Thư trả lời cư sĩ Từ Úy Như

Nhận được thư, biết lệnh thúc[1] sống – chết khá kỳ lạ. Các hạ nói đến chuyện [lệnh thúc sau khi mất, chuyển sanh làm] thần Già Lam[2] vốn là chuyện thực tình, nhưng đấy là tiểu Già Lam, chứ không phải là đại Già Lam. Ông ta ăn chay, tụng kinh đều do túc căn xui khiến, tiếc chưa từng được gặp tri thức của pháp môn Tịnh Độ, đến nỗi [mất đi] vẫn đầu thai trong hàng hộ pháp có thần thông. Người ấy tri kiến giống với kẻ bình thường, còn đối với cảnh giới của Đại Sĩ đều chưa từng thấy. Nếu có thể dùng trí lực để biết đến cảnh giới của Đại Sĩ, sẽ trọn chẳng đến nỗi sống hồ đồ suốt cả một đời rồi vẫn sanh làm một vị thần hộ pháp có thần thông.

Lệnh đệ chẳng vì chuyện này mà cực lực chú trọng vun bồi sự Tây quy cho cụ, cứ vẫn muốn làm thế nào để tăng tiến địa vị cho ông cụ. Tâm ấy cố nhiên là tốt đẹp, nhưng nếu dựa theo Thật Lý để tính toán cho lệnh thúc thì hãy nên khuyên con trai ông cụ thành kính tột bậc để vun bồi nơi pháp môn Tịnh Độ, hồi hướng cầu cho cụ thoát khỏi chức cũ trong thần đạo, sanh vào Cực Lạc Phật quốc.

Nói đến chuyện vun bồi công đức thì mở mang tri thức cho người khác là bậc nhất. Hiện thời Tăng Quảng Văn Sao đã sắp chữ xong xuôi, nhưng vẫn chưa kết thúc. Đợi cho Thọ Khang Bảo Giám sắp chữ xong sẽ thôi không đưa thêm bài [vào bộ Văn Sao nữa], cho in ra. Hiện thời đã dày tới bốn trăm hai mươi trang, nhưng vẫn chưa định được số trang thật sự. In chữ lớn thì mỗi bộ phải trên dưới tám cắc vì trong năm ngoái [tiền in mỗi cuốn] Đại Sĩ Tụng phải tốn đến ba cắc bốn xu mà [Đại Sĩ Tụng] chỉ có hai trăm mười trang. Sách này (tức Ấn Quang Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên) sẽ phải đắt gấp đôi!

Gần đây chiến sự dồn dập, giá giấy tăng vùn vụt. Nếu lệnh đệ chịu bỏ tiền in bao nhiêu bộ để tự mình thí tặng ngõ hầu hết thảy những người đọc [Văn Sao] đều biết nguyên do vãng sanh Tịnh Độ; đem công đức ấy để làm bằng khoán vãng sanh cho cha, lại thêm chí thành, ắt sẽ được như nguyện, sẽ có lợi ích công đức chân thật nhất. Tuy tợ hồ chẳng dính líu đến Phổ Đà, nhưng cũng chẳng phải là không dính líu, vì mọi người đều nói “Phổ Đà Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao” vậy. Tiếp theo đó, tôi phải giám đính Phổ Đà Sơn Chí. Giám đính xong sẽ cho khắc ván, khoảng Xuân – Hè năm sau sẽ in thành sách. Nếu chịu bỏ tiền in để hồi hướng thì so ra càng thù thắng lâu dài hơn những thứ công đức khác!

 ***

[1] Tiếng gọi nhằm tỏ vẻ kính trọng chú của người khác.

[2] Già Lam Thần hiểu theo nghĩa rộng là chư thiên, thiện thần thủ hộ nhà chùa. Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì từ ngữ Già Lam chỉ cho mười tám vị thiện thần thủ hộ các chùa. Theo Thất Phật Bát Bồ Tát Sở Thuyết Đại Đà La Ni Thần Chú Kinh, quyển 4, tên của 18 vị Già Lam là 1) Mỹ Âm 2) Phạm Âm 3) Thiên Cổ 4) Xảo Diệu 5) Thán Mỹ 6) Quảng Diệu 7) Lôi Âm 8) Sư Tử Âm 9) Diệu Mỹ 10) Phạm Hưởng 11) Nhân Âm 12) Phật Nô 13) Thán Đức 14) Quảng Mục 15) Diệu Nhãn 16) Triệt Thính 17) Triệt Thị 18) Biến Quán.