Thư trả lời đại sư Thiện Giác

(Tháng Hai năm Dân Quốc 29 – 1940, đính kèm thư gởi đến)

Ấn Công lão pháp sư từ bi soi xét, ngưỡng mộ bậc Thái Sơn, Bắc Đẩu đã lâu, hận chưa thể đích thân hầu hạ. Đệ tử từ khi xuất gia đến nay đối với pháp môn Tịnh Độ sanh lòng tín nguyện sâu xa, hành trì theo pháp này kể ra cũng đã lâu rồi. Gần đây, do đọc cuốn Nghiên Cứu So Sánh Giữa Khoa Học Và Phật Pháp, [thấy trong tác phẩm ấy] nữ sĩ Lã Bích Thành gởi thư cho cư sĩ Vương Quý Đồng[1], nói: Trong bốn mươi tám nguyện có câu “chỉ trừ Ngũ Nghịch”, nhưng Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh lại chấp nhận cho kẻ Ngũ Nghịch được vãng sanh, [cho là hai kinh] mâu thuẫn lẫn nhau, lòng tin bèn lui sụt, ông Vương Quý Đồng trả lời chẳng thật tường tận. Đệ tử chướng nặng si nhiều, đối với điều này cũng sanh nghi hoặc sâu đậm, lại sợ người khác cũng sanh mối nghi này; vì thế, riêng dâng thư này, rạp mình khẩn cầu thầy từ bi thương xót, khai thị tường tận để đệ tử và hết thảy chúng sanh trong hiện tại, vị lai đều được trừ nghi sanh tín, cảm tạ khôn cùng. Thêm nữa, trong bốn mươi tám nguyện, phía sau câu “chỉ trừ Ngũ Nghịch” còn có bốn chữ “phỉ báng chánh pháp”, còn Quán Kinh không có, chẳng biết có phải là do bốn chữ này nên [hai kinh] chẳng mâu thuẫn lẫn nhau hay không?

 Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp, lợi ích khác biệt với những pháp môn thông thường rất lớn. Xưa nay có nhiều người cứ dựa theo những pháp môn phổ thông để luận định pháp môn Tịnh Độ; do vậy, tự lầm, lầm người, vẫn tự cho là mình đã hoằng pháp lợi sanh, nhiều không biết bao nhiêu mà kể! Điều lầm lẫn trước nhất là do chẳng suy xét sự lớn – nhỏ, khó – dễ giữa Phật lực và tự lực. Đối với pháp môn cậy vào Phật lực lại ương ngạnh muốn viện dẫn pháp môn cậy vào tự lực để biện luận nên mới bị lầm lạc như vậy. Nếu biết Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể dùng sức tu trì của kẻ phàm phu đầy dẫy triền phược để bình luận thì hết thảy những tâm nghi hoặc, chẳng tin đều tiêu tan hết.

Những câu “nãi chí thập niệm, hàm giai nhiếp thọ, duy trừ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp” (cho đến mười niệm đều được nhiếp thọ, chỉ trừ kẻ Ngũ Nghịch, phỉ báng chánh pháp) trong kinh Vô Lượng Thọ là luận theo lúc bình thường, chứ không luận trên lúc lâm chung. Do kẻ ấy đã có tội Ngũ Nghịch cực nặng, lại kèm thêm tà kiến sâu nặng, phỉ báng chánh pháp, cho rằng pháp “siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, và niệm Phật vãng sanh” do đức Phật đã nói đều là căn cứ để dụ dỗ, gạt gẫm ngu phu ngu phụ vâng thờ giáo pháp của Ngài, chứ thật ra chẳng hề có chuyện ấy; do có tội chướng cực nặng ấy, dẫu có thiện căn một niệm hay mười niệm, nhưng vì không có tâm hổ thẹn cùng cực, tin tưởng cùng cực nên chẳng thể vãng sanh được! Chương Hạ Hạ Phẩm trong Quán Kinh nói về những kẻ lúc sắp lâm chung, tướng địa ngục A Tỳ hiện, tuy [Quán kinh] chẳng nói [kẻ ấy] phỉ báng chánh pháp, nhưng đã là kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác, đầy đủ mọi điều bất thiện, ắt không thể nào chẳng phỉ báng chánh pháp! Nếu hoàn toàn không phỉ báng chánh pháp, sao lại có thể giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu được?

Thường có kẻ giải thích rằng trong trường hợp này (tức những kẻ được nói trong Quán Kinh) thì không báng chánh pháp, trong trường hợp kia (tức những kẻ được nói trong kinh Vô Lượng Thọ) là báng chánh pháp, [thoạt nghe qua] cũng rất có lý, nhưng đã không báng pháp, sao lại có thể làm ba sự đại nghịch ấy cho được? Do vậy, biết rằng: Bốn mươi tám nguyện là luận theo lúc bình thường, còn chương Hạ Hạ Phẩm của Quán Kinh luận theo lúc đã thấy tướng khổ cùng cực của địa ngục, kẻ ấy hoảng sợ không thể nào diễn tả được, vừa nghe danh hiệu Phật bèn xót xa cầu xin được cứu giúp, trọn chẳng có ý niệm nào khác, chỉ có ý niệm cầu Phật cứu độ, hộ niệm! Tuy là vừa nghe liền niệm, nhưng đã “toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm”, cho nên tuy chỉ mười niệm hoặc chỉ một niệm, vẫn được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh! Bốn mươi tám nguyện là luận theo lúc bình thường, chương Hạ Hạ Phẩm của Quán Kinh nói về lúc lâm chung. Do thời gian, sự việc khác biệt nên có sự nhiếp thọ hay không [nhiếp thọ] sai khác. Cho đó là mâu thuẫn, tức là trở thành gã si ngốc[2] vậy!

***

[1] Vương Quý Đồng (1875-1948) tự Tiểu Từ, là một cư sĩ kiêm khoa học gia, nguyên quán tại Vu Hồ, tỉnh An Huy, nhưng sống tại Tô Châu, được dạy dỗ theo truyền thống Nho Học, tốt nghiệp trường Đồng Văn Quán ở Bắc Kinh. Năm Quang Tự 28 (1903), ông hợp tác với Thái Nguyên Bồi và Uông Doãn Tông sáng lập tạp chí Nga Sự Cảnh Văn nhằm nêu rõ dã tâm xâm chiếm Trung Hoa của đế quốc Nga La Tư khi ấy. Cuối thời Quang Tự, ông Quý Đồng sang châu Âu du học, tốt nghiệp về ngành điện cơ tại Anh, từng học việc tại Đức, tham gia sáng chế máy biến áp đổi dòng điện xoay chiều thành một chiều, viết luận văn về đề tài tính toán thiết kế mạng lưới phân bố điện bằng tiếng Anh rất được giới khoa học châu Âu khen ngợi. Đầu thời Dân Quốc, ông về nước, làm việc trong viện khoa học Trung Quốc, từng dạy học tại đại học Bắc Kinh, là đồng sự của những người nổi danh thời ấy như Hồ Thích, Cổ Hồng Minh v.v… Sau đó, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong giới khoa học gia. Từ thời trẻ, ông Vương cho hết thảy tôn giáo đều là mê tín, mãi cho đến khoảng 30 tuổi, do nghe cư sĩ Dương Nhân Sơn giảng thuyết Phật pháp, mới chú tâm nghiên cứu Phật pháp, rồi đặc biệt ham thích Duy Thức và Nhân Minh Học. Đến tuổi trung niên, ông chuyên tâm khán thoại đầu của nhà Thiền, lập Phật đường trong nhà, mỗi ngày tọa thiền hết một cây hương. Ông cũng từng viết lời tựa cho các sách Duy Thức Nghiên Cứu của Châu Thúc Ca, Phật Pháp Đích Khoa Học Quan (Phật Pháp dưới cái nhìn khoa học) của Uông Trí Biểu và nhiều bài nghiên cứu về Phật pháp, chủ trương dùng những danh từ khoa học để diễn giảng Phật pháp, hòng chứng tỏ Phật pháp là một thứ siêu khoa học. Trước tác nổi tiếng nhất của ông chính là cuốn Nghiên Cứu So Sánh Giữa Khoa Học Và Phật Pháp.

[2] Nguyên văn “tạc tử mão tử hán”, là một thành ngữ của Thiểm Tây để chỉ kẻ si ngốc, khăng khăng cố chấp, không hiểu biết gì. Có thuyết giải thích từ ngữ này xuất phát từ câu chuyện có một gã khờ thấy một con thỏ chạy đâm vào gốc cây bị chết, bèn khoét lỗ nơi thân ấy, cứ đứng đợi mãi để chờ xem có con thỏ nào dại dột đâm đầu vào ấy chết hay không. Xin ghi lại lời giải thích này như một điều tồn nghi!