Thư trả lời cư sĩ Ninh Đức Tấn

(năm Dân Quốc 20 – 1931, ông này vốn có tên là Chí Vũ)

Lễ Phật, Bồ Tát, trong tâm thầm niệm, hoặc xưng niệm ra tiếng đều được. Niệm Tâm Kinh trước hay sau kinh Di Đà cũng đều được. Vì mở đầu kinh bèn niệm “Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát” ba lượt cho nên niệm kinh Di Đà, chú Vãng Sanh xong rồi mới niệm Tâm Kinh. Chữ Đỏa (埵) đọc giống chữ Đóa (朵), Hoạch (獲) là được.

Vô Sanh Nhẫn là đối với hết thảy cảnh giới thiện – ác, phàm – thánh, trọn không có một niệm “sanh tâm động niệm có tướng để đạt được”. Kinh Kim Cang dạy: “Tam tâm liễu bất khả đắc, tức thị Vô Sanh Nhẫn” (ba tâm trọn chẳng thể được chính là Vô Sanh Nhẫn) chính là phần cước chú cho Vô Sanh Nhẫn. Cũng đừng nói “đối với hết thảy cảnh giới trọn chẳng có một niệm sanh tâm động niệm sẽ thành cây khô, tro lạnh”. [“Đối với hết thảy cảnh giới trọn chẳng có một niệm sanh tâm động niệm”] hàm ý: Vắng lặng bất động, giống như gương sáng trống không chẳng có vật gì, nhưng hễ cảm bèn thông, giống như gương sáng hễ có hình bèn hiện bóng. Ngay trong lúc có hình bèn hiện bóng ấy vẫn rỗng rang không có vật gì. Chỉ vì “rỗng rang không có vật gì” nên “hễ có hình liền hiện bóng”. Vô Sanh Nhẫn hơi giống như vậy, mong ông hãy khéo hiểu. Chứng được điều này sẽ dự vào địa vị Đại Bồ Tát, đây chẳng phải là điều ông và tôi có khả năng đạt được.

Nhiễu Phật nên giống như mặt trời, mặt trăng từ phương Đông sang Nam, qua Tây, lên Bắc, đừng từ Đông lên Bắc, qua Tây, xuống Nam, vì thuận nhiễu (nhiễu theo đúng chiều) có công đức, nghịch nhiễu mắc tội lỗi. Tây Vực coi trọng nhất cách “vi nhiễu” (đi nhiễu quanh), họ coi vi nhiễu tương đương với lễ bái, mang ý nghĩa tùy thuận đức Phật. Lúc niệm Phật bèn niệm Quán Âm luôn, không cần phải bắt đầu niệm bài Quán Âm Tán riêng. Niệm Phật hiệu xong liền niệm tiếp Quán Âm là được rồi. Đại Sĩ[1] chính là biệt hiệu của Bồ Tát, hết thảy Bồ Tát đều có thể gọi là Đại Sĩ, chứ không riêng gì đức Quán Âm.

Thường dạy bảo, trọn chẳng có ích gì! Thường có thể suy xét, thấu hiểu thì một câu cũng lợi ích có thừa; không thể suy xét, thấu hiểu thì đem kinh giáo trong Đại Tạng viết hết cả ra cũng vô ích! Tình thế bây giờ chẳng phải là tình thế như trước tháng Sáu năm nay. Giang Nam, Giang Bắc đều bị ngập lụt, nghe đau đớn cõi lòng! Thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra, hãy thường dạy người nhà cùng niệm Quán Âm để dự phòng vậy!

***

[1] Đại Sĩ chính là dịch nghĩa chữ Ma Ha Tát (Mahasattva). Theo Pháp Hoa Văn Cú, do Bồ Tát tự lợi lợi tha, có đại nguyện, đại hạnh, nên được xưng tụng là Đại Sĩ. Đôi khi, theo một số kinh, như trong Tạp A Hàm, quyển 48, chữ Đại Sĩ được dùng để dịch chữ Mahāpurusa (thường dịch là Vô Thượng Sĩ), nghĩa là bậc sĩ phu tối thắng, tức một trong mười tôn hiệu của đức Phật.