Thư trả lời cư sĩ Lý Viên Tịnh

(thư thứ nhất)

Nhận được thư khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Phương cách biên soạn tác phẩm lớn lao[1] như ông đã trình bày cho thấy ông trống lòng, chẳng ỷ vào ý kiến của chính mình, tôi hết sức khâm phục! Những kẻ hoằng pháp hiện thời thường muốn dẫn dắt người khác vào trong Phật pháp, nhưng trước hết chính mình đã phải chiều theo [ý thích] của người ta để làm thì đại thể đã mất[2], làm sao có thể khiến cho người khác trọng pháp được? Thoạt đầu các hạ phỏng theo cách thức mới, nay vẫn muốn khiến cho đại chúng chẳng giẫm theo thói tệ khinh pháp, đáng gọi là “thật sự thấu hiểu thể thống hoằng pháp”.

Còn như Ấn Quang Văn Sao thì quả thật văn chương chất phác, kém cỏi khó thể chịu đựng được, nhưng đối với kẻ sơ cơ cũng chẳng phải là không tạo được lợi ích nhỏ nhặt. Do vậy, suốt mấy năm qua, đã được sắp xếp ấn hành năm lần: Khắc ván một lần, [bản khắc ấy] hiện còn giữ tại Dương Châu; Từ Úy Như in hai lần ở Bắc Kinh, in một lần tại Thượng Hải. Trước kia Quang in một lần, nay lại in một lần nữa. Trong tháng Tư sẽ có thể ra sách; in ra được mấy vạn. Bản in lần này nhiều hơn lần trước một trăm hai mươi trang, đặt tên là Tăng Quảng Ấn Quang Văn Sao. Thường có người gởi thư yêu cầu, đủ biết phần nhiều kẻ sơ cơ phát tâm chẳng vì văn chương chất phác kém cỏi mà chê bỏ.

Các hạ lại chọn lấy những điều trọng yếu, phân môn chia loại để lưu truyền, so với trọn bộ sách sẽ tốn kém ít hơn mà lợi ích nhiều hơn, quả thật là công đức chẳng thể nghĩ bàn! Lúc Quang mới xuất gia, thấy các tri thức dạy người khác tu trì, trọn chẳng nhắc đến những chuyện nhân quả, luân thường v.v… đến nỗi có kẻ tu trì khá tốt đẹp, nhưng đối với luân thường chẳng thể nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình; do vậy đã khiến cho những kẻ chẳng biết đến chân lý Phật pháp phần nhiều dấy lòng báng bổ! Quang ôm ấp ý nguyện uốn nắn thói tệ ấy đã lâu. Vì vậy, trong hết thảy những bài viết lách đều nhắc đi nhắc lại. Nếu các hạ chẳng cho những gì tôi đã nói là thừa thãi, có lẽ nên sao lục [những lời đó] để giúp vãn hồi thế đạo nhân tâm.

Các hạ chưa đầy ba mươi tuổi mà đã hiện tướng suy yếu, cố nhiên hãy nên bỏ [cái học] rộng rãi để giữ lấy chỗ ước lược, hãy chuyên tu Tịnh nghiệp. Khi Tịnh nghiệp đã thành tựu lớn lao rồi, sẽ hoằng dương các pháp khác ngõ hầu thật sự tự lợi, lợi tha. Nếu không, tuy có thể lợi người, nhưng [những pháp ấy] vẫn chưa phải là đạo rốt ráo để được thoát sanh tử ngay trong đời này mà đối với chuyện thuộc về bổn phận của chính mình thì chưa thể đoạn sạch Phiền Hoặc để liễu sanh tử.

Lại do chưa hoàn toàn chuyên chí nơi Tịnh nghiệp, chắc sẽ nương vào giáo nghĩa theo đường lối thường rồi nghi ngờ pháp môn đặc biệt. Nếu vậy, sẽ không thể nhờ vào Phật từ lực để đới nghiệp vãng sanh được đâu! Tuy đã gieo thiện căn, nhưng vẫn là chén bát chưa nung, hễ gặp trận mưa tái sanh ắt bị hư nát, đáng tiếc lắm thay! Sư Hiển Ấm sẵn lòng đại từ bi, đặc biệt sợ bọn thanh niên thông minh sẵn có huệ căn bị mất đại lợi ích, nên hiện ra tướng trạng đáng để dè dặt, răn nhắc[3] ấy! Điều ấy chưa bao giờ không phải là khai thị chân thật để sâu xa khuyên nhủ các hạ tận lực tu trì Tịnh nghiệp vậy!

(thư thứ hai)

Nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Bản biên tập này của các hạ đúng là mày – mắt rành mạch, lợi người nhiều lắm! Trộm nghĩ: Những đoạn được trích lục trong bộ sách này đều lấy từ phần Thư Từ, nhưng ngay trong những phần Luận, Sớ, Tựa, Bạt v.v… cũng có [những đoạn] có thể trích lục; chứ không phải là thư từ thì trích lục được, còn những phần khác đều chẳng nên trích lục!

Hơn nữa, cuốn sách này vốn là sách trích lục, cố nhiên chẳng cần phải sợ bị phạm lỗi “cắt xén chương đoạn để chọn lấy nghĩa”; nhưng trong thời thế hiện tại, càng phải nên chú trọng nhân quả, thành kính, luân thường, coi đó là nhiệm vụ trọng yếu để cứu quốc, cứu dân, hoằng pháp lợi sanh. Phàm những đoạn văn nào liên quan đến những ý nghĩa ấy có lẽ nên thu thập cho nhiều.

Ông lập ra mười khoa, khá là thông suốt. Đôi khi có những chỗ câu chữ không đều và những chữ không trôi chảy rõ ràng cho lắm; do vậy tôi bèn liệt kê [mười khoa ấy] như sau:

1) Tán Tịnh Độ siêu thắng (khen ngợi Tịnh Độ siêu việt, thù thắng)

2) Giới tín nguyện chân thiết (răn nhắc tín nguyện phải chân thật, thiết tha)

3) Thị tu trì phương pháp (dạy về phương pháp tu trì)

4) Luận sanh tử đại sự (bàn về đại sự sanh tử)

5) Miễn cư tâm thành kính (gắng giữ lòng thành kính)

6) Khuyến chú trọng nhân quả (khuyên chú trọng nhân quả)

7) Phân Thiền Tịnh giới hạn (phân định giới hạn giữa Thiền và Tịnh)

8) Thích phổ thông nghi hoặc (cởi gỡ những ngờ vực phổ biến)

9) Dụ tại gia thiện tín (khuyên nhủ hàng thiện tín tại gia)

10) Tiêu ưng độc điển tịch (liệt kê những kinh sách nên đọc).

Xin ông hãy cân nhắc!

(thư thứ ba)

Quang thường nói: “Giáo dục trong gia đình chính là cái gốc để trị an. Nhân quả báo ứng chính là pháp để chế ngự cái tâm!” Trong gia đình, sự dạy dỗ của mẹ là trọng yếu. Nếu có mẹ hiền, trong thuở thơ ấu con cái lại thường được giảng giải về nhân quả thì khi những đứa con ấy lớn khôn chắc chắn sẽ chẳng đến nỗi làm những chuyện nghịch trời tổn đức v.v… Tiếc cho những người hướng dẫn đề xướng dù tại gia hay xuất gia đều chẳng chú ý tới chuyện này, đáng than lắm!

Ngày hôm qua đã dán thư xong, khi bưu tá đến đây thì lại giao tiếp một lá thư khác. Do vậy, gắng gượng viết bài đề từ gồm bốn mươi vần; chỉ vì tôi trọn chẳng làm thơ nên dùng chữ phần nhiều khiên cưỡng, xin hãy sửa chữa. Bài Lâm Chung Châu Tiếp Yếu Ngữ (những lời lẽ quan trọng dùng làm mái chèo cho chiếc thuyền [vượt biển sanh tử] lúc lâm chung) được lưu truyền đã lâu, có khá nhiều chỗ bị sai ngoa. Đối với những chỗ ý nghĩa chẳng trọn vẹn trong phần này, tôi đều tự tiện bổ túc. Phần luận kệ ở phía sau, Quang từng thấy luôn luôn có, chẳng biết do ý gì ông lại lược bỏ đến nỗi lời lẽ trở thành thiếu căn cứ? Mà đáng tiếc là phần nguyên văn cũng không nêu ra tên của bài luận ấy. Xin ông hãy cân nhắc!

Thêm nữa, bài kệ ấy sợ là do noi theo Du Già Luận[4] mà soạn ra. [Tựa đề] Lâm Chung Châu Tiếp chỉ cần [viết] thấp xuống một chữ. Hai chữ Yếu Ngữ (lời nói quan trọng) có lẽ nên bỏ đi và vẫn dùng cùng một cỡ chữ bởi chữ nhỏ hơn thì người già xem sách sẽ phải tốn nhiều công. Phía trên tựa đề nên thêm hai chữ Phụ Lục thì chánh – phụ sẽ rõ ràng.

Hiện thời do chiến sự chẳng thể gởi giấy tới được. An Sĩ Toàn Thư, Văn Sao trong nhất thời đều chẳng thể in ra được. Xin hãy biên soạn thong thả, đừng gấp rút thì người đỡ tốn sức mà chuyện lại được thong dong. Đối với những sách do Quang đã in đều cho làm bốn bức Chỉ Bản. Nếu cuốn sách này sắp chữ xong, cũng nên làm ra nhiều Chỉ Bản để tốn công một lúc, nhàn nhã lâu dài!

(thư thứ tư)

Hôm qua tôi đã duyệt Gia Ngôn Lục được một nửa, hôm nay sẽ duyệt xong, nhưng vẫn phải đọc kỹ, cũng như tìm cách để mong đỡ mỏi mắt. Những chữ sai trong ấy đều ghi ra thành một bản gởi đi để làm căn cứ sửa đổi cho đúng khi tái bản. Trong bản giảo chánh của Quang đã nêu ra cặn kẽ [từng chỗ sai sót] nhằm dùng làm bản mẫu để sắp chữ [khi tái bản]. Trong tương lai, chuyện giảo đối sẽ do Quang tự đảm nhiệm. Trần Thái Thái đã chịu tiền sắp chữ, tiền làm Chỉ Bản và tiền in một ngàn bộ, như vậy là đỡ tốn công nhiều lắm. Tôi sẽ bảo ấn quán khi in xong một vạn bộ Văn Sao sẽ in cuốn sách này trước. Vẫn sợ là trong khoảng tháng Mười Một, tháng Chạp mới ra sách được. Quang ở đây chờ cư sĩ Tôn Hậu Tải, đợi ông ta đến rồi mới trở về đất Hỗ được!

(thư thứ năm)

Hôm qua nhận được thư, tâm hết sức vui mừng, an ủi. Khi trước nghe nói chiến sự nổ ra tại Thượng Hải, tôi nghĩ Tam Bảo gia bị, chắc [gia đình ông] sẽ chẳng đến nỗi bị nguy hiểm. Nay biết trong lúc ông không trốn tránh được thì Viên Minh lại dám đem xe hơi đến đón mà lính Nhật cũng chẳng làm điều hung ác, Bồ Tát cứu khổ cứu nạn quả thật chẳng thể nghĩ bàn thấu suốt được! Xin hãy khuyên hết thảy mọi người cùng niệm Quán Âm để mong Bồ Tát gia bị khiến cho thủ lãnh quân Nhật ngưng diệt ác tâm lẫn độc tâm thì chiến sự sẽ tự ngưng dứt. Đừng nên đem lòng ác nguyền rủa [quân Nhật] bởi chẳng khế hợp với tâm đại bi bình đẳng của Bồ Tát vậy. (Ngày mồng Chín tháng Giêng năm Nhâm Thân – 1932)

***

[1] Tức cuốn Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục do Lý Viên Tịnh biên soạn.

[2] Ở chỗ này nếu không chú ý sẽ dễ hiểu lầm ý Tổ nên chúng tôi xin mạn phép giải thích thô thiển như sau: Để hoằng pháp hữu hiệu, người đứng ra hoằng pháp đừng cậy theo thiên kiến của chính mình, mà phải quán sát thời cơ, căn tánh của đại chúng đương thời để hoằng dương đúng pháp sao cho giản tiện, thiết thực, đừng bày vẽ những chuyện lập dị, phô trương; chẳng hạn tu Tịnh Độ mà chuyên chú trọng thấy tướng hảo, cầu thần thông, hoặc xen tạp thật nhiều Mật chú nhằm phô trương thần thông, kiến thức, hoặc áp dụng phương cách tọa thiền để trì danh, hoặc mong được người khác ca ngợi, cầu sau khi chết sẽ lưu lại xá-lợi, hoặc khoe khoang, bịa đặt cảnh giới chứng đắc, quên bẵng mục đích chính là cầu được vãng sanh, khiến cho Tăng – tục không thể chuyên tu. Tiếp đó, khi hoằng pháp phải tỉnh táo noi theo đúng chương trình ban đầu, đừng vì nể nang hay tài lợi mà chiều theo ý thích của một số đàn-na thí chủ sẵn tiền bạc để rồi sửa đổi chương trình theo đúng ý những người ấy, không quan tâm đến chương trình tu tập có thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho những người khác hay không. Do người có tiền, có thế lực có thể chi phối đạo tràng thì làm sao họ còn tôn trọng pháp sư, tôn trọng pháp được hoằng dương bởi pháp sư hay thiện tri thức nữa!

[3] Sư Hiển Ấm là đệ tử của pháp sư Đế Nhàn, cực thông minh, chưa đầy hai mươi tuổi đã thông thạo giáo nghĩa tông Thiên Thai, qua Nhật học Mật Tông, sau ba năm đã thấu hiểu giáo nghĩa Mật Tông. Do quá thông minh nên đâm ra ngạo nghễ, thường viết những bài gởi đăng trên tờ Hải Triều Âm đề cao Mật Tông, cho rằng các tông phái khác đều là thấp kém, và chỉ có mình mới hiểu đúng Mật Tông. Khi Sư trở về nước, đến gặp thầy với vẻ hiu hiu tự đắc. Pháp sư Đế Nhàn từ bi khuyên Hiển Ấm nên ẩn cư hàm dưỡng cho sâu dầy rồi mới ra hoằng pháp để tránh va vấp, nhưng Hiển Ấm lại tưởng lầm thầy mình đố kỵ, cố tình chèn ép, nên đau bực đến nỗi ngã bệnh. Trong khi bị bệnh vẫn dùng thế trí biện thông để tranh biện với những ai vấn nạn nên cuối cùng đã phải kiệt sức chết khi chưa đầy 24 tuổi. Khi mất, Sư thần trí mê loạn, không niệm Phật mà cũng không trì chú được nên rất khó thể khỏi bị đọa.

[4] Du Già Luận có tên đầy đủ là Du Già Sư Địa Luận (Yogacārabhūmi) do Bồ Tát Di Lặc giảng, ngài Vô Trước ghi lại, ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán. Đây là một trong những bộ luận căn bản của tông Duy Thức, mà cũng là một bộ luận quan trọng cho những ai nghiên cứu giáo nghĩa Đại Thừa. Bộ luận này giảng cặn kẽ về Du Già Hạnh quán pháp, chủ trương đối tượng khách quan và tâm thức căn bản của nhân loại (A Lại Da Thức) đều là những hiện tượng giả hiện; cho nên phải xa lìa những quan niệm đối đãi Có và Không, tồn tại – bất tồn tại v.v… để có thể ngộ nhập Trung Đạo.