Tịnh Độ Tân Luận
淨土新論
Đại sư Ấn Thuận giảng
Thích Quán Tạng tập chú
Thích Pháp Chánh dịch Đại sư
Tường Quang Tùng Thư
Phật lịch 2562 – TL 2018
A10. Kết luận.
Y vào sự luận cứu ở trên, có thể kết luận như sau. Tịnh độ, (1) cần phải lấy Tịnh độ Cực Lạc của Phật A Di Đà làm viên mãn (mục đích cứu cánh), lấy Tịnh độ nhân gian của đức Di Lặc làm thiết yếu (cần phải thực hiện); (2) dùng Tịnh độ của Phật A Súc an trụ tâm từ bi, an trụ trong chân như pháp tính làm căn bổn (nền tảng cho sự tu hành), dùng hạnh nguyện trang nghiêm của Tịnh độ A Di Đà làm quả vị cứu cánh (mục đích muốn đạt đến).
Trong sự tu trì pháp môn Tịnh độ phải nên biết rằng nan hành đạo, trên thực tế là mau thành đạo. Nếu như hành giả cảm nhận rằng mình là người tâm tính khiếp nhược, nghiệp chướng sâu dày thì có thể tu thêm phương tiện thiện xảo an lạc hạnh – tức là dị hành đạo: thường thường niệm Phật, sám hối. Nếu như căn cơ và giáo pháp khế hợp, muốn chuyên tu hạnh Tịnh độ của đức A Di Đà, có thể y vào lời dạy trong Vạn Thiện Đồng Quy Tập của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ (tương truyền là hóa thân của Phật A Di Đà) mà tu tập nhiều thiện căn, tu nhiều tịnh nghiệp thì mới có thể thích nghi an ổn!1
Sau cùng, các hành giả Tịnh độ tu tập phương tiện thiện xảo an lạc hạnh đạo cần phải ghi nhớ những lời thánh huấn trong kinh luận: “Không thể dùng ít thiện căn, phước đức nhân duyên mà sinh cõi nước đó.” (Kinh A Di Đà) “Nếu muốn chứng đắc A bệ bạt trí (bất thoái chuyển), không phải chỉ có xưng danh niệm Phật lễ bái mà thôi.” (Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa). Như vậy mới có thể đạt được diệu dụng của Lạc hành đạo, không đến nổi phụ lòng từ bi của chư Phật Bồ tát!
HẾT