Thư trả lời cư sĩ Mẫn Tông Kinh

(năm Dân Quốc 20 – 1931. Ông này vốn có tên là Vĩnh Liêm)

Đọc thư ông gởi cho thầy Minh Đạo, biết rõ tấm lòng vì dân, vì pháp, khôn ngăn mừng rỡ, an ủi. Phàm khi phán xử kẻ phạm pháp, nên chiếu theo tội trạng và phải cân nhắc khả năng của hắn. Nếu hắn không có tài lực, phạt quá nặng thì hắn do trót sa chân sẽ vĩnh viễn không ngoi lên được[1], cũng chưa khỏi thương tổn đạo nghĩa [của một người] “làm cha mẹ của dân”. [Kẻ phạm tội] có tài lực thì [có thể phạt nặng] được, không có tài lực thì răn đe mà thôi, sao cho ổn thỏa đôi đàng. Còn về chuyện xoay hướng cửa chùa, dựng điện thờ khác, tượng đá của đức Bổn Sư trong điện cũ chẳng dời được, cần gì phải lo nghĩ? Chánh điện đã thờ Bổn Sư thì điện phụ há chẳng thể thờ Bổn Sư nữa hay sao? Cố nhiên, chẳng cần quá lo nghĩ về chuyện này! Ông đã từ chức, nếu cấp trên không bằng lòng thì cố nhiên nên sửa sang theo lề lối cũ, chỉ cần giữ sao cho giản dị, chất phác, đừng chuộng hoa mỹ. Chỉ mong mọi người thật lòng tin tưởng thật sự tu hành, chẳng cần phải lập bất cứ kiến trúc, hay bầy vẽ bất cứ quang cảnh nào.

Một pháp Tịnh Độ ai ai cũng tu được, hễ tu đều có cảm ứng. Người thời nay phần đông ham cao chuộng xa, đến nỗi có thể là vì bầy vẽ bề ngoài mà đâm ra gây trở ngại cho lợi ích thật sự. Con người bây giờ hễ ra công [tu hành] liền nói đến chuyện xây dựng trước, chẳng biết duyên do của Tịnh Độ, lại muốn nghiên cứu rộng khắp kinh luận Đại Thừa, hoặc hâm mộ sự huyền diệu của Thiền Tông, hoặc hâm mộ sự tinh vi của Tướng Tông, hoặc hâm mộ thần thông của Mật Tông, xem pháp “cậy vào Phật lực để liễu sanh tử” như chuyện vô ích. Thiền Tông dù có ngộ, nhưng ai đạt đến địa vị nghiệp tận tình không? Tướng Tông dẫu có thể nhớ rõ ràng danh tướng, nhưng ai có thể thật sự phá được Ngã Chấp và Pháp Chấp? Thần thông của Mật Tông và “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này) thì quả thật cũng có chuyện ấy, nhưng chẳng phải là chuyện để hạng căn tánh như ông và tôi mong mỏi được. Nếu muốn được thần thông, muốn được thành Phật ngay, thì do đấy bị ma dựa phát cuồng rất nhiều! Sư Hiển Ấm đã thông hiểu [giáo nghĩa] tông Thiên Thai lại được chân truyền của Mật Tông, đã là bậc Quán Đảnh Đại A-xà-lê. Phàm ai được ông ta quán đảnh đều có thể thành Phật ngay trong thân này. Đến lúc ông ta chết thì chú cũng chẳng niệm được, mà Phật cũng không niệm được. Trong lúc bình thường, qua ý tứ của những lời Sư nói, trong lòng Sư thường nghĩ ta là bậc Pháp Thân Đại Sĩ. Đến lúc lâm chung, còn thua bà cụ già một chữ không biết nhưng thật thà niệm Phật có thể an nhiên niệm Phật qua đời nhiều lắm!

Ở Thành Đô có Lưu X… lầm tưởng một người nữ đã chứng quả nên chỉ nghe lời một mình người nữ ấy. Hễ ai bài bác, liền tuyệt giao không gởi thư nữa. Một lạt-ma[2] ở Trùng Khánh nói là nương theo pháp của ông ta trong bảy ngày sẽ được vãng sanh. Hễ vãng sanh liền thành Phật, trọn chẳng cần phải tu tập nữa. Những thứ tri thức ấy nên kính nhi viễn chi, đừng thân cận ngõ hầu khỏi đến nỗi chưa được lợi ích ấy mà đã bị tổn hại trước! Nếu không, chỗ bị tổn hại là điều chắc chắn, còn chỗ lợi ích sợ rằng tại năm nảo năm nao! Nếu năm sau là năm nảo năm nao thì cũng còn may mắn lắm, sợ rằng năm sau cũng vẫn chưa phải, chắc sẽ đến nỗi tuyệt vọng!

***

[1] Nguyên văn “nhất quyết bất chấn” là một thành ngữ, ngụ ý: Do bị vấp ngã, phạm sai lầm một lần, không cách nào hồi phục được nữa.

[2] Lạt Ma là dịch âm của chữ Lama trong tiếng Tây Tạng. Lạt Ma có nghĩa là Thượng Sư, Thượng Nhân. Có lẽ đây là cách dịch chữ Uttara hoặc Guru của tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Thoạt đầu, tại Tây Tạng danh xưng này chỉ dùng để tôn xưng bậc Trưởng Lão hay Thượng Tọa trong nhà Phật, sau trở thành tiếng gọi chung các tăng lữ.