Thư trả lời cư sĩ Tào Bội Linh

(Vợ chồng cư sĩ Bội Linh sanh liên tiếp năm đứa con gái. Sau khi quy y Phật pháp, tận lực làm chuyện lành, ăn chay niệm Phật, và cực lực đề xướng khuyến hóa, tự lợi, lợi người. Đến năm Dân Quốc 25 – 1936, ông cùng với các vị cư sĩ như Viên Lệ Đình v.v… sáng lập Vô Tích Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã, hướng dẫn nhiều cách, chẳng tiếc sức thừa. Mùa Đông năm ấy, sanh được một trai. Đến mùa Thu năm Dân Quốc 28 (1939), lại sanh được Đức Trừng. Do cảm kích ân Phật bèn đem một trăm đồng cúng dường cụ Ấn Quang. Lúc ấy, nhằm đúng lúc cư sĩ Đậu Tồn Ngô vì hai đứa trẻ nghèo cậy Sâm thỉnh lão nhân (tổ Ấn Quang) viết thư cho cư sĩ Hoàng Hàm Chi giới thiệu chúng được vào học miễn phí tại trung học Tam Dục. Lão nhân bèn bảo đem một trăm đồng ấy giao cho Hoàng cư sĩ, thay vì đóng góp để cứu chẩn, liền dùng [món tiền ấy] làm điều kiện giới thiệu cho hai đứa trẻ nghèo, cũng như để khỏi nhờ người khác nói giúp. Hoàng cư sĩ cũng nghĩ đến lòng từ bi của lão nhân mà lo liệu. Cư sĩ Bội Linh cảm kích trước hành động này của lão nhân, [hành động ấy] chẳng chỉ hữu ích riêng cho pháp môn, vì nếu ai nấy đều dụng tâm như vậy, hiền tài của đất nước sẽ dấy lên đông đảo là chuyện chính mắt sẽ thấy. Ông ta bèn đem thư này gởi cho Sâm, bảo đưa vào sách và lược thuật nguyên do đầu đuôi. Đức Sâm kính ghi)

Trước kia, ông nhiều lần sanh con gái, nay đã nhiều lượt sanh con trai. Có thể thấy là Phật, trời gia bị người làm lành, khiến cho mọi việc như ý. Pháp danh của lệnh lang là Phước Vĩnh, nhũ danh là Đức Trừng. Chẳng biết Phước Vĩnh có nặng hơn chị và anh hay không. Nặng hơn thì đặt pháp danh là Đức Trừng. Phật, trời gia bị ông, ông hãy nên tích cực dạy dỗ để nó trở thành chánh khí. Trong thế gian chẳng biết bao nhiêu đứa con có thiên tư tốt đẹp, đều bị những kẻ làm cha mẹ không biết dạy dỗ nuôi thành phường bại hoại, khiến chúng vĩnh viễn đọa trong A Tỳ địa ngục. Đấy là một đại bất hạnh cho nước ta. Ông hãy nên biến lòng yêu thương thành khéo dạy thì phước thọ đều được dài lâu để làm bằng chứng cho thấy tổ tông và ông đã tích đức. Một trăm đồng [ông gởi biếu Quang] sẽ dùng làm tiền phòng hờ[1] để giới thiệu hai đứa trẻ nghèo được nhập học. Nếu chẳng thể [xin nhập học] miễn phí được [sẽ dùng món tiền ấy để đóng học phí], tôi sẽ làm công đức khác, chắc là ông chẳng đến nỗi thất vọng. Trong thời cuộc lúc này, chớ nên bày tiệc đãi khách và dùng rượu thịt, hãy nên nghĩ đến nỗi đói lạnh của những kẻ đói cơm, thiếu áo, đừng dùng tiền hữu dụng để làm chuyện tổn phước! Những kẻ si trong thế gian phần nhiều như thế đó! Mong rằng ông chẳng đến nỗi như vậy! Thà bị coi như thốt lời bậy bạ, nhưng chẳng thể không nói. Nếu vẫn thuận theo thói tục mà làm thì sai lầm quá rồi!

***

[1] Nguyên văn “lộng dẫn” (quà biếu). Do tiếp đó có câu “nếu chẳng thể miễn phí được” nên chúng tôi dịch theo ngữ cảnh là “tiền phòng hờ”.