Thư trả lời các cư sĩ Lưu Hán Vân và Dương Huệ Xương

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Gặp phải lúc tai nạn lớn lao xảy ra này, nên tùy theo sức mình lập cách cứu tế hòng trọn hết thiên chức của chính mình thì lợi ích lớn lắm. Quang một mực chẳng làm gì, phàm tất cả những tiền của được [người khác] bố thí đều đem in sách, hoặc dùng để cứu trợ tai ương. Tháng Sáu năm nay, Hán Khẩu xảy ra thủy tai trước tiên, thầy Minh Đạo lên Thượng Hải, thay mặt quyên tặng một trăm đồng. Về sau, nước càng dâng cao, lại quyên tặng một trăm đồng nữa. Một đệ tử do vùng Vu Hồ bị thủy tai, gởi thư [xin Quang đứng ra tổ chức] lạc quyên cứu trợ. Quang trả lời ông ta: Quang một mực không quyên mộ, huống gì đang lúc bế quan, ông đã nguyện mỗi năm cho tôi hai trăm đồng để làm tiền chi dụng, xin hãy đem món tiền ấy cứu trợ, sau này vĩnh viễn không cần phải cho tiền tôi nữa! Tùy ông quyên tặng hai trăm cũng được, mà bốn trăm, sáu trăm, tám trăm hay một ngàn cũng được hết. Sau đấy, một đệ tử là ông Tào Tung Kiều lên Giang Bắc cứu trợ tai ương, đánh điện khuyên Quang đóng góp, Quang gởi một ngàn tiền in sách để cứu trợ. Ông Cao Hạc Niên gởi thư xin cứu trợ tai nạn, Quang sai người giao cho ông ta hai trăm ba mươi đồng. Năm nay đã đóng góp cứu trợ tai ương như thế, Quang nói lời này không phải là tự khoe công, mà là muốn cho các vị đều cùng phát tâm, tùy phận tùy sức cứu tế. Có sức ra sức, không có sức thì dùng lời nói khuyên người có sức, đấy cũng là chuyện tốt lành.

Lại nữa, nữ nhân hiện thời, đồ trang sức trên đầu, xuyến đeo tay, hoa tai, nhẫn đều chớ nên đeo, hễ đeo sẽ chuốc họa. Nếu để lại cho con cái sẽ gieo họa cho con cái. Nếu chết đi chôn theo ắt sẽ gặp nông nỗi đào mồ lộ thây, nhục lắm! Nếu chịu [đem những món trang sức ấy] cứu trợ tai nạn thì chính là “đưa họa đi, đón phước tới” vậy. Xin hãy bày tỏ ý nghĩa này với hết thảy mọi người. Nếu hàng phụ nữ chịu bố thí như vậy thì khoản tiền ấy lớn lắm. Đừng cho lời tôi là viễn vông, mà đây là lời chí lý chí tình. Những người giàu có ở Cao Bưu, Thiệu Bá[1] trước kia có lúc nào chẳng nghĩ đến con cháu, chẳng chịu [bố thí] cứu tế chút nào, nước lũ dâng lên, nhà cửa, đồ đạc, người nhà đều tan đàn xẻ nghé, mười phần chẳng còn được một! Mỗi thôn mấy chục nhà tìm một cái nồi, một cái lò cũng không ra. Ông Tào Tung Kiều ở Dương Châu mua nồi, bếp, gạo, củi, cứ mấy chục nhà biếu một cái nồi, dùng thuyền to chở đến. Trong mỗi thôn dùng thuyền nhỏ để đưa tới. Nói đến [chuyện này] khiến người ta rơi nước mắt. Có nhà chưa sập thì rắn lẫn rết đều cuộn đầy bên trên, người ta có muốn vào nhà cũng chẳng dám vào. Trên cây cũng vậy, đáng thương vô cùng! Nếu những phụ nữ vẫn muốn giữ những vật chuốc họa, chẳng chịu dùng để cứu tế, e rằng đời sau họ cũng gặp phải tai họa này, không có ai chịu cứu vớt!

***

[1] Cao Bưu, Thiệu Bá đều là những thành phố nằm ở phía Nam Trường Giang (sông Dương Tử), thuộc địa phận tỉnh Giang Tô.