THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 60

THIỆN TỤNG TỲ NI

PHẨM PHÁP

1. Năm Trăm Tỳ-Kheo Kết Tạp Tam Tạng:

Phật Bà-già-bà bát niết bàn tại trú xứ Lực sĩ ở giữa hai cây sa-la thuộc thành Câu-thi, các lực sĩ ở Câu thi cúng dường thân Phật. Lúc đó trưởng lão Đại Ca-diếp dẫn năm trăm Tỳ-kheo từ thành Ba-bà đi đến thành Câu-thi-na, khi đến ranh giới giữa hai thành gặp một Phạm chí cầm hoa trời Mạn-đà-la từ thành Câu-thi-na đi đến thành Ba-bà. Đại Ca-diếp hỏi: “Ông có biết đại sư của tôi không?, đáp: “Biết, đại sư của thầy đã bát niết bàn tại trú xứ Lực sĩ ở giữa hai cây Sa-la thuộc thành Câu-thi-na đến nay đã bảy ngày rồi, trời người đang cúng dường thân Phật. Tôi được hoa trời Mạn-đà-la này từ chỗ đó”. Đại Ca-diếp nghe rồi rất đau buồn, trong số các đệ tử có vị khóc, có vị dậm chân nói rằng: “Vì sao Thế tôn nhập niết bàn mau như vậy, con mắt thế gian đã diệt rồi”. Lúc đó có người ngã lăn ra đất, có người bi cảm; có người hành tâm xả quán tướng các pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã; đã là pháp tướng vô thường thì làm sao có thể thường được. Khi Phật còn tại thế có dạy rằng: “Cái mà chúng sanh đắm trước thì không thể giữ lâu, rốt cuộc đều phải biệt ly, tan hoại và diệt mất”. Lúc đó có một Tỳ-kheo già ngu si bất thiện nói lời thô ác rằng: “Phật thường nói điều này nên làm, điều này không nên làm. Nay tôi được tự tại, muốn làm gì thì làm, không muốn làm thì thôi”, lời thô ác này chỉ có một mình trưởng lão Đại Ca-diếp nghe được, những người khác không nghe thấy vì các thiên thần đã ngăn không cho nghe. Lúc đó ở cõi Diêm phù đề này, trưởng lão Kiều-trần-như là đệ nhất Thượng tòa, trưởng lão Quân đà là đệ nhị Thượng tòa, trưởng lão Thập lực Ca-diếp và A-nan là đệ tam Thượng tòa, trưởng lão Đại Ca-diếp là đệ tứ Thượng tòa. Do trưởng lão Đại Ca-diếp là người quen biết nhiều, tất cả bốn bộ chúng đều cung kính, tin thọ lời của trưởng lão nên khi hay tin trưởng lão sắp đến thành Câu-thi-na, bốn bộ chúng đều ra đến nữa đường để nghinh đón. Trưởng lão Đại Ca-diếp thấy bốn bộ chúng đến liền dừng lại một gốc cây bên đường, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già, bốn bộ chúng đến đảnh lễ rồi ngồi một bên nghe nói pháp, Trưởng lão tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho bốn bộ chúng được lợi hỉ rồi bảo họ cùng quay về Đảnh kết chi di ở Song thọ: “Hãy khoan thiêu nhục thân của Phật, tôi đã về kịp, tôi muốn đảnh lễ kinm thân Phật”. Trưởng lão cùng bốn bộ chúng đến Đảnh kết chi di, chư thiên mở kim quan để lộ kim thân Phật cho trưởng lão Đại Ca-diếp đảnh lễ, đảnh lễ rồi bảo mọi người dùng bạch điệp mới của trời quấn lại kim thân Phật, dùng dầu thơm tưới lên kim quan rồi đậy nắp kim quan và chất củi thơm để thiêu. Chủ các lực sĩ liền đốt đống củi thơm này, trưởng lão A-nan thấy đống củi thơm bốc cháy bi cảm nghẹn ngào nói kệ:

“Thân của Thế tôn,
Ở trong kim quan,
Quấn ngàn tấm lụa,
Tưới bằng dầu thơm,
Đốt bằng củi thơm”.

Khi đống củi thơm đã cháy hết, Đại Ca-diếp nghĩ: “Làm sao dập tắt lửa, nên dùng sữa bò để dập tắt”, vừa nghĩ liền có ao sữa bò tinh khiết hiện ra, trưởng lão liền dùng sữa bò này tưới để tắt lửa và nói kệ:

“Ngàn tấm lụa quấn thân,
Dùng lửa trà tỳ thân,
Thần lực của đức Phật,
Thường một nội y còn,
Ngoài cùng cũng không cháy,
Ở giữa đều cháy hết”.

Lúc đó trưởng lão Đại Ca-diếp thành kính gỡ lớp lụa bên ngoài ra để lấy xá lợi Phật đưa cho các lực sĩ, các lực sĩ để xá lợi trong bình vàng, đặt lên xe, đốt hương thơm, dùng phướn lọng và trổi các kỹ nhạc cúng dường rồi rước vào thành Câu-thi-na. Trong thành Câu-thi-na lúc đó vừa xây xong Luận nghĩa đường, đã được tưới quét sạch sẽ, xông các hương thơm, treo cờ phướn và rãi hương hoa trên chiếc giường ngà voi để bình vàng xá lợi Phật. Trưởng lão A-nan dùng hương hoa kỹ nhạc cúng dường và hướng dẫn các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bàdi cúng dường đảnh lễ.

Lúc đó các lực sĩ trong thành Ba-bà nghe được tin này suy nghĩ: “Phật cũng là thầy ta, được ta tôn thờ, ta nên đến đó thỉnh phần xá lợi mang về xây tháp thờ, đốt hương hoa, treo phướn lọng suốt đời cúng dường”, các lực sĩ thành Câu-thi-na nói: “Phật nhập niết bàn ở nước ta, chúng ta tự sẽ xây tháp cúng dường, chia xá lợi thì không được”. Lúc đó dòng Sát-đế-lỵ thuộc tộc họ Bà-tha-bà-la ở nước Già-lặc, các Bàla-môn trong nước Tỳ-miệu, dòng họ Lê xương trong thành Tỳ-da-ly, các Thích tử trong nước Ca-tỳ-la vệ, vua A-xà-thế vua nước Ma-kiệt-đà nghe được tin này đều đem hương hoa và kỹ nhạc đến để cúng dường xá lợi. Vua A-xà-thế bảo đại thần Bà-la-môn Bà-lợi-sa Ca-la: “Khanh đến chỗ các lực sĩ thành Câu-thi-na, chuyển lời ta thăm hỏi họ thân tâm có được an ổn vui vẻ không và nói với họ rằng Phật cũng là thầy ta, được ta tôn thờ, nay nhập niết bàn ở nước các vị, xin cho thỉnh phần xá lợi mang về xây tháp thờ trong thành Vương xá; nếu các vị không cho thỉnh nước tôi sẽ khởi binh dùng sức đoạt lấy xá lợi”, Bà-la-môn vâng lịnh vua tập họp bốn binh đi đến thành Câu-thi-na nói với các lực sĩ thành Câu-thi-na y như vậy, các lực sĩ thành Câu-thi-na nói: “Phật nhập niết bàn ở nước ta, chúng ta tự sẽ xây tháp cúng dường, chia xá lợi thì không được”. Lúc đó các lực sĩ thành Ba-bà cũng tập họp bốn binh đến đóng quân tại một nơi, tộc họ Câu-bà-la ở tụ lạc La-bà cũng tập họp bốn binh đến đóng quân tại một nơi, cho đến dòng Sát-đế-lỵ thuộc tộc họ Bà tha bà la ở nước Già-lặc, các Bà-la-môn trong nước Tỳ miệu, dòng họ Lê xương trong thành Tỳ-da-ly, các Thích tử trong nước Ca-tỳ-la vệ cũng tập họp bốn binh đến đóng quân tại một nơi, Bà-la-môn Bà-la-sa Cala tăng cường thêm bốn binh cũng đóng quân tại một nơi. Lúc đó bên ngoài thành Câu-thi-na bị tám nước đóng quân bao vây, nước nào cũng muốn đoạt lấy xá lợi Phật. Lúc đó trong đại chúng có một Bà-la-môn họ Yên cất tiếng hô lớn: “Chủ các lực sĩ thành Câu-thi-na lắng nghe: Từ vô lượng kiếp, Phật đã tích thiện tu nhẫn, các vị cũng thường nghe pháp nhẫn. Tại sao hôm nay Phật mới nhập niết bàn, vì xá lợi Phật mà tám nước khởi binh tranh đoạt, các vị nên biết đây là việc không cung kính, xá lợi Phật nay nên chia làm tám phần”, các lực sĩ thành Câu-thi-na nói: “Vì tôn kính Phật chúng tôi chấp thuận lời đề nghị này”. Bà-la-môn họ Yên chia xá lợi thành tám phần rồi lớn tiếng xướng rằng: “Chủ các lực sĩ cho tôi được thỉnh chiếc bình vàng đựng xá lợi Phật mang về tụ lạc Đầu-na-la để xây tháp thờ, đốt hương hoa, treo phướn lọng suốt đời cúng dường”, Bà-la-môn Tất-Ba-la-diên-na cũng lớn tiếng xướng rằng: “Chủ các lực sĩ thành Câu-thi-na cho tôi thỉnh phần tro nơi chỗ thiêu kim thân Phật, mang về nước tôi để xây tháp thờ, đốt hương hoa, treo phướn lọng suốt đời cúng dường”, các lực sĩ thành Câu-thi-na nói: “Vì tôn kính Phật, chúng tôi chấp thuận cho thỉnh”. Lúc đó các lực sĩ thành Câu-thi-na được phần xá lợi thứ nhất, nước Ba-bà được phần xá lợi thứ hai, tộc họ Câu-lâu-la ở tụ lạc La-ma được phần xá lợi thứ ba, dòng Sát-đế-lỵ thuộc tộc họ Bà tha bà la ở nước Già-lặc được phần xá lợi thứ tư, các Bà-la-môn trong nước Tỳ miệu được phần xá lợi thứ năm, dòng họ Lê xương trong thành Tỳ-da-ly đuợc phần xá lợi thứ sáu, các Thích tử trong nước Ca-tỳ-la vệ được phần xá lợi thứ bảy, vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà được phần xá lợi thứ tám, tất cả đều thỉnh xá lợi Phật mang về nước mình để xây tháp thờ, đốt hương hoa, treo phướn lọng suốt đời cúng dường. Bà-la-môn họ Yên được bình đựng xá lợi, Bà-la-môn Tất Ba-la-diên na được phần tro cũng đều mang về nước mình xây tháp thờ, đốt hương hoa, treo phướn lọng suốt đời cúng dường. Lúc đó trong cõi Diêm phù đề có tám tháp thờ xá lợi Phật, tháp thứ chín thờ bịnh đựng xá lợi và tháp thứ mười thờ tro. Sau khi Phật vừa nhập niết bàn chỉ Có mười tháp nhưng về sau có thêm vô số tháp, trưởng lão Đại Ca-diếp biết xá lợi Phật đã được lưu bố khắp mười phương nên tập họp Tăng chúng và nói với các Tỳ-kheo rằng: “Trước đây tôi dẫn năm trăm Tỳ-kheo từ thành Ba-bà đi đến thành Câu-thi-na, khi đến ranh giới giữa hai thành gặp một Phạm chí cầm hoa trời Mạn-đà-la từ thành Câu-thi-na đi đến thành Ba-bà. Tôi hỏi: “Ông có biết đại sư của tôi không?”, đáp: “Biết, đại sư của thầy đã bát niết bàn tại trú xứ Lực sĩ ở giữa hai cây Sa-la thuộc thành Câu-thi-na đến nay đã bảy ngày rồi, trời người đang cúng dường thân Phật. Tôi được hoa trời Mạn-đà-la này từ chỗ đó”. Tôi nghe rồi rất đau buồn, trong số các đệ tử có vị khóc, có vị dậm chân nói rằng: “Vì sao Thế tôn nhập niết bàn mau như vậy, con mắt thế gian đã diệt rồi”. Lúc đó có người ngã lăn ra đất, có người bi cảm; có người hành tâm xả quán tướng các pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã; đã là pháp tướng vô thường thì làm sao có thể thường được. Khi Phật còn tại thế có dạy rằng: “Cái mà chúng sanh đắm trước thì không thể giữ lâu, rốt cuộc đều phải biệt ly, tan hoại và diệt mất”. Lúc đó có một Tỳ-kheo già ngu si bất thiện nói lời thô ác rằng: “Phật thường nói điều này nên làm, điều này không nên làm. Nay tôi được tự tại, muốn làm gì thì làm, không muốn làm thì thôi”, lời thô ác này chỉ có một mình tôi nghe được, những người khác không nghe thấy vì các thiên thần đã ngăn không cho nghe. Lại có một Tỳ-kheo ở trước tôi nói phi pháp là pháp, pháp là phi pháp, thiện là bất thiện, bất thiện là thiện. Vì thế nay chúng ta nên kết tập tất cả kinh, luật, luận”. Lúc đó trưởng lão Đại Ca-diếp suy nghĩ: “Ta sẽ ở trong Tăng kết tập tất cả kinh, luật, luận; nếu có Tỳ-kheo không hiểu biết sẽ nói là không nên kết tập tất cả kinh luật luận. Ta nên ở trong Tăng chọn lấy những vị thông tuệ có thể kết tập pháp và nên ở trong Tăng làm yết ma chọn”, nghĩ rồi liền ở trong Tăng chọn lấy năm trăm Tỳ-kheo chỉ thiếu có một người. Các vị này xưng tên đều là những vị đã chứng ba minh, thông suốt ba tạng, đã diệt ba độc đều là bậc Câu giải thoát. Đại Ca-diếp liền ở trong Tăng xướng: Đại đức tăng lắng nghe, năm trăm Tỳ-kheo chỉ thiếu một vị này xưng danh đều là những vị đã chứng ba minh, thông suốt ba tạng, đã diệt ba độc đều là bậc Câu giải thoát. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, năm trăm Tỳ-kheo chỉ thiếu có một vị này đều là những người kết tập pháp. Bạch như vậy. Lúc đó trưởng lão A-nan có mặt trong Tăng, trưởng lão Đại Ca-diếp suy nghĩ: “A-nan là Học nhơn thông tuệ đa văn, Phật nói A-nan là bậc đa văn bậc nhất trong các đệ tử. Nay ta nên cử A-nan làm người kết tập pháp thứ năm trăm”, nghĩ rồi liền ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, A-nan là Học nhơn thông tuệ đa văn, Phật nói A-nan là bậc đa văn bậc nhất trong các đệ tử. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, chúng ta nay cử A-nan là người thứ năm trăm để kết tập pháp. Bạch như vậy.

Đại đức tăng lắng nghe, A-nan là Học nhơn thông tuệ đa văn, Phật nói A-nan là bậc đa văn bậc nhất trong các đệ tử. Nay chúng ta cử A-nan là người thứ năm trăm để kết tập pháp. Các trưởng lão nào chấp thuận cử A-nan là người thứ năm trăm để kết tập pháp thì im lặng, ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận cử A-nan là người thứ năm trăm để kết tập pháp xong rồi. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Lúc đó trưởng lão Đại Ca-diếp suy nghĩ: “Việc kết tập kinh luật luận cần nhiều thời gian, không phải chỉ một, hai ngày cho đến một tuần mà có thể xong được. Nay ta nên ở trong Tăng tác pháp yết ma tập họp những người kết tập pháp lại cùng an cư một chỗ, những người không kết tập pháp thì an cư chỗ khác”, nghĩ rồi liền ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, việc kết tập kinh luật luận cần nhiều thời gian, không phải chỉ một, hai ngày cho đến một tuần mà có thể xong được. Nay ở trong Tăng tác pháp yết ma tập họp những người kết tập pháp lại cùng an cư một chỗ, những người không kết tập pháp thì an cư chỗ khác. Bạch như vậy.

Trưởng lão Đại Ca-diếp lại suy nghĩ: “Ở trong xứ nào của nước nào an ổn, có tinh xá tốt, được tứ sự cúng dường đầy đủ, thức ăn uống không thiếu thốn, không có giặc cướp”, trưởng lão liền nghĩ đến thành Vương xá, trong thành này có tinh xá tốt, được tứ sự cúng dường đầy đủ, thức ăn uống không thiếu thốn, không có giặc cướp. Nghĩ rồi liền một mình đến trước lo liệu mọi thứ như sửa sang lại tinh xá, kêu gọi bạch y cúng dường tứ sự… Đến lúc an cư liền cùng năm trăm Tỳ-kheo kết tập pháp cùng đến an cư trong thành Vương xá, sáng sớm Đại Ca-diếp đắp y mang bát vào thành Vương xá nhắc nhở mọi người mang thức ăn uống đến để cúng dường cho những vị kết tập pháp, sau đó trở về tập họp Tăng. Trưởng lão Đại Ca-diếp suy nghĩ: “Tỳ-kheo nào có thể tụng luật thông suốt, chúng ta gạn hỏi mà có thể tùy đáp theo câu hỏi, chúng ta sẽ cử người đó kết tập Tỳ-ni. Phật thường khen ngợi Ưu-ba-ly là người tụng luật thông suốt bậc nhất trong các Tỳ-kheo “, nghĩ rồi liền bạch Tăng:

Đại đức tăng lắng nghe, Tỳ-kheo Ưu-ba-ly là người tụng luật thông suốt, Phật thường khen ngợi Ưu-ba-ly là người tụng luật thông suốt bậc nhất trong các Tỳ-kheo, nay chúng ta cử Ưu-ba-ly làm người kết tập Tỳ-ni, chúng ta gạn hỏi, Ưu-ba-ly tùy theo câu hỏi mà đáp. Bạch như vậy.

Lúc đó Đại Ca-diếp trải pháp tòa, trưởng lão Ưu-ba-ly thăng tòa, Đại Ca-diếp hỏi: “Giới thứ nhất thuộc Ba-la-di, nhân duyên xuất phát từ đâu?”, Ưu-ba-ly đáp: “Nhân duyên xuất phát từ Tỳ-kheo Tu-đề-na Ca-lan đà tử ở nước Tỳ-da-ly”, lại hỏi: “Tướng phạm và không phạm trong giới này như thế nào?”, Ưu-ba-ly liền nói rõ tướng phạm và tướng không phạm, Đại Ca-diếp liền hỏi trưởng lão A nhã Kiều-trần-như: “Lời Ưu-ba-ly nói có đúng không?”, Kiều-trần-như đáp là đúng, Đại Ca-diếp kế hỏi trưởng lão Quân đà, kế hỏi trưởng lão Thập lực Cadiếp… như thế cho đến hỏi hết năm trăm Tỳ-kheo kết tập pháp, trưởng lão A-nan là người thứ năm trăm đáp: “Tôi cũng nghe như vậy, việc này là pháp, là thiện đúng như trưởng lão Ưu-ba-ly đã nói”, A-nan hỏi lại Đại Ca-diếp là có đúng như vậy không, Đại Ca-diếp đáp là đúng rồi ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, Giới thứ nhất Ba-la-di đã kết tập xong, là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Không có Tỳ-kheo nào nói pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp; Tỳ-ni nói là phi Tỳ-ni, phi Tỳ-ni nói là Tỳ-ni. Đây là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Đại Ca-diếp lại hỏi Ưu-ba-ly: “Nhân duyên của giới Ba-la-di thứ hai xuất phát từ đâu?”, Ưu-ba-ly đáp: “Nhân duyên xuất phát từ Tỳ-kheo Đạt-ni-ca con của người thợ gốm ở thành Vương xá”, lại hỏi: “Nhân duyên của giới Ba-la-di thứ ba phát xuất từ đâu?”, đáp: “Nhân duyên phát xuất từ các Tỳ-kheo bên sông Bà-cầu-ma đề ở nước Bạtkỳ”, lại hỏi: “Nhân duyên của giới Ba-la-di thứ tư phát xuất từ đâu?”, đáp: “Nhân duyên phát xuất từ các Tỳ-kheo bên sông Bà-cầu-ma đề ở nước Tỳ-da-ly”, lại hỏi: “Nhân duyên của giới Tăng-già-bà-thi-sa thứ nhất phát xuất từ đâu?”, đáp: “Nhân duyên phát xuất từ Tỳ-kheo Ca-lưu-đà-di ở nước Xá-bà-đề; giới Tăng-già-bà-thi-sa thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng đều do Tỳ-kheo Ca-lưu-đà-di ở nước Xá-bà-đề”, lại hỏi: “Nhân duyên của giới thứ năm phát xuất từ đâu?”, đáp: “Từ Tỳ-kheo Ca-la Di-lê-ca tử ở nước Xá-bà-đề”, lại hỏi: “Tướng phạm và không phạm trong giới này như thế nào?”, Ưu-ba-ly liền nói rõ tướng phạm và tướng không phạm, Đại Ca-diếp liền hỏi trưởng lão A nhã Kiều-trầnnhư: “Lời Ưu-ba-ly nói có đúng không?”, Kiều-trần-như đáp là đúng, Đại Ca-diếp kế hỏi trưởng lão Quân đà, kế hỏi trưởng lão Thập lực Cadiếp… như thế cho đến hỏi hết năm trăm Tỳ-kheo kết tập pháp, trưởng lão A-nan là người thứ năm trăm đáp: “Tôi cũng nghe như vậy, việc này là pháp, là thiện đúng như trưởng lão Ưu-ba-ly đã nói”, A-nan hỏi lại Đại Ca-diếp là có đúng như vậy không, Đại Ca-diếp đáp là đúng, cứ hỏi và đáp như vậy cho đến tất cả Tỳ-ni đều được kết tập xong. Lúc đó Đại Ca-diếp ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, tất cả Tỳ-ni đều đã kết tập xong, là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Không có Tỳ-kheo nào nói pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp; Tỳ-ni nói là phi Tỳ-ni, phi Tỳ-ni nói là Tỳni. Đây là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Lúc đó Đại Ca-diếp suy nghĩ: “Tỳ-kheo nào tụng kinh và luận thông suốt, chúng ta gạn hỏi mà có thể tùy đáp theo câu hỏi, chúng ta sẽ cử làm người kết tập kinh và luận. Phật thường khen ngợi A-nan là bậc đa văn, thọ trì tất cả kinh luận bậc nhất trong các Tỳ-kheo. Chúng ta nên cử làm người kết tập kinh và luận”, nghĩ rồi liền ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, Tỳ-kheo A-nan là người đa văn thông suốt kinh luận, Phật thường khen ngợi A-nan là bậc đa văn, thọ trì tất cả kinh luận bậc nhất trong các Tỳ-kheo. Chúng ta nên cử làm người kết tập kinh và luận. Bạch như vậy.

Lúc đó Đại Ca-diếp trải pháp tòa, trưởng lão A-nan thăng tòa, Đại Ca-diếp hỏi A-nan: “Lần đầu tiên Phật nói kinh ở nơi đâu?”, đáp:

“Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Phật ở tại trú xứ Tiên nhơn trong rừng Nai thuộc thành Ba-la-nại”. A-nan vừa nói xong, năm trăm Tỳ-kheo đều quỳ xuống khóc nói: “Tôi đã ở trước Phật nghe thọ và thấy pháp, nay cũng được nghe”, Đại Ca-diếp nói với A-nan: “Từ nay tất cả kinh luật luận đều bắt đầu bằng câu: Tôi nghe như vậy, một thuở nọ”, A-nan đáp: “Xin vâng. Lúc đó Phật bảo năm Tỳ-kheo: “Khổ thánh đế này là pháp mà trước đây ta chưa từng nghe từ người khác. Ngay khi chánh ức niệm, ở trong các pháp sanh Nhãn, sanh Trí, sanh Minh, sanh Giác. Tập thánh đế, Diệt thánh đế và Đạo thánh đế này là pháp mà trước đây ta chưa từng nghe từ người khác. Ngay khi chánh ức niệm, ở trong các pháp sanh Nhãn, sanh Trí, sanh Minh, sanh Giác.

Này các Tỳ-kheo, Khổ thánh đế này các thầy nên biết, Khổ Tập thánh đế này các thầy nên đoạn, Khổ diệt thánh đế này các thầy nên chứng, Khổ đạo thánh đế này các thầy nên tu. Tứ thánh đế này là pháp mà trước đây ta chưa từng nghe từ người khác. Ngay khi chánh ức niệm, ở trong các pháp sanh Nhãn, sanh Trí, sanh Minh, sanh Giác. Này các Tỳ-kheo, Khổ thánh đế này ta đã biết, Khổ Tập thánh đế này ta đã đoạn, Khổ Diệt thánh đế này ta đã chứng, Khổ Đạo thánh đế này ta đã tu. Tứ thánh đế này là pháp mà trước đây ta chưa từng nghe từ người khác. Ngay khi chánh ức niệm, ở trong các pháp sanh Nhãn, sanh Trí, sanh Minh, sanh Giác. Này các Tỳ-kheo, nếu trong ngần ấy thời gian đối với bốn thánh đế này, ba lần chuyển mười hai phần pháp luân hành mà ta không sanh Nhãn, sanh Trí, sanh Minh, sanh Giác; ở trong tất cả thế gian hoặc là Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, trời người mà ta không được giải thoát, không đuợc lìa, không được xả, không được tâm không điên đảo thì lúc đó ta không khởi niệm là đã đắc quả Vô thượng Bồ đề. Chính ở trong ngần ấy thời gian đối với bốn thánh đế này, ba lần chuyển mười hai phần pháp luân hành mà ta sanh Nhãn, sanh Trí, sanh Minh, sanh Giác; ở trong tất cả thế gian hoặc là Ma, Phạm, Sa-môn, Bàla-môn, trời người mà ta được giải thoát, đuợc lìa, được xả, được tâm không điên đảo nên lúc đó ta khởi niệm là đã đắc quả Vô thượng Bồ đề”. Lúc thuyết giảng pháp này trưởng lão Kiều-trần-như và tám vạn chư thiên được xa lìa trần cấu, ở trong các pháp sanh khởi pháp nhãn. Lúc đó Phật hỏi Kiều-trần-như: “Đã đắc pháp rồi phải không?”, Kiềutrần-như đáp: “Đã đắc pháp rồi thưa Thế tôn”. Phật hỏi ba lần và Kiềutrần-như cũng đáp ba lần như vậy, do lần đầu tiên đắc pháp nên gọi là A-nhã-Kiều-trần-như. Khi Kiều-trần-như đắc pháp, thần đất lớn tiếng xướng rằng: “Này các chúng sanh, Phật ở tại trú xứ Tiên nhơn trong rừng Nai thuộc thành Ba-la-nại nói bốn thánh đế này, ba lần chuyển mười hai phần pháp luân hành; ở trong tất cả thế gian hoặc là Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, trời người đều không thể như pháp chuyển. Phật vì lợi ích cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì thương xót thế gian, làm lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người, làm tăng thêm chúng trời và làm giảm chúng A-tu-la”. Thần hư không nghe thần đất xướng như vậy, cũng lớn tiếng xướng như vậy, như thế cho đến các cõi trời Tứ thiên vương, cõi trời Tam thập tam, trời Dạ ma, trời Đâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại… trời Phạm thiên đều xướng lên như vậy. Phật ở tại trú xứ Tiên nhơn trong rừng Nai thuộc thành Ba-la-nại, nói bốn thánh đế này, ba lần chuyển mười hai phần pháp luân hành nên kinh này gọi là kinh Chuyển pháp luân”.

Lúc đó Đại Ca-diếp liền hỏi trưởng lão A nhã Kiều-trần-như: “Lời A-nan nói có đúng không?”, Kiều-trần-như đáp là đúng, Đại Ca-diếp kế hỏi trưởng lão Quân đà, kế hỏi trưởng lão Thập lực Ca-diếp… như thế cho đến hỏi hết năm trăm Tỳ-kheo kết tập pháp, trưởng lão Ưu-ba-ly là người thứ năm trăm đáp: “Tôi cũng nghe như vậy, đúng như trưởng lão A-Nan-đã nói”, Ưu-ba-ly hỏi lại Đại Ca-diếp là có đúng như vậy không, Đại Ca-diếp đáp là đúng, cứ như thế hỏi đáp cho đến khi tất cà kinh đã được kết tập xong. Đại Ca-diếp ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, tất cả kinh đã kết tập xong, là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Không có Tỳ-kheo nào nói pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp; Tỳ-ni nói là phi Tỳ-ni, phi Tỳ-ni nói là Tỳ-ni. Đây là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Đại Ca-diếp lại hỏi A-nan: “Phật bắt đầu nói A-tỳ-đàm ở nơi đâu?”, đáp: “Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Phật tại nước Xá-bà-đề, lúc đó Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nếu người nào có năm sợ hãi, năm tội, năm oán và năm diệt thì người này sau khi chết sẽ bị đọa trong địa ngục nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay. Năm tội đó là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ và uống rượu. Ngược lại “Nếu người nào không có năm sợ hãi, năm tội, năm oán và năm diệt thì người này sau khi chết sẽ được sanh lên cõi trời nhanh như lực sĩ co duỗi cánh tay. Không có năm tội đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu. Đối với năm sợ hãi, năm oán và năm diệt cũng giống như vậy”.

Lúc đó Đại Ca-diếp liền hỏi trưởng lão A-nhã-Kiều-trần-như:

“Lời A-nan nói có đúng không?”, Kiều-trần-như đáp là đúng, Đại Cadiếp kế hỏi trưởng lão Quân đà, kế hỏi trưởng lão Thập lực Ca-diếp… như thế cho đến hỏi hết năm trăm Tỳ-kheo kết tập pháp, trưởng lão Ưu-ba-ly là người thứ năm trăm đáp: “Tôi cũng nghe như vậy, đúng như trưởng lão A-Nan-đã nói”, Ưu-ba-ly hỏi lại Đại Ca-diếp là có đúng như vậy không, Đại Ca-diếp đáp là đúng, cứ như thế hỏ đáp cho đến khi tất cả luận đã được kết tập xong. Đại Ca-diếp ở trong Tăng xướng:

Đại đức tăng lắng nghe, tất cả luận đã kết tập xong, là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Không có Tỳ-kheo nào nói pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp; Tỳ-ni nói là phi Tỳ-ni, phi Tỳ-ni nói là Tỳ-ni. Đây là pháp, là Tỳ-ni, là lời Phật dạy. Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Sau khi tất cả kinh, luật, luận đã được kết tập xong, trưởng lão A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu chắp tay bạch với trưởng lão Đại Ca-diếp: “Đại đức, tôi từ Phật nghe thọ lời này, Phật nói: “Sau khi ta nhập niết bàn, nếu Tăng nhất tâm hòa hợp thì có thể xem xét bỏ bớt những giới vi tế”, Đại Ca-diếp hỏi: “A-nan, thầy có hỏi Phật những giới nào là giới vi tế mà nếu Tăng nhất tâm hòa hợp thì có thể bỏ bớt hay không?”, đáp là không có hỏi, Đại Ca-diếp nói: “Đáng lẽ thầy nên hỏi cho rõ ràng, vì thầy không hỏi Phật rõ ràng nên thầy phạm Độtkiết-la, thầy nên như pháp sám hối”, A-nan nói: “Tôi không khinh giới nên không hỏi, vã lại lúc đó Phật sắp diệt độ, tâm tôi ưu sầu nên không thể hỏi được”. Đại Ca-diếp nói: “Phật ba lần nói với thầy rằng: Vô số việc trong cõi Diêm phù đề thì thích thọ mạng là việc vui thích nhất. Nếu người nào tu Tứ như ý túc có thể sống thọ một kiếp hoặc dưới một kiếp”. Phật khéo tu Tứ như ý túc nếu muốn thọ mạng một kiếp hoặc dưới một kiếp đều có thệ tự tại trụ. Tại sao lúc đó thầy không thỉnh Phật trụ lâu ở đời, vì việc này nên thầy phạm Đột-kiết-la, thầy nên như pháp sám hối”, A-nan nói: “Tôi không khinh giới và không phải không cung kính Phật mà không thỉnh Phật trụ lâu ở đời. Chỉ vì lúc đó ma che lấp tâm tôi khiến tôi không nhận biết nên mới không thỉnh Phật trụ lâu ở đời”. Đại Ca-diếp nói: “Một lần nọ thầy đã dùng chân giẫm lên y của Phật nên thầy phạm Đột-kiết-la, thầy nên như pháp sám hối”, A-nan nói: “Tôi không khinh giới và không phải không cung kính Phật mà giẫm lên y của Phật. Chỉ vì lúc đó gió thổi rất mạnh, không có ai giúp đỡ, tôi phải dùng chân giẫm lên y để giữ y mới xếp được y”. Đại Cadiếp lại nói: “Một lần nọ Phật bảo thầy ra bờ sông Ca-câu-đà lấy một bát nước, thầy đáp là nước sông đang đục chưa trong nên không đi lấy nước liền. Vì việc này thầy phạm Đột-kiết-la, thầy nên như pháp sám hối”, A-nan nói: “Tôi không khinh giới và không phải không cung kính Phật mà không đi lấy nước liền. Chỉ vì lúc đó có năm trăm cỗ xe vừa băng qua sông nên nước đục chưa trong”. Đại Ca-diếp lại nói: “Phật không cho người nữ xuất gia, thầy đến thỉnh ba lần để Phật cho người nữ xuất gia. Vì việc này thầy phạm Đột-kiết-la, thầy nên như pháp sám hối”, A-nan nói: “Tôi không khinh giới và không phải không cung kính Phật mà thỉnh Phật ba lần để cho người nữ xuất gia. Chỉ vì chư Phật quá khứ đều có đủ bốn chúng, vì sao riêng Phật của chúng ta lại không Có bốn chúng nên tôi mới thỉnh Phật đến ba lần”. Đại Ca-diếp lại nói: “Sau khi Phật diệt độ, vì sao thầy lại để lộ tướng âm tàng của Phật cho người nữ nhìn thấy. Vì việc này thầy phạm Đột-kiết-la, thầy nên như pháp sám hối”, A-nan nói: “Vì người nữ phước đức mỏng ít, muốn được thấy tướng của Phật, khi thấy được rồi sẽ sanh nhàm lìa thân nữ, đời sau được thân nam nên tôi mới để lộ cho họ thấy”. Lúc đó Đại Ca-diếp bảo Anan ở trong Tăng sám hối sáu tội Đột-kiết-la rồi bạch Tăng: “Chúng ta không nên cho bỏ bớt một giới vi tế nào, vì sao, vì ngoại đạo dị học nếu nghe biết việc này sẽ nói rằng: “Đệ tử thông minh, vì sao, vì thầy kết giới mà đệ tử lại bỏ bớt”. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì ngoại đạo dị học sẽ nói rằng: “Khi đại sư còn ở đời, Sa-môn Thích tử đều trì giới đầy đủ; sau khi đại sư diệt độ lại không trì giới đầy đủ mà còn bỏ bớt, pháp của Thích tử không bao lâu nữa sẽ bị diệt, giống như lửa cháy thì khòi bốc lên, lửa tắt thì khòi cũng diệt. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì các Tỳ-kheo không biết giới nào là vi tế sẽ nói rằng: “Giới vi tế không phải chỉ là Đột-kiết-la, mà bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni cũng được xem là giới vi tế. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì các Tỳ-kheo không biết giới nào là vi tế sẽ nói rằng: “Giới vi tế không phải chỉ là Đột-kiết-la, bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni mà cả chín mươi Ba-dật-đề cũng được xem là giới vi tế”. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì các Tỳ-kheo không biết giới nào là vi tế sẽ nói rằng: “Giới vi tế không phải chỉ là Đột-kiết-la, bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni, chín mươi Ba-dật-đề mà cả ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề cũng được xem là giới vi tế”. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì các Tỳ-kheo không biết giới nào là vi tế sẽ nói rằng: “Giới vi tế không phải chỉ là Đột-kiết-la, bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni, chín mươi Badật-đề, ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề mà cả hai pháp Bất định cũng được xem là giới vi tế”. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì các Tỳ-kheo không biết giới nào là vi tế sẽ nói rằng: “Giới vi tế không phải chỉ là Đột-kiết-la, bốn Ba-la-đề-đề-xá-ni, chín mươi Ba-dật-đề, ba mươi Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, hai pháp Bất định mà cả mười ba Tăng-già-bà-thi-sa cũng được xem là giới vi tế”. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, nếu chúng ta bỏ bớt thì sẽ có Tỳ-kheo nói rằng: “Tôi chỉ thọ trì bốn giới thôi còn những giới khác thì bỏ bớt”. Vì vậy chúng ta nhất tâm xem xét không cho bỏ bớt một giới vi tế nào, chúng ta phải thọ trì tất cả giới Phật đã kết. Những giới Phật đã kết, tất cả đều phải thọ trì, Phật không kết giới thì thôi, nếu Phật đã kết rồi thì không được bỏ, nên như Phật đã kết giới mà thọ trì, mới khiến cho các Tỳ-kheo thiện pháp được tăng trưởng không diệt. Vì vậy chúng ta phải thọ trì hết, không bỏ bớt một giới nào”.

2. Bảy Trăm Tỳ-Kheo Kết Tập Diệt Ác Pháp:

Từ khi Phật nhập niết bàn cho đến một trăm mười năm sau, ở nước Tỳ-da-ly phát sanh mười việc phi pháp, phi thiện, xa lìa Phật pháp, không liên quan tới kinh, luật và luận, cũng phá pháp tướng. Các Tỳkheo Tỳ-da-ly hành theo mười việc này, cho là pháp, là thanh tịnh rồi thọ trì như vậy. Mười việc phi pháp đó là diêm tịnh, chỉ tịnh, cận tụ lạc tịnh, sanh hòa hợp tịnh, như thị tịnh, chứng tri tịnh, bần trú xứ tịnh, hành pháp tịnh, lũ biên bất ích Ni-sư-đàn tịnh và mười là kim ngân bảo vật tịnh. Lúc đó các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly mang bát bằng vàng lớn của nước Kiều-tát-la, ra khỏi nước Kiều-tát-la vào nước Tỳ-da-ly theo thứ lớp từng nhà xin tiền, được bao nhiêu đều bỏ vào trong bát. Có người bỏ vào trong bát một vạn tiền, có người bỏ ngàn tiền hoặc trăm tiền, năm mươi tiền cho đến một tiền.

Lúc đó có trưởng lão Da-xá đà con của Ca-lan đề ở nước Tỳ-daly đã được ba minh, thọ trì ba tạng pháp kinh luật và luận, là đệ tử của trưởng lão A-nan. Trưởng lão Da-xá-đà nghe biết được tin này, biết mười việc này là phi pháp nên sai sứ đến nói với các bạch y ở Tỳ-da-ly rằng: “Sa-môn Thích tử không được xin vàng bạc và cất giữ vật báu. Phật đã dùng các nhân duyên thuyết pháp cho chủ tụ lạc Ma-ni-châu-la rằng: Từ nay các Tỳ-kheo cần củi thì xin củi, cần cỏ thì xin cỏ, cần xe thì cho mượn xe, cần người làm thì mượn người làm; nhưng không được xin vàng bạc và cất giữ vật báu”. Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly nghe tin trưởng lão Da-xá-đà sai sứ đến nói với các bạch y như thế, liền tập họp lại chia số vàng bạc vật đã xin được. Trong số các Tỳ-kheo này, có người tự lấy phần mình mang đi, có người sai Sa-di, bạch y mang đi, có người để trên giường mang đi, có người bỏ trong giày ủng mang đi, có người bỏ trong đãy y mang đi, có người sai sứ mang đến một phần đưa cho trưởng lão Da-xá-đà. Trưởng lão trả lại vật bất tịnh này cho họ và nói rằng: “Samôn Thích tử không được xin vàng bạc và cất giữ vật báu. Phật đã dùng các nhân duyên thuyết pháp rằng: Từ nay các Tỳ-kheo cần củi thì xin củi, cần cỏ thì xin cỏ, cần xe thì cho mượn xe, cần người làm thì mượn người làm; nhưng không được xin vàng bạc và cất giữ vật báu”, các Tỳkheo Tỳ-da-ly suy nghĩ: “Da-xá-đà ở trước bạch y nếu tội của chúng ta, chúng ta nên tác pháp yết ma Hạ ý cho Da-xá-đà, bắt buộc Da-xáđà đến các bạch y sám tạ”, nghĩ rồi liền tập họp Tăng làm yết ma Hạ ý cho Da-xá-đà. Da-xá-đà nghe biết được tin này liền suy nghĩ: “Khi ta đến các bạch y sám tạ, ta sẽ tùy thuận thuyết pháp khiến cho các bạch y tin rằng: Sa-môn Thích tử không được xin vàng bạc và cất giữ vật báu. Phật đã dùng các nhân duyên thuyết pháp cho chủ tụ lạc Ma ni châu la rằng: Từ nay các Tỳ-kheo cần củi thì xin củi, cần cỏ thì xin cỏ, cần xe thì cho mượn xe, cần người làm thì mượn người làm; nhưng không được xin vàng bạc và cất giữ vật báu”. Sáng hôm sau, Da-xá-đà đắp y mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực, khất thực xong đến các bạch y sám tạ và tùy duyên thuyết pháp khiến cho các bạch y tin như thế. Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly nghe được tin này liền suy nghĩ: “Chúng ta không để cho Da-xá-đà ở trong nước này nữa, nên tác pháp yết ma tẫn xuất, không cho Da-xá-đà ở nước Tỳ-da-ly nữa”, nghĩ rồi liền tập họp Tăng tác pháp yết ma tẫn xuất cho Da-xá-đà. Da-xá-đà nghe được tin này liền trở về phòng thu dọn, giao trả ngọa cụ rồi mang y bát rời khỏi nước Tỳ-da-ly. Đi chưa được bao xa liền suy nghĩ: “Ta được thoát khỏi các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly, các Tỳ-kheo này xin vàng bạc và cất giữ vật báu nhiếu dục, nhiều mong cầu và tạo nhiều pháp ác”, nghĩ rồi Da-xá-đà đến nước Kiều-tát-la hạ an cư.

Lúc đó trưởng lão Tam-bồ-gia trụ dưới tàng cây Ô-đầu-bà-la, rừng A-ba-đại-la tinh xá Tăng-già-già của nước Ma-thâu-la. Vị này đã chứng ba minh, thọ trì ba tạng pháp, có danh xưng là đại A-la-hán, là đệ tử của trưởng lão A-nan. Trưởng lão Da-xá-đà nghe danh của trưởng lão này liền sai sứ đến bạch với trưởng lão Tam-bồ-gia rằng: “Trưởng lão biết không, ở nước Tỳ-da-ly phát sanh mười việc phi pháp, phi thiện, xa lìa Phật pháp, không liên quan tới kinh, luật và luận, cũng phá pháp tướng. Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly hành theo mười việc này, cho là pháp, là thanh tịnh rồi thọ trì như vậy. Mười việc phi pháp đó là diêm tịnh, chỉ tịnh, cận tụ lạc tịnh, sanh hòa hợp tịnh, như thị tịnh, chứng tri tịnh, bần trú xứ tịnh, hành pháp tịnh, lũ biên bất ích Ni-sư-đàn tịnh và mười là kim ngân bảo vật tịnh. Lúc đó các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly mang bát bằng vàng lớn của nước Kiều-tát-la, ra khỏi nước Kiều-tát-la vào nước Tỳda-ly theo thứ lớp từng nhà xin tiền, được bao nhiêu đều bỏ vào trong bát. Có người bỏ vào trong bát một vạn tiền, có người bỏ ngàn tiền hoặc trăm tiền, năm mươi tiền cho đến một tiền. Các trưởng lão Tỳ-kheo nên tập họp lại để diệt ác pháp này, nếu không diệt thì ác pháp sẽ ngày càng lan rộng”. Trưởng lão Tam-bồ-già nghe rồi liền sai sứ đến các nước như nước Đạt-thẩn-na, nước A-bàn-đề… thông báo cho họ biết được việc phi pháp trên và nói các trưởng lão Tỳ-kheo nên tập họp lại để diệt ác pháp này, nếu không diệt thì ác pháp sẽ ngày càng lan rộng. Các trưởng lão Tỳ-kheo ở các nước này sau khi được tin này đều cùng tập họp lại đi đến nước Tỳ-da-ly. Lúc đó trưởng lão Lê-bà-đa ở nước Tát hàn nhã là người đã chứng ba minh, thọ trì ba tạng pháp, có danh xưng là đại A-la-hán, thích hành bốn tâm vô lượng là đệ tử của trưởng lão A-nan. Trưởng lão Tam-bồ-già nghe biết danh của vị trưởng lão này liền suy nghĩ: “Chúng ta nên mời trưởng lão nào chủ trì cuộc kết tập này, chúng ta nên mời trưởng lão này chủ trì và thống lãnh các Tỳkheo, trưởng lão này sẽ nói thật pháp cho các Tỳ-kheo”, nghĩ rồi liền tập họp Tăng nói rõ ý nghĩ của mình. Sau khi đến các bạch y xin cúng dường tứ sự, trưởng lão lên thuyền đến nước Tát hàn nhã yết kiến trưởng lão Lê-bà-đa. Trưởng lão Lê-bà-đa từ xa thấy trưởng lão Tam-bồ-già đến liền ra nghinh đón và thăm hỏi đi đường có nhọc mệt không, cầm giúp y bát rồi chỉ phòng xá ngọa cụ và các vật cần dùng cho trưởng lão Tam-bồ-già. Đêm đó hai trưởng lão cùng nghỉ chung một phòng, cuối đêm ngồi thiền cho đến sáng. Đến sáng trưởng lão Lê-bà-đa nói với trưởng lão Tam-bồ-già: “Tôi đã theo pháp cúng dường khách xong, giờ thầy nên theo pháp của người xuất gia”, trưởng lão Tam-bồ-giànghe rồi liền đắp y mang bát vào thành Tất-hàn-nhã khất thực, khất thực xong trở về đảnh lễ trưởng lão Lê-bà-đa. Lúc đó trưởng lão Tam-bồ-già suy nghĩ: “Trưởng lão Lê-bà-đa là đại pháp sư nếu hỏi ta về A-tỳ-đàm thì ta không đáp nhanh được, chi bằng ta đem mười phi pháp của các Tỳkheo Tỳ-da-ly ra hỏi trước”, nghĩ rồi liền chắp tay hỏi trưởng lão Lê-bàđa: “Xin hỏi trưởng lão Diêm tịnh có nên thọ trì hay không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Diêm tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly dùng muối cất cách đêm để bỏ vào thức ăn cho là tịnh và thọ trì. Nay xin hỏi việc này có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa đáp là bất tịnh, không nên ăn; lại hỏi: “Nếu ăn thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Đột-kiết-la; lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới nói việc này không được ăn?”, đáp: “Phật ở nước Xá-bàđề nói việc này trong pháp Dược của-tỳ-ni”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Nhị chỉ tịnh có nên thọ không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Nhị chỉ tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly ăn xong rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, không thọ pháp tàn thực, bóng mặt trời qua hai ngón tay được ăn và nói là tịnh. Xin hỏi việc này có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu ăn thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Ba-dật-đề, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới nói việc này không được ăn?”, đáp: “Phật ở nước Tỳ-da-ly, vì các Tỳ-kheo không thọ pháp tàn thực nên kết giới”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Cận tụ lạc có thật là tịnh không?”, Lê-bàđa hỏi: “Thế nào là Cận tụ lạc tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly được thức ăn gần tụ lạc, không thọ pháp tàn thực được ăn và nói là tịnh. Xin hỏi việc này có thật là tịnh không?”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu ăn thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Ba-dật-đề, lại hỏi: “Phật ở đâu nói việc này không được ăn?”, đáp: “Phật ở nước Tỳ-da-ly, vì các Tỳ-kheo không thọ pháp tàn thực nên kết giới”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Danh hòa hợp tịnh có nên thọ không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Danh hòa hợp tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly ăn xong rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, không thọ pháp tàn thực lại đem sữa lạc và tô hòa hợp rồi ăn và nói là tịnh. Xin hỏi việc này có thật là tịnh không?”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu ăn thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Ba-dật-đề, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới nói việc này không được ăn?”, đáp: “Phật ở nước Tỳ-da-ly, vì các Tỳ-kheo không thọ pháp tàn thực nên kết giới”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Như thị tịnh có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Như thị tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly ở trong nội giới cùng trú xứ riêng làm yết ma rồi vào trong Tăng nói rằng: “Trú xứ kia làm yết ma như thế, việc này là tịnh”. Xin hỏi việc này có thật là tịnh không?”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu làm thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Đột-kiết-la, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới này?”, đáp: “Phật kết giới này trong hành pháp Tỳ-ni ở nước Chiêm-ba”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Chứng tri tịnh có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Chứng tri tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly ở mỗi trú xứ làm yết ma phi pháp rồi vào trong Tăng bạch rằng: “Chúng tôi ở mỗi trú xứ đã làm yết ma, xin Tăng chứng tri, việc này là tịnh”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu làm thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Đột-kiết-la, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới này?”, đáp: “Phật kết giới này trong hành pháp Tỳ-ni ở nước Chiêm-ba”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Bần trú xứ tịnh có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Bần trú xứ tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly nói rằng: “Trú xứ của chúng tôi nghèo nên làm rượu uống, nói việc này là tịnh, xin hỏi có thật là tịnh không?”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu uống thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Ba-dật-đề, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới nói việc này không được uống?”, đáp: “Phật vì trưởng lão A-la-hán Bà-già-đà kết giới không uống rượu tại thành Bạt-đà La-Bà-đề thuộc nước Chi-bà-đề”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Hành pháp tịnh có thật là tịnh không?”, đáp: “Có Hành pháp tịnh, hành cũng tịnh, không hành cũng tịnh; có Hành pháp bất tịnh, hành cũng bất tịnh, không hành cũng bất tịnh”, lại hỏi: “Thế nào là Hành pháp tịnh, hành cũng tịnh, không hành cũng tịnh?”, đáp: “Như không sát sanh, hành cũng tịnh, không hành cũng tịnh; không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ… đều là Hành pháp tịnh, hành cũng tịnh, không hành cũng tịnh”, lại hỏi: “Thế nào là Hành pháp bất tịnh, hành cũng bất tịnh, không hành cũng bất tịnh?”, đáp: “Như tội sát sanh, hành cũng bất tịnh, không hành cũng bất tịnh; tội trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ… đều là Hành pháp bất tịnh, hành cũng bất tịnh, không hành cũng bất tịnh”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Bất ích lũ biên Ni-sư-đàn có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Bất ích lũ biên Ni-sư-đàn tịnh?”, Đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly làm Ni-sư-đàn không nới rộng thêm viền và nói việc này là tịnh”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu làm thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Ba-dật-đề, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới nói việc này không được làm?”, đáp: “Phật vì trưởng lão Ca-lưu-đà-di kết giới cho làm Ni-sư-đàn nới rộng thêm viền một gang tay tại nước Xá-bà-đề”. Lại hỏi: “Xin hỏi trưởng lão Kim ngân bảo vật tịnh có thật là tịnh không?”, Lê-bà-đa hỏi: “Thế nào là Kim ngân bảo vật tịnh?”, đáp: “Các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly thọ vàng bạc vật báu và nói việc này là tịnh, xin hỏi việc này có thật là tịnh không?”, đáp là bất tịnh, lại hỏi: “Nếu thọ thì phạm tội gì?”, đáp là phạm Ba-dật-đề, lại hỏi: “Phật ở đâu kết giới nói việc này không được thọ?”, đáp: “Phật vì Tỳ-kheo Bạt-nan-đà kết giới không được lấy vàng bạc bảo vật tại nước Tỳ-da-ly”. Lúc đó trưởng lão Tam-bồ-già khen: “Lành thay trưởng lão Lê-bà-đa khéo nói mười việc”, lại hỏi: “Nên xử lý các Tỳ-kheo này như thế nào?”, đáp: “Nên cùng nổ lực phương tiện diệt trừ pháp bất thiện này”.

Lúc đó có trưởng lão Sa-la ở nước Tỳ-da-ly đã chứng ba minh, thọ trì ba tạng pháp, có danh xưng là đại A-la-hán, là đệ tử của trưởng lão A-nan suy nghĩ: “Học trí của ta đều thọ từ Hòa thượng, ta nên phân biệt quán sát Tỳ-kheo khách và Tỳ-kheo Tỳ-da-ly”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát vào thành khất thực, khất thực xong đi vào rừng Sa-la, trải Ni-sư-đàn ngồi dưới một gốc cây quán chiếu pháp để biết ai là như pháp, là Tỳ-kheo Tỳ-da-ly hay là Tỳ-kheo khách. Quán chiếu rồi mới biết là Tỳ-kheo Tỳ-da-ly là phi pháp, Tỳ-kheo khách là như pháp. Lúc đó thần cây trong rừng chắp tay hỏi trưởng lão Sa-la: “Đúng như vậy, Tỳ-kheo Tỳ-da-ly là phi pháp, Tỳ-kheo khách là như pháp, trưởng lão nay muốn làm gì?”, đáp: “Tôi sẽ nổ lực làm phương tiện diệt trừ pháp bất thiện này”.

Lúc đó các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly nghe tin các khách Tỳ-kheo ở nước A-bàn-đề, Đạt-thẩn-na, Bà-đa đang nổ lực làm phương tiện diệt trừ việc này liền suy nghĩ: “Chúng ta nên thỉnh Thượng tòa nào làm Thượng tòa, trong số các Tỳ-kheo sắp đến có Thượng tòa Lê-bà-đa, chúng ta nên thỉnh làm Thượng tòa”, nghĩ rồi liền đắp y mang bát đến nước Tát-hànnhã, đến nới liền thấy trưởng lão này đang cùng các khách Tỳ-kheo ở nước A-bàn-đề, Đạt-thẩn-na, Bà-đa hành sự mới biết Trưởng lão này đồng với nhóm bên kia. Họ liền nghĩ: “Chúng ta nên đến chỗ các đệ tử của Thượng tòa Lê-bà-đa, dùng lời nhu hòa nhờ họ nói giúp, Thượng tòa này ắt sẽ nghe lời các đệ tử”, nghĩ rồi liền mang y bát, chìa khóa, giày dép, ba loại dược đến chỗ các đệ tử của Thượng tòa Lê-bà-đa nói rằng: “Xin nhờ các thầy nói giúp với Thượng tòa là Tỳ-kheo Tỳ-da-ly là có pháp ngữ, các khách Tỳ-kheo ở nước A-bàn-đề, Đạt-thẩn-na, Bà-đa là không phải pháp ngữ. Tất cả chư Phật đều xuất hiện ở phương Đông, Thượng tòa trưởng lão chớ cùng các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly đấu tranh”, các đệ tử của Thượng tòa Lê-bà-đa nhận lời nói giúp, nói rồi liền đi đến chỗ Thượng tòa Lê-bà-đa bạch rằng: “Tỳ-kheo Tỳ-da-ly là có pháp ngữ, các khách Tỳ-kheo ở nước A-bàn-đề, Đạt-thẩn-na, Bà-đa là không phải pháp ngữ. Tất cả chư Phật đều xuất hiện ở phương Đông, Thượng tòa trưởng lão chớ cùng các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly đấu tranh”, trưởng lão Lêbà-đa nói: “Các thầy là người ngu si, ta tự biết các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly là phi pháp, phi thiện; các khách Tỳ-kheo ở nước A-bàn-đề, Đạt-thẩn-na, Bà-đa là pháp, là thiện. Tại sao các thầy lại bảo ta làm điều phi pháp, phi thiện, không phải lời Phật dạy. Các thầy hãy đi đi, cho đến chết ta cũng không muốn gặp các thầy nữa”. Lúc đó trưởng lão Lê-bà-đa nói với trưởng lão Tam-bồ-già: “Việc này tuy có thể diệt trừ ở đây được, nhưng người không có trí huệ sẽ nói là việc này không thể diệt trừ ở đây được. Vì vậy việc phát sanh từ đâu thì nên đến chỗ đó trừ diệt”. Lúc đó Trưởng lão Lê-bà-đa, trưởng lão Tam-bồ-già cùng các khách Tỳ-kheo ở nước A-bàn-đề, Đạt-thẩn-na, Bà-đa mang y bát đi đến nước Tỳ-da-ly, tuần tự tới thành Tỳ-da-ly ; các Tỳ-kheo Tỳ-da-ly cũng mang y bát tuần tự đi đến thành Tỳ-da-ly.

Lúc đó có trưởng lão Tát-bà-già-la-ba-lê-bà-la trụ tại nước Tỳda-ly, đã chứng ba minh, thọ trì ba tạng pháp, có danh xưng là đại A-lahán, thích hành Không tam muội là đệ tử của trưởng lão A-nan. Trưởng lão Lê-bà-đa đến gặp trưởng lão này, trưởng lão này thấy trưởng lão Lê-bà-đa đến liền vui vẻ chào hỏi thiện lai rồi mời ngồi. Các Thượng tòa có pháp như vầy: Nếu có khách Tỳ-kheo đến thì cùng ngủ chung một phòng, vì vậy Thượng tòa này liền bảo người cấp sự trải giường và ngọa cụ cho khách Tỳ-kheo. Cấp sự suy nghĩ: “Thượng tòa bảo ta trải giường và ngọa cụ cho khách, ắt là cùng khách Tỳ-kheo ngủ chung một phòng”, nghĩ rồi liền vào phòng của Thượng tòa trải giường và ngọa cụ cho khách, trải xong trở ra bạch Thượng tòa biết thời. Thượng tòa này liền đứng dậy vào phòng, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già; trưởng lão Lê-bàđa cũng theo vào phòng đảnh lễ Thượng tòa rồi trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già. Thượng tòa chủ suy nghĩ: “Thượng tòa khách mới đến, đi đường mệt nhọc, nếu khách chưa nằm ngủ thì ta không nên nằm ngủ trước; Tỳ-kheo khách nằm ngủ rồi ta mới nằm ngủ”, lúc đó trưởng lão Lê-bàđa cũng suy nghĩ: “Thượng tòa bậc nhất trong Tăng này chưa nằm ngủ thì ta không nên nằm ngủ trước; Thượng tòa nằm ngủ rồi ta mới nằm ngủ”. Đêm đó cả hai Thượng tòa đều cùng ngồi thiền, đến cuối đêm Thượng tòa chủ hỏi Tỳ-kheo khách: “Vì sao thầy không ngủ?”, đáp: “Tôi suy nghĩ Thượng tòa bậc nhất trong Tăng này chưa nằm ngủ thì ta không nên nằm ngủ trước; Thượng tòa nằm ngủ rồi ta mới nằm ngủ”, Thượng tòa lại hỏi: “Đêm nay thầy nhập tam muội gì?”, đáp: “Tôi hành nhiều về Từ tam muội”, Thượng tòa nói: “Đây là hành tam muội nhỏ”, đáp: “Quả thật đây là hành tam muội nhỏ. Tôi là A-la-hán các lậu đã hết, trong đêm thích nhớ nghĩ nên tôi thường nhập tam muội này. Còn Thượng tòa vì sao không ngủ?”, đáp: “Tôi cũng nghĩ Thượng tòa khách mới đến, đi đường mệt nhọc, nếu khách chưa nằm ngủ thì ta không nên nằm ngủ trước; Tỳ-kheo khách nằm ngủ rồi ta mới nằm ngủ”, khách lại hỏi: “Đêm nay Thượng tòa nhập tam muội gì?”, đáp: “Tôi hành nhiều về Không tam muội”, khách nói: “Đây là hành tam muội bậc thượng”, đáp: “Quả thật đây là hành tam muội bậc thượng. Tôi là A-la-hán các lậu đã đứt trừ, trong đêm thích nhớ nghĩ nên tôi thường nhập tam muội này”. Cả hai Thượng tòa đều đắc quả A-la-hán phát xuất từ pháp đã hành. Sáng hôm sau trưởng lão Tam-bồ-giàđến gặp Thượng tòa Tátbà-già-la-ba-lê-bà-la cung kính đảnh lễ rồi ngồi một bên, Thượng tòa hỏi trưởng lão Tam-bồ-già: “Trưởng lão muốn diệt trừ việc này như thế nào?”, đáp: “Trưởng lão là Thượng tòa bậc nhất trong Tăng nên biết diệt trừ việc này như thế nào”, Thượng tòa nói: “Hôm nay sau giờ thọ thực, trưởng lão nên tập họp Tăng”. Trưởng lão Tam-bồ-già vâng lời Thượng tòa sau giờ thọ thực liền tập họp Tăng, chỉ thiếu một vị nữa là đủ số bảy trăm Tỳ-kheo tăng để diệt trừ việc phi pháp, phi thiện, không phải lời Phật dạy. Lúc đó có trưởng lão Cấp-xà-tô-di-la trụ ở nước Bà- la-lê-phất, đã chứng ba minh, thọ trì ba tạng pháp, có danh xưng là đại A-la-hán, thích dùng thiên nhãn là đệ tử của trưởng lão A-nan. Tỳ-kheo dùng thiên nhãn thấy ở Tỳ-da-ly Tỳ-kheo tăng chỉ thiếu một vị nữa là đủ số bảy trăm để diệt trừ việc phi pháp, phi thiện, không phải lời Phật dạy. Trưởng lão liền nhập tam muội, như lực sĩ co duỗi cánh tay liền ẩn mất khỏi nước Ba la lê phất và hiện ra trước cửa của trú xứ tăng tại nước Tỳ-da-ly, xuất tam muội rồi liền nói kệ khiến mở cửa:

“Nước Bà- la-lê-phất
Trong các cựu Tỳ-kheo,
Người trì luật, đa văn,
Đã đoạn hết nghi hoặc,
Từ nước kia đến đây,
Đang đứng trước cửa này.
Nước Bà-la-lê-phất,
Trong các cựu Tỳ-kheo,
Người trì luật, đa văn,
Chế ngự sáu tình căn,
Từ nước kia đến đây,
Đang đứng trước cửa này.
Nước Bà-la-lê-phất,
Trong các cựu Tỳ-kheo,
Người trì luật, đa văn,
Cấp-xà tô-di-la,
Từ nước kia đến đây,
Đang đứng trước cửa này”.