“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
 Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH” 
 Hạnh Đoan lược dịch

 

Chương 14:
ĐI TỚI TÂY PHƯƠNG

Lúc tôi bế quan ở Mỹ nùng, có một Hoa kiều tên Chiêm Lệ Ngô ở Toronto bên Canada viết thư cho tôi, ca ngợi những việc tôi làm. Ông ước mong có dịp thuận tiện sẽ lên núi thăm tôi, cùng uống sơn trà.

Tôi chưa xác định rõ ý ông nên hồi âm: “Hoan nghênh đạo hữu đến thăm. Nhưng trà nơi đây mùi vị hơi nhạt; nếu không ngại, xin mời đến!”…

Ông viết thư trả lời: “ -Tôi đã uống trà của thầy rồi!”

Đây là ông mượn tắc công án “Thiền sư Triệu châu uống trà” trong thiền tông, khi có người đến Triệu châu cầu pháp, thì ngài luôn nói: – “Uống trà đi!”

Người ta cho rằng khai thị này ắt hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, nhưng thực tế thì chẳng có gì là thần bí, thâm diệu. Thiền hiển hiện mọi lúc, trong tất cả sinh hoạt hằng ngày, đáp ứng các nhu cầu cần. Khi người ta lên núi thăm, do lội bộ đường dài khô cổ, cho nên phải mời họ uống trà giải khát. Câu nói này là đáp ứng ngay điều đang cần trong lúc đó, không có hàm ý gì đặc biệt.

Sau này, tại Nhật Bản, khi tôi sắp ra luận án tốt nghiệp tiến sĩ, Chiêm Lệ Ngô lại viết thư cho tôi, hỏi tôi sau khi lấy được học vị rồi thì có dự tính chi không? Rồi ông ngỏ lời mời tôi đến Canada, kể là ông hiện có một khu đất rộng 80 mẫu Anh, ông mong tôi sẽ qua đó xây chùa và còn bảo rằng ông sẽ vì tôi lập môt giảng đường tại Học Viện Victoria. Đây đúng là cơ hội tuyệt hảo, tôi hết sức hưng phấn, nhận lời mời của ông.

Cư sĩ Trầm Gia Trinh, Người sáng lập Hội Phật giáo cộng đồng Mỹ quốc, giúp tôi lo giấy tờ vào Mỹ. Ông có một công ty mậu dịch tại Hương Cảng. Năm 1950 từ ngân hàng Thượng Hải, ông sang Mỹ, mở công ty vận tải hàng hải, kinh doanh rất thành công. Thời kỳ ở Hương Cảng, ông đối với Phật giáo rất có hứng thú, sau này ông trở thành người hộ trì quan trọng cho công cuộc nghiên cứu và phát triển Phật học. Ông tán trợ tôi du học Nhật Bản, thời gian đó chúng tôi thường liên lạc, nhưng ông chưa từng nói cho tôi biết ông chính là người tán trợ tôi. Ông chỉ biểu thị nhiệt tình quan tâm hứng thú.

Khi tôi báo cho ông hay dự tính sẽ sang dạy ở Canada, ông khuyên tôi nên xin Visa nhập cảnh Mỹ trước rồi tới Canada sau thì sẽ dễ dàng hơn, và ông hướng dẫn tôi cách làm giấy tờ. Lúc đó, các nhân sĩ tôn giáo xin đi rất dễ, tôi được phê chuẩn rất mau. Khi luận án hoàn thành, tôi liền đi Mỹ.

Mùa đông, cuối năm 1975 tôi đến Nữu Ước, mãi đến tháng 5 năm sau mới tới Canada. Cư sĩ Chiêm Lệ Ngô không vui vì sự đến muộn của tôi. Đây là lần thất vọng đầu tiên, mở màn cho một loạt thất vọng tiếp sau đó.

Chiêm Lệ Ngô phát hiện tôi nói tiếng Anh quá tệ, ông cho rằng người học cao thì phải giỏi tiếng Anh. Nếu như tôi dạy ở Học Viện Victoria thì ông phải tìm người phiên dịch cho tôi.

Tôi cũng ôm lấy một mớ thất vọng, khu đất 80 mẫu Anh mà ông đề cập trong thư, thật ra chỉ có 5 mẫu dùng để xây chùa. Khi chùa xây xong rồi, phần đất còn lại sẽ cho xây một khách sạn lớn.

Chùa chẳng qua chỉ là một cảnh để tham quan.

Tôi hỏi: – Tiền xây chùa sẽ lấy từ đâu?

Ông nói: – Thầy phải tự kiếm lấy!

Tôi đáp: -Tôi không có tiền, cũng không có tín đồ!

Tôi không biết phải nói thêm gì nữa, ông nhất định cho rằng tôi giống như Đại sư Hư Vân, đi đến đâu cũng có người sẵng sàng ủng hộ, cúng dường. Thật là xấu hổ, tôi đành để ông thất vọng.

Sau đó, tôi nói với một cư sĩ tại gia, nhận thức giữa tôi và Chiêm Lệ Ngô quá khác biệt.

Cư sĩ bảo: -Thầy là người xuất gia, vì sao không thể buông?

Thực đúng như vậy, vị cư sĩ tại gia này đã nhắc tôi hành pháp Phật.

Tôi đã phạm phải một sai lầm, nhưng không nên áo não hay hối tiếc, tôi học được một điều là: không nên tiếp tục phạm sai lầm tương tự. Ngày đầu dạy tại Học Viện Victoria, tôi giảng về “So sánh sự dị đồng giữa Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản”. Đề tài này hiển nhiên không gây hứng thú cho các học giả và sinh viên ở Canada. Chỉ có một vị thuộc hệ tôn giáo Á châu là có hứng thú, nhưng mọi người vẫn lắng nghe.

Cư sĩ Trầm Gia Trinh tìm được một người phiên dịch giúp tôi, ông này là người Trung Quốc hiện đang công tác tại Liên Hiệp Quốc, ông nói tiếng Anh rất trôi chảy, nhưng hiểu biết Phật pháp hạn hẹp. Đối với tên người và các địa danh Nhật ông không rành nên thường dịch lầm khiến mọi người phải cười. Bởi vì thính chúng (là giáo chức, nhân viên, học sinh)… phần đông rất ưa tìm hiểu và am tường về nền văn hóa Á châu, cho nên hễ dịch sai, là họ biết tất.

Sau buổi giảng, ông tức giận bảo tôi:

– Lẽ ra thầy phải tóm tắt các điểm chính trong bài giảng cho tôi trước!

– Anh chẳng phải là nhân viên phiên dịch Liên Hiệp Quốc hay sao? – Tôi hỏi –

Ông ta đáp:

– Trong Liên Hiệp Quốc, tôi chỉ dịch những gì thuộc lãnh vực chuyên môn. Còn các chủ đề khác, thì tôi cần phải biết trước để chuẩn bị.

Thất bại này đã khiến tôi hiểu ra: Tôi không có khả năng đảm nhiệm việc giảng dạy ở đây, sau lần đứng lớp tại Học Viện Victoria, tôi đành ra đi. Tất cả dự tính dạy học, xây chùa v.v… xem như hủy bỏ hết. Tôi phải đối diện với sự thật hiển nhiên: Thất bại vẫn là thất bại! Tôi đã cố lấy dũng khí để đến Canada, nhưng không có đủ duyên để hành sự thành công. Tôi quá thật thà, không lường trước sự việc, bởi chỉ có dũng khí không thôi thì chưa đủ.

Tôi cảm ân Chiêm Lệ Ngô đã mở ra cho tôi một cơ hội, nếu tôi chẳng đi Canada thì cư sĩ Trầm Gia Trinh cũng chẳng mời tôi đến Mỹ.

Tôi quyết định nhận lời mời của Trầm Gia Trinh, đến Đại Giác Tự ở vùng Brown (Bố-lãng khu) thuộc thành phố Nữu Ước. Visa vào Mỹ của tôi vẫn còn hiệu lực; nếu không, tôi chỉ có thể quay về Nhật Bản dạy học. Tôi không có ý quay về Đài Loan, tại đây tôi làm Tăng vân thủy (đi khắp nơi vân du hoằng pháp) hơn nữa là một Tăng vân thủy có tính hữu nghị. Từ sau khi tôi qua Nhật Bản học rồi, giới Phật giáo Đài Loan cũng chẳng hoan nghênh tôi trở về, họ đối với tình trạng hiện tại của Phật giáo Đài Loan rất là mãn nguyện.

Trong lúc tính đi Nữu Ước, tôi đã hiểu rõ mình phải làm gì. Chính là trọn đời dạy Thiền. Căn cứ vào báo chí tôi từng đọc và qua lời kể của các bạn bè ở Mỹ; tôi biết Phật giáo Tây Phương chú trọng đời sống thực tế, nên đã ra quyết định này. Vào Niên đại 1950, học giả D.T Suzuki đã dạy học và viết những tác phẩm liên quan đến Thiền gây ảnh hưởng sâu rộng tại Tây Phương. Người nước Mỹ cần thầy dạy Thiền, họ đối với nghĩa lý Phật giáo không có hứng thú đặc biệt. Tôi trở thành Thiền sư, bởi vì dạy Thiền chính là giảng về cách tu trong các sinh hoạt thường nhật. Tại nước Mỹ, các tác phẩm tôi viết và khai thị đều liên quan đến thiền và trong các sách Trung văn tôi xuất bản, Thiền chỉ là một phần. Trong xã hội người Trung Quốc, người ta tôn xưng tôi là Pháp sư, là thầy dạy Phật pháp.

Khi tôi quyết định dạy Thiền tại Mỹ, quả rất dễ dàng. Vì đạo tràng mà tôi xuất gia vốn là tự viện Thiền tông. Dù tư tưởng và lý luận các tông phái tôi nghiên cứu không giống nhau, nhưng lập trường của tôi là Thiền tông, tôi viết với dụng ý mong giải rõ một số kinh văn, luận; nhằm bổ túc cho việc hành Thiền. Nếu các học giả thông thuộc các tông phái, nghĩa lý Phật giáo mà không hiểu Thiền, thì cho dù trong đó có lực lượng sung mãn thì bất quá cũng chỉ là một người nghiên cứu Phật pháp, sức ảnh hưởng hữu hạn. Vì sao? Bởi tâm họ không tỏa sáng, chưa thấu triệt, chưa buông trung tâm tự ngã, dễ bám chấp vào cái thấy và quan niệm riêng của mình nên khó bao dung những kiến giải bất đồng của người.

Người hiểu rõ Thiền có thể bao dung từng cá nhân, khi họ nhìn thấy người khác, họ không hề cảm thấy người và mình có bất đồng, họ có thể tiếp nạp từng cá nhân và có thể thích ứng với hoàn cảnh hiện hữu. Nhận thức của họ đối với Thiền không hạn cuộc vào các lý luận của bản ngã và cũng không hề đi khắp nơi rao nói: “Đây là Thiền, đây không phải Thiền!

Trong truyền thống của Thiền, có một việc cùng Thiền chẳng liên quan: – Không thể đem Thiền cùng các sự vật khác phân tích. Vài Phật giáo đồ sẽ nói: “Đây không phải là đạo Phật”. Nhưng trong pháp Thiền, thì không thế! – bởi Thiền siêu việt tất cả giới hạn và trở ngại. Tôi không cho rằng các nhân sĩ tôn giáo khác và tôi có gì bất đồng: – Lúc tôi ăn cơm họ cũng ăn cơm; tôi ngủ, họ cũng ngủ – Không có gì sai biệt!