Thư trả lời cư sĩ Ổ Sùng Âm

Ba hôm trước nhận được hai cuốn Kỹ Lộ Chỉ Quy, thấy có đính kèm huy chương ở cuối sách, Quang chẳng cho là đúng lắm. Năm Dân Quốc thứ hai (1913), pháp sư Đạo Giai[1] ở chùa Pháp Nguyên, Bắc Kinh, lập Hội Kỷ Niệm Phật Đản, lấy tượng Phật Thích Ca làm huy chương, Quang trọn chẳng biết chuyện đó. Xong chuyện, sư Đạo Giai đến Phổ Đà, tặng Quang một huy chương, Quang thống trách ông ta khinh nhờn, nhưng đến năm Dân Quốc 12 (1923) vẫn làm như thế. Ở Thượng Hải cũng bắt chước làm theo, nay cư sĩ cũng bắt chước làm theo. Đầu sỏ gây tội bắt nguồn từ sư Đạo Giai. Đạo Giai còn biết giảng kinh, nhưng cung kính, tôn trọng hoàn toàn chẳng nói tới, cũng đáng than thở thay! Hết thảy nhân viên tham dự hội ấy mỗi người đều phải đeo một huy chương. Nếu đeo để lễ Phật thì vẫn chẳng hợp lý. Đeo để lễ người khác thì đôi bên đều bị tổn phước. Nhưng hiện thời do Đạo Giai đề xướng đã trở thành quy định chung rồi, Quang cũng biết chuyện ấy chẳng dễ gì dẹp bỏ được, nhưng do cư sĩ quá yêu mến nên chẳng thể không nói một lời!

Chuyện phóng sanh ngay như một xứ Thượng Hải cũng khó thể lo liệu được, há nên phô phang cái danh lớn lao là “toàn quốc?” Nhân dân cả nước đều đang ở trong cảnh nước sâu lửa nóng, không cách nào cứu được, huống là “hội phóng sanh toàn quốc” ư? Quang cho rằng: “Khuyên người khác ăn chay là phóng sanh thật sự”. Những sanh vật được nuôi trong những cơ sở [phóng sanh] lớn lao trước kia, một khi có lính đóng, liền biến thành thức ăn cho quân đội. Nếu sau này vĩnh viễn không có chiến tranh thì được. Nếu không, [những con vật được nuôi trong cơ sở phóng sanh] ấy sẽ đều là thức ăn được trữ sẵn cho quân đội!

Cư sĩ nhiệt tâm bảo vệ loài vật, có thể nói là bậc nhất, nhưng phải xét kỹ tình lý thì mới được lợi ích thật sự. Pháp sư Đế Nhàn hâm mộ thanh danh của Từ Vân Sám Chủ, xin ông Lư Tử Gia biến Tây Hồ thành ao phóng sanh, mọi người đều đến phóng sanh; kẻ xấu lén lút đánh bắt, chánh phủ phải nhiều lần mua lại, các cư sĩ phải nhiều lần chuộc, tốn đến mấy ngàn đồng rồi vẫn phải dời đi nơi khác. Đấy chính là tấm gương tày liếp mà ông vẫn chưa biết, cứ mong phô trương tạo danh tiếng cho to ư? (Ngày Rằm tháng Năm năm Ất Hợi – 1935)

***

[1] Đạo Giai (1866-1932), người ở Hành Sơn, tỉnh Hồ Nam, pháp danh Thường Tiễn, pháp hiệu Hiểu Chung, còn có biệt hiệu là Bát Bất Đầu Đà. Xuất gia với ngài Chân Tế chùa Trí Thắng ở Hành Dương năm 19 tuổi. Năm sau, thọ Cụ Túc Giới ở chùa Báo Ân tại Lỗi Dương. Sư bế quan tại chùa Nhị Đoan ở Giáp Sơn suốt ba năm, chuyên chí tham Thiền. Lại theo học với hòa thượng Mặc Am chùa Chúc Thánh tại Nam Nhạc, xem đọc Đại Tạng Kinh. Sau đó đi giảng kinh tại nhiều ngôi cổ tự nổi tiếng như Tây Thiền, Thiên Đồng, Thanh Lương, Hải Hội v.v… Năm 1906, Sư du hóa khắp các xứ Singapore, Mã Lai, Miến Điện, Indonesia. Sau về nước, làm Trụ Trì chùa Pháp Nguyên, nhận chức vụ đặc trách nội vụ cho Trung Hoa Phật Giáo Tổng Hội. Đồng thời, đề xướng tu chỉnh bộ Tân Tục Cao Tăng Truyện gồm 61 quyển, chép tiểu sử các danh Tăng từ thời Bắc Tống đến thời Tuyên Thống nhà Thanh. Về sau, do chùa Pháp Nguyên xảy ra tranh chấp, Sư bèn dẫn học trò là Đức Ngọc sang Ấn Độ trùng tu chùa Trung Hoa ở vườn Lộc Dã. Năm 1932, Sư du hóa các tỉnh thành thuộc Mã Lai như Penang, Kuala Lumpur rồi thị tịch trong tháng Ba năm ấy tại Mã Lai.