Thư trả lời cư sĩ Đồng Ảnh

Trong tháng Chín tôi nhận được thư do anh của ông gởi, nói ông bị bệnh, tâm chí bất định: Hoặc là gấp muốn được trị bệnh giống như không rảnh rỗi để chờ đợi nữa, hoặc thầy thuốc đến kê toa nhưng không chịu uống, hoặc mời cả hai thầy thuốc v.v… thật giống như tánh tình của con nít! Cầu thầy trị bệnh kiểu đó sẽ càng bệnh thêm; làm sao lành bệnh cho được? Bởi lẽ, tâm niệm nóng nảy bộp chộp là tự mình tăng thêm bệnh. Cắt thuốc loạn xạ là thầy thuốc tăng thêm bệnh. Ông phát tâm muốn xuất gia tu hành, giải quyết cho xong đại sự sanh tử, nhưng thái độ phú quý kiêu căng ấy chưa bỏ được mảy may nào, khi xuất gia lỡ bị bệnh ắt sẽ chết gấp! Ông có tánh kiêu ngạo ấy, mà còn có thể cam chịu sự yên tĩnh, đạm bạc, xem thân này như thứ thừa thãi được ư?

Hơn nữa, người học đạo hễ gặp những chuyện chẳng như ý chỉ nên coi chúng như những cơ hội để hướng đến đạo. Cảnh nghịch xảy tới bèn thuận chịu, dẫu có gặp chuyện nguy hiểm gì đi nữa thì trong lúc ấy sẽ chẳng đến nỗi kinh hãi tới mức hoảng loạn, quýnh quíu! Chuyện gì đã qua thì lòng cũng chẳng bận tâm tới nữa, coi như giấc mộng đêm qua; há nên thường giữ mãi trong tâm đến nỗi tạo thành căn bệnh ngực đập như trống làng? Ông đã muốn tu hành hãy nên biết hết thảy cảnh duyên đều do túc nghiệp cảm thành. Lại càng phải nên chí thành niệm Phật thì sẽ chuyển được nghiệp. Chúng ta chẳng làm chuyện nghịch trời tổn đức thì đâu có sợ gì? Người niệm Phật được thiện thần che chở, gia hộ, ác quỷ tránh xa, còn sợ chi nữa?

Nếu ông thường sợ hãi, sẽ bị ma “sợ hãi” dựa vào, ắt sẽ có oán gia từ vô lượng kiếp thừa dịp lòng ông sợ hãi kéo đến dọa dẫm khiến cho ông mất trí điên cuồng để báo oán xưa. Đừng nói: “Ta vẫn niệm Phật, đâu sợ đến nỗi như thế!” Chẳng biết rằng: Toàn thể chánh niệm của ông đã quy vào lòng sợ hãi, khí phận đã cách ngăn với Phật, đã thông với ma! Đâu phải là Phật chẳng linh mà là do ông đã đánh mất chánh niệm, đến nỗi niệm Phật chẳng được lợi ích trọn vẹn.

Xin ông xem thư Quang, hãy thống thiết sửa đổi tâm trước, sẽ nghĩ anh mình một vợ một chồng, đâu có gì đáng lo? Nếu túc nghiệp hiện tiền, dẫu sợ hãi há có tiêu diệt được chăng? Chỉ nên chẳng sợ, hễ giữ được chánh niệm thì cư xử sẽ thích đáng, thần thái chân thật đã yên định thì tà quỷ chẳng thể xâm phạm được! Nếu không, sẽ do tà chiêu tà, kẻ oán trong đời trước đều kéo tới, gặp chuyện không quyết định được, hoàn toàn bó tay! Chẳng đáng buồn ư?

Nay tôi tính kế cho ông: Hãy nên buông xuống những điều ôm giữ. Hết thảy mọi chuyện đều có thể lo liệu được, chớ nên ôm đồm, lo lắng. Chỉ sợ hạnh mình có tỳ vết, chẳng sợ quỷ thần gây họa hoạn. Nếu ông ở nhà tu hành tốt đẹp thì sẽ cùng với anh và vợ v.v… giúp đỡ nhau tu trì Tịnh nghiệp. Nếu chẳng thể làm được như vậy thì hãy sang Thượng Hải ở nhờ Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã, hằng ngày thường được nghe giảng nói, cũng như hằng ngày thường theo đại chúng niệm Phật.

Hiện thời, Tịnh Nghiệp Xã dời sang Nam Viên của nhà họ Giản, có cơ sở chừng mười hai mười ba mẫu đất, là đạo tràng lớn nhất. Năm sau, pháp sư Đế Nhàn sẽ giảng Niết Bàn Kinh Sớ[1] tại đấy. Nơi ấy nhiều phòng ốc, chẳng chật hẹp như [cơ sở cũ] ở đường Ái Văn Nghĩa (Avenue Road)[2]. Nếu ông đến thì mỗi tháng đóng góp bao nhiêu đó tiền ăn uống, chắc chắn sẽ được như nguyện. Sau mấy tháng sẽ trở về nhà thăm một chuyến, bàn bạc chuyện nhà với anh ông, hàn huyên với vợ, không đầy mấy ngày lại đi, quả thật là biện pháp tu đạo hy hữu bậc nhất. Quang nghĩ ông làm như thế thì lợi ích đạt được sẽ trỗi hơn vô lượng lần so với xuất gia, nhưng phải vứt bỏ kiến thức giống như trẻ nít và lũ người vô tri đầu đường xó chợ đi thì sẽ đích thân đạt được vô biên lợi ích!

Đang trong tình thế nguy hiểm này, hãy nên mở rộng tấm lòng, tầm mắt, nỗ lực tu trì Tịnh nghiệp. Tất cả cát – hung, họa – phước đều chẳng bận tâm đến, cứ tùy duyên ứng biến. Dẫu cho đại họa đối đầu, vẫn nghĩ tới những người cùng mắc họa này chẳng biết có mấy ngàn vạn ức. Trong lúc không thể làm gì được, vẫn còn có A Di Đà Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát để nương tựa được, nào còn sợ hãi chi! Lấy niệm Phật, niệm Quán Âm để làm căn cứ không sợ hãi. Mở rộng tâm lượng, đừng sợ hãi trước thì bệnh tự lành, thân tự yên vui. Nếu chẳng biết nghĩa này, chưa gặp cảnh nguy mà chính đã tự hãm vào trong cảnh nguy ngập trước, dẫu Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể cứu được đâu! Do vậy, quân tử gặp cảnh hoạn nạn bèn hành xử theo cảnh hoạn nạn, cho nên trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được yên vui!

***

[1] Bộ sách này có tên đầy đủ Đại Bát Niết Bàn Kinh Sớ, 33 quyển, do ngài Quán Đảnh soạn từ năm Đại Nghiệp thứ mười (614) cho đến năm Đại Nghiệp mười lăm (619) đời Tùy. Thoạt đầu chỉ gồm mười hai quyển giải thích kinh văn và một quuyển giảng huyền nghĩa. Về sau, ngài Kinh Khê Trạm Nhiên lại sửa chữa, mở rộng thêm thành mười lăm quyển. Đến thời Vạn Lịch nhà Minh, ngài Viên Trừng lại tăng thêm phần chú sớ, vựng biên, tạo thành ba mươi sáu quyển, nhưng bị hậu nhân chê là “tự tiện sửa chữa, cắt xén, ý tưởng hỗn loạn”. Trải qua nhiều lần tu chỉnh, bản phổ biến nhất hiện thời là bản ba mươi ba quyển.

[2] Con đường này vốn có tên là Bình Kiều. Khi Thượng Hải bị biến thành tô giới, con đường này nằm ngay phía Đông của tô giới công cộng nên bị đổi tên thành Avenue Road. Khi chánh quyền Uông Tinh Vệ chiếm lại tô giới, đã đổi tên con đường này thành Đại Đồng. Vào năm 1945, nó lại bị đổi tên lần nữa thành Bắc Kinh Tây Lộ.