THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

TỤNG THỨ HAI

IV- BA MƯƠI PHÁP NI TÁT KỲ BA DẬT ĐỀ (Tiếp Theo)

11. Giới Dùng Kiều-thi-Na-Làm Phu Cụ Mới

Phật tại nước Câu-diệm-di, lúc đó các Tỳ kheo nước Câu-diệm-di may phu cụ mới bằng Kiều-thi-na, ở trong nước này tơ, lụa, vải, kén tơ đều mắc lại giết hại nhiều tằm. Do các Tỳ kheo thường theo các cư sĩ xin tơ tằm, kén tơ, tự tay làm và cất chứa, nhiều việc bề bộn nên phế bỏ việc tụng kinh ngồi thiền hành đạo. Các cư sĩ liền quở trách: “Sa-môn Thích tử tự nói là lành tốt có đạo đức mà lại dùng Kiều-thi-Na-làm phu cụ mới, ở trong nước tơ lụa kén tơ đều mắc lại giết nhiều tằm, các Tỳ kheo đi xin tơ lụa kén tơ tự làm và cất chứa, nhiều việc bề bộn nên phế bỏ việc tu hành. Chúng ta cúng dường cho những người không biết đủ, khó cúng dường, không nhàm đủ này là mất lợi”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo nước Câu-diệm-di: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại dùng Kiều-thi-Na-làm phu cụ mới, trong nước này tơ lụa kén tơ đều mắc lại giết nhiều tằm”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo dùng Kiều-thi-Na-làm phu cụ mới thì phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đề.

Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề là phu cụ này nên bỏ, tội Ba-dật-đề nên sám. Tướng phạm trong giới này là Tỳ kheo dùng tơ lụa tự tay làm thành phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe; dùng kén tơ tự tay se tơ làm thành phu cụ mới cũng phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Không phạm là nếu được phu cụ đã làm thành.

12. Giới Dùng Lông Dê Đen Làm Phu Cụ Mới

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Lục quần Tỳ kheo dùng toàn lông dê đen làm phu cụ mới, trong nước này lông dê đen rất mắc, chỉ sợi và tấm giạ bằng lông dê đen cũng rất mắc. Các Tỳ kheo lại thường theo cư sĩ xin lông dê đen khiến các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích tử tự nói lành tốt có đạo đức lại dùng toàn lông dê đen làm phu cụ mới, trong nước này lông dê rất mắc, chị sợi và tấm giạ bằng lông dê đen cũng rất mắc. Các Tỳ kheo lo làm phu cụ mới nên phế bỏ việc tu thiền hành đạo”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại dùng toàn lông dê đen làm phu cụ mới, tự tay làm nhiều việc bề bộn nên phế bỏ việc hành đạo”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo dùng toàn lông dê đen làm phu cụ mới thì phạm Nitát-kỳ Ba-dật-đề.

Lông dê đen có bốn loại: Loại đen sẳn, từ màu lam nhuộm thành đen, từ bùn nhuộm thành đen, từ vỏ cây nhuộm thành đen. Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề là phu cụ này nên bỏ, tội Ba-dật-đề nên sám. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo dùng toàn lông dê đen sẳn tự làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; dùng lông dê nhuộm đen từ màu lam hoặc từ bùn hoặc từ vỏ cây, tự kéo se và cất chứa để làm phu cụ mới đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; cho đến dùng chỉ sợi hay giạ bằng lông dê đen để làm phu cụ mới cũng phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Không phạm là làm cho tháp, cho Tăng hay được phu cụ đã làm thành thì không phạm.

13. Giới Dùng Lông Dê Trắng Xen Với Lông Dê Đen Làm Phu Cụ Mới

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo suy nghĩ: “Phật kết giới không cho dùng toàn lông dê đen làm phu cụ mới, vậy ta nên dùng ít lông dê trắng xen với lông dê đen để làm phu cụ mới”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại khởi niệm muốn dùng một ít lông dê trắng xen với lông dê đen để làm phu cụ mới”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo làm phu cụ mới nên dùng hai phần đen, phần thứ ba trắng, phần thứ bốn xám. Nếu không dùng như thế thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Lông đen có bốn loại như trong giới trên đã nói; lông trắng là lông ở xương sống, hông ngực và ở cổ; lông xám là lông ở đầu, ở bụng, ở chân. Nếu làm phu cụ bốn mươi Ba là (một Ba là là bốn lạng) thì nên dùng hai mươi Ba là lông toàn đen, mười Ba là lông trắng và mười Ba là lông xám. Tướng phạm trong giới này là Tỳ kheo lấy lông dê toàn đen quá hai mươi Ba là cho đến một lạng để làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; nếu dùng lông dê trắng quá mười Ba là cho đến một lạng để làm phu cụ mới thì phạm Đột-kiết-la; nếu dùng lông xám không tới mười Ba là cho đến một lạng để làm phu cụ mới thì phạm Nitát-kỳ Ba-dật-đề. Không phạm là dùng toàn lông xám hay dùng lông xám nhiều.

14. Giới Chưa Đủ Sáu Năm Làm Phu Cụ Mới

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cất chứa nhiều phu cụ rồi nói: “Cái này quá dầy, cái này quá mỏng, cái này quá lớn, cái này quá nhỏ…”, do cất chứa nhiều không dùng tới nên bị hư mục. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cất chứa nhiều phu cụ rồi nói: Cái này quá dầy, cái này quá mỏng, cái này quá lớn, cái này quá nhỏ…, do cất chứa nhiều không dùng tới nên bị hư mục”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo muốn làm phu cụ mới thì phu cụ cũ phải được dùng đủ sáu năm, chưa đủ sáu năm mà xả phu cụ cũ hay không xả mà liền làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, trừ Tăng yết ma.

Tăng yết ma là nếu Tỳ kheo có phu cụ quá dầy hay quá mỏng hay quá lớn, quá nhỏ…, muốn làm phu cụ mới nên ở trong Tăng, lúc Tăng nhất tâm hòa hợp chắp tay bạch rằng:

Tôi Tỳ kheo ………. có phu cụ cũ quá dầy hoặc quá mỏng, quá lớn, quá nhỏ… muốn làm phu cụ mới. Nay theo Tăng xin được làm phu cụ mới (3 lần).

Lúc đó Tăng nên trù lượng: Nếu nói quá dầy mà thật không có dầy, nói quá mỏng mà thật không có mỏng… cho đến nói quá nhỏ mà thật không có nhỏ thì không nên yết ma cho làm phu cụ mới; ngược lại nếu thật là quá dầy hay thật quá mỏng cho đến thật là quá nhỏ… thì Tăng nên yết ma cho làm phu cụ mới. Lúc đó một Tỳ kheo trong Tăng tác bạch yết ma như sau:

Đại-đức Tăng lắng nghe, phu cụ của-Tỳ kheo ………. quá dầy (quá mỏng, quá lớn, quá nhỏ…) bị hư rách không thể khâu vá được, nay theo Tăng xin yết ma làm phu cụ mới. Nếu tăng đúng thời đến nghe, Tăng nên chấp thuận, Tăng thuận cho Tỳ kheo ………. yết ma làm phu cụ mới. Bạch như vậy.

Như thế Bạch-nhị-yết-ma cho đến câu Tăng cho Tỳ kheo ………yết ma làm phu cụ mới rồi, Tăng chấp thuận vì yên lặng, việc này xin nhớ giữ như vậy.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo tùy năm nào làm phu cụ rồi, ngay trong năm đó cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu năm sau lại làm phu cụ mới, khi làm phạm Đột-kiết-la, làm xong thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo tùy năm nào làm phu cụ rồi, ngay trong năm đó cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu năm sau xả phu cụ cũ để làm phu cụ mới, khi làm phạm Đột-kiết-la, làm xong thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo tùy năm nào làm phu cụ rồi, ngay trong năm đó cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu năm sau không xả phu cụ cũ mà làm phu cụ mới, khi làm phạm Đột-kiết-la, làm xong thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo tùy năm nào làm phu cụ rồi, ngay trong năm đó cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu năm sau dù xả hay không xả phu cụ cũ mà làm phu cụ mới, khi làm phạm Đột-kiết-la, làm xong thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo tùy năm nào làm phu cụ rồi, ngay trong năm đó làm phu cụ mới chưa thành mà để đó, đến năm thứ hai mới làm xong thì Tỳ kheo này khi bắt đầu làm phu cụ mới liền phạm Đột-kiết-la, khi làm xong phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo tùy năm nào làm phu cụ rồi, hai, ba, bốn, năm, sáu năm sau lại làm phu cụ mới chưa xong liền để đó, đến năm thứ bảy mới xong thì khi bắt đầu làm liền phạm Đột-kiết-la, làm xong không phạm. Tỳ kheo đủ sáu năm làm phu cụ mới xong, phu cụ cũ nên cho người hay tác tịnh, nếu chưa đủ sáu năm dù xả hay không xả phu cụ cũ mà làm phu cụ mới thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

15. Giới Không Làm Cho Phu Cụ Mới Hoại Sắc

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một cư sĩ thỉnh Phật và Tăng ngày mai đến nhà thọ thực, Phật im lặng nhận lời, cư sĩ biết Phật nhận lời liền đảnh lễ Phật rồi ra về. Suốt đêm đó lo liệu đầy đủ thức ăn uống thanh tịnh thơm ngon, sáng hôm sau sai sứ đến bạch Phật thời đến, các Tỳ kheo liền đến nhà cư sĩ thọ thực còn Phật ở lại trong phòng thọ thức ăn mang đến. Pháp thường của Phật là khi Tăng đi thọ thỉnh mà Phật không đi thì Phật sẽ đi xem xét các tăng phòng, lúc đó Phật đi đến một phòng thấy trong phòng bỏ phu cụ cũ ngổn ngang, Phật nhìn thấy rồi suy nghĩ: “Có nhiều người bỏ phu cụ cũ không dùng, các Bà-la-môn, cư sĩ đã ra sức cúng dường để cầu phước, nếu Tỳ kheo thọ ít thì tốt. Do nhân duyên này ta bảo các Tỳ kheo dùng lại phu cụ cũ để cho thí chủ được phước thọ dụng. Ta nên chế cho các Tỳ kheo khi làm phu cụ mới nên dùng phu cụ cũ làm viền chừng một gang tay của Tu-già-đà để làm cho hoại sắc, nhờ nhơn duyên này dùng lại phu cụ cũ để cho thí chủ được phước thọ dụng”, nghĩ rồi Phật trở về phòng. Lúc đó ở nhà cư sĩ, các Tỳ kheo đã thọ thực xong, vị Thượng tòa thuyết pháp cho cư sĩ nghe rồi ra về. Về đến trú xứ các Tỳ kheo đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Phật liền hỏi thăm ăn có ngon không, có được no đủ không; các Tỳ kheo đáp là ăn rất ngon và rất no đủ. Lúc đó Phật bảo các Tỳ kheo: “Khi các Tỳ kheo đến nhà cư sĩ thọ thực, ta cầm chìa khóa đi xem xét các phòng, đi đến một phòng thấy trong phòng bỏ phu cụ cũ ngổn ngang, ta nhìn thấy rồi suy nghĩ: “Có nhiều người bỏ phu cụ cũ không dùng, các Bàla-môn, cư sĩ đã ra sức cúng dường để cầu phước, nếu Tỳ kheo thọ ít thì tốt. Do nhân duyên này ta bảo các Tỳ kheo dùng lại phu cụ cũ để cho thí chủ được phước thọ dụng. Ta nên chế cho các Tỳ kheo khi làm phu cụ mới nên dùng phu cụ cũ làm viền chừng một gang tay của Tu-già-đà để làm cho hoại sắc, nhờ nhơn duyên này dùng lại phu cụ cũ để cho thí chủ được phước thọ dụng”. Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo làm phu cụ mới nên dùng phu cụ cũ làm viền chừng một gang tay của Tu-già-đà để cho hoại sắc. Nếu không làm như thế thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo muốn làm phu cụ mới nên lấy phu cụ cũ làm viền chừng một gang tay của Tu-già-đà để cho hoại sắc, nếu làm như thế thì tốt, nếu không làm như thế thì phạm Nitát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu dùng phu cụ cũ không tới một gang tay cho đến nửa tấc thì phạm Đột-kiết-la, nếu dùng phu cụ cũ hơn một gang tay Tugià-đà thì không phạm hoặc dùng phu cụ cũ phủ khắp bề mặt của phu cụ mới cũng không phạm.

16. Giới Gánh Lông Dê Đi Quá Ba Do Tuần

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo tháp tùng theo các thương nhơn du hành đến từ nước Kiều-tát-la đến nước Xá-vệ. Các thương nhơn này chở lông dê dầy xe, khi đi đến giữa đường thì trục xe của một thương nhơn bị gẩy, chân con bò cũng bị thương, thương nhơn này nói với các thương nhơn khác rằng: “Mỗi người nên chở giúp một ít lông dê này của tôi, chớ để cho mất”, các thương nhơn nói: “Xe của chúng tôi đều đã đầy và rất nặng, nếu chở thêm e xe cũng bị gẩy trục và cũng bị mất luôn”, nói rồi cùng bỏ đi. Thương nhơn này đứng bên xe với dáng vẻ ưu sầu, lúc đó các Tỳ kheo đi đến sau vì hai lý do: Một là sợ bụi dính đầy người, hai là không thích nghe tiếng xe. Thương nhơn này thấy các Tỳ kheo đi đến vui mừng suy nghĩ: “Số lông dê này không bị mất, ta nên đem bố thí cho các Tỳ kheo”, nghĩ rồi liền nói với các Tỳ kheo: “Xin hãy nhóm lại một chỗ, tôi xin cúng dường số lông dê này cho chúng tăng”, thương nhơn cúng dường xong liền bỏ đi. Các Tỳ kheo mỗi người đều có một phần lông dê, người thì gánh trên vai, người thì đội trên lưng, người thì cầm trên tay… khi đi đến một tụ lạc gặp các thương nhơn đi trước, các thương nhơn này thấy rồi liền quở trách: “Các thầy mua lông dê này từ đâu và muốn đem đến chỗ nào bán, bày bán ở đâu, có được lời hay không?” Lúc đó có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo nước Câu-diệm-di: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại gánh lông dê đi quá ba do tuần”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo đi giữa đường được bố thí lông dê, Tỳ kheo nào cần thì được nhận lấy mang đi cho đến ba do tuần, nếu không có người mang thay mà tự mang đi quá ba do tuần thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu hai Tỳ kheo thay nhau mang đi thì được đi đến sáu do tuần, ba-Tỳ kheo thay nhau mang đi thì được đi đến chín do tuần, cứ như thế bốn Tỳ kheo được đi đến mười hai do tuần, năm Tỳ kheo được đi đến mười lăm do tuần, tùy nhiều hay ít người, mỗi người chỉ được mang đi đến ba do tuần mà thôi.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo tự mang lông dê đi quá ba do tuần thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe; nếu bảo Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni mang đi quá ba do tuần thì phạm Độtkiết-la.

17. Giới Nhờ Tỳ Kheo Ni Không Phải Bà Con Giặt Nhuộm Lông Dê

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Ca-lưu-đà-di như trong giới trên có nói được một phần lông dê mang về đến trong tinh xá của-Tỳ kheo ni trong vườn vua, bảo các Tỳ kheo ni nhóm lại một chỗ rồi nói: “Các cô có thể kéo se lông dê rồi giặt nhuộm giùm tôi không ?” Ca-lưu-đà-di vốn có oai đức và thế lực nên các Tỳ kheo ni kính sợ không dám trái lời liền nói rằng: “Đại-đức hãy để đó rồi về đi”, các Tỳ kheo ni lấy lông dê ra kéo se rồi giặt nhuộm nên màu nhuộm dính nơi tay. Khi Tỳ kheo ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề Cù-đàm-di dẫn năm trăm Tỳ kheo ni đi đến đảnh lễ Phật rồi đứng một bên, Phật nhìn thấy tay của các Tỳ kheo ni dính sắc nhuộm, tuy biết rõ nguyên do vẫn hỏi Tỳ kheo ni Cù-đàm-di: “Cớ sao tay của các Tỳ kheo ni có sắc nhuộm?” Cù-đàm-di nói: “Thế tôn, sở cầu của chúng tôi thì khác mà việc làm lại khác”, liền đem sự việc trên bạch Phật, Phật nghe rồi nói rằng: “Quả thật sở cầu của các cô thì khác mà việc làm lại khác”, Phật liền thuyết pháp chỉ dạy cho ni chúng được lợi hỉ rồi im lặng, ni chúng liền đảnh lễ Phật rồi ra về. Không lâu sau Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Ca-lưu-đàdi: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại nhờ Tỳ kheo ni không phải bà con kéo se giặt nhuộm lông dê?” Quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo nhờ Tỳ kheo ni không phải bà con giặt nhuộm lông dê thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Bà con là mẹ, chị em cho đến bảy đời.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ni không phải bà con rằng: “Kéo se giặt nhuộm lông dê này giùm tôi”, khi Tỳ kheo ni giặt nhuộm thì Tỳ kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; dù giặt giũ hay nhuộm giũ hay giặt nhuộm giũ cũng phạm Ni-tát-kỳ Badật-đề. Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ni không phải bà con rằng: “Hãy giặt nhuộm lông dê giùm tôi chớ giũ”, khi Tỳ kheo ni giặt nhuộm thì

Tỳ kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; dù giặt giũ hay nhuộm giũ hay giặt nhuộm giũ đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ni không phải bà con rằng: “Hãy giặt giũ lông dê giùm tôi chớ nhuộm”, khi Tỳ kheo ni giặt giũ thì Tỳ kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; dù giặt nhuộm hay nhuộm giũ hay giặt nhuộm giũ đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ni không phải bà con rằng: “Hãy giặt lông dê giùm tôi chớ nhuộm hay giũ”, khi Tỳ kheo ni giặt thì Tỳ kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; dù giặt nhuộm hay giặt giũ hay nhuộm giũ hay giặt nhuộm giũ đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ni không phải bà con rằng: “Hãy nhuộm lông dê giùm tôi chớ giặt giũ”, khi Tỳ kheo ni nhuộm thì Tỳ kheo phạm Ni-tátkỳ Ba-dật-đề; dù giặt hay giũ hay giặt nhuộm, giặt giũ, nhuộm giũ hay giặt nhuộm giũ đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo nói với Tỳ kheo ni không phải bà con rằng: “Hãy giũ lông dê giùm tôi chớ giặt nhuộm”, khi Tỳ kheo ni giũ thì Tỳ kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; dù giặt hay nhuộm, giặt giũ, giặt nhuộm, nhuộm giũ hay giặt nhuộm giũ đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu có Tỳ kheo ni không phải bà con mà tưởng là bà con; cho đến có Tỳ kheo, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni, xuất gia, xuất gia ni không phải là bà con mà tưởng là bà con liền nhờ giặt nhuộm lông dê; khi họ giặt nhuộm thì Tỳ kheo phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu có Tỳ kheo ni không phải là bà con mà nghi không biết có phải là bà con hay không; cho đến có Tỳ kheo, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni, xuất gia, xuất gia ni không phải bà con mà nghi không biết có phải là bà con hay không liền nhờ giặt nhuộm lông dê; khi họ giặt nhuộm liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo có Tỳ kheo ni là bà con mà tưởng là không phải bà con; cho đến có Tỳ kheo, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sa-di-ni, xuất gia, xuất gia ni là bà con mà tưởng là không phải bà con liền nhờ giặt nhuộm lông dê; khi họ giặt nhuộm thì Tỳ kheo phạm Đột-kiết-la.

Nếu Tỳ kheo có Tỳ kheo ni là bà con mà nghi không biết có phải là bà con hay không; cho đến có Tỳ kheo, Thức-xoa-ma-na, Sa di, Sadi-ni, xuất gia, xuất gia ni là bà con mà nghi không biết có phải là bà con hay không liền nhờ giặt nhuộm lông dê; khi họ giặt nhuộm thì Tỳ kheo phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo có Tỳ kheo ni là bà con hay không phải bà con, tưởng và nghi mà nhờ giặt nhuộm lông dê bất tịnh bao gồm các loại lông lạc đà, lông dê đen hay lông xen tạp đều phạm Đột-kiếtla; nếu thật là bà con thì không phạm.

18. Giới Tự Tay Cầm Vật Báu

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo tự tay cầm vật báu nên bị các cư sĩ chê trách: “Sa-môn Thích tử tự nói lành tốt có đức, tại sao tự tay cầm vật báu như vua,Đại-thần”, có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại tự tay cầm vật báu”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo tự tay cầm vật báu hay bảo người khác cầm đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Vật báu là vàng bạc bao gồm hai loại làm thành hay chưa làm thành, có tướng hay không có tướng. Cầm có năm cách: Một là dùng tay nhận lấy từ tay của người khác, hai là dùng vạt áo nhận lấy từ vạt áo của người khác, Ba là dùng khí cụ nhận lấy từ khí cụ của người khác, bốn là nói: Hãy để vào đây, Năm là nói: Hãy đưa cho tịnh nhơn này.

Tướng phạm trong giới này là Tỳ kheo cầm vật báu từ năm cách kể trên đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề; vật báu làm thành hay chưa làm thành, có tướng hay không có tướng nếu nhận từ tay của người khác đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo tự tay cầm tiền đồng, tiền kẽm, tiền chì, tiền bằng bạch lạp… thì phạm Đột-kiết-la. Phật nói: “Nếu Tỳ kheo tự tay cầm vật báu ít thì nên bỏ; nếu nhiều và nếu có tịnh nhơn đồng tâm thì nên nói với người này rằng: “Đây là vật không thanh tịnh nên tôi được cầm lấy vật báu này, ông nên lấy cất giùm”. Tịnh nhơn cầm lấy rồi nói với Tỳ kheo: “Vật này cho Tỳ kheo”, Tỳ kheo nên nói: “Đây là vật không thanh tịnh, nếu tịnh thì tôi sẽ thọ”. Nếu không có tịnh nhơn đồng tâm, Tỳ kheo nên lấy vật báu này dùng làm ngọa cụ cho Tăng bốn phương. Tỳ kheo nên vào trong Tăng bạch rằng:

Các Đại-đức, tôi tự tay cầm vật báu phạm Ba-dật-đề, tôi nay phát lồ không dám che dấu xin sám hối.

Tăng nên hỏi: “Thầy đã xả vật báu chưa?” Đáp là đã xả, Tăng nên hỏi: “Thầy có thấy tội không? Đáp là thấy tội, Tăng nên nói: “Thầy nên phát lồ sám hối tội này, sau không được tái phạm”. Nếu nói là chưa xả vật báu thì Tăng bảo nên xả, nếu Tăng không bảo xả thì tất cả Tăng đều phạm Đột-kiết-la; nếu Tăng bảo xả mà Tỳ kheo không chịu xả thì Tỳ kheo phạm Đột-kiết-la; nếu còn trù lượng chưa quyết định thì không phạm”.

19. Giới Dùng Vật Báu Mua Bán Các Việc

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo lấy vật báu đã xả trước đó đem dùng vào các việc như xây cất phòng xá, thuê mướn người, mở cửa tiệm vàng, sắt, đồng, tiệm mài giũa ngọc, nuôi voi, ngựa, lạc đà, trâu, dê, nô tỳ… Vì thế có người cưỡng đoạt ruộng vườn của dân đem bán cho Tỳ kheo, những người bị mất sản nghiệp liền chê trách Tỳ kheo rằng: “Sa-môn Thích tử tự nói lành tốt có đức lại dùng vật báu vào việc mở cửa tiệm mua bán như vua,Đại-thần không khác”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại dùng vật báu vào các việc mua bán”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo dùng vật báu vào đủ các việc mua bán thì phạm Nitát-kỳ Ba-dật-đề.

Dùng vào đủ các việc là dùng vật đã làm thành đổi lấy vật đã làm thành hay vật chưa làm thành, hoặc đổi cả vật làm thành và chưa làm thành; dùng vật chưa làm thành đổi lấy vật đã làm thành hay chưa làm thành, hoặc đổi cả vật làm thành và chưa làm thành. Dùng vật có tướng đổi lấy vật có tướng hay vật không có tướng, hoặc đổi cả vật có tướng và không có tướng; dùng vật không có tướng đổi lấy vật có tướng hay vật không có tướng, hoặc đổi cả vật có tướng và không có tướng.

Dùng có năm cách:

1. Nói lấy vật này như nói lấy vàng hay bạc.

2. Lấy từ trong này là lấy sô-ma hay kiều-xa-na.

3. Lấy ngần nầy là lấy khoảng năm mươi hay một trăm.

4. Lấy từ người này là bao gồm nam, nữ, huỳnh môn và hai căn.

5. Mang đến mang đi, mua bán cũng như vậy.

Lại có năm cách cũng giống như năm cách trên, chỉ đổi chữ này thành chữ đó hoặc kia, tức là nói lấy vật đó (kia), lấy từ trong đó (kia), lấy ngần ấy, lấy từ người đó (kia), mang đến mang đi, mua bán cũng như vậy.

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo lấy vật đã làm thành đổi lấy vật đã làm thành hay vật chưa làm thành hay đổi lấy cả vật đã thành và vật chưa thành đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Lấy vật chưa làm thành đổi lấy vật đã làm thành hay vật chưa làm thành hay đổi lấy cả vật đã thành và vật chưa thành đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Lấy vật có tướng đổi lấy vật có tướng hay vật không có tướng hay cả vật có tướng và vật không tướng đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Lấy vật không tướng đổi lấy vật có tướng hay vật không tướng hay đổi lấy cả vật có tướng và không tướng đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu nói hãy lấy vật này… trong năm cách kể trên đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề; Nếu nói hãy lấy vật kia… trong năm cách kể trên cũng đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đe. Nếu Tỳ kheo dùng tiền đồng, tiền kẽm, tiền chì… vào đủ các việc kể trên đều phạm Đột-kiết-la. Nếu Tỳ kheo dùng vật báu vào đủ các việc kể trên, nếu ít thì nên xả, nếu nhiều và có được tịnh nhơn đồng tâm thì nên nói với tịnh nhơn rằng: “Đây là vật bất tịnh nên tôi không đuợc lấy cất, ông nên lấy cất giùm”, tịnh nhơn lấy vật rồi nói với Tỳ kheo rằng: “Vật này cho Tỳ kheo”, Tỳ kheo nên nói: “Đây là vật bất tịnh, nếu tịnh tôi sẽ thọ”. Nếu không có được tịnh nhơn đồng tâm nên đem vật báu dùng làm ngọa cụ cho Tăng bốn phương rồi vào trong Tăng bạch rằng: “Các Đại-đức, tôi đã dùng vật báu vào đủ các việc, nay phát lồ không dám che dấu, xin sám hối”, Tăng nên hỏi: “Thầy đã xả vật chưa?” Đáp là đã xả, Tăng nên hỏi: “Thầy có thấy tội không?” Đáp là thấy tội, Tăng nên nói: “Thầy nên phát lồ sám hối tội này, sau không được tái phạm”. Nếu nói chưa xả, Tăng nên bảo xả, nếu Tăng không bảo xả thì tất cả Tăng phạm Đột-kiết-la; nếu Tăng bảo xả mà không xả thì Tỳ kheo này phạm Đột-kiết-la, nếu còn trù lượng chưa quyết thì không phạm.

20. Giới Đủ Cách Mua Bán

Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Phạm chí mặc áo Khâm-bà-la nhuộm Súy-di-lâu là người quen biết trước kia với Bạt-nan-đà, Bạtnan-đà từ xa thấy Phạm chí mặc áo này đi đến liền khởi tâm ưa thích. Sau khi hỏi thăm nhau về sức khỏe, Bạt-nan-đà liền nói với Phạm chí: “Áo Khâm-bà-la của ông rất đẹp, nếu ông có thể đổi cho tôi, tôi sẽ đưa chiếc áo Khâm-bà-la thường này cho ông”, Phạm chí nói: “Tôi đang cần dùng”, Bạt-nan-đà nói: “Pháp Phạm chí của các ông là lỏa hình không có đức, cần gì mặc y đẹp”, Phạm chí nói: “Tôi cần dùng để nằm”, Bạt-nan-đà nói: “Trước kia khi còn là bạch y chúng ta là bạn thân thiết, không có vật tốt đẹp nào là không cho ông; ông cũng vậy, không có vật tốt đẹp nào là không cho tôi. Nay ông đã xuất gia lại có tâm xẻn tham không như ngày xưa nữa hay sao?”. Nghe Bạt-nan-đà trách như vậy nên Phạm chí cởi áo Khâm-bà-la đẹp của mình đưa cho

Bạt-nan-đà, Bạt-nan-đà đưa lại áo Khâm-bà-la thường cho Phạm chí. Khi Phạm chí trở về tinh xá của mình, các Phạm chí khác trông thấy Phạm chí này mặc áo Khâm-bà-la thường liền hỏi: “Chiếc áo Khâmbà-la đẹp của ông đâu rồi”, đáp là đã đổi rồi, liền hỏi đổi với ai, đáp là đổi với Bạt-nan-đà, liền hỏi vì sai lại cùng trao đổi, đáp: “Trước kia khi còn là bạch y, chúng tôi vốn là bạn thân thiết nên mới đổi với nhau”, các Phạm chí khác nói: “Ông bị Bạt-nan-đà gạt rồi”, Phạm chí này nói: “Nếu gạt thì tại sao còn cùng trao đổi”, các Phạm chí nói: “Áo Khâm-bà-la nhuộm Súy-di-lâu rất quý giá không phải áo Khâm-bà-la thường có thể sánh được”, Phạm chí này nói: “Dù biết là quý giá thì tôi cũng đã đổi rồi”, các Phạm chí khác nói: “Ông hãy mau đến đó đổi lại áo Khâm-bà-la nhuộm súy-di-lâu, chớ để chúng tôi lập mộc bảng trị tội ông”. Phạm chí này sợ bị trị tội nên vội chạy đến chỗ Bạt-nan-đà nói rằng: “Bạt-nan-đà hãy trả lại y Khâm-bà-la nhuộm Súy-di-lâu cho tôi, y Khâm-bà-la thường này tôi trả lại cho ông”, Bạt-nan-đà nói là đã đổi với nhau rồi, Phạm chí nói: “Ông đã gạt tôi”, Bạt-nan-đà nói: “Nếu có gạt đổi thì việc cũng đã quyết định rồi”, Phạm chí nói: “Áo khâmbà-la nhuộm Súy-di-lâu của tôi rất quý giá, không phải áo khâm-bà-la thường của ông sánh bằng được”, Bạt-nan-đà nói: “quý hay không quý thì cũng đã đổi rồi”, Phạm chí nói: “Các bạn đồng học của tôi nói nếu tôi không đổi lại được áo về thì sẽ lập mộc bảng trị tội tôi”, Bạt-nan-đà nói: “Lập mộc bảng trị hay trị cách gì khác cũng không can gì đến tôi, việc trao đổi đã quyết định rồi thì tôi không trả lại”. Phạm chí này đòi đổi lại không được, lúc đó những người không tin Phật pháp nghe rồi liền quở trách: “Sa-môn Thích tử tự nói lành tốt có đức, tại sao đã là người xuất gia lại đi lừa gạt người xuất gia khác”; những người tín kính Phật pháp thì lại quở trách rằng: “Tại sao gọi là Tỳ kheo mà lại còn đủ cách mua bán”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo mà lại còn đủ cách mua bán”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo đủ cách mua bán thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nói đủ cách mua bán là dùng vật tương tợ đổi lấy vật tương tợ hoặc dùng vật không tương tợ đổi lấy vật không tương tợ. Tương tợ là dùng bát đổi bát, dùng y đổi y, dùng thời dược đổi lấy thời dược, phi thời dược đổi lấy phi thời dược… Không tương tợ là dùng bát đổi y, dùng y đổi bát, dùng thời dược đổi lấy phi thời dược…

Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo vì lợi mua rồi mà không bán thì phạm Đột-kiết-la, nếu vì lợi cố ý bán mà không mua cũng Đột-kiết-la; nếu vì lợi cố ý mua rồi bán lại thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, vật này nên xả. Nếu Tỳ kheo dùng vàng mua bạc, dùng bạc mua vàng, dùng tiền mua thóc hay mua đồ vật khác có thể ăn được thì mỗi miếng nuốt vào miệng đều phạm Đột-kiết-la. Phật nói: “Từ nay nếu sau khi cùng nhau trao đổi vật, nếu người kia hối hận thì nên trả lại và lấy lại vật của mình”. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo nghe Phật nói lời này rồi sau khi đổi y với người khác mặc nửa tháng làm cho hoại sắc liền đòi lại, người đổi trước kia không chịu trả lại, Lục quần liền cùng người kia tranh cải và đánh nhau. Các Tỳ kheo đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nội trong bảy ngày hội hận thì trả lại, quá bảy ngày thì không nên trả lại”.

Lúc đó có người bán vải đem vải bán, Lục quần Tỳ kheo đưa ít tiền đòi mua vải tốt, người bán vải nói: “Thầy cớ sao đưa ít tiền mà đòi tôi bán vải tốt, nếu người không biết giá vải sẽ chê vải của tôi và đòi giảm giá”, Phật nói: “Không được giảm giá đòi bán y tốt, nếu giảm giá đòi bán vải tốt thì phạm Đột-kiết-la. Nếu thật sự cần mua vật này thì hãy suy nghĩ kỹ rồi nói: “Tôi chỉ có bao nhiêu đây muốn mua vật này”, nói như thế cho đến Ba-lần mà người kia vẫn không chịu bán thì Tỳ kheo nên tìm tịnh nhơn nhờ họ mua giùm. Nếu tịnh nhơn không biết giá thì Tỳ kheo nên nói cho biết đã dùng ngần ấy tiền để hỏi mua, và dặn tịnh nhơn nên tính toán khi hỏi mua. Từ nay cho chúng tăng mua y, chưa nói đến Ba-lần thì được trả thêm giá”, khi trả thêm giá Tỳ kheo tâm hối nghĩ rằng: “Ta không có đoạt y của người chứ”, Phật nói: “Nói Ba-lần chưa xong, trả thêm giá không phạm”. Nếu Tỳ kheo vì lợi dùng tiền đồng, tiền chì, tiền kẽm… đủ cách mua bán đều phạm Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề. Tỳ kheo đủ cách mua bán, nếu ít thì nên xả, nếu nhiều và có được tịnh nhơn đồng tâm thì nên nói với tịnh nhơn rằng: “Đây là vật bất tịnh nên tôi không đuợc lấy cất, ông nên lấy cất giùm”, tịnh nhơn lấy vật rồi nói với Tỳ kheo rằng: “Vật này cho Tỳ kheo” , Tỳ kheo nên nói: “Đây là vật bất tịnh, nếu tịnh tôi sẽ thọ”. Nếu không có được tịnh nhơn đồng tâm nên đem vật báu dùng làm ngọa cụ cho Tăng bốn phương rồi vào trong Tăng bạch rằng: “Các Đại-đức, tôi đã đủ cách mua bán, nay phát lồ không dám che dấu, xin sám hối”, Tăng nên hỏi: “Thầy đã xả vật chưa?” Đáp là đã xả, Tăng nên hỏi: “Thầy có thấy tội không?” Đáp là thấy tội, Tăng nên nói: “Thầy nên phát lồ sám hối tội này, sau không được tái phạm”. Nếu nói chưa xả, Tăng nên bảo xả; nếu Tăng không bảo xả thì tất cả Tăng phạm Đột-kiết-la. Nếu vật này tầm thường đổi lấy vật kia quý giá tuy có lợi nhưng nếu không vì lợi thì không phạm.

21. Giới Chứa Bát Dư Quá Mười Ngày

Phật tại thành Vương xá, lúc đó Lục quần Tỳ kheo chứa cất nhiều bát sanh nhơ nhớp và hư bể không dùng đến. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền quở trách: “Tại sao cất chứa nhiều bát để đến hư bể không dùng”, rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?” Đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại chứa nhiều bát dư sanh nhơ nhớp và hư bể không dùng đến”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Do mười lợi nên kết giới cho các Tỳ kheo, từ nay giới này nên nói như sau:

Nếu Tỳ kheo chứa bát dư được đến mười ngày, chứa quá mười ngày thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Bát có ba loại: Bát thượng là bát thọ được ba bát cơm, một bát canh và nửa bát canh thức ăn khác; bát hạ là bát thọ được một bát cơm, nửa bát canh, nửa bát canh thức ăn khác; bậc giữa của hai loại bát này là bát trung. Nếu lớn hơn bát thượng và nhỏ hơn bát hạ thì không gọi là bát, Tỳ kheo cất dùng bát này thì phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề, bát này nên xả, tội Ba-dật-đề nên sám. Tướng phạm trong giới này là nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được bát, ngày thứ hai nên xả; ngày thứ hai được bát, ngày thứa ba nên xả cứ như thế cho đến ngày thứ chín được bát, ngày thứ mười nên xả; ngày thứ mười được bát, ngay ngày thứ mười nên đem bát này cho người hay tác tịnh hay thọ trì. Nếu không cho người, không tác tịnh, không thọ trì đến ngày thứ mười một trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Tỳ kheo ngày thứ nhất được bát, ngày thứ hai lại được thì nên chứa một cái xả một cái; ngày thứ hai được bát, ngày thứ Ba lài được thì nên chứa một cái xả một cái cứ như thế cho đến ngày thứ chín được bát, ngày thứ mười lại được thì bát này ngay trong ngày thứ mười nên đem cho người hoặc tác tịnh hay thọ trì. Nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ mười một, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được bát, ngày thứ hai lại được thì nên chứa cái sau xả cái trước; cứ như thế cho đến ngày thứ tám được bát, ngày thứ chín lại được thì nên chứa cái sau xả cái trước; ngày thứ chín được bát, ngày thứ mười lại được thì bát này ngay trong ngày thứ mười nên đem cho người hoặc tác tịnh hay thọ trì. Nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ mười một, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được bát, ngày thứ hai lại được nên chứa cái trước xả cái sau; cứ như thế cho đến ngày thứ chín được bát, ngày thứ mười lại được thì ngay trong ngày thứ mười nên đem cho người hoặc tác tịnh hay thọ trì. Nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ mười một, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề

Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được bát, ngày thứ hai không được cho đến ngày thứ mười cũng không được thì bát này ngay trong ngày thứ mười nên đem cho người hoặc tác tịnh hay thọ trì. Nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ mười một, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo ngày thứ nhất được bát, ngày thứ hai lại được, cho đến ngày thứ mười đều được bát cất chứa thì ngay trong ngày thứ mười nên đem các bát dư này cho người hoặc tác tịnh hay thọ trì. Nếu không cho người, không tác tịnh cũng không thọ trì thì qua ngày thứ mười một, khi trời vừa sáng liền phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề.

Nếu Tỳ kheo có bát phạm Xả đọa chưa xả, tội chưa sám, thứ lớp nối nhau chưa dứt mà được bát nữa, thì bát được sau do tương tục với bát trước nên phạm Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề. Nếu Tỳ kheo có bát phạm Xả đọa đã xả nhưng tội chưa sám, thứ lớp nối nhau chưa dứt mà được bát nữa, thì bát được sau do tương tục với tâm trước nên phạm Ni-tát-kỳ Ba-dậtđề. Nếu Tỳ kheo có bát phạm Xả đọa đã xả, tội cũng đã sám, thứ lớp nối nhau đã dứt; nếu được bát khác thì không phạm.