Thư trả lời cư sĩ Cung Tông Nguyên

(thư thứ nhất)

Chúng ta từ bao kiếp đến nay cố nhiên đã có lúc gieo thiện căn, nhưng chưa gặp được pháp môn cậy vào Phật lực để liễu thoát ngay trong một đời, cho nên vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, chẳng thể tự thoát được. Ông thuở bé theo mẹ tin Phật, ấy là thiên tánh. Về sau, lậm nặng chất độc của Âu – Hàn, đấy chính là tập thói xấu ác. Còn những cảnh được thấy trong giấc mộng thì cũng là do thiện căn từ đời trước mà ra, nhưng mê đã quá sâu, cho nên trong nhất thời chẳng thể lập tức quay đầu lại được. Sự quan hệ này hết sức nguy hiểm! Nếu chẳng tự chấn chỉnh, sẽ mê muội dài lâu, sợ rằng ngay cả danh hiệu Phật cũng không cách gì nghe được! Nay đã biết rồi, hãy nên nỗ lực!

Hơn nữa, pháp môn Tịnh Độ khác với các pháp môn khác. Các thứ pháp môn khác đều cậy vào tự lực, chỉ có pháp môn này hoàn toàn cậy vào Phật lực. Phương Nam, Tông môn khá nhiều, chớ nên xen nhập Tông môn, mong được cái danh đẹp đẽ là “Thiền – Tịnh song tu”. Nói chung, Tông môn lấy việc khán câu “người niệm Phật là ai” để được khai ngộ, tuyệt chẳng nói đến “tín nguyện cầu sanh”. Đừng nói chưa ngộ, dẫu khán đến mức thấy được diện mục vốn có của người niệm Phật thì chỉ được kể là Ngộ, còn cách liễu sanh tử rất xa! Nếu chưa đạt đến địa vị “nghiệp tận, tình không”, chắc chắn chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh tử được!

Thêm nữa, chẳng chú trọng tín nguyện, cầu sanh Tây Phương là trái nghịch với Phật, chẳng thể cậy vào Phật lực để liễu sanh tử được! Vì thế, người niệm Phật hễ xen kèm hơi hướng Tông môn thì chỗ được lợi ích ít ỏi mà chỗ mất lợi ích lại nhiều. Giáo lại càng khó đắc lực hơn nữa! Mật Tông ăn nói quá lớn lối, nguy hiểm cùng cực[1]. Ông hãy nên chuyên chú một môn tín nguyện niệm Phật, kèm thêm là giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, dùng những điều ấy để tự hành, lại còn đem những điều ấy dạy người, chắc chắn sẽ được vãng sanh. Phàm suy nghĩ, động niệm, cư xử đều phải lấy chân thật chẳng dối làm chánh, ngõ hầu chẳng luống uổng cuộc đời này, chẳng phí dịp gặp gỡ này! Hãy đọc kỹ Văn Sao, Gia Ngôn Lục, ở đây không viết cặn kẽ. Quang già rồi, không có sức để thù tiếp, xin đừng thường gởi thư đến (Ngày Hai Mươi tháng Sáu năm Dân Quốc 20 – 1931)

(thư thứ hai)

Đang trong thời thế này chỉ nên giữ bổn phận, mặc kệ những kẻ mất trí điên cuồng làm gì thì làm, trọn chẳng tranh luận hoặc bắt bẻ bọn chúng. Bởi lẽ, người hiểu lý thì ít, kẻ hồ đồ thì nhiều. Nếu có tranh biện xảy ra, do bọn ma thế mạnh, sẽ đâm ra càng làm tăng thế lực của chúng. Đối với người biết tốt – xấu, hãy gắng khuyên họ đừng theo bọn chúng. Nếu là kẻ chẳng biết tà – chánh thì chỉ đành bỏ mặc. Ví như con chó ăn phân cho là thơm ngon. Nếu bảo là hôi thối, ngăn trở nó đừng ăn, ắt nó sẽ ôm lòng giận dữ, cho là muốn đoạt món ăn ngon lành của nó! Chẳng những vô ích mà còn có thể chuốc lấy họa lớn!

Pháp của ngoại đạo bí mật chẳng truyền. Muốn nói ra sợ bẩn miệng tôi, muốn viết ra sợ bẩn tay tôi. Chỉ nên dùng lòng chí thành niệm Phật, niệm Quán Thế Âm để xoay chuyển pháp của bọn chúng. Dẫu chẳng thể chuyển được, há để bị bọn chúng xoay chuyển ta ư? Sở dĩ ngoại đạo được truyền khắp cả thế giới là do dùng hai thứ [biện pháp] bí mật và thốt lời thề độc! Nếu bỏ hai cách ấy đi, ắt sẽ băng tan, ngói vỡ liền! Quang vốn muốn nói sơ lược, nhưng sợ kẻ đố kỵ giáng họa, nên chỉ nói tóm tắt mà thôi! Lũ ma rất đông đảo, không tìm được cách nào [ngăn chặn]. Nay gởi cho ông bài tựa về Cư Sĩ Lâm ở Triều Dương, xin hãy chép lại treo trong Lâm để những ai hiểu văn lý xem đến ắt sẽ sanh lòng chánh tín rồi hộ trì. Quang già rồi, sáng chẳng bảo đảm được tối, từ nay đừng gởi thư đến nữa, cũng đừng giới thiệu người khác quy y, bởi tôi không có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp vậy.

(thư thứ ba)

Nhận được thư, biết chuyện Thái Vũ Thanh quy y. [Ông nói] đã gởi thư đến trong hạ tuần tháng trước, nhưng tôi chưa từng nhận được thư ấy. Xét cảnh ngộ của ông Thái, đáng gọi là “khổ sở đến cùng cực”. Nhưng khổ – vui, họa – phước, vốn chẳng nhất định; người khéo dụng tâm có thể biến khổ thành vui, biến họa thành phước. Kẻ chẳng khéo dụng tâm, phần nhiều do vui mà bị khổ, do phước mà mắc họa! Vũ Thanh đã biết tướng thế gian vô thường, gấp muốn quy y Tam Bảo để tu trì Tịnh nghiệp, để cầu nương vào Phật từ lực hòng liễu sanh thoát tử. Đây có thể nói là: “Cảnh khổ là cơ hội quý báu để thành tựu đại thiện căn liễu thoát sanh tử cho ông ta”. Nếu không, con cháu đầy nhà, gia đình hòa thuận, chỉ biết những sự sung sướng trước mắt, ai tính đến chuyện sau khi chết sẽ đi về đâu!

Ông ta đã phát tâm quy y, nay đặt pháp danh cho ông ta là Tông Tịnh, nghĩa là chuyên chú trọng nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Nhưng cần phải cởi gỡ những điều canh cánh trong lòng, đừng nên thường ngậm ngùi “tuổi già xộc đến mà con chết, cháu mất”, càng thêm sanh lòng oán trời hận người, chỉ nên tự oán, tự phản tỉnh: “Chính mình đời trước ít vun bồi thiện căn đến nỗi đời này bị kết quả ấy!” Lại hãy nên thường sanh lòng hoan hỷ: “Nếu chẳng vì bọn họ chết mất, ta quyết khó thể phát tâm xuất thế. Tâm này chẳng phát, dẫu cho chết đi vẫn được tái sanh trong loài người, quyết khó thể vĩnh viễn chẳng tạo ác nghiệp. Đã tạo ác nghiệp, sẽ đọa trong tam ác đạo, chịu các sự khổ lâu dài cả kiếp trong súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nay do cái chết của bọn họ khiến cho ta phát tâm xuất thế, đúng là trời dùng cái chết của bọn chúng để hoàn thành tốt đẹp thiện quả xuất thế cho ta. Ấy chính là thiện căn đời trước của ta phát hiện”.

Hãy giữ yên bổn phận, chẳng sanh oán hờn, cùng với người con dâu góa bụa, cháu gái đều tu Tịnh nghiệp để mong cùng sanh Tây Phương. Nếu làm được như vậy thì chẳng những chính mình, dâu, cháu được sanh về Tây Phương mà người vợ đã khuất, hai đứa con, hai đứa cháu, một đứa dâu đều sẽ nhờ vào pháp ích ấy mà cũng được nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Chớ nên mang tri kiến ngu si vô tri, thường ôm lòng sầu lo, than thở, đến nỗi tuy niệm Phật mà tâm đâm ra bị chướng ngại, đến nỗi chẳng tương ứng với Phật, làm hỏng đại sự của chính mình!

Nay gởi thêm cho ông ta hai tờ Một Lá Thư Trả Lời Khắp, xin hãy nương theo đó để tự hành, lại dùng những điều ấy để giáo hóa người khác, ắt người ta sẽ biết mình tri thức cao minh, tu trì tinh tấn, sẽ vui vẻ thuận theo, công đức ấy lớn lắm. Tất cả phương pháp tu trì sợ ông ta chưa hiểu rõ, nay gởi cho ông ta một cuốn Gia Ngôn Lục, xin hãy lắng lòng đọc kỹ thì sự mầu nhiệm thù thắng nơi cõi Tây Phương, pháp tắc tu hành, trợ niệm khi lâm chung, giáo dục trong gia đình sẽ đều biết rõ phương hướng vậy! Cháu gái còn thơ ấu, hãy nên nghiêm túc răn dạy, vun bồi tư cách hiền huệ lương thiện cho nó, ngõ hầu nó sẽ trở thành bậc thầy khuôn mẫu cho nữ giới trong mai sau. Ấy chính là rạng mày nở mặt, cao trỗi hơn chuyện con cháu làm quan to, giàu có lớn rất nhiều. Vì sao vậy? Do hiền nữ ắt sẽ có thể là hiền thê, hiền mẫu của người khác, khiến cho cả chồng lẫn con cháu đều thành hiền nhân. Xin hãy đưa những điều này cho ông ta coi để ông ta làm theo đó thì may mắn thay!

***

[1] Xin chú ý ở đây Tổ không có ý đả kích Mật Tông mà chỉ quở trách những kẻ không học hiểu giáo nghĩa Mật Tông đến nơi đến chốn, được truyền thụ vài ấn quyết, đọc một số kinh sách Mật Tông rồi ngạo nghễ coi thường các tông khác, cũng như không hiểu rõ ý nghĩa “hiện thân thành Phật”, tự xưng là đã đắc đạo, tự xưng là Thượng Sư, thâu nhận đồ chúng tràn lan, cũng như chuyên chú trọng thần thông, không hiểu mục tiêu cuối cùng của mọi pháp môn trong Phật giáo là hướng tới mục đích liễu sanh thoát tử, tấn tu cho đến khi thành Phật Quả.