QUÁN NIỆM
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Thiện Phước

TU HÀNH VÀ CHỨNG NGỘ THIỀN

          THIỀN LÀ GÌ?

Thiền rốt ráo là gì? Thật ra, thiền là không chấp ngữ ngôn, không lập văn tự, có thể dùng ngôn ngữ văn tự để giải thoát thì không phải là thiền. Nếu dùng lời lẽ để nói về thiền, tôi đứng ở trên bục giảng liền phải xuống bục giảng, nhân vì thiền là dùng ý để lãnh hội không thể dùng ngôn ngữ truyền đạt, dùng sách ghi chép hoặc miệng nói thì trở thành mất giá trị.

Nhưng mà đối với tôi thì không thể không nói, nhân vì trong thiền môn có câu “Lấy ngón tay chỉ mặt trăng”, đối với những người xưa nay không biết trăng là vật gì, ở giữa trời xanh mênh mông, vật nào là mặt trăng. Lúc nầy cần phải có người nhận biết mặt trăng, dùng ngón tay chỉ ngay mặt trăng nói rằng: “Đó chính là mặt trăng”.

Cho nên ngôn ngữ văn tự chỉ là công cụ tiêu biểu, thật ra thiền chính là nương tựa vào tự kỷ mà thể hội.

KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ THIỀN HỌC

1/ Phật nói tâm làm tông, vô môn làm pháp  (Kinh Lăng Già).

Câu đầu nói, Phật nói giáo pháp dạy chúng ta, tất cả đều lấy tâm làm gốc, mỗi câu đều từ tâm tánh thanh tịnh mà tuôn ra, ngôn ngữ là hư giả, chỉ có tâm tánh mới là chơn thật bất biến.

Câu cuối ý nói : Muốn đạt đến cảnh giới khai ngộ kiến tánh phải dùng “Vô môn” để làm phương pháp nhập môn. Sở dĩ gọi vô môn là không có ý đặt một vị trí nhất định, giống như có một vài trường học không có cửa chánh nhất định, muốn vào trong khuôn viên trường, bốn ngõ tám hướng đều không nhất định phải thông qua một cửa chính nào cả.

Đời Tống có Thiền sư Nhất Bổn Huệ Hải, biên tập sách công án gọi là Vô Môn Quan, trong đó ghi chép tất cả đều lấy vô môn để nhập môn, nhân thế mà có câu chuyện khai ngộ, mọi người có thể tìm đọc.

2/ Đối với pháp môn này trước giờ tôi lập “vô niệm” làm tông. “vô là không có hai tướng, tâm không có các trần lao”. (Lục Tổ Đàn Kinh)

Mỗi người đều có thể tìm cho mình một pháp môn thích hợp để tu hành, thế nhưng đầu tiên là phải nắm được nguyên tắc. Tức là: Đối với bên trong không có thành kiến, không được chấp trước, đối với bên ngoài không có tâm phân biệt, đối với trạng thái nầy gọi là “Vô niệm”. Vô niệm không phải là không có tâm niệm, mà là cái tâm nầy bên trong không bị tự ngã ràng buộc, bên ngoài không bị hoàn cảnh làm dao động. Lấy đó làm nền tảng tiêu chuẩn, như thế là có thể tìm ra được lối tu hành rồi đó.

3/ Pháp môn nầy, từ một bát nhã sanh ra 8 muôn 4 ngàn trí tuệ. (Lục Tổ Đàn Kinh)

Thiền học cùng với những học vấn thông thường ở thế gian không giống lắm. Học vấn thông thường cho đến triết học, là phải nương vào sự suy tư của tự kỷ, và nhờ sự tích lũy tri thức kinh nghiệm mà thành. Nói đến thiền thì phải buông bỏ tất cả những tri kiến ngoại tại và nội tại, do đó mới phát sanh trí tuệ chơn thật vô lậu, đó chính là khai ngộ.

Cho nên có người chủ trương: Tối dạ nhất, lười biếng nhất đối với việc học vấn thì phải học thiền, nhân vì thiền tông không cần phải có thế trí biện thông, đồng thời cũng không cần phải học rộng nhớ dai.

Thế nhưng, trái lại cũng có người cho rằng: Chỉ có người thông minh lợi căn mới có đủ tư cách tiếp cận được thiền học, nhân vì người có đại trí tuệ mới có thể tiếp thu, tùy thời buông xả, nhân thế mà mỗi ngày càng thêm phát triển. Người như thế mới có thể khai ngộ.

  4/ Thế nhơn diệu tánh vốn không, không có một pháp có thể được. (Lục Tổ Đàn Kinh)

Thông thường người cầu học Phật Pháp đều cho rằng “đạo” hoặc “pháp” là vật thật có. Nhân thế mà luôn luôn hướng ngoại tìm cầu, nhưng Thiền tông đả phá quan niệm ràng buộc ở trên, chỉ thẳng bổn tâm, Thiền tông cho là ngoài tâm không có pháp nào khác.

5/ Lìa tánh không có Phật, thấy tánh thành Phật. (Lục Tổ Đàn Kinh)

Thiền tông Trung Quốc đặc biệt xem trọng khai ngộ kiến tánh, nhưng tự tánh là gì? Lục Tổ Huệ Năng nói : “Bồ đề tự tánh, xưa nay thanh tịnh, chỉ dùng tâm này thẳng đến thành Phật”. Lại nói: “Niệm trước mê tức là phàm phu, niệm sau ngộ tức là Phật”. Chỉ ra Phật và phàm phu vốn bất đồng ở chỗ mê và ngộ. Nếu như có thể đạt đến cảnh giới không nghĩ, không nhớ, không dính mắc, không trụ trong ngoài, đến đi tự do, đó chính là thấy tánh thành Phật.

THIỀN TÔNG TU HÀNH NHƯ THẾ NÀO

1/ Tĩnh tọa không phải là thiền? Ngồi như cây khô không hẳn khai ngộ.

Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi chứng ngộ từng ngồi tu khổ hạnh dưới núi tuyết 6 năm, Đạt Ma Tổ Sư khi mới sang Trung Quốc cũng từng ở tại Tung Sơn xoay mặt vào vách 9 năm. Do đó có thể thấy tính trọng yếu của việc ngồi thiền. Nhân đây mà các Thiền sư Trung Quốc trong thời kỳ đầu vẫn dùng theo phương pháp truyền thống Ấn Độ, đặc biệt nhất là vẫn thiên nặng về công phu thiền tọa, loại hình thức này kéo dài đến thời của Lục Tổ Huệ Năng, nhưng tới thời của Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng mới xuất hiện sự biến cách thay đổi, đó chính là việc chú trọng giác ngộ không chú trọng định.

Có một công án tiêu biểu rằng: Lúc Mã Tổ Đạo Nhất ở chỗ Nam Nhạc ngồi thiền, dụng công miên mật, suốt ngày đều ngồi thiền, nhưng quan điểm của Thiền sư Hoài Nhượng thì không hẳn như thế, do đó lấy một viên gạch đến trước Thiền sư Mã Tổ dụng công mài, do âm thanh rất lớn nên làm quấy nhiễu Mã Tổ.

Mã Tổ hỏi : Hòa thượng mài gạch làm gì?

Nam Nhạc đáp : Mài để làm gương soi.

Mã Tổ cười nói : Gạch làm sao mà mài thành gương cho được.

Nam Nhạc nói : Gạch mài không thành gương thì ngồi thiền thành Phật ư?

Mã Tổ nghe xong liền khai ngộ.

Khai ngộ là ở chỗ buông bỏ sự chấp trước tự ngã, ngồi thiền là thân thể bất động. Nếu nội tâm còn ràng buộc vọng động như những cơn sóng nhấp nhô, cho dù ngồi lâu ở hang sâu núi thẳm đi nữa thì cũng uổng công phu.

2/ Lúc tĩnh tọa nên quán xét phiền não trong tâm, đó chính là tu hành.

Kinh Viên Giác có chép : “Biết huyễn liền lìa, lìa huyễn liền giác”. Nhưng cũng đừng nên kháng cự phiền não, quá mong cầu khai ngộ, thích tĩnh ghét ồn, thích thanh tịnh ghét ô nhiễm cũng khó mà có thể khai ngộ.

3/ Sinh hoạt bình thường tức là tu hành thiền.

Thiền tông có một câu chuyện: Hôm nọ có vị Tăng đến tham vấn Thiền sư Triệu Châu :

– Người học mê muội, xin Sư chỉ dạy.

– Triệu Châu nói : Ăn cháo chưa?

– Tăng đáp : Dạ ăn rồi.

– Triệu Châu nói : Hãy rửa bát đi.

Đây chính là nói ăn cháo rồi thì đi rửa bát, cũng là Phật pháp.

Rất nhiều người phát tâm học Phật cho rằng chỉ có thắp hương trước Phật, lễ bái, tụng kinh, hoặc đến núi sâu động cổ bế quan nhập định mới gọi là tu hành chơn chánh, mà không biết rằng tu hành chính là việc hiện hữu ngay trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Thiền tông chủ trương nên ứng dụng việc tu hành ngay trong cuộc sống hiện thật, đối với mọi cử chỉ động niệm đều phải nên thanh tịnh sáng suốt, không luận là đi đứng nằm ngồi, ăn cơm mặc áo, đãi người tiếp vật đều là việc tu hành.

Cho nên có lần Luật sư Hữu Nguyên đến Thiền sư Đại Châu Huệ Hải thỉnh giáo: Hòa thượng tu hành có dụng công gì không?

Thiền sư Huệ Hải đáp : Có dụng công.

Lại hỏi : Dụng công như thế nào?

Thiền sư đáp : Đói ăn, mệt ngủ nghỉ.

Hữu Nguyên Luật sư hỏi : Tất cả mọi người đều dụng công giống như Sư chăng?

Thiền sư Huệ Hải nói : Không giống.

Hỏi : Sao không giống?

Huệ Hải nói : Lúc người khác ăn cơm thì không chịu ăn cơm, trăm thứ mong cầu, lúc ngủ không biết ngủ vì ngàn việc mưu toan, cho nên không giống vậy.

Do đó có thể biết tâm không có tạp niệm vọng tưởng, dù không ngồi thiền thì cũng là tu hành. Còn tâm có tạp niệm vọng tưởng dù có ngồi cũng không khai ngộ.

4/ Chấp tu hành thì không phải là chơn tu hành, không chú ý tu hành lại không phải là chơn tu hành.

Hiện tại chúng tôi đề cập lại vấn đề là : “Mài gạch không thể thành gương”. Mã Tổ biết tu hành mà chấp trước vào hình tướng thì không có hữu dụng, nhân thế mà được khai ngộ. Phải chăng ý vị chấp trước, không từng tu tập thiền tọa, hoặc từ trước đến giờ không chú ý tu hành, cũng có thể khai ngộ ư? Đương nhiên là không rồi.

Nhiều người luôn cho rằng : “Thành Phật cũng chẳng qua như thế, khai ngộ cũng không có gì là không thực hiện được. Đối với tôi dù khai ngộ hay không khai ngộ, không có gì không giống, nhưng một khi cảnh tượng mê mờ hiện tiền, muôn phiền não bủa vây, thì không tránh khỏi sự khó khăn.

5/ Luôn luôn giữ gìn trực tâm và bình thường tâm thì đó là tu hành.

Kinh Duy Ma chép : “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là Tịnh độ”. Nói trực tâm chính là bình thường tâm, cũng chính là hoàn toàn không có sự phân biệt chấp trước chủ quan. Nhưng vượt qua tâm thanh tịnh khách quan và chủ quan, đó chính là người Đại trí tuệ. Thường bảo trì trực tâm, ngay lúc ấy chính là tâm thanh tịnh ở cõi Phật. Nhưng muốn có được phương thức công phu này thì thật không dễ dàng, cho nên cần phải luyện tập thường xuyên. Có một vài người tự cho là tâm của họ không đủ ý thức chủ quan, cũng không chút gì chấp trước phân biệt, thật ra việc này rất có khả năng là tự khi rồi khi người nữa. Nhân vì phàm người chưa triệt ngộ thì vẫn còn ngã chấp, tự nhiên có phân biệt nhơn ngã, cho đến không tránh khỏi những dao động cảm tình nội tại.

6/ Không nghĩ thiện, không nghĩ ác chính là tu hành, chính là khai ngộ.

Vào thời tứ Tổ Đạo Tín, ngài cũng từng đề xuất câu :

“Mênh mông vô ngại

Mặc ý tung hoành

Không làm điều thiện

Không làm điều ác

Đi đứng nằm ngồi

Mắt chạm các duyên

Là diệu dụng Phật

Khoái lạc không lo

Gọi đó là Phật”

Ngài cho rằng không cần dùng phương pháp nào, không cần làm thiện bỏ ác, việc đáng làm thì làm, không suy nghĩ phân biệt chủ quan, ngay nơi đó chính là hiển hiện của Phật tánh.

Lại nữa “Lục Tổ Đàn Kinh” cũng có đoạn công án: Đang lúc Lục Tổ Huệ Năng trốn sang phương Nam để tránh nạn đoạt y bát, bấy giờ bị Huệ Minh đuổi theo, Lục Tổ Huệ Năng nói: “Ngươi vì Pháp mà đến thì nên dẹp bỏ các duyên, chớ sanh một niệm. Ta nói cho ngươi biết: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác ngay trong mọi lúc, đó chính là bổn lai diện mục của Minh Thượng Tòa.”. Huệ Minh ngay lúc ấy có lối tỉnh ngộ.

7/ Tham thoại đầu, ngồi nghi ngờ, phá nghi tức là khai ngộ.

Tôi có một học trò người Châu Á, anh ta đã tu hành 8 năm rồi, công lực đã đạt đến một trình độ nào đó, có thể liên tục ngồi vài tiếng đồng hồ mà không xả thiền. Anh ta tự cho mình đã đạt đến trình độ vô ngã, do đó vô cùng tự đắc và chấp trước. Nhân cơ hội xem được sách tôi viết, anh mới sửng sốt vì thấy còn chấp trước tự ngã, bèn đi đến Đài Loan tham gia một lần thiền thất do tôi mở, tôi dạy anh dụng công tham công án để thanh đạm tự thân. Sau bảy ngày, anh tự nhận thức rằng tự ngã của mình dần dần giảm bớt.

Cho nên tham thoại đầu, tham công án chính là dùng công phu khẩn bách sửa mình, đem tâm người tham thiền đến chỗ không có lối tiến thoái, nhưng lại nếu không đi thì không được; không có chỗ mở lời, lại không thể không nói, cho nên tham công án chính là bảo người sanh khởi nghi tình, ngăn vọng tưởng tạp niệm, luôn luôn tiến xa đường sanh tử, liền đạt đến cảnh giới ngộ nhập hiện tiền.

THIỀN KHAI NGỘ NHƯ THẾ NÀO?

1/ Vô Tâm có thể an, tức có thể khai ngộ.

Có một công án nổi tiếng như thế nầy :

Nhị Tổ Huệ Khả khi tham kiến sơ Tổ Đạt Ma rằng : Pháp ấn chư Phật, có thể được nghe ư?

Đạt Ma đáp : Pháp ấn chư Phật, chẳng từ nơi người mà được.

Huệ Khả nói : Tâm con chưa an, xin Sư an cho.

Đạt Ma bảo : Đem tâm ra đây ta an cho.

Huệ Khả tìm khắp nơi không thấy tâm, bèn nói : Con tìm Tâm khắp nhưng không gặp được.

Đạt Ma nói : Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Các vị cũng có thể tham thử pháp an tâm nầy, trước hết đem thân thể ngồi thẳng, thả lỏng toàn thân, mặt cũng thả lỏng, mắt cũng thả lỏng, trí não cũng thả lỏng. Sau đó chú ý tâm của bạn tưởng gì, có thể không tưởng. Lúc không tưởng đó, tâm bạn ở đâu, đang làm gì, phải chăng là có một cái tâm ư? Nếu như không có tâm, thì trở thành người chết, còn nếu có tâm tức là vọng niệm. Nhưng vô tâm cũng không phải là chết, có tâm không phải là vọng niệm, không sanh cũng không diệt mới gọi là tâm. Nếu như mọi người đều giống như ngài Huệ Khả, đó chính là khai ngộ rồi, cho dù đây không phải là việc dễ. Nếu luyện tập không ngừng, thì người người đều có thể từ sự phân biệt chấp trước bất an, bèn dần dần đạt đến sự vô tâm, không chấp trước, không  phân biệt.

2/ Tâm không chỗ trụ bèn khai ngộ.

Vị Tổ Sư tối quan trọng trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc đó là Lục Tổ Huệ Năng, ngài nghe được hai câu kệ trong kinh Kim Cang “Không nên trụ nơi nào để sanh tâm” mà được khai ngộ. Y nói tâm không có sự chấp trước, nhưng vẫn có tác dụng tùy duyên hóa độ.

Huệ Năng liễu ngộ tất cả vạn pháp đều không lìa tự tánh thanh tịnh. Lúc chưa ngộ thì cho rằng vạn pháp là nơi tụ tập của phiền não; còn sau khi ngộ rồi thì dùng vạn pháp làm công cụ tu hành.

3/ Tâm không mong cầu liền khai ngộ.

Thiền sư Đại Châu Huệ Hải cầu kiến Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ hỏi: “Ông từ đâu đến?”. Đáp : “ Từ chùa Đại Vân Việt Châu đến.”

– Đến đây để làm gì?

– Đến để cầu làm Phật

– Mã Tổ nói : Nhà mình có kho báu mà không đoái hoài, vậy mà chạy qua nhà người để làm gì? Ta ở đây một vật cũng không có huống chi tìm cầu Phật Pháp.

– Huệ Hải làm lễ hỏi rằng: Vậy cái nào là kho báu của nhà HHuệ Hải con?

– Mã Tổ nói : Ngay khi hỏi ta, là bảo tạng của ngươi, tất cả đầy đủ, lại không kém thiếu, sử dụng tự tại, cần gì phải hướng ngoại để tìm cầu. Ngay lời nói ấy sư thể hội được bổn tâm.

4/ Không ô nhiễm tức là khai ngộ.

Nam Nhạc Hoài Nhượng tham học với Lục Tổ suốt 8 năm, hoát nhiên khai ngộ, bèn bạch Tổ rằng :

– Con đây có chỗ lãnh hội.

– Tổ hỏi : Có cần tu chứng không?

– Đáp : Tu chứng thì chẳng không, ô nhiễm thì không được.

– Tổ nói : Chỉ vì sự không ô nhiễm này mà được chư Phật hộ niệm.

Ở trong Thiền Môn, những công án thế này rất nhiều, có trường hợp trải qua thời gian dài khổ luyện tu hành nhưng vẫn không đắc lực, thường thường nhân vì nghe một câu, hoặc một lời nói không có liên can, hoặc là thấy động tác hoàn toàn không có ý nghĩa, đột nhiên được khai ngộ. Cho nên nghe tiếng trúc khua nước chảy, nhìn hoa lá… đều có thể khai ngộ, nghe tiếng sấm, lời quát mắng cho đến tiếng ếch nhảy xuống ao đều có thể ngộ đạo.

Ví như thời xưa có một vị thiền sư tên là Linh Vân, nhìn thấy hoa đào nở mà ngộ đạo. Ngoài ra thiền sư Hương Nghiêm nhân vì lúc quét sân nghe tiếng đá văng vào cây trúc mà ngộ đạo. Đến như Tổ sư Hư Vân lão Hòa thượng trong lúc rót nước nóng, nhân tách trà rơi xuống đất bể liền đại triệt ngộ. Cũng có vị thiền sư trải qua nhiều năm tu hành nhưng không thấy tánh, buổi sáng sớm nọ lúc thức dậy không cẩn thận làm chóp mũi đụng vào khung cửa, ngay lúc ấy Ngài ngộ đạo.

CÔNG NĂNG HÉT ĐÁNH CỦA THIỀN TÔNG

1/ Đức Sơn lấy gậy đánh vị Tăng nước Tân La.

Có một vị Tăng nước Tân La vượt biển sang Trung Quốc, y chỉ ngài Đức Sơn tu hành.

Ngài Đức Sơn vừa thấy liền nói: “Ngày nay không cho mở lời hỏi”.

Vị Hòa thượng Hàn Quốc này liền đến trước lễ bái.

Cuối cùng Đức Sơn nói : “Thưởng ngươi ba mươi hèo.”

Vị Tăng nước Tân La liền biện luận : “Con đâu có thốt ra lời nào.”

Đức Sơn nói : “Trước khi ngươi rời khỏi nước Tân La, đã ăn ba mươi gậy rồi.”

Vị Tăng này sau khi chịu ba mươi gậy, cuối cùng có khai ngộ hay không vấn đề này trong sách không có ghi. Giả như vị ấy nhân thế mà khai ngộ, mà chịu ba mươi gậy thì đó là chuyện dự định trước. Công năng của việc đánh là ở chỗ ép người tham thiền chớ vọng tưởng phan duyên, không có chỗ để tránh né, cuối cùng có thể giúp họ đạt đến cảnh ngộ hiện tiền.

2/ Vân Môn Văn Yển tham kiến Thiền Sư Đạo Minh ở Mục Châu :

Thiền sư Đạo Minh vừa thấy Vân Môn liền đóng cửa lại. Vân Môn gõ cửa, Đạo Minh hỏi : “Ai? Đến để làm gì?”,

Vân Môn nói : “Có sự lý không rõ  ràng, thỉnh Sư khai thị”.

Đạo Minh mở cửa thấy Vân Môn liền gọi “Hô” một tiếng rồi đóng cửa lại. Vân Môn liên tục gõ cửa, mãi đến ngày thứ 3, Đạo Minh mở cửa, Vân Môn liền bước vào phòng.

Trong sách ghi rằng: Đạo Minh lúc này liền đóng cửa lại làm chân Vân Môn bị thương, sư cảm thấy đau và la lên, nhân thế mà đại ngộ.

Tuy nhiên cho dù bị thương chân nhưng nhân thế mà khai ngộ cũng không uổng công. Những việc trên đây đã nêu ra là những ví dụ đặc biệt. Thiền Sư lại không tùy tiện động thủ đánh người, nếu không thì thiền đường trở thành nơi bệnh hoạn, đâu phải là nơi tu hành ư?.

3/ Lâm Tế ba lần hỏi ba lần bị đánh.

Lâm Tế Nghĩa Huyền đến tham kiến Hoàng Bá Hy Vân. Hỏi : “Thế nào là đại ý Phật Pháp?” nói chưa xong, thì gậy liền văng vào thân, Ngài hỏi 3 lần thì  3 lần đều bị đánh. Do đó, cáo biệt Thiền sư Hoàng Bá. Lúc sắp ra đi Hoàng Bá chỉ Ngài đến tham phỏng Đại Ngu Thiền sư là pháp tôn của Mã Tổ. Nghĩa Huyền đến Thiền sư Đại Ngu kể rõ 3 lần hỏi 3 lần đều bị đánh. Đại Ngu nghe xong nói: “Hoàng Bá sao mà rộng lượng vì để cho ngươi được thấu suốt, vậy mà còn tìm đến đây.”

Nghĩa Huyền nghe rồi đại ngộ, liền đến trước Đại Ngu thụi một thụi vào bẹ sườn Ngài.

Đại Ngu nói : “Thầy ngươi là Hoàng Bá, chẳng liên can gì đến việc ta”.

Nghĩa Huyền liền đến chỗ Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi : “Sao về mau thế?”.

Nghĩa Huyền nói : “Chỉ vì tâm lượng rộng lớn”.

Hoàng Bá nói : “Lão Đại Ngu này, đợi khi ta gặp đánh cho một trận”.

Nghĩa Huyền nói : “Đợi thấy mà làm gì, phải đánh liền ngay bây giờ”. Bèn đánh Hoàng Bá một chưởng, Hoàng Bá cười khà khà.

4/ Lâm Tế gặp là liền đánh.

Tông Phong của Lâm Tế Nghĩa Huyền là hay hoạt dụng thiền cơ, đánh hét song hành, ở trong quyển 1 “Thiên Thánh Quảng Đăng Lục” chép :

– Có vị Tăng đến tham kiến, sư đưa cây phất lên, Tăng lễ bái. Sư liền đánh.

– Có vị Tăng đến tham kiến, sư đưa cây phất lên, Tăng không đoái hoài. Sư cũng đánh.

– Có vị Tăng đến tham vấn, sư đưa cây phất lên, Tăng nói: Cám ơn hòa thượng chỉ bày. Sư cũng đánh.

Trong tâm những vị này vì bị ngăn ngại cho nên gặp thiền sư Nghĩa Huyền đều bị đánh.

Lời kết :

 Hôm nay, chúng tôi ở đây, thắp lên tia lửa nhỏ, mong rằng sau này nó rực sáng mãi. Lại cũng nhờ các bậc cao minh đến hộ trì. Xin cám ơn lời mời của nhà trường, cám ơn sự sắp xếp của giáo thọ Zysk, cám ơn các vị giáo sư và các bạn đồng học, xin chúc phước mọi người.

—————————————————————

GIỌT SƯƠNG LẠC LOÀI

Khói trầm lan tỏa như mây

Thiền Tăng bóng nguyệt kình chày đêm thâu

Giọt sương điểm nhẹ trên đầu

Ánh dương ửng đỏ nhiệm mầu bình minh.

Thích Thiện Phước

 Cuối thu 2011.

Pages: 1 2 3 4 5 6