SAO GỌI LÀ TA BÀ THẾ GIỚI?

Sa môn Thích Hải Quang

 

  1. Công đức niệm Phật cầu sanh Cực Lạc
  2. Câu chuyện về cơn vô thường của đời người
  3. Câu chuyện về loài cá A Di Đà Phật

Sau khóa lễ, thể theo lời thỉnh cầu của đạo hữu Huỳnh  Phước Bàng, đại diện ban nghi lễ và pháp sự của hội Phật giáo Quán Âm, Québec, Montréal, Canada, đại đức Thích Hải Quang đã thuyết một thời pháp ngắn trước chư Phật tử, đạo hữu tại chánh điện của niệm Phật đường Quán Âm.

Ðây là nguyên văn của bài thuyết giảng đó, đã được ghi âm lại…
Nam mô A Di Ðà Phật.
Xin quý Phật tử hãy cùng tôi tụng bài kệ khai kinh:
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chơn thiệt nghĩa.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính thưa quý đạo hữu, Phật tử,

Trước hết, tôi có đôi lời thăm hỏi đến tất cả và rất lấy làm hoan hỷ trước đạo tâm của quý vị đã tiêu biểu một cách cụ thể trong buổi hiện diện hôm nay tại giảng đường của ngôi Quán Âm tự nầy.
Thời pháp hôm nay tôi sẽ thuyết giảng về đề tài “Công đức niệm Phật cầu sanh Cực Lạc Tịnh độ.”

A Di Ðà Phật,
Như quý Phật tử đã có học và biết qua rằng:

Sau khi thành đạo, suốt trong 49 năm hóa độ, đức Thích tôn đã lưu hậu lại cho chúng ta rất nhiều kinh điển, trong ấy chỉ dẫn cho chúng sanh vô số phương tiện và đường lối tu hành khác nhau, mục đích là muốn cho chúng ta từ một kẻ bạt địa phàm phu (y theo đó mà tu tập dần dần hầu sau cùng) đạt được quả vị Niết bàn giải thoát.
Một phàm phu chúng sanh mà có thể thành Phật được ư ‌?

Theo lời Phật dạy, trong mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, Phật tánh ấy so với chư Phật thảy đều đồng nhau không khác, nhưng vì chúng sanh còn bị các duyên trần trói buộc cùng với các vô minh, tăm tối và phiền não, nghiệp chướng phủ che, nên Phật tánh ấy bị ẩn đi không sao hiển hiện ra được.

Vì vậy mà chúng sanh chúng ta vẫn cứ mãi còn là phàm phu và rồi phải bị cuốn lôi theo những nghiệp duyên mà mình đã gây tạo ra, xoay vần trong sáu nẻo luân hồi, sanh tử.
Sáu nẻo luân hồi sanh tử đó là gì ‌ ?

Chính là sáu con đường mà chúng sanh chúng ta luân phiên nhau vào dạo chơi trong đó, hết đường nầy chuyển sang đường khác, hết nẻo nọ tiếp đến nẻo kia. Ấy là các đường :

Trời, thần, người, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh vậy.

Trong phạm vi giới hạn của bài thuyết giảng nầy, tôi chỉ xin lược sơ qua danh tự của sáu nẻo luân hồi mà thôi chớ không đi sâu vào trong chi tiết, vì nếu nói thì rất dài không biết bao giờ mới hết được.

 

Bây giờ vào trong phần chánh của bài thuyết giảng hôm nay. Trước hết tôi xin nói qua về Công đức niệm Phật cầu sanh Cực Lạc Tịnh độ và hạnh nguyện độ sanh của đức Phật A Di Ðà. “danh hiệu” hay nói khác nữa là “hồng danh” của đức Thế Tôn mà ta thường xưng niệm đây là đức A Di Ðà Phật.

Trong kinh “Tiểu Bổn A Di Ðà” có một đoạn ghi rằng:
“Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc, kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Ðà kim hiện tại thuyết pháp…”

Nghĩa là:

“Từ đây về phương Tây, quá khỏi 10 vạn ức cõi nước Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Ðà hiện nay đang thuyết pháp…”

Ðến đây chắc thế nào cũng có người thắc mắc mà tự hỏi rằng:

– Tại sao cõi Ta Bà của chúng ta có sẵn Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni cũng đã thuyết giáo độ sanh, pháp của Ngài thuyết ra đủ hết các pháp vị, từ Tiểu đến Trung  Ðại thừa, pháp nào cũng nhiệm mầu vi diệu hết. Còn như danh hiệu của Ngài hễ nhắc đến là mười phương chư Phật thảy đều khen ngợi, vả lại Ngài cũng là đức Bổn sư trực tiếp của chúng ta mà tại sao ta lại không niệm, để niệm A Di Ðà Phật là danh hiệu của một đức Thế Tôn ở thế giới khác rất xa… ‌

Hay là:

Phật A Di Ðà kia giỏi, còn Phật Thích Ca Mâu Ni dở hơn…

Chắc thế nào cũng có người tự hỏi như thế, chỉ có điều là không tiện nói ra mà thôi.
Chư Phật tử phải nên hiểu rằng:

– Một khi đã đắc thành được quả vị Phật rồi, thì tất cả chư Phật thảy đều đồng như nhau, không Phật nào giỏi mà cũng không Phật nào dở hết. Hay nói một cách khác nữa là tất cả chư Phật thảy đều cùng một pháp thân, chứng một quả vị cứu cánh tột cùng, vì thế cho nên không có đức Phật nào lớn, đức Phật nào nhỏ,… hết cả.

Còn nếu như có thì chỉ nên nghĩ và nói như thế nầy:

  • Ðức Phật nầy thành đạo trước gọi là Phật quá khứ.
  • Ðức Phật nầy thành đạo trong hiện kiếp, gọi là Phật hiện tại.
  • Ðức Phật kia sẽ thành đạo trong buổi tương lai gọi là Phật vị lai mà thôi, chớ không nên nói Phật của tôi cao siêu, Phật của ông thấp kém, vv… mà mang tội.
    (Bởi vì tất cả chư Thế Tôn đều đã đoạn trừ xong các thứ “Ngã Chấp” … rồi.)

Ba loại Phật nầy kinh gọi là tam thế chư Phật (Phật trong ba đời) vậy.

Ðây là nói sơ qua về ý nghĩa của “tam thế Phật” để quý vị được rộng đường kiến giải (hiểu biết) hơn hầu xóa tan đi các ý nghĩ Phật nầy cao, Phật kia thấp, hoặc Phật nầy là Phật tổ, Phật kia là Phật mẫu, vv… nếu có.
Nay tôi xin đưa ra một thí dụ cụ thể về chư Phật trong ba đời để qúy Phật tử được hiểu rõ thêm:
a/- Như đức Phật A Di Đà thành đạo vào thời gian lâu xa về trước nên được gọi là Phật quá khứ.
b/- Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo trong kiếp hiện tại nầy nên gọi là Phật hiện tại. (Kiếp nói đây là kiếp ở trong đạo Phật có đến hàng chục triệu năm trở lên chớ không phải là kiếp sống của loài người mong manh ngắn ngủi chỉ trong vòng bảy tám mươi năm đâu.)
c/- Ðức Di Lặc Bồ tát hiện đang thuyết pháp tại nội viện từng trời Ðâu Suất, kế đây sẽ giáng xuống châu Diêm phù đề nầy (tức là địa cầu) thành Phật kế tiếp Phật Thích Ca, gọi là Phật vị lai.

Trên đã lược nói về tam thế chư Phật rồi, tiếp theo đây xin được giảng vào trong phần chánh là tại sao ta lại phải niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà và cầu về chốn Tây phương, sanh trong quốc độ của Ngài 

Trong kinh đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Thế tôn có dạy rằng:
Cõi thế giới của ta đây tên gọi là Ta Bà.

Sao lại gọi là Ta Bà thế giới ‌

(Lời người trích lục:
Chữ Ta Bà có nghĩa là cực khổ, gian lao. Ví dụ như quý vị thỉnh thoảng có nghe bà mẹ nào đó giận con, vì dạy nói mà nó không nghe lời, nên bực mình mắng rằng:

– Ối ! sung-sướng, an nhàn mà nó không muốn, thôi cứ để nó đi Ta Bà một thời gian cho biết khổ, chừng đó nó mới thức tỉnh, mới biết thân…

Ðó, cho nên cõi Ta Bà nầy chính là cõi đời dẫy đầy các sự cực khổ vậy. Với lại hơn nữa, cõi Ta Bà nầy về cảnh trí thì núi non cao thấp bất đồng, hầm hố gai chông, độc xà, ác thú, vv… Về nhơn loại, thì chúng sanh tánh khí cang cường, ương ngạnh, khó giáo hóa, khó dạy dỗ. Ðã chẳng những không chịu tuân lời sư huấn mà có đôi khi còn chống báng, giết hại, …

Tóm lại, chúng sanh nơi cõi Ta Bà nầy đa phần đều đam mê theo đường danh, nẻo lợi, ít ai chịu khó tu hành.)

Cõi Ta Bà nầy có “năm thứ dơ bẩn” gọi là ngũ trược.

Gì là ngũ trược ‌

Chính là:

1. Kiếp trược tức là kiếp đời loạn lạc, đao binh,… đủ hết mọi thứ xấu ác.

2. Kiến trược tức là tất cả các sự thấy biết của chúng sanh đều căn cứ trên sai lầm, thị phi, hơn thua, danh lợi, nhơn, ngã, bỉ, thử,…

3. Phiền não trược tức là chúng sanh luôn bị các thứ phiền não, buồn rầu, giận tức, oán thù, tà kiến,… tràn ngập thân tâm, chớ rất ít có lòng từ bi, hỷ xả,…

4. Chúng sanh trược tức là tất cả chúng sanh ở trong thế giới nầy thường đối với nhau bằng những sự oán thù, đố kỵ, ganh ghét, hơn thua,… thân xác thì do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, bao bọc bên ngoài bằng một lớp da, che giấu bên trong toàn là thịt xương, máu mủ, đờm dãi…..

5. Mạng trược chung tức là sau khi xác thân tứ đại chết rồi, sẽ phải chịu một sự phân hóa, tanh hôi, thúi tha, gớm ghiết, ruồi bu, kiến đục,… chẳng ai dám đến gần.

Ðó, cõi Ta Bà của chúng ta đây có đầy đủ hết năm thứ dơ bẩn, khổ nạn như vậy, vì thế cho nên những bậc cao tăng liểu đạo, thánh giả thoát phàm… chẳng chút đoái hoài, lưu luyến, chỉ có các chúng sanh chúng ta vì bị vô minh tăm tối che phủ cùng những thứ phiền não, nghiệp chướng dẫn dắt, kéo lôi nên mới nặng lòng ưa thích, vui chơi trong đó mà thôi.

Cho nên lúc còn tại thế và trong khi thuyết pháp đức bổn tôn (Thích Ca Mâu Ni) của chúng ta thường có dạy lời rằng:

– Bởi cõi Ta Bà có nhiều sự khổ hoạn, chúng sanh cang cường khó điều phục và mạng người mong manh, ngắn ngủi như thế… cho nên ta khuyên các ngươi nên cầu sanh về nước Cực Lạc ở cõi Tây phương kia.

Thế giới ấy vì do nơi nguyện lực thanh tịnh của đức Phật A Di Đà mà thành tựu cho nên không có nhứt một điều gì khổ hoạn cả, chúng sanh cõi ấy toàn là liên hoa hóa thân [1] cho nên không già, không chết. Cảnh trí thì vàng ròng làm đất, thất bảo làm cây cối, cung điện cùng tất cả mọi vật thảy đều tuyệt vời, không sao tả xiết…

Khi đã được sanh về cõi đó rồi thì luôn được gần gũi với các bậc đại thiện tri thức từ A La hán trở lên cho đến các vị đại Bồ tát, Phật,…rất thuận duyên tu hành, và dễ thành đạt đạo mầu Vô thượng…

Còn ở cõi Ta Bà nầy sự thuận duyên cùng an vui tu tập thì ít, mà nghịch duyên cùng phiền não phá hoại thì lại quá nhiều, hầu hết người tu hành đều dễ bị thối thất tâm bồ đề đã phát lúc ban đầu, hơn nữa các bậc thượng thiện nhơn cũng khó được gặp gỡ, cho nên không người dắt dẫn trên bước đường tu, phần nhiều đều lạc vào trong vòng tà kiến, sai lầm, rốt cuộc bị sa vào trong hang sâu của ba ác đạo.

vả lại đức Phật A Di Đà kia có phát ra 48 đại nguyện rất nhiệm mầu, trong đó có một lời nguyện như thế nầy:
“Nếu có chúng sanh nào nghe đến danh hiệu ta, một lòng chí thành, tin tưởng và phát nguyện cầu sanh về cõi nước ta, chuyên tâm trì niệm danh hiệu của ta từ một cho đến mười niệm, như không được sanh, ta thề không thành Phật…”

Cho nên muốn được sanh về cõi nước diệu mầu ấy, phải chí thành tin tưởng và xưng niệm danh hiệu của Ngài, tất sẽ cảm được nguyện lực của Ngài tiếp dẫn. Chừng sanh về cõi nước ấy rồi thì không còn lo chi đến việc bị vô thường, sanh diệt cầm nắm nữa, bởi cõi ấy tuyệt đường sanh tử, dứt sự luân hồi, đâu còn lệ thuộc vào nơi quyền hạn của Diêm vương…..

Trong luận có kệ dạy rằng:
Diêm vương bất quý kim châu,
Duy trọng Di Ðà nhất quyển.
Nhứt sanh phú quý như vân,
Bá tuế quang âm nhược điển.
Tri âm thiết mạc trì diên,
Cấp tảo tác cá chuyển biến.
Phật vi khổ hải châu hàng,
Khuyến quân tảo độ bỉ ngạn…

Tạm dịch:

Vua Diêm vương chẳng quý bạc tiền,
Người chỉ trọng Di Ðà một quyển.
Giàu sang một thuở rã như mây,
Phú quý trăm năm nhanh tợ điển.
Khuyên Tri âm chớ khá chần chờ,
Hãy gắng kịp làm theo chuyển biến.
Kìa đức Phật là thuyền cứu khổ,
Ðưa chúng sanh thẳng đến bờ kia.

Bài kệ trên đã hiển lên lời dạy rất rõ ràng rằng:

– Dầu cho Giàu sang, danh vọng, chức trọng, quyền cao… thế mấy đi nữa, bất quá cũng chỉ có kiến hiệu đối với người dương thế mà thôi, chớ còn với cõi âm phủ kia thì không nhằm vào đâu hết. Bởi nơi cõi ấy chỉ trọng đức, trọng người biết niệm Phật tu hành mà thôi, chớ chẳng trọng người sang giàu, địa vị chi cả (vì thế nên có câu “Ðức trọng quỷ thần kinh” là vậy).

Phải biết vô thường hằng luôn thay đổi, nay vầy mai khác, nào có bền lâu. Chớ nói chi xa, chỉ nội từ năm 1975 cho đến nay thôi, đất nước ta, hoặc ngay cả chính đến gia đình hay bản thân ta cũng đã trải qua biết bao nhiêu là đổi thay, sầu thảm rồi… Tại đây, trong giảng đường nầy, từ tôi cho đến quý đạo hữu, ai mà lại không bị ít nhiều ảnh hưởng đắng cay của cơn vô thường thay đổi ấy.

Cho nên nói:
Giàu sang một thuở rã như mây…
chính là như vậy, nghĩ cho kỹ lại thiệt chẳng sai lầm.

Thời gian qua mau, tháng ngày không đợi, quay đi nhìn lại thì đã kẻ còn người mất, biền biệt ra đi trong các nẻo luân hồi, biết đến bao giờ mới gặp lại nhau !

Nay tôi xin được kể lên đây một câu chuyện về cơn vô thường của đời người nó đến nhanh đến như thế nào, người có trí nhân đây mà được hiểu.

**********

Làng nọ có bốn ông già đã từ lâu kết làm bạn thân, mỗi ngày đều cùng tìm đến nhau thăm viếng, ăn nhậu, chuyện trò, ngâm thi, vịnh phú, cả bốn người thảy đều ý hợp, tâm đầu, đối với nhau rất là tương đắc.

Một hôm trong lúc đang cùng nhau đối ẩm [2], vui cười, bổng nghe ngoài ngõ có tiếng kêu gào, khóc than thảm thiết, cùng với giọng kèn trống đưa đám vang dậy, bi ai. Bốn người không ai bảo nhau thảy đồng lắng tai nghe. Tự nhiên họ cảm thấy sự hứng thú của mình bị các tiếng khóc than ai oán đó làm giảm bớt đi rất nhiều.

Một trong bốn người nói:

– Các huynh đệ ở đây, để tôi chạy ra ngoài cổng xem đám ma của ai mà sao than khóc não nề đến thế, làm mất đi sự vui vẻ của chúng ta…
Ðoạn chạy ra cổng đứng ngó một hồi, đến khi trở vào, sắc mặt xem có vẻ khác lạ.

Ba ông còn lại đồng thanh hỏi:

– Lão đệ [3], ngươi có biết đám ma ấy của ai không mà sao có vẻ buồn quá vậy, với lại hình như các ngu huynh đây thấy trên gương mặt lão đệ dường như có điều chi khác lạ ‌

Sau một tiếng thở dài, vị được kêu là “lão đệ” kia mới nói rằng:

– Tam vị đại huynh à, người chết trong đám ma hôm nay đối với đệ không xa lạ gì cả, chính là ông bạn già ở cạnh bên nhà. Mới mấy hôm trước đây đệ còn cùng với ông ấy chuyện trò vui vẻ, đối chén, cụng ly, ấy vậy mà hôm nay ảnh đã ra người thiên cổ, như thế bảo làm sao mà đệ chẳng buồn cho được.

Ðệ nghĩ đời người thiệt ngắn ngủi quá, mới thấy còn đó mà nay đã mất đi rồi, cho nên Tự nhiên đệ cảm thấy lòng buồn buồn, bởi vì đệ nghĩ rằng trong bốn anh em của chúng ta đây, tuy không phải là cùng chung huyết thống [4], nhưng từ lâu cũng đã có nghĩa trọng tình thâm. hiện tại ta đây còn đang chung nhau vui vẻ nhưng biết mai sau có còn được mãi như thế nầy không ‌ Ðệ sợ có một ngày nào đó bổng nhiên hay tin người đi kẻ ở, tử biệt sanh ly, nghĩ như thế nên tâm can dường như héo hắt…

Nói đoạn chống tay lên trán, trầm ngâm chẳng nói một lời.

Ba ông già kia đồng hỏi:

– Nầy lão đệ, sao ngươi làm thinh không nói làm cho các ngu huynh đây cũng chẳng thấy vui ‌

Người lão đệ kia nói rằng:

– Thưa tam vị đại huynh, vừa đây em nghĩ đến cơn vô thường và các sự buồn vui, tan hợp, nay còn, mai mất, lòng chợt cảm nghĩ ra hai câu thơ, nay muốn đọc lên cho ba anh nghe thử xem có phải đúng như thế hay không ‌

Ba ông lão kia đồng nói:

– Nên đọc ra lắm, nếu hay thì thưởng, còn dở thì ta phạt cho mấy chung rượu, chẳng sao.

Người được kêu là lão đệ đó cất tiếng ngâm rằng:

Hôm nay bốn đứa còn vui vẻ,
Chẳng biết mai sau mãi thế nầy ‌

Ðọc xong hai câu thơ ấy rồi, vẻ mặt lại càng thêm rầu rỉ, thở dài một tiếng, cầm chén rượu đổ đi, cúi đầu thở dài đau khổ…

Ba vị kia giật mình, ngơ ngẩn nhìn nhau, ông nào ông nấy thảy đều thất sắc thấy rõ. Có lẽ mới vừa thấy cái đám ma kia là đã bắt sợ rồi, bây giờ lại nghe thêm hai câu thơ bất tường [5] nầy nữa, nghĩ tới nghĩ lui thiệt cũng đúng, bởi vì ai nấy cũng đều đầu râu, tóc bạc hết rồi, chưa biết cuộc vui nầy có còn mãi mãi không, hay mai kia, mốt nọ người đi kẻ ở đây ‌

Hình như đã thấm thía với sự vô thường qua hai câu thơ kia, nên một trong ba vị còn lại ngậm ngùi nói rằng:

– Lão đệ, em nói phải lắm thay, quả thiệt đời vô thường quá chừng, đâu có bền chắc ! Hai câu thơ mà em vừa đọc lên đó phải lắm, hay lắm, nhưng theo ngu huynh đây nghĩ thì e rằng ý của em cũng chưa được chỉnh cho lắm, bởi mai sau là bao lâu, có thể là một, hai, ba, hay bốn năm nữa cũng chưa biết chừng. Chớ như ý của ngu huynh đây nghĩ thì sợ nó còn mau hơn thế nữa chớ.

Nói chi cho xa, nội trong năm tới đây thôi cũng đã khác rồi, nào phải đợi chi cho đến mai sau.

Nay ngu huynh có hai câu thơ nầy, xin đọc lên cho em và hai anh nghe thử.

Ðoạn đọc rằng:

Năm nay bốn mặt còn vui nhậu,
Chẳng biết sang năm thiếu mặt nào.

Ngâm xong vẻ mặt càng thêm bi thảm, bưng chén rượu lên ngang mặt, nhìn một hồi rồi đổ đi, buồn bã nói rằng:

– Thôi, từ nay đệ không còn cảm thấy vui gì mà uống rượu nữa, bởi tiệc rượu nào cũng tàn, cơn vui nào rồi cũng phải tan, con quỷ vô thường kia nó quyết định không chừa cho hay nể mặt bất cứ một ai hết cả.

Nói xong ngậm ngùi đưa tay áo lên lau nước mắt, làm thinh chẳng nói chẳng rằng.

Hai vị còn lại giật mình, kinh hải, đồng nhau thở dài một tiếng, vẻ mặt trầm ngâm, chống tay lên trán suy nghĩ một hồi rồi lặng im cúi đầu áo não.

Một vị nói:

– Nhị đệ, em nói vậy thiệt là phải hết sức. Nhưng theo ngu huynh nghĩ thì e cho rằng thời gian tàn nhẫn, vô thường nó đến sợ còn nhanh hơn thế nữa. Cứ chi phải chờ đến sang năm làm gì cho lâu. Nội từ bây giờ đến ngày mai đây thôi sợ cũng dám xảy ra nhiều điều tang thương hơn thế nữa kìa.

Nay ngu huynh tiếp theo ý của tứ đệ và nhị đệ, có hai câu thơ nầy xin đọc lên để cùng nhau nghe thử.

Ðoạn đọc rằng :

Tối nay giày vớ cởi ra hết,
Chẳng biết sáng còn xỏ lại không ‌

Ba ông già kia nghe nói thảy đồng giật bắn mình lên, vẻ mặt ra chiều kinh hãi, thất sắc thấy rõ, đồng nắm chặt tay nhau. Có lẽ trong tâm của họ nghĩ rằng :

– Việc nầy dám xảy ra cho bản thân của mình lắm, một là vì ai nấy cũng đều già hết rồi, hai nữa là từ sáng cho tới bây giờ người nào người nấy cũng đã thấm say ít nhiều rượu thịt… tối nay về nhà ngủ, giày vớ cởi ra để dưới chân giường, đắp mền nằm im đó, lỡ nửa đêm trúng gió, chết queo, thì sáng ngày làm sao (thức dậy được) mà mang xỏ giày vớ lại nữa chớ ! (Nếu trường hợp nầy xảy ra thì người ta mang hộ cho mình thì có.)

Bởi sách có câu rằng:

Dép dưới giường trên giường bổng biệt,
Sống ngày nay dễ biết ngày mai.

Cả bốn ông đồng hãi hùng nhìn nhau, hầu như nói không ra tiếng, có lẽ trong lòng của họ đồng chung nhau một nỗi lo sợ rằng ngày mai dám sẽ có người khác xỏ giày mang vớ hộ cho mình lắm, vì lúc đó mình (đã trúng gió chết “bất đắc kỳ tử” trong đêm) nên bây giờ thân thể nằm cứng ngắc trên giường như khúc gỗ rồi.
Trầm ngâm một lúc lâu, vị cao niên nhất trong bọn nói rằng:

– Nầy chư lão đệ, theo như ý của ngu huynh đây nghĩ thì e cho vô thường nó đến còn mau hơn thế nữa kìa. Không luận chi cho đến mai sau, năm nầy năm tới, ngày nay hay sáng mai gì hết, chỉ nội trong giây phút đây thôi, trong một hơi thở mong manh nầy, e cũng đã “ngàn thu vĩnh biệt” rồi.

Ngu huynh có hai câu thơ nầy, xin đọc lên để cho ba em cùng nghe thử.

Ðoạn đọc rằng:

Hơi thở nầy khi ra khỏi mũi,
Chẳng hay trở lại hoặc đi luôn ‌

Vừa nghe hai câu thơ tối hậu nầy xong, tất cả bốn người thảy đều hốt nhiên tỉnh táo, dường như nghe có tiếng sét nổ trên đầu, trống đánh bên tai, lơ láu nhìn nhau, lòng cùng hoảng hốt.

Trong giây phút ấy, tâm thức liền khai, như người vừa tỉnh cơn mơ, thấy rằng mạng người mong manh không khác chi hơi thở cả. Bởi vì khi hơi thở ra khỏi mũi rồi mà còn quay trở vào lại thì sống, bằng như nếu nó lạnh lùng “quảy gánh đi luôn”, tất nhiên sanh mạng không còn, vĩnh viễn từ giã thế gian cùng với tất cả những gì mà mình hằng thương yêu, quý mến.

Rồi thời gian dần qua, nếu có còn chăng đi nữa bất quá chỉ một nắm xương tàn, vùi trong đáy huyệt, hay tiêu điều theo tuế nguyệt, phong ba [6] !
…..Sau cả bốn người đồng bỏ nhà, vào núi ẩn tu, rốt lại cùng nhau thành đạo.

Ðó, cho nên chớ nói rằng mai kia, mốt nọ, rồi đâm ra lần lữa hẹn chờ. Bởi lẽ theo như câu chuyện vừa mới được kể, thì chúng ta ai cũng đều thấy biết rõ ràng rằng thời gian đâu có chờ mình. Cơn vui qua mau, vô thường chợt đến, nào có dung chừa cho bất cứ một ai đâu dù đó là kẻ đầu xanh hay người tóc bạc!

Sách có câu rằng:
Mạc đãi lảo lai phương niệm Phật,
Cô phần đa thị thiếu niên nhơn…

Tạm dịch:

Chờ đợi đến già rồi niệm Phật,
Ðồng hoang mồ trẻ thiếu chi người…

Hãy nhìn vào những chòm mả trong chốn nghĩa trang kia, đâu phải chỉ ròng có những mộ phần dành riêng cho người già nua, tuổi tác thôi đâu, mà (nơi ấy lại) còn có thêm biết bao nhiêu nấm cô phần [7] của những hàng niên thiếu !

Cho nên chúng ta được dịp niệm Phật, tu hành sớm chừng nào thì liền thực hành ngay chừng ấy, chớ nên đợi đến già rồi mới chịu đi tu, e muộn màng lắm chăng!

Huống chi pháp môn niệm Phật thiệt là thù thắng vô cùng, thống nhiếp hết tất cả các căn cơ cao thấp của chúng sanh, không phân biệt thượng hạ, sang hèn, ngu trí, … chi cả. Còn đức A Di Ðà Phật kia thật quả đúng là một bậc mẹ hiền, từ bi, thương xót đến với tất cả mọi loài, hằng luôn dùng đủ mọi loại “thiện xảo phương tiện” [8], hóa hiện đủ mọi thứ thân hình, vì chúng sanh mà làm người đưa đường, dẫn lối, chẳng nại gian lao, không màng khổ nhọc miễn sao độ cho chúng sanh về đến nơi giải thoát mà thôi.

Tôi cũng xin được kể cho chư Phật tử và quý đạo hữu thêm một câu chuyện khác nữa về việc đức A Di Ðà Phật dùng phương tiện khéo léo hóa hiện thân hình súc loại để độ thoát chúng sanh cho quý vị nghe mà xót xa thương nghĩ đến lòng từ bi của chư Phật vì muốn cứu độ các chúng sanh ngu tối như mình mà thị hiện tử sanh,.. để quý vị cùng nhau phát tâm niệm Phật, hầu khỏi cô phụ tấm lòng của bậc đại ân.

Trong quyển sách “Ngoại quốc ký” tức là quyển sách ghi lại các câu chuyện hay lạ của nước ngoài, có thuật một câu chuyện như sau:

Ở cực xa về hướng Tây nam của nước Chấp Sư tử có một hòn tuyệt đảo (đảo xa vắng), trên đảo nầy có hơn năm trăm nóc gia. Dân chúng trên đảo ấy không biết gì là Phật pháp, và cũng không biết làm nghề nghiệp nào khác hơn là chài lưới, bắt cá ăn thịt…

Một ngày kia, không biết ở đâu trôi giạt về quanh đảo vô số giống cá lớn, lạ mà từ trước đến nay chưa từng trông thấy. Giống cá nầy biết nói tiếng người, thường xướng to lên câu rằng:

Nam mô A Di Ðà PHẬT.

Do duyên cớ đó nên người trên đảo nầy gọi cá ấy là cá “A Di Ðà Phật”.

Buổi chiều nọ, một cư dân trên đảo tình cờ ra bờ biển dạo chơi, thấy một con cá lội ở phía xa xa, kêu lên tiếng Nam mô A Di Ðà Phật. Thấy lạ và nghe tiếng kêu có vẻ ngộ nghĩnh, dễ thương ấy, anh ta liền bắt chước đúng giọng cá nhại theo cho vui để trêu ghẹo chơi, thì cá ấy dường như nghe biết, liền dạn dĩ lội đến gần bên người nầy, quanh quẩn ra chiều thân mật không chút sợ hãi. Người nầy tiện tay liền bắt ngay lấy con cá ấy đem về giết ăn thịt thì thấy thịt cá nầy rất ngon, từ trước đến nay chưa từng bao giờ nếm được. Việc ấy tức thời loan truyền ra khắp nơi, dân chúng trên đảo ấy ai cũng đều muốn được ăn thịt ngon của loại cá kia, nên cùng rủ nhau ra bờ biển đọc to sáu chữ “Nam mô A Di Ðà Phật” dụ cho cá đến gần để bắt. Từ đó về sau, dân chúng trên đảo nầy khỏi cần phải khó nhọc ra khơi chài lưới như trước nữa. Chỉ có mỗi một việc là (từ sáng đến chiều) lúc nào muốn ăn cá ngon thì cứ đến bờ biển mà “niệm Phật” lên cho to thì được.

Vì thế nên trên bờ biển của đảo nầy, suốt ngày, tháng năm…, từ đầu trên cho chí đến cuối đảo, tiếng niệm “Nam mô A Di Ðà Phật” vang rền, liên miên không dứt, có khi đến cả ban đêm (chỉ dùng để bắt cá mà thôi, chớ chẳng biết nghĩ điều chi khác cả).

Có một điều rất lạ làm cho toàn thể dân chúng trên đảo chú ý là hễ khi nào niệm Phật nhiều thì thịt cá ăn tuyệt ngon, còn niệm Phật ít thì thịt cá nhàn nhạt không ra mùi vị gì cả. Bởi duyên cớ đó, nên khi dẫn dụ cá đến gần họ không liền bắt ngay mà đợi niệm Phật cho thật lâu và nhiều, nhiên hậu mới ôm lấy cá ấy về nhà.

Mà loại cá nầy cũng lạ lắm là hễ nghe niệm Phật càng nhiều bao nhiêu thì nó càng thêm dạn dĩ và trìu mến chung quanh người niệm bấy nhiêu chớ không chịu lội đi đâu hết, cho nên tiếng niệm Phật vì đó mà vang rền lên khắp nơi trên đảo. Lớn bé, trẻ già chi chi cũng đồng đua nhau niệm nhứt một câu :

Nam mô A Di Ðà Phật.

Những kẻ ưa đắm vị ngon của cá, thì khỏi cần phải nói là họ càng niệm Phật lâu hơn…
Trải qua một thời gian, người ăn thịt cá đầu tiên già chết. Sau khi mãn phần ba tháng, người nầy cỡi đài mây màu tím bay đến bờ đảo, phóng ra nhiều ánh hào quang sáng đẹp, quy tụ dân chúng trên đảo lại mà bảo rằng :

– Tôi là người ăn thịt cá đầu tiên và cũng là người niệm Phật nhiều nhất, nên sau khi từ trần tôi được sanh về cõi Cực Lạc rất tốt đẹp, an vui. Bởi vì loài cá đó là do đức A Di Ðà Phật hóa hiện ra, đức Như Lai ấy từ bi thương xót tất cả chúng sanh và riêng cho chúng ta ngu si, khờ dại, nên mới biến hiện ra thân cá ấy đễ dẫn dụ cho chúng ta niệm Phật, hầu chứng được “niệm Phật tam muội”, vãng sanh về nơi cõi nước của Ngài, thoát ly khỏi vòng luân hồi, sanh tử.

Nếu các vị không tin, hãy trở về xem lại, tất cả xương cá đều hóa thành ra hoa sen hết.

Nói xong phóng ra ánh hào quang sáng lớn, đoạn bay lên cao hướng về phía trời Tây đi mất.

Những người trên đảo nghe nói và thấy việc hi hữu ấy đều rất mừng, liền trở về nhà đến nơi bỏ xương cá xem lại thì thấy quả thiệt toàn là hoa sen. Họ bổng nhiên cảm ngộ, dứt nghiệp sát; từ đó về sau chuyên trồng rau đậu để làm thức ăn hàng ngày, một lòng chuyên lo niệm Phật.

Về sau tất cả cư dân trên đảo ấy đều chết hết và được vãng sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà, đảo đó trở nên hoang vắng không còn người ở nữa. Có một vị đại A La hán ở nước Chấp Sư tử là tôn giả Sư tử Hiền, dùng thần thông bay đến đảo ấy xem, khi trở về mang theo một số di tích cùng thuật lại các sự việc trên.

Qua chuyện vừa kể, chúng ta chắc ai nấy cũng đều đồng có một sự nhận xét rằng:

– Ðức A Di Ðà Thế Tôn quả nhiên từ bi vô lượng, thương xót tất cả các chúng hữu tình, dùng đủ mọi phương tiện khéo lạ để cứu độ chúng sanh, đã thế mà Ngài lại còn phát ra thêm nhiều đại nguyện sâu mầu khác nữa để dẫn dắt các chúng sanh trong khắp trong mười phương, ba cõi thoát khỏi bến mê, về nơi giác lộ.

Trong thời mạt pháp, tâm của chúng sanh càng bạc ác bao nhiêu, thì chư Phật càng tăng thêm từ bi thương xót hóa độ bấy nhiêu, quyết không vì đó buông tay từ bỏ, ấy thế mà chúng sanh đâu biết đâu hay !

Nơi quyển “Tiểu Bổn A Di Ðà kinh” có ghi lời rằng:
(Chánh văn):

… “Xá Lợi Phất, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Ðà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt, nhược nhị nhựt, nhược tam nhựt, nhược tứ nhựt, nhược ngũ nhựt, nhược lục nhựt, nhược thất nhựt, nhứt tâm bất loạn, kỳ nhơn lâm mạng chung thời, A Di Ðà Phật dử chư thánh chúng, hiện tại kỳ tiền, thị nhơn chung thời, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh, A Di Ðà Phật, Cực Lạc quốc độ…”

(Nghĩa):

“Nếu có người thiện nam, tín nữ nào nghe được danh hiệu của Phật A Di Ðà nầy, một lòng tưởng niệm, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tán loạn, kẻ hy hữu ấy khi lâm chung sẽ được đức A Di Ðà Phật cùng các thánh chúng hiện ra trước người ấy, người ấy tâm không điên đảo liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc…”

Cho nên Công đức niệm Phật A Di Ðà to rộng không thể nghĩ bàn, bởi cớ không thể nghĩ bàn được như vậy, cho nên đức Thích tôn mới chỉ dạy cho chúng ta phải nhứt tâm phát nguyện và xưng niệm hồng danh muôn đức của Ngài để được lìa khỏi cõi Ta Bà thế giới dẫy đầy khổ nạn nầy mà sanh thẳng về nơi Cực Lạc là chốn trường cửu an vui, thoát khỏi luân hồi, dứt đường sanh tử.

Trong kinh QUÁN vô lượng THỌ PHẬT cũng đã có dạy rằng:

Chỉ nội một câu “Nam mô A Di Ðà Phật”, nếu như nhứt tâm xưng niệm sẽ tiêu trừ được tội nghiệp trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Một câu niệm thôi mà còn được đại lợi ích như thế, há nói chi niệm đến muôn ngàn câu hay sao. Như chí tâm thành kính và luôn luôn tưởng niệm, tất nghiệp nặng trong vô lượng đời quá khứ (và cả hiện tại nữa) làm sao chẳng được tiêu trừ mà sanh về miền Cực Lạc ư?

Phải biết câu niệm Phật cùng với hồng danh của chư Phật rất khó được nghe, biết. Nay ta may mắn đã được nghe biết và thọ trì rồi thì lại càng phải nên phát tâm vui mừng, tinh tấn hơn nữa.

Nên hiểu rằng, nếu trong quá khứ không có gieo trồng căn lành, kết mối Phật duyên (với đức A Di Ðà), tất đời nay không thể nào nghe biết được. Hiểu như vậy rồi phải càng thêm tinh tấn vui mừng và phát tâm cố gắng niệm Phật hơn nữa chớ có lãng quên.

Thời buổi nầy chính là thời mạt pháp, thế giới nầy tên là Ta Bà, đầy đủ cả năm thứ ác trược, chúng sanh đa phần đều bị lạc vào tà kiến, tâm dẫy đầy các sự khinh mạn, xấu ác. Nếu như không nhờ pháp môn niệm Phật đây, ắt phải bị đắm chìm, một khi đã bị lạc vào trong tam ác đạo rồi, biết bao giờ mới được thoát ly, trở lại kiếp làm người ‌

Cho nên chư Phật tử, quý đạo hữu (và cả tôi đây cũng vậy) phải nên cố gắng, nhất tâm niệm Phật chớ có buông lung mà luống uổng cho một kiếp người mong manh nơi cõi thế.
Lại còn có thêm một điều vô cùng quan trọng khác cần phải ghi nhớ cho thiệt kỹ là trong khi niệm Phật phải chí tâm thành kính, chớ nên có dạ nghi ngờ rằng :

– Làm gì chỉ có một câu niệm Phật đơn giản như thế mà thành chánh quả được.

Nếu có tâm ấy, phải lập tức dứt trừ ngay, bằng không ắt sẽ bị cách ngăn nơi thánh đạo, các hàng tà sư, ngoại giáo sẽ nhân cơ hội đó mà lập cách dẫn dụ dần dần, khiến cho tâm ta càng thêm sanh ra tà niệm, tà kiến, rốt lại xa lìa chánh pháp, mất hẳn thiện căn, thì uổng cho một đời tu hành gian lao của kiếp nhân sanh trên cõi thế.

Ðức Thích tôn ta từ khi thành đạo và suốt trong 49 năm thuyết pháp giáo hóa mục đích cũng không ra ngoài tâm niệm cứu khổ cho chúng sanh chúng ta, nên ở cõi Ta Bà nầy, từ lúc ban sơ phát tâm tu học cho đến ngày đạt thành Phật quả, Ngài đã làm biết bao nhiêu là hạnh khó làm, nhẫn vô số điều khó nhẫn, thuyết ra vô lượng phương tiện thiện xảo pháp môn xứng hợp theo mọi căn cơ cao thấp khác nhau của chúng sanh mà tùy cơ nghi hóa độ, không nài mỏi mệt gian lao.

Ta luân chuyển hết kiếp nầy qua kiếp khác, Ngài đều dõi mắt trông theo, lòng không tạm bỏ, ấy vậy mà ta cứ mãi vô tâm buông lung theo trần lụy phụ ơn đức của đấng đại từ.

Càng nghĩ càng thêm sầu muộn!

Trong kinh A Di Đà có ghi một đoạn rằng:

– Thích Ca Mâu Ni Phật, năng vi thậm nan hy hữu chi sự, năng ư Ta Bà quốc độ, ngũ trược ác thế, hành thử nan sự, đắc A Nậu Ða la tam miệu tam bồ đề, vị chư chúng sanh, thuyết thị nhứt thiết thế gian nan tín chi pháp, thị vi thậm nan…

Nghĩa là:

– Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật, ưa làm được những việc khó làm, ở nơi cõi Ta Bà đầy đủ năm thứ ác trược nầy, thực hành những sự khó khăn, đắc thành chánh quả A Nậu Ða la tam miệu tam bồ đề, vì thương chúng sanh thuyết ra cái pháp mà tất cả thế gian khó tin, khó hiểu nầy, gian khổ biết bao…

Chư Phật sáu phương thảy đều đồng lời tán thán và than thở như vậy.

Ôi ! đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, nếu chẳng vì thương chúng sanh chúng ta thì Ngài đâu có chịu nhiều gian khổ như thế. Còn cái pháp môn mà tất cả thế gian khó tin, khó hiểu kia là pháp môn gì ‌

Chính là:

Pháp môn niệm Phật vậy.

Pháp môn nầy vừa đơn giản, vừa thẳng tắt và thù thắng hơn tất cả các pháp môn khác mà sự chứng quả lại tuyệt cao, cho nên mới nói là khó tin, khó hiểu. Khó tin, khó hiểu như vậy mà nay ta đã được tin, hiểu lại còn thêm phát tâm thọ trì tu tập theo nữa, thiệt là quý báu biết bao!

Xin cố gắng, cố gắng, chớ quên.

Tại sao?

Bởi vì có được như thế mới không phụ lòng xót thương của chư Phật vậy.

Tổ sư dạy:

“tu hành đã là khó, niệm Phật cũng lại khó, mà sự giữ bền đức tin nơi câu niệm Phật lại càng khó hơn”.

Bởi ở nơi đời trược ác và mạt pháp nầy, tâm chúng sanh cang cường khó điều phục, dạy dỗ, cho nên đức Thích tôn ta phải phí đi không biết bao nhiêu là tâm lực, tìm đủ cách khai hóa dắt dìu, ấy vậy mà chúng sanh vẫn mãi thờ ơ. Cho nên trong kinh A Di Ðà, Ngài có than thở rằng:

– Xá lợi Phất, đương tri ngã ư ngũ trược ác thế, hành thử nan sự, đắc A Nậu Ða la tam miệu tam bồ đề, vị nhứt thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp, thị vi thậm nan…

Nghĩa là:

– Xá lợi Phất, ngươi nên biết rằng ta ở nơi đời ác năm trược nầy, làm những việc khó làm, mới được đắc thành Phật quả, vì thương chúng sanh mà nói ra pháp khó tin, khó hiểu nầy, gian khổ lắm thay…

Hỡi ơi,

Lòng đại từ bi của chư Phật như thế, mà chúng sanh chúng ta cứ mãi phóng tâm buông lung theo dục lạc, đắm mê nơi danh lợi phù phiếm, xa hoa, không chịu chăm lòng tu niệm, khiến cho trên thì phụ lời thánh huấn, dưới trái ngược với bản tâm [9], khiến cho Phật tánh lu mờ, gương lòng nhuốm bụi, thành ra cái cảnh:

Thiên đường hữu lộ vô nhơn đáo,
Ðịa ngục vô môn hữu khách tầm…

Nghĩa là:

Thiên đường có ngõ mà không đi,
Ðịa ngục không cửa lại tìm đến.

Há chẳng đáng thương xót, đau buồn hay sao.

Bởi thế cho nên đức Thích tôn mới than ra một câu áo não như vậy. Nhớ lại lúc xưa, khi tôi mới phát tâm tu học, mỗi khi tụng kinh A Di Đà đến đoạn văn nầy đều rơi nước mắt, cảm thương cho Phật (và cho mình) vô cùng. Ðến khi lìa khỏi sư môn, gánh trên vai ít nhiều trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, nhất là về Tịnh độ môn, lòng tôi càng thêm lo lắng, bởi vì đối với Phật là bậc thầy của chín giới mà độ chúng sanh còn bị khó khăn, than thở như thế, huống chi mình là một phàm tăng dẫy đầy nghiệp chướng hay sao .

Ðể kết thúc bài thuyết giảng ngắn hôm nay tôi xin tạm mượn ý của bài kệ sau đây, trước để trao đến những đạo hữu hiện diện ở nơi giảng đường nầy, và sau nữa là cũng có ý nhắn gởi đến cho những hàng thiện tín gần xa… rằng:

Biển trần lai láng,
Sóng nghiệp lao xao.
Người mê man trong giấc chiêm bao,
Mấy tỉnh đặng phân hào trong lẽ diệu.
Sống chẳng niệm Di Ðà Phật hiệu,
Uổng một vòng chơi nẻo nhân gian.

Kìa, biển trần khổ lao xao sóng nghiệp, mênh mông lai láng vô bến, vô bờ, tất cả chúng ta không nhiều thì ít ai cũng đều bị đắm chìm và vùi dập trong đó,… ấy vậy mà vẫn không biết, không hay, cứ mãi nhởn nhơ vui cười trong hồn hoa, bướm mộng. Mấy ai là kẻ đồng tâm, biết giật mình, thức tỉnh mà quay trở về trong lý đạo nhiệm mầu,… dù chỉ một tơ hào nhỏ nhít đi chăng nữa !

Kiếp nhơn sinh nào được bao lâu. Mới ngày nào thơ ấu mà nay đã má hóp, da nhăn, bước đi mòn mỏi… Nếu như ta cứ mãi cam phận đắm chìm mà không thức tỉnh lập chí tiến tu, thì luống uổng cho một kiếp đời dạo chơi nơi trần thế!
Nay ta dù không may sanh nhằm thời mạt pháp nơi cõi đời ngũ trược ác thế nầy, nhưng trong đó nếu như suy ngẫm ra cho kỹ thì cũng vẫn có được duyên lành đó là còn gặp được thánh tượng, được tắm gội trong giáo pháp Như Lai, và còn được biết ít nhiều lẽ nhân quả, báo ứng xoay vần trong sáu nẻo…

Ấy cũng gọi là ngàn muôn hân hạnh lắm thay!

Xin chư Phật tử lắng lòng suy xét mà lập tâm, quyết chí tu hành.

Cõi trần ai giả tạm nhất thời, xin hãy kíp hồi đầu, quay bước.
Chốn Tây phương Cực Lạc muôn đời, kể từ nay quyết ý nương về.

Ðược vậy mới không uổng công lên non báu mà đi về tay không vậy.

Tôi xin được chấm dứt bài thuyết giảng nơi đây. Chư Phật tử, đạo hữu cùng tôi đọc bài kệ hồi hướng.

Nguyện đem Công đức nầy,
Hướng về khắp tất cả.
Ðệ tử cùng chúng sanh,
Ðồng chứng thành Phật quả.

Nam mô A Di Ðà Phật,
Xin cảm ơn chư Phật tử.

Thơ….
CẢM THÁN
Ta hồ Phật pháp thiểu nhơn tri,
Chánh lý vô hành bất thuận nhi !
Dĩ giả vi chơn năng tác nghiệp.
Do hà Tây độ (1) phản hồi quy ‌
Kim ngôn thánh giáo cầu siêu xuất,
Dục chứng chơn thường đoạn bách phi (2).
Tam thế Phật Ðà “Như Thị” (3) đắc,
Niết bàn quả mãn chúng nan tri.
THÍCH Hải Quang
(Hải Quang thi tập)
Tạm dịch:
(Xuất ý)
than thở
Than ôi ! Phật pháp ít ai xài,
Chánh lý không tuân hổ mặt mày !
Lấy giả làm chơn gây nghiệp quấy,
Ngày về Tây thổ (1) dứt cơ may !
Lời vàng Phật dạy lìa sanh tử,
Muốn chứng chơn thường phải tránh sai (2)
Chư Phật ba đời “Như Thị” (3)được,
Niết bàn giải thoát mấy ai hay.
Bồ tát giới BẢO ÐĂNG
(dịch)
__________________________________________
(1)- Tây thổ : là cõi Cực Lạc.
(2)- Bách phi : là 100 điều “chẳng phải”. Ðây chỉ giải và bàn theo thông nghĩa mà thôi, đó là ý nói :
“Muốn đắc đạo thì phải xa lìa trăm (còn hơn nữa) điều sái quấy”….
(3)- Như thị : là “chơn như pháp tánh giới” (tức là cảnh giới giải thoát, Niết bàn…).

 


[1] liên hoa hóa thân : là thân thể do tinh chất của bông sen tạo thành.
[2] Ðối ẩm: ngồi đối diện với nhau mà uống rượu.
[3] lão đệ: là người em cao tuổi (tuổi già).
[4] Huyết thống: là cùng một dòng máu (ý nói tình ruột thịt, thân thiết).
[5] Bất tường: là không tốt, xui xẻo…
[6] Tuế nguyệt phong ba: là tháng năm dầu dãi, mưa gió phũ phàng.
[7] Cô phần: là nấm mộ.
[8] thiện xảo phương tiện: là phương tiện lành, tốt, đúng đắn…
[9] Bản tâm: là Phật tánh sẵn có của mình.