TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan

 

THỜI KINH CỦA MẸ
Hạnh Đoan (Viết theo lời kể của người bạn)

Huy xếp sách vở lại và ngồi thừ ngắm ánh trăng.

Cơn giận hờn với mẹ vẫn chưa nguôi ngoai. Mẹ chẳng tâm lý, chẳng thông cảm cho cái tuổi thanh niên như Huy chút nào. Tối qua Huy đi chơi về muộn mà mẹ cứ ca cẩm mãi đến phát bực. Không cực hình nào cho lỗ tai bằng phải nghe tiếng la rầy, nhất là tiếng cằn nhằn cứ mãi một điệp khúc. Huy chịu hết thấu nên gắt gỏng lại với mẹ. Anh đâm chán đời, chán tất cả. Mẹ quản lí Huy chặt chẽ đến độ lũ bạn chế nhạo rằng Huy chưa dứt sữa… “Đi chơi đâu thì đi! Chớ có mà rủ thằng Huy, chỉ tổ mang vạ, chỉ tổ mất hứng!”…. Lời bình của bạn bè làm Huy cay cú. Huy rất muốn chứng tỏ rằng mình có bản lĩnh, rằng mình đã lớn. Chứ sao! Tuổi mười bảy giang tay… gánh vác sơn hà được rồi chứ đâu phải thường? Thành tích học tập ưu việt của Huy cũng chẳng làm mẹ an tâm, mẹ cứ sợ Huy mê chơi, mãi lo đàn đúm với bạn bè rồi nhiễm phải thói hư tật xấu. Quả thật đời chẳng còn thú vị, nếu mẹ cứ canh Huy chằng chằng. Huy chán sống quá. Ừ, sao mình không chết nhỉ? Chết quách đi, khỏi học, khỏi cực, khỏi phải toan tính gì tất… Cứ ngủ một giấc nghìn thu, không muộn phiền không âu lo, rũ sạch hết mọi đa đoan, mọi vô lí chán phèo của trần thế. Chết cách nào đây nhỉ? – Uống thuốc rầy chăng? Khó uống lắm, hôi quá chịu sao nổi? Thế thì uống thuốc ngủ vậy. Mà… lỡ nó không chết, hư bộ thần kinh, nửa điên nửa khùng thì dở sống dở chết chứ chẳng chơi. Hay uống thuốc sốt rét? Thuốc này mạnh lắm. Anh Tỷ ở xóm Huy tự tử bằng thuốc này. Tỷ cao một thước bảy, đẹp trai, bảnh bao. Vậy mà tới lúc chết thuốc vật anh phình to, chẳng có cái hòm nào vừa với chiều dài của anh. Mặt mày trông phát khiếp, đã vậy máu cứ trào ra mỗi lần người thân lau mặt cho anh. Huy lắc đầu, cố xua đuổi tư tưởng u ám cứ ùn ùn kéo đến. Phải chi mình được chết không cần thuốc nhỉ? Ờ, như nhỏ Mỹ lớp Huy, ngủ một đêm rồi đi thẳng, không kịp trối ai, chết vậy cũng khỏe, êm đềm quá đi chứ? Nếu Huy được chết như vậy thì sao nhỉ? – Nhưng Huy không có dịp nghĩ ngợi nữa. Chi, cô bạn gái cùng xóm đã tới bên cửa sổ nhà Huy, cất giọng ngọt ngào:

– Anh Huy, đi chơi với Chi không?….

Bình thường Huy đâu có dễ xúc cảm với Chi, không hiểu sao đêm nay Huy thấy Chi thật đẹp, thật thu hút. Trông chi khả ái quá! Nhưng Huy ngần ngừ:

– Tối rồi mà Chi? Huy…

– Sợ mẹ không cho hả?…. Biết ngay anh là cái thứ chưa dứt sữa mà!…. Gì cũng không dám! Đã vậy, Chi chẳng ép anh đâu!

Tự ái dồn dập, máu nóng bốc lên, Huy trả lời:

– Đi thì đi ! Ngán gì?….

Chi nhoẻn miệng cười, nắm tay Huy lôi đi (con nhỏ thật dạn). Bàn tay Chi lạnh như ướp nước đá làm Huy rùng mình. Cũng tội, từ nhà Chi lội bộ tới đây cũng khá xa, Chi nói nhỏ:

– Cứ theo Chi chơi rồi anh sẽ thấy vui không thể tả đó nhen!

Huy nôn nao vì mỗi lời của Chi đều có sức cám dỗ cực mạnh. Anh ngoan ngoãn bước theo Chi như bê con theo mẹ. Chi đi vội vã như sợ ai bắt gặp sẽ ngăn họ lại vậy. Đi một quãng khá xa, Huy gặp một ông già mặt mày phương phi có hàm râu bạc rất đẹp. Ông bảo Huy: – Cháu là con nhà lành, chẳng nên tới chỗ này. Hãy quay về đi! Huy ngơ ngác, phân vân… thì Chi đã nhanh nhẩu kéo Huy chạy như bay và nói:

– Đừng nghe ổng, cái ông già hủ lậu, cù lần! – Huy hơi khó chịu, dù không thích ai, chẳng bao giờ anh buông lời vô lễ với họ, nhất là đối với người lớn tuổi. Tiếng ông già còn vói theo:

– Về đi cháu, đừng vượt qua ranh giới ta trông coi, nguy hiểm lắm!

Nhưng Huy đã đi rất xa rồi, Huy cảm giác như mình đang trên con dốc và Chi cứ lôi tuột Huy xuống. Trời càng lúc càng lạnh, tối om; nhưng lạ là Huy có thể nhìn rõ mặt mọi người. Khi Chi dừng lại thì Huy nghe những tiếng cười man rợ khả ố nổi lên:

– Lính mới đấy hả! – Cho nhập băng nào?….

– Mày thanh mắt sáng, còn phúc đức nhiều… cho vô băng Dũng cụt đi!

– Dũng cụt không đủ bản lĩnh, cho hắn nhập băng Quí đại ca là hợp nhất!

Huy chóng mặt. Trong bóng tối anh vẫn nhìn rõ cái bọn hiện diện trước mắt. Mặt mày chúng hung dữ u ám như lũ cô hồn. Huy nghĩ thầm: -Đúng! Dùng từ cô hồn cho bọn này là đúng nhất!

Huy chợt lạnh người khi nhìn sang Chi. Chi đã biến đổi lạ lùng. Làn tóc mây óng ả bỗng thành rối bù, đôi mắt chuyển màu đỏ ngầu, tóe lửa. Chi cười the thé:

– Trời ơi, phải nhọc nhằn lắm mới dẫn được hắn tới đây đấy, cái lão canh đất cứ cản mãi. Tưởng hư việc rồi! Giờ chúng ta bắt đầu đi!

Một giọng rên rỉ vang lên:

– Đói rã họng mà họ cúng để trên bàn, lại để ở trong nhà, cụt như tao leo lên không được đã đành, mà cái đám có đủ chân cũng đành ngó, đố ai dám mò vào nhà họ!

Huy ngơ ngác nhìn gã tóc dài, gầy giơ xương. Chi giải thích:

– Dũng cụt đó, đua xe bị gãy chân. Vô tới nhà thương thì chết! Người nhà đâu có biết cúng gì cho ăn, nó lang thang nhờ đồ cúng cô hồn của bá tánh… Huy nhìn Chi trân trối và chợt nhớ Chi chết cách đây hai tháng… Huy bảo Chi:

– Hóa ra Chi cũng vất vưởng lang thang? Huy tưởng Chi ngủ mà chết là yên ổn rồi chứ!

– Người bình thường cả đời làm thiện, có chết kiểu nào thì thiện nghiệp cũng dẫn họ siêu thăng. Còn Chi bình thường gieo toàn nhân không tốt, lại giao du toàn tụi bất hảo thì phải đi theo cái bọn quỉ này thôi! Chi đang ngủ chúng dẫn Chi đi đấy, giống như Chi rủ anh đó!

Huy lạnh người:

– Chi… muốn bắt tôi chết theo à?

Chi cười phá lên:

– Đúng! Vì anh muốn thế. Chi bắt được tư tưởng của anh. Vả lại, chúng mình có duyên với nhau. Anh phúc đức nhiều, kéo anh nhập băng, bọn này đỡ khổ theo. Đấy, Huy nhìn cái bọn trước mặt bị xe tông mà chết đấy! Chẳng đủ phước làm người nên cứ làm quỉ đói lang thang vì không ai cúng cho ăn, chỉ nhờ vào mấy ngày cúng rằm và mỗi buổi cúng chiều của chùa!

– Đói quá!…. Đói quá!…. Lạnh quá!

Tiếng rên nghe rởn tóc gáy. Chi giải thích:

– Tụi nó là bọn tự tử chết đó! Không biết bao giờ mới hết khổ. Tự tử tội nặng lắm, khổ hơn Chi cả trăm lần. Chúng phải làm quỉ lang thang đói lạnh, luôn bị cảm giác đau đớn lúc gần chết hành hạ, chúng cứ đợi ai chán đời là xúi tự tử để cho khổ có chùm, có bạn…

Huy trách:

– Chi đã chết khổ, sao còn muốn tôi cũng chết khổ theo?

Chi cười sằng sặc:

– Này! Anh thấy có người khổ nào chịu thông cảm với kẻ sướng không? Đa số đều ganh, oán… muốn người ta khổ hệt như mình! – Cái bọn oan hồn uổng tử bên trái anh đó – chết vì xe tông, rồi bọn chúng họp lại, đợi người lái xe, là xô… cho đụng nhau chết chơi!

Huy lắc đầu:

– Chi làm như dễ xô lắm vậy! Cõi nào có luật cõi đó chứ!

– Phải! Anh nói không sai! – Vì vậy mà bọn nó chỉ lựa kẻ tới số hoặc kẻ sống thất đức hay người đang lái xe mà uống rượu – thần trí bị hôn mê… rồi xô hoặc xúi họ lái bậy, là thành công liền.

– Vậy thì ác quá!

Chi cười to:

– Tụi này là quỉ thì đâu có hiền được? Người sống ở nhân gian còn có nhiều điều toại ý, có cơ hội để hiền lương mà còn không chịu hiền thì nói gì bọn quỉ lúc nào cũng sống khổ sở đói khát như tụi này? – Đã khổ thì phải oán hận nhiều…

– Tôi tưởng chết là sướng, hết đói, hết lạnh, hết khổ chứ?

– Bao giờ tâm thức ngưng hoạt động, họa may anh mới hết khổ! Còn cái thân mình dù nó có nằm nhắm mắt đấy, thì tâm thức vẫn đi rong… lung tung! Ngủ ta vẫn còn nằm mộng thì chết có khác hơn là bao? Có điều là khổ hơn thôi, vì gặp bất như ý nhiều! Còn hạng người hiền, tốt tính, tốt nết thì dù sống hay chết họ đâu có bị khổ như tụi này?….

– Vậy sao Chi không sống tốt hơn, nãy giờ nghe Chi nói tôi thấy Chi rất thông minh kia mà?

– Phải, nhưng làm xấu dễ hơn. Anh không thấy thiên hạ đều biết dối gian, tham lam là xấu… nhưng rồi người ta vẫn thích dối, vẫn bị tham cuốn hút… Tụi tôi là những kẻ thích sống theo bản năng mà. Chẳng nói dông dài nữa, anh hãy ở lại đây cho chúng tôi ké phước anh mà đỡ khổ…

– Không! Không! Tôi muốn về! Hãy để tôi về! Hãy để cho tôi về!

Bàn tay lũ quỉ vươn ra giữ chặt lấy Huy. Chúng cười ác độc:

– Đừng hòng về lại dương gian, ngươi không biết đường trở về đâu!

Huy vùng vẫy, anh cảm thấy ngộp thở như bị vùi dưới vực sâu. Bầu không khí quanh anh nặng nề hắc ám đến kinh hoàng. Huy gào lên:

– Mẹ ơi! Mẹ ơi!…. Nam-mô cứu khổ cứu nạn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát!

Trong cơn hoảng loạn, Huy bật lên câu niệm Phật mà mẹ anh thường cầu nguyện, đột nhiên Huy nghe tiếng mõ, lòng anh cảm thấy phấn chấn và anh đủ sức mạnh vùng thoát khỏi bàn tay lũ quỉ, cứ nhắm hướng mõ mà chạy theo. Càng chạy, anh nghe tiếng mõ càng gần, Huy cảm thấy dễ thở dần, anh nghe rõ tiếng tụng kinh của mẹ, đầu óc bỗng sảng khoái thanh lương lạ kì. Ơi, tiếng tụng kinh, những lời kinh ngày thường anh bực mình khinh rẻ, cho đó là trò lễ sám mê tín, vô bổ, trong giây phút này bỗng hiển hiện uy lực lạ kì: “Sắc tức là không, không tức là sắc…. Xa lìa mộng tưởng đạt đến cứu cánh Niết-bàn…”. Thường ngày Huy chẳng hiểu gì lời kinh, nhưng giờ âm điệu tụng của mẹ với lời kinh làm Huy thấy lòng tràn ngập an lạc, Huy cảm thấy dường như mình đang bay bổng nhẹ nhàng, tâm thức như lắng đọng, ngừng lại mọi tư tưởng…

Huy mở mắt ra… mẹ đang cầm mõ đứng trên đầu giường Huy thành kính tụng niệm. – A! Anh Huy tỉnh rồi mẹ ơi! – Tiếng bé Hà reo lên mừng rỡ. Tất cả người thân của Huy hiện có mặt đầy đủ và đang xúm xít quanh giường Huy. Huy nghe toàn thân đau nhức rã rời. Mẹ ngừng tụng kinh. Bà nắm tay Huy, nước mắt rưng rưng:

– Con mê man suốt từ đêm qua tới giờ, mắt con đứng tròng, toàn thân cứng đờ… Mẹ nghĩ là con đã bỏ mẹ… đời người ai cũng một lần chết, nhưng tối qua con không được vui với mẹ, mẹ không muốn con ra đi với niệm cuối không lành. Mẹ muốn con nghe thời kinh này, mong tâm con bình lặng, sống an và chết cũng được an, dù ở bất cứ cõi nào…

Huy nhìn mẹ, nói nhỏ:

– Tiếng mõ của mẹ hay quá! Nhờ tiếng mõ mà con thoát khỏi mộng dữ. Thời kinh mẹ tụng thật tuyệt, lần đầu tiên con mới thấy và cảm nhận được đấy mẹ ạ… Con cảm ơn mẹ rất nhiều!….

– Con tỉnh lại là mẹ hạnh phúc lắm rồi! – Mẹ Huy âu yếm nói.

Bé Hà trao cho Huy ly sữa nóng, vui vẻ bảo: – Uống đi anh. Khỏe rồi kể em nghe anh thấy gì mà mê man suốt một ngày một đêm, cả nhà cạo gió cứu đủ cách mà anh cũng không thức dậy…

Huy vẫn còn ngạc nhiên, băn khoăn. Tại sao những lời kinh bình thường anh chẳng để ý tới, cho rằng quá nhạt nhẽo, vô duyên. Vậy mà trong lúc hôn mê – nửa sống nửa chết – anh lại nhận được sự an lạc diệu kỳ của thời kinh ban bố cho? Niềm an lạc nhẹ nhàng, thanh bai khó tả, không giống như niềm vui nào ở thế gian. Bình thường Huy mê nghe nhạc, nhưng trong lúc anh thống khổ, thì tiếng nhạc dù du dương mấy cũng là vất đi. Ôi, cảm tạ lời kinh, cảm tạ “người” đã sáng tác ra lời kinh. Nếu như Huy chết đi, Huy chỉ muốn nghe những lời kinh đó, chẳng cần cầu siêu độ cho Huy, Vì âm ba lời kinh đã chở theo sự an lạc, giúp huy ngưng đọng mọi tư tưởng; chìm trong niềm bình an tuyệt vời! Tại sao lúc thức, tỉnh táo Huy không cảm nhận được điều này? Có lẽ trong phút giây đối diện cái chết – dù là chết nháp – Huy mới khám phá ra… Gì nhỉ: “Xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn…” Phải, phải! Thật hay! Vậy thì Niết-bàn không xa lắm… (ngày mai phải xin mẹ đi viếng chùa mới được)… chẳng biết có ai từng mộng mị giống Huy không?…

(Đã đăng báo G-N 60 ra ngày 21/3/2000
qua bút danh H.T.H)