THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

IV- BA MƯƠI PHÁP NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỀ (Tiếp Theo):

22. Giới Xin Bát Mới

Phật tại nước Xá-bà-đề, lúc đó Bạt-nan-đà cùng một thương nhơn đi vào trong chợ, thấy trong một cửa tiệm trưng bày cái bát sứ tròn đẹp liền sanh tâm ưa thích, nói với thương nhơn: “Ông xem cái bát đó thật tròn đẹp”, thương nhơn cũng nói là rất tròn đẹp rồi hỏi: “Thầy có muốn cái bát ấy không?” Đáp là muốn. Thương nhơn liền vào trong tiệm mua bát đưa cho Bạt-nan-đà, Bạt-nan-đà được bát rồi liền ra khỏi thành Xá-vệ đến trong tinh xá Kỳ hoàn khoe với các Tỳ kheo rằng: “Các Trưởng lão xem cái bát sứ này thật là tròn đẹp”, các Tỳ kheo nói: “Rất đẹp, thầy từ đâu có được?”. Bạt-nan-đà đem sự việc trên kể lại cho các Tỳ kheo nghe, các Tỳ kheo hỏi: “Trước khi xin thầy có bát dùng hay không?” Đáp là đã có, các Tỳ kheo hỏi: “Nếu trước đã có còn xin thêm làm gì?” Đáp: “Trước đã có nay xin thêm thì có hại gì”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền quở trách: “Trước đã có bát rồi tại sao còn xin thêm bát mới”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo trước đã có bát rồi còn xin thêm bát mới”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo bát đang dùng bị nứt bể vá chưa đến năm lằn, lại xin bát mới vì tham tốt đẹp thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.Bát này nên xả trong Tỳ kheo tăng rồi lấy bát của người hạ thấp nhất trao cho Tỳ kheo này, bảo rằng: “Thầy hãy cất chứa bát này dùng cho đến khi bể”.

Bát đang dùng là bát trước đã dùng; bát có ba loại như trong giới trên. Chưa đến năm lằn nứt là từ bốn, ba, hai, một lằn. Vì tham tốt đẹp là Tỳ kheo này không biết đủ, khó cúng dường. Bát này nên xả trong Tỳ kheo tăng là bát này nên đựng đầy nước rồi đem đến trong Tăng hành bát, một Tỳ kheo nên xướng rằng: “Các Trưởng lão nên nhóm để tác pháp bát đầy nước”. Lúc đó các Tỳ kheo nên bát của mình đang dùng đến nhóm, trong thời gian này các Tỳ kheo không được thọ thêm bát khác, nếu thọ thêm bát khác thì phạm Đột-kiết-la. Tăng hòa hợp rồi yết ma sai người hành bát, một Tỳ kheo trong tăng nói: “Trong các Trưởng lão ai có thể hành bát, rót nước đầy bát?’ Nếu có Tỳ kheo nào nói có thể thì Tỳ kheo này phải thành tựu năm thiện pháp là không tùy ái, không tùy sân, không tùy si, không tùy bố (sợ), biết là hành hay không hành; ngược với năm thiện pháp trên là năm ác pháp thì không nên sai làm người hành bát. một Tỳ kheo trong Tăng tác pháp yết ma sai như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, Tỳ kheo ………… có thể làm người hành bát. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận cho Tỳ kheo………. làm người hành bát. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu: Tăng nay cho Tỳ kheo………làm người hành bát xong rồi, Tăng chấp thuận vì im lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Nếu Tỳ kheo làm người hành bát nên rót nước đầy bát, ban đầu nên đến trước vị thương tòa thứ nhất hỏi: “Thượng tòa có cần bát này không?” Nếu Thượng tòa nói cần thì nên trao bát này cho Thượng tòa rồi lấy bát của Thượng tòa đưa đến Thượng tòa thứ hai hỏi: “Thượng tòa có cần bát này không?” Nếu nói cần thì nên đưa cho rồi lấy bát của Thượng tòa thứ hai đưa đến Thượng tòa thứ ba hỏi như trên. Nếu khi đang hỏi mà Thượng tòa thứ một hối tiếc muốn đòi lại bát của mình thì như Phật dạy là không nên cho, nếu Thượng tòa miễn cưỡng đoạt lại thì nên bảo Thượng tòa này sám Đột-kiết-la. Nếu bát này thượng tọa thứ nhất không lấy thì nên theo thứ lớp đi cùng khắp, cuối cùng không có ai chịu lấy bát đầy nước này thì nên đưa lại cho Tỳ kheo kia; nếu có người chịu lấy bát này thì nên lấy bát của người đó theo thứ lớp đưa bát như trên; cuối cùng không có ai chịu lấy thì nên đưa bát này đến cho Tỳ kheo kia bảo rằng: “Thầy hãy cất bát này dùng cho đến khi bể, chớ để bát ở dưới đất, chớ để trên đá, chớ để ở chỗ cao, chớ để chỗ bị dột, không được mang bát đến chỗ đại tiểu tiện, nhà tắm… không được cố ý làm bể, không được dùng bát để rửa mặt rửa tay, phải cất giữ cẩn thận. Chớ vì nhân duyên bể bát mà đi tìm cầu, bỏ phế việc tọa thiền tụng kinh hành đạo”.

Tướng phạm trong giới này là nếu bát của-Tỳ kheo chưa bể thì không được xin bát mới, nếu xin được thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe, không được thì phạm Đột-kiết-la. Nếu bát của-Tỳ kheo chỉ nứt có một lằn, dù trám hay chưa trám cũng không được xin bát mới, như thế cho đến hai, ba, bốn lằn nứt cũng vậy đều không được xin bát mới, nếu xin được thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, xin không được thì phạm Đột-kiếtla. Nếu bát nứt năm lằn, dù có trám hay chưa trám cũng được xin bát mới, xin được hay không đều không phạm.

23. Giới Tự Xin Chỉ Sợi Rồi Bảo Nhờ Thợ Dệt Không Phải Bà Con Dệt Y

Phật tại thành Vương xá, lúc đó lục quần Tỳ kheo tự xin chỉ sợi mang đến chỗ nhà giàu bảo rằng: “Chủ tụ lạc hãy bảo thợ dệt dệt y cho tôi”, chủ nhà giàu này liền bảo thợ dệt: “Hãy dệt y cho Tỳ kheo này, ta sẽ trả tiền cho ông”. Người thợ dệt đối với chủ nhà giàu này vì kính sợ nên không dám trái lời, nhưng khi dệt nổi sân trách mắng rằng: “Samôn Thích tử tự nói lành tốt có đức, lại nương thế lực nhà giàu bảo ta dệt không công, khiến ta không có tiền, không có cơm ăn cũng không có phước phần. Chúng ta suy não bất lợi vì gặp phải người không có thiểu dục tri túc khó cúng dường này”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại tự xin chỉ sợi rồi bảo thợ dệt không phải là bà con dệt y”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo tự xin chỉ sợi bảo thợ dệt không phải là bà con dệt y thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Tự xin là xin được năm mươi Ba là hay một trăm Ba là cho đến một lạng; Chỉ sợi là sợi gai, sợi lông, chỉ sô-ma, kiếp-bối… Không phải bà con là ngoại trừ cha mẹ anh chị em con cái liên quan trong bảy đời ra; Thợ dệt bao gồm nam, nữ, huỳnh môn, người và hai căn.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo theo bà con xin chỉ sợi hay bảo bà con dệt đều không phạm; tự dệt thì phạm Đột-kiết-la; cho đến bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni dệt là bà con đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo theo bà con xin chỉ sợi thì không phạm, nhưng bảo thợ dệt không phải bà con dệt thì phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đề; tự dệt hay bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni dệt đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo theo bà con xin chỉ sợi thì không phạm; bảo thợ dệt nếu là bà con dệt thì không phạm, nếu không phải là bà con thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; tự dệt hay bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni dệt đều phạm Độtkiết-la

Nếu Tỳ kheo theo người không phải bà con xin chỉ sợi thì phạm Đột-kiết-la, bảo thợ dệt không phải bà con dệt thì phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề; tự dệt hay bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sadi-ni dệt đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo theo người không phải bà con xin chỉ sợi thì phạm Đột-kiết-la, bảo thợ dệt là bà con dệt thì không phạm; tự dệt hay bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sadi-ni dệt đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo theo người không phải bà con xin chỉ sợi thì phạm Đột-kiết-la; bảo thợ dệt nếu không phải là bà con thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, nếu là bà con thì không phạm; tự dệt hay bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni dệt đều phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo theo người xin chỉ sợi là bà con thì không phạm, nếu không phải bà con thì phạm Đột-kiết-la; bảo thợ dệt dệt y nếu là bà con thì không phạm, nếu không phải là bà con thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề; tự dệt hay bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-dini dệt đều phạm Đột-kiết-la. Không phạm là dệt một Ba là hay dệt dây thiền, dây lưng hay một, hai lần đưa thoi thì không phạm.

24. Giới Bảo Thợ Dệt Không Phải Bà Con Dệt Y

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một cư sĩ bảo thợ dệt dệt y cho Bạt-nan-đà, Bạt-nan-đà nghe biết việc này liền đến chỗ người thợ dệt nói rằng: “Ông biết không, y này là dệt cho ta, ông hãy dệt cho đẹp, rộng, dầy và bền chắc, ta sẽ trả thêm cho ông ít nhiều hoặc thức ăn, tợ thức ăn hay bằng giá tiền bữa ăn”, thợ dệt nói: “Đại-đức, chúng tôi làm việc này là vì muốn được lợi, nếu thầy cho tôi nhiều lợi ích, tôi sẽ dệt đẹp rộng dầy và bền chắc cho thầy”, Bạt-nan-đà bằng lòng. Người thợ dệt vì dệt cho đẹp rộng dầy bến chắc theo ý của Bạt-nan-đà nên tốn rất nhiều chỉ sợi, cư sĩ liền hỏi thợ dệt: “Tại sao lại dùng quá nhiều chỉ sợi như vậy?” Thợ dệt nói: “Tôi không lấy bớt cũng không lấy trộm, khi nào dệt xong ông sẽ thấy đây là chiếc y đẹp, rộng, dầy và bền chắc nên mới tốn nhiều chỉ sợi như thế”, cư sĩ hỏi: “Ai bảo ông dệt như thế?”, Đáp là Thích tử Bạt-nan-đà, cư sĩ nói: “Nếu vậy thì ông cứ dệt đẹp như 122 thế”. Giá tiền mà cư sĩ lo liệu trước đó không đủ, phải trả thêm gấp hai, Ba-lần mới đủ để dệt thành y cho Bạt-nan-đà nên cư sĩ nổi giận quở trách rằng “Sa-môn Thích tử tự nói lành tốt có đức, tại sao lại đòi hỏi qúa nhiều, không biết thời, không biết nhàm đủ, không biết trù lượng. Nếu người thí không biết lượng thì người thọ cũng nên biết lượng. Giá tiền mà ta chuẩn bị trước đó nay phải trả thêm gấp hai, Ba-lần số tiền mới đủ dệt thành y. Đây là lỗi của ta khiến ta phiền não không có lợi ích gì, tại sao ta lại cúng dường cho người không biết đủ, khó nuôi không biết nhàm đủ như thế”. Lúc đó có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này, tâm không vui quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạtnan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách rằng: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại ở chỗ cư sĩ không phải bà con khởi tưởng là đồng ý”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo có cư sĩ, vợ cư sĩ bảo thợ dệt dệt y cho Tỳ kheo, Tỳ kheo này trước không được thỉnh tùy ý liền đến nói với thợ dệt rằng: “Ông biết không, y này là dệt cho ta, ông hãy dệt cho đẹp, rộng, dầy và bền chắc, ta sẽ trả thêm ít nhiều cho ông”. Tỳ kheo này tự nói hay bảo người nói, thời gian sau nếu cho thức ăn hay giá tiền bằng một bữa ăn, vì muốn tốt nên phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Dệt cho Tỳ kheo là chỉ cho Bạt-nan-đà; Cư sĩ, vợ cư sĩ là nam và nữ bạch y; thợ dệt là bao gồm nam, nữ, huỳnh môn, người và hai căn; Y là bao gồm các loại y bằng gai, Súy-di-la, sô-ma, kiều xà na, khâmbà-la, kiếp-bối…. Trước không được thỉnh tùy ý là trước đó cư sĩ không có nói: Nếu cần gì cứ đến nói; khởi đồng ý là tin cư sĩ này dù tôi cần gì đến nói với thợ dệt cũng không nổi sân. Cho thức ăn hay tợ thức ăn là bao gồm năm loại thức ăn như cơm, bún khô, bánh, cá và thịt; năm loại tợ thức ăn như nếp, gạo, ngô bắp, rau cải và già sư. Giá tiền bằng một bữa ăn là giá tiền có thể mua được thức ăn.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo đến chỗ thợ dệt nói: “Y này là dệt cho ta, ông hãy dệt cho đẹp, ta sẽ trả thêm ít nhiều cho ông”thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu nói dệt cho rộng sẽ trả thêm ít nhiều cũng phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu nói dệt cho đẹp hay dệt cho rộng hay nói dệt cho đẹp và rộng sẽ trả thêm ít nhiều cho ông đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe. Nếu Tỳ kheo đến chỗ thợ dệt nói rằng: “Y này là dệt cho ta, ông chớ dệt đẹp, ta sẽ trả thêm ít nhiều cho ông”thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu nói chớ dệt rộng hay nói chớ dệt thật đẹp hay nói chớ dệt thật rộng hay nói chớ dệt đẹp và rộng sẽ trả thêm ít nhiều đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo đến chỗ thợ dệt nói rằng: “Y này là dệt cho ta, ông có dệt đẹp ta cũng không trả thêm giá cho ông”thì phạm Đột-kiết-la; nếu nói dù có dệt rộng hay nói dù có dệt thật đẹp hay thật rộng hay nói dù có dệt đẹp và rộng ta đều sẽ không trả thêm giá thì phạm Đột-kiếtla. Nếu Tỳ kheo tự có tiền bảo thợ dệt dệt thì không phạm.

25. Giới Đoạt Y Của-Tỳ Kheo Khác

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Bạt-nan-đà có đệ tử cùng hành tên là Đạt-ma, bản tánh thiện có đức, Bạt-nan-đà tạm cho mượn y cắt rọc để đắp. Vào tháng cuối của mùa hà sau khi tự tứ xong, Phật muốn du hành đến nước khác trong hai tháng, Bạt-nan-đà nghe tin này liền bảo Đạt-ma rằng: “Phật sắp du hành đến nước khác, ta muốn cùng con đi ở phía trước Phật, như thế chúng ta sẽ được nhiều y thực và ngọa cụ đầy đủ”, Đạt-ma nói: “Không được, vì sao, vì con muốn theo Phật du hành để được thường thấy Phật, thường thấy Đại-đức Tỳ kheo và để được nghe pháp”, Bạt-nan-đà nói: “Con không muốn đi cùng ta phải không?” Đáp là không, Bạt-nan-đà nói: “Nếu không đi thì trả y lại cho ta”, đáp: “Y này hòa thượng đã cho con rồi”, Bạt-nan-đà nói: “Ta không vì việc khác mà cho thầy, cho thầy là vì việc của ta, thầy thật không muốn đi phải không?” Đáp là không đi, Bạt-nan-đà liền đoạt y lại, người đệ tử này đứng trước Kỳ hoàn khóc. Phật thấy Đạt-ma liền hỏi vì sao khóc, Đạt-ma liền kể lại sự việc trên, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo đã cho Tỳ kheo khác y rồi, sau vì sân giận liền đoạt lấy lại”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo đã cho Tỳ kheo khác y rồi, sau vì sân giận nên đoạt lấy lại, nói rằng: “Hãy trả y lại đây, tôi không cho thầy nữa”; nếu đoạt được y thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Tự đoạt là tự mình đoạt lại.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo cho Tỳ kheo khác y rồi, sau vì sân giận nên đoạt lại, nếu đoạt lại được thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu đoạt lại không được thì phạm Đột-kiết-la. Tự dùng sức tranh giành lại được cũng phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, không được thì phạm Đột-kiết-la; bảo người khác ra sức giành lấy lại được cũng phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, không được thì phạm Đột-kiết-la. Nếu vì muốn chiết phục người kia tạm thời đoạt lấy lại thì không phạm.

26. Giới Lìa Y Ngủ Quá Sáu Đêm

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Tỳ-ha để y Tăng-già-lê trong rừng A-nan đà rồi đắp y thượng hạ vào thành khất thực, khi trở về tìm không thấy y Tăng-già-lê vì bị mất, liền đến nói cho các Tỳ kheo biết y nói: “Tôi không biết phải làm sao”, các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tỳ kheo Tỳ ha nguyên do, đủ lời khen ngợi hạnh tùy ở nơi nào y bát đều cùng theo nhau như sau: “Nếu Tỳ kheo thiểu dục tri túc, y cốt để che thân, cơm ăn cốt để nuôi mạng sống, tùy ở nơi nào y bát thường cùng theo nhau thì người ấy thường được an lạc, như cánh chim bay đến đâu lông cánh cùng theo nhau; Tỳ kheo cũng vậy, tùy ở nơi nào y bát cùng theo nhau thì thường được an lạc trụ”. Phật đủ lời khen ngợi rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo qua ba tháng chưa đến tháng tám chưa mãn hạ, nếu Tỳ kheo A-lan-nhã sống ở A-lan-nhã nghi là có khủng bố, Tỳ kheo này trong ba y tùy ý đắp một y ra ngoài giới. Vì có duyên sự cần ra ngoài giới thì được lìa y ngủ chừng sáu đêm, nếu lìa y ngủ quá sáu đêm thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Chưa mãn hạ là hậu an cư; A-lan-nhã là chỗ cách tụ lạc khoảng năm trăm cung, đối với nước Ma-già-đà là một Câu-lô-xá, đối với các nước phương bắc là nửa Câu-lô-xá. Nghi là nghi bị mất đồ vật; Có khủng bố là cho đến có Tỳ kheo ác. Tùy trong ba y lấy một y nào là hoặc lấy y Tăng-già-lê, hoặc lấy y Uất-đa-la-tăng hoặc lấy y An-đà-hội. Sáu đêm không phạm là thời gian khai cho được lìa y. Qua ba tháng là mùa hạ có bốn tháng tuy đã qua ba tháng nhưng người hậu an cư chưa đủ ngày, nên nói là chưa đến tháng tám chưa mãn hạ.

Tướng phạm trong giới này là Tỳ kheo vào đêm thứ sáu nên trở về lấy y hay đến chỗ y hay thọ y khác; nếu không đến lấy y, không đến chỗ y hay không thọ y khác thì qua đêm thứ bảy trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

27. Giới Thọ Y Cấp Thí

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các thương nhơn đi đến các tụ lạc buôn bán để kiếm lời, giữa đường thấy một Tăng phường thanh vắng cách xa tụ lạc. Khi vào trong thấy ít Tỳ kheo tăng liền hỏi nguyên do, Tỳ kheo nói: “Vì ở đây không có đàn việt cung cấp y thực thuốc thang nên ít Tỳ kheo tăng”, thương nhơn nói: “Chúng tôi muốn tu sửa lại chỗ này và cung cấp y thực thuốc thang”, nói rồi liền để lại y thực thuốc thang cho các Tỳ kheo rồi đi đến nơi khác. Các Tỳ kheo này vào tháng đầu của mùa hạ cùng chia nhau những y thực thuốc thang này rồi đến chỗ khác an cư. Các thương nhơn sau khi buôn bán được lời xong trở về ghé lại Tăng phường mà mình đã cúng dường, nghĩ rằng: “Đây là chỗ chúng ta cúng dường, nên vào xem nay đã có bao nhiêu người an cư, nếu có thiếu y thực chúng ta sẽ cung cấp thêm”. Khi vào trong Tăng phường lại thấy Tỳ kheo tăng ít hơn trước liền hỏi nguyên do, Tỳ kheo nói: “Vào tháng đầu của mùa hạ các Tỳ kheo cùng chia nhau y vật đã cúng rồi đến chỗ khác an cư rồi”, thương nhơn nói: “Chúng tôi cúng y thực không phải để các Tỳ kheo chia nhau rồi đến chỗ khác an cư, mà muốn các Tỳ kheo trụ ở đây an cư nên mới cúng dường”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo mới vào tháng đầu của mùa hạ liền chia vật an cư”, lúc đó Phật chỉ quở trách chớ chưa kết giới.

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó vua Ba-tư-nặc có một ngàn tướng quân, mỗi doanh trại có năm trăm người. Có một doanh trại các tướng quân đều mặc áo xấu không có oai đức, trong phòng xá của họ không có giường và ngọa cụ tốt đẹp. Vợ của họ cũng không có y phục đẹp và vòng xuyến chuỗi ngọc để trang nghiêm thân, dù họ được cấp bổng lộc cũng không đầy đủ. Những người này ưa thích ăn uống nhậu nhẹt và đấu tranh, khi say sưa họ kêu khóc giỡn cười la hét gây náo loạn. Lúc đó Tỳ kheo ni Đạt-ma-đề-na sống gần nơi đó bị những tiếng ồn náo này trở ngại cho việc tọa thiền tụng kinh của các Tỳ kheo ni, nên đến chỗ vợ của các tướng quân nói: “Chồng các vị ưa thích nhậu nhẹt đấu tranh, khi say sưa kêu khóc giỡn cười la hét gây náo loạn làm trở ngại cho việc tọa thiền tụng kinh của chúng tôi, tại sao các vị không khuyên ngăn”, vợ các tướng quân nói: “Làm sao khuyên ngăn được, muốn khuyên ngăn thì trước tiên phải có y thực dư, nếu thiện nhơn quở trách thì nên lo cho họ có y thực”, Đạt-ma-đề-na nghe rồi liền khất thực nhiều thức ăn thức uống rồi mời những người có thế lực trong quân doanh đến ăn để dẫn dụ họ. Khi biết tâm họ đã mềm mỏng có thể nghe lời liền nói với họ rằng: “Các chủ tụ lạc, các vị nên quy y Phật, Pháp, Tăng”, họ nghe theo lời liền quy y Phật pháp tăng, không còn thích nhậu nhẹt nữa, cũng không ưa thích đấu tranh và kêu khóc cười giỡn la hét nữa. Lúc đó trong phòng họ có được giường và ngọa cụ tốt đẹp, vợ của họ cũng có y phục đẹp và có vòng xuyến chuỗi anh lạc trang nghiêm thân, được cấp bổng lộc đầy đủ. Do nhân duyên này các tướng quân dần dần giàu có, có nhiều vàng bạc tài bảo nô tỳ… các thứ thành tựu; vua Ba-tư-nặc nhờ những người giàu này vây quanh nên có oai đức được mọi người kính ngưỡng. Lúc đó có một nước nhỏ phản nghịch nên vua Ba-tư-nặc bảo các tướng quân: “Các khanh nên đến đó chinh phạt rồi trở về”, trong số các tướng quân những người tin Phật treo đảy lượt nước ở đầu cây cung nghĩ rằng: “gặp nước có trùng sẽ lược rồi uống”, không ngờ những người không tin Phật sanh lòng đố kỵ đem việc này tâu lên vua, vua nghe rồi nói rằng: “Những người này đối với loài trùng nhỏ còn có tâm thương xót huống chi là loài người”, liền cho gọi đến để hỏi cho rõ rồi nói: “Các khanh khi dối ta”, các tướng quân này nói: “Tại sao nói là khi dối vua”, vua nói: “Các khanh đối với loài trùng nhỏ còn có tâm thương xót huống chi là loài người”, các tướng quân nói: “Trùng đâu có lỗi gì, còn đối với người có lỗi với vua thì chúng thần sẽ vì vua trị phạt họ”, vua nghĩ: “Nếu họ ưa thích thanh khiết thì cần gì sợ giết trùng”, nghĩ rồi liền bảo các tướng ra trận, các tướng liền ra trận. Các tướng quân này có người đạt được Từ tâm tam muội liền nhập Từ tâm phá trận, giặc bị chinh phục. Vua nghe các tướng quân đã phá được giặc rất đỗi vui mừng, các tướng dẹp giặc xong trở về trước vua quỳ tâu rằng: “Đại vương thường thắng”, vua liền thưởng ban tài vật, tụ lạc, ruộng vườn, nhân dân gấp bội nên các tướng quân càng thêm giàu có, vua nhờ những người này vây quanh nên oai đức càng tăng được mọi người kính ngưỡng gấp bội. Lúc đó các tướng quân suy nghĩ: “Chúng ta giàu có được đầy đủ đều là nhờ Tỳ kheo ni Đạt-ma-đề-na, tai sao chúng ta không thỉnh Tỳ kheo ni đến đây an cư ba tháng”, nghĩ rồi liền đến chỗ Tỳ kheo ni thỉnh, Tỳ kheo ni nói: “Không được, vì sao, vì Phật an cư chỗ nào chúng tôi sẽ an cư chỗ đó để thường được gặp Phật, thường được thấy các Đại-đức tăng và được nghe pháp. Các vị muốn tôi đến nước Xá-vệ an cư thì trước nên thỉnh Phật”. Các tướng quân nghe rồi liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, đến chỗ Phật đảnh lễ ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Phật tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi liền im lặng. Các tướng quân liền bạch Phật: “Thế tôn, xin nhận lời chúng con đến nước Xá-vệ an cư ba tháng, xin thương xót”, Phật im lặng nhận lời, các tướng quân biết Phật nhận lời rồi liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà hõ cùng nhắc nhở nhau tùy sức lo liệu thức ăn uống cúng dường trong ba tháng, ở trong phòng riêng may y cho chúng tăng, may y mặc trong nhà và y cho hạ an cư. Lúc đó còn mười ngày nữa mới đến ngày tự tứ, lại có nước nhỏ phản nghịch nên vua Ba-tư-nặc ra lịnh cho các tướng quân dẹp được giặc trước kia đến đem quân đi đánh dẹp giặc lần này, các tướng quân nghe rồi trong lòng sầu não nói với nhau: “Chúng ta đánh giặc lần trước may mắn được thoát chết, nay phải đi nữa e rằng sẽ bị mất mạng. Chúng ta đã thỉnh Phật và Tăng cúng dường trong ba tháng, nay chúng ta không đem y thực này bố thí thì chúng tăng sẽ mất phần bố thí, chúng ta cũng mất phần phước đức. Chúng ta thường muốn pháp thí không đoạn dứt, thường làm phước đức trong phước điền tăng, Tăng được thí vật, chúng ta được phước”. Các tướng quân liền mang hết y vật đã định cúng đến trong rừng Kỳ đà rồi đánh kiền chùy, các Tỳ kheo hỏi tại sao đánh kiền chùy, đáp là muốn thí vật, các Tỳ kheo nói: “Phật không cho chúng tôi chưa tự tứ ở trong hạ chia y vật an cư”, các tướng quân nói: “Chúng tôi làm quan hệ thuộc người khác, không được tự tại, lần trước đánh nhau may mắn được thoát chết, lần này đi đánh giặc không biết như thế nào hoặc có thể sẽ mất mạng. Chúng tăng nên nhóm thọ y vật cúng dường này”. Các Tỳ kheo không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật hỏi A-nan: “Còn mấy ngày nữa là tự tứ”, A-nan đáp còn mười ngày nữa, Phật bảo A-nan: “Tuy còn mười ngày nữa mới tự tứ, vì sợ mất bố thí nên khai cho Tăng được thọ”. Phật và Tăng nhóm họp rồi, các tướng quân liền chia y vật cúng dường rồi ngồi một bên nghe Phật nói pháp, Phật tùy thuận nói pháp chỉ dạy cho họ được lợi hỉ rồi liền im lặng, các tướng quân nghe pháp được lợi hỉ rồi đảnh lễ hữu nhiễu Phật ra về. Các tướng quân đi không lâu, Phật do nhân duyên trước và việc này nhóm Tỳ kheo tăng, đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo còn mười ngày nữa mới tự tứ, nếu có y cấp thí thì được thọ, Tỳ kheo cần y này thì nên tự tay thọ lấy cho đến thời y được cất chứa. Nếu quá thời gian mười ngày mà cất chứa thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Mười ngày nữa mới tự tứ là biết còn mười ngày nữa mới đến ngày tự tứ. Y cấp thí là vua, phu nhân hay vương tử;Đại-thần, đại quan hay tướng quân; con gái sắp đi lấy chồng; người bịnh hay người sắp đi đánh giặc thí. Những người như trên nếu thí y, biết còn mười ngày nữa mới tự tứ thì được thọ. Thời y là nếu trú xứ nào không thọ y Ca-hi-na thì một tháng cuối mùa hạ; nếu trú xứ nào có thọ y Ca-hi-na thì một tháng cuối mùa hạ và bốn tháng mùa dông.

Tướng phạm trong giới này là nếu trú xứ này không thọ y Ca-hina thì các Tỳ kheo vào ngày cuối của tháng cuối mùa hạ nên xả y này hoặc tác tịnh hay thọ trì; nếu không xả, không tác tịnh, không thọ trì thì đến ngày đầu của tháng đầu mùa đông trời vừa sáng liền phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đe. Nếu trú xứ này có thọ y Ca-hi-na thì các Tỳ kheo vào ngày cuối của tháng cuối mùa đông nên xả y này hoặc tác tịnh hay thọ trì; nếu không xả, không tác tịnh, không thọ trì thì đến ngày đầu của tháng đầu mùa xuân trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe.

28. Giới Chứa Y Tắm Mưa

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo nói với nhau: “Phật cho chúng ta cất chứa y tắm mưa”, liền vào mùa xuân mùa đông trong tất cả thời đều cất chứa. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại vào mùa xuân mùa đông trong tất cả thời đều cất chứa y tắm mưa. Phật cho chứa ba y, chứa thêm y tắm mưa là y thứ tư”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo, Ta cho cất chứa y tắm mưa liền vào mùa xuân mùa đông trong tất cả thời đều cất chứa”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo vào một tháng cuối của mùa xuân nên tìm y tắm mưa, trong nửa tháng nên thọ trì. Nếu Tỳ kheo chưa đến một tháng cuối của mùa xuân mà tìm cầu, quá nửa tháng thọ trì thì phạm Ni-tát-kỳ Badật-đe.

Trong đây sao gọi là tìm câu, sao gọi là làm (may thành), sao gọi là trì ? Tìm cầu là theo người khác xin, làm là giặt nhuộm cắt may thành, trì là thọ dụng.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo ở chỗ có tháng nhuận xin y tắm mưa, đến chỗ không có tháng nhuận an cư, đây là từ ngoài mang đến để may thành thì phạm Đột-kiết-la; nếu từ ngoài mang đến để thọ trì thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo ở chỗ có tháng nhuận sai sứ đến nói với Tỳ kheo ở chỗ không có tháng nhuận rằng: “Các Đại-đức, hãy chờ một thời gian ngắn nữa rồi hãy tự tứ”, nếu Tỳ kheo ở chỗ không có tháng nhuận nghe lời chờ đợi Tỳ kheo ở chỗ có tháng nhuận mang để để may thành thì phạm Đột-kiết-la; nếu mang đến để thọ trì thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo ở chỗ có tháng nhuận tìm cầu, ở chỗ có tháng nhuận an cư thì không phạm, thọ trì xong trong ba tháng đầu của mùa hạ thì xả; nếu ở chỗ không có tháng nhuận thì đã vào tháng tám, tháng nóng đã qua thì phạm. Có tháng nhuận là nước này trời nóng muộn, nếu nhuận tháng cuối mùa xuân thì trong tháng nhuận này tìm cầu y tắm mưa, nếu xin được thì cuối tháng ba nên thọ trì; nếu xin không được thì vào ngày mười sáu tháng tư nên thọ trì, không được cất chứa quá mười lăm ngày.

29. Giới Hồi Tăng Vật

Phật tại nước Xá-vệ, có một cư sĩ phát tâm muốn cúng thức ăn uống và y cho Tăng, lúc đó thời thế đang mất mùa đói kém khất thực khó được, cư sĩ này tài vật lại không nhiều thấy mùa hạ đã qua trong lòng lo buồn nghĩ rằng: “Ta bản tâm muốn cúng thức ăn và y cho Tăng nhưng lúc này thế gian đói kém, ta tài vật lại không nhiều, mùa hạ đã qua ta trong lòng lo buồn vì không được toại nguyện. Ta nay nên đến trong Tăng thỉnh vài Tỳ kheo để cúng thức ăn và y khiến cho ta được phước đức”, nghĩ rồi liền vào Kỳ hoàn đánh kiền chùy. Tỳ kheo liền hỏi nguyên do, đáp là muốn thỉnh vài Tỳ kheo đến nhà thọ thực, vị tri sự liền theo thứ lớp sai đi là phiên của Lục quần Tỳ kheo. Lục quần Tỳ kheo khi thọ thỉnh thực thì trước giờ ăn đắp y mang bát đến nhà thọ thỉnh bảo chủ nhà nên nấu những món như thế như thế, khi đến nhà cư sĩ cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi, cư sĩ bạch với Lục quần Tỳ kheo rằng: “Bản tâm của tôi muốn cúng thức ăn và y cho Tăng nhưng hiện nay thời thế đói kém, tài vật của tôi cũng ít thấy mùa hạ đã qua nên trong lòng lo buồn nghĩ rằng… giống như đoạn văn trên đến câu được phước đức. Do nhân duyên này nên nay thỉnh các vị cúng thức ăn còn y thì cúng cho Tăng”, Lục quần nghe nói tâm liền động bảo cư sĩ: “Hãy đem y ra cho ta xem thử”, cư sĩ liền đem y ra đưa cho Lục quần Tỳ kheo xem, Lục quần vừa thấy y liền ưa thích nói với cư sĩ rằng: “Ý ông muốn y này hữu dụng hay là được cất giữ?” Đáp là muốn hữu dụng, Lục quần nói: “Ông muốn được cất giữ không dùng thì cúng cho Tăng, vì sao, vì Tăng có nhiều y đem cất vào một chỗ khiến cho trùng cắn hư mục. Nếu ông muốn hữu dụng thì nên cúng cho chúng ta, vì chúng ta thiếu y nếu được y sẽ thọ dụng”, cư sĩ nói: “Các vị biết cúng cho Tăng thì không dùng, còn cúng cho các vị có thể dùng thì con sẽ cúng cho các vị”. Cư sĩ cúng cơm rồi đem y cúng cho Lục quần Tỳ kheo, Lục quần cầm y về khoe với các Tỳ kheo: “Y này mịn tốt quá phải không?” Các Tỳ kheo đều khen là đẹp và hỏi được từ đâu, liền đem việc trên kể lại. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo biết vật cúng cho Tăng lại tự cầu xin về cho mình dùng”, quở trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo biết vật cúng cho Tăng lại tự cầu xin về cho mình dùng”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo biết vật cúng cho Tăng mà tự cầu xin về cho mình dùng thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Biết là tự biết hay nghe người khác nói hay nghe đàn việt nói. Vật là vật thí cho Tăng như y bát… cho đến bốn loại dược. Cúng cho Tăng là phát tâm muốn cúng cho Tăng nhưng chưa đưa.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo biết vật này cúng cho Tăng mà tự cầu xin về cho mình thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu vật muốn cúng cho ba, hai, một vị thì chỉ phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo biết vật này muốn cúng cho ba, hai một Tỳ kheo này lại cầu xin cho ba, hai một Tỳ kheo khác hay Tỳ kheo ni tăng hay ba, hai một Tỳ kheo ni hay ba, hai, một Thức-xoa-ma-na hay ba, hai, một Sa di hay ba, hai, một Sa-di-ni thì Tỳ kheo đều phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo biết vật này cúng cho ba, hai một Tỳ kheo ni lại cầu xin cho ba, hai một Tỳ kheo ni khác hay ba, hai, một Thức-xoa-ma-na hay ba, hai, một Sa di hay ba, hai, một Sa-di-ni, Tỳ kheo tăng hay ba, hai một Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni tăng thì Tỳ kheo này phạm Đột-kiếtla.

Nếu biết vật này cúng cho ba, hai, một Thức-xoa-ma-na này lại xin cho ba, hai, một Thức-xoa-ma-na khác hay ba, hai, một Sa di hay ba, hai, một Sa-di-ni, Tỳ kheo tăng hay ba, hai một Tỳ kheo, Tỳ kheo ni tăng hay ba, hai một Tỳ kheo ni thì đều phạm Đột-kiết-la.

Nếu biết vật này cúng cho ba, hai, một Sa di này lại xin cho ba, hai, một Sa di khác hay ba, hai, một Sa-di-ni hay Tỳ kheo tăng hay ba, hai một Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni tăng hay ba, hai một Tỳ kheo ni hay ba, hai, một Thức-xoa-ma-na thì đều phạm Đột-kiết-la.

Nếu biết vật này cúng cho ba, hai, một Sa-di-ni này lại xin cho ba,

hai, một Sa-di-ni khác hay Tỳ kheo tăng hay ba, hai một Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni tăng hay ba, hai một Tỳ kheo ni hay ba, hai, một Thức-xoama-na hay ba, hai, một Sa di thì đều phạm Đột-kiết-la.

Nếu biết vật này cho nhiều súc sanh này lại xin cho ba, hai, một súc sanh khác thì phạm Đột-kiết-la; nếu biết vật này cho một súc sanh lại xin cho nhiều hay hai, một súc sanh khác thì phạm Đột-kiết-la.

Nếu biết vật này cúng cho Tỳ kheo tăng lại cầu xin cho Tỳ kheo ni tăng hoặc cúng cho Tỳ kheo ni tăng lại hồi xin cho Tỳ kheo tăng thì đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo tăng bị phá làm hai bộ, nếu biết vật cúng cho bộ này lại cầu xin cho bộ kia thì phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo khi đang hồi Tăng vật tưởng là đang hồi thì phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề; nếu đang hồi không khởi tưởng là đang hồi cũng phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đe; nếu khi đang hồi Tăng vật khởi nghi thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe; nếu không có hồi Tăng vật mà tưởng là đang hồi hay nghi thì đều phạm Đột-kiết-la; nếu không có hồi Tăng vật khởi tưởng không hồi thì không phạm.

30. Giới Cất Chứa Dược Phẩm Quá Bảy Ngày

Phật tại nước Xá-vệ an cư cùng với Tỳ kheo tăng, lúc đó Trưởng lão Tất-lân-già-bà-ta an cư ở thành Vương xá, do có nhiều người quen biết nên được cúng nhiều tô, dầu, thạch mật cất chứa dầy một bát hay nửa bát, một câu bát đa la hay nửa câu-bát-đa-la, kiền tư lớn hay nhỏ… từ trong đó chảy ra làm dơ tường, phòng xá, ngọa cụ rất hôi hám; đệ tử của Trưởng lão cất để cách đêm ăn, ác xúc, không thọ và nội túc (cất chứa trong phòng ngủ). Pháp của Phật lúc còn ở đời là mỗi năm có hai kỳ đại hội vào tháng sau của cuối mùa xuân và tháng sau của cuối mùa hạ. Vào tháng cuối xuân, các Tỳ kheo từ các nơi trong nước đều quy tụ về chỗ Phật nghĩ rằng: “Phật nói ra pháp gì thì khi chúng ta an cư sẽ tu tập theo để được an lạc trụ”, đây là kỳ đại hội thứ nhất; vào tháng cuối hạ, các Tỳ kheo an cư ba tháng xong, may y xong rồi đắp y mang bát đến chỗ Phật nghĩ rằng: “Chúng ta đã lâu không gặp Phật”, đây là kỳ đại hội thứ hai. Lúc đó có một Tỳ kheo an cư ở thành Vương xá xong, may y rồi đắp y mang bát du hành đến nước Xá-vệ, đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đứng một bên. Pháp thường của chư Phật là thăm hỏi khác Tỳ kheo có nhẫn được không, có an lạc trụ không, khất thực không thiếu và đi đường có nhọc mệt không. Tỳ kheo đáp là nhẫn được, an lạc trụ, khất thực không thiếu và đi đường không nhọc mệt rồi đem việc của Trưởng lão Tất-lân-già-bà-ta bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng quở trách rằng: “Ta vì thương xót làm lợi ích cho Tỳ kheo bịnh nên cho dùng bốn loại thực phẩm là tô, dầu, mật và thạch mật; tại sao Tỳ kheo này lại cất để cách đêm ăn, ác xúc, không thọ và nội túc”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau: Nếu Tỳ kheo bịnh cho dùng bốn loại thực phẩm là tô, dầu, mật và thạch mật để cất qua đêm dùng đến bảy ngày, quá bảy ngày còn cất dùng thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Bịnh là như bịnh gió, bịnh nóng, bịnh lạnh… dùng bốn loại thực phẩm thì bịnh được lành, ngược với trên gọi là không bịnh. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được tô (dầu, mật hay thạch mật) cất chứa đến ngày thứ hai thì xả; ngày thứ hai được thì cất chứa đến ngày thứ ba thì xả… cứ như thế cho đến ngày thứ bảy được thì ngay ngày thứ bảy loại tô (dầu, mật hay thạch mật) này nên đem cho người, tác tịnh hay thọ trì; nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ tám, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được tô (dầu, mật hay thạch mật), ngày thứ hai lại được thì nên cất chứa một loại xả bớt một loại… cứ như thế cho đến ngày thứ sáu được, ngày thứ bảy lại được thì ngay trong ngày thứ bảy loại tô (dầu, mật hay thạch mật) này nên đem cho người, tác tịnh hay thọ trì; nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ tám, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề.

Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được tô (dầu, mật hay thạch mật), ngày thứ hai lại được thì nên cất chứa loại trước xả bớt loại sau… cứ như thế cho đến ngày thứ sáu được, ngày thứ bảy lại được thì ngay trong ngày thứ bảy loại tô (dầu, mật hay thạch mật) này nên đem cho người, tác tịnh hay thọ trì; nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ tám, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề.

Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được tô (dầu, mật hay thạch mật), ngày thứ hai cho đến ngày thứ bảy đều không được nữa thì ngay trong ngày thứ bảy loại tô (dầu, mật hay thạch mật) này nên đem cho người, tác tịnh hay thọ trì; nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ tám, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề.

Nếu Tỳ kheo có tô dầu… phạm Xả đọa chưa xả, tội chưa sám, thứ lớp nối nhau chưa dứt mà được tô dầu… nữa, thì tô dầu… được sau do tương tục với tô dầu… trước nên phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe. Nếu Tỳ kheo có tô dầu… phạm Xả đọa đã xả nhưng tội chưa sám, thứ lớp nối nhau chưa dứt mà được tô dầu… nữa, thì tô dầu… được sau do tương tục với tâm trước nên phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe. Nếu Tỳ kheo có tô dầu… phạm Xả đọa đã xả, tội cũng đã sám, thứ lớp nối nhau đã dứt; nếu được tô dầu… nữa thì không phạm.