QUÁN NIỆM
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Thiện Phước
THIỀN MÔN TU CHỨNG CHỈ YẾU
VĂN TỰ LÀ CHỈ TIÊU THÔNG SUỐT ĐẾN CON ĐƯỜNG TẮT
Thiền tông không lập văn tự, chủ trương truyền ngoài giáo điển, thế nhưng trong các Tông đại thừa Phật Giáo Trung Quốc. Thiền tông lưu lại rất nhiều văn tự được thấy trong Chư Tông Bộ của Đại Tạng Kinh, điển tịch Thiền tông chiếm vị trí thứ nhất, có 1599 trang; Thiên Thai Tông dùng nghĩa lý xiển dương chiếm vị trí thứ 2, có 982 trang. Trong “Sử Truyện Bộ” của Đại Tạng Kinh, văn chương điển tịch Thiền tông chiếm nhiều hơn so với các tông phái khác. Ví như 2 bộ sử truyện Thiền tông: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Tục Truyền Đăng Lục họp lại là 66 quyển. Lại xem, trong các bộ môn tại Trung Quốc soạn thuật được thâu vào Vạn Tục Tạng thì Thiền tông soạn thuật chiếm 17 sách, tổng cộng có 8284 trang. Kế đến là Tịnh độ soạn thuật, tổng cộng không tới 4 sách có 1685 trang. Thứ đến là Thiên Thai Tông có 1604 trang.
Như thế có thể biết, Thiền tông tuy gọi là không lập văn tự, trái lại khéo dùng văn tự để truyền bá tông phái của Phật, chủ trương không lập văn tự có xuất phát từ “Lược Biện Đại Thừa Nhập Đạo Tứ Hành” của Bồ Đề Đạt Ma. Phàm thánh bằng nhau, kiên trì không đổi, lại không tùy thuộc vào ngôn giáo. Qua hơn 200 năm, trong bộ “Trung Hoa Truyền Tâm Địa Thiền Môn Sư Tư Thừa Tập Đồ” của ngài Khuê Phong Tông Mật, ban đầu có Đạt Ma Tây Lai, chỉ truyền tâm pháp, cho nên tự cho rằng: “Pháp ta lấy tâm truyền tâm, không lập văn tự.”
Đến thời Tống, Ngài Đạo Nguyên sáng tác bộ “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”. Trong lời tựa sách nầy, Dương Ức có nói: “Ban đầu từ Đạt Ma, không lập văn tự, chỉ thẳng nguồn tâm, không bước qua phẩm bậc, lên thẳng ngôi Phật.” Do vì giáo nghĩa văn tự là dùng phù hiệu để hình dung sự vật, quan niệm chỉnh thể hoặc cục bộ đều không bằng bản thân của sự vật. Nếu như dùng văn tự để biểu đạt sự vật, quan niệm bản thân, thì mãi mãi không thấy được sự vật mà văn tự cần biểu đạt. Cho nên Đạt Ma chủ trương “Không theo ngôn giáo”. Thế nhưng, văn tự cũng là một loại công cụ và môi giới tốt nhất, để khiến người đạt đến mục đích không lập văn tự, điều trước hết vẫn được dùng văn tự để làm con đường tiêu chuẩn thông đến cảnh giới ngộ đạo.
Lấy con đường tiêu chuẩn nầy làm mục đích là mờ tối, còn nếu không nương vào con đường tiêu chuẩn để tiến về phía trước lại càng nguy hiểm. Lấy việc nghiên cứu kinh giáo làm việc duy nhất, mà không từ nơi thực tế ba học giới định huệ để tu chứng, thì đó là lãnh vực Phật học, không phải là thái độ của người học Phật. Cho nên Thiền sư Vĩnh Gia ban đầu nghiên cứu kinh giáo, về sau nhân thiền ngộ mà gặp Lục Tổ Huệ Năng, liền nói: “Vào trong biển đếm cát việc ấy vốn khó rồi, bị Như Lai quở trách điểm trân bảo cho người thì có ích chi? Từ đây lận đận biết đó là việc làm rỗng tuếch, nhiều năm uổng công làm khách phong trần.” Thường thì chỉ thấy chư đại đức Thiền tông quở trách chấp trước văn tự, nào không biết rằng, duy người có sự học vấn uyên bác, mới có thể sau khi giác ngộ mới dám từ bỏ văn tự. Chư tổ sư lại vì chúng ta lưu lại những tác phẩm bất hủ, nhằm hướng dẫn chúng ta tiến xa đến con đường của đạo Phật. Cho nên giai đoạn tu hành trước khi ngộ đạo, nếu không có giáo nghĩa chỉ dẫn chính xác thì liền trở thành mong cầu thăng tiến nhưng lại đọa lạc. Nhân thế mà Đại sư Ngẫu Ích cuối đời nhà Minh, dốc lòng chủ trương “Lìa kinh một chữ, liền đồng như ma nói”.
TU THIỀN XEM TRỌNG CẢ BA HỌC GIỚI ĐỊNH HUỆ
Có người hỏi chúng tôi, hạng người nào mới có đủ tư cách học thiền, có bao nhiêu người do học thiền mà giải thoát sanh tử, ra khỏi ba cõi? Tôi đáp rằng: Nếu hạn định tư cách, thì đó không phải là Phật pháp bình đẳng; nếu học thiền mà không ra khỏi ba cõi, thì đó chính là nói: Bất kỳ các pháp môn khác đều không thể khiến người giải thoát sanh tử, nhân vì thiền là pháp luyện tâm, là cương yếu chung của ba học giới định huệ. Nếu lìa ba học giới định huệ mà riêng có Phật pháp để tu hành thì nhất định là bưng bít ngoại đạo.
Thế nhưng, tu tập thiền ở Trung Quốc trong thời cận đại, rất dễ bị người hiểu lầm. Do đó nếu thiếu minh sư chỉ dẫn, hoặc không có nhận thức chính xác về Phật pháp, thì người tu thiền có thể rơi vào hai trạng thái đáng thương.
Đầu tiên, hạng có tri thức cao, xem được nhiều tắc công án hoặc ngữ lục rồi đem ý tưởng tượng của mình, bèn đoán mò ngộ cảnh ý cảnh đã được biểu thị trong ngữ lục công án. Tự cho là hiểu được và đã được ngộ nhập, không chơn thật tu học tham thiền, cũng không chịu trì giới tập định, xưng là tự nhiên thành đạo, xưa nay là Phật. Ngay nơi phiền não là Bồ đề, ngay nơi sanh tử là Niết Bàn. Dưới con mắt của hạng người nầy, họ cho tất cả đều là không, buông tuồng không biết dừng lại, tự cao tự đại. Không tin ngoài tâm có Phật, không kính tam bảo, không tin nhân quả ba đời. Thông thường người ta cho rằng, chỉ có hàng lợi căn thượng trí mới có đủ tư cách học thiền, lầm đem một người có kiểu mẫu như thế mới thành thiền giả.
Kế đến, có một hạng người thích truy cầu những kỳ tích trong giai đoạn tu hành. Sau khi thiền định hằng ngày, do truy cầu công tâm khẩn thiết, thì cảnh định không cách gì hiện tiền. Cảnh ngộ càng không thể hiển lộ, tự ngã say mê trong huyễn cảnh huyễn giác, ví như tự thấy hào quang, thấy Phật Bồ tát, thấy Tịnh độ, nghe Phật thuyết pháp cho đến các cảnh giới kỳ lạ. Rồi gặp người khác, liền khoe là mình đã có chứng ngộ, là người có đủ những năng lực dị thường, đích thân thấy cảnh giới thánh nhơn, cho đến tự xưng là Phật hoặc Bồ tát chuyển thế. Do vì họ lấy sự huyễn giác huyễn cảnh để làm kinh nghiệm chứng ngộ thật tế. Cũng có thể mời gọi quỉ thần ngoại đạo dựa nhập, lợi dụng thân tâm người khác, phát huy biết bao nhiêu điều như: Biết túc mạng, có thiên nhãn, phóng hào quang, nhả hương khí… có đủ những hiện tượng thần kỳ như thế, ví như báo cho bạn biết trước quá khứ bạn từng làm gì, là ai? Lại nói trước được chuyện kiết hung… nhằm làm mê hoặc người khác tin mình là bậc thánh, và cũng dẫn đến nhiều sự vụ lợi tham lam tiện nghi vật chất, những người hiếu kỳ đến sùng bái và noi theo phục vụ. Thông thường, những hiện tượng nầy được tôn xưng là giáo chủ khai sáng ra một tôn giáo mới. Ở Phật giáo thì xưng là “Ngoại đạo gá nương Phật pháp” đại đa số là thuộc hạng người nầy. Về sau sẽ trở thành người bệnh hoạn tinh thần thác loạn, thân tâm đều bị tổn hại, dẫn đến sự sinh hoạt trở nên bất bình thường, mà người ta thường gọi là bị “Tẩu hỏa nhập ma”, tức là nói hạng người tu hành nầy.
Đến như người tu hành chơn chánh, nhất định phải chú trọng giới định huệ, không tạo ra những chuyện phù phiếm giả tạo để lôi kéo người khác, không bị cảnh giới thinh sắc hào nhoáng bên ngoài quấy động, thân tâm không dấy khởi phản ứng chấp trước, cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Vấn đề nầy trong các bộ: Kinh Lăng Nghiêm, Ma Ha Chỉ Quán… chỉ dẫn rất rõ ràng, nếu không nương theo lơi Phật dạy thì cảnh giới ma hiện tiền.
Phật Giáo Trung Quốc dùng chữ Thiền là nương vào giới luật mà tu tập thiền định, nương vào thiền định mà phát sanh ra trí tuệ. Đây là trí tuệ hành, cùng với bố thí trì giới… là phước đức hành, nhất định có sự tương ưng thì mới hay thành tựu.
Giống như kinh A Di Đà chép: “Nếu cầu sanh về cõi nước của Phật A Di Đà ở Tây Phương, nhất định phải đầy đủ phước đức và căn lành sâu dày mới được”. Nếu như nói thiền không dễ dàng tu thành, thì việc vãng sanh về cõi Tây Phương tịnh độ của Phật A Di Đà cũng không phải là chuyện dễ. Giả như không tích lũy đầy đủ những tư lương, tu hành không miên mật, người học thiền cố nhiên là không thể lập tức siêu phàm nhập thánh, tu trì bất kỳ pháp môn gì đều giống nhau, mới tu hành mà muốn thành đạo liền là việc khó, nếu không thì trái với luật nhân quả.
Cho nên, thiền không phải là phương pháp duy nhất để tu hành Phật đạo, cửa ngõ quan trọng và con đường chung để tu hành Phật đạo là: Trong cuộc sống lấy giới luật làm nền tảng, còn trong Thiền định thì lấy định lực thiền quán làm cơ sở. Trí huệ và từ bi là mục đích để hàng Bồ tát khơi mở tâm bồ đề. Từ thời Phật Thích Ca Mâu Ni đến nay, các vị đại Bồ tát và chư vị Tổ sư đều lấy phương pháp nầy mà tu hành thành tựu.
Nhân vì phương pháp tu thiền đều không có giới hạn cách thức nhất định, nếu được minh sư chỉ dẫn, tất cả phương pháp đều có thể qui về phương tiện nhập môn thiền định, bao quát luôn cả những phương pháp: Niệm Phật, trì chú, lễ bái, đọc tụng… đều không giới hạn ở sự tĩnh tọa thiền định.
XƯA NAY THIỀN BIẾN HÓA NHIỀU MỐI KHÁC NHAU
Thiền giả xưa nay, cho đến Phật giáo đồ, đều xem trọng thực tế tu hành, và đều không chú trọng đến những quá trình diễn biến của lịch sử, dường như biết được phương pháp tu chứng và quan niệm của thiền, xưa nay không từng biến hóa. Chỉ do nhân duyên mà tiếp xúc với những văn hiến, phương pháp, chủng loại khác nhau, nhằm để làm cán cân và tiêu chuẩn tu trì. Dù là thiền giả thông minh, từng đọc kỹ các sách thiền xưa nay đi nữa, nhưng đa phần chỉ phân tích lý giải một góc độ nào đó về thiền, trường hợp nầy và cách nhận thức diện mục xưa nay là có sự chênh lệch rất lớn.
Nhân thế mà ở trong sách “Thể Nghiệm Về Thiền, Khai Thị Về Thiền” chúng tôi đã đem góc độ lịch sử để giới thiệu “Nguồn Gốc Của Thiền”. “Từ Ấn Độ Thiền đến Trung Quốc Thiền”, “Thiền của Thiền Tông Trung Quốc” trong sách do rút ra những phương thức kiểu mẫu, đem những văn hiến trọng yếu trong thiền môn đối với lịch sử Thiền Tông Trung Quốc có liên quan đến nội dung tu chứng và phương pháp tu chứng chọn lựa ra 24 thiên. Lịch trình thời gian từ Bồ Đề Đạt Ma thời Lương Võ Đế tại vị (502 – 549) mãi đến thời hòa thượng Hư Vân trong thời cận đại là trải qua chiều dài lịch sử hơn 1400 năm. Thiền phong suốt khoảng thời gian ấy, vì thời thế mà thay đổi, vì con người mà thay đổi, nói chung có sự biến hóa thành nhiều mối rối rắm. Càng về sau thì càng chín muồi lão luyện, càng đi ngược về trước thì càng rõ ràng về những hình thái cơ bản.
Ví như ai cũng biết, từ thời Bắc Tống trở xuống, tham thiền và niệm Phật song hành, và đề xướng việc thiền tịnh song tu, người đắc lực nhất là Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975). Cuối đời nhà Minh có Đại sư Liên Trì (1535 -1615) đem niệm Phật chia làm 2 môn Trì Danh và Tham Cứu, nhưng tất cả đều lấy việc vãng sanh Tây phương Tịnh độ làm chỗ quay về. Trì danh: tức là niệm 6 chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tham cứu: tức là dùng nghi tình tham vấn “Niệm Phật là ai?”. Nhân thế mà hành giả Tịnh độ thời cận đại không ai không biết ngồi thiền; còn thiền giả không ai không biết đến câu niệm Phật. Tuy có một số hành giả Tịnh độ bày xích thiền, nhưng người chơn tham thiền thì khác chi niệm Phật?. Nhân vì pháp môn niệm Phật Tịnh độ tức là một loại phương pháp thiền quán. Giả như bày xích, thì khác gì có người lấy chân trái đá chân phải, dơ tay trái đánh tay phải, há không phải là quá khờ ư?
Thật ra, Thiền giả niệm Phật trong quyển “Nhập Đạo An Tâm Yếu Phương Tiện Môn” của tứ Tổ Đạo Tín, có nêu ra trong “Văn Thù Thuyết Bát Nhã Kinh” nói về pháp môn niệm Phật, khuyên dạy mọi người y theo đó mà tu hành: “Buộc tâm vào một Phật, chuyên xưng danh tự”. Nói rõ về người tu thiền cũng trì danh niệm Phật.
Lại dẫn trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ quan điểm rằng: “Pháp thân của chư Phật, vào tất cả tâm tưởng. Tâm ấy là Phật, tâm ấy làm nên Phật.”. Đây là nói rõ “Tâm ấy là Phật” của thiền môn, trong kinh điển Tịnh độ cũng hình thành thuyết nầy từ rất sớm. Chính bản thân chúng tôi cũng khuyên người niệm Phật chưa đắc lực thì cần phải học phương pháp nhiếp tâm vào thiền quán, sau khi tâm được an, thì chuyên tâm trì danh ngõ hầu dễ dàng đạt đến hiệu quả nhất tâm niệm Phật. Nhân vì người niệm Phật vãng sanh về cực lạc, nhất tâm niệm Phật có năng lực hơn so với tán tâm niệm Phật. Nhất tâm niệm thì tâm cùng tương ưng với Phật, tán tâm niệm thì không thể tương ưng với Phật. Cho nên trong bộ Tông Kính Lục của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ đã có vài chỗ đề cập: “Nhất niệm tương ứng nhất niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật” (Một niệm tương ứng với một niệm Phật, mỗi niệm tương ứng với mỗi niệm Phật). Đó cũng chính là điều mà trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm chép: “Thu nhiếp 6 căn, tịnh niệm nối nhau, được tam ma địa”. Nếu như 6 căn không thu nhiếp, tịnh niệm không nối nhau mà muốn: “Do tâm niệm Phật, mà vào được vô sanh nhẫn”. “Người nhiếp tâm niệm Phật, về được tịnh độ” thật không phải là chuyện dễ dàng. Cho nên cầu mong người tu pháp môn Tịnh độ, không thể lờ mờ mà chẳng bàn chính xác đến thiền môn tu trì.
(Trích ra từ “Thiền Môn Tu Chứng Chỉ Yếu”. Tiết Lục Nguyên Thư “Tự”).