hôm hôm nay, Bồ-tát không nghe sao?

Như thế, Ngài cứ niệm niệm, cầu nguyện không dứt, đến nửa đêm thứ năm bỗng nhiên có ngọn gió mát thổi đến khắp toàn thân, lúc ấy thật là khoan khoái như được tắm nước lạnh. Thế là mắt liền mở sáng, ngựa cũng đứng dậy được, cơ thể dường như được sống lại. Ngài bèn nhắm mắt ngủ một chút, trong giấc ngủ nằm mộng thấy một vị thần lớn, thân cao mấy trượng, cầm cây kích dài nói rằng: Vì sao không mạnh dạn đi tới, mà lại nằm đây?

Pháp sư liền tỉnh giấc lại tiếp tục đi được mười dặm. Con ngựa đột nhiên rẽ sang đường khác, dù kiềm giữ nó vẫn không quay lại. Đi được vài dặm thì đột nhiên thấy thảm cỏ xanh rộng mấy mẫu, Ngài bước xuống cho ngựa ăn, đi cách đám cỏ chừng mười bước thì muốn quay trở lại, đến một ao nước, nước ở đây ngọt ngào trong xanh, bèn bước lại đó uống, thế là thân mạng được bảo toàn, người và ngựa như được sống lại. Xét ra đây chẳng phải cỏ và nước thật, đó là do lòng từ bi cuả Bồ-tát mà sinh ra, thần thông do tâm, chí thành mà được cũng giống như thế. Bởi vậy nên ao nước và bãi cỏ này chỉ một ngày là biến mất. Sau khi lấy nước đầy và cỏ tươi thì Sư lại lên đường. Lại trải qua hai ngày mới ra khỏi biển cát đến được xứ Y Ngô. Sự nguy nan này đến cả trăm ngàn lần không thể kể hết ra đây, khi đến được nước Y Ngô thì Sư dừng nghỉ trong một ngôi chùa. Chùa có ba vị tăng là người Hán, trong số đó có một vị đã già, y không kịp đắp, đi chân không bước ra đón rước Pháp sư, rồi ôm lấy nghẹn ngào, khóc lóc không thôi, sau đó mới nói: Đã lâu rồi, hôm nay mới gặp được người đồng hương, lúc này vua nước Hồ và vị tăng nước Hồ đến cầu ra mắt Pháp sư, Pháp sư cũng rơi lệ mà tiếp đãi mọi người. Vua thỉnh Ngài về cung, rồi sắp đặt cúng dường đầy đủ. Vua nước Cao Xương là Khúc Văn Thái trước đã sai sứ sang Y Ngô, khi sứ định trở về thì gặp Pháp sư bèn về tâu lại với vua. Vua nghe nói liền sai người đến nước chỗ vua Y ngô mời Pháp sư về. Vua lại chọn mười con ngựa tốt, sai các vị đại thần cỡi ngựa đi đón rất trọng hậu.

Pháp sư đi nghỉ lại ở nước Y Ngô hơn mười ngày. Vua lại sai sứ đến trình bày ý của Sư, bái thỉnh rất tha thiết. Lúc ấy Pháp sư muốn qua nước Phù Đồ của vua Khả Hàn, nhưng vì vua Cao Xương cầu thỉnh nên Sư không từ chối được. Thế nên Ngài bèn đi qua bãi sa mạc phía Nam, trải qua sáu ngày thì đến ranh giới nước Cao Xương. Khi đến thành Bạch Lực thì trời đã chiều tối, Pháp sư muốn dừng lại trong thành này, nhưng các vị quan và sứ thần đều nói: Vương thành cũng gần đây xin mời Ngài đến.

Các quan đổi lấy ngựa tốt cho Pháp sư, rồi cùng tiến về phía trước. Con ngựa đỏ mà lúc trước Pháp sư cỡi thì để lại, cho nó đến sau. Thế là ngay trong đêm đó khi gà vừa gáy thì đến Vương thành, quan giữ cửa vào tâu với vua, vua sai mở cửa thành, Pháp sư vào thành, vua sai thị vệ đốt đèn lên, vua ra khỏi cung đón rước Pháp sư đến viện sau, ngồi trong màn báu của gác Nhất Trùng. Vua lễ bái thưa hỏi rất tha thiết rồi thưa: Đệ tử có nghe, Pháp sư ưa thích cầu pháp quên cả ăn ngủ, tính toán chuẩn mực trên đường đi thì biết Pháp sư đêm nay sẽ đến đây, nên trẫm và vợ con chưa ngủ, ngồi đọc kinh và chờ đợi.

Một lát sau, Vương phi và mấy mươi cô gái hầu cùng đến lễ bái.

Lúc này, trời dần dần sắp sáng, nói chuyện lâu mỏi mệt nên vua khuyên Ngài đi nghỉ, vua sai người sửa soạn chỗ cho Pháp sư nghỉ, rồi mới trở về cung, để lại một số hoạn quan đứng hầu suốt đêm.

Sáng hôm sau, khi Pháp sư chưa thức dậy thì vua đã đến ngoài cửa, Vương phi cũng đến thưa hỏi lễ bái. Vua nói: Đệ tử nghĩ phải vượt qua bãi sa mạc mênh mông thật là gian nan hiểm trở, mà Pháp sư lại đi một mình đến đây thật là việc lạ lùng, dù cho rơi lệ khen ngợi cũng không thể hết.

Sau khi mời Pháp sư thọ thực xong, bên cạnh cung có một đạo tràng riêng, vua tự dẫn Pháp sư đến đó, sai hoạn quan thị vệ theo hầu. Ở xứ này có Pháp sư Thoán từng thọ học ở Trường An, khéo thông hiểu các pháp tướng. Vua rất quý trọng, liền sai người mời đến để gặp mặt Pháp sư. Một lát sau thì Pháp sư Thoán ra về. Vua lại cho mời Pháp sư Quốc Thống Vương, tuổi đã tám mươi là người đồng xư với Pháp sư, vị này khuyên Ngài ở lại chớ đi Tây phương. Pháp sư không nghe theo, ở lại được hơn mười ngày Ngài định từ biệt ra đi. Vua nói: Đã nhờ Thống Sư cầu thỉnh, vậy ý Sư như thế nào?

Pháp sư đáp rằng: Ở lại đây thật là ân đức của vua, nhưng tâm nguyện thì không thể ở lại được.

Vua lại nói: Trẫm và tiên vương có đến Đại quốc, từ đời vua Tùy Đế trải qua hai kinh đô Đông Tây, và cũng đến núi Yên Đại, Song Phần…, có gặp nhiều vị danh tăng nhưng tâm không kính mến, nay gặp được Pháp sư lòng rất đỗi vui mừng, muốn Pháp sư dừng lại đây để đệ tử cúng dường trọn đời, và người trong cả nước đếu làm đệ tử Pháp sư, mong Pháp sư truyền trao cho tăng đồ, tuy ít nhưng cũng có đến mấy ngàn vị, xin Pháp sư lượng xét tâm thành, chớ đi qua Tây Vực nữa. Pháp sư từ tạ nói: Ý vua đã hậu đãi, bần đạo ít đức đâu dám nhận lãnh, vả lại sự ra đi này đâu phải vì sự cúng dường mà đến, bởi lòng thương bổn quốc pháp nghĩa chưa đầy đủ, kinh giáo còn thiếu sót. Bởi lòng hoài nghi không dứt, sự tìm cầu không cùng, nên mới vượt đường xa đến Tây Vực để được nghe yếu chỉ chưa nghe. Bởi muốn đem pháp phương đẳng cam lộ thấm nhuần khắp nơi, chớ đâu chỉ để riêng mình an ổn chốn giàlam, nay quyết giữ lời nói phải đem pháp về truyền bá ở Trung Quốc, thỏa chí hỏi đạo ở chốn Ba Luân, tâm cầu thiện tri thức của Thiện Tài, ngày lại càng thêm vững chắc, lẽ nào giữa đường lại dừng bước, xin vua đổi ý chớ giữ bần đạo ở lại.

Vua nói: Đệ tử vì kính mến Pháp sư nên muốn giữ lại cúng dường, dù núi cao có thể chuyển thì ý này vẫn chẳng dời, lòng tín ngu thành chớ ngại là không thật.

Pháp sư đáp: Ý sâu của vua há phải nói nhiều, rồi sau sẽ rõ, nhưng Huyền Trang vì pháp mà ra đi, pháp chưa được thì không thể giữa đường mà dừng lại, nay xin từ ta, xin vua chớ giữ lại. Vả chăng Đại vương đời trước đã từng làm được phước đức tốtlành nên được làm bậc nhân chủ. Chẳng riêng gì trăm họ được cậy nhờ, mà đạo Phật cũng nhờ đây được phát triển. Theo lý thì nên giúo đạo hưng thịnh, há lại làm trở ngại sao?

Vua nói: Đệ tử cũng đâu dám làm trở ngại, chỉ vì trong nước không có bậc đạo sư, cho nên muốn giữ Pháp sư lại để dẫn dắt chúng sanh mê lầm mà thôi. Pháp sư vẫn chối từ không chấp nhận. Nhà vua lộ sắc giận, duỗi tay áo nói lớn rằng: Đệ tử đạ có tâm đãi Sư nước ngoài, vì sao thầy cứ mực đòi đi. Hoặc là giữ Sư ở lại đây, hoặc là đưa Sư trở về nước, xin tự xét lấy, nên thuận theo thì hơn.

Pháp sư đáp rằng: Huyền Trang đi đến đây là vì Đại pháp, giờ đây gặp chướng nạn thì chỉ có thể bỏ xương cốt lại nước của vua thôi, nhưng thần thức vẫn chẳng ở lại đây.

Vua vẫn không chịu và càng tăng thêm sự cúng dường, mỗi ngày tới giờ thọ thực vua tự mình dâng thức ăn cho Pháp sư. Pháp sư bị vua ngăn trở giữ lại, bèn thề sẽ không thọ thực để hóa cảm tâm vua. Thế là Pháp sư ngồi thẳng chánh niệm, một giọt nước cũng không thấm vào môi, trải qua ba ngày như vậy, đến ngày thứ tư, vua biết Pháp sư hơi thở đã suy yếu, thì rất lo sợ hối hận, bèn cúi đầu lễ tạ nói rằng: Xin tùy ý Sư, xin dùng tiểu thực rồi đi sang Tây Vực.

Pháp sư sợ vua không thật lòng, vua chỉ vào mặt trời mà thề, rồi thỉnh đến bàn Phật để kết nhân duyên. Sư bèn cùng vua đến đạo tràng lễ Phật, vua đối trước mẹ là Trương Thái phi xin kết làm anh em với Pháp sư, xin theo thầy cầu pháp. Ngày trở về xin ghé qua đây ba năm để thọ đệ tử cúng dường. Nếu Ngài tương lai được thành Phật thì nguyện đệ tử cũng như là vua Ba-tư-nặc và Tấn-bà-ta-la v.v…. Vì thầy mà làm đànviệt ngoại hộ, nhưng xin thầy ở lại đây một tháng để giảng kinh Nhân Vương, trong thời gian đó để thầy sửa soạn hành lý trang phục.

Pháp sư chấp thuận. Vương Thái phi rất vui mừng, ngyện cùng Sư đời đời làm quyến thuộc, đời đời được độ thoát.

Thế là Pháp sư mới chịu ăn trở lại, vì tiết chí vững chắc như thế. Ngay ngày sau vua đặc biệt cho giăng màn trướng lớn để Sư bắt đầu giảng kinh. Trong đạo tràng đó chứa hơn ba trăm người. Từ Thái phi cho đến vua và các thống sư Đại thần v.v… mỗi vị tùy theo mỗi bộ kinh mà đến nghe. Mỗi ngày đến giờ giảng, vua cung kính cầm lư hương tự đến đón rước Pháp sư khi Pháp sư sắp bước lên tòa thì vua quỳ xuống đỡ Pháp sư lên, ngày nào cũng đều như thế, khi giảng xong thì Pháp sư độ được bốn Sa-di đều cho theo hầu, may thêm pháp phục được ba mươi bộ. Vì bên Tây Vực rất lạnh nên may thêm khăn che mặt, bao tay và các loại vớ tất… Vua lại cúng một trăm lượng vàng ròng, ba muôn đồng tiền vàng, bạc, năm tấm vải lụa, đủ cho Pháp sư qua lại chi dụng hai mươi năm. Lại cấp ba mươi con ngựa, hai mươi lăm lực sĩ, làm lễ đưa tiễn ở trong điện rồi đưa tiễn ra đến ngoài thành, vua cũng viết hai mươi bốn bức thư, để đưa cho hai mươi bốn nước ở Khuất-chi. Mỗi một bức thư thì gởi kèm một tấm lụa hoa lớn để làm tin, lại đưa thêm năm trăm tấm lụa, hai xe cây trái thức ăn, hiến cúng các thứ…

Trong thư vua lại nói Pháp sư là hiền đệ, muốn cầu pháp ở nước Bà-la-môn xin vua xem Pháp sư lân quốc cũng như vua hèn lân quốc này. Xin sắc lệnh cho đi sang các nước phương Tây cấp cho hộ chiếu để xuất cảnh.

Pháp sư thấy vua đưa cho Sa-di và quốc thư cùng lụa vải tiền vàng rất hậu.

Liền từ tạ khải tấu rằng: “Trang này nghe nói sông biển rất sâu rộng, cần phải có thuyền buồm để vượt qua, chúng sanh mê hoặc phải có bậc đạo sư mượn lời thánh mà giảng đạo. Thế nên Đức Như Lai vận lòng Đại bi xem chúng sanh như con một mà trong cõi uế trược này, đem gương tuệ nhật ba minh mà soi sáng chốn mê lầm tăm tối này, áng mây từ che khắp cõi trời Hữu đảnh, mưa pháp thấm nhuần khắp cõi Tam thiên. Khi làm việc lợi ích an vui cho chúng sanh đã xong, Phật liền nhập Niết-bàn trở về nguồn chân với lời di giáo Phật pháp truyền sang Trung Quốc sau sáu trăm năm. Ngoài Ma-đằng, Khương Tăng Hội chấn hưng ở miền Ngô Lạc, Đàm-vô-sấm, La-thập truyền pháp ở chốn Tần Lương, không làm lạc mất huyền phong, khuôn phò thắng nghiệp. Nhưng người xưa phiên dịch âm vận lại không đồng, bởi cách Phật quá xa nên nghĩa loại đều sai khác, vì thế khiến cho yếu chỉ nhất vị ở song lâm chia ra làm đương lai là thường vàhiện tại là thường. Tông giáo Đại thừa không hai, lại chia làm Nam Bắc hai đường, rồi tranh luận phân vân suốt mấy trăm năm, kẻ học đạo thì hoài nghi không có thầy chỉ dạy. Huyền Trang do nhân đời trước học đạo nên sớm dự vào chốn huyền môn. Theo thầy học đạo cũng được hai năm, có tham học với các bậc danh hiền bạn tốt, các tông phái Đại, Tiểu thừa đều đã xem qua, mỗi khi cầm quyển kinh lên thì dạ ngẩn ngơ, tâm chí trù trừ, nên lòng cứ ôm ấp một hoài bão là đuợc lên núi Thứu học đạo cho thỏa chí, nguyện được bái kiến nơi đất Phật. Nhưng biết là ống sáo nhỏ không thể nhìn thấu được trời xanh. Loài trùng kiến thì làm sao uống hết nước biển, nhưng không thể bỏ lòng chí thành này mà không tìm cầu, vì vậy mà sửa soạn vượt qua ngàn dặm đến được nước Y Ngô này, xin nguyện Đại vương bẩm thọ sự thuần hòa của trời đất, tuân theo khí tiết nhị nghi, làm bậc quân chủ che chở muôn dân, phía Đông là đến Đại quốc, phía Tây thì an ủi dân chúng binh sĩ, lầu gác là đất nguyệt Thị, xe cộ quân lính lànơi mong ngóng đều thấm nhuần ân đức sâu dày của Đại vương, lại thêm yêu hiền mến sĩ, thích làm điều lành, để tiếng nhân từ, lo lắng cho người ở xa đến, hết lòng tiếp đãi, đến đây rồi thì muốn ở lại, lòng nhân ái càng sâu dày, chỉ một lời nói mở mang pháp nghĩa lại mong kết làm anh em.

Cùng viết chiếu thư đưa cho hai mươi bốn nước, để có sự tiếp đón ân cần đối với Trang này. Lại vì đường xá xa xôi hiểm trở cho bốn vị Sa-di đi theo để làm bầu bạn, và cung cấp đầy đủ các vật dụng y phục thuốc men hơn năm mươi việc, cùng tiền bạc lụa là đều chi dụng đủ để đi về trong vòng hai mươi năm, lại đi qua các trạm không cần khải tấu. Rồi vượt qua sông suối núi rừng, các nơi hiểm trở nguy nạn, đều nhờ ân vua che chở, giúp đỡ mọi điều. Sau đó lần lượt đi yết kiến các vị chân sư, bẩm thừa chánh pháp, để rồi khi trở về nước phiên dịch kinh sách, rộng truyền bá cho người chưa học. Từ đó mà phá dẹp hết rừng tà kiến, dứt hết tâm dị đoan cố chấp. Cùng khai hóa đạo mầu trong thời Tượng pháp, định lại chỉ nam trong chốn huyền môn, lấy đó để báo đáp ân đức sâu nặng của các Phật các Tổ. Lại vì đường trước còn khá xa, nên không thể dừng lại lâu được, ngày mai xin từ biệt lên đường, xin viết vài lời khải tấu lên vua”.

Nhà vua đáp rằng: Pháp sư đã hứa làm anh em, thì những việc của nước này cũng là của Pháp sư, cớ sao lại còn nói đến ân nghĩa.

Hôm sau, vua cùng các quan, tăng chúng và nhân dân đều đưa tiễn Pháp sư ra khỏi kinh đô đi về hướng Tây Vực. Vua ôm lấy Pháp sư rơi lệ, mọi người cũng khóc theo, sự ly biệt chấn động cả thành ấp. Rồi vua bảo các vương phi và bá tánh trở về, tự mình cùng với các Đại đức mỗi người lên ngựa đưa Pháp sư đi hơn mười dặm mới quay về. Từ đó, Pháp sư trải qua các nước đều được hậu đãi, từ đây đi về hướng Tây đến thành Vô Bán, thành Đốc Tiến. Rồi đến nước A-kỳ-ni (cựu dịch là Ô-kỳ-ngoa).

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10