Thư trả lời cư sĩ Dương Tông Thận

Thư nhận được đầy đủ. Kẻ ngu trong thế gian chẳng biết nhân quả, thấy làm lành mà mắc họa bèn bảo: “Chớ nên làm lành!” Thấy làm ác vẫn hưởng phước bèn nói: “Ác chớ nên kiêng!” Chẳng biết họa – phước xảy đến, có gần, có xa, sớm hay muộn không nhất định. Gần thì ai nấy đều thấy được, xa thì hoặc cách một đời hoặc cách mấy đời, chẳng phải là người có Túc Mạng Thông sẽ chẳng thể biết rõ.

Nay lập ra một ví dụ cho dễ hiểu. Làm lành hay làm ác giống như gieo mạ. Người ấy [trong đời này] tuy lành nhưng trong đời trước hành vi chẳng thể nào không phạm lỗi, vì thế ngày nay không thể nào chẳng hứng chịu những điều trái nghịch. Cái thân đời này gọi là Báo Thân. Đời này làm nam hay nữ hoặc đẹp hoặc xấu, cũng như thọ – yểu, giàu – nghèo, trí – ngu, khỏe mạnh hay bệnh tật v.v… chính là quả báo chiêu cảm bởi những hành vi trong đời trước. Vì thế gọi cái thân này là Báo Thân, hàm ý cái thân ấy là quả báo của những hành vi trong đời trước; do cái nhân trong đời trước dẫn đến cái quả trong đời này.

Đời này tuy lành, nhưng do đời trước nghiệp nặng, sẽ chẳng thể hưởng được quả báo tốt lành ngay, mà trước hết phải gánh chịu ác báo từ đời trước. Như người năm ngoái không trồng lúa, năm nay tuy siêng năng cày cấy, nhưng trước khi thâu hoạch, cũng chẳng tránh khỏi không có lương thực. Không có lương thực chẳng phải vì năm nay siêng năng vất vả cho nên không có, mà năm nay không có lương thực là vì năm ngoái chẳng gieo trồng mà ra! Năm nay đã siêng năng cày cấy, gieo trồng thì sau khi thâu hoạch và năm sau sẽ có thóc lúa. Kẻ làm ác chưa bị mắc họa là vì phước thừa còn chưa hết. Như người năm ngoái siêng năng cày cấy gieo trồng, năm nay không cày cấy, gieo trồng, vẫn chẳng đến nỗi chết đói là vì năm ngoái hãy còn thừa lại. Ăn hết rồi, do năm nay không gieo trồng, sẽ không có cái để ăn nữa đâu! Cần biết rằng: Người lành gặp ác báo, nếu chẳng làm lành, ác báo ấy càng nặng nề hơn! Do làm lành nên ác báo sẽ theo đó giảm nhẹ đi. Người ác hưởng thiện báo, nếu chẳng làm ác, thiện quả ấy càng lớn hơn. Do làm ác, thiện báo cũng theo đó mà giảm nhẹ đi.

Đối với cơm áo và những vật cần thiết cho cái thân, người đời đều biết để dành sẵn để khỏi phải lúng túng khi xảy ra chuyện; nhưng đối với chuyện liên quan đến thân tâm tánh mạng, chẳng những không biết sắp đặt sẵn, lại còn coi những kẻ chuẩn bị sẵn là si dại, tự mình mặc tình làm càn những chuyện dâm, giết, cho là mình có phước, có trí! Chẳng biết những kẻ mù, điếc, câm ngọng, tàn phế, không nơi nương tựa trong thế gian và trâu, ngựa, lợn, dê, hoặc phục dịch con người, hoặc [đem thân] trám đầy bụng miệng con người đều là hạng người tự cho là mình có phước có trí đã gặt lấy quả báo “tốt đẹp, chân thật” do thứ phước trí ấy! Người tu hành cần phải có tấm lòng quyết liệt, mặc cho kẻ khác chê cười, hủy báng, ta trọn chẳng nghi ngờ, bận tâm gì! Nếu nghe kẻ khác chê cười, hủy báng bèn ngã lòng thì hạng người ấy cũng là do thiện căn đời trước hời hợt nông cạn mà ra, chẳng lấy lời Phật dạy làm chỗ nương về, cứ lấy lời của ngu phu ngu phụ làm căn cứ. Vì thế sẽ luân hồi trong sanh tử dài lâu, vĩnh viễn chịu nỗi khổ trong tam đồ, muốn được hưởng thân trời – người còn khó, huống là đại lợi ích “liễu sanh tử, siêu phàm nhập thánh, cho đến thành Phật” ư?

Pháp môn Tịnh Độ lấy “lòng tin chân thật, nguyện thiết tha niệm Phật, quyết định cầu sanh Tây Phương” làm tông chỉ. Nếu người niệm Phật chẳng nguyện cầu sanh Tây Phương tức là đã trái nghịch lời Phật dạy. Ví như vương tử sống nhờ nước khác, chẳng tin chính mình là vương tử, chỉ muốn suốt ngày xin ăn, chỉ không đến nỗi chết đói là đã thỏa chí vừa ý rồi! Tri kiến kém hèn ấy chẳng khiến cho người khác thương xót ư? Bà Cao nhà họ Vương thuộc kinh điển làu làu, nhưng nói “chẳng dám vọng tưởng sanh Tây”, sao mà tâm chí cũng kém hèn cùng cực đến thế? Vị thầy bà ta thường ngày thân cận cũng thuộc hạng tu mù luyện đui! Nếu vị thầy ấy biết pháp môn Tịnh Độ, làm sao trưởng dưỡng ý tưởng ấy cho được?

Xin hãy nói với bà ta: “Nếu chẳng cầu sanh Tây Phương, chắc chắn chẳng chấp thuận cho bà ta quy y. Chịu cầu sanh Tây Phương thì sẽ bằng lòng cho bà ta quy y. Nay đặt pháp danh cho bà ta là Tông Tín, nghĩa là tin sâu lời Phật, chẳng dám trái nghịch sự tu trì Tịnh nghiệp của chính mình. Lại cần phải dạy lũ con cái, dâu, cháu đều cùng giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, niệm Phật và niệm Quán Thế Âm để mong đời này nghiệp tiêu, phước tăng, lâm chung vãng sanh Tây Phương. Tự hành như thế và giáo hóa gia đình cùng với thân bằng, nhất định sẽ được vãng sanh như nguyện. Phật mở ra pháp môn Tịnh Độ dạy người cầu sanh Tây Phương, bà là hạng người gì mà dám chẳng coi lời Phật là đúng, mặc tình thỏa chí của mình ư? Vì thế cần phải lấy lời Phật dạy làm ‘tông chủ, tông bổn’ (những điều chánh yếu, căn bản cần phải đề cao, tôn sùng) mà tín phụng, chẳng dám có một niệm trái nghịch thì mới gọi là Tông Tín!”

Con gái bà ta là Hồ Vương Thị pháp danh là Tông Tịnh. Chồng, vợ, con cái trong thế gian không ai chẳng phải là do nghiệp duyên đời trước kết thành. Chồng bà ta mất sớm, con trai chưa cưới vợ đã chết yểu, con gái vừa lấy chồng đã thành góa bụa; nếu luận theo mặt tình cảm trong cõi đời thì chẳng tốt đẹp, nhưng nếu có thể nhờ đó mà biết tướng thế gian vô thường, chuyên chí tu trì thì những tình cảnh khổ sở ấy quả thật là hướng dẫn tốt lành khiến cho bà ta thoát khổ. Những kẻ phú quý, chồng – vợ – con cái một nhà đoàn tụ, tinh thần luôn hao phí, bận bịu trong chuyện sanh nở, cưới gả, dẫu muốn nhất tâm niệm Phật cũng chẳng thể như ý. Bà ta nghĩ được như vậy và dạy con gái nhất tâm niệm Phật thì chồng, con, rể bà ta đâm ra sẽ trở thành người giúp đỡ đạo nghiệp cho bà ta. Nếu bà ta một dạ vãng sanh thì chồng, con, rể cũng sẽ nhờ sự tu trì ấy mà vãng sanh Tây Phương. Đấy gọi là “vàng do luyện mà được ròng, dao do mài mà bén, chẳng trải một phen rét thấu xương, sao được hoa mai thơm ngát mũi”?

Để thành tựu cho con người, trời có nghịch, có thuận. Nếu con người biết vui theo mạng trời thì nghịch đâm ra thành thuận. Nếu không, thuận cũng đâm ra trở thành nghịch, chỉ do con người có khéo dụng tâm hay không mà thôi! Lại nữa, hiện nay đang nhằm tình thế đại hoạn nạn, phàm đao binh, nước, lửa, ôn dịch, sâu rầy, châu chấu, hoặc mắc bệnh vì oán nghiệp thuốc men chẳng thể chữa trị được mà nếu chịu chí thành niệm Phật, niệm Quán Thế Âm, chắc chắn sẽ có thể gặp dữ hóa lành!

Thêm nữa, nữ nhân khi sanh nở ắt nên niệm ra tiếng rõ ràng “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chắc chắn chẳng bị khó sanh! Dẫu khó sanh sắp chết, dạy người ấy niệm sẽ tức khắc có thể an nhiên sanh nở. Hãy nên nói lời này với hết thảy mọi người, khiến cho họ đều biết rõ thì thế gian sẽ chẳng có chuyện sanh khó cũng như do vì khó sanh khiến cho mẹ lẫn con đều chết. Chớ nên nói “lõa lồ, bất tịnh, niệm sợ mắc tội lỗi!” Đấy là lúc liên quan đến tánh mạng của cả mẹ lẫn con, không làm sao khác được, chớ nên so sánh với chuyện hết sức cung kính, hết sức khiết tịnh lúc bình thường! Lại còn phải niệm ra tiếng rõ ràng, chớ nên niệm thầm trong tâm, do niệm thầm sức cảm ứng nhỏ, lúc ấy lại còn phải dùng sức để đẩy đứa con ra, niệm thầm trong tâm chắc sẽ bị mắc bệnh. Những người chăm sóc trong nhà cũng lớn tiếng niệm giúp cho người ấy. Người nhà ở nơi phòng khác cũng có thể niệm giúp cho sản phụ ấy.

Dạy con gái niệm Phật từ bé, sau này chắc chắn chẳng phát sanh những thứ đau khổ ấy. Tương lai lâm chung còn có thể vãng sanh Tây Phương. Nếu không, hễ ốm nghén liền niệm, hoặc trước khi sanh ba bốn bữa liền niệm, hoặc đến lúc sanh nở mới niệm đều được. Người đời thường ngăn trở thiện niệm của kẻ khác, như phụ nữ sanh sản, mọi người thường coi đó là chuyện đáng sợ. Chẳng những chính sản phụ không dám niệm, ngay đến mẹ chồng hoặc mẹ ruột thấy con dâu hoặc con gái sanh nở bèn trốn trước ra ngoài, hơn một tháng mới dám mò về. Những kẻ ấy đều là vì nghe lời ngoại đạo, chỉ biết cách thức cung kính lúc bình thường, chẳng biết tùy theo sự việc để quyền biến cho thích nghi, khiến cho nhiều nữ nhân trong thế gian chịu đau khổ cùng cực hoặc đến nỗi tử vong! Chẳng đáng buồn ư? Viết tạp nhạp như thế để mong lợi người.