“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
 Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH” 
 Hạnh Đoan lược dịch

 

Chương 13:
TẠI XỨ MẶT TRỜI

Năm 1969, tôi 39 tuổi, qua Nhật Bản du học tại Đại Học Lập Chánh ngành Nghiên Cứu Học, khóa tiến sĩ.

Trong thời gian tôi tham gia “Hội tọa đàm và hội nghiên cứu – Phật giáo”,[1] nơi đây mang đủ tính quốc tế, vì các học giả trứ danh khắp nơi đều đến diễn giảng.

Bên ngoài trường học tưng bừng không khí học thuật, một số người Nhật cũng rất am tường và có nhiều hứng thú đối với các tôn giáo bất đồng. Sách báo tạp chí thường xuyên đăng tải các bài viết về hoạt động tôn giáo. Công ty Điện Đài quốc gia Nhật Bản (NHK) cũng vì các đoàn thể tôn giáo mà ấn định thời gian, cho trình chiếu những buổi hội thảo nghiên cứu tôn giáo. Người dân Đài Loan mặc dù là giáo đồ, nhưng đối với việc tuyên dương tôn giáo, chẳng được thọ qua sự giáo dục nào.

Nhật Bản là một nước Á châu nhiệt liệt tiếp nhận văn hóa tây phương đệ nhất! – Chỉ cần Âu châu có sách mới xuất bản, nhất định sẽ được phiên dịch thành Nhật văn! – Chỉ cần có sách khoa học kỹ thuật mới in ra, là người Nhật sẽ nhanh chóng tiếp thu, học hiểu. Tôi thấy rõ nơi đây được hấp thụ bầu không khí của toàn cầu.

Người Nhật cư xử rất thân thiện với các lữ khách và du học sinh đến từ các quốc gia châu Á khác (không giống người Trung Quốc hay coi thường, khi dễ dân ngoại lai). Có lần tôi bị lạc đường tại Đông Kinh, bèn hướng vị công nhân kiến trúc ven lộ hỏi thăm, anh ta không cần xác định là tôi có hiểu anh nói gì không, đã sốt sắng dẫn tôi tới trạm xe chỉ chỗ mua vé rồi mới quay về công tác lại. Một lần khác, có người còn bỏ tiền ra mua vé giùm cho tôi nữa.

Tại Nhật Bản, tính cách rất đa dạng, không đồng nhau. Những nơi tôi đi qua đều thoáng sạch. Mỗi mỗi gia đình đều chỉnh tề. Hàng hóa trong chợ được xếp bày trên giá rất ngăn nắp, đúng hàng lối. Còn chợ Đài Loan thật là hỗn loạn.

Về mặt Văn hóa và tri thức ở Nhật, sinh hoạt rất thú vị. Các hành khách trên xe điện ngầm và xe buýt luôn có thể đọc sách. Từ nhân viên công xưởng đến chủ cửa hàng hay một nhóm người phổ thông… ai cũng có óc ham hiểu biết. Thư viện và Nhà Bảo Tàng rất phong phú, đầy màu sắc. Trong bảo tàng bày đủ các phẩm vật nghệ thuật của Trung Quốc (mà ngay cả Đại Lục và Đài Loan cũng không có). Nếu muốn nghiên cứu nghệ thuật của người Trung Quốc, nhất định phải đến Nhật Bản.

Chế độ dân chủ của Nhật Bản thì (Đài Loan đương thời) không thể nào tưởng tượng đến được. Người dân có thể vẽ tranh hoạt họa để châm biếm, phê bình các nhân vật chính khách và chính phủ, có lúc cũng rất nghiêm khắc, mạnh mẽ; nhưng họ chưa từng phê bình đến Thiên hoàng. Còn nữa, một năm hai lần, vào mùa xuân, mùa thu; học sinh và công nhân có quyền diễn hành biểu tình trên đường, gây nên cảnh giao thông ùn tắc. Họ được quyền trùm vải che kín hết mặt (chỉ chừa hai con mắt thôi), để bảo mật thân phận mình, tránh không làm ảnh hưởng đến việc học và công tác (vì tham gia diễn hành). Các công nhân có thể biểu tình vì quyền lợi yếu kém của đoàn thể hay do chính sách đãi ngộ quá thấp. Họ biểu tình có lúc rất gay gắt, khiến cảnh sát trấn áp có khi phải dùng đến bạo lực, nhưng xã hội Nhật Bản không hề vì việc này mà rơi vào hỗn loạn. Diễn hành thị uy hầu như cũng đem tới lợi ích hữu hiệu, một phương thức đại diện cho tinh thần dân chủ.

Nhật Bản có rất nhiều truyền thống tôn giáo bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng văn hóa Nhật Bản và trực thuộc đường lối này. Trong đây có hai phái mạnh mẽ rõ rệt nhất là Tịnh Độ Chân Tông và Nhật Liên Chánh Tông, đều là tông phái Phật giáo được Nhật hóa.

Phật giáo Đài Loan bắt nguồn và phát triển từ hai triều Minh và Thanh, nhưng Phật giáo ở Trung Quốc Đại Lục thì có nguồn gốc trước cả triều Minh. Tại Nhật Bản, tôi được chứng kiến phương pháp tu hành theo Phật giáo (từ thời Trung Quốc cổ đại cho đến hiện đại). Thí như tại Nại Lương và Kinh Lương, các tự viện Phật giáo tuân theo truyền thống của triều Đường, thì tại thành phố Liêm Thương gần Đông Kinh, lại theo truyền thống triều Nguyên.

Nhật Bản cũng có vài tông phái mới (Tân hưng tông phái) như “Hội Sáng Giá Học, Hội Lập Chánh Hiệu Thành, Hội Linh Hữu” … còn có nhiều cư sĩ tại gia hợp nhau liên kết tổ chức, hô hào đem Phật pháp hòa nhập vào xã hội hiện đại; nhiệt tình hướng dẫn các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và cả các đoàn thể niên kỷ bất đồng. Họ tổ chức thật phù hợp, thích ứng; để hội viên có thể tham gia các sinh hoạt đặc biệt.

Riêng Phật giáo truyền thống thì không làm thế, phương thức truyền giáo của các tông phái mới giống như kiểu của Cơ đốc giáo (người hướng dẫn lần lượt đi gõ cửa từng nhà).

Tôi rất thích tham dự các hoạt động tu hành thuộc nhiều tông phái bất đồng ở Nhật. Đối với mỗi tông phái tôi đều cảm thấy hiếu kỳ. Tôi cũng nhiều lần tham gia các hoạt động “Thiền tu, Mật tập” của các tổ chức khác nhau tại Thiền tự. Cũng tham dự các Trại thiền tu do Phật giáo Tạng truyền (Tây Tạng), tìm hiểu các đoàn thể truyền thống lẫn tân hưng (cũ lẫn mới)…

Mỗi khi tôi đến đâu, thì người chỗ đó nghĩ là tôi nên gia nhập đoàn thể họ, bởi tôi rất dễ dàng học, hiểu và hòa nhập với phương pháp tu hành của hội. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn Thiền tông.

Tôi rất cảm ơn bằng hữu Thiết ngưu thiền sư. Ông trụ trì một gian tự viện, được tôn là hành giáo pháp rất nghiêm. Tôi đã tham dự khóa tu thiền của ông mấy lần tại miền Đông Bắc Nhật Bản. Gian tự viện này vào mùa đông lạnh buốt xương. Và hầu như ông cũng đặc biệt cố tình để tôi không thoải mái, (ra lệnh trợ lý thỉnh thoảng bất ngờ đánh tôi). Trong nhóm người tham dự khóa thiền tu, tôi là người phải lãnh kiểu giáo dục tối cao, các học giả khác đều có ngã chấp và phiền não nồng hậu.

Nhật Bản có đủ kiểu tu hành Phật giáo khác biệt nhau, khiến tôi thật kinh ngạc. Có một nơi quy củ tọa thiền hết sức nghiêm khắc, nhưng sau khi khóa tu kết thúc – trừ lão sư ra – ai nấy đều có thể lấy tiền đi mua rượu (giống như sau khi dụng công tu hành rồi thì xả hơi phóng túng vậy!) Tôi hỏi một thành viên trong đó:

– “Anh là tu sĩ, vì sau tọa thiền xong lại bày trò uống rượu vậy?

Ông ta đáp: – Bởi vì tôi không khai ngộ trong lúc ngồi thiền! Mà đây không phải là rượu, chúng tôi đều gọi nó là “canh Bát Nhã”, vì biết đâu chừng uống rồi… sẽ khai ngộ đấy!

Tôi nói: – Rượu chỉ làm người ta ngu si! – Nó không thể giúp khai ngộ được!

Ông ta cười ha hả, bảo: – Thầy làm sao biết được chứ? Ngay cả rượu thầy cũng không biết uống, đâu đáng gọi là nam nhân?

Có lần, vào một ngày đông cực kỳ giá buốt, một người bạn đồng học dẫn tôi đến tự viện thuộc phái Nhật Liên Tông để tu thiền. Ban tiếp đãi muốn tôi hãy đi xem những việc họ làm trước đã.

Sau bữa ăn sáng. Họ dùng khăn lông chà khắp thân cho đỏ nhừ rồi múc nước giếng dội lên người, ai nấy đều thở khò khè, kêu to: – Ò! Ò! Ò!

Hơi nước từ thân họ bốc lên. Tôi biết mình không thể áp dụng kiểu tu giống họ và nghĩ thầm: – “Đây không phải là cách Phật dạy!” xét theo tình trạng sức khỏe của tôi, nếu mà cởi quần áo để ngâm mình trong làn nước lạnh cắt da như thế này, thì chắc chắn tôi sẽ bị cảm mất. Nhưng tôi cũng ở chỗ đó mấy ngày, tôi ngụ trong phòng khách thuộc khu cư sĩ và cùng tham gia thời khóa sớm tối với họ. Lúc tôi tham dự hoạt động tu hành, họ không bắt tôi làm công tác của người xuất gia.

Tôi từng có một kinh nghiệm hết sức mãnh liệt trong một đoàn thể Phật giáo thuộc phái tân hưng nọ. Lúc đó tôi tham dự khóa tu (21 ngày) được tổ chức mỗi năm một lần. Đoàn thể này dụng công vô cùng tinh tấn, phương thức và cách quán tưởng rất mạnh. Khi tôi nhất tâm thâm nhập, tự ngã tiêu mất. Hơn nữa tôi lại nói ra những ngôn ngữ lạ mà chính mình chưa từng biết, người ta bảo tôi đã nói tiếng Phạn!

– Phạn ngữ là gì? – Tôi hỏi – Bởi vì thực tình tôi không biết ngôn ngữ mình dùng là tiếng phạn.

Bọn họ nói: – Phạn ngữ có mấy cách thức phát âm không đồng – Anh đúng là đang đọc các câu chú tiếng Phạn!

Tôi lập tức đình chỉ kinh nghiệm kỳ quái này, bởi vì một khi cho rằng nó rất kỳ quái tức là đã bài xích. (Khi tôi đưa tay bắt ấn, thỉnh thoảng cũng tụng ra những câu chú bất đồng, những câu chú này có thể thay đổi, nhưng chúng hoàn toàn không do tôi có ý thức hoặc cố tình tụng ra. Thông thường tôi bắt ấn trước, sau đó mới đọc chú). Trong đoàn thể này có nhiều người gia nhập đã lâu năm, nhưng chưa ai trải qua kinh nghiệm giống như tôi, đây chính là lý do họ cho rằng tôi cần gia nhập đoàn thể họ. Do họ đồn nhau, kể mọi chuyện, nên một vị tu sĩ trong nhóm đã dẫn tôi đến “Ly ngã sở trụ” ở Cửu Châu, một chỗ khá xa Đông Kinh và mời tôi ngụ lại đây ba ngày. Song thân và bạn gái ông đều đối với tôi hết sức tử tế. Họ đều là Tăng lữ Nhật Bản. Họ kể tôi nhiều chuyện liên quan đến đời sống trong đoàn thể này và nói nếu như tôi chịu gia nhập thì có thể truyền bá pháp phái đến Đài Loan. Lúc tôi rời Nhật, họ tặng tôi một bộ cà sa hòa thượng, đối với chuyện gia nhập đoàn thể họ, tôi hoàn toàn không hứng thú, nhưng tôi rất quý bộ ca sa.

Tin tức đồn về Đài Loan, kể là tôi theo mấy đoàn thể tu hành bất đồng. Các pháp lữ thảy đều lo lắng vì sợ tôi sẽ lầm lạc sa vào đường hiểm, nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, thực sự không phải vậy!

Ở Nhật sáu năm, tôi hoàn thành luận án tiến sĩ. Đề tài nghiên cứu là “Đại sư Vạn Ích Trí Hức của thế kỷ 16”. Ông đối với tôi có ảnh hưởng rất sâu. Các thiền sư trong thời đại ông, đa số ngôn từ lanh khéo, có thể thuyết rất nhiều công án có tính mâu thuẩn như: “Thế nào là âm thanh tiếng vỗ một bàn tay” [2], đây vốn là công án trứ danh. Đại sư Vạn Ích Trí Hức nghiêm khắc công kích bọn họ còn thiếu sót về mặt tu hành và lý giải Phật pháp. Ông đề xướng Nghiên cứu học thuật cùng Nghiên thảo kinh luận. Ông cho rằng: Nếu như thiền sư không liểu giải học lý Phật giáo, thì không hiểu Phật pháp, tất nhiên không hiểu phải dạy người Phật pháp như thế nào. Cũng đồng như thế, nếu thiền sư không hiểu rõ giới luật đại thừa, không tuân trì giới luật, thì chẳng thể thành thiền sư chân chánh, bởi vì họ không phải là kẻ thật sự kinh qua đời sống tu hành.

Ông cho rằng các học giả Phật giáo cũng cần tu tập pháp thiền và tuân thủ giới luật. Bởi nếu không tu hành, thì vô phương luyện tâm và tiêu dung phiền não. Mặc dù Đại sư Vạn Ích Trí Hức đối với tôi có ảnh hưởng rất sâu sắc, nhưng tôi vẫn không cho mình sẽ thành là một Thiền Sư, một Luật Sư hay Luận sư… Tôi chỉ là một tu sĩ, và tùy theo nhân duyên của cuộc sống – trở thành người mà tôi cần thành.