QUÁN NIỆM
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Thiện Phước

TU HÀNH VÀ THỂ NGHIỆM VỀ THIỀN 

TU HÀNH THIỀN

Sở dĩ gọi tu hành thiền, rốt ráo là tu cái gì, tu những gì. Nay tôi giới thiệu cho các vị: Ngoài giới định huệ ra không có gì khác.

I/ Điều kiện tiên quyết trì giới là tu hành thiền.

Các Tông phái hiển mật của Phật giáo, không có tông phái pháp môn tu hành nào mà không chủ trương trước hết là công phu trì giới. Nếu không trì giới mà tu hành thiền thành tựu thì không có chuyện ấy. Hiện tại, chúng tôi từ từ nói rõ một vài vấn đề nầy.

Rất nhiều người sau khi xem công án Thiền tông, phát hiện có vài vị Tổ sư không câu chấp việc nhỏ nhặt, trong vấn đề giới luật, như Thiền sư Qui Tông chém rắn, Nam Tuyền giết mèo, rồi liền cho rằng tu hành Thiền tông không cần phải giữ giới luật. Thật ra các vị ấy đã vượt hơn hẳn mọi người mới như thế, còn người bình thường thì nhất định phải trì giới, hay nói cách khác còn ở trong vòng nhân quả chưa ra khỏi sanh tử, thì nhất định phải trì giới.

Định nghĩa về giới có 2 loại :

+ Phương diện tiêu cực : Không làm những điều không nên làm.

+ Phương diện tích cực : Những điều nên làm thì không thể không làm.

* Trì giới tiêu cực :

Chuyện không nên làm thì không được làm, có 2 tầng ý nghĩa:

1/ Khi đều ác đã làm. Thì phải khiến đoạn tuyệt.

Nếu đã làm những ác nghiệp rồi thì phải thế nào? Trong 5 phẩm đệ tử của Thiên Thai Tông, đầu tiên dùng 5 pháp hối làm phương tiện nhập môn tu hành, cũng chính là khởi đầu từ sự sám hối. Ở đây Hiển giáo, Mật giáo và các Tông phái khác đều vậy.

Trong quá trình tu hành, mỗi ngày hai thời sớm chiều đều sám hối, mục đích là khiến cho nghiệp chướng tiêu trừ, nội quán tăng trưởng, nhân thế mà tâm của chúng ta ổn định. Sau đó mới có thể tu hành pháp môn chơn chánh để đạt được lợi ích.

2/ Điều ác chưa làm, khiến không sanh khởi.

Thế nào để cho điều ác không sanh khởi, đó chính là yêu cầu chúng ta phải rời xa ngũ dục, tránh tám ngọn gió.

Ngũ dục là :

Sắc dục : Mắt thấy sắc.

Thinh dục : Tai nghe tiếng

Hương dục : Mũi ngửi mùi.

Vị dục : Lưỡi nếm vị.

Xúc dục : Thân va chạm.

Những thứ nầy đều làm tăng trưởng tâm tham lam của chúng ta, nếu như không đạt như ý muốn sẽ khởi tâm nóng giận. Nếu hay xa lìa ngũ dục, thì sự tham sân si của chúng ta trở nên giảm bớt, như thế tâm nầy liền trở nên kiên định, thân tâm nhân thế mà được bình an.

Nói 8 ngọn gió : “Lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc”. Trong 8 ngọn gió nầy là lửa làm rực cháy lên phiền não.

– Thế nào là Lợi :

Việc được như ý là lợi, tức là lợi ích. Lợi ích là điều mà dường như ai cũng thích, ai cũng mong cầu.

Ví như, hôm nay các vị đến nghe tôi diễn giảng, trong tâm nghĩ rằng: Hôm nay hi vọng theo Pháp sư để nghe giảng mình sẽ được nhiều lợi ích, tâm mong cầu loại pháp ích nầy, tuy cũng là lợi nhưng đó là điều tốt, làm cho bạn giảm bớt phiền não.

Ngoài ra, nếu như các vị chỉ mong cầu tiền tài, dùng phương pháp nào để kiếm càng nhiều tiền càng tốt, vì thế mong cầu đến nỗi bị lợi dục lôi kéo, đó chính là bị ngọn gió “Lợi” dấy động.

– Thế nào là Suy :

Không được như ý gọi là suy, tức là tổn thất, là điều mà người người đều mong tránh khỏi.

Nếu vì một sự kiện, bạn mong muốn sẽ được nhiều lợi ích, nhưng kết quả lại bị tổn thất, tâm bạn liền ưu sầu áo não, đau khổ đó chính là bị ngọn gió “Suy” dấy động.

– Thế nào là Hủy :

Sau lưng hủy báng, công kích gọi là hủy, tức là hủy báng.

Ví như, có người khua môi múa lưỡi, ngầm nói xấu bạn, bạn vẫn bình thản, chuyện nầy thật không đơn giản. Cho nên gọi là: “Nhẫn được điều mà người khác không thể nhẫn” đó là sự phản ứng thông thường, khi va chạm việc nầy là một sự thiệt thòi, người bị vết thương nầy mà đau khổ, đây cũng chính là lẽ thương tình của con người.

– Thế nào là Dự :

Sau lưng khen ngợi gọi là dự, tức khen ngợi sự tốt đẹp.

Có người nói : “Danh dự là sanh mạng thứ hai.”. Qua đó có thể thấy được sự trọng yếu của danh dự, giống như có người khen ngợi bạn, bạn biết lời ấy có thể không quan trọng lắm nhưng trong lòng cũng cảm thấy vui vui, đây là bị ngọn gió “Dự” thổi động.

– Thế nào là Xưng :

Đương nhiên khen ngợi tiếng tốt gọi là xưng, tức là xưng tán.

Bạn làm xong một việc tốt có người xưng tán bạn, bạn cảm thấy rất đắc ý, hoặc cảm nhận có sự an ủi, đó đều là bị ngọn gió “Xưng” thổi động .

– Thế nào là Cơ :

Bị hủy báng gọi là cơ tức là lời mỉa mai. Nếu như có người ở trước mặt bạn dùng những lời cay đắng lạnh lùng để mỉa mai công kích, thậm chí ở giữa chốn đông người chỉ trích phê bình. Tuy bạn có kiềm chế được lời nói, cắn răng chịu đựng, nhưng nếu bạn sau khi nghe những lời phỉ báng oan ức ấy mà trong lòng giận bực sân si, thì đây là bị ngọn gió “Cơ” thổi động.

– Thế nào là Khổ :

Cảm giác có sự bức bách thân tâm gọi là khổ, tức là đau khổ, khổ có 4 loại, 5 loại, 8 loại. Chủ yếu là cầu không được, ghét mà gặp nhau, thương yêu mà chia lìa, 5 uẩn mạnh mẽ, sanh lão bệnh tử.

Tất cả mọi việc, chỉ cần khiến cho thân tâm bức bách, không được tự tại đó đều gọi là khổ, phải đạt đến trình độ 6 căn thanh tịnh, mới không bị ngọn gió “Khổ” thổi động.

– Thế nào là Lạc :

Tâm ý hòa vui gọi là lạc, tức là hỉ lạc. Chỉ cần thân tâm chúng ta có sự thư thái dễ chịu, vui vẻ, khoái lạc, chúng ta nên bảo trì chúng, chiếm giữ chúng, tham đắm chúng, đây là bị ngọn gió “Lạc” thổi động.

Tương truyền Tô Đông Pha đời nhà Tống có một câu chuyện rất thú vị, do thuở sanh tiền ông ham thích Phật học, ưa bàn luận thiền lý. Cho nên cùng với Thiền sư Phật Ấn ở chùa Thừa Thiên Tô Châu bàn thiền.

Hôm nọ, cư sĩ Đông Pha làm một bài kệ, tự cho mình là người có kiến giải, liền phái người qua sông trao cho Thiền sư Phật Ấn xem.

“Khể thủ thiên trung thiên

  Hào quang chiếu đại thiên

  Bát phong xuy bất động

  Đoan tọa tử kim liên”

(Cúi lạy bậc thiên trung thiên

Hào quang soi khắp cõi đại thiên

Tám gió thổi chẳng lay động

Ngồi vững vàng trên kim liên)

Thiền sư Phật Ấn xem xong liền phê bốn chữ : “Đánh rắm, đánh rắm” (thật là mắc địch). Sau đó giao cho người mang về. Cư sĩ Tô Đông Pha vô cùng nóng giận, nghĩ rằng mang cho Thiền sư Phật Ấn xem qua ấn chứng khen ngợi cảnh giới ngộ đạo cao siêu của mình, ai dè bị tạt một gáo nước lạnh, do đó liền đích thân qua sông tìm Phật Ấn Thiền sư để lý luận. Thiền sư Phật Ấn biết trước việc nầy sẽ xảy ra cho nên một khi vừa thấy cư sĩ đến liền cười khà khà rằng: “Tám ngọn gió thổi không lay động, nhưng chỉ một tiếng “đánh rắm” thôi mà đã vượt qua sông rồi”. Cư sĩ sau khi nghe lời nói ấy ông sanh lòng hỗ thẹn, nhân thế mà sau nầy không dám tùy tiện nói năng khoe khoang nữa.

Vấn đề nầy là nói rõ trọng yếu hành giải tương ưng, Tô Đông Pha tự cho mình có  kiến giải cao siêu mà bị một tiếng “Cơ” thì liền động.

2/ Trì giới tích cực :

Nên làm việc không thể không làm. Vấn đề nầy có 2 tầng ý nghĩa.

1/ Việc thiện đã làm thì khiến cho tăng trưởng.

2/ Việc thiện chưa làm thì khiến cho sanh khởi.

Nên làm những gì? Đó chính là bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn trong lục độ.

Sau khi chúng ta trì giới thì tâm tham tự nhiên giảm bớt, tâm từ bi theo đó mà sanh. Bố thí là việc đứng đầu trong 6 pháp Ba La Mật, cũng chính là vun đắp cho lòng từ bi, rộng kết duyên lành. Nhẫn nhục là nhơn duyên tăng thượng cho hành giả trên bước đường tu học. Vừa rồi ông Lý giới thiệu về tôi, ông cũng nói qua vấn đề tôi là một vị Tăng gian khổ từ sự rèn luyện mà được. Thật ra, trong lúc tôi gian khổ tự thân không hề cảm nhận được sự khổ như thế nào? Cũng chỉ có người trong cảnh ngộ mới có thể hiểu được mà cố gắng tinh tấn vượt qua. Thế nhưng, người trưởng thành ở trong hoàn cảnh hoan lạc, mà khiến cho họ có được tâm thương yêu thông cảm, tâm đồng cảnh ngộ về cuộc sống khó khăn thì không dễ dàng phát sanh, họ cũng khó thể hội được trọn vẹn về  sự khổ nạn của chúng sanh.

Còn đối với một số người phê bình chê bai tôi, tôi thường xem họ như Bồ tát. Ví như, tôi được đến Nhật Bổn lưu học, tôi rất cảm ơn một vị thần phụ Thiên chúa giáo và vị mục sư Cơ đốc giáo. Nhân vì họ từng soạn ra văn từ phê bình Phật giáo, chê bai các hòa thượng thời ấy, kiến thức thấp hèn không ai biết Phạn văn, không người nào thông hiểu ngữ văn thông dụng của thế giới ngày hôm nay, ngay cả người thông đạt Phật điển bằng Trung văn cũng hiếm hoi. Sau khi tôi xem xong, trong lòng vô cùng khó chịu, nhân thế mà phát nguyện: “Làm một vị Tăng Phật Giáo Trung Quốc, phải có địa vị học thuật”. Nhân thế mà đi ra nước ngoài để học. Sau khi rời khỏi nước không bao lâu, hai giới Tăng tục tại Trung Quốc có số ít người ủng hộ tôi, lại có không ít người công khai hoặc âm thầm ác ý phê bình và thiện ý bàn luận. Thậm chí Sư phụ tôi cũng từng vì việc nầy muốn biết công khai sự trong sạch về tôi nên đến tận Đông Kinh để xem xét. Đối với những tình huống như vậy, gây  cho tôi một áp lực rất lớn, càng khiến tôi phải nổ lực học tập, hoàn thành khóa trình sau 6 năm, lấy được học vị tiến sĩ, và xuất bản luận văn Tiến sĩ. Đương nhiên tôi cũng cảm tạ ân tam bảo gia trì, để tôi có đủ nghị lực “trong lúc càng khó khăn thì càng tinh tấn”, tất cả đều do năng lực nhẫn nhục mà ra cả.

II/ Tu định là phương pháp tiến vào cửa thiền.

Từ thời nhà Đường trở về trước, Thiền Trung Quốc lấy việc tu định làm chủ yếu, cho nên gọi là thiền quán hoặc thiền sổ, rồi từ đời nhà Đường trở về sau, Thiền tông Trung Quốc thời kỳ đầu lấy huệ làm mục tiêu, cho đến lấy định làm phương tiện, tiến nhập vào cảnh thiền, nếu tu định không tu thiền thì sẽ dễ rơi vào tứ thiền bát định của ngoại đạo. Nếu tu thiền không tu định mà có thể tiến nhập vào thiền cảnh thì đó là chuyện xa vời, cho nên trong Tổ sư Thiền tông Trung Quốc, đối với định phân làm 2 trạng thái bất đồng.

1/ Hệ thống trạng thái thứ nhất :

Có trạng thái phủ định đối với định, cũng chính là nói không cần nhập định, thì liền trực tiếp tiến vào sự ngộ nhập thiền cảnh.

1/ Vào thời đức Phật một vài vị A La Hán đạt được “huệ giải thoát”, dù chưa tu định nhưng đã được ly dục.

2/ Trong bài “Tín Tâm Minh” của Tổ Tăng Xán câu đầu nói: “Lẽ tột cùng của đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa”.

Ý nói : Tìm cầu lẽ tối cao của đạo không khó, chỉ cần bạn trừ bỏ tâm phân biệt, thì chí đạo liền xuất hiện ngay trước mặt bạn. Nhân vì đạo là tự nhiên, không cần nhờ phương tiện, đạo nếu nói có thể tu được thì nhất định không phải là đệ nhất nghĩa đế của chí đạo, chỉ dùng pháp phương tiện đệ nhị nghĩa đế.

3/ Hai bài kệ trong sách Lục Tổ Đàn Kinh do ngài Huệ Năng trước tác. Ngài Thần Tú nói :

Thân thị Bồ đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.

(Thân là cây Bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Luôn luôn siêng lau chùi

Chớ để dính bụi dơ)

Ngài Huệ Năng nói :

Bồ đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai.

(Bồ đề vốn không cây

Gương sáng cũng không đài

Xưa nay không một vật

Chỗ nào dính bụi dơ)

Căn cứ vào 2 bài kệ nầy ta có thể biết ngài Thần Tú vẫn chưa thấy được đến mức lìa hẳn nhơn ngã và pháp ngã mà vẫn hiển hiện chơn như pháp tánh, vẫn phân biệt tâm cảnh, công phu cao thấp. Như thế chính là không phải thiền, mà là dần dần trải qua quá trình tu định. Còn ngài Huệ Năng cho là Bồ Đề xưa nay không có cây thì lấy gì để sanh trưởng, tự tâm vốn sáng rỡ, và không giống như gương phải có đài. Tâm địa xưa nay sáng sạch thì bụi dơ trần cấu xưa nay làm gì có mà phải quét phải lau. Đây chính là không còn tạo tác tu hành đạt đến thiền cảnh tối cao, cũng là tu trì đối với định, dừng ở lập trường phủ định.

4/ Theo lý “Bình thường tâm là đạo” của Mã Tổ Đạo Nhất, Ngài chủ trương đi đứng ngồi nằm đều là thiền. Chẳng phải cách đi của phàm phu, chẳng phải cách đi của thánh hiền, đó chính là cách đi của Bồ tát, không cần tạo tác, không đúng không sai, không lấy bỏ, cho nên gọi là “Bình thường tâm là đạo”. Chủ trương: “Xưa có nay có, không phải nhờ tu tập tọa thiền, không tu không ngồi tức là Như lai thanh tịnh thiền.

5/ Theo ngài Đại Huệ Tông Cảo triều nhà Tống trực tiếp dạy người tham chữ “Vô”, ngài chủ trương chỉ thẳng ngay phương pháp tham chữ thoại đầu “Vô” nầy. Khiến không sanh tâm phân biệt, rỗng sáng tự soi. Từ triều nhà Tống trở về sau, người tham phương pháp thoại đầu vô cùng thạnh hành, thế nhưng không rơi vào giai cấp tầng lớp, nhân vì rơi vào giai cấp tầng lớp thì không phải là thiền.

2/ Hệ thống trạng thái thứ 2

Đối với định để chọn lấy trạng thái khẳng định, đây là nói: Huệ do định sanh, nương theo định mà phát sanh trí tuệ.

1/ Theo kinh Di Giáo : “Chú tâm ở một chỗ thì việc nào cũng thành tựu hết”. Đức Thích Ca Thế Tôn dạy các Tỳ kheo tu hành chủ yếu là dùng phương pháp thiền quán. Chính là dạy người đem tâm niệm tán loạn tập trung lại thì tâm sẽ được thống nhất, tâm được thống nhất rồi thì không bị ngoại cảnh làm động, vì thế xa lìa phiền não. Nhân thế mà “Chú tâm ở một chỗ” đó chính là công phu tu định tiệm thứ, đạt đến tầng lớp cao nhất chính là được quả A La Hán.

2/ Theo “Tu Tâm Yếu Luận” còn gọi là Tối Thượng Thừa Luận của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói : “Tu hành cần phải biết yếu chỉ của các pháp, giữ tâm là quan trọng nhất”. Đây là dạy người đem chơn ngôn bất động giữ yên, nếu hay giữ vững được chơn tâm thì vọng niệm tự nhiên không sanh, vọng niệm không sanh thì “ngã” và “ngã sở” tiêu diệt, vô minh tiêu mất thì trí huệ phát sanh, về sau được thành Phật. Loại công phu giữ tâm nầy tương ưng với “chế tâm” cũng chính là phương pháp tu hành định.

3/ Theo lời tụng “Xà Ma Tha” trong Vĩnh Gia Tập của Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác chép: “Tĩnh tĩnh lặng lặng; lặng lặng tĩnh tĩnh”. Ngài chủ trương tĩnh tĩnh là quán, quán chiếu tâm niệm của chúng ta; lặng lặng là chỉ, chính là ngăn dừng tâm niệm tán loạn. Ngay trong lúc một niệm không sanh, chính là cái chỗ rõ ràng phi thường, liền thành “chỉ quán” không hai, hoặc nói rằng công phu “tịch chiếu” không hai, cảnh ngộ nhân thế mà hiện tiền.

4/ Theo bài “Quán Tâm Minh” của Ngài Hám Sơn Đức Thanh chép: “Quán tâm vô tướng, quang minh sáng sạch” nghĩa là ngay nơi một tâm niệm không sanh thì liền thấu suốt được tự tâm, rõ ràng không một vật, sáng sạch làu làu, viên minh vô ngại, đầy khắp pháp giới. Ngài chủ trương quán tâm làm điểm trọng yếu, tâm nầy không luận là tịnh hay nhiễm, là chơn hay vọng, phàm dụng tâm quán chiếu công phu, đó chính là phương pháp tu định.

5/ Theo pháp môn “Mặc Chiếu” của ngài Hoằng Trí Chánh Giác: Lặng soi bản thân, là định của thượng thừa. Ngài một đời đề xướng thiền “Mặc Chiếu” (lặng soi), trong bài “Mặc Chiếu Minh” chép: “Lẳng lặng quên lời, rõ ràng hiện tiền.”. Tức là nói trong khi tĩnh lặng lìa ngôn ngữ thì không mất đi công phu, quán chiếu linh minh, một khi lẳng lặng lại còn trong sáng chiếu soi. Lặng mà soi, soi mà lặng, thật là tự tại, thật là hoạt bát, đạt đến cảnh ngộ thấu suốt tất cả. Đây chính là cảnh giới định, cũng chính là cảnh giới huệ.

III. Huệ chính là Thiền

Thiền tông thì không cho rằng từ kinh giáo lý luận mà đạt được trí huệ, cho nên mới nói kinh giáo là dài dòng chằng chịt. Trí tuệ thì không tìm ở bên ngoài, chỉ do tâm ngộ, cho nên bản thân của thiền chính là trí huệ, là một phương thức đoạn trừ hết những não loạn phiền muộn, phá tan lớp vô minh dày đặc, vượt khỏi lưới mê sanh tử. Ngay trong lúc bạn phá sạch hết tính cố chấp trong tâm, thì lúc ấy trí tuệ không phân biệt hiện tiền, tương ưng với tất cả kinh giáo. Thế nên do minh sư chỉ dẫn, dùng phương pháp thiền để khai ngộ người, nhất định hành giải tương ưng, khế họp với những lý luận trong kinh giáo.

Ví như, ở nước Mỹ có người quốc tịch Trung Quốc, sau khi trải qua một lần nhập thiền thất, cô bèn đến nhà của cư sĩ Thẩm Gia Trinh, xem qua kinh Viên Giác. Cô xem xong đoạn thứ nhất thì liền biết được đoạn thứ hai  giảng nói những gì. Xem xong đoạn thứ hai là hiểu được đoạn sau và những đoạn sau đó nữa. Do đó Thẩm cư sĩ thấy kinh ngạc đến hỏi tôi. Tôi nói: Tôi không có pháp môn gì bí mật, chỉ dùng phương pháp thiền, khiến cô ta phát khởi một chút tuệ căn.

Thiền chủ trương không lập văn tự, nhưng trong các Tông phái đại thừa Trung Quốc, Thiền tông lưu lại số lượng văn tự nhiều nhất. Ví như Đại Huệ Tông Cảo, tuy đem đốt sách Bích Nham Lục của Thầy ngài rồi còn nói: “Đây là thứ hại chết người, không cần phải để cho người sau làm lại”. Nhưng cuối cùng ngài lại viết ra rất nhiều, nói rất nhiều.

(Trích từ “Niệm Hoa Vi Tiếu”, tiết Lục “Tu Hành và Thể Nghiệm Thiền”)

Pages: 1 2 3 4 5 6