Thư trả lời cư sĩ Ngô Thương Châu (ba lá thư)

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

1) Bệnh dịch đang lan truyền, vợ con đều mắc bệnh, hãy dạy bọn họ ai nấy đều chí thành niệm Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nếu ông có thể niệm chú Đại Bi thì hãy gia trì nước Đại Bi cho họ uống, sẽ tự được lành bệnh, không cần phải miệt mài chữa trị. Những điều ông nói tợ hồ nắm được đại ý, nhưng chỉ là nói xuông, hoàn toàn chẳng dùng được mảy may gì! Phật pháp có vô lượng pháp môn, nhưng đều phải tu đến khi nghiệp tận tình không thì mới có thể liễu sanh thoát tử! Nếu không, dù có sở đắc, vẫn cứ y như cũ, chẳng làm gì được sanh tử! Như trong hiện thời, sợ rằng khắp cõi đời cũng khó được một hai người đạt đến địa vị nghiệp tận tình không! Chỉ có một pháp Niệm Phật nếu đầy đủ tín chân, nguyện thiết, chí thành niệm Phật cầu sanh Tây Phương, dù toàn thân là nghiệp lực, vẫn đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, ấy gọi là “đới nghiệp vãng sanh”. Hễ sanh về Tây Phương thì liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Vì thế, thiện tri thức đời Mạt phần nhiều đều chuyên chú Tịnh Độ; bởi lẽ Tịnh Độ thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít, đạt được hiệu quả nhanh chóng.

Thường có những kẻ thông minh, hơi hiểu giáo nghĩa, hoặc biết đôi chút lẽ Thiền, bèn tự cho mình là bậc thông suốt, miệt thị niệm Phật, cho niệm Phật là chuyện để bọn ngu phu, ngu phụ làm! Đấy đều là những kẻ chẳng biết tự xét, là hạng cuồng đồ, cứ tưởng “hiểu nghĩa lý theo văn tự chính là thật chứng”, chắc chắn là hạng “nói không, làm có”, dùng thân báng pháp, tương lai ắt đọa tam ác đạo, được những ngu phu, ngu phụ niệm Phật vãng sanh Tây Phương thương xót nhưng chẳng thể cứu vớt! Ông đã nguyện quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thương, ngụ ý: Đổi tên chẳng đổi thể[1], nhưng chữ Thương trước kia (tức chữ Thương trong tên thật) có nghĩa là cả mình lẫn người đều chìm đắm mênh mông, nay nương theo Phật pháp tu trì, liền trở thành cả mình lẫn người đều được lợi lạc mênh mông. Tuy cùng [có nghĩa] là mênh mông, nhưng sự khác biệt giữa nguyên do [của hai thứ] mênh mông ấy cố nhiên nào phải chỉ giống như [sự khác biệt] giữa trời với vực!

Phương pháp tu trì niệm Phật cùng với giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện v.v… thì Văn Sao, Gia Ngôn Lục đều đã nói đầy đủ cả rồi, ở đây không viết cặn kẽ. Đã thấy hình chụp của ông, còn hình chụp của Quang [dĩ nhiên là] chẳng có! Vì Quang một bề chẳng thích phô trương. Phàm những chuyện trình diễn, phô phang sáo rỗng đều chẳng thích làm. Ông nói xưa kia ở chỗ của Hám Sư Trưởng[2] tìm được tiểu sử của Quang, lời ấy cũng chẳng phải là chuyện thật. Ông Hám cố nhiên tin Phật, nhưng chưa từng hỏi Quang câu nào, e rằng ông ta nghe được mấy câu từ nơi Trần Đại Tâm, nhưng Quang một mực chẳng kể cùng người khác những chuyện trước kia. Những lời ông ta nói chắc là chuyện gần đây. Nếu là chuyện trước khi xuất gia thì đều là thêm thắt. Gần đây, do phát chẩn[3] [ông ta] đến thôn tôi thì những tiểu sử do người trong thôn chép lại cho ông ta cũng không đích xác, bởi Quang rời nhà đã năm mươi hai năm, những kẻ hậu sinh nghe nói lại chỉ biết được một hai chuyện. Ông ta bảo Quang bổ túc, Quang nại cớ kỳ chết đã gần, chẳng muốn lưu tiếng xuông cho đời nên chẳng bổ túc. Về sau, ông ta lại viết thư bảo bổ túc, Quang gởi cho ông ta một gói sách, nhưng vẫn chẳng trả lời thư ấy. Tôi nói với ông điều này vì ông nói là ông biết tiểu sử của Quang vậy.

2) Quý quyến đều chịu niệm Phật, có thể nói là xưa đã có duyên với Phật, cho nên mới được làm quyến thuộc với nhau. Ông nói chẳng bao lâu nữa sẽ cùng lệnh phu nhân đến đất Tô, trộm cho rằng không cần thiết. Nếu có thể chí thành khẩn thiết niệm Phật thì nào có thiếu sót gì! Dẫu không gặp Ấn Quang cũng hoàn toàn chẳng mất mát gì cả! Dẫu gặp mặt, ngoài Văn Sao ra, há còn có diệu pháp “khẩu truyền, ngầm trao” nào nữa ư? Nếu thật sự có diệu pháp “khẩu truyền, ngầm trao” thì kẻ ấy chính là ma vương, ngoại đạo, nên tránh xa còn không kịp, huống là lại muốn cầu pháp đó nơi kẻ ấy ư? Huống chi, nay đang lúc đói kém, nếu những người chủ chốt trong nhà đều đi xa mấy ngày, rất có thể kẻ nhỏ nhen, tệ hại sẽ thừa cơ trộm cắp. Nếu vạn nhất có chuyện ấy, chẳng những vợ chồng ông bị người ta chê là mê tín, mà người ta còn nói Quang thiếu đức khiến cho người khác mắc họa! Cư sĩ Triệu Vân Bằng quy y với pháp sư Ứng Từ[4], cực hay, cực tốt; cần gì phải quy y với Quang nữa? Nếu cứ nhất quyết muốn quy y, nào có danh hay không danh để nói đây? Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), ông Từ Úy Như và Quang chưa từng gặp mặt lần nào, nhưng do trong năm đầu Dân Quốc (1911) thấy Phật Học Tùng Báo đăng tải mấy bài của Thường Tàm (đây không phải là tên tôi, chỉ là tên tùy tiện dùng vì chẳng muốn người khác biết tên vậy), chẳng biết là Tăng hay tục, nên thường nghe ngóng. Đến năm Dân Quốc thứ năm (1916), đã nghe biết được rồi, bèn cậy bạn ngỏ lời muốn thư từ qua lại thưa hỏi, Quang cự tuyệt không bằng lòng. Đến năm Dân Quốc thứ bảy (1918), đem hơn hai mươi thiên văn sao in thành sách. Ông ta theo mẹ đến Phổ Đà, xin quy y, Quang dạy ông ta quy y với ngài Đế Nhàn (ông ta rời núi, bèn thỉnh pháp sư Đế Nhàn lên kinh đô giảng kinh). Năm Dân Quốc 17 (1928) gởi thư đến nói: “Trước kia con muốn quy y, thầy dạy quy y với ngài Đế Nhàn, mười năm qua trong lòng vẫn trọn cảm thấy không thỏa ý, vẫn xin thầy chấp nhận cho con quy y”. Quang trả lời ông ta: “Ông quyết ý muốn quy y, thôi thì cũng được, nhưng pháp danh thì vẫn dùng pháp danh do ngài Đế Nhàn đã đặt[5], cần gì phải đặt pháp danh khác?’

Ông Triệu đã quy y với sư Ứng Từ, nếu vẫn muốn thờ Quang làm thầy thì hãy nên luận theo phương pháp tu trì Quang đã nói, chứ đừng luận trên pháp danh! Pháp được thầy Ứng nói chính là pháp Đại Thừa, còn pháp Quang đã nói chẳng phải Đại, chẳng phải Tiểu, vừa là Đại, vừa là Tiểu, là pháp mà trên đến Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến phàm phu sát đất đều cùng tu cùng chứng, cố nhiên phải nên chú trọng pháp này. Nếu hời hợt coi nó giống như hết thảy các pháp Đại Thừa thì chuyện liễu sanh thoát tử chắc là lâu lắc lắm! Ông nói “vứt bỏ hết để được độ thoát”, xét đến cùng là chỉ lợi ích cho một người, là mặc kệ ba đứa con. Vì thế, hãy nên thong thả đã!

3) Phàm phu chưa từng đích thân chứng được Phật Tánh, tất cả công đức của Tự Tánh hoàn toàn chẳng được phát hiện và thọ dụng, nên hết thảy phải thuận theo nghiệp. Cái sắc thân trong đời hiện tại gọi là Báo Thân, tức là quả báo của những điều thiện hay ác đã tạo trong đời trước. Người niệm Phật tuy không còn tạo nghiệp sanh tử nữa, nhưng túc nghiệp chưa hết, làm sao có thể được vãng sanh ngay lập tức? Nếu tâm nhàm chán thế gian thiết tha, kiệt lòng thành, tận lòng kính, chuyên chí niệm Phật, cầu Phật rủ lòng từ sớm đến tiếp dẫn thì cũng có người [sớm được vãng sanh]! Nếu tự hủy hoại mạng sống để mong vãng sanh liền thành uổng tử quỷ (quỷ chết oan)! Do người ấy công phu chưa đạt mà tự hủy mạng thì khi đang hủy mạng, tâm đã mất chánh niệm, huống chi nỗi khổ do tự hủy mạng không thể thí dụ được! Tâm mất chánh niệm thì làm sao tương ứng với Phật, được Phật tiếp dẫn? Thứ tà kiến này tự lầm, lầm người, gây hại tột bực! Chớ nói lời ấy để kẻ vô tri khỏi bị hại!

Người có quyền lực thì cứu người cứu đời dễ dàng, mà hại người hại đời cũng dễ lắm! Nếu dùng quyền lực có được do hại người hại đời để mong cứu người cứu đời thì dĩ nhiên chẳng bằng dốc lòng từ thiện, tùy phận tùy sức để cứu người cứu đời, sẽ có ích, không bị tổn hại! Nếu hâm mộ quyền lực, muốn có quyền lực để cứu người cứu đời, xin hãy suy xét kỹ: Có thể nào đạt được quyền lực lớn lao ấy mà không phải trả giá hay chăng? Nếu tâm chân thật tu hành, dù không có quyền lực vẫn có thể cứu người, cứu đời, chỉ không thể rộng lớn như [người] có quyền lực mà thôi! Nếu có quyền lực lại có thể làm chuyện cứu người, cứu đời, chỉ muốn chuyên chú nơi đạo, chẳng tạo ác nghiệp thì hiện nay không có hạng người ấy đâu! Phú quý làm cho con người mê hoặc đáng sợ vô cùng! Người bình thường nếu tiền chuyển giao qua tay, tuy còn chưa phải là vật của chính mình, mà tâm niệm đã biến đổi, làm các điều ác, huống chi thật sự có quyền lớn lao mà tâm chẳng thay đổi thì có được mấy ai? Chớ nên hiểu lầm thì chính mình may mắn lắm, mà Phật pháp cũng may mắn lắm vậy!

***

[1] Vị cư sĩ này tên là Thương Châu, Tổ dùng ngay chữ Thương trong tên để đặt pháp danh nên nói: “Đổi tên chẳng đổi thể”.

[2] Hám Sư Trưởng ở đây chính là ông Hám Ngọc Côn, người cầm đầu sư đoàn trấn giữ Tung Huyện ở Thiểm Tây (đoàn quân này thường được gọi tắt là Trấn Tung Quân).

[3] Phát chẩn: Đi cứu trợ, tặng phẩm vật cứu tế cho nạn nhân thiên tai, chiến cuộc.

[4] Pháp sư Ứng Từ (1873-1965), quê ở tỉnh An Huy, pháp tự Hiển Thân. Năm Quang Tự 24 (1898), xuất gia tại Tam Thánh Am ở Nam Kinh. Bốn năm sau thọ Cụ Túc Giới tại chùa Thiên Đồng ở Triết Giang do ngài Bát Chỉ Đầu Đà làm Hòa Thượng Truyền Giới. Sau Sư theo học với ngài Dã Khai ở chùa Thiên Ninh. Năm Quang Tự 34 (1908), cùng với Nguyệt Hạ pháp sư được truyền pháp bởi Dã Khai Hòa Thượng. Về sau, Sư được ngài Nguyệt Hạ giao nhiệm vụ lãnh đạo Pháp Giới Học Viện. Năm Dân Quốc 12 (1923), Sư yểm quan tại chùa Bồ Đề ở Hàng Châu, không lâu sau đứng ra mở Thanh Lương Học Viện. Sư suốt đời lấy việc hoằng dương kinh Hoa Nghiêm làm chí nguyện, lấy Thiền làm tâm tông, đề xướng khắc in ba thứ bản dịch kinh Hoa Nghiêm cũng như các tác phẩm chú giải kinh Hoa Nghiêm như Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương của ngài Pháp Tạng, Hoa Nghiêm Đại Sớ Diễn Nghĩa Sao của ngài Trừng Quán, và các bản sớ giải của kinh Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Lăng Già v.v… Sư thị tịch năm Dân Quốc 54 (1965) tại Thượng Hải, thọ 93 tuổi. Khi Tổ Ấn Quang viết lá thư này thì pháp sư Ứng Từ đã 58 tuổi.

[5] Ông Từ Úy Như tên thật là Văn Úy, Úy Như là pháp danh do pháp sư Đế Nhàn đặt cho ông.