Thư trả lời cư sĩ Nghiêm Bá Phóng

(thư thứ nhất)

Thư gởi đến một mực nói những lời sáo rỗng, khen ngợi quá lố, quả thật khiến cho người ta chẳng chịu đựng nổi (ông Hứa và ông có cùng một cung cách, Quang chẳng cho như thế là đúng). Cha ông đã mù nhiều năm, hãy nên khuyên cụ chịu nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, phản chiếu hồi quang khiến cho tâm được quy nhất; chắc mắt sẽ được trở lại như cũ. Dẫu chẳng thể phục hồi, nhưng do tâm địa thanh tịnh, ắt được cảm ứng đạo giao, được Phật tiếp dẫn. Vì thế, pháp danh là Đức Minh. Cậu ông bị bệnh suyễn, nếu chí thành niệm Phật chắc sẽ được lành. Nhưng đối với hết thảy việc nhà và những gì trong chính thân tâm đều đừng để vướng mắc, nhất tâm niệm Phật khiến cho không còn tâm niệm nào khác xen tạp. Vì thế, pháp danh là Đức Thuần.

Nay gởi [cho ông] một bao tro hương Đại Bi. Bao này có thể pha uống được hai mươi lần; mỗi một lần pha, có thể uống được mười mấy lượt. Chí thành khẩn thiết niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, đừng uống rượu, ăn thịt. Lúc pha, lấy một phần hai mươi [lượng tro] đổ vào tô lớn, dùng nước sôi pha, khuấy lên, đợi cho chất tro lắng xuống (chất tro ấy thêm nước vào để tưới cây) gạn lấy nước trong, chứa trong đồ đựng để uống mười mấy lần. Mỗi ngày có thể uống ba lần. Uống hết lại pha tiếp. Nếu lành bệnh, nên đem số tro còn thừa để ở nơi cao sạch, chớ nên khinh nhờn. Phàm ai có bệnh ngặt nghèo, hãy đem tặng, bảo họ pha uống, chắc sẽ biến chuyển bớt dần.

Ông muốn lợi người nên sốt sắng làm chuyện quan trọng này. Cuốn sách ấy in bằng cỡ chữ Tam Hiệu Tự hết thì được, chứ cỡ chữ Ngũ Hiệu Tự người già sẽ đọc không được. Sách ấy lại còn hoàn toàn chưa được giảo chánh tường tận, [danh xưng] Hoằng Hóa Xã ở mấy chỗ đều in thành Hoằng Quang! Chữ ông sử dụng cũng thiếu thỏa đáng! Trong sách có những chữ Quang đọc không ra, huống chi lại có toa thuốc. Nếu có sai ngoa, sẽ có quan hệ rất lớn. Ông thô tâm lớn mật như thế, sao Quang dám giao cho ông trông coi ấn loát các thứ văn tự cho được? Từ nay về sau đừng gởi sách này đến nữa để người ta khỏi thấy do Quang gởi tặng chắc sẽ nói Quang chẳng hiểu biết sự vụ gì hết!

(thư thứ hai)

Hôm trước nhận được thư ông, biết ông được cậu chăm sóc, vun quén, nên mới có được ngày nay, gởi khoản tiền năm mươi đồng để mong báo ân mẹ, ân cậu, ân mẹ kế và siêu độ em gái. Gởi thư cho Đương Gia chùa Linh Nham thưa bày những chuyện cực trọng yếu này, phần ký tên chỉ ghi là “cẩn ngôn” (kính thưa), một chữ nhún mình cũng chẳng chịu viết; còn thư gởi cho Quang viết là “quỳ bẩm”. Nếu ông không có những chuyện quan trọng phải cầu cạnh người khác, chẳng biết sẽ dùng chữ như thế nào! Làm phận con, là đứa cháu chịu ơn sâu nặng mà viết như thế đó; sao chẳng biết lễ nghi thế gian đến mức như vậy, huống là lễ nghi trong Phật pháp ư?

Quang sáng tối hồi hướng cho cha mẹ ông, vẫn cần lễ Phật. Đại chúng Linh Nham gần một trăm vị, tán lễ, niệm Phật hiệu [cho người thân của ông]. Mỗi khóa lễ ai nấy lạy hai mươi bốn lạy, mà ông cầu xin họ rẻ rúng như thế, dẫu các Sư thành khẩn cũng khó đạt được cảm ứng thù thắng. Ông đừng nói: “Quang muốn được người khác cung kính!” Thật ra, Quang thương ông vô tri, chẳng dễ cảm Tam Bảo rủ lòng Từ gia bị. Hãy nên đối trước Phật khẩn thiết sám hối, ngõ hầu mẹ, cậu ông, mẹ kế, em gái của ông đều được Phật từ bi tiếp dẫn vãng sanh, cũng như tổ tông quá khứ, quyến thuộc hiện tại ai nấy đều được Tam Bảo gia bị, lìa khổ được vui. Ông coi Quang là thầy, nếu chẳng nói chuyện này thì Quang đã mất tư cách làm thầy. Nếu ông chẳng nghĩ như thế là đúng, ông cũng đã mất tư cách làm con, làm cháu, làm anh, làm đồ đệ! Từ nay coi nhau như người ngoài đường, chẳng cần phải xưng là đệ tử nữa!

Quang suốt đời chẳng khởi ý tưởng điên đảo giống như thế tục, cái gì mà tám mươi với lại chẳng tám mươi? Có ai bàn chuyện chúc thọ cho Quang, chẳng những Quang không nhận lãnh tình cảm ấy mà còn ghét cay ghét đắng, hoàn toàn cho đấy là chuyện nhục nhã lớn lao! Xin đừng đem chuyện này nói với Quang! Nếu ai nói chuyện chúc thọ với Quang tức là đã coi Quang là hạng phàm tục vậy! (Tái bút)