Thư trả lời cư sĩ Vương Hiểu Hy

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Thủy tai năm nay từ xưa đến nay chưa hề nghe thấy. Tiền đồ nguy hiểm vạn phần, nếu ông đắc thần thông của Đại Lạt Ma thì chẳng cần phải lo. Nếu không, hãy nên chí thành niệm Phật và niệm Quán Thế Âm để làm kế dự phòng. Một pháp Mật Tông thật sự chẳng thể nghĩ bàn, nhưng tiểu trượng phu dùng đến chưa chắc được lợi ích mà sẽ bị tổn hại trước. Xin đừng vói quá cao, may ra sẽ tự được lợi ích thật sự. Nếu không, hơi bị nguy hiểm đấy! Sư Hiển Ấm[1] được chân truyền của Mật Tông, lại thông hiểu [giáo nghĩa] tông Thiên Thai, đã là bậc Quán Đảnh Đại A-xà-lê hiển mật viên thông[2]. Phàm ai được thọ quán đảnh từ nơi sư đều có thể thành Phật ngay trong thân này, nhưng Hiển Ấm khi mất rất hồ đồ (Sư chết tại Cư Sĩ Lâm, một đệ tử đích thân chứng kiến), chú cũng chẳng niệm được, mà Phật cũng chẳng thể niệm, cho nên biết: Pháp ấy chẳng bằng pháp Niệm Phật ổn thỏa, thích đáng hơn nhiều!

***

[1] Hiển Ấm (1902-1925), pháp tự Đại Minh, người huyện Côn Minh, tỉnh Giang Tô, là đệ tử xuất gia của ngài Đế Nhàn. Thiên tư thông mẫn, thông suốt kinh tạng, văn chương lỗi lạc. Do có tài văn chương, Sư từng giữ các chức vụ biên tập các tờ nguyệt san của Cư Sĩ Lâm, đăng rất nhiều bài viết trên tờ Hải Triều Âm. Năm Dân Quốc 12 (1923), Sư vượt biển sang Nhật đến Thiên Đức Học Viện trên Cao Dã Sơn (Koyasan) để học Mật Tông và được truyền Quán Đảnh. Năm Dân Quốc 14, Sư trở về Hàng Châu truyền thọ Mật Pháp, nổi danh lừng lẫy. Tháng Năm cùng năm đó, Sư mất, chỉ hưởng thọ được 24 tuổi! Do quá thông minh, Sư thường có những bài viết đề xướng Mật Tông là pháp vô thượng, chê bai tất cả các pháp môn khác, cũng như nêu lên rất nhiều ý kiến cực đoan, võ đoán. Sư Đế Nhàn cũng không tán thành quan niệm của Hiển Ấm, nhưng không làm gì được!

[2] A Xà Lê (Acarya): Dịch nghĩa là Giáo Thọ, có nghĩa là vị thầy có đủ giới đức, hành vi đoan nghiêm có thể dạy dỗ học trò đúng khuôn phép. Trong Mật Tông, vị sư đầy đủ giới đức có sự hiểu biết uyên thâm về mật pháp, thông hiểu đàn pháp, ấn khế, đã được quán đảnh và tu trì, đủ tư cách để truyền dạy Mật Pháp cho người khác mới được gọi là A Xà Lê. Tiêu chuẩn để được xưng là A Xà Lê trong Mật Tông được giảng rất rõ trong phẩm A Xà Lê của kinh Tô Tất Địa. Theo đó, những điều kiện để xứng danh là một vị Mật Tông A Xà Lê rất khó và rất cao. “Hiển Mật viên thông” là Hiển giáo lẫn Mật giáo đều thông hiểu sâu xa, viên dung.