TRUYỆN TAM TẠNG PHÁP SƯ CHÙA ĐẠI TỪ ÂN ĐỜI ĐƯỜNG

Sa-môn Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lại.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

BẮT ĐẦU TỪ NƯỚC A THÂU ĐÀ ĐẾN NƯỚC Y LAN NOA

Từ đây Ngài đi về hướng Đông nam hơn sáu trăm dặm, qua sông Hằng, đi về hướng Nam thì đến nước A-thâu-đà (thuộc Trung Ấn Độ) có cả trăm ngôi chùa, tăng chúng có mấy ngàn vị, tu học theo cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Trong thành lớn có ngôi chùa cũ, đây là chỗ ngày trước ngài Phạt-tô-bàn-độ (đời Đường dịch là Thế Thân, xưa phiên âm là Bà-tẩu-bàn-đậu, dịch là Thiên Thân là sai) soạn chế tác ra các kinh Đại tiểu thừa, rồi giảng dạy cho chúng. Ở phía Tây bắc thành khoảng bốn, năm dặm là bờ sông Hằng. Trong ngôi chùa lớn có ngôi tháp, cao hơn hai trăm thước, do vua Vô Ưu xây dựng, đây là chỗ ngày trước Phật ở lại ba tháng nói pháp. Bên cạnh đó lại có chỗ bốn vị Phật quá khứ đi kinh hành, cách năm, sáu dặm về phía Tây nam có ngôi chùa xưa, đó là chỗ Bồ-tát A-tăng-già nói pháp, vào ban đêm Bồ-tát bay lên cung trời Đâu-suất, chỗ Bồ-tát Di-lặc nghe các bộ luận Du-già, Trang Nghiêm Đại thừa, và Trung Biên phân biệt v.v.… Ban ngày thì xuống nói pháp cho đại chúng nghe. A-tăng-già cũng gọi Vô Trước, là người nước Kiền-đà-la, sau Phật diệt độ một ngàn năm thì Ngài ra đời, xuất gia với phái Di-sa-tắc Bộ, sau tin theo Đại thừa. Huynh đệ đều là bậc Thánh minh xuất thế, đều có tài soạn thuật, soạn ra nhiều bộ luận và giải thích kinh Đại thừa. Thật là bậc tài giỏi của xứ Ấn Độ. Các bộ luận ấy gồm: Luận Nhiếp Đại thừa, Hiển Dương Thánh giáo, Đối Pháp, Duy Thức, Câu-xá v.v… Pháp sư ở nước A-du-đà lễ lạy hết các thánh tích, rồi xuôi theo dòng sông, cùng hơn tám mươi người lên thuyền đi về hướng Đông đến nước A-na-mục-khứ, đi khoảng một trăm dặm, hai bên bờ sông đều là rừng A-di-ca, rất rậm rạp. Bất ngờ có một toán cướp hơn mười chiếc thuyền từ trong rừng chèo ra, những người trên thuyền đều kinh hãi, có một vài người nhảy đại xuống sông, bọn cướp bắt thuyền trở vào bờ, bảo mọi người cởi hết y phục để tìm châu báu.

Bọn cướp này thờ thần Đột-già Thiên, mỗi năm tới giữa mùa thu thì chúng tìm một người có hình dáng xinh đẹp giết đi để lấy máu thịt cúng tế, để cầu thần ban phước. Chúng thấy Pháp sư dung nghi khôi ngô lại khỏe mạnh, bèn vui mừng bảo nhau: Chúng ta nay thần cứ sợ không gặp người, nay đã có Sa-môn này rất khôi ngô thì nên giết đi để làm vật tế thần chẳng phải là tốt sao?

Pháp sư liền bảo: Thân tôi thật xú uế không đáng để tế thần, thật chẳng phải là tiếc mà vì tôi có ý nguyện muốn lễ cây Bồ-đề, lễ thánh tích Bồ-tát ở các hang động, và thưa hỏi kinh pháp, tâm này vẫn chưa toại nguyện, nếu đàn-việt giết đi thì e không được tốt.

Người trên thuyền đều cùng cầu xin, lại có người xin thay thế. Nhưng bọn giặc đều không bằng lòng. Chúng bảo người lấy nước đem lại, rồi ở trong rừng hoa lập đàn tế thần. Sai hai người cầm đao đưa Pháp sư lên đàn vừa định giết, khi đó Pháp sư không hề tỏ ra một chút sợ sệt nào làm cho bọn giặc rất kinh ngạc.

Ngài biết khó tránh khỏi nên nói với bọn cướp rằng: Xin thư thả chớ có bức bách, đợi cho tôi an tâm, hoan hỷ rồi hãy giết.

Pháp sư liền chuyên tâm hướng về cung trời Đâu-suất, một lòng nghĩ tưởng đến ngài Di-lặc, nguyện sinh về cõi đó, để cung kính cúng dường và học luận Du-già-sư-địa, xin được nghe diệu pháp, đầy đủ thông tuệ, trở lại đây để giáo hóa những người này, giúp họ tu thắng hạnh, diệt trừ hết nghiệp ác, nói rộng các pháp, làm lợi lạc tất cả chúng sanh. Ngài lễ khắp các Đức Phật trong mười phương, rồi ngồi thẳng giữ chánh niệm, chú tâm nghĩ đến Bồ-tát mà không phan duyên cảnh khác. Trong tâm tưởng thấy dường như đang bước lên ngọn núi Tô-mê, Vượt lên các tầng trời thứ nhất, thứ nhì, thứ ba thì thấy cõi trời Đâu-suất, la nơi ngài Từ Thị ở, trên đài diệu bảo thấy các vị trời vây quanh. Lúc này thân tâm ngài rất vui mừng. Không biết là đang đứng trên đàn, cũng không nhớ bọn cướp. Trong những người bạn đồng hành người kêu gào la khóc, chốc lát bỗng có cơn gió mạnh thổi đến đen kịt, làm gãy cây cối và thổi tung cát đá. Nước sông dậy sóng, thuyền bè đều trôi dạt, bọn cướp rất kinh hãi, hỏi đồng bạn: Sa-môn này từ nước nào đến, tên là gì? Đáp rằng: Thầy từ nước Trung Quốc đến để cầu pháp ở đây. Các ông nếu giết đi sẽ mắc tội vô lượng. Vả lại thấy cơn gió dữ này, thì đủ biết thiên thần đang nổi giận, phải mau sám hối.

Bọn giặc sợ hãi liền xin sám hối và quy y. Lúc này, Pháp sư vẫn không hay biết, bọn cướp đưa tay đụng vào người, lúc ấy Ngài mới mở mắt ra, hỏi họ rằng: “Đã tới giờ chưa?”

Đáp: Thật không dám hại Pháp sư, xin cho chúng con sám hối.

Pháp sư cho mọi người lễ sám, lại nói việc cướp bóc giết hại để tế thần chẳng phải là nghiệp lành, đời sau sẽ chịu khổ Vô gián.

Bọn cướp đều cúi đầu sám hối và nói: Chúng con vì vọng tưởng điên đảo, gây ra những việc không nên làm, nếu không gặp được thầy là bậc đức độ cảm hóa cả thần linh, thì làm sao được nghe lời dạy bảo, từ nay về sau xin từ bỏ nghiệp ác này, xin thầy chứng minh.

Pháp sư tùy theo đó mà khuyên hóa họ. Cả bọn đều quy y Ngài và đem trả hết những gì đã cướp bóc cho bổn chủ. Lúc này, trời đất đã trở lại quang đãng, bọn cướp đều rất vui mừng, đảnh lễ Ngài rồi xin từ biệt.

Các bạn đồng hành với Ngài rất cung kính, khen ngợi là việc chưa từng có, xa gần nghe tiếng không ai không lấy làm lạ. Đó là do Ngài đều hết lòng cầu pháp mà được như vậy. Từ đây đi về hướng Đông hơn ba trăm dặm, vượt qua sông Hằng, đi về hướng Bắc đến nước Ada-mục-khứ (thuộc Trung Ấn Độ). Từ đây lại đi về hướng Đông nam hơn bảy trăm dặm vượt qua sông Hằng, đi về hướng Nam là sông Mâuna, đi về hướng Bắc thì đến nước Bát-la-da-già (thuộc Trung Ấn Độ). Trong rừng hoa Thiệm-bác-ca ở phía Tây nam thành có ngôi tháp do vua Vô Ưu tạo lập, đây là chỗ Phật hàng phục ngoại đạo. Bên cạnh có ngôi chùa, là nơi Bồ-tát Đề-bà soạn luận Quảng Bá để phá Tiểu thừa và ngoại đạo. Ở phía Đông thành là nơi các dòng sông giao nhau.

Ở phía Tây có một vùng đất chu vi khoảng mười bốn, mười lăm dặm, mặt đất bằng phẳng. Từ xưa đến nay các bậc vương tôn hào kiệt đều là bậc nhân từ đức độ đều xuất thân từ đây, và đều xây đàn cúng thí cho nên đặt tên vùng đất này là đại thí trường. Ngày nay, vua Giới Nhật cũng tiếp tục việc này. Năm năm tích góp tài vật rồi bốn thí hết trong bảy mươi lăm ngày. Cúng thí trên từ Tam bảo cho đến kẻ nghèo cùng khốn khổ.

Từ đây đi về hướng Đông nam thì đến một khu rừng lớn, đầy các thú dữ, đi thêm năm trăm dặm đến nước Kiều-thưởng-di (cựu dịch là Câu-thiểm-di là lầm, thuộc Trung Ấn Độ). Nước này có hơn mười ngôi chùa với hơn ba trăm vị tăng. Trong cung cũ ở trong thành có ngôi tinh xá lớn cao hơn sáu trăm thước, có tượng Phật khắc bằng cây tử đàn, phía trên có che lọng bằng đá, do vua Ổ-đà-diễn-na (đời Đường dịch là Xuất Ái, xưa dịch vua Ưu-điền là lầm) xây dựng nên. Ngày trước Đức Như

Lai lên cung trời nhập hạ, nói pháp hóa độ mẹ. Vua mới thỉnh cầu ngài Mục-kiền-liên, dùng năng lực thần thông đưa lên cõi trời để được thấy tôn nhan Phật. Khi trở về vua sai đem cây tử đàn để khắc chân dung Phật. Khi Thế Tôn trở về thì đem tượng đón rước Phật tại đây.

Ở phía Nam thành có ngôi nhà xưa tên là Cù-sử-la (xưa phiên âm Cù-sư-la là lầm) là chỗ ở của một vị Trưởng giả ngày trước. Cách thành không xa về phía Nam có ngôi chùa xưa, cũng nằm trong vùng đất của Trưởng giả, trong khuôn viên chùa có ngôi tháp cao hơn hai trăm thước, do vua A-dục xây dựng. Kế đó ở phía Tây nam có ngôi lầu gác, là nơi ngài Thế Thân soạn luận Duy Thức.

Kế đến đi về hướng Đông đến rừng Am-một-la có một nền nhà cũ, là nơi ngài Vô Trước soạn luận Hiển Dương. Từ đây đi về hướng Đông hơn năm trăm dặm thì đến nước Tỳ-sách-ca, hơn hai mươi ngôi chùa, hơn ba ngàn vị tăng, tu học theo Chánh lượng Bộ của Tiểu thừa. Đi về hướng Đông nam ở bên trái con đường có một ngôi chùa. Đây là nơi La-hán Đề-bà-thiết-ma soạn Thức Thân Túc luận nói không có ngã nhân.

A-la-hán Cù-bà soạn “Thánh Giáo Yếu Thật Luận” nói có ngã, nhân. Do đó việc pháp chấp càng thêm dữ dội hơn. Lại là nơi Bồ-tát Hộ Pháp trong bảy ngày hàng phục cả trăm vị Luận sư Tiểu thừa. Bên cạnh là nơi Đức Phật nói pháp sáu năm, có một cội cây cao hơn bảy mươi thước, ngày trước Phật dùng cây này xỉa răng rồi bỏ ở đây, do đó, nên đàn-việt trồng cây tại đây đến nay vẫn còn xanh tốt. Về sau, bọn tà kiến đã mấy lần đến tàn phá nhưng cây vẫn sống và xanh tươi như cũ. Từ đây, Pháp sư lại đi về hướng Đông bắc hơn năm trăm dặm thì đến nước Thất-la-phạt-tất-để (xưa dịch Xá-vệ là sai). Chu vi hơn sáu trăm dặm, có mấy trăm ngôi chùa với mấy ngàn vị tăng, đều tu học theo Chánh lượng Bộ. Lúc Phật còn tại thế thì đây là kinh đô của vua Ba-tưnặc, trong nội thành còn nền cũ của cung điện. Cách đây không xa về hướng Đông có một nền đất cũ, trên có xây một ngôi tháp, vua Thắng Quân (Ba-tư-nặc) lập đại giảng đường để Phật nói pháp tại đây, kế bên lại có ngôi tháp, là tinh xá Tỳ-kheo ni Bát-la-xà-bạt-để (đời Đường dịch là Sanh Chủ, xưa dịch Ba-xà-ba-đề là lầm) là di mẫu của Phật. Về hướng Đông lại có ngôi thấp, là ngôi nhà xưa Tô-đạt-đa (đời Đường dịch là Lạc Thí, xưa dịch Tu-đạt là lầm), cạnh ngôi nhà này có ngôi tháp lớn, là nơi bỏ tà của Ương-lũ-lợi-ma-la (xưa dịch Ương-quật-ma-la là lầm). Cách thành về phía Nam chừng năm, sáu dặm có rừng Thệ-đa (đời Đường dịch là Thắng Lâm, xưa dịch Kỳ-đà là sai), tức là vườn cây của Truởng giả Cấp Cô Độc. Xưa là chùa, nhưng nay đã hoang phế tiêu sơ. Hai bên cửa phía Đông đều có dựng cây cột bằng đá cao hơn bảy mươi thước, do vua Vô Ưu xây dựng. Các ngôi chùa đều đã bị hủy hoại, chỉ còn một cái nhà gạch, trong nhà này có pho tượng bằng vàng, xưa Phật lên cõi trời nói pháp hóa độ mẹ. Vua Thắng Quân vì tâm luôn nhớ Phật nên sai người khắc cây làm tượng để tạo ra tượng Phật. Phía sau chùa không xa là nơi phạm chí ngoại đạo trước kia giết vợ để hủy báng Phật. Ở phía Đông chùa hơn trăm bước có một cái hố sâu, là chỗ Đề-bà-đạt-đa dùng thuốc độc dược hại Phật trước kia, nên khi còn sống đã đọa vào địa ngục. Ở phía Nam lại có một cái hố lớn, là nơi còn sống đã bị đọa vào địa ngục của Tỳ-kheo Cù-già-lê hủy báng Phật. Cách đó hơn tám trăm bước về phía Nam là nơi còn sống đã đọa vào địa ngục của Bà-la-môn Chiến-già hủy báng Phật. Ba cái hố này rất sâu không thể nhìn thấy đáy. Cách chùa hơn bảy mươi bước về phía Đông có một tinh xá cao lớn, trong có tượng Phật xây mặt về hướng Đông. Đây là chỗ trước kia Phật luận nghị với ngoại đạo. Kế đến ở hướng Đông có ngôi đền thờ trời, lớn bằng tinh xá. Mặt trời di chuyển, bóng của ngôi đền thờ trời không đến tinh xá, nhưng bóng của tinh xá thường che phủ ngôi đền thờ trời. Lại đi về hướng Đông ba, bốn dặm có một ngôi tháp, là nơi ngài Xá-lợi-phất luận nghị với ngoại đạo. Cách thành lớn về phí Tây bắc khoảng sáu trăm dặm có một ngôi thành xưa, là nơi mà trong kiếp Hiền con người thọ hai muôn tuổi, Đức Phật Ca-diếp-ba thành Chánh Giác ở phía Nam thành này. Ở phía Bắc thành có ngôi tháp, trong tháp có xá-lợi kim thân của Phật Ca-diếp-ba, đều do vua Vô Ưu xây dựng. Từ đây đi về hướng Đông nam hơn tám trăm dặm đến nước Kiếp-tì-la-phạt-tốt-đổ (xưa dịch là nước Ca-tỳ-la-vệ). Nước này chu vi hơn bốn ngàn dặm, đô thành hơn mười dặm nay đều bị đổ nát. Cung thành chu vi mười lăm dặm, đều làm bằng gạch rất vững chắc. Trong thành vẫn còn nền gạch cũ, là cung điện của vua Tịnh Phạn, trên nền này hiện nay xây dựng tinh xá, trong pho tượng vua. Ở phía Bắc cũng có nền gạch cũ, là cung nghỉ ngơi của phu nhân Ma-da. Trên nền này hiện nay xây dựng tinh xá, bên trong có pho tượng nhu nhân, bên cạnh đó còn có tinh xá là nơi Bồ-tát Tất-đạt-đa giáng thần vào thai mẹ, bên trong có pho tượng Bồ-tát giáng sinh. Thượng Tọa Bộ cho rằng: Bồ-tát ở trên cung trời Đâu-suất. Vào đêm ba mươi giáng thần vào thai mẹ, nay là ngày mười lăm tháng năm. Các bộ phái khác thì nói là ngày hai mươi ba, nay là mùng tám tháng năm. Về phía Đông bắc có ngôi tháp là chỗ tiên A-tư-đà gặp Thái tử. Hai bên thành là nơi Thái tử đấu sức với những người họ Thích. Lại có nơi Thái tử cỡi ngựa du ngoạn ngoài kinh thành và nơi mà ngày trước Thái tử cửa Tây thấy các cảnh sinh già bệnh chết và Sa-môn, nên nhàm chán cảnh sống ở thế gian, quày xe trở về cung điện.

Từ đây đi về hướng Đông khoảng năm trăm dặm thì đến khu rừng hoang và nước Lam-ma (thuộc Trung Ấn Độ) dân chúng ở đây rất thưa thớt. Ở phía Đông nam thành cũ có ngôi tháp gạch cao hơn năm mươi thước. Sau khi Như Lai Niết-bàn, vị tiên vương của nước này được chia xá-lợi nên đem về đây xây tháp. Mỗi viên đều tỏa ánh sáng rực rỡ. Bên cạnh có ao rồng, rồng thường biến thân thành người đi nhiễu quanh tháp. Các loài dã thú thường ngậm hoa đem đến cúng dường. Cách đó không xa có một ngôi chùa, do vị Sa-di coi sóc, tương truyền xưa có một vị Bí-sô ở xa cùng với bạn đồng học đến lễ bái, thấy một con voi hoang ngậm hoa đem đặt trước tháp. Rồi lại dùng răng ngậm cỏ, dùng mũi phun nước. Mọi người thấy không ai mà không cảm thán. Có một vị Bí-sô bèn xả đại giới, nguyện ở lại để cúng dường, nói với mọi người rằng: Voi là súc sinh mà còn biết kính tháp quét dọn dâng hoa, ta là con người, lại xuất gia với Phật, há thấy sự hoang phế này mà không ở lại để coi sóc sao?

Liền từ biệt đại chúng ở lại cất chòi, đào ao trồng hoa trái. Tuy khó nhọc mà vẫn không nản chí. Các nước lân cận nghe biết liền đem tài vật đến cúng dường để xây cất chùa. Từ đó, vị Sa-di này coi sóc việc tăng, bèn trở thành sự tích. Từ ngôi chùa Sa-di này đi về hướng Đông băng qua rừng hơn một trăm dặm thì có một ngôi tháp, do vua Vô Ưu xây dựng, đây là nơi mà ngày trước Thái tử du hành ra ngoài thành, đến đây liền cởi bỏ y phục châu báu giao cho Xiển-đặt-ca (xưa dịch là Xanặc là sai) đem về, Rồi cạo tóc xuất gia. Các việc đều có ghi lại trong tháp. Từ khu rừng này đến nước Câu-thi-na-yết-la đường đi rất hoang vắng. Ở góc Đông bắc của thành có một ngôi tháp, cũng do vua Vô ưu xây dựng, là nhà của Chuẩn-đà (xưa dịch Thuần-đà là sai). Trong nhà này có giếng nước ngày trước cúng dường Phật. Nước giếng nay vẫn còn trong vắt. Đi về hướng Tây bắc thành ba, bốn dặm thì qua sông Athị-đa-phạt-để (đời Đường dịch là Vô Thắng, xưa dịch A-lợi-bạt-đầ-ô là sai). Cách đó không xa là đến rừng Ta-la. Cây này giống như cây hộc nhưng da xanh lá trắng, rất tươi sáng, cây có bốn cặp đôi đều cao lớn. Chính là chỗ Như Lai Niết-bàn, có một ngôi tinh xá bằng gạch lớn, bên trong có tượng Như Lai Niết-bàn, nằm xoay đầu về hướng Bắc. Cạnh chùa có ngôi tháp cao hơn hai trăm thước, do vua Vô Ưu xây dựng. Lại dựng cột đá ghi việc Phật nhập Niết-bàn, nhưng không ghi ngày tháng.

Tương truyền rằng: Phật trụ thế tám mươi năm, nhập Niết-bàn vào ngày mười lăm, nửa sau của tháng Phệ-xá-khứ, nay chính là ngày mười lăm tháng hai.

Thuyết Nhất thiết hữu bộ thì cho rằng: Phật nhập Niết-bàn nửa sau tháng Ca-thích-để-ca, nay là mùng tám tháng chín. Từ khi Phật Niết-bàn đến nay, có chỗ nói là một ngàn hai trăm năm, hoặc một ngàn ba trăm, hoặc một ngàn năm trăm. Hoặc có chỗ nói chỉ hơn chín trăm chứ chưa đủ một ngàn năm. Lại nói Đức Như Lai lúc nằm trong kim quan nói pháp để độ mẹ, đưa tay ra để hỏi A-nan, hiện chân để khai thị cho Ca-diếp. Gỗ thơm đốt thân được tám vị vua chia ra xây tháp đều có ghi lại.

Pháp sư xuyên qua khu rừng lớn này, đi khoảng hơn năm trăm dặm nữa thì đến nước Bà-la-ni-tư. Nước này chu vi khoảng bốn ngàn dặm. Ở phía Tây đô thành là dòng sông Hằng, dài hơn mười dặm, rộng năm, sáu dặm. Có hơn ba mươi ngôi chùa, với hơn hai ngàn vị tăng, tu học theo Nhất thiết hữu bộ Tiểu thừa.

Lại vượt qua sông Bà-la-ni-tư, đi về hướng Đông bắc hơn mười dặm thì đến chùa Lộc-dã, có đài cao tới mây, lan can dài khắp bốn bên, có hơn một ngàn năm trăm vị tăng, tu học Chánh lượng Bộ của Tiểu thừa. Trong đại viện có tinh xá, cao hơn một trăm thước, thềm bằng gạch đá, có thềm thang một trăm bậc, đều ẩn hiện tượng Phật màu vàng ròng. Trong thất lại có tượng Phật bằng đá, khối lượng bằng với tượng Phật quay bánh xe pháp luân. Phía Đông tinh xá lại có ngôi tháp bằng đá, do vua Vô Ưu xây dựng, cao hơn mười thước, phía trước có trụ đá, cao hơn bảy mươi thước, là nơi Phật xoay bánh xe pháp lần đầu tiên. Bên cạnh lại là chỗ thọ ký cho Bồ-tát Mai-đát-lệ (đời Đường dịch là Từ Thị, cựu dịch Di-lặc là sai). Ở hướng Tây có ngôi tháp, là nơi Bồ-tát Hộ Minh vào thời kiếp Hiền khi con người thọ hai muôn tuổi, Phật Ca-diếp-ba đã thọ ký cho Bồ-tát ở chỗ này. Ở phía Nam có một chỗ cao bảy thước, dài năm mươi thước là nơi bốn vị Phật thời quá khứ đi kinh hành làm bằng đá xanh. Trên có tượng bốn vị Phật kinh hành. Ở phía Tây chùa có ao Đức Như Lai tắm rửa. Lại có ao rửa đồ vật và ao giặt y, tất cả đều có rồng thần giữ gìn, không cho ai đến làm nhơ uế. Bên cạnh ao cũng có ngôi tháp, khi Phật tu hạnh Bồ-đề thì đây là chỗ voi trắng sáu ngà đem ngà cho thợ săn. Lại là chỗ lúc Bồ-tát làm loài chim, Ngài cùng voi trắng và khỉ giao ước ở dưới cây ni-câu-luật, quyết định trải qua nhiều kiếp hóa độ mọi người.

Từ đây lại vượt qua sông Hằng, đi về hướng Đông hơn ba trăm

dặm thì đến nước Chiến-chủ, đi về hướng Đông bắc vượt qua sông Hằng, đi một trăm bốn mươi, một trăm năm mươi dặm thì đến nước Phệ-xá-ly (xưa dịch Tỳ-xá-ly là sai), chu vi khoảng năm ngàn dặm, đất đai ở đây rất tốt lại có nhiều trái Am-một-la, đô thành hoang phế, cho nên nền đất chu vi khoảng sáu, bảy ngàn dặm mà cư dân rất ít.

Ở cách cung thành năm, sáu dặm về hướng Tây bắc có một ngôi chùa, bên cạnh có ngôi tháp, là nơi thuở xưa Phật nói kinh Tỳ-ma-lacật. Đi về phía Đông bắc chừng ba, bốn dặm cũng có ngôi tháp, là ngôi nhà cũ của Tỳ-ma-la-cật. Ngôi nhà này vẫn còn nhiều điều kinh dị. Cách đó không xa lại có một ngôi nhà bằng đá, là nơi ngài Vô Cấu xưng thị hiện tật bệnh để nói pháp. Bên cạnh đó cũng có ngôi nhà cũ của Bảo Tích, nhà cũ của nàng Am-ma-la. Đi về hướng Bắc chừng ba, bốn dặm có ngôi tháp, là nơi khi Phật sắp đến nước Câu-thi-na để nhập Niết-bàn, các trời, người đứng sắp hàng đợi ở đây. Tiếp tục đi về hướng Tây lại có chỗ khi Phật đến đây lần cuối để xem kinh thành Phệ-xá-ly. Ở phía Nam lại có nơi nàng Am-ma-la cúng dâng khu vườn lên Đức Phật. Lại có chỗ Phật hứa với Ma Vương sẽ nhập Niết-bàn. Từ nước Phệ-xá-ly đi về hướng Nam qua sông Hằng hơn một trăm dặm đến thành Phệ-đa-bổla, nơi đây Pháp sư được Bồ-tát kinh tạng.

Lại đi về hướng Nam vượt qua sông Hằng đến nước Ma-kiệt-đà (xưa dịch Ma-già-đà là sai), nước này chu vi hơn năm ngàn dặm, dân ở đây đều tôn sùng việc học và kính trọng bậc hiền tài. Có hơn năm mươi ngôi chùa với hơn một muôn vị tăng, phần nhiều tu theo Đại thừa. Ở phía Nam sông có ngôi thành cổ, chu vi hơn bảy ngàn dặm, tuy bị hoang phế nhưng vẫn còn bức tường thấp. Thuở xưa, khi con người thọ vô lượng tuổi thì thành này tên là Câu-tô-ma-bổ-la (xưa dịch là thành Hương Hoa Cung). Vương cung này có rất nhiều hoa nên gọi là Hương Hoa Cung. Lại đến khi con người thọ mấy ngàn tuổi thì thành lại có tên là Ba-sất-lý-tử (xưa dịch ấp Hy-liên-phất là sai), đó là gọi theo tên cây.

Sau khi Phật nhập Niết-bàn một trăm năm, có vua A-du-ca (đời Đường dịch vua Vô Ưu, xưa dịch vua A-dục là sai), tức cháu nội của vua Tần-tỳ-sa-la. Từ thành Vương-xá dời đô về đây, vì đã lâu năm nên nay chỉ còn nền cũ. Có mấy trăm ngôi chùa nay chỉ còn hai, ba ngôi.

Từ cung cũ đi về phía Bắc, vượt qua sông Hằng thì có một ngôi thành nhỏ. Thành có hơn một ngàn ngôi nhà. Phía Bắc cung thành có cột trụ bằng đá, cao vài chục thước. Đây là chỗ vua Vô Ưu lập địa ngục. Pháp sư dừng lại ở thành nhỏ này bảy ngày để chiêm bái thánh tích. Ở phía Nam địa ngục có ngôi tháp, tức là một ngôi tháp trong tám muôn bốn ngàn ngôi tháp mà vua Vô Ưu đã cho xây dựng. Mỗi tháp đều có một viên xá-lợi, tất cả đều phát ra ánh sáng rực rỡ. Kế lại có tinh xá, trong tinh xá có tảng đá nơi Như Lai đi qua. Trên tảng đá có dấu hai chân Phật dài một thước tám tấc, rộng sáu tấc. Dưới hai bàn chân có hình bánh xe ngàn căm, ở đầu mười ngón chân có chữ ?? (Vạn), hoa văn và bình ngư v.v… tất cả đều sáng rõ. Là nơi Đức Thế Tôn khi sắp nhập Niết-bàn Ngài đi từ nước Phệ-xá-ly đến đây, Ngài đứng trên tẳng đá vuông lớn trên bờ phía Nam sông, rồi quay lại nói với A-nan rằng: Đây là nơi cuối cùng của ta.

Rồi Phật quay nhìn dấu tích còn lưu lại trên tòa Kim cương và thành Vương-xá. Phía Bắc tinh xá có cột đá cao hơn ba mươi thước, có ghi vua Vô Ưu ba lần cúng dường Phật, pháp, tăng ở cõi Diêm-phù-đề này, ba lần dùng châu báu để chuộc từ ở phía Đông nam ngôi thành cổ có nền của ngôi chùa Khuất-sất-a-lạm-ma, do vua Vô Ưu lập nên, là nơi mời cả ngàn vị tăng đến Sự cúng dường tứ sự. Pháp sư dừng lại nơi thánh tích này bảy ngày để chiêm bái lễ lạy rồi mới đi tiếp.

Lại đi về phía Tây nam sáu, bảy do-tuần thì đến chùa Đê-la-tráchca, trong chùa có mấy mươi vị Tam tạng, nghe có Pháp sư đến họ đều ra đón rước. Từ đây lại đi về hướng Nam hơn một trăm dặm thì đến cội Bồ-đề, cây có bờ tường bao quanh vững chắc, chiều đông tây dài, chiều nam bắc hơi hẹp. Cửa chánh ở hướng Đông, đối diện với sông Ni-liênthiền. Cửa Nam giáp với ao Đại Hoa, phía Tây là nơi hiểm trở kiên cố, phía Bắc thông với ngôi chùa lớn. Bên trong có nhiều thánh tìch liên tiếp, hoặc tinh xá, hoặc tháp… đều do các vị vua, quan, trưởng giả giàu có vì mộ Thánh hiền nên xây dựng lên để ghi nhớ cho dòng họ. Ở trong chánh điện có tòa Kim cương, từ khi kiếp Hiền bắt đầu mới thành thì tòa Kim cương này có mặt đồng thời với mặt đất. Căn cứ vào cõi tam thiên đại thiên thì dưới tận đến mé kim luân, trên ngang đến mé đất, đều do Kim cương tạo thành. Chu vi hơn một trăm bộ, nói Kim cương đây là chỉ cho sự vững chắc khó hoại diệt, có công năng ngăn trở cả muôn vật, nếu không nương vào bản tế thì đất không thể đứng vững, nếu không nương vào tòa Kim cương thì không thể phát sanh định Kim cang. Nay muốn hàng phục ma vương thành đạo Chánh giác thì phải ở tại đây.

Cho nên ngàn vị Phật trong kiếp Hiền thành tựu đạo nghiệp chính ở tại đây. Vì vậy chỗ này cũng gọi là Đạo tràng. Thế giới dù có nghiêng động thì riêng ở đây vẫn được bình an. Vài trăm năm trở lại đây chúng sanh vì phước mỏng, có đến cây Bồ-đề cũng không thấy tòa Kim cương.

Sau khi Phật Niết-bàn, vua các nước đem hai tượng Bồ-tát Quán Tự Tại làm tiên giới cho nam bắc, ngồi theo hướng Đông, tương tryuền rằng thân Bồ-tát này ẩn mất thì Phật pháp sẽ bị tiêu diệt. Nay ở phía Nam tượng Bồ-tát đã chìm tới lưng, còn cây Bồ-đề tức là cây Tất-bát-la. Khi Phật tại thế thì cây cao hơn một trăm thước, vì thường bị các vua ác tàn phá nay chỉ còn hơn năm trượng. Ngày trước Phật ngồi dưới gốc cây thành Vô thượng Chánh giác, cho nên gọi cây này là Bồ-đề. Thân cây màu vàng nhạt, lá màu xanh thắm, thu đông đều không xơ xác. Nhưng đến ngày Như Lai nhập Niết-bàn thì lá rụng hết, qua một đêm lại mọc như cũ. Mỗi năm đến ngày này vua các nước và các quan cùng đi đến dưới gốc cây này, quét dọn sạch sẽ và rải hoa cúng dường, rồi hái lá đem về. Pháp sư đến lễ bái cây Bồ-đề và tượng Bồ-tát Di-lặc thành đạo rất chí thành cung kính, lòng Ngài bi thương sầu não gieo năm vóc sát đất rồi tự than rằng: Phật khi thành đạo thì không biết con còn đắm chìm trong đường nào, nay cuối thời chánh pháp con mới đến được nơi đây, bởi do nghiệp chướng quá sâu nặng.

Bây giờ, gặp ngày chúng tăng giải hạ, xa gần đều trở về có mấy ngàn vị. Người thấy không ai mà không thương cảm. Người đến chiêm bái thánh tích này càng đông, Pháp sư dừng lại đây tám chín ngày lễ bái rồi mới đi. Đến ngày thứ mười, chùa Na-lan-đà sai bốn vị Đại đức đến đón rước, Pháp sư liền đi theo. Đến một ngôi làng vốn là nơi Tôn giả Mục-kiền-liên sanh ra. Pháp sư thọ thực trong giây lát lại có khoảng hơn hai trăm vị tăng và một ngàn cư sĩ đem cờ lọng hoa hương lại đến đón rước, khen ngợi vây quanh đưa Pháp sư vào chùa Ma-lan-đà. Đại chúng đến lễ lạy Pháp sư xong thì mời Ngài lên tháp tòa ngồi, đồ chúng cũng ngồi xuống, sau đó sai Duy-na lấy kiền chùy xưng tụng. Pháp sư ở tại chùa, Những các pháp vật, đạo cụ mà tất cả chư tăng trong chùa chứa dùng đều giống nhau, rồi sai hai mươi vị còn khỏe mạnh uy nghi tề chỉnh lại thông hiểu kinh luật, đưa Pháp sư đến ra mắt ngài Chánh Pháp Tạng, tức là Pháp sư Giới Hiền. Vì đại chúng rất tôn kính cho nên gọi Ngài là Chánh Pháp Tạng. Pháp sư theo chúng vào ra mắt Ngài. Khi gặp mặt thì Pháp sư vô cùng cung kính, Pháp sư thưa hỏi khen ngợi xong rồi, ngài Pháp Tạng bảo trải tòa rộng để Pháp sư và đại chúng ngồi, xong rồi liền hỏi Pháp sư rằng:

Ngài từ đâu đến đậy?

Đáp: Đệ tử từ Trung Quốc đến, muốn học luận Du-già với thầy.

Ngài Chánh Pháp Tạng nghe xong thì rơi lệ. Mới gọi người đệ tử là Phật-đà-bạt-đà-la (đời Đường dịch là Giác Hiền) tức cháu ngài Pháp Tạng. Năm nay đã hơn bảy mươi tuổi và thông hiểu kinh luận, khéo bàn luận đàm yếu nghĩa.

Ngài Pháp Tạng bảo: Ông vì đại chúng mà nói các nhân duyên bệnh não của ta ba năm trước cho Pháp sư nghe.

Ngài Giác Hiền nghe xong thì rơi lệ rồi mới trình bày lại về nhân duyên ngày trước: Hòa thượng bị chứng bệnh phong, mỗi khi phát bệnh thì tay chân co quắp như lửa thiên, đao chém rất đau đớn. Chợt phát bệnh ra rồi lại chợt dứt, suốt hơn hai mươi năm như vậy. Cách đây ba năm, bệnh càng dữ dội, Ngài chán ghét thân này muốn nhịn ăn để chết. Trong đêm đó lại nằm mộng thấy ba vị trời, một vị màu vàng ròng, vị thứ hai màu lưu ly xanh, vị thứ ba màu bạc trắng. Ba vị hình dáng đều xinh đẹp, nghi phục sáng rực nhẹ nhàng. Bước đến chỗ Hòa thượng nói: Ngài muốn dứt bỏ thân này phải không? Trong kinh chỉ nói thân là khổ, chứ không nói phải xa lìa, chán ghét thân này. Vào thời quá khứ Ngài từng làm vị quốc vương, vì giết hại chúng sanh nên giờ đây phải chịu khổ báo này. Nay nên quán sát tội lỗi đời trước mà chí thành sám hối, ở trong sự khổ mà an nhẫn siêng năng giảng nói kinh luận, thì tội sẽ tự tiêu diệt, nếu ông chán thân mà hủy diệt đi, thì khổ báo không dứt được

Hòa thượng nghe xong thì chí thành lễ bái, vị có màu vàng bèn chỉ vào vị có màu lưu ly xanh nói với Hòa thượng rằng: Ngài biết không?

Đây chính là Bồ-tát Quán Tự Tại.

Lại chỉ vị có màu bạc trắng nói: Đây là Bồ-tát Từ Thị.

Hòa Thượng liền lễ lạy ngài Từ Thị và thưa: Giới Hiền thường nguyện sinh về chỗ Tôn giả, chẳng biết có được không?

Đáp: Ông rộng truyền bá chánh pháp, sau sẽ được sinh về.

Vị màu vàng lại nói: Ta là Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Chúng ta vì thấy ông muốn xả bỏ thân này mà không được lợi ích gì, cho nên mới đến khuyên ông nên theo lời ta dạy mà truyền bá chánh pháp, luận Du-già, v.v…. Đến khắp những người chưa nghe, được như vậy thì thân ông sẽ dần dần được an ổn, chớ lo không hết bệnh. Rồi sẽ có vị tăng ở nước Trung Quốc đến, vì cầu đại pháp nên sẽ học với ông, ông nên đợi vị ấy để truyền dạy. Ngài Pháp Tạng nghe xong thì lễ bái rằng: “Xin kính vâng theo lời Ngài chỉ dạy”.

Nói xong ba vị liền biến mất. Từ đó đến nay bệnh Hòa thượng dần bớt hẳn, tăng chúng nghe qua không ai không khen ngợi cho là việc ít có.

Pháp sư nghe được lời này thì lòng vừa vừa vui buồn không thể

kiềm chế được, lại càng cung kính lễ lại và nói: Nếu như lơì thầy nói, thì Huyền Trang này xin dốc hết sức mình học pháp nghe kinh, xin Tôn giả từ bi nhiếp thọ dạy bảo. Ngài Pháp Tạng lại hỏi Pháp sư: “Ông đi đường đã bao lâu?”

Đáp: Đã ba năm.

Khi biết thời gian rất phù hợp với giấc mộng thì Pháp sư càng vui mừng lấy tình thầy trò mà đối xử, xong rồi từ biệt lui ra. Pháp sư được sắp đặt ở viện Ấu Nhật Vương, ở trên tầng lầu thứ tư nơi cửa phòng ngài Giác Hiền để thọ sự cúng dường trong bảy ngày, sau đó lại được sắp đặt ở trên thượng phòng. Ở tại phía Bắc phòng Bồ-tát Hộ Pháp và được cung cấp một trăm hai mươi quả đam-bộ, hai mươi quả tân-lang, hai mươi quả đậu-khấu, một lượng long não hương, một thăng gạo Cung đại nhân, khi nấu lên mùi hương bay ra khắp cùng, chỉ có nước Ma-kiệt-đà là có loại gạo thơm này, các xứ khác không có. Chỉ để dành cung cấp cho đại vương và hàng Đại đức học rộng, cho nên đặt tên là gạo Cung đại nhân.

Mỗi tháng lại cung cấp cho Pháp sư ba thăng dầu, và các thứ sữa lạc tô v.v… mỗi ngày đều đầy đủ như thế. Lại cho một tịnh nhân Bàla-môn, được miễn hết các việc tăng chỉ lo việc xe ngựa cho Pháp sư. Hằng ngày ở chùa Na-lang-đà này chủ khách cả muôn vị tăng đều được cung cấp cúng dường.

Trong vườn Am-một-la ở phía Nam chùa này có ao, trong ao có con rồng tên là Na-lan-đà, vì nằm cạnh chùa cho nên đặt tên là chùa Na-lan-đà.

Lại nói: Khi Như Lai còn thực hành đạo Bồ-tát, vì vua nước này kiến lập đô thành ở đây, vì thương xót người nghèo khổ nên thường thực hành bố thí tài vật. Vì dân chúng nghĩ nhớ ân đó cho còn gọi là Thí-vô-yếm. Khu vườn này vốn là của Trưởng giả Am-một-la, có năm trăm người đi buôn cùng bỏ ra mười ức đồng tiền vàng để mua khu vườn cúng dường Đức Phật. Đức Như lai đã ở lại đây ba tháng để nói pháp, có nhiều người thương buôn được chứng quả. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, vị vua ở nước này là Thược-già-la-a-dật-da (đời Đường dịch là Đế Nhật) vì kính nhớ Phật cho nên xây dựng ngôi chùa này. Sau khi vua băng hà thì con là vua Phật-đà-cúc-đa cũng nối nghiệp cha xây dựng thêm ngôi chùa ở phía Nam. Kế tiếp vua con là Đát-tha-yết-đa cũng xây dựng ngôi chùa ở hướng Đông, rồi đến đời con Bà-la-a-dật-đa (đời Đường dịch là Ấu Nhật) lại xây ngôi chùa ở hướng Đông bắc. Sau thấy Thánh tăng từ nước Trung Quốc đến thì tâm vua rất vui mừng, bèn bỏ ngôi vị đi xuất gia, con là Phạt-xà-la lên nối ngôi, lại xây dựng ngôi chùa ở hướng Bắc. Về sau vua xứ Trung Ấn lại lập thêm ngôi chùa ở một bên, như thế sáu vị vua kế tiếp nhau lập chùa, lại lập ở kinh đô một ngôi chùa bằng gạch, lại lập đình tự riêng, ở trong chia thành tám viện. Lại xây riêng bảo đài nguy nga riêng biệt, khói mây bao bọc quanh năm, gió mây vờn ngoài song cửa, vầng nhật nguyệt soi ngoài mái hiên. Lại có dòng nước uốn quanh trong suốt, mọc đầy hoa sen xanh. Lại có cây hoa Yết-ni diệu kỳ trong sáng. Rừng Am-một-la rậm rạp ở bên ngoài. Chư tăng trong các chùa viện đều có bốn lớp, lầu gác xây cất bằng các loại cây tốt quý, có chạm khắc đủ kiểu, và trang sức bằng các loại châu báo quý giá vô cùng. Các ngôi chùa ở xứ Ấn Độ này có đến ngàn muôn, đều rất nguy nga tráng lệ, tăng chúng chủ khách thường có cả muôn người, đều học Đại thừa kiêm Thập bát bộ, cho đến các loại sách thế tục như Phệ-đà v.v… ngũ minh cũng đều nghiên cứu học tập. Còn người thông hiểu hai mươi bộ kinh luận thì có hơn một ngàn vị, ba mươi bộ kinh luận thì có năm ngàn vị, năm mươi bộ kinh luận thì có mười vị Pháp sư, chỉ có Pháp sư Giới Hiền thì tất cả đều thông suốt. Ngài là bậc đức độ cao sâu, làm bậc Tôn tượng cho đại chúng. Ngài thường giảng kinh trong chùa viện, học chúng tu tập không bỏ phí thời gian, do đó mà đức chúng thường trú tự nhiên trang nghiêm, ngôi chùa này được xây dựng đến nay đã hơn bảy trăm năm, chưa hề có một người phạm lỗi, quốc vương rất tôn kính, đem hơn trăm ấp để sung vào việc cúng dường, hơn hai trăm hộ trong ấp đều dâng cúng gạo thóc, bơ sữa mỗi ngày. Do đó mà người học dù không có mong cầu, mà tứ sự vẫn thường đầy đủ. Sự nghiệp thành tựu đều do sự gắng sức của mỗi vị, Pháp sư được sắp đặt ở chùa Na-lan-đà này, Ngài liền đến thành Vương-xá để lễ bái thánh tích. Thành cũ Vương-xá này còn có tên là thành Cừ-xà-yết-la-bổ-la (đời Đường dịch là thành Thượng Mao Cung). Thành này nằm trong nước Ma-kiệt-đà. Ngày trước các vua thường ở trong thành, lại vì thành này có loài cỏ tranh (mao) rất thơm nên gọi là thành Mao Cung. Bốn mặt đều có núi bao bọc cao chót vót, hướng Tây thông với con đường nhỏ, phía Bắc có Đại Môn, chiều đông tây dài, nam bắc hẹp. Chu vi hơn một ngàn năm trăm dặm, bên trong có một nền cũ của tòa thành nhỏ, chu vi hơn ba mươi dặm. Các nơi đều mọc cây Yết-ni-ca thành rừng, bốn mùa hoa nở không ngớt, màu lá như vàng. Ở cửa phía Bắc cung thành có ngôi tháp, đây là chỗ Đề-bà-đạt-đa cùng VUA Vị Sinh oán thả voi say để hại Phật. Ở phía Đông bắc lại có ngôi tháp, đây là chỗ ngài Xá-lợi-tử nghe ở nước A-thấp-bà có vị Bí-sô nghe nói pháp mà chứng quả. Cách đó không xa về hướng Bắc có một cái hố rất sâu là nơi Thất-lợi-cúc-đa, vâng lời tà đạo của ngoại đạo, làm hố lửa và cơm độc để hại Phật.

Ở phía bắc thành này lại có ngôi tháp, đây là nơi Phược-ca-đại-y (xưa dịch là Giả-bà là sai) xây dựng giảng đường cho Phật nói pháp. Bên cạnh hiện vẫn còn ngôi nhà cũ của Phược-ca. Cách cung thành mười bốn, mười lăm dặm về hướng Đông bắc thì đến núi Cật-lật-đà-lacũ-tra-sất (đời Đường dịch là Thứu Phong, cũng gọi là Thứu Đài, xưa dịch là núi Kỳ-xà-quật là sai).

Núi này hình như chim Thứu, lại cao lớn, cho nên gọi là Thứu Phong. Ở đây có suối đá trong vắt, rừng cây xanh tốt. Khi Phật còn tại thế Ngài ở núi này nói vô lượng các kinh như Pháp Hoa, Đại Bát-nhã, v.v…. Ở phía bắc núi đi hơn một dặm thì đến vườn trúc Ca-lan-đà, hiện nay vẫn còn ngôi nhà gạch, khi còn tại thế Phật vẫn thường ở nơi này đặt ra các giới luật. Chủ vườn tên là Ca-lan-đà. Trước vườn này được cúng cho ngoại đạo, sau gặp Phật lại nghe pháp sâu, hận vì không có vườn cúng cho Như Lai, bấy giờ, thiên thần biết được ý này, hiện các điều tai quái để làm cho ngoại đạo sợ hãi và nói rằng: Trưởng giả muốn đem vườn này cúng dường lên Phật, các ông nên đi đi.

Ngoại đạo đều giận và bỏ đi, Trưởng giả rất mừng bèn xây dựng tinh xá rồi đích thân đến thỉnh Phật, Phật thọ nhận. Ở phía Đông vườn trúc có một ngôi tháp, vua A-xà-đa-thiết-đốt-lộ (đời Đường dich là Vị Sanh Oán, xưa dịch là A-xà-thế) xây dựng nên. Sau khi Như Lai Niếtbàn, các vua cùng chia xá-lợi, vua này được một phần liền xây tháp cúng dường, vua Vô Ưu phát tâm muốn xây dựng các tháp, mới mở lấy xá-lợi ở đây, chỉ lưu lại một ít, nay đều phát ra ánh sáng rực rỡ. Ở phía Tây nam vườn trúc cách hơn năm, sáu dặm bên cạnh núi có một rừng trúc khác. Bên trong có ngôi thất lớn bằng đá. Đây là nơi Tôn giả Maha Ca-diếp-ba, ở cùng với chín trăm chín mươi chín vị đại A-la-hán, sau khi Như Lai Niết-bàn đến đây kiết tập kinh điển. Khi kiết tập, có vô lượng thánh chúng nhóm họp, ngài Ca-diếp-bảo: Trong chúng, vị nào tự biết mình có đầy đủ ba minh sáu thông, tổng trì tất cả pháp tạng của Như Lai không có sai lầm thì nên đến đây.

Bấy giờ, có được chín trăm chín mươi chín vị, khi đó ngài A-nan cũng đến. Ngài Ca-diếp liền nói: Ông chưa dứt hết các lậu, chớ làm nhiễm ô đại chúng thanh tịnh.

A-nan xấu hổ đi ra, chỉ qua một đêm chuyên tu dứt hết ba hoặc, chứng quả A-la-hán, bèn đi đến gõ cửa. Ca-diếp hỏi: Ông đã dứt hết kiết lậu rồi sao?

Đáp: Vâng, đã hết.

Lại hỏi: Nếu hoặc lậu đã dứt, thì cần gì phải gõ cửa, có thể tùy ý mà vào.

A-nan liền dùng thần lực bay qua cửa để vào lễ bái dưới chân chúng tăng. Ngài Ca-diếp nắm tay A-nan nói: “Ta vì muốn ông chứng quả cho nên mới đuổi ông ra, ông nên hiểu mà chớ giận”.

A-nan nói: Nếu có tâm hờn giận thì đâu dứt hết lậu hoặc.

Rồi ngoài lễ tạ ngồi xuống. Sau đó ở lại an cư mười lăm ngày .

Ca-diếp nói: Như Lai thường ở trước đại chúng nói ông là người học rộng, tổng trì hết pháp tạng của Như Lai, nay ông nên vì chúng tăng mà lên pháp tòa, tụng lại hết các kinh đã nghe, tức Nhất Thiết Kinh. A-nan vâng lệnh, đứng lên hướng về núi Phật nhập Niết-bàn đảnh lễ rồi lên tòa ngồi tụng kinh, đại chúng tùy theo miệng A-nan tụng mà ghi nhớ. Ngài Ca-diếp lại nhờ Ưu-ba-ly tụng Tỳ-nại-da, tức là tất cả giới luật, ngài Ưu-ba-ly tụng xong, ngài Ca-diếp tự mình tụng tạng A-tỳ-đạtma, tức là Luận Tạng, trải qua ba tháng an cư thì tụng xong cả ba tạng, chép vào lá cây rồi đem ra truyền bá. Các thánh nói với nhau:

Chúng ta kiết tập kinh điển để báo ân Phật, ngày nay được nghe là nhờ năng lực của Ca-diếp.

Ngài Ca-diếp được tôn làm bậc Thượng tọa trong chúng tăng, nhân đó gọi là Thượng tọa bộ.

Từ đây đi về hướng Tây hai mươi dặm thì có một ngôi tháp, do vua Vô Ưu xây dựng, tức là nơi Đại chúng bộ nhóm họp. Các vị học, vô học số đến mấy ngàn vị, lúc ngài Ca-diếp kiết tập không đến dự thì nhóm họp ở đây. Các vị nói với nhau: Đức Như Lai còn tại thế thì cùng học một thầy, Thế Tôn nhập diệt lại xua đuổi chúngta, lẽ nào chúng ta lại không thể kết tập kinh điển để báo ân Phật được sao?

Thế là các vị nhóm họp lại cùng kết tập tạng Tố-đát-lãm, tạng Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma, tạng Tạp tập, tạng Cấm chú, chia ra làm năm tạng riêng biệt, nơi đây phàm Thánh cùng hội họp, nhân đó mà gọi là Đại chúng bộ.

Kế đến, đi về hướng Đông bắc khoảng ba, bốn dặm thì đến thành Vương-xá. Bên ngoài thành đã đổ nát nhưng bên trong thành vẫn còn nguy nga, chu vi hơn hai mươi dặm, trước mặt có một cửa, lúc đầu vua Tần-bà-ta-la ở nơi Cung Mao, trăm họ no ấm, nhà cửa đông đúc. Sau vì xảy ra hỏa hoạn mới lập ra nghiêm chế, nếu người nào không cẩn thận gây cháy sẽ bị đem bỏ vào rừng lạnh, rừng này là nơi bỏ thây chết, không bao lâu chính nơi cung vua xảy ra hỏa hoạn. Vua nói:

Ta là bậc nhân chủ mà phạm pháp, nếu không thi hành thì còn trị ai, bèn sai Thái tử ở lại cai trị dân chúng, còn vua thì đi vào rừng lạnh. Bấy giờ, vua Phệ-xá-ly nghe vua Tần-bà-ta-la ở nơi hoang vắng thì muốn đem binh đánh úp nước này. Quan hầu cận biết bèn tâu với vua nên xây thành ấp ở đây, vì vua lập thành xá ở đây cho nên gọi là thành Vương-xá, đây chính là ngôi thành mới. Các vua sau nhân đó mà lập kinh đô tại đây.

Đến đời vua Vô Ưu mới dời đô về Ba-tra-lý, giao thành cho Bàla-môn, hiện nay trong thành này không có giai cấp khác ở, duy chỉ hơn một ngàn ngôi nhà của Bà-la-môn.

Ở phía Tây nam trong cung thành có ngôi tháp, là ngôi nhà cổ của Trưởng giả Thù-để-sắc-ca (đời Đường dịch là Tịnh Lịch, xưa dịch Thọđề-già là sai), bên cạnh lại có chỗ hóa độ La-hổ-la (tức con của Thái tử Sĩ-đạt-ta), phía Tây bắc chùa Na-lan-đà có ngôi tinh xã lớn cao hơn ba trăm thước, do vua Bà-la-a-thất-la xây dựng, rất trang nghiêm rực rỡ, bên trong có tượng Phật và tượng cây Bồ-đề. Phía Đông bắc của tinh xá lại có ngôi tháp, đây là chỗ Như Lai ở lại bảy ngày để nói pháp.

Ở hướng Tây bắc lại có chỗ ngồi của bốn vị Phật thời quá khứ.

Lúc này, Pháp sư đi đến ngôi tinh xá xây dựng bằng đá ở hướng Nam, do vua Giới Nhật xây dựng. Tuy là chưa xong, nhưng công trình ước lượng đã rõ ràng, dự tính cao hơn mười trượng. Ở phía Đông thành cách chừng vài trăm bộ có tượng Phật đứng bằng đồng, cao hơn tám mươi thước. Lầu gác có sáu tầng, do vua Mãn-trụ ngày trước lập nên. Đi về hướng Đông vài dặm lại có ngôi tháp. Khi Phật mới thành đạo, Ngài đi đến thành Vương-xá, khi đến đây thì vua Tần-bà-ta-la cùng nhân dân ra đón rước.

Lại đi về hướng Đông hơn ba mươi dặm thì đến núi Nhân-đà-lathế-la-lũ-ha, ở trước ngôi chùa ở phía đông núi này có một ngôi tháp tên là Tăng-sa.

Ngày trước ở chùa này tu theo Tiệm giáo của Tiểu thừa, ăn tam tịnh nhục, nhưng trong một thời gian mua bán được, người xem xét bàng hoàng, không biết làm sao.

Khi đó bất chợt có vị tăng nhìn thấy có bầy nhạn bay qua liền ngước lên nhìn vui vẻ nói rằng: Ngày hôm nay tăng có thiếu sót gì xin Ma-ha-tát-đỏa liễu tri cho.

Nói rôì thì dẫn đến trước vị ấy, nói sẽ giết bầy nhạn để có thịt ăn. Bầy nhạn tự nhiên đâm đầu xuống chết cả. Vị Bí-sô thấy vậy thì vừa lo sợ vừa xấu hổ, bèn nói với chúng tăng biết. Mọi người nghe qua đều kinh sợ, ai cũng than thở rơi lệ, rồi nói với nhau:

Đây là Bồ-tát, ta gặp người này thì đâu còn dám ăn thịt. Lại, Đức Như Lai lập ra giáo pháp thứ lớp mà ngăn ngừa. Chúng ta chấp vào lời nói khuyến dụ ban đầu ấy bèn cho là lời rốt ráo, cố chấp không sửa đổi gây ra sự thương tổn này. Từ nay về sau nên tu theo Đại thừa, không ăn tam tịnh nhục.

Sau đó, các vị Bí-sô bèn xây linh tháp, để chôn bầy nhạn chết trong đó. Có ghi lại những điều tâm nguyện để lưu truyền cho đời, vì thế mà có ngôi tháp này. Như thế trải qua các thánh tích, Pháp sư đều lần lượt đi tham kiến lễ bái, xong rồi thì trở về chùa Na-lan-đà. Ngài liền thỉnh Pháp sư Giới Hiền giảng luận Du-già. Người đến nghe có mấy ngàn vị. Khi ngài Giới Hiền vừa khai đề xong, thì có một vị Bà-la-môn, ở bên ngoài chúng vừa kêu gào khóc lóc rồi lại cười nói, Ngài sai người ra hỏi thì vị ấy đáp: Tôi là người ở Đông Ấn, ở trên núi Bố-trách-ca, đối trước tượng Bồ-tát Quán Tự Tại phát nguyện làm vua. Bồ-tát liền hiện thân ra quở trách tôi rằng: Ngươi chớ phát lời nguyện này, vào ngày tháng đó nên đi đến chùa Na-lan-đà có Pháp sư Giới Hiền giảng luận Du-già cho vị tăng ở Trung Quốc đến, ngươi nên đến nghe, nhờ nghe pháp này mà về sau được thấy Phật, cần gì được làm vua. Nay tôi đến đây thấy vị tăng Trung Quốc và Pháp sư giảng kinh như Bồ-tát đã dạy, cho nên lòng vui mừng mà rơi lệ.

Pháp sư giới Hiền liền cho vị này vào nghe, qua mười lăm ngày thì giảng xong. Pháp sư sai người đưa vị Bà-la-môn cùng vua Giới Nhật ra về, vua phong cho vị này ba ấp.

Pháp sư Huyền Trang ở lại chùa nghe luận Du-già ba lần, Thuận Chánh Lý một lần, Hiển Dương, Đối Pháp mỗi bộ một lần, các luận Nhân Minh, Thanh Minh, Tập Lượng, v.v… mỗi bộ hai lần. Trung luận, Bách luận mỗi luận ba lần và các bộ Câu-xá, Tỳ-bà-sa, Lục Túc, A-tỳđàm v.v… đã nghe ở các nước Ca-thấp-di-la, v.v…. Đến đây chỉ để tìm đọc giải quyết những điều còn nghi ngờ mà thôi, kiêm học các điển thư của Bà-la-môn và phạm thư của Ấn Độ, gọi là Ký luận, có nguồn gốc từ vô thỉ nên không biết tác giả thường cho rằng từ lúc kiếp Sơ Phạm vương đã nói rồi truyền trao cho trời, người. Vì do Phạm vương nói ra cho nên gọi là Phạm thư, lời lẽ rất rộng, có đến trăm muôn bài tụng, xưa dịch gọi là Tỳ-già-la luận, chính là Phạm thư ở đây nói. Nhưng cách phiên âm này chưa đúng, Nếu đúng thì nên gọi là Tỳ-da-yết-thích-nam, Hán dịch là “Thanh Minh Ký Luận”.

Vì sách này ghi chép rộng các pháp cho nên gọi là Thanh Minh

Ký Luận. Ngày trước khi mới thành lập kiếp thì Phạm thiên đã nói ra trước tiên, có đến trăm muôn bài tụng. đến đầu kiếp Trụ, thì Đế Thích lược lại chỉ còn lại mười muôn bài. Về sau, Bà-la-môn nước Kiền-đà-la ở Bắc Ấn Độ là Đổ-la-ấp-ba-nị-ni-tiên lại lược còn tám ngàn bài, đến nay vẫn còn hiện hành. Trở lại xứ Nam Ấn Độ khi các vị Bà-la-môn vì quốc vương ở đây lại lược còn hai ngàn năm trăm bài, lưu truyền rộng rãi khắp các nước. Các vị học rộng ở Ấn Độ, đếu không thích học tập theo đây. Đây chính là gốc tiếng Tây Vực. Từ đó chia ra nhiều âm tự khác. Lại có bài ký luận, lược có một ngàn bài, lại có tự thể khác có ba ngàn bài tụng. Lại có hai loại tự duyên: Một gọi là Gian-trạch-ca có ba ngàn bài. Hai là Ôn-na-địa có hai ngàn năm trăm bài, đây chỉ phân biệt về tự duyên tự thể. Lại có Bát giới luận có tám trăm bài, trong đây lược hợp các duyên thể của chữ. Các ký luận này phân biệt năng thuyên sở thuyên có hai trường hợp: Một là Để-sản-đa-thinh có mười tám bài, hai là Tô-mạn-đa-Thinh có hai mươi bốn bài. Để-sản-đa-thinh văn chương bóng bẩy, các loại phiếm văn cũng ít dùng, hai mươi bốn bài này tất cả các văn tự đều dùng. Mười tám bài Để-sản-đa-thinh thì có hai loại: Một là Bàn-la-táp-mê, hai là A-đáp-mạt-nê. Mỗi loại có chín điều, tổng cộng có mười tám điều, chín điều trước, cũng như phiếm luận nhất sự, tức nhất sự thì có ba, tha thuyết có ba, tự thuyết có ba, mỗi mỗi trong ba là nói một, nói hai, nói nhiều, cho nên có ba. Cả hai câu đều như thế, vì có thinh khác nhau nên có mười tám điều, nếu y theo Bàn-la-táp-mê thì nói có vô lượng các pháp.

Vả lại, như Thuyết hữu bộ thì có ba tên: Một tên là Bà-bì-để, hai tên là Bà-bì-sất, ba tên là Bà-phạn-để.

Thuyết tha cũng có ba: Một là Bà-bì-tủ, hai tên là Bà-bì-chách, ba tên là Bà-bì-tha.

Tự thuyết có ba: Một là Bà-bì-di, hai tên là Bà-bì-ngoa, ba là Bà-bì-ma. Y theo A-đáp-mạt-nê thì có chín điều, từ chín điều trước trở xuống, mỗi điều đều đem Tỳ-da-để mà nói. Các điều khác cũng đồng như trên. Đem đặt ở đây là khiến cho văn trở nên hay ho mà nghĩa vẫn không khác, cũng nói lên nghĩa rất hay.

Tô-mạn-đa-thanh có hai mươi bốn điều, nghĩa là gồm có tám điều, trong mỗi điều này đều có ba điều nhỏ, gọi là thuyết nhất, thuyết nhị, thuyết đa, khai ra thì có hai mươi bốn điều, trong hai mươi bốn điều này, mỗi điều đều có ba, gọi là “Nam thanh, nữ thanh, phi nam phi nữ thanh”.

Tám điều đó: Một là giải thích thể các pháp, hai là sở tác nghiệp,

ba là nói rõ về tác cụ và năng tác, bốn là giải thích việc phải làm, năm là việc sở nhân, sáu là giải thích việc sở thuộc, bảy là việc sở y, tám là việc kêu gọi.

Văn cú của pháp đều đạt đến chỗ thông đạt sâu sắc, cùng với người luận bàn những điều vi diệu, và học sách Phạm, phàm kinh trong năm năm.

Sau đó, Ngài lại đi qua nước Y-lan-noa-bát-phạt-đá, ở đây Ngài ghé lại chùa Ca-bố-đức-già. Cách chùa hai, ba dặm về phía Nam có ngọn Cô Sơn, núi này cao lớn vòi vọi, rừng cây rậm rạp, có dòng suối trong vắt thấy cả cá lội, hoa cỏ thơm lừng, đây là đất Thánh nên linh miếu thật nhiều, sự cảm ứng của thần linh cũng thật nhiều. Trong một tinh xá có tượng Bồ-tát Quán Tự Tại bằng cây tử đàn, oai thần đặc biệt tôn nghiêm. Tường có vài mươi người từ bảy ngày đến mười bốn ngày nhịn đói để cầu xin các điều nguyện. Tâm hết lòng cầu khẩn tha thiết liền thấy thân tướng Bồ-tát đầy đủ đức tướng trang nghiêm chiếu diệu từ bên trong tượng cây bước ra, an ủi khuyến hóa người đó và giúp cho như sở nguyện. Rất nhiều người được cảm ứng như thế, cho nên thường lui tới đây đông đảo để làm lễ cúng dường Bồ-tát. Người giữ tháp vì sợ mọi người làm nhơ uế tôn nghi, cho nên xây hàng rào bốn bên che kín bên ngoài, mỗi bên cách tượng khoảng bảy bộ. Người muốn đến lễ bái đều đứng từ xa mà không đến gần tượng được. Muốn dâng hương cũng rải tán từ xa, nếu hoa mà đến được tay hay đeo vào cánh tay Bồ-tát thì người đó sẽ được tốt lành và được như sở nguyện.

Pháp sư nghe nói cũng muốn đến cầu thỉnh, Ngài mua đủ các loại hoa xâu lại thành tràng, đem đến tượng Phật để cúng dường. Đến nơi, Ngài thành kính lễ tán Bồ-tát xong, rồi quỳ xuống phát ba lời nguyện lớn:

Một là khi ở đây học xong, trở về nước được an lành không gặp trở ngại gì, nguyện cho hoa này đến được tay Bồ-tát.

Hai là nhờ nguyện lực tu phước tuệ, nguyện sanh về cõi trời Đâusuất, thờ phượng Phật Di-lặc. Nếu được như ý xin nguyện hoa này đến hai cánh tay Bồ-tát.

Ba là trong kinh sách Thánh giáo nói chúng sanh trong pháp giới có một số người không có Phật tánh, nay Huyền Trang này vẫn còn nghi ngờ không biết có đúng không? Nếu người tu hành có Phật tánh sẽ được thành Phật, nguyện cho hoa nay treo vào cổ Bồ-tát.

Nói xong, Pháp sư cầm những tràng hoa từ ngoài xa tung lên, tất cả đều được như lời nói, sở cầu được viên mãn, Pháp sư thật vui mừng vô lượng. Người giữ tinh xá và dân chúng đến lễ bái thấy vậy, ai cũng khen ngợi cho là việc chưa từng có. Tương lai nếu Ngài thành đạo, xin nhớ đến nhân duyên ngày nay mà hóa độ chúng tôi trước.

Ngài từ giã nơi đây rồi dần đi đến nước Y-lan-noa. Ở đây có mười ngôi chùa, với hơn bốn ngàn vị tăng, phần nhiều tu học theo thuyết Nhất thiết hữu bộ của Tiểu thừa. Gần đó có vị quốc vương, phế bỏ vua nước này, cúng dường kinh thành cho tăng, trong đó có xây dựng hai ngôi chùa, mỗi ngôi có tới ngàn vị tăng.

Có hai vị Đại đức: Một vị tên là Đát-tha-yết-đa-cúc-đa (đời Đường dịch là Như Lai Mật), vị kia tên Lý-để-tăng-ha (đời Đường dịch là Sư Tử Nhẫn) đều giỏi về Tát-bà-đa Bộ. Ngài dừng lại nơi đây một năm để học luận Tỳ-bà-sa, luận Thuận chánh lý, v.v…

Ở phía Nam thành lớn có một ngôi tháp, ngày trước Đức Thế Tôn dừng lại đây ba tháng để nói pháp cho trời, người nghe, bên cạnh còn có dấu tích của bốn vị Phật thời quá khứ. Phía Tây là sông Hằng, phía Nam có ngọn núi nhỏ. Phật ngày trước ở đây an cư ba tháng hàng phục được Dược-xoa Bạc-câu-la. Phía Đông nam núi có một tảng lớn dưới núi, trên tảng đá còn in dấu tích Phật ngồi thiền sâu vào đá hơn cả tấc, dài năm thước hai tấc, rộng bốn thước một tấc. Lại có dấu tích nơi Phật tắm rửa sâu hơn tấc, có làm tám hoa văn nổi lên, phía Nam nước này có khu rừng hoang, có rất nhiều con voi rất to lớn mạnh khỏe.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10