TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Sa-môn Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lại.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

BẮT ĐẦU TỪ NƯỚC NI-KIỀN-CHIÊM-QUY ĐẾN TÂY TÀO Ở ĐẾ THÀNH

Khi vua nước Cưu-ma-la sai sứ đi mời Pháp sư chưa đến, thì có một Ni-kiền-tử lõa hình, tên là Phạt-xà-la, đột nhiên đi vào phòng Pháp sư . Pháp sư vốn biết Ni-kiền-tử rất giỏi việc bói toán, liền mời ngồi và hỏi về điều nghi ngờ của mình:

Huyền Trang này từ nước Trung Quốc đến đây cầu học đạo đã lâu, nay muốn quay về, chẳng biết có được không. Lại ở và đi hai cách, chọn cách nào là tốt nhất và tuổi thọ dài hay ngắn, xin nhân giả bói xem. Kiền-tử bèn lấy một miếng đá trắng vẽ dưới đất để bói, bảo Pháp sư rằng: Ngài ở lại đây rất tốt, vua của năm xứ Ấn Đô và hàng đạo tục sẽ kính trọng thầy. Nếu trở về Ngài cũng được sự kính trọng, nhưng không bằng ở lại đây. Còn tuổi thọ của Ngài sẽ sống thêm mười năm nữa, còn nếu Ngài làm nhiều công đức thì không biết sẽ thọ thêm bao lâu nữa. Pháp sư lại hỏi: Ý tôi muốn mang về một số lớn kinh tượng, không biết có được không?

Ni-kiền-tử bảo: Ngài chớ lo, vua Giới Nhật và vua Cưu-ma-la, sẽ cho người hộ tống Ngài về được an ổn.

Sư bảo: Hai vị vua ấy tôi chưa gặp mặt, làm sao mà được ân đức này.

Ni-kiền-tử đáp: Vua Cưu-ma-la đã sai sứ đến cầu thỉnh, hai, ba ngày nữa sẽ đến, nếu gặp được vua Cưu-ma-la thì cũng sẽ gặp vua Giới Nhật. Ni-kiền-tử nói xong thì từ tạ ra về. Pháp sư ý lại lo sửa soạn kinh tượng, các Đại đức nghe được đều đến khuyên Ngài ở lại và nói:

Ấn Độ là nơi Phật đản sinh cho dù các bậc đại thánh không còn nhưng di tích thì vẫn còn, Pháp sư ở đây, đi khắp các nước để chiêm bái thánh tích cũng đủ thỏa chí bình sinh, cớ sao lại bỏ về. Vả lại, Trung Quốc là nơi biên địa xa xôi, con người bị khinh rẻ, đạo pháp bị xem thường. Bởi vậy nên các Đức Phật không đản sinh tại đó. Bởi chúng sanh ở nơi ấy ý chí hẹp hòi, mà cấu nhiễm lại sâu xa nên các Thánh cũng không đến. Khí hậu thì lạnh buốt, sông núi đất đai lại hiểm trở, như thế không đủ để Pháp sư suy nghĩ sao?

Pháp sư đáp: Đấng Pháp vương lập giáo nghĩa, những muốn giáo nghĩa được lưu thông, nay tâm tôi được thấm nhuần chánh lý, lẽ nào không ban phát cho những người chưa giác ngộ, hơn nữa, ở bên bổn quốc có nhiều phong tục đáng quý, nhiều pháp độ đáng tôn trọng. Vua thánh tôi trung, cha hiền con hiếu, ai cũng quý nhân nghĩa, bậc lão niên đức độ càng được tôn trọng. Lại thêm mọi người thấu triệt mọi lẽ sâu xa, trí tuệ khế hợp với thần minh. Thể tánh hợp với trời, đáng làm khuôn phép, cho dù bảy sắc mặt trời cũng không thể che được nền văn hóa của nước này, ở đây người ta biết nhạc khí, lại phân chia được thời gian, dù đem sáu luật cũng không thể che lấp được sự thấy biết của họ, cho nên họ có thể chế ngự được loài chim bay thú chạy và cảm hóa được quỷ thần, biết điều tiết âm dương và lợi an cả muôn vật. Từ lúc di giáo đến Đông Thổ, đạo pháp Đại thừa được tín ngưỡng tôn trọng, ở đây nước thiền định soi sáng lắng trong, hương giới luật ngát cả trời xanh, người tu đều phát tâm tạo hạnh nguyện, công đức ngang bằng Thập Địa, lại huân tu để chứng tam thân, các bậc Đại thánh ra đời để truyền pháp hóa, tai nghe lời nói nhiệm mầu, mắt thấy được Kim dung. Họ như chiếc xe đi trên đường dài chưa được hiểu biết, đâu thể nói Phật không đến mà khinh thường sao? Người kia nói: Trong kinh dạy rằng: Các trời tùy theo phước đức, mà thức ăn có khác, nay chúng tôi cùng Pháp sư ở cõi Diêm-phù này, mà Phật sinh ở đây không sinh ở kia. Đủ biết nơi kia là chốn biên địa xấu ác vậy. Nơi không có phước, cho nên mới khuyên Ngài chớ trở về. Pháp sư đáp: Chớ nên nói như thế, vậy chớ mặt trời vì sao đến cõi này. Đáp: Là để xua tan tăm tối.

Nay sự trở về của tôi cũng giống như vậy. Lẽ nào các vị không thấy điều này sao? Các vị đến chỗ Pháp sư Giới Hiền để trình bày mọi việc và nói rõ ý đó. Ngài Giới Hiền hỏi Pháp sư:

Nhân giả định thế nào?

Đáp: Xứ này là nơi Phật đản sinh lẽ nào không yêu thích, nhưng Huyền Trang đi đến đây là để cầu pháp, làm lợi ích cho chúng sanh, từ khi đến đây được thầy giảng cho nghe luận Du-già-sư-địa, xé toang được lưới nghi, lại lễ bái thánh tích và được nghe yếu chỉ các bộ luận, lòng riêng rất cảm kích, thật là việc đi này không hề luống uổng.

Nguyện đem những điều thấy nghe trở về để phiên dịch, giúp cho những người có duyên đều được thấy nghe, để báo ân thầy, do đó nên đệ tử không thể ở lại được.

Pháp sư Giới Hiền liền vui vẻ nói: Đây chính là ý của Bồ-tát, lòng ta cũng mong muốn như vậy.

Pháp sư nói rồi liền trở về phòng. Hai ngày sau tại nước Cưu-mala ở Đông Ấn sai sứ đem thư đến cho Pháp sư Giới Hiền rằng:

Đệ tử muốn được gặp Đại đức nước Trung Quốc, xin thầy từ mẫn cho Pháp sư đến đây.

Ngài Giới Hiền được thư bèn bảo đại chúng rằng: Vua nước Cưuma-la muốn mời Huyền Trang, nhưng những người này đang đưa chúng tăng đến chỗ vua Giới Nhật để tranh luận với Tiểu thừa, nay nếu đi đến thì vua Giới Nhật làm thế nào được?

Vậy thì không nên đi.

Bèn nói với người sứ rằng: Vị tăng Trung Quốc nay muốn trở về nước, không thể đi đến đó được.

Sứ trở về vua lại phái đến mời nữa: Thầy muốn trở về thì tạm qua chỗ đệ tử, rồi đi cũng không khó gì. Xin Ngài chớ từ chối.

Ngài Giới Hiền không cho đến, vua nước kia liền nổi giận, lại sai sứ đem thư đến cho ngài Giới Hiền: “Đệ tử là người phàm phụ, tạp nhiễm thế lạc, đối với pháp Phật chưa biết hồi hướng. Nay nghe danh tiếng vị tăng từ nước ngoài đến thì rất vui mừng. Giống như hạt giống được nẩy mầm, mà thầy lại không cho đến, đó là muốn làm cho chúng sanh chìm sâu trong đêm tối, há là bậc Đại đức nối tiếp làm hưng thạnh dị pháp, dắt dẫn chúng sanh mê muội sao? Sự khát ngưỡng chẳng thể kể xiết, thiết tha sai người đến mời thỉnh nhiều lần nếu Ngài không đến thì đệ tử sẽ trở thành kẻ ác. Gần đây có vua Thường-ca còn phá hoại Phật pháp, đốt chặt cây Bồ-đề, thầy cho rằng đệ tử không có khả năng làm việc ấy hay sao? Đệ tử sẽ sửa soạn binh mã để đến nước kia, có thể dẫm nát chùa Na-lan-đà ra tro bụi, nếu lời này sai lầm thì thầy hãy thử xem”. Ngài Giới Hiền đọc thư xong bèn nói với Pháp sư rằng:

Vua kia đã có tâm lành cầu thỉnh, trong nước Phật pháp không được lưu hành, tự nghe danh mà phát ý sâu, đây cũng do nhiều đời là bạn lành của ông, ông nên cố gắng đến đó, người xuất gia lấy việc lợi ích chúng sanh làm gốc, nay đã đến lúc. Thí như chặt cây, chỉ cần chặt gốc thì cánh lá cũng tự rụng, nếu đến nước kia mà vua đã phát tâm thì muôn dân sẽ được giáo hóa. Nếu chống trái không đến thì sẽ xảy ra việc không tốt, chớ ngại chút mệt nhọc.

Pháp sư từ tạ rồi cùng sứ giả lên đường đến nước kia. Vua nghe tin rất vui mừng, bèn hối thúc các quan lo sửa soạn đón rước, lễ bái khen ngợi. Khi Pháp sư vừa đến cung thành thì trổi âm nhạc, thức ăn, hoa hương, hết lòng cúng dường, xin thọ trai giới. Như thế trải qua hơn một tháng.

Vua Giới Nhật đi chinh phạt nước Cung-ngự-đà trở về nghe Pháp sư ở tại nước Cưu-ma-la thì kinh ngạc nói: Ta trước luôn cầu thỉnh mà Ngài không đến, nay vì sao lại ở nước kia?

Rồi vua sai sứ đến thưa với Vua Cưu-ma-la rằng: Mau đưa vị tăng Trung Quốc đến đây. Vua Cưu-ma-la kính trọng Pháp sư, quyến luyến không rời, nên nói với Sứ giả.

Ta đã mời Pháp sư trước, Pháp sư không thể đi được.

Người sứ trở về báo lại, vua Giới Nhật rất tức giận nói với quan hầu rằng:

Vua Cưu-ma-la khinh ta, tại sao vì một vị tăng mà nói lời thô thiển như thế.

Lại sai sứ đến trách rằng: Nếu Ngài nói mời Pháp sư trước thì nên nghĩ đến tương lai.

Vua Cưu-ma-la lo sợ mình thất ngôn, liền ra lệnh sửa sang hai muôn quân voi và ba muôn chiếc thuyền cùng Pháp sư vượt qua sông Hằng đến chỗ vua Giới Nhật.

Khi đến nước Yết-chu-ôn-kỳ-la, bèn dừng lại. Vua sai người xây một hành cung ở phía Bắc sông Hằng. Ngay trong ngày đó vua qua sông đến cũng, sắp đặt Pháp sư ở tại đó xong vua cùng các quan vào ra mắt vua Giới Nhật ở bờ sông phía Nam. Vua Giới Nhật thấy vua đến thì rất vui, biết người này kính trọng Pháp sư cho nên không trách lời nói trước kia, chỉ hỏi: Vị tăng Trung Quốc hiện ở đâu?

Đáp: Ở tại hành cung.

Vua nói: Vì sao không đến?

Đáp: Đại vương yêu hiền kính đạo, lẽ nào để Pháp sư đến đây ra mắt trước

Vua nói: Phải.

Rồi vua Giới Nhật từ tạ đi ra, bảo hôm sau sẽ đến. Vua Cưu-ma-la trở về nói với Pháp sư: Tuy vua nói ngày mai đến, sợ rằng đêm nay sẽ đến. Nhưng cần phải để cho hầu đợi, nếu đến thầy không nên ra đón.

Pháp sư nói: Huyền Trang này vì Phật pháp lý tự như thế.

Đến tối, vào canh một, quả nhiên vua đến, có người bảo rằng:

Ở dưới sông có cả ngàn ngọn đuốc và chiêng trống vang rền. Vua nói: Đây là vua Giới Nhật đến. Rồi ra lệnh giơ đuốc lên, vua cùng các quan từ xa đón rước. Khi vua Giới Nhật đến, thường đem theo mấy trăm cái trống vàng, đi một bước thì đánh một tiếng, đó gọi là “Tiết bộ cổ”. Chỉ vua Giới Nhật mới có trống này, các vua khác không có. Khi đến thì đảnh lễ dưới chân Pháp sư, tung hoa chiêm ngưỡng, dùng vô lượng bài tụng khen ngợi, sau đó nói với Pháp sư rằng: Đệ tử trước kia đã mấy lần cung thỉnh vì sao Ngài không đến?

Bảo rằng: Huyền Trang này từ xa đến đây để cầu Phật pháp, vì đang nghe luận Du-già, lúc được lệnh vua triệu đi thì nghe chưa xong, vì thế nên không thể đi được.

Vua lại hỏi: Thầy từ nước Trung Quốc đến, đệ tử nghe nước kia có vua Tần phá trận nên vui khúc ca múa, chẳng hay vua Tần là người như thế nào, lại có công đức gì mà được xưng dương như thế. Pháp sư bảo rằng: Nơi quê hương của Huyền Trang hễ thấy người thì nghĩ đến công đức của Thánh hiền, có khả năng vì trăm họ diệt trừ hung bạo, che chở các loài chúng sanh, thì lời ca sẽ tán vịnh công đức. Trên thì đầy đủ nhạc của tông miếu, dưới thì cất tiếng hát đến cùng thôn xóm, vua Tần đó chính là vua hiện nay của nước Trung Quốc vậy, khi chưa lên hoàng cực đã được phong làm vua Tần, lúc mà trời đất mịt mờ, nhân dân chưa có chủ, ở nơi đồng hoang thịt người chất đống, máu chảy thành sông, yêu tinh ban đêm tụ lại, khí độc đầy cả ban ngày. Ba sông khổ bởi tham tàn không dứt, bốn biển nguy khốn do khí độc của rắn dài. Vua dùng thân đế nghiệp, tuân theo mệnh trời, chấn chỉnh muôn dân, sửa an vận nước tạo nên sự thái bình thống nhất. Trong sáu cõi đều nhớ ân, cho nên mới có lời ca vịnh này.

Vua nói: Người như thế là do trời sai xuống để trị vì muôn dân vậy. Lại hỏi Pháp sư rằng: Đệ tử nay trở về, ngày mai sẽ đón rước thầy, xin thầy nghỉ ngơi. Nói rồi thì từ biệt. Sáng mai lại sai sứ đến, Pháp sư và vua Cưu-ma-la cùng đến cung thành vua, vua cùng các quan hơn hai mươi vị ra ngoài đón rước mời ngồi, làm lễ dâng hoa cúng dường thọ thực xong rồi, vua bèn hỏi: Nghe nói thầy có soạn “Luận Chế Ác Tà” nay ở đâu?

Sư bảo ở tại đây. Rồi lấy ra cho vua xem, khi xem xong vua rất vui, nói với các môn sư rằng: Đệ tử nghe khi mặt trời chiếu sáng thì ánh sáng lò sưởi và đèn đuốc sẽ lu mờ, khi trời nổi sấm sét thì tiếng búa không còn nghe được, Pháp sư đã dùng lý thuyết chân lý để bái bác tông môn của các vị, trẫm muốn xem các vị luận biện thế nào?

Vua lại nói: Các vị như Thượng tọa Đề-bà-tư-na tự nói là mình uyên thâm bác học, thấu suốt mọi hệ thống triết, các vị ấy thường dùng dị kiến của mình để hủy báng Đại thừa, ngay khi nghe Pháp sư từ phương xa đến, liền bỏ đi đến thành Phệ-xá-ly chiêm bái thánh tích để tránh mặt, đủ biết các thầy không đủ năng lực để đối biện.

Vua có một người em gái thông minh lanh lợi, giỏi về nghĩa của Chánh lượng bộ, bà ngồi ở sau vua, nghe Pháp sư giảng yếu nghĩa sâu sa của Đại thừa và sự nông cạn của Tiểu giáo. Bà nghe xong thì hết sức vui mừng khen ngợi. Vua nói: Sư luận về đại thừa rất hay, đệ tử và các Luận sư ở đây đều tin phục, nhưng sợ các ngoại đạo Tiểu thừa ở các nước khác vẫn chấp chặt sự mê muội, vậy mời các vị đến thành Khúc Nữ để cùng dự hội với Pháp sư.

Vua hạ chiếu chỉ mời các vị Sa-môn, Bà-la-môn, ngoại đạo ở khắp năm xứ Ấn Độ đến để nghe lý kinh Đại thừa vi diệu, dứt hết tâm hủy báng, hiển bày đức độ cao sâu của Pháp sư, bẻ gãy tâm ngã mạn.

Ngay ngày đó, vua ban sắc lệnh mời các nước và những vị nghĩa giải nhóm họp ở thành Khúc Nữ để xem Pháp sư người Trung Quốc luận biện.

Pháp sư từ đầu mùa Đông cùng vua vượt qua sông mà tiến. Đến tháng chạp mới đến được hội trường. Mười tám vị vua trong năm xứ Ấn Độ cũng đã có mặt, có hơn ba ngàn vị Tỳ-kheo am hiểu cả Đại, Tiểu thừa cũng đến, hơn hai ngàn Bà-la-môn và phái Ni-kiền-tử, hơn ngàn vị tăng ở chùa Na-lan-đà cũng tới. Đó là những vị có đầy đủ biện tài, hiểu rộng văn nghĩa, nghe tiếng Pháp sư luận hội đều đến. Mỗi vị đều có thị giả theo, rồi nào xe nào voi ngựa, màn lọng tàng phướn, cùng đi đến vây quanh, nguy nga rực rỡ như mây nổi sương giăng, che kín cả không gian hơn mười dặm. Tuy là sáu cõi có lấy tay áo che thành màn, tam ngô đổ giọt thành mưa, cũng chưa đủ nói lên sự hùng hậu này. Vua trước đã sắc lệnh xây hai thảo đường đồ sộ ở hội trường để thờ tượng Phật và đồ chúng, mỗi điện đều rộng lớn uy nghi chứa hơn ngàn người. Hành cung của vua cách hội trường năm dặm về phía Tây. Vua trước kia đã cho đúc một pho tượng Phật bằng vàng, sắp đặt một voi lớn, có màn báu che ở trên, đặt tượng Phật bên trong. Vua Giới Nhật mặc sắc phục của Đế Thích, cầm cờ trắng đứng hầu bên phải, vua Câu-ma-la mặc sắc phục pham Thiên cầm lọng báu đứng hầu bên trái, cả hai vua đều rất lộng lẫy. Vương miện bằng tràng hoa, trang hoàng bằng ngọc bích. Lại trang hoàng hai xe voi lớn chở đầy hoa báu, đi theo sau xe Phật để tung hoa, Pháp sư và chư vị tăng khác, mỗi vị ngôi trên một voi lớn lần lượt đi theo sau vua, lại dành ba trăm voi lớn, để cho vua, các quan, các Đại đức các nước, v.v… ngồi, đám rước đi trên đường có hoa rắc và nhạc trổi. Từ sáng sớm đoàn xe lần lượt từ cung thành tiến ra hội trường, khi đến nơi mọi người cùng bước xuống, thỉnh Phật vào trong điện đặt trên tòa báu. Vua cùng Pháp sư đều lần lượt dâng hương cúng dường, sau đó cho mời mười tám vị quốc vương vào điện, rồi các vị tăng các nước bác học gồm hơn một ngàn vị, và hơn năm trăm vị Bà-la-môn ngoại đạo và hơn hai trăm chư đại thần các nước đều vào an tọa. Còn người thế tục thì đứng bên ngoài cửa viện. Vua sai ban phát thực phẩm cho cả trong lẫn ngoài viện. Khi thọ thực xong, vua Giới Nhật cúng dường tượng Phật một khay bằng vàng, bảy chén vàng, chậu tắm bằng vàng, một tích trượng bằng vàng, ba ngàn đồng tiền vàng, ba ngàn tấm y bằng nỉ, lại cúng dường vật dụng cho Pháp sư và các vị tăng, sau đó dành riêng một tòa báu mời Pháp sư ngồi làm luận chủ, để giảng nói Đại thừa, trình bày luận ý. Kế đến cử một vị sư của chùa Na-lan-đà là Pháp sư Minh Hiền đọc bản văn cho đại chúng nghe. Lại viết riêng một bản treo ở ngoài hội trường cho công chúng bên ngoài xem. Lại thông báo có chữ nào vô lý nếu có thể bắt bẻ phá bỏ được thì luận chủ xin lấy đầu tạ tội. Như thế cho đến tối mà không ai dám nêu lên một lời bài bác nào. Vua Giới Nhật rất vui mừng, cho bãi cuộc hội rồi trở về cung.

Các vua và tăng chúng các nơi đều về nơi an nghỉ. Pháp sư cùng vua Cưu-ma-la cũng trở về cung mình. Hôm sau, lại đón rước, đưa đi, nhóm họp như lúc đầu, qua năm ngày Tiểu thừa ngoại đạo bị hủy báng tông mình nên ôm hận muốn âm mưu hại Pháp sư. Vua biết tin này liền bảo rằng:

Tà đảng làm loạn chánh đạo đã có từ xưa nay làm che lấp chánh giáo, mê hoặc chúng sanh. Nếu không có bậc Thượng hiền làm sao có thể soi xét được tà ngụy, Pháp sư Trung Quốc đây trí đạo thông suốt, hạnh giải sâu xa, vì để hàng phục các tà giáo cho nên đến nước này để mở mang Đại thừa, dắt dẫn người ngu, đồ chúng yêu vọng đã không biết hổ thẹn, lại còn khởi tâm mưu hại, việc này nếu xảy ra thì sẽ không dung thứ, nếu ai xúc phạm đến Pháp sư thì sẽ bị bêu đầu, còn ai hủy báng mắng nhiếc thì sẽ bị cắt lưỡi, còn như muốn tranh luận thì không nằm trong hạn này. Lời tuyên bố của vua làm tà môn không dám manh động. Trải qua mười tám ngày vẫn không có người luận bác. Đến ngày cuối cùng, Pháp sư lại khen ngợi Đại thừa, khen ngợi công đức Phật, khiến cho vô lượng người bỏ tà về chánh, bỏ Tiểu thừa theo Đại thừa. Vua Giới Nhật càng thêm tôn kính, lại cúng cho Pháp sư mười ngàn đồng tiền vàng, ba mươi ngàn đồng tiền bạc, một trăm chiếc giày bằng dạ, 850 mười tám vị quốc vương mỗi vị lại đem châu báu cúng dường Pháp sư. Pháp sư đều nhất quyết không nhận. Vua lại sai quan hầu trang nghiêm lộng lẫy một xe voi treo cờ, để thỉnh Pháp sư đi vòng quanh hội trường có các quan theo hầu, để dân chúng biết chúng biết được Pháp sư đã luận biện thắng cuộc, nhưng Pháp sư từ chối lời cầu thỉnh.

Vua nói: Đó là phép tắc xưa nay không thể làm trái được.

Liền đem bộ ca-sa của Pháp sư đặt lên kiệu voi đi tuần hành các nơi và tuyên cáo rằng: Pháp sư Trung Quốc nay đã lập nghĩa Đại thừa để phá bỏ ác dị kiến, đã mười tám ngày mà không ai dám luận bác, nay công bố cho dân chúng biết.

Mọi người đều rất vui mừng, tranh nhau đặt tên gọi đẹp cho Ngài, Đại thừa thì gọi là Ma-ha Da-na-đề-bà (Hán dịch là Đại Thừa Thiên). Tiểu thừa thì được gọi là Mộc-xoa-đề-bà, Đây Hán dịch là Giải Thoát Thiên. Mọi người đốt hương tung hoa lễ bái xong mới từ tạ ra về. Từ đó danh tiếng của Ngài vang xa. Ở phía Tây hành cung có một ngôi chùa, là nơi được vua cúng dường, bên trong có thờ răng Phật dài một tấc rưỡi, màu vàng nhạt, thường phát ra ánh sáng. Xưa, ở nước Ca-thấp-dila, vua dòng Ngật-lợi-đa, hoại diệt Phật pháp làm tăng đồ giải tán, có một vị Bí-sô từ xa đến xứ Ấn Độ này. Sau đó, vua nước Đổ-hóa-la là Tuyết Sơn Hạ, thấy vị vua ở đây tàn bạo, Phật pháp bị hủy diệt, bèn giả làm người đi buôn, dẫn ba ngàn lực sĩ, đem nhiều châu báu giả nói là dâng hiến. Vua vì lòng tham nghe nói rất vui mừng, sai sứ ra đón rước. Nhưng vua Tuyết Sơn bản chất rất mạnh mẽ, uy lực như thần, khi bọn người đến bên trướng kêu lên, vua Ngật-lợi-đa trông thấy thì rất kinh sợ té nhào xuống đất. Vua Tuyết Sơn bắt lấy chém đầu, rồi nói với các quan rằng: Ta là vua Tuyết Sơn Hạ, vì thấy vua các ngươi hủy hoại Phật pháp, cho nên mới đến đây trị phạt, lỗi chỉ một người không quan hệ đến các ngươi.

Vua đã trừ bạo chúa, lại xây dựng chùa miếu, nhóm họp tăng chúng đến thiết lễ cúng dường rồi mới trở về. Vị Bí-sô trước đến nước Ấn Độ nghe nước đã được ổn định, bèn cầm tích trượng trở về. Giữa đường gặp một bầy voi đang kêu rống đi đến, Bí-sô thấy bèn leo lên cây để trốn. Voi bèn dùng vòi hút cây, dùng răng đào rễ, trong khoảnh khắc thì cây ngã, voi dùng mũi đưa Bí-sô đặt lên lưng nó rồi mang đi. Đến một khu rừng lớn, có một con voi bị thương đang nằm trong đó. Voi nắm tay Bí-sô đặt vào chỗ đau, Bí-sô dùng thuốc trị vết thương cho voi, voi dần dần hồi phục, sáng ra cả bầy voi đều tranh nhau đi tìm trái cây ngon lạ để cúng dường Bí-sô. Khi Bí-sô ăn xong rồi thì có một con voi đem một hộp vàng đưa cho con voi bệnh, con voi bệnh đem đến dâng cho Bí-sô, Bí-sô nhận rồi thì bầy voi đưa trở ra khỏi khu rừng, đến chỗ cũ đặt xuống đất, quỳ lạy xong rồi mới đi. Bí-sô mở hộp vàng ra thì thấy đó là răng Phật, mới đem về nước cúng dường. Sau, vua Giới Nhật nghe nói ở nước Ca-thấp-di-la có răng Phật, liền đích thân đến đó cầu thỉnh được xem và lễ bái. Chư tăng ở đây vì tham tiếc không muốn đem ra, nhưng vua vì sợ uy lực của vua Giới Nhật, nên phải trình lên, vua Giới Nhật trông thấy càng thêm kính trọng. Lại cậy có sức mạnh bèn đoạt lấy đem về cúng dường, tức là răng này vậy. Sau khi lễ hội xong vua lại cho đúc tượng vàng, y phục, tiền bạc, v.v… đến trao cho chùa, nhờ chư tăng giữ gìn. Pháp sư trước đã từ tạ các Đại đức chùa Na-lan-đà và sửa soạn kinh tượng xong, sau khi bãi hội, đến ngày mười chín liền vào từ giã vua để trở về, vua nói:

Đệ tử tiếp nối tông miếu, đứng đầu cả nước hơn ba mươi năm, thường lo phước đức không tăng trưởng, pháp nhân không tương tục cho nên chứa để của cải vật báu ở trong nước Bát-la-da-già này và cả vùng lưỡng hà để lập hội trường lớn. Cứ năm năm lại tổ chức lễ hội thiết trai cúng dường chư tăng trong năm xứ Ấn Độ, Bà-la-môn và những kẻ nghèo nàn, cô độc, bố thí không ngăn ngại trong bảy mươi lăm ngày đã thành được năm hội, nay muốn tổ chứa hội thứ sáu, vì sao Sư không tạm dừng lại để cùng tùy hỷ. Pháp sư bảo: Bồ-tát thực hành phước tuệ song tu, bậc trí đắc quả không quên cội gốc, vua đã không tiếc tài của chẳng lẽ Huyền trang này không thể dừng lại ít ngày, xin tùy theo ý vua.

Vua rất vui mừng, đến ngày hai mươi mốt công bố việc lập thí trường lớn tại nước Bát-la-na-già. Ở bờ phía Bắc sông Hằng, và phía Nam sông Diêm-mâu-na. Đều từ hướng Tây bắc và hướng Đông chảy xuống gặp nhau ở đây. Nơi phía Tây chỗ hai dòng sông giao nhau đó có một vùng đất rộng chừng mười bốn, mười lăm dặm bằng phẳng như gương. Từ xưa các vua đều dùng đất này để thực hành thí, do đó nên gọi là Thí Trường.

Tương truyền rằng: Nếu cúng thí ở đất này một đồng tiền vẫn hơn trăm ngàn đồng tiền ở chỗ khác, do đó mà xưa nay đều tôn trọng nơi này.

Vua ban sắc lập thí trường ở nơi đó, dựng tre làm bờ rào, mỗi mặt cả ngàn bộ, trong làm nhà cỏ hơn mười gian, đặt các vật báu, đều là các vật quý giá. Bên cạnh đó có cả dãy nhà rộng cả mấy trăm gian để cất giữ các loại y phục nỉ dạ vàng bạc châu báu v.v…. Ngoài hàng rào đều có xây nhà nấu ăn. Trước các kho báu lại xây các nhà dài hơn một trăm bước, giống như thành ấp thẳng hàng. Mỗi ngôi nhà dài có sức chứa hơn một ngàn người ngồi. Trước vua ban sắc thông báo cho tất cả Sa-môn, Bà-la-môn và kẻ nghèo cùng ở trong năm nước biết, cùng đến thí trường để thọ thí. Đến ngày đó hàng đạo tục đến hội trường có hơn năm mươi muôn người. Dinh của vua Giới Nhật ở bên bờ Bắc của sông Hằng.

Vua Nam Ấn Độ là Đỗ-lỗ-bà-bạt-sất ở cung phía Tây đông. Vua Cưu-ma-la ở bờ Nam sông Diêm-mâu-na bên khu rừng hoa, những người đến thọ thí ở phía Tây dinh Vua Bạt-tra.

Khi ấy, vua Giới Nhật cùng vua Cưu-ma-la đi thuyền đến, vua Bạt-tra cỡi voi đều nghiêm chỉnh nghi vệ đi đến hội trường. Mười tám vị quốc vương cũng lần lượt theo sau. Ngày thứ nhất thì an trí tượng Phật trong điện cỏ của thí trường. Đem các thứ thượng bảo, thượng y và thức ăn ngon đến cúng dường, trổi nhạc tung hoa đến chiều tối mới trở về dinh. Ngày thứ hai lại an trí Thiên tượng, cũng cúng dường bằng nửa ngày đầu. Ngày thứ ba an trí tượng trời Đại tự tại, cúng dường như Thiên tượng. Ngày thứ tư cúng dường cho tăng chúng cả hơn vạn người.

Lần thứ năm cúng cho các vị Bà-la-môn, hơn hai mươi ngày mới xong.

Lần thứ sáu bố thí cho ngoại đao, mười ngày mới hết.

Lần thứ bảy cúng cho những người ở xa đến xin, mất mười ngày.

Lần thứ tám cúng thí cho kẻ nghèo nàn, cô độc, một tháng mới hết.

Thế là tiền bạc chứa để trong năm năm đều đã hết, chỉ lưu lại xe ngựa binh khí để giữ gìn tông miếu dẹp trừ bạo loạn.

Khi xong xuôi, vua đảnh lễ chư Phật mười phương, vui mừng hớn hở chắp tay thưa rằng: Lâu nay chứa để tài của, cứ lo sợ không giữ được bền chắc, nay đã để dành phước đức, có thể gọi là nhập vào tạng thức vậy. Nguyện cho con đời đời luôn được tài pháp để bố thí chúng sanh, đầy đủ mười thứ tự tại, hai thứ trang nghiêm.

Khi lễ hội xong rồi thì các vị quốc vương đều cầm tiền vàng, vật báu đến trước mọi người để chuộc lại những trân châu báu, y phục vật dụng mà vua đã cúng thí. Xong đem dâng hiến cho vua, trải qua mấy ngày vua lại có y phục và vật trang sức như cũ.

Pháp sư lúc này muốn từ tạ trở về thì vua nói: Đệ tử muốn cùng Pháp sư mở mang Phật pháp, cớ sao Ngài lại quay về sớm vậy.

Như thế, Pháp sư ở lại thêm mười ngày nữa.

Vua Cưu-ma-la cũng hết lòng mời thỉnh . Thầy hãy đến chỗ đệ tử để thọ cúng dường, đệ tử sẽ vì thầy mà xây dựng một trăm ngôi chùa. Pháp sư thấy ý các vua không hiểu, bèn cáo từ rằng:

Tôi rời nước Trung Quốc ra đi đã lâu. Nơi ấy cách đây xa xôi, được nghe Phật pháp muộn màng, tuy là có thấm nhuần chút ít nhưng vẫn chưa đủ, vì từ xưa đến nay luận thuyết có nhiều sai khác. Cho nên tôi đã phát nguyện, bởi do các bậc Hiền bên bổn quốc luôn khát ngưỡng chí thành, nên lòng không giây phút dám quên. Kinh nói rằng: Nếu làm ngăn trở người cầu pháp thì đời đời không có mắt, nếu vua giữ mãi Huyền Trang ở lại đây, thì vô lượng chúng sanh ở quê hương sẽ không có lợi ích biết được Phật pháp. Nghiệp báo không mắt há chẳng sợ sao?

Vua nói: Đệ tử kính mến ân đức của Pháp sư, nguyện thường được chiêm bái cúng dường, nhưng sợ làm tổn lợi ích của người, nên tùy ý đưa Sư trở về. Nay thầy muốn đi về bằng đường nào? Nếu thầy đi về hướng Nam Hải thì sẽ cho người đưa tiễn.

Pháp sư bảo: Huyền Trang từ nước Trung Quốc ra đi, đến phía Tây có nước Cao Xương, vua xứ này thông minh lại kính pháp, khi thấy Huyền Trang đến đây tìm đạo, đã sinh tâm vui mừng, cung cấp rất hậu. Đã cầu xin tôi khi trở về nên qua đó, xét về tình thì không thể sai hẹn được, nay muốn đi về hướng Bắc. Vua hỏi: Thầy cần bao nhiệu tư lương? Pháp sư bảo: Không cần.

Vua nói: Như thế sao được!

Thế là vua hạ chiếu đem vàng bạc vật dụng đến cúng dường Pháp sư. Vua Cưu-ma-la cũng đem tài vật đến cúng dường, Pháp sư nhất quyết không nhận, chỉ nhận của vua Cưu-ma-la một cái mền lông vì sợ trên đường sẽ gặp mưa, sau đó liền cáo biệt. Vua và các quan, dân chúng đưa ra đến mười dặm mới quay về, mọi người nghẹn ngào khóc tiễn không thôi. Pháp sư dùng voi chở hết kinh tượng. Rồi cùng đi với vua Ô-địa-đa của xứ Bắc Ấn, sau đó vua Giới Nhật lại gởi sang cho vua Ô-địa-đa một con voi lớn, ba ngàn đồng tiền vàng, mười ngàn đồng tiền bạc, để cúng dường Pháp sư làm lộ phí. Ba ngày sau vua cùng vua Cưu-ma-la, Bạt-tra, ruổi ngựa cả trăm dặm đến để cúng dường đưa tiễn. Vua lại viết thư đưa cho bốn vị Đạt Quan, thư viết trên lụa bạch có ấn triệu son gởi cho các nước Pháp sư đi qua, nhờ cung cấp hộ tống các thứ cho đến khi Pháp sư về đến địa phận đất Hán. Đến nước Bát-la-na-già, đi về hướng Tây nam vượt qua khu rừng bảy ngày thì đến nước Kiềuthưởng-di. Ở phía Nam thành là nơi Trưởng giả Cù-sư-la cúng vườn cho Phật ngày trước. Pháp sư dừng lại lễ bái thánh tích, sau đó lại cùng vua

Ô-địa-đa đi về hướng Tây bắc, đi hơn một tháng trời trải qua nhiều nước và trở lại thăm Thánh tích Thiên Thê.

Ngài lại nhắm hướng Tây bắc đi thêm ba dặm thì đến kinh đô nước Tỳ-la-na-noa, Ngài dừng lại hơn hai tháng, và gặp hai người bạn học là Sư Tử Quang và Sư Tử Nguyệt. Ngài lại giảng Câu-xá, Nhiếp luận, Duy thức v.v…

Hai vị gặp lại Pháp sư đều rất mừng. Đón tiếp nồng hậu. Lại đi về hướng Tây bắc hơn một tháng, trải qua nhiều nước thì đến xứ Xà-lanđạt, tức kinh đô của Bắc Ấn Độ. Ngài dừng lại một tháng,nơi đây Ngài từ biệt vua Ô-địa, vua cho người theo hộ tống Ngài trở về nước.

Đi về hướng Tây hơn hai mươi ngày thì đến xứ Tăng-hoa-bổ-la, ở đây có hơn một trăm vị tăng, đều là người phương Bắc, mang kinh tượng nương theo Pháp sư trở về nước. Trong hai mươi ngày đó Ngài trải qua nhiều vùng núi non hiểm trở, có nhiều chỗ gặp cướp. Pháp sư sợ bị cướp kinh, thường sai một vị tăng đi trước nếu gặp cướp thì nói, từ xa đến đây cầu pháp, nay chỉ mang theo kinh tượng xá-lợi, xin đàn-việt ủng hộ chớ khởi dị tâm. Pháp sư bảo đệ tử theo sau hộ tống, cũng có mấy lần gặp cướp nhưng không bị tổn hại gì. Hai mươi ngày sau, họ đến xứ Đát-xoa-thi-la. Dừng lại làm lễ chỗ vua Nguyệt Quang thí xả đầu ngàn lần tại đây. Lại đi về hướng Đông bắc hơn năm mươi dặm thì đến nước Ca-thấp-di-la, vua nước này sai sứ mời thỉnh, vì hành lý cồng kềnh nên Pháp sư từ chối không đến. Ngài ở lại đó bảy ngày rồi nhắm hướng Tây bắc thẳng tiến. Qua ba ngày thì đến sông Tín-độ (Indus) sông rộng năm, sáu dặm Pháp sư cỡi voi và một mình lội qua sông, còn bạn đồng hành và kinh điển cùng một ít hạt giống hoa quý của Ấn Độ thì đi thuyền qua. Lúc đến giữa dòng, bỗng nhiên một trận gió dữ dội làm nghiêng động tàu thuyền suýt muốn chìm mất. Người giữ kinh hoảng sợ rơi xuống nước, may mắn được cứu thoát. Năm mươi bộ kinh cùng hạt giống đều bị trôi mất, còn số còn lại được bảo toàn. Bấy giờ vua Ca-tất-thí ở đô thành Ô-đạc-ca-hán-đồ nghe Pháp sư đến thì đích thân đến bên bờ sông đón rước. Hỏi rằng: Nghe nói thầy qua sông bị mất kinh, thầy có muốn đem theo các loại cây giống của xứ Ấn Độ không? Đáp: Muốn đem.

Vua nói: Từ xưa đến nay các giống hoa của xứ Ấn Độ đều lấy ở đây. Rồi vua thỉnh Pháp sư về kinh ở trong một ngôi chùa hơn năm mươi ngày, vì mất kinh nên lại sai người về nước Ô-trưởng-na sao chép lại Tam tạng giáo điển của môn phái Ca-diếp-tí. Vua Ca-thấp-di-la nghe Pháp sư ở gần đó, cũng đích thân đến bái yết và ở lại một ngày mới quay về. Pháp sư cùng vua Ca-tất-thí đi về hướng Tây bắc hơn một tháng thì đến phạm vi nước Lam-ba. Vua sai Thái tử về trước, cùng ban sắc cho nhân dân và chúng tăng trang hoàng cờ phước ra khỏi thành để đón rước Ngài. Khi thấy vua và Pháp sư đến, mấy ngàn người cả tăng lẫn tục cờ phướn đầy đường, mọi người thấy Pháp sư đều vui mừng lễ bái, họ vây quanh Ngài khen ngợi. Sau đó, Pháp sư đến kinh đô, được mời ở trong một ngôi chùa lớn. Nhà vua cũng tổ chức hội Vô-già trong bảy mươi lăm ngày.

Từ đây đi về hướng Nam mười lăm ngày thì đến xứ Phạt-thích-noa để chiêm bái thánh tích, lại đi về hướng Tây bắc đến nước A-bạt-kiền, lại đi về hướng Tây bắc đến nước Tào-cũ-tra. Lại đi về hướng Bắc hơn năm trăm dặm đến nước Phật-lật-thị-tát-thưởng-na. Từ đó đi về hướng Đông đến địa phận Ca-tất-thí. Vua lại tổ chức đại thí bảy ngày, sau đó Pháp sư lại từ biệt lên đường. Đi về hướng Đông bắc một dặm đến thành Cù-lư-tát-bàng, nơi đây Pháp sư từ biệt nhà vua đi về hướng Bắc. Vua sai một vị đại thần dẫn hơn một trăm lực sĩ đem theo lương thực đưa tiễn Pháp sư vượt qua núi Tuyết. Đi bảy ngày thì đến đỉnh núi. Núi non hiểm trở muôn hình muôn trạng, hoặc bằng phẳng hoặc cao ngất thế núi thật nguy hiểm vô cùng, sự gian nan thật không thể nào tả hết. Ngựa xe đều không thể cỡi được, ngài phải dùng gậy lần bước đi. Trải qua bảy ngày, lại đến một ngọn núi cao, lại vào một xóm làng có hơn một trăm nóc nhà làm nghề nuôi dê. Dê ở đây lớn như con lừa. Cả đoàn ngủ đêm tại đó. Đến nửa đêm ngài lại tiếp tục hành trình và nhờ một người dân làng dẫn đường. Đất ở đây nhiều tuyết lại đầy những hố băng, nếu không có người dẫn, thì sợ bị trượt té. Đến sáng hôm sau thì vượt qua khỏi ngọn núi băng nguy hiểm đó. Lúc này đoàn lữ hành chỉ còn lại bảy vị tăng, hơn hai mươi người hộ vệ, một voi, mười lừa và bốn ngựa.

Ngày hôm sau thì đoàn người đi đến chân núi. Vượt qua một đoạn đường quanh co thì đến một dãy núi khác. Ở xa trông như có tuyết phủ, khi đến gần thì là dãy núi đá màu trắng, đây là ngọn núi cao nhất, dù mây và tuyết không che khỏi đỉnh. Đến chiều mới lên tới đỉnh núi, mà gió núi lạnh buốt, cả đoàn không thể đứng vững. Núi lại không có cây cối, thảo mộc gì, chỉ có những khối đá khổng lồ, uy nghi sừng sững. Từ đỉnh phía Nam cho đến đỉnh phía Bắc khoảng chừng hơn vài trăm bước. Tìm khắp cõi Ta-bà này ngọn núi cao nhất không thể cao hơn ngọn này được. Pháp sư ra khỏi núi đi về hướng Tây bắc vài dặm thì có một vùng đất bằng phẳng. Ngài cho nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau lại lên đường đi trong sáu ngày vượt qua núi thì đến xứ An-đát-la-phước-bà, tức là nền đất cũ của nước Đổ-hóa-la. Ở đây có ba ngôi chùa, với vài mươi vị tăng, đều tu theo pháp Đại chúng bộ. Có một ngôi tháp, do vua Vô Ưu xây dựng. Pháp sư dừng lại đây năm ngày.

Tiếp tục đi về hướng Tây bắc khoảng hơn bốn trăm dặm thì đến nước Hoạt-tất-đa, cũng là nên đất cũ của nước Đổ-hóa-la. Từ đây đi về hướng Tây bắc lại đi núi hơn ba trăm dặm thì đến Hoạt-quốc, nằm bên cạnh sông Phược-sô, tức phạm vi phía Đông của của nước Đổ-hóa-la, đô thành ở phía Nam bờ sông, nhận đó được vua Diệp-hộ-kha-hãn tên Diệp-hộ mời Ngài dừng lại một tháng, Diệp-hộ cho người theo hộ tống, cùng với đoàn người đi buôn đi vài ngày thì đến nước Mông-kiện. Bên cạnh là nước A-lợi-ni, Cát-la-hồ, nước Ngật-lật-sắc-ma, nước Bát-lợihạt, đều là đất cũ của nước Đổ-hóa-la.

Từ nước Hoăng-kiện lại đi về hướng Đông vượt qua núi hơn ba trăm dặm thì đến nước Hê-ma-đát-la, cũng là đất cũ của nước Đổ-hóala, phong tục đại khái cũng giống như nước Đột-quyết, mà điều lạ nhất là phụ nữ đầu đội mũ bằng sừng gỗ cao hơn ba thước, Đằng phía trước có hai đường rẽ biểu thị cho cha mẹ chồng, ở trên thì một đường biểu hiện cho cha, và một đường dưới là biểu thị cho mẹ, nếu ai mất trước thì bỏ chỗ ấy đi, nếu bà con mất thì đội mũ toàn bằng lá.

Từ đây đi về hướng Đông hơn hai trăm dặm đến nước Bát-sángna cũng là đất cũ của nước Đổ-hóa-la, vì có tuyết lạnh nên Ngài dừng lại hơn tháng. Từ đây lại đi về hướng Đông nam hơn hai trăm dặm đến xứ Dâm-bạc-kiện và đi thêm ba trăm dặm đi về hướng Đông nam đầy hiểm trở thì đến nước Khuất-lãng-noa. Từ đây đi về hướng Đông bắc qua núi hơn năm trăm dặm thì đến nước Đạt-ma-tất-thiết-đế. Nước này ở giữa hai ngọn núi, đến sông Phược-sô, nơi đây sản xuất một giống ngựa nhỏ nhưng rất khỏe và chạy nhanh. Phong tục ở đây không biết lễ nghĩa, nên dân chúng tánh tình hung bạo, thân hình xấu xí, mắt phần nhiều màu xanh biếc khác với các nước khác. Ở đây có hơn mười ngôi chùa, kinh đô là Hôn-đà-đa. Trong thành có ngôi chùa do tiên vương nước này xây dựng. Trong chùa thờ tượng Phật bằng đá trên có chiếc lọng tròn bằng đồng mạ vàng, và các thứ báu, các vật trang sức quý giá, tự nhiên trụ ở trên đỉnh tượng Phật. Nếu người vào lễ lạy đi quanh thì lọng cũng quay theo, nếu người dừng thì lọng cũng dừng, khó lường nỗi sự linh thiêng.

Từ nước này vượt qua ngọn núi lớn đi về hướng Bắc thì đến nước Thi-khí-ni. Lại vượt qua nước Đạt-ma-tất-thiết-đế thì đến nước Thươngdi. Từ đây lại vượt qua ngọn núi hướng Đông, đi hơn bảy trăm dặm thì đến sông Bà-kế-la, vượt qua sông đi về hướng Đông tây hơn một ngàn dặm, đi về hướng Nam bắc hơn một trăm dặm, ở giữa hai ngọn núi Tuyết, lại vào một thung lũng, thung lũng gió tuyết phủ kín quanh năm, nên cây cối không phát triển được, lúa gạo cũng không xanh tốt. Cảnh vật tiêu điều không có dấu chân người qua lại. Trong dòng sông có một con rồng lớn, có chiều dài hơn ba trăm dặm, chiều rộng năm mươi dặm. So với các nơi khác thì địa thế nơi đây mênh mông bát ngát tầm nhìn không thể hết. Có cả ngàn muôn loài thủy tộc, âm thanh thật hỗn độn. Lại có các loài chim, thân cao hơn một trượng, mỏ thì to như chậu, xưa gọi Điều-chi-cự-hạc, chắc có lẽ là loài này vậy. Từ phía Tây của ao, chia ra thành dòng sông, đi về hướng Tây thì đến nước Đạt-ma-tấtthiết-đế. Sông Phược-sô nằm về phía Đông nước này, sông chảy ra biển đi về hướng Tây. Đi về hướng đông thì đến nước Khư-sa, phía Tây hợp với sông Tỷ-đa, sông chảy ra biển đi về hướng Đông. Phía Nam sông bên ngoài ngọn núi có nước Bát-lộ-la. Nước này có nhiều vàng bạc, màu sắc của vàng đỏ như lửa.

Từ hướng Đông lại qua vùng núi tuyết hiểm nghèo, đi hơn năm trăm dặm đến nước Khiếp-bàn-đà. Vua nước này rất thông minh, trị nước đã nhiều năm, tự nói rằng: “Ta vốn dòng dõi Đề-bà-cù-đát-la (đời Đường dịch là dòng Hán Nhật Thiên) của Trung Quốc”. Ở cung cũ của vua có cố Tôn giả là Luận sư Đồng Thọ Già-lam, Tôn giả là người nước Hằng-xoa-thỉ-la, là người thần ngộ anh tú, một ngày tụng được ba muôn hai ngàn lời. Cách sách khác cũng như thế. Thường dạo chơi trong các pháp và trứ tác, Tôn giả soạn được mấy mươi bộ luận đều đem ra lưu hành khắp nơi, tức kinh Bộ Bản Sư. Lúc đó phía Đông có ngài Mã Minh, phía Nam có ngài Đề-bà, phía Tây có ngài Long Mãnh, phía Bắc có ngài Đồng Thọ, gọi là Tứ Nhật, có công năng soi sáng mê hoặc của chúng sanh, ngài Đồng Thọ tiếng tăm rất cao, cho nên tiên vương ngày trước đích thân chinh phạt nước ấy để đón rước Ngài về cúng dường.

Cách kinh thành ba trăm dặm về hướng Đông nam hơn ba trăm dặm là đến bức tường lớn bằng đá, có hai ngôi nhà đá, trong mỗi ngôi đều có một vị La-hán ngồi nhập định diệt tận bên trong, ngồi ngay thẳng bất động, thấy như người già mà không hề mục rã, đã trải qua hơn bảy trăm năm. Pháp sư dừng lại đây hơn hai mươi ngày. Sau đó, đi về hướng Đông bắc, năm ngày sau thì gặp bọn cướp, những người đi buôn sợ hãi chạy lên núi trốn, còn con voi của Ngài bị chết đuối. Sau khi bọn cướp đi khỏi, Ngài cùng những người buôn đi dần xuống phía Đông, đến một thung lũng. Vượt qua hơn tám trăm dặm nữa thì ra khỏi thung lũng, đến nước Ô-sát, cách hai trăm dặm về hướng Tây là ngọn Đại Sơn rất cao lớn uy nghi. Trên núi này có ngôi tháp, nghe người xưa nói lại rằng: Cách vài trăm năm trước, vì sấm sét nên núi bị sup đổ. Bên trong có một vị Bí-sô thân hình cao lớn, khô khan, ngồi hai mắt nhắm nghiền mái tóc dài che phủ cả mặt, vai. Có một người hái củi trông thấy bèn về tâu vua, vua đích thân đến lễ bái, kẻ tử sĩ từ khắp nơi nghe truyền liền nhóm họp về cùng đảnh lễ cúng dường.

Vua hỏi: Đây là ai vậy?

Có vị Bí-sô đáp: Đây là vị La-hán xuất gia, nhập định diệt tận.

Nhiều năm rồi mà vẫn như còn sống, tóc lại dài thêm ra.

Vua hỏi: Vì sao không lay động cho tỉnh dậy?

Đáp: Thân đã đoạn thực này, nếu xuất định thì liền tan hoại, nếu trước đem các loại sữa lạc tưới vào khiến cho thân thấm nhuần, sau đó đánh kiền chùy thì sẽ tỉnh dậy.

Vua nói: Lành thay!

Bèn theo lời vị tăng nói rưới sữa rồi đánh kiền chùy, vị La-hán liền mở mắt ra, nhìn mọi người nói: Các người ai mà ăn mặc như vậy?

Đáp: Chúng tôi là Bí-sô đây.

Vị kia nói: Thầy của ta là Đức Phật Ca-diếp-ba, nay vì sao lại ở đây?

Đáp: Đức Phật kia nhập Niết-bàn lâu rồi. Vị ấy nghe xong thì rất buồn bã.

Lại nói: Đức Thích-ca thành Vô thượng Đẳng giác chưa?

Đáp: Đã thành Phật, nói pháp độ chúng sanh, và nay cũng đã nhập diệt, vị kia nghe xong thì nhíu mày nghĩ ngợi hồi lâu, rồi đưa tay vuốt tóc, bay lên hư không hiện ra các thứ thần biến, hóa lửa đốt thân khiến cho xương cốt rớt xuống. Vua và đại chúng nhặt lấy xương này về xây tháp thờ, tức là ngôi tháp này. Từ đây đi về hướng Bắc hơn năm trăm dặm thì đến nước Khư-sa. Từ đây đi về hướng Đông nam hơn năm trăm dặm qua sông Tỷ-đa, vượt qua núi thì đến nước Chước-câu-ca. Phía Nam nước có ngọn núi lớn, trên núi này có nhiều am thất, là những vị chứng quả ở Ấn Độ, phần nhiều vận thần thông đến đây cư trú, nhân đó mà những vị nhập tịch diệt rất đông. Nay vẫn còn ba vị La-hán trụ trong hang núi nhập định diệt tâm, râu tóc cũng dần dần dài ra, chư tăng vẫn thường đến đây để cắt. Lại ở nước này còn nhiều kinh sách Đại thừa, bộ kinh gồm mười muôn bài tụng thành một bộ thì có mấy mươi bộ. Từ đây đi về hướng Đông hơn tám trăm dặm thì đến nước Cù-tát-đát-na. Nước này sa mạc chiếm hơn nửa, nên ngũ cốc tốt tươi, sản xuất ra các loại đệm dạ rất mịn tốt. Nơi đây cũng sản xuất nhiều loại ngọc, khí hậu ôn hòa, có lễ nghĩa phong tục. Người thích học các loại âm vận phong nghi, có nhiều cái khác với người Ấn Độ, văn tự cũng theo như Ấn Độ nhưng có sửa đổi chút ít, kính trọng Phật pháp, có cả trăm ngôi chùa, với hơn năm ngàn vị tăng, phần nhiều tu theo Đại thừa. Vua xứ này rất anh hùng, trí tuệ lại có nhân đức, thường tự nói rằng: Ta là con cháu của trời Tỳ-sa-môn. Tổ tiên của vua chính là Thái tử con vua Vô Ưu ở nước Đát-xoa-thỉ-la. Sau dời đi lên hướng Bắc núi Tuyết, tổ tiên ở đây nuôi trâu đào ao mà xây dựng ra kinh đô này, ở lâu mà không có con, nên cầu Thiên miếu thời trời Tỳ-sa-môn, do đó mà sinh ra một con trai, khi đó đất ở trước miếu có vị lạ, ngọt thơm như sữaa, bèn lấy đó mà nuôi con cho đến lớn. Sau khi cha mất thì lên ngôi, uy đức vang xa, sức mạnh trùm các nước. Vua nay chính là con cháu. Tổ tiên vốn nhờ đất sữa mà giúp thành, cho nên đất Vu-điền gọi đúng phải là nước Địa Nhũ.

Pháp sư vào địa phận nước ấy, đi đến kinh thành Bột-già-di, trong thành có tượng phạt ngồi, cao hơn bảy thước, đầu đội mũ báu, khuôn mặt tròn đầy. Nghe người xưa nói rằng: Pho tượng này vốn ở nước Cathấp-di-la được thỉnh đến đây. Thuở xưa, có vị La Hán, nuôi một Sa-di mắc bệnh sởi. Khi sắp mất vị Sa-di này đòi ăn loại bánh gạo. Vị thầy dùng thiên nhãn thấy xứ Cù-tát-đát-na có, nên vận thần túc đến đó xin đem về. Sa-di ăn xong thì tâm rất vui mừng nguyện sanh về nước kia. Nguyện lực không trái cho nên khi mất sinh vào trong cung vua. Sau được lên ngôi có tài thao lược muốn thôn tính các nơi, rồi đến ngọn núi Tuyết chinh phạt bổn quốc. Bấy giờ, vua nước Ca-thấp-di-la cũng tập luyện binh mã để chống cự. Vị La-hán nói: Không cần phải lao nhọc động binh, ta sẽ có cách để họ lui. Sau đó, Ngài đi đến chỗ vua Cù-tátđán-na nói về lỗi tái sinh quên mất ý chí mà trở thành tham tàn. Lại đem y phục thân trước của Sa-di cho vua coi. Vua nghe xong đắc túc mạng trí, sinh tâm rất hổ thẹn, bèn kết giao với vua nước Ca-thấp-di-la và bãi binh. Nhưng xin vua cúng tượng, rồi vận chuyển mang về nước. Khi chở tượng đến thành này thì xe không thể tiến được nữa, vua sai quân binh gắng sức cách mấy cũng không thể đi, cuối cùng phải xây dựng tinh xá, mời chư tăng xả mũ yêu thích để trang nghiêm đảnh Phật mũ này nay vẫn còn, có rất nhiều châu báu quý giá, ai thấy cũng vui mừng. Pháp sư dừng lại đây bảy ngày. Vua Vu-điền nghe Pháp sư đến nước mình bèn đích thân hành đến đảnh lễ yết kiến. Hôm sau, Ngài lại lên đường, vua đã trở về kinh đô trước, để Thái tử ở lại hầu Ngài. Hai hôm sau, vua sai Đạt Quan đến rước, khi rời thành bốn mươi dặm thì nghỉ lại đêm. Hôm sau, vua cùng tăng tục đem âm nhạc hương hoa đến đón rước Ngài. Ngài vào thành, trụ trong một ngôi chùa của phái Tátbà-đa thuộc tiểu thừa. Cách cung thành về phía Nam hơn mười dặm có một ngôi chùa, tiên vương nước này là do A-la-hán Tỳ-lư-triết-na xây dựng. Ngày trước khi Phật pháp chưa thấm nhuần nơi đây thì có vị Lahán từ nước Ca-thấp-di-la đến ngồi thiền ở trong rừng. Khi đó có người trông thấy, thấy hình sắc y phục của người ấy thì lấy làm lạ về tâu lại với vua, vua đích thân đến xem và hỏi rằng: Ông là ai mà ngồi một mình trong rừng vắng như thế?

Đáp: Ta là đệ tử của Như Lai, sống thanh thản trong Phật pháp như thế.

Vua nói: Như Lai nghĩa là gì?

Đáp: Như Lai là đức hiệu của Phật. Xưa là Thái tử con vua Tịnh Phạn, vì nghĩ chúng sanh bị chìm đắm trong biển khổ, nếu không có người cứu khổ thì không thể thoát ra được, cho nên Thái tử bỏ hết bảy báu, nghìn người con và cả ngôi vị Luân vương, bốn châu, đi vào rừng tu đạo, suốt sáu năm chứng thành đạo quả. Được thân sắc vàng, chứng pháp Vô thượng. Ngài rải cam lộ nơi vườn nai, chiếu ma-ni nơi ngọn Linh Thứu. Trong tám mươi năm giáo hóa làm lợi ích chúng sanh. Khi hóa duyên đã hết, thì Ngài trở về cõi Niết-bàn vắng lặng. Từ đó môn đồ tạo tượng, tạo kinh, lưu truyền đến nay vẫn còn. Vua nhờ có phước đời trước được làm vua cõi người, nên phó chúc pháp luân, quy y với bậc tôn đức. Nếu không tin thì làm sao rõ được lý này.

Vua nói: Tôi nghiệp chướng sâu dày nên không nghe được danh hiệu Phật. Nay mong bậc Thánh giáng đức, nếu còn chút phước dư tôi sẽ tạo tượng tạo kinh, xing vâng tu hành.

La-hán bảo: Nếu nguyện tất sẽ được, trước nên xây dựng một ngôi chùa thì linh tượng tự đến.

Vua liền hồi giá trở về cung, cùng các quan chọn kỹ một vùng đất thật tốt. Rồi tuyển thợ giỏi, đến hỏi vị La-hán cách xây dựng, rồi theo đó xây dựng. Khi chùa xây xong rồi vua lại đến cầu thỉnh: Chùa đã xong còn tượng Phật ở đâu?

La-hán bảo: Nếu vua chí thành thì tượng sẽ đến không xa.

Vua cùng đại thần và nhân dân đều nhất tâm cầu thỉnh và đốt hương rải hoa. Chẳng bao lâu thì tượng Phật từ hư không hạ xuống ngồi trên tòa báu, ánh sáng rực rỡ, dung nghi trang nghiêm. Vua trông thấy rất vui mừng, hớn hở không cùng. Rồi thỉnh La-hán nói pháp cho đại chúng nghe. Vua nhân đó cùng nhân dân ra sức cúng dường, cho nên ngôi chùa này được xây dựng từ lúc ban đầu ấy.

Pháp sư trước kia vì lội qua sông mà mất kinh, đến đây lại sai người trở lại nước Khuất-chi để tìm lục bản gốc của kinh đã mất, và vì vua Vu-điền muốn lưu lại nên chưa thể về ngay được.

Pháp sư lại sai một người thanh niên ở Cao Xương theo những người đi buôn đem thư về nước nói là Pháp sư đến nước Bà-la-môn cầu pháp, nay đã trở về đến nước Vu-điền. Thư viết rằng:

Sa-môn Huyền Trang nói: Trang nghe phục sinh minh mẫn, Triều Nam tìm học ở Tế Nam.

Thế nên biết rằng, rừng nho học thuật của người xưa mọi người đều mong cầu học hỏi, huống chi Phật pháp làm lợi ích cho chúng sanh không ít. Ba tạng kinh điển được giảng nói phiên dịch, mọi người xa gần đều tu học theo. Huyền Trang nghe Phật pháp hưng thịnh ở Tây Vực, di giáo truyền sang Trung Quốc. Nhưng, tuy thánh điển đã đến mà Viên tông vẫn còn thiếu, nên tôi vẫn thường mong được tìm cầu học tập không tiếc thân mạng. Vào tháng tư niên hiệu Trinh Quán thứ ba, Huyền Trang mạo muội vượt ngoài Hiến chương của triều nội, lén đến Thiên Trúc. Chân giẫm lên một vùng biển cát mênh mông, vượt qua núi tuyết cao ngất, đi qua những cửa ải đầy chông gai nguy hiểm, những con đường đầy sóng gió của biển nóng. Bắt đầu từ ấp Thần ở Trường An, cuối cùng ở thành mới Vương-xá, đã vượt qua hơn năm ngàn dặm, tuy phong tục ngàn muôn sai khác, sự gian nguy lại muôn trùng nhưng nhờ nương vào thiên uy của các vua ở các nơi, thật vô cùng. Nhưng dù thân này gặp nhiều gian nan khổ sở thì tâm nguyện vẫn quyết đi đến, để được trông thấy núi Kỳ-xà-quật, lễ lạy cây Bồ-đề, thấy được những thánh tích chưa từng thấy, nghe được kinh điển chưa từng nghe, hiểu hết mọi sự linh kỳ trong vũ trụ, rõ suốt mọi điều biến hóa của âm dương, nêu cao đức trạch của hoàng phong, phát huy các phong tục khác lạ. Vòng quanh các nước ròng rã suốt mười bảy năm, nay đã từ nước Bát-la-nagià đi qua khu vực Ca-tất-thí. Vượt qua ngọn Thông Lãnh, qua sông Kếla, trở về đến nước Vu-điền, vì con voi lớn dẫn theo bị chết đuối, kinh bổn lại nhiều phải dừng lại ít lâu vì chưa tìm được ngựa giỏi.

Sáng sớm vào ra mắt nhà vua. Vì chưa rõ nghi thức tập tục nên nhờ một người Cao Xương là Mã Huyền Trí, theo những người đi buôn vào ra mắt trước, rồi sau Ngài mới đến, sau đó Pháp sư giảng các bộ luận như Du-già, Đối pháp, Câu-xá, Nhiếp Đại thừa cho chư tăng nhân duyên Vu-điền nghe. Chỉ trong một ngày một đêm bốn bộ luận này đã lần lượt được giảng xong. Vua cùng kẻ tăng người tục đều quy y nghe nhận, một ngày có cả ngàn người. Trải qua thời gian bảy, tám tháng rồi muốn trở về. Mong vua ban sắc, đón rước sứ giả an ủi rằng: Nghe thầy đi tìm đạo trải qua các nước, nay được trở về, thật vui mừng vô lượng. Pháp sư hãy mau đến đây, cho trẫm được thấy, chư tăng hiểu tiếng Phạm và nghĩa kinh ở nước ấy cũng hướng dẫn đến đây, trẫm sẽ bảo ban sắc cho nước Vu-điền v.v… sai sứ đưa tiễn Pháp sư, người ngựa xe cộ đều không thiếu, cũng khiến cho các quan ty ở Đôn Hoàng đưa qua các bãi sa mạc, các nước Thiện Thiện ở vùng sông Thư sẽ ra đón rước.

Pháp sư vâng sắc liền lên đường. Vua Vu-điền cúng dường vật dụng tư lương rất nhiều. Từ lúc bắt đầu đi được hơn ba trăm dặm, hướng về phía Đông đến thành Hoán-ma, trong thành này có tượng Phật đứng, khắc bằng cây tử đàn, cao hơn hai trượng. Hình dáng trang nghiêm, rất nhiều linh ứng. Nếu người có bệnh tật gì thì tùy theo đau chỗ nào dùng vàng lá dán vào tượng bệnh liền hết. Còn như có nguyện cầu gì, thì thường được như sở nguyện. Tương truyền rằng:

Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, Ngài ngự ở nước Kiều-thưởng-di. Vua Ở-đà-diễn-na vì Phật mà tạo ra tượng này. Sau khi Phật diệt độ, tượng này từ đây bay đến phía Bắc thành Hạt-lao-lạc-ca. Sau đó lại tự dời đến đây (nhân duyên như trong Biệt Truyện), lại tương truyền có lời thọ ký rằng: “Khi giáo pháp của Đức Thích-ca hoại diệt thì tượng này sẽ dời đến long cung”.

Từ hướng Đông của thành Hoán-ma, Pháp sư đi vào bãi sa mạc, đi hơn hai trăm dặm thì đến thành Nê-hoại. Từ đây lại đi về hướng Đông thì đến một sa mạc rộng lớn. Ở đây gió lớn cát bay không hề có một dòng nước, một ngọn cỏ, lại có rất nhiều các loại độc dữ yêu mị, lại không có đường đi, người đi đường qua lại nơi đây chỉ nhìn vào xương cốt của người và thú mà làm định hướng. Lại đi hơn bốn trăm dặm nữa thì đến nước xưa Đổ-hóa-la, lại đi hơn sáu trăm dặm thì đến nước xưa Chiết-ma-đà-na, tức địa phận của sông Thư. Đi về hướng Đông bắc hơn một ngàn dặm thì lại đến nước xưa Nạp-phược-ba, tức vùng Lâu-lan. Lần hồi đến ranh giới Trung Quốc. Khi được xe ngựa rồi thì bảo sứ thần đem ngựa trở về nước Vu-điền. Có sắc chỉ đến ban thưởng công lao, nhưng Pháp sư đều không nhận mà lại ra đi. Khi đã đến Sa Châu, lại dâng biểu. Bấy giờ vua ngự tại cung Lạc Dương, khi nhận được biểu thư thì biết Pháp sư đã gần về. Vua ban sắc cho quan trấn thủ Tây Kinh là Tả Bộc Xạ, Lương Quốc Công, Phòng Huyền Linh, khiến quan hữu ty đón rước tiếp đãi. Pháp sư sựo chậm trễ không kịp.

Nên gấp rút đi tới. Chẳng bao lâu thì đến Tào Thượng, quan cung ty không biết uy nghi đón rước, cũng không rảnh trình bày, nhưng có người nghe tự nhiên cũng tìm đến, xem và lễ lạy chật cả đường phố nên dù muốn đi tiếp cũng không thể được, cho nên đêm đó phải ngủ lại ở Tào Thượng.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10