Thư trả lời cư sĩ Hoa Thúc Cầm

Gần đây nghe nói ông dời sang Thường Thục sống, chắc đã có thể chuyên nhất tịnh tu, an ủi lắm. Thế đạo không tốt, mọi sự đều chẳng dễ thực hiện. Từ khi cư sĩ phát tâm ấn tống Quán Âm Tụng đến nay đã mấy năm rồi mà vẫn chưa thể hoàn tất được, đủ biết bao nhiêu chuyện tốt trong thế gian đều vì chiến tranh mà chẳng thể thành tựu được! Trước kia, sư Diệu Liên bảo người Dương Châu khắc in, chiến sự nhiều lần nổ ra, thường có những lúc đôi bên chẳng thể gởi thư cho nhau được. Đến khi khắc xong xuôi rồi, Quán Âm Am lại bị lính đóng; vì thế sư Diệu Liên giảo đối hơi thiếu chánh xác, cặn kẽ, chưa khắc phần Quyển Thủ[1] nhưng đành coi như xong chuyện. Đến năm ngoái, cư sĩ phát tâm in tặng, bèn cậy người thuộc viện Mồ Côi xin bản in của ngài Diệu Liên từ chỗ cư ngụ của ông Dương [Nhân Sơn].

Đến khi in ra, tất cả những phần như Thiêm Điều, Thư Diện[2], Quyển Thủ đều không có, bèn sai tìm kỹ, mới biết chưa được khắc. Ngay khi ấy liền cho khắc, nhưng bốn trăm bộ sách đến gần đây mới giao đủ. Sau này Quang giảo chánh kỹ càng, biết những chỗ bị sai sót nặng nề cũng đến ba bốn trăm, còn những chỗ sai lặt vặt không đúng cách thì nhiều lắm. Do vậy bèn sửa chữa một bộ, bảo họ sửa lại bản in.

Sách được in lần này có kèm theo một bản đính chánh. Phàm gởi sách cho ai đều kẹp thêm [bản đính chánh] trong sách để người nhận sách có thể dựa theo bảng ấy mà sửa. Ở chỗ ông có năm mươi bộ, đã gởi tới vào năm ngoái, chắc đã chia ra biếu tặng hết rồi. Nay ông Ấu Nông sang thăm nhà mới, tôi cậy ông ta cầm theo năm mươi trang đính chánh; phàm những ai đã được tặng sách trước đây, xin hãy tặng mỗi người một tờ để họ sửa chữa cho đúng. Thế đạo hiện thời khó thể thái bình ngay được, hãy nên lấy A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát làm tòa Thái Sơn để nương tựa, ngõ hầu chẳng đến nỗi gặp phải nguy hiểm. Nhưng sự nguy hiểm trong thế gian là sự nguy hiểm nhỏ nhặt; nếu chẳng sanh về Tây Phương, sự nguy hiểm vì luân hồi trong tương lai còn lớn hơn gấp trăm ngàn vạn lần sự nguy hiểm trong lúc này. Xin hãy cùng với Huệ Nguyên và các con đều tu Tịnh nghiệp, ngõ hầu có thể thoát khỏi đời Ngũ Trược này, sanh sang cõi chín phẩm kia, thì thế đạo nguy hiểm hiện thời sẽ luôn luôn là sự hướng dẫn vãng sanh Tây Phương nhằm vĩnh viễn lìa khỏi các khổ vậy.

***

[1] Quyển Thủ là phần đầu cuốn sách bao gồm mục lục, lời tựa, cũng như Phàm Lệ (những quy định được dùng trong sách) v.v… Quyển Thủ được khắc với mục đích giúp người đọc dễ tìm phần muốn tra cứu.

[2] Thiêm Điều (Thư Thiêm) là trang giấy đầu tiên của một quyển sách sau phần Thư Diện, hoặc trang đầu của từng quyển trong một bộ sách, ghi tên sách, tên người đề tựa sách, ấn chương (con dấu, dấu kiềm) của người đề tên sách (những kinh sách chữ Hán trước khi in thường nhờ người viết chữ đẹp, có đạo đức, danh vọng ghi tựa đề sách) và số thứ tự (tức quyển số mấy) trong một bộ sách. Đôi khi Thư Thiêm còn bao gồm cả tiểu mục lục của từng chương sách.

Thư Diện là trang đầu tiên của cả bộ sách, được chia làm hai phần: Phần thứ nhất gồm ba dòng ghi tên người biên soạn sách, tựa đề sách và nhà xuất bản, phần thứ hai (còn gọi là Thư Bài hoặc Bài Ký) ghi rõ ngày tháng sách được ấn hành. Nếu là sách được tái bản từ những thư tịch cổ sẽ ghi thêm lần tái bản này dựa theo bản in nào, theo tài liệu nào, ai là người giám định, nhuận sắc, hiệu đính, giảo chánh.