Thư trả lời một cư sĩ ở Diêu Duy

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Mỗi người nhập đạo đều có nhân duyên. Nếu duyên đã đến sẽ có sự cơ cảm mầu nhiệm không thể diễn tả được. Quang là một ông Tăng vụng về, yên phận, chỉ biết cơm cháo, xuất gia từ năm Quang Tự thứ bảy (1881) đến nay, chỉ muốn tự giải thoát mà thôi, trọn chẳng có một niệm dám có lòng tạo điều lợi cho người. Từ năm Quang Tự thứ mười chín (1893) đến Phổ Đà chẳng làm chuyện gì, chỉ làm một ông Tăng ăn cơm chùa Pháp Vũ. Nếu ngẫu nhiên được sai khiến làm chuyện gì dính đến bút mực, trọn chẳng dùng hai chữ Ấn Quang. Ngay cả chuyện do chính mình tự làm cũng dùng tên khác. Vì thế, hơn hai mươi năm khá được yên vui, suốt năm không một ai đến thăm, không một lá thư nào gởi đến.

Đến năm đầu Dân Quốc (1911), ông Cao Hạc Niên đem mấy bản thảo đăng trên Phật Học Tùng Báo, nhưng không dùng tên thật nên cũng không ai biết. Trong khoảng thời gian ấy, có một hai kẻ đa sự nghe ngóng. Đến năm Dân Quốc thứ năm (1916), ông Từ Úy Như đã biết tới, muốn gởi thư, cậy người bạn dọ ý, Quang chẳng bằng lòng. Đến năm Dân Quốc thứ sáu (1917), [ông Từ] đem ba lá thư của Quang gởi cho bè bạn in ra mấy ngàn bản để biếu tặng. Năm sau, lại sưu tập được hai ba chục lá thư, đem in ở Bắc Kinh, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao. Từ đấy, cái tên Ấn Quang thường trái tai gai mắt người ta, hạnh phúc tự tại trước kia hoàn toàn bị mất đi! Từ ấy, thư từ ngày một nhiều, thậm chí có tháng đến hơn trăm lá, nhưng Quang một mực chẳng muốn nhờ vả người khác, cứ bóc ra, viết, bỏ vào phong bì, dán lại, hoàn toàn tự làm. Huống chi lại còn chuyện tình nghĩa qua lại, cảm thấy khá khổ sở. Vì thế, năm trước đã chấp thuận lời thỉnh của mấy đệ tử ở Hương Cảng, quyết ý muốn đi qua đó, do ngôn ngữ chẳng thông, lánh mình nơi hải đảo hòng được yên vui cho xong kiếp thừa! Do Phổ Đà Sơn Chí chưa được biên soạn hoàn thành, bạn bè cực lực giữ lại, liền bế quan ở Tô Châu.

Năm ngoái, lo in riêng Lịch Sử Thống Kỷ bản Tăng Tu, nay đã in xong, chắc là ông đã thỉnh được rồi. Phổ Đà [Sơn] Chí sắp được in, khoảng chừng tháng Mười sẽ in xong. Hiện thời có sách Chánh Tín Lục đã in xong. Sách này đả phá tà kiến hẹp hòi, câu nệ. Nay lại còn in nguyên văn Tịnh Độ Thập Yếu, so với bản trích tuyển của Thành Thời đại sư[1] nhiều hơn hai phần năm, lại còn kèm thêm mấy bài văn quan trọng để bổ túc cho Thập Yếu rất nhiều. Ước chừng mùa Xuân năm sau sẽ in xong.

Quang bình sinh chất phác, giữ phận ngu, trọn chẳng dám ăn nói lớn lối phô trương rỗng tuếch để lầm mình, lầm người. Những gì được nói trong Văn Sao đều là những điều ai cũng có thể làm được, lại còn tự được lợi ích thật sự ngay trong đời này. Nếu ai chê Quang vô tri vô thức, chỉ đem chuyện ngu phu, ngu phụ [có thể] làm được để dạy người thì cũng chẳng tiếc! Nhưng có người cho là hợp với cơ nghi của chính mình, do đây sanh lòng tin tu trì, [những người như vậy] cũng chẳng thiếu.

Phải biết: Trong Phật pháp, pháp môn vô lượng, muốn nương theo [những pháp môn ấy] để tu trì hòng liễu sanh thoát tử, ắt phải đạt đến địa vị “nghiệp tận, tình không” thì mới được. Nếu không, có mộng cũng mộng chẳng được! Chỉ có pháp môn Tịnh Độ, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, lại thêm chí thành khẩn thiết niệm Phật bèn có thể nương theo Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Hễ được vãng sanh là đã liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Nếu chẳng nương vào pháp này, tu những pháp môn khác thì chắc chắn khó thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Đời này đã gặp được pháp này mà chẳng chú ý, tương lai há thể lại được gặp pháp này để liền chú ý tu trì hay sao? Do vậy, hãy nên sớm chú ý nơi pháp này.

Pháp môn Tịnh Độ chẳng trở ngại hết thảy sự vụ thế gian, chỉ cần ai nấy tận hết bổn phận, như cha từ, con hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tôi tớ trung thành là được rồi! Ông là kẻ tại gia, tu hành rất hợp, thường giữ tấm lòng “trừ bạo an lương” (trừ khử kẻ bạo tàn, khiến cho người lương thiện được an vui), coi nhân dân như người nhà của chính mình, coi binh sĩ như anh em của chính mình, ắt sẽ mong mỏi anh em bảo vệ người nhà. Hễ đi đến đâu đều răn nhắc binh sĩ giữ tấm lòng trung hậu, khoan thứ, chẳng được cướp bóc, gian dâm chút nào. Dẫu con người không biết, nhưng thiên địa quỷ thần ghi công chép tội! Hoặc trong đời này, hoặc trong đời sau, quyết định phải chịu quả báo thiện hay ác, quyết định chẳng thể “có nhân, không quả”!

Năm Dân Quốc thứ tám, thứ chín (1919-1920), một quân nhân họ Dương là người hết sức trung hậu, ưa điều thiện, làm sĩ quan trong quân đội trấn giữ Tung Huyện của đất Thiểm Tây, ăn chay trường, tụng thuộc lòng kinh Kim Cang, mỗi ngày niệm mấy biến. Trong quân ngũ mười năm, giao tranh hơn bốn trăm trận, khắp thân chưa hề mang một vết thương lớn hay nhỏ. Thoạt đầu, ông ta muốn xin giải ngũ; do Lưu Trấn Hoa, Hám Ngọc Côn đều là đồng hương, chẳng cho ông ta giải ngũ. Một năm nọ, do kéo quân sang Hà Nam đánh nhau với Triệu Thích[2], ông ta bèn đào ngũ. Từ đó triều bái Ngũ Đài, Nga Mi, Cửu Hoa, Phổ Đà. Đến Phổ Đà, ở chùa Pháp Vũ, trò chuyện cùng Quang về tâm hạnh của ông ta, tiếc là thiếu học vấn, chưa thể xiển dương đại pháp, tùy cơ lợi người.

Pháp niệm Phật thì trong Văn Sao đã có [giảng] cặn kẽ, ở đây không viết chi tiết nữa. Với quyến thuộc trong nhà đều nên dạy họ chí thành niệm Phật, lợi ích ấy lớn lắm. Đời có kẻ ngu chẳng biết vì sao Phật là Phật, thường chấp chết cứng lẽ cung kính, chẳng biết biến – thông, [chẳng hạn] như ăn mặn thì chẳng dám niệm. Lại như nữ nhân khi có kinh nguyệt hoặc sanh nở bèn chẳng dám niệm. Phải biết: Ăn chay là tốt nhất, nhưng ăn mặn cũng vẫn niệm được. Có kinh nguyệt thì thường rửa ráy sạch sẽ, đừng dùng tay bẩn chưa rửa chạm vào kinh, tượng và thắp hương v.v… Hễ rửa ráy sạch sẽ thì chẳng ngại gì. Nữ nhân khi sanh nở phải niệm “nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” ra tiếng, chắc chắn chẳng đến nỗi bị sanh khó. Dẫu bị sanh khó mà chịu chí thành niệm cũng chắc chắn sanh ngay. Điều này trước kia Quang không nói, sau này nghe rất nhiều người hoặc mấy ngày mới sanh được, hoặc phải mổ, hoặc do sanh nở mà chết, nên thường nói với hết thảy mọi người: Nếu khi sanh nở mà niệm thì không ai bị khó sanh!

Lúc bình thường ắt phải cung kính, khiết tịnh; lúc ấy lõa lồ bất tịnh vốn là chuyện bất đắc dĩ, [là chuyện] có liên quan đến tánh mạng. Chỉ cần trong tâm chí thành, chẳng cần phải luận trên hình tướng bề ngoài. Nếu là lúc bình thường, ắt cần phải mũ áo tề chỉnh, tay lẫn mặt đều sạch sẽ thì mới được niệm ra tiếng. Nếu không, chỉ niệm thầm trong tâm thì công đức vẫn giống hệt như vậy. Vì thế, lúc ngủ nghỉ, tắm rửa, tiêu tiểu, hoặc đến chỗ không sạch sẽ, đều niệm thầm trong tâm. Chỉ khi nữ nhân đang sanh nở thì cần phải niệm ra tiếng vì niệm trong tâm thì sức yếu, khó thể cảm thông. Nếu lại gắng sức, sợ bị thương tổn. Vì thế, nên niệm ra tiếng. Ông đã muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Tông Từ. Tông là chủ, lấy tâm từ bi làm chủ để làm chuyện tự lợi, lợi tha thì mới không uổng kiếp sống này, chẳng phí dịp gặp gỡ này.

Gần đây, người ta thường ưa ham cao chuộng xa, hơi thông minh bèn học Thiền Tông, Tướng Tông[3], Mật Tông, phần nhiều coi niệm Phật là vô dụng. Họ chỉ biết sự huyền diệu của cơ ngữ[4] nhà Thiền, sự tinh vi của pháp tướng trong Tướng Tông, oai thần rộng lớn của Mật Tông, nhưng chẳng biết: Thiền dẫu đạt đến địa vị đại triệt đại ngộ, nhưng nếu chưa hết sạch Phiền Hoặc thì vẫn sanh tử y như cũ, chẳng thể liễu thoát được! Với Tướng Tông thì nếu không phá sạch Ngã Chấp và Pháp Chấp, dù có hiểu rành rẽ đủ mọi danh tướng[5], cũng giống như “kể chuyện ăn, đếm của báu”, rốt cuộc có ích gì đâu! Với Mật Tông thì tuy nói là có thể “thành Phật ngay nơi thân hiện tại”, nhưng quyết chẳng phải là chuyện của hạng phàm phu sát đất có thể thành tựu được! Phàm phu lầm sanh ý tưởng ấy bèn bị ma dựa phát cuồng, mười người hết tám chín người [bị như vậy]. Do vậy, hãy nên chuyên chí vào một môn Niệm Phật là pháp tắc vô thượng bậc nhất ngàn phần ổn thỏa, vạn phần thích đáng vậy!

***

[1] Thành Thời (không rõ năm sinh, mất năm 1678), là cao tăng đời Minh, người huyện Hấp, Huy Châu, pháp hiệu Kiên Mật. Sư thuở nhỏ học Nho, xuất gia năm 28 tuổi. Thoạt đầu học Thiền và Giáo, sau y chỉ ngài Trí Húc Ngẫu Ích, sống trong Ngưỡng Sơn, các loài mãnh thú đều quy phục. Sư tự soạn Trai Thiên Pháp Nghi (nghi thức cúng dường chư Thiên). Về sau, Sư qua Giang Ninh trụ tích tại chùa Thiên Giới, hoằng dương Pháp Hoa, siêng tu Tịnh nghiệp. Công khóa mỗi ngày dù nóng hay lạnh, bận hay rảnh đều chẳng hề biếng trễ. Sư san khắc Tịnh Độ Thập Yếu cho lưu truyền rộng rãi, khuyên người thật tu, lại còn tự viết lời tựa. Sư thị tịch vào tháng Mười năm Khang Hy 70 (1678), không rõ tuổi thọ. Còn để lại những trước tác như Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sơ Tâm Tam Muội Môn, Thọ Trì Phật Thuyết A Di Đà Kinh Hạnh Nguyện Nghi…

[2] Triệu Thích là một gã quân phiệt thời Dân Quốc, chiếm lãnh tỉnh Hà Nam, tự xưng là Đốc Quân.

[3] Tướng Tông: Gọi đủ là Pháp Tướng Duy Thức Tông. Do tông này chú trọng nghiên cứu tướng trạng của các pháp, phân chia các trạng thái tâm thức tỉ mỉ, nên gọi là Tướng Tông.

[4] Cơ ngữ: Gọi tắt của cơ phong chuyển ngữ, tức những câu đối đáp thuận theo căn cơ, nhằm giúp cho người hỏi kiến tánh, chẳng hạn như “Phật là gì?” Thiền Sư bèn đáp “con mèo trèo lên cây cột”.

[5] Danh là tên gọi của sự vật, Tướng là hình trạng của sự vật. Dùng danh xưng để nêu rõ tướng trạng của sự vật nên gọi là “danh tướng”. Một cách giải thích khác: Những gì nghe được thì gọi là Danh, thấy được thì gọi là Tướng. Danh và Tướng đều không có thật thể, chỉ là giả lập để tiện giáo hóa.