Thư trả lời nữ cư sĩ Trương Giác Minh

(thư thứ nhất)

Bà nói “dùng văn tự, thư họa, âm nhạc để tiếp dẫn kẻ sơ cơ vào trong biển Phật pháp”, đấy chính là đại nguyện của Bồ Tát, nhưng cần phải xét xem chính mình có định lực chẳng bị cảnh duyên xoay chuyển thì đối với mình lẫn người mới đều có lợi ích lớn lao. Nếu không, cứ một mực dụng tâm nơi chuyện bên ngoài, sợ rằng sẽ khó thể thành tựu chuyện liễu sanh tử được! Người học Phật cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì mới là đệ tử thật sự của đức Phật. Hãy nên chú ý nơi hai bài tựa trước sau trong Tịnh Độ Ngũ Kinh sẽ tự biết sự vi diệu rộng lớn của pháp môn Tịnh Độ ngõ hầu chẳng bị dao động, mê hoặc bởi tri thức của các tông khác.

Bà nói đến chuyện nằm mộng [thấy Quang hiện thân thuyết pháp trong giấc mộng] thì đấy chính là cảnh do lòng Thành của bà biến hiện, chứ Quang không có khả năng hiện thân trong giấc mộng ấy! Quang là phàm phu sát đất, nhưng thường có kẻ nói nằm mộng thấy Quang, đôi khi còn thấy Quang răn dạy nữa. Đấy đều là do lòng Thành của bọn họ cảm Quán Thế Âm Bồ Tát ứng theo căn cơ thị hiện, đấy đúng là “nên hiện thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp”. Bồ Tát còn có thể hiện thành sông, núi, đại địa, lầu, đài, điện, gác, cầu, bến, đường sá, đồ đạc, vật dụng, huống là thân người ư? Mắt Quang không bị bệnh tật gì, xin hãy sáng suốt suy xét! (Mồng Năm tháng Bảy năm Dân Quốc 25 – 1936)

 (thư thứ hai)

Thư bà gởi đến tôi nhận được đầy đủ. Nay đã bảo Hoằng Hóa Xã gởi cho bà bốn tờ tượng bán thân, bốn tờ tượng vẽ. Phía dưới tượng vẽ ấy có một phong thư dài, khá quan trọng đối với người mới phát tâm. Người vẽ tượng ấy chính là một người ở Vô Tích, Quang vốn không quen biết. Vẽ xong, giao cho một đệ tử quy y. Người ấy liền chụp bức thư dài [đem ghép vào], tặng cho Hoằng Hóa Xã mấy tấm.

(thư thứ ba)

Bà nói ảnh chụp giống như [hình Quang bà được thấy] trong giấc mộng, ở chỗ này có ý nghĩa sâu xa, chớ nên cậy vào ý mình rồi hiểu lầm. Quang là nghiệp lực phàm phu, sao có thể hiện thân trong giấc mộng cho được? Ấy là do lòng Thành của bà cảm Quán Thế Âm Bồ Tát biến hiện hình tướng của Quang để khiến bà sanh lòng chánh tín. Ấy chính là “nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp”! Cầu bến, đường sá, lầu, đài, điện, gác, núi, sông, cây cỏ, không một thứ nào chẳng hiện. Nên biết: Thần thông diệu dụng ở nơi người hiện được cảnh, chứ không phải ở nơi cảnh được hiện. Bà coi tớ là chủ, chẳng khỏi đem phàm lạm thánh, khiến cho Quang lẫn bà đều cùng mắc tội lỗi không chi lớn hơn, cô phụ tấm lòng Đại Sĩ vì bà hiện hình tướng quá lắm! Ngàn vạn phần chớ nên vẽ, mà cũng đừng nên ghi chép để những kẻ ham làm chuyện giả dối nhằm lôi cuốn [người khác] sẽ bắt chước làm theo! Loại giấc mộng như vậy thường hay xảy ra. Ấy là vì trong Phật môn không có người, Bồ Tát muốn cho bà tăng trưởng tín tâm nên mới lấy tướng gỗ chạm, đất đắp làm tướng thần thông diệu dụng để phát khởi tâm chánh tín, khiến cho tâm ấy chẳng bị lui sụt. Suy nghĩ sâu xa, cặn kẽ thì sẽ thấy Bồ Tát từ bi chỉ dạy không gì chẳng xét đến vậy (Ngày Mười Tám tháng Tám năm Dân Quốc 25 – 1936)

(thư thứ tư)

Đối với chuyện vẽ hình tượng [Ấn Quang] toàn thân hay tượng đứng cũng không quan trọng. Chỉ có điều chớ nên đem phàm lạm thánh, lầm lạc suy tôn, ngõ hầu người đời sau chẳng đến nỗi ngờ là tiếm việt, mà cũng chẳng đến nỗi lầm lạc bắt chước theo (Ngày mồng Tám tháng Chín năm Dân Quốc 25 – 1936)

(thư thứ năm)

Quang vốn là hình hài gỗ – đất, bị bà tô vẽ trở thành vàng ngọc huy hoàng. Tuy có thể sướng tai khoái mắt mọi người, nhưng thật ra đã khiến tôi thường phải ôm lòng hổ thẹn (Năm Dân Quốc 25 – 1936)

thư thứ sáu)

Thư trước gởi đến nhằm lúc tôi đang phải gọt giũa bản Hộ Quốc Pháp Hội Khai Thị Lục, chẳng rảnh rỗi để phúc đáp. Tượng Phật lẫn hình Quang đều đẹp. Hôm trước, tôi đã bảo đem tượng Tam Thánh và hình Quang mỗi loại chụp thành mười hai tấm, họ cho biết phải trả mỗi tấm hai cắc. Nay lại gởi đi mười tấm. Đôi liễn [bà viết] bên cạnh hình Quang văn lẫn ý đều hay. Sẽ đem gởi cho nơi xa (gởi về quê tôi) là chỗ chẳng dễ có được!

(thư thứ bảy)

Hôm qua nhận được thư và nhận được mọi thứ đầy đủ. Chuyện vẽ tượng là do thầy Đương Gia chùa Linh Nham tính vẽ hình của mười hai vị Tổ Sư Liên Tông, bảo Quang làm một bài tán sáu câu để dùng trong ngày kỷ niệm các vị ấy quy Tây. Lại làm một bài tụng theo thể loại Thất Ngôn Bát Cú, tính viết vào hình vẽ ấy. Do Quang thấy thơ Đường Luật quá bó buộc, liền bắt chước cổ nhân viết bừa cho xong trách nhiệm. Thầy ấy vốn muốn thỉnh cư sĩ vẽ một hai bức, Quang nói: “Bà ấy tỵ nạn, ở đậu nhà người ta, sợ chẳng thể vẽ được. Nếu có thể vẽ được thì hãy nên bảo một người vẽ thôi, để khỏi bị khuyết điểm thể cách bất nhất”. Nay đọc thư trả lời, tôi thấy nên bỏ chuyện ấy đi, tùy thầy Đương Gia thỉnh ai vẽ thì thỉnh.

Theo ý Quang, chuyện này cũng chẳng đáng tán thành. Vì sao vậy? Phương Nam ẩm thấp, chẳng được mười mấy năm lại phải vẽ bức khác. Khoản tiền chi tiêu ấy chẳng phải nhỏ đâu! Nếu thờ bằng bài vị thì một hai trăm năm sau vẫn còn tốt. Do thầy ấy chuyện gì cũng muốn cho tốt đẹp, nên vẫn chẳng tiếc công nhiều lần cầu cạnh người khác. Về mặt trang nghiêm đạo tràng thì dường như có ích, nhưng trong thời cuộc, tình thế này, cũng có thể do vậy mà chuốc họa. Xét đến cùng, mọi chuyện thật chẳng nên làm cho lắm. Xin hãy gác lại chuyện này, nhất tâm niệm Phật để mong được lợi ích thật sự. Xin đem hai bức tượng vẽ gởi tới bằng thư bảo đảm (Ngày Mười Hai tháng Hai năm Kỷ Mão – 1939)

(thư thứ tám)

Từ lão thái do [uống] nước pha tro hương [được gia trì bằng chú Đại Bi] mà căn bệnh nguy hiểm được bớt hẳn, đấy cũng là do lòng Thành của gia quyến cảm nên. Hà Đức Mục thích nói chuyện thơ ca, chẳng chú trọng niệm Phật là do bị nghiệp lực mê hoặc, nên chẳng biết phân biệt điều khinh lẽ trọng! Ví như trẻ thơ cho nó đồng tiền thì ưa thích, cho bảo châu Ma Ni bèn chẳng nhận. Đem tiền dụ kẻ ăn mày, hắn chịu niệm Phật là cũng đã gieo thiện căn không chi lớn bằng. Năm Quang Tự 18 (1892), Quang sống tại chùa Viên Quảng ở ngoài cửa Phụ Thành của thành phố Bắc Kinh. Một hôm cùng một vị Tăng từ phía ngoài [cửa thành] Tây Trực đi về chùa Viên Quảng. Một đứa ăn mày mười lăm, mười sáu tuổi, chẳng thấy có vẻ đói khát, đi theo xin tiền. Quang bảo nó: “Niệm Phật một câu, ta sẽ cho con một đồng”; nó không niệm. Quang nói: “Niệm Phật mười câu ta sẽ cho con mười đồng!” Vẫn chẳng niệm. Quang lôi túi đựng tiền ra cho nó thấy, ước chừng hơn bốn trăm đồng, bảo nó: “Con niệm Phật một câu ta sẽ cho con một đồng. Con tận lực niệm, ta sẽ cho đến khi hết túi tiền này mới thôi”. Nó vẫn không niệm, khóc ầm lên; do vậy bèn quăng nó một đồng tiền rồi bỏ đi. Đứa ăn mày ấy quá thiếu thiện căn, đem tiền dụ cũng không chịu niệm. Nếu trẻ ăn mày phát thiện tâm mà niệm sẽ được lợi ích lớn lao. Dẫu là bị dụ tiền mà niệm Phật vẫn gieo được thiện căn lớn lao.

Trước kia, Quang chẳng trì chú Đại Bi. Năm Dân Quốc 21 (1932), Quang bế quan tại chùa Báo Quốc, mẹ ông Ngô Hằng Tôn ở ngõ cầu Tây Hoa bệnh tình nguy cấp. Ông Hằng Tôn đang ở Bắc Kinh, [người nhà] vội đánh điện gọi ông về. Vợ ông ta sai người đến chùa Báo Quốc xin Quang tụng cho một chén nước Đại Bi, Quang liền niệm ba biến, bảo cầm về. Uống vào, bà cụ liền tỉnh lại, không còn trong tình trạng nguy hiểm nữa. Sợ Hằng Tôn lo lắng, họ bèn đánh điện nói “bệnh đã không còn nguy ngập nữa”; Hằng Tôn bèn không về. [Có một] đứa bé chín tuổi khi sanh ra chưa đầy hai tháng, khắp mình sanh đầy mụt lở nhỏ, Xuân đến càng thêm đau đớn. Trải nhiều năm vẫn không hết, uống thuốc cũng vô hiệu; do vậy bèn xin nước Đại Bi, uống vào liền lành. Vì thế, thường có người đến xin, hằng ngày nói chung phải niệm mấy biến.

Về sau, người đến xin càng nhiều, liền dùng một đồ đựng lớn. Năm trước tỵ nạn đến Linh Nham, thầy Đương Gia nói vẫn cần phải trì chú Đại Bi vào nước. Quang nói: “Hiện thời không mua được bình, mà cũng không có tiền mua bình. Hãy nên dùng gạo để thay!” [Trì chú Đại Bi vào] tro hương thì trước kia ở Báo Quốc đã từng làm rồi, bởi lẽ đường xa chẳng thể gởi nước đi được, còn tro thì mọi lẽ đều không trở ngại gì! Nếu ở ngay địa phương này thì không dùng tro. Ông Tần Hiệu Lỗ ở Vô Tích bị ba thứ bệnh, chữa không lành, vừa uống vừa bôi nước Đại Bi liền được lành, bèn quy y.

Toa thuốc trị bệnh sốt rét trọn chẳng phải là điều bí mật gì, phàm ai biết chữ đều có thể dựa theo đó mà viết. Một cựu quân nhân tánh tình xấu xa ở Vô Tích, từng làm thân binh cho Viên Tổng Thống[1] (Viên Thế Khải) nên tập quen thành tánh xấu, ăn nhậu, cờ bạc, chơi bời đủ cả, nghiện thuốc phiện rất nặng. Đến khi đói rách, mắt đã không thấy đường, tuổi đã năm mươi bảy hay năm mươi tám. Người anh [ông ta] chết đi, Tần Hiệu Lỗ đến phúng điếu, trông thấy tình huống khổ sở ấy, bèn cực lực khuyên răn. Ngay hôm ấy, ông ta bèn chừa sạch thuốc phiện, rượu, thịt, hằng ngày thường niệm Phật, mắt liền sáng hơn, nghiễm nhiên thành một vị thiện nhân đề xướng niệm Phật. [Trước kia] người làng chẳng dám qua lại [với ông ta]. Sau này, bệnh sốt rét bùng phát, ông ta trị cho từng người một đều được lành bệnh. Từ đấy, người làng đều nghe theo. Trong tháng Tư, từng dẫn mười mấy người đến quy y, nghiễm nhiên là một vị cư sĩ tu hành đã lâu! Người này họ Hoa, tên Quán Thiên, đã sáu mươi bốn tuổi. Như người này có thể gọi là “dũng mãnh sửa ác hướng lành”.

Nay gởi cho bà một gói tro hương để tiện sử dụng cho mình lẫn người khi cần. Lại gởi cho bà năm cuốn Học Sinh Tu Dưỡng Đức Mục (những điều để học sinh tu dưỡng đức hạnh) để dùng dạy trẻ nhỏ, hai cuốn Tang Tế Tu Tri (những điều cần biết về tang ma, cúng giỗ) bởi lẽ cậu, cô của bà, mẹ của Hà Đức Mục và Từ lão thái đều già rồi, có được quyển sách này cũng có thể dùng để tùy duyên chỉ dạy, đừng để họ thuận theo tập tục trong đời mà gây thêm tội lỗi cho cha mẹ, người thân, bạn bè. Hiện tại, người ta vứt bỏ cổ lễ, trong đám tang lại dùng rượu thịt, diễn tuồng, đúng là chẳng ra sự thể gì! Nghe nói thương nhân X… trong lúc làm lễ Đại Liệm[2] cho mẹ, người con cả và khách đến viếng uống rượu ăn thịt, đấu quyền làm trò vui, cái tâm đã chết mất rồi! Nếu còn có chút thiên lương, quyết chẳng thể như thế! Thật có thể nói là “thực hành chuyện biến con người thành cầm thú!” Thỏ chết cáo buồn, đâm ra những kẻ ấy chẳng bằng dị loại vậy!

(thư thứ chín)

Nhận được thư hôm Rằm, biết bệnh của Từ lão thái đã đỡ rất nhiều. Phàm người lâm chung thần thức hôn loạn; nếu uống nước Đại Bi hoặc nước pha từ tro hương [Đại Bi], hay nước nấu từ gạo Đại Bi, thần thức đều có thể sáng suốt. Nếu lại có người trợ niệm thì chắc chắn sẽ niệm Phật qua đời. Một hai năm qua, đã có ba người được như thế. Hôm Mười Bảy tôi đã gởi cho bà một bao tro hương, kể cả bao bì và toa thuốc nặng bốn lạng, chia làm tám bức thư gởi đi, chắc đã nhận được rồi.

Chuyện niệm Phật, ước về mặt được lợi ích ngay trong đời này thì cần phải chí thành khẩn thiết thường niệm. Nếu [chỉ để] gieo thiện căn, dẫu đùa bỡn niệm một câu cũng nhất định sẽ trong đời sau nhờ vào thiện căn ấy phát khởi mà tu trì. Vì thế, cổ nhân dựng nhiều tháp miếu to lớn là vì muốn cho hết thảy mọi người trông thấy đều gieo thiện căn. Một câu Phật hiệu này đã gieo vào trong tám thức điền sẽ vĩnh cửu chẳng diệt. Lúc đức Phật tại thế, một cụ già muốn xuất gia đầu Phật, năm trăm vị thánh chúng quán sát, thấy từ tám vạn kiếp đến nay, ông cụ trọn chẳng có một mảy may thiện căn nào, bèn cự tuyệt chẳng thâu nhận. Ông cụ liền gào khóc ở phía ngoài Kỳ Viên, Phật cho gọi vào, thuyết pháp cho ông cụ, cụ liền chứng đạo quả. Năm trăm vị thánh chúng đều chẳng hiểu được nguyên nhân, hỏi Phật, Phật dạy: “Người này trong vô lượng kiếp trước, do bị hổ đuổi phải trèo lên cây, niệm một câu Nam Mô Phật, gặp ta bèn đắc đạo. Đạo nhãn của hàng Thanh Văn các ông chẳng thể thấy được!”

Do vậy biết rằng: Chịu niệm Phật cố nhiên là tốt. Nếu [người ta] không chịu niệm, hãy bảo người ấy: “Chịu nghe niệm Phật hiệu cũng gieo được thiện căn, nghe lâu ngày cũng có công đức lớn lao”. Gần đây, ở Vô Tích người niệm Phật rất đông; có một người biết nấu món chay. Hễ mở Phật thất đều gọi người ấy đến nấu. Người ấy hằng ngày nghe tiếng niệm Phật; về sau đứa con ông ta sắp chết, liền nói: “Con sắp chết, nhưng chẳng thể đến được chỗ tốt lành. Cha hãy cho con Phật của cha, con sẽ đến được chỗ tốt lành”. Người cha nói: “Cha chẳng niệm Phật, làm sao có Phật được?” Đứa con nói: “Phật của cha nhiều lắm. Chỉ cần cha nói một tiếng, con sẽ chết an lành”. Người cha nói: “Vậy thì tùy con, muốn bao nhiêu cứ lấy bấy nhiêu”. Đứa con liền chết. Ông ta tự nhủ: “Mình chẳng hề niệm Phật, sao lại có Phật?” Người hiểu biết bảo: “Lúc ông nấu cỗ chay ở trong căn nhà gần chỗ niệm Phật, hằng ngày thường nghe mọi người niệm Phật. Cho nên cũng có công đức lớn”. Đấy là kẻ vô tâm nghe; chứ nếu lưu tâm nghe thì công đức càng lớn hơn! Niệm kinh thì không có câu văn được lập lại, chẳng thể [nghe] từng câu rõ ràng, minh bạch được. Dẫu lưu tâm lắng nghe cũng khó thể nghe cho rõ ràng, huống là kẻ vô tâm ư? Đủ biết công đức niệm Phật thù thắng!

(thư thứ mười)

Hôm qua, lúc tôi sắp đem thư gởi cho bưu điện, thầy Đương Gia Linh Nham đến nói: “Nhờ Trương cư sĩ vẽ mấy bức hình mười hai vị Tổ trong Liên Tông, chẳng biết bà ta có thời gian, sức lực để làm được hay chăng?” Nếu bà tâm tình phân vân, chẳng thể cất bút thì cũng không sao. Nếu vẫn có thể vận dụng ngòi bút khéo léo như trước đây, xin hãy vẽ trước một bức, gởi tới [Linh Nham] bằng thư bảo đảm rồi mới châm chước quy tắc. Bức thứ hai thứ ba sẽ vẽ giống như vậy, dùng loại giấy Tuyên[3] rộng bốn thước, phía trên viết bài thơ ca tụng theo Cổ Thể Thất Ngôn Bát Cú. Trước hết, đề tên Tổ Sư, kế đến ghi niên đại, ghi trong một tờ giấy khác, gắn lên đầu bức tranh. Tên bài tụng, tên họa sĩ đều viết phía dưới bức chân dung, ngõ hầu chẳng đến nỗi mắc lỗi “tên của phàm phu được đặt phía trên tượng Tổ Sư”. Về giấy, xin cư sĩ hãy mua giùm, để khỏi bị nhăn gãy khi gởi tới. Mười hai vị Tổ, chính là những vị thường được cõi đời gọi là Liên Tông Cửu Tổ (chín vị tổ của Liên Tông), phía dưới vị Tổ thứ tám là Liên Trì đại sư, thêm ngài Ngẫu Ích vào thành vị Tổ thứ chín, nên ngài Triệt Lưu thành Tổ thứ mười. Do vậy, ngài Tư Tề [Thật] Hiền từ vị Tổ thứ chín trở thành vị Tổ thứ mười một, tiếp đó lại thêm Triệt Ngộ thiền sư thành vị Tổ thứ mười hai.

Phía sau ảnh tượng của Phật, của Tổ, phụ thêm tượng chín vị tổ. Chỉ có các ngài Ngẫu Ích và Triệt Lưu không có tượng (nay đều đã có), ngài Triệt Ngộ thì ở Hồng Loa có hình chụp. Trộm nghĩ hình tượng thời cổ đều từ ý tưởng của người đời sau vẽ ra. Theo đúng lý, chư Tổ không để râu, chỉ có ngài Thiện Đạo là râu dài, tóc dài, sợ rằng cũng là do tưởng tượng, chưa thấy có chỗ nào đề cập đến chuyện Ngài để râu dài tóc dài. Cũng có tượng vẽ Ngài râu ngắn củn. Chỉ có ngài Triệt Ngộ râu vừa thanh tú vừa dài. Nếu luận theo giới cấm của Phật thì có lẽ chẳng để râu mới nên, nhưng luận theo phương diện thế gian thì cũng chẳng trở ngại gì. Chỉ có ngài Thiện Đạo để râu dài tóc dài là đáng nghi. Chuyện này hãy để từ từ, đợi sau này quyết định. Xin hãy sáng suốt suy xét rồi trả lời như thế nào (Tháng Giêng năm Kỷ Mão – 1939)

(thư thứ mười một)

Nay gởi cho bà một bức tượng bán thân của Sơ Tổ, một bức tượng ngồi toàn thân của thiền sư Triệt Ngộ. [Tượng của] mười hai vị Tổ đều lấy tượng của ngài Triệt Ngộ làm chuẩn, nhưng chỉ y theo dáng ngồi mà thôi, bất tất đều phải vẽ đắp y. Cái vòng treo y của ngài Triệt Ngộ quá thấp, cần phải vẽ cao lên hai ba phân mới nên. Đối với những thứ trang nghiêm được vẽ thêm bên cạnh tượng chẳng cần phải vẽ quá nhiều, càng đơn giản càng hay, đều vẽ sao cho nhất trí. Nếu tượng này được vẽ ra, chắc sẽ được chụp ra để truyền bá. Không nhất định phải viết bài Tán của Quang vào tranh, do chư Tổ đều có một bài tụng theo lối Thất Ngôn Bát Cú đề vào phần giấy ở phía trên tượng như cách thường làm trong cõi đời. Xin hãy tận hết tâm lực vẽ trước hai bức tượng này gởi tới [Linh Nham] để [chúng tôi] xem thử rồi mới lại quyết định, cân nhắc. Nếu bà chịu vẽ hết mười hai bức thì cũng hay lắm, nhưng không cần gấp. Dẫu phải mất mấy tháng cũng không sao cả. Nếu chẳng thể vẽ hết, thì vẽ hai ba bức cũng được; [chúng tôi] sẽ đem cách thức bà đã vẽ để cầu người biết vẽ vẽ tiếp (ngày Hai Mươi Sáu tháng Giêng năm Kỷ Mão – 1939)

***

[1] Viên Thế Khải (1859-1916), tự là Úy Đình, hiệu Dung Am, người Hạng Thành, tỉnh Hà Nam, là một tay quân phiệt thời đầu Dân Quốc. Do không đỗ đạt, năm 22 tuổi y bèn xung quân phục vụ dưới trướng của Ngô Trường Khánh. Năm 1882, khi Triều Tiên gặp nội loạn, cầu viện triều đình nhà Thanh giúp đỡ. Viên Thế Khải theo Ngô Trường Khánh tấn công Triều Tiên, dẹp tan nội loạn, đưa Triều Tiên vào vòng lệ thuộc Trung Quốc. Họ Viên được cử giữ chức vụ Triều Tiên Tổng Đốc, đặc trách huấn luyện quân đội Triều Tiên, kiêm trông coi nội vụ nước này. Khi đảng Khai Hóa của Triều Tiên đứng lên lật đổ hoàng gia Triều Tiên với sự trợ giúp của quân Nhật, Viên Thế Khải đã dẹp tan cuộc nội loạn này, khiến Triều Tiên càng bị lệ thuộc chặt hơn vào nhà Thanh. Tuy vậy, năm 1894, quân kháng chiến Triều Tiên vùng lên lần nữa, quân Thanh đại bại, Viên Thế Khải phải bỏ Triều Tiên tháo chạy về Thiên Tân, nhưng tài cầm quân của ông ta đã được Đại Học Sĩ Lý Hồng Chương biết đến, nên họ Viên được rút về phục vụ dưới trướng họ Lý. Trong cuộc Mậu Tuất Chánh Biến (1898), phe Duy Tân mưu toan lật đổ Từ Hy thái hậu, lãnh tụ Đàm Tự Đồng đã nhờ Viên Thế Khải bao vây tiêu diệt Nghĩa Hòa Đoàn (Quyền Phỉ). Họ Viên liền mật báo cho tay chân thân cận của Từ Hy là Vĩnh Lộc biết trước. Kết quả phe Duy Tân của vua Quang Tự thất bại thê thảm, vua bị giam lỏng, họ Viên được thăng chức, lần lượt leo lên các chức vụ cao hơn. Khi Lý Hồng Chương mất vào năm 1901, họ Viên được Thanh Triều cử làm Tổng Đốc tỉnh Trực Lệ, trở thành thủ lãnh cả vùng biên giới phía Bắc rồi được thăng lên thành Quân Cơ Đại Thần. Khi Phổ Nghi lên kế vị Quang Tự, Thuần Thân Vương (Tải Phong) nhiếp chánh, do Viên Thế Khải và Thuần Thân Vương đã có mâu thuẫn từ trước nên Viên Thế Khải bị Thuần Thân Vương chèn ép, phải cáo bệnh rút về Hà Nam chờ thời. Khi cách mạng Tân Hợi (1911) nổ ra, Thanh Triều tuyên bố giải tán Nội Các, cử Viên Thế Khải làm Nội Các Tổng Lý Đại Thần, thống lãnh quân đội chống cự lại các thế lực cách mạng ở phương Nam. Họ Viên vừa dùng vũ lực đàn áp quân cách mạng, vừa ngầm đàm phán với lực lượng cách mạng. Ngày mồng Một tháng Giêng năm 1912, Dân Quốc thành lập, Viên Thế Khải vừa thuyết phục vừa ép hoàng đế nhà Thanh thoái vị vào ngày 12 tháng Hai năm ấy. Ngày 15 tháng Hai, nhân thấy thế lực của Viên Thế Khải quá mạnh, chánh quyền Dân Quốc ở Nam Kinh đã phải cử Viên Thế Khải làm Lâm Thời Đại Tổng Thống, nhưng sửa đổi chánh thể từ Tổng Thống Chế thành Nội Các Chế để giảm bớt quyền lực của họ Viên. Năm 1913, khi tổng tuyển cử lần thứ nhất được tiến hành, Quốc Dân Đảng đắc cử đa số nên Lý Sự Trưởng của đảng là Tống Giáo Nhân được cử làm Nội Các Tổng Lý (Thủ Tướng). Tuy vậy, ông ta bị đâm chết ngày 20 tháng Ba năm ấy tại Thượng Hải, họ Viên phủ nhận trách nhiệm. Tôn Văn tổ chức Trung Hoa Cách Mạng Đảng, toan dùng vũ lực đánh gục họ Viên nhưng thất bại. Tháng Mười năm ấy, Quốc Hội lại phải suy cử họ Viên làm Tổng Thống chánh thức. Họ Viên ra lệnh giải tán Quốc Dân Đảng vào tháng Mười Một, phế trừ Ước Pháp Lâm Thời của chánh quyền Dân Quốc, sửa đổi nhiệm kỳ Tổng Thống thành vô hạn định. Với tham vọng nắm trọn quyền, họ Viên cho bọn tay chân như Dương Độ tổ chức Trù An Hội, dùng thế lực, tiền bạc mua chuộc ép buộc các nghị viên tán thành chế độ quân chủ lập hiến, tôn Viên Thế Khải làm vua. Năm 1916, dưới danh nghĩa tiếp nhận thư thỉnh cầu của quốc dân, họ Viên xưng dế, đổi năm ấy thành Hồng Hiến nguyên niên, đổi Tổng Thống Phủ thành Tân Hoa Cung, trọng dụng kẻ tâm phúc như Phùng Quốc Chương, Đoàn Kỳ Thụy v.v… vào những chức vụ trọng yếu. Tuy vậy, các tỉnh liên tiếp nổi lên tuyên bố độc lập, các tướng lãnh quân phiệt thừa cơ cát cứ, chống lại chánh quyền họ Viên. Thế cô lực kiệt, họ Viên phải tuyên bố giải tán đế chế, khai trừ đế hiệu vào ngày 22 tháng Ba năm 1916, tức là chỉ xưng đế được vỏn vẹn 83 ngày. Họ Viên muốn tiếp tục làm Tổng Thống Dân Quốc cũng không được, đành ôm hận chết vì bệnh tiểu đường vào ngày mồng Sáu tháng Sáu năm ấy.

[2] Đại Liệm (còn gọi là Nhập Liệm, Nhập Quan, Nhập Mộc, Lạc Tài) là lễ đặt thân thể người đã chết vào quan tài, sau khi đã bó vải cẩn thận. Theo cổ lễ của Trung Hoa, sau khi đã bọc và quấn kín người chết trong vải liệm nhưng chừa mặt ra, dùng giấy hay vải đậy mặt người chết, người con trưởng phải nâng đầu người chết, ngoài ra còn phải có bốn đến sáu người, nâng xác chết lên, đưa chân đi trước, đầu đi sau. Trước tiên hạ xác chết người hết xuống sát đất với hy vọng nhờ âm khí người chết sẽ sống lại. Lúc đặt vào quan tài, phải đặt một miếng ván có đục hình sao Bắc Đẩu để yểm xuống dưới đáy hòm (có thể kèm theo một số bùa chú khác), rồi mới theo quy cách giống như trên, đưa chân vào hòm trước, đầu vào sau. Khi đặt xong, dùng vải đỏ phủ kín từ đầu đến chân, tấm vải ấy phải do người con gái đã gả chồng phủ lên. Khi đã đóng chặt nắp hòm, phát tang rồi mới đồng loạt “cử ai” (cất tiếng gào khóc).

[3] Tuyên chỉ (giấy Tuyên) là một loại giấy nổi tiếng chuyên dùng trong hội họa cổ của Trung Quốc. Đây là một sản phẩm đặc thù của huyện Kính tỉnh An Huy, có những tính chất rất quý như không giòn gẫy khi để lâu ngày, giữ được màu sắc không phai, và không dễ bị hoen ố bởi thời tiết. Đến thời Tống, các xứ Huy Châu, Trì Châu, Tuyên Châu v.v… đều chế được loại giấy này. Do trong thời ấy, những vùng này đều thuộc về Tuyên Châu Phủ nên loại giấy này được gọi chung là Tuyên Chỉ (giấy Tuyên). Giấy Tuyên được chế bằng vỏ cây Thanh Đàn, pha lẫn với bột của một loại cỏ có tên là Thủy Đạo. Từ đời Tống – Nguyên trở đi, bột giấy còn được pha thêm các loại bột gỗ dó, dâu, tre, hay đay để tạo thành các loại giấy Tuyên khác nhau nhằm tạo hiệu quả sống động cao nhất cho tranh vẽ.